Nga đoán như thánh.
Hôm trước Nga đi xem phim với Khải, hôm sau Quỳnh biết liền. Anh buồn thỉu buồn thiu.
Thật ra, Quỳnh buồn chuyện Nga đi chơi với Khải thì ít mà buồn chuyện Nga tỏ ra lạnh nhạt với anh thì nhiều. Đối với Quỳnh, Nga đi chơi với ai, thậm chí Nga yêu ai, đó là chuyện riêng của Nga. Quỳnh sẽ buồn, nhưng Quỳnh chịu đựng được. Anh biết anh chẳng thể đòi hỏi gì hơn ở Nga. Anh biết anh chẳng bao giờ len lỏi vào trái tim Nga được. "Đặc ân" đó dành cho người khác, không phải dành cho anh.
Ngược lại, nếu Quỳnh có "cả gan" yêu Nga thì đó cũng là chuyện riêng của Quỳnh. Trái tim anh có "quyền" hướng tới một hình bóng và mơ tưởng vẩn vơ. Anh chẳng cần Nga đáp lại tình yêu của anh. Tự nó, nó sống được. Anh ấp ủ và nuôi dưỡng nó bằng những vần thơ chép đầy trong tập và bằng những giấc mơ mà anh không bao giờ kể lại với bất cứ ai.
Anh chỉ cần một điều: Nga hãy coi anh là bạn. Nga hãy trò chuyện với anh và đừng phũ phàng từ chối những chăm sóc thầm lặng của anh. Nga không giống những người con gái khác. Nga không xem anh là thằng hề chuyên làm vui cho lớp học. Vậy thì Nga hãy đừng đối xử với anh như những kẻ khác. Quỳnh thì thầm với chính mình. Đôi khi anh tưởng như anh đang bày tỏ nỗi lòng u uẩn của mình với Nga và Nga đang ngồi trước mặt vừa chăm chú nghe anh vừa mỉm cười dịu dàng và thông cảm.
- Trăm sự cũng tại cuốn tập chết tiệt kia mà ra!
Bất giác, Quỳnh buông lời nguyền rủa. Chính cuốn tập đó là nguyên nhân của mọi tai họa. Sau khi đọc được những vần thơ đẫm nhớ thương trong đó, thái độ của Nga đối với Quỳnh lập tức thay đổi. Mà mình thì đâu có muốn vậy. Mình đâu có muốn Nga biết rõ tình cảm của mình làm chi. Quỳnh phiền muộn nhủ thầm.
Những ngày sau đó đối với Quỳnh là những ngày rất đỗi nặng nề. Năm học sắp kết thúc mà người bạn gái duy nhất của anh chừng như mỗi ngày mỗi vuột khỏi cuộc đời anh. Mà trái tim anh thì mỏng mảnh như tơ trời, đâu có níu giữ được ai. Nga chỉ khẽ vùng vẫy, nó đã đứt tung.
Mà Nga thì cứ "vùng vẫy" hoài. Nga chẳng thèm nhìn anh. Nga chẳng trò chuyện với anh như trước. Và cứ h- chuông reo báo giờ chơi thì Nga vội vàng bỏ ra khỏi lớp.
Mỗi lần như vậy, Quỳnh chỉ còn cách ngồi đưa mắt nhìn theo. Vẻ thẫn thờ của Quỳnh khiến tụi bạn ưa chọc phá đâm chán. Chẳng đứa nào thèm trêu ghẹo anh nữa. Hai vành tai của Quỳnh dạo này cũng "hỏng" rồi. Chúng bị "trục trặc" một bộ phận nào đó, bạn bè điều khiển chẳng như ý muốn nữa. Biểu chúng vẫy, hứng thì chúng nhúc nhích, không hứng thì chúng nằm trơ, y như xe chết máy, chán ơi là chán! Vài lần như vậy, tụi bạn lảng hết.
Một hôm, Luận bước lại ngồi xuống bên Quỳnh, tò mò:
- Làm gì mà mấy bữa nay mày buồn xo vậy ?
Quỳnh chối:
- Tao có buồn gì đâu!
- Đừng xạo mày! Dòm mặt mày là tao biết liền!
Nghe Luận nói vậy, biết không thể chối được, Quỳnh ngồi im. Luận lại hỏi:
- Mày buồn nhỏ Nga phải không ?
Quỳnh giật thót:
- Đâu có.
Luận tặc lưỡi:
- Mày chỉ giỏi chối! Tao biết mày buồn nhỏ Nga.
Quỳnh lại làm thinh. Anh khụt khịt mũi thay cho câu trả lời.
- Mày với nhỏ Nga lúc này không chơi với nhau nữa phải không ? - Luận lại lên tiếng.
Quỳnh lặng lẽ gật đầu.
Luận thắc mắc:
- Sao vậy ?
