Có một sớm nao, trong bộn bề đời sống, bạn lại ngồi lặng trước hiên nhà, rồi bàng hoàng chợt nhận ra rằng: Mình đã trải qua một hành trình dài của cuộc đời! Trong rằng rặc và mịt mù của cuộc mưu sinh, cái gì thật sự còn lại của cuộc đời bạn hôm nay…
Chẳng biết với người khác thì như thế nào, riêng với tôi, cái còn lại ấn tượng nhất trong Tháng Năm (âm lịch) này đơn giản là xoong nước lá vối đặt ở góc nhà.
Tôi đã đánh vỡ biết bao nhiêu ấm đất của mẹ khi mỗi ngày phải nấu một ấm nước lá vối. Trước khi nấu cơm trưa, tôi vào buồng đến bên cái chum sứt miệng bốc ra một nắm lá vối khô đã được mẹ ủ phơi từ tháng Năm năm ngoái, rửa sạch cho vào nồi, kéo một gàu nước mưa trong bể, bắc lên bếp và mịt mù khói lửa.
Mẹ tôi đi làm đồng về, việc đầu tiên là người bắc xoong nước vối ra khỏi bếp. Xoong nước sóng sánh được mẹ cẩn thận để lên trên mặt một cái cối đập lúa trong một góc hiên nhà.
Vào những ngày nóng nực, mẹ tôi đong nước vối ra những cái bát đàn, rồi ới gọi mấy người hàng xóm sang uống nước. Tôi nhìn những bát nước vối óng lên màu hổ phách mà chẳng biết tự lúc nào đã nhận ra cái ngọt ngào thơm thảo từ thứ nước mộc mạc ấy. Mỗi khi khát nước, tôi chạy về nhà đến bên cái cối đập lúa, vội vàng gục mặt vào xoong nước vối màu hổ phách đã nguội ngắt, mát lạnh và ngọt lịm…
Tuổi thơ tôi đã biết bao lần ra đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về, song, riêng buổi chợ hôm Mồng Năm, tháng Năm (âm lịch) thì tôi không bao giờ quên. Hôm ấy mẹ đi chợ về xanh trong những bó lá vối. Mẹ tôi bảo: Lá vối hái vào những ngày này ngon nhất trong năm!
Mẹ đem những bó lá vối vào gậm bàn thờ, trùm lên trên một cái bao tải gai. Mấy ngày sau, lá vối chín vàng. Mẹ cắt ngắn cả lá lẫn cành, mỗi đoạn chừng mươi mười phân, rồi phơi trên sân dưới cái nắng hè như đổ lửa. Mấy hôm sau lá và cành vối đã khô giòn. Mẹ đổ vào chum, trên đạy một cái thớt móm, bảo: Lá vối mật, nhà mình đủ dùng đến mùa sau!
Tháng Năm cũng bắt đầu kỳ nghỉ hè. Nhinh nhỉnh lớn tôi đã có mặt trên những quả đồi của làng Cam Lâm (xã Đường Lâm) để kiếm củi, theo bạn bè đi mót lạc (nhặt nhạnh những củ lạc còn sót lại sau khi xã viên HTX đã thu hoạch) giúp mẹ.
Hôm ấy tôi tha thẩn lên đến đình đồi Cấm (nơi đây dân làng Cam Lâm cấm mọi người vì vào đến đây sẽ bị hổ vồ. Mãi đến khi có ngài Phùng Hưng trừ hổ dữ dân làng mới thoát nạn, nhưng cái tên dồi Cấm còn lưu lại đến ngày nay).
Trên đỉnh đồi Cấm có một ngọn chùa tên là Viễn Sơn. Bố tôi bảo ngọn chùa này đã bị phá trong thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến” (1947). Tôi ngồi lên một thớt đã chân cột to như cái mâm, viền xung quanh là những cánh sen mềm mại như một tòa sen đang độ. Từ trên đỉnh đồi tôi đưa mắt nhìn xuôi, dưới chân đồi thấp thoáng trong những tán xanh là làng xóm, xa xa là sông Hồng đang đầu mùa lũ, nước sông như một giải lụa điều mà trên đó bồng bềnh những lá buồm của những ván thuyền xuôi ngược.
Tôi cứ chìm đắm vào đất trời cho đến khi tiếng hú gọi của những đứa trẻ trong làng làm tôi thức tỉnh. Tôi nhìn vào trong giỏ, chẳng có một củ lạc nào. Một đứa trong bọn bảo: Theo tao! Thế là hơn chục đứa sà xuống ruộng lạc của HTX, mỗi đứa một tay, nhanh như chớp, giỏ lạc của tôi đã đầy. Thấy tôi có vẻ ngần ngại, một đứa bảo: Cả làng có đứa nào đi mót đâu, hôm nào chúng tao cũng làm như thế này… Chúng tôi ra về trong niềm vui đã hoàn thành tốt công việc cha mẹ giao cho trong một sáng nghỉ hè!
Sau một vài lần như thế, một hôm mẹ tôi đi làm về ngồi bên những bát nước vối, mẹ gọi tôi lại vẻ mặt đượm buồn: Từ mai mẹ không khiến con đi mót lạc nữa!
Năm ấy làng tôi đói lắm, đó là năm khắp cả vùng lúa mắc một thứ bệnh, không biết bệnh gì. Cây lúa chiêm cấy xuống đang kỳ rét đậm, lúa cứ đứng như thể bị đóng cọc xuống mặt bùn. Đến khi nắng lên, cả cánh đồng ngả màu vàng ệch. Tổ khoa học kỹ thuật của HTX phun tất cả các loại thuốc mà vô phương cứu chữa. Dân làng lâm vào một nạn đói do lúa bị bệnh, gọi nôm na là bệnh “vàng lụi”. Đó là năm 1966, chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ lan rộng ra cả miền bắc Việt Nam.
Mẹ tôi kể: Năm 1945, cả nước lâm vào một nạn đói, trên đình làng, trống được gióng lên mời gọi người ra nhận “đồ phát chẩn” (cứu đói). Mẹ tôi ra đóng chặt cổng và cấm mọi người trong nhà ra đình… Cũng may năm trước mẹ tôi trồng được mấy sào bí đỏ, trời giả mùa nên bí tốt lắm. Bí thu hoạch về xếp đầy gậm phản, gậm bàn thờ, Rồi cứ thế cháo bí qua ngày… Lâu rồi, năm nay làng lại đứng trước một nạn đói, nhưng không phải vì thế mà làm xấu đi nề nếp của gia đình mình được!
Cho đến tận hôm nay, mẹ tôi đã về nơi “chín suối” mấy chục năm rồi, tôi vẫn giữ được một nguyên tắc cho đời mình, không nhận bất cứ cái gì không phải do công sức mình tạo ra. Nguyên tắc này được bản thân tôi quán triệt rất rốt ráo ngay cả khi đời mình lâm vào những bước đi ngặt nghèo nhất!
Ấy là những năm tháng sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học rõ nhiều mà bó tay thúc thủ, không kiếm nổi miếng ăn tự nuôi mình. Buồn bực, tôi theo một hiệp thợ nề, tôi bỏ nhà đi lang thang, bước chân phiêu bạt một chiều nao đưa tôi đến bờ sông Đà sau mùa lũ.
Dòng sông cuồn cuộn chảy khiến cho vùng thượng du của tỉnh Phú Thọ là huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy bên kia sông xa hút. Bờ bên này của sông Đà từ đây lên phía thượng nguồn không có đê. Vào mùa lũ nước cứ thế chảy tràn, nước xe bồi vào làm cho một khoảng mênh mông dọc bờ sông toàn cát trắng.
Tôi có cảm tưởng là mình bị lạc vào một xa mạc nào đấy và… tôi khát. Hôm ấy tôi đã vục mặt xuống dòng sông Đà mà uống, uống đến no rồi ngồi nghỉ bên bờ, rồi lại uống, nhưng không làm sao xua đi được cơn khát. Mãi đến khuya, dưới một mái nhà sàn của một gia đình người Mường mà hiệp thợ tìm nơi tá túc, tôi đã được uống một thứ nước do chính tay người mẹ Mường nấu. Không biết nước được nấu bằng lá gì mà ngọt lịm. Sau khi uống tôi không còn khát nữa và nhanh chóng hồi sức, tỉnh táo.
Mọi người đã ngủ yên, trong cái thanh vắng tôi mới nghiệm ra rằng: Tôi khát vì không được uống những bát nước vối quê nhà. Tôi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ làng tôi da diết… Hôm sau, tôi bỏ hiệp thợ về quê.
Về làng, tôi đắm chìm vào ngọn lửa đâu đó đã được nhen nhóm trong lòng. Thoáng chốc mấy chục năm qua, đôi khi những cơn khát bất chợt kéo về, đây là điều mà tôi giấu tất thảy mọi người trong nhà. Tôi uống rất nhiều nước nhưng vẫn thấy mình không khỏi khát. Những lúc ấy tôi lại nhìn vào góc nhà, nơi ngày xưa mẹ tôi vẫn để xoong nước lá vối trên mặt chiếc cối đập lúa.
Những tháng ngày ấu thơ, tôi thường tha thẩn chơi bên cái cối. Năm tháng thời gian cái cối đã thấm bao nhiêu mồ hôi người, mồ hôi đất để mặt cối lên bóng nước thời gian. Đã bao nhiêu xoong nước vối đã được đặt lên đây mỗi ngày…
Mỗi năm, khi Tháng Năm về, lòng tôi lại xôn xao xanh trong màu xanh lá vối. Hình như trong tôi đã có một cội xanh, cái cội này được bắt đầu từ cái mầm xanh mẹ đã gieo vào trong tôi thuở đầu đời. Phải chăng đó là cái mầm THIỆN mà mỗi lần khát tôi lại thầm gọi: Xanh mãi tuổi thơ ơi.
Kết Thúc (END) |
|
|