- Ai biết! - Quỳnh lại nói dối.
Luận ngẫm nghĩ một hồi rồi lại chép miệng:
- Chắc là tại tao.
Quỳnh lắc đầu:
- Không phải tại mày đâu! Lúc này mày đâu có trêu tụi tao nữa!
- Chính vì vậy mà nhỏ Nga mới nghỉ chơi với mày. Chứ hồi tao còn chọc mày, nhỏ Nga bênh mày ra mặt. Tao càng chọc, hai đứa mày càng "sát cánh" bên nhau.
Lối lập luận của Luận khiến Quỳnh tức cười. Nhưng anh không cười nổi. Luận lại nói:
- Vậy ngày mai tao bắt đầu chọc lại nghen ?
- Thôi, thôi! - Quỳnh vội vã xua tay - Mày đừng có giở trò đó ra nữa!
Luận cười hì hì:
- Mày không muốn thì thôi! Nhưng tao phải làm gì để giúp mày chứ!
- Tao chẳng cần.
- Chẳng cần thì tao đi à!
- Ừ, mày đi đi!
Luận đi thật. Nó bỏ ra ngoài hành lang. Dòm qua cửa sổ, thấy Quỳnh ngồi ủ rũ, Luận lắc đầu. Nó chẳng hiểu sao bạn gái bạn trai chơi với nhau thế nào cũng có hồi xích mích. Luận thì Luận chẳng thèm chơi với bọn con gái. Luận chỉ thích chọc cho tụi nó giãy nảy lên thôi.
Cả Hạnh cũng băn khoăn về thái độ của Nga đối với Quỳnh. Trong một lần cặp kè với nhau ngoài sân, Hạnh hỏi Nga:
- Lúc này sao Nga cứ ra ngoài chơi hoài vậy ?
- Thì giờ chơi, phải ra chơi chứ!
Hạnh "xì" một tiếng:
- Lúc trước đâu có vậy. Lúc trước Nga cứ ở hoài trong lớp.
Nga ậm ừ:
- Thì hồi trước khác, bây giờ khác.
- Khác sao ?
Hạnh hỏi cắc cớ làm Nga không trả lời được. Nga ấp úng rồi nhăn nhó đáp:
- Thì khác chứ khác sao!
Hạnh liếc Nga:
- Khác là bây giờ Nga "nghỉ chơi" với Quỳnh chứ gì ?
Túng thế, Nga phải gật đầu.
- Có chuyện gì vậy ? - Hạnh hỏi dò.
- Chẳng có chuyện gì cả. Hết thích thì nghỉ chơi vậy thôi.
Vừa nói, Nga vừa ngó lơ chỗ khác.
Đột nhiên Hạnh khịt mũi:
- Nga giấu Hạnh đó thôi. Nhưng Hạnh biết hết rồi.
Nga quay lại, thấp thỏm:
- Hạnh biết gì ?
Hạnh nheo mắt tinh nghịch:
- Hạnh biết tại sao Nga nghỉ chơi với Quỳnh! - Rồi Hạnh kéo dài giọng - Bởi vì gần đây Nga đi chơi với Khải.
Nga hoảng hồn:
- Ai nói với Hạnh vậy ?
Hạnh chun mũi:
- Cần gì ai nói. Chính mắt Hạnh trông thấy đàng hoàng. Hạnh thấy Nga với Khải đi xem phim. Bữa đó Hạnh cũng đi xem phim mà.
Hóa ra là vậy! Nga than thầm và tìm cách chống chế:
- Hôm đó có cả chị Ngàn đi nữa.
Hạnh gật đầu:
- Ừ, Hạnh cũng thấy cả chị Ngàn. Nhưng chị Ngàn ngồi ngoài rìa. Còn Nga và Khải ngồi kế nhau.
Những chi tiết Hạnh nêu khiến Nga giật bắn người. Nga rủa thầm: nhỏ Hạnh này quỉ quái thật! Chắc là bữa đó Hạnh ngồi phía sau mà mình không biết! Hú vía, may mà mình và Khải chẳng có gì!
- Phải vậy không ? - Hạnh cất lời, cắt đứt dòng suy nghĩ của Nga.
Nga hỏi lại, giọng cảnh giác:
- Phải chuyện gì ?
- Phải đó là lý do Nga nghỉ chơi với Quỳnh ?
Nga lắc đầu:
- Không phải vậy đâu. Hạnh hiểu lầm rồi. Giữa Nga và Khải chẳng có gì hết. Chỉ là bạn thôi.
Hạnh vẫn chưa hết thắc mắc:
- Bạn sao... thân quá vậy ?
Nga thở dài:
- Nga đâu có thân với Khải. Nhưng vì Khải hay qua nhà chơi với chị Ngàn, hai người đi xem phim, rủ Nga đi theo cho vui vậy thôi.
- Té ra là vậy!
Hạnh gật gù. Bây giờ thì Hạnh tin lời Nga. Khi nói câu đó, vẻ mặt của Nga toát ra sự thành thật, thậm chí nó còn có vẻ buồn buồn. Nhưng nếu không phải vì Khải thì vì lý do gì Nga không thèm nhìn mặt Quỳnh nữa ? Hạnh lặng lẽ đi bên Nga, trong đầu quay cuồng hàng trăm dấu hỏi. Nhưng rồi Hạnh cũng chẳng lần ra được đầu dây mối nhợ nào.
Trong khi đó, Quỳnh vẫn âm thầm chấp nhận số phận của mình. Anh chẳng trách Nga. Anh chỉ buồn. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Quỳnh trải qua một nỗi buồn lớn lao như thế. Nó ngấm vào lòng anh từng giọt, từng giọt như tiếng mưa rơi rả rích trên mái tôn nhà anh vào những đêm đông lạnh. Trước khi gặp Nga, anh hồn nhiên biết bao. Anh thản nhiên chấp nhận cái vai mà bạn bè đã phân cho anh. Anh là đối tượng bị trêu chọc, anh bị xem như thằng hề chuyên mua vui cho đám đông. Anh chịu đựng tất cả những điều đó với sự lặng lẽ bình thản, mặc dù không phải không có lúc anh cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng dù sao, đó cũng là những nỗi khó chịu thoáng qua. Chúng khác xa với tâm trạng day dứt khổ sở mà anh đang gặp phải. Trong nhiều đêm trằn trọc, Quỳnh hiểu rằng quên đi người mình ghét bỏ thì d- nhưng quên đi người mình yêu thương là chuyện khó tày trời.
Quỳnh buồn. Nhưng Quỳnh cố nén nỗi buồn xuống đáy lòng để tập trung đầu óc vào việc ôn thi học kỳ hai. Buồn Nga mới chỉ một, học hành chẳng ra gì, Quỳnh sẽ buồn gấp đôi. Vì vậy, Quỳnh cố sức.
Những ngày này, tàng phượng trong sân trường bắt đầu trổ hoa, báo tin mùa hè đã đến. Lũ ve thi nhau ồn ã trên những nhánh cây cao. Không khí lớp học náo nức hẳn lên, đặc biệt là vào những ngày thi cuối cùng. Bạn bè trong lớp đã bắt đầu thôi nghĩ đến chuyện sách vở. Từng nhóm tụm năm tụm ba kháo nhau những kế hoạch vui chơi trong dịp hè sắp đến.
Chỉ riêng Quỳnh là chẳng có kế hoạch gì.
Luận hỏi:
- Hè này mày có đi chơi đâu không ?
Quỳnh lắc đầu:
- Chắc tao ở nhà.
Luận nheo mắt, ngờ vực:
- Mày xạo! Nghỉ hè, ở nhà làm gì ?
Quỳnh chép miệng:
- Tao ở nhà chạy xe với chú tao.
Luận bật "à" một tiếng. Nó sực nhớ đến hoàn cảnh khó khăn của bạn. Ngẫm nghĩ một lát, Luận cầm tay Quỳnh, lay lay:
- Vậy hè này tao sẽ đến chơi với mày.
Quỳnh thở dài:
- Tao chạy xe suốt ngày, mày đến chơi với ai ?
- Thì tao sẽ đi theo mày. Khi nào mày mệt, tao sẽ đạp phụ.
- Thôi đi!
Quỳnh nói, giọng không giấu được cảm động.
Luận phẩy tay:
- Không có thôi gì hết! Hè này tao sẽ tới!
Luận nói cả quyết như đinh đóng cột.
Nhưng rồi Luận chẳng có dịp nào thực hiện được ý định tốt đẹp đó của mình.
Trước ngày bãi trường khoảng mười hôm, mẹ Quỳnh đi đứng loạng quạng sao đó, bị bé đập đầu vào ngạch cửa, đứt mạch máu não. Lúc đó, Quỳnh còn ở trường. Mấy đứa bé đang chơi trong nhà thấy vậy kêu toáng lên. Hàng xóm chạy qua, đưa mẹ Quỳnh vào bệnh viện.
Lúc về nhà, nghe mấy đứa nhỏ thuật lại, Quỳnh hốt hoảng chạy đến bệnh viện. Quỳnh gặp ông chú ở đó. Chú Quỳnh nói:
- Mẹ cháu số còn lớn. Gặp người khác, đứt mạch máu não chắc đi luôn rồi.
- Còn mẹ cháu thì sao hả chú ? - Quỳnh lo lắng hỏi.
Chú Quỳnh thở dài:
- Mẹ cháu chỉ bị... liệt nửa người thôi!
Nghe vậy, Quỳnh òa lên khóc.
|
|
|