Đó là tất cả những gì Thường biết về cái chết của ba mình. Lúc ba bị nạn, anh đang ngồi trong lớp, đùa giỡn cùng bạn bè.
Khi tiết học thứ hai bắt đầu được mười phút, bác bảo vệ chạy vào báo cho Thường biết có người nhà cần gặp. Sau khi xin phép cô giáo, Thường lật đật đi theo bác bảo vệ.
Bắt gặp Nhi, em gái mình, đang đứng khóc thút thít trước cổng, lập tức Thường linh cảm có chuyện không may. Anh vội vàng nắm lấy vai em, lo âu hỏi:
- Có chuyện gì vậy em? Sao em lại khóc?
Nhi ngước nhìn anh và trả lời qua màn nước mắt:
- Ba bị bắn.
Thường tái mặt:
- Bị bắn? Ai bắn?
- Bọn cướp. Thường nghe tim mình như thót lại. Anh lại lay vai em:
- Ba có sao không?
- Em không biết! Nhi đáp trong tiếng nấc. Người ta chở ba đi bệnh viện rồi!
Thường không hỏi nữa. Anh tức tốc quay vào trường lấy xe và vội vàng chở em tới bệnh viện. Anh đạp vội vã, quýnh quýu, mồ hôi đẫm cả lưng.
Khi Thường lách vào, anh nhìn thấy hai người bạn của ba cùng một cô gái lạ mặt đang ngồi ủ rũ bên cạnh mẹ. Bà Tuệ, mắt đỏ hoe, thấy Thường tất tả chạy vào, bỗng òa lên khóc.
Thường ôm vai mẹ, hốt hoảng:
- Chuyện gì vậy mẹ? Ba đâu?
Bà Tuệ gục đầu lên ngực con, khóc rấm rứt. Bà chưa kịp trả lời thì mọi người bỗng xôn xao. Họ dạt ra hai bên nhường chỗ cho những người mặt áo bờ-lu trắng khiêng ông Phong ra. Ông đã chết.
Nghe tiếng ồn ào, Thường quay vội về phía cửa phòng cấp cứu. Vừa nhìn thấy thi hài của ba, anh kêu lên một tiếng và ngất xỉu trên tay mẹ.
Khi Thường tỉnh lại, anh nhận ra mình đang nằm trên chiếc giường quen thuộc ở nhà. Bên cạnh anh vẫn là hai người thợ hồ và cô gái Thường bắt gặp nơi bệnh viện. Họ đang an ủi bà Tuệ và bé Nhi.
Lúc Thường chỏi tay ngồi dậy, mọi người quay nhìn anh với vẻ ái ngại. Một người thợ hồ nói:
- Cháu cứ nằm nghỉ đi!
Thường như không nghe câu nói. Anh nhìn thẳng vào người bạn của ba mình, hỏi bằng giọng khàn khàn:
- Sao ba cháu chết vậy bác?
Biết không thể tránh né được, sau một thoáng ngập ngừng, người thợ hồ chậm rãi thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Giọng ông run run như chưa hết xúc động.
- Ba cháu là một người tốt! Một người dũng cảm!
Người thợ hồ buồn bã kết luận.
Thường quay nhìn cô gái. Bây giờ anh mới biết cô ta là chủ nhân của chiếc xe và cũng là nạn nhân của bọn cướp. Cô ta là nạn nhân nhưng người chết lại là ba mình! Ý nghĩ đó khiến Thường cảm thấy đau đớn. Anh không trách cô gái nhưng nỗi đau của anh hiện lên trong ánh mắt cháy bỏng đến mức cô ta bất giác quay mặt đi. Tự nhiên cô gái cảm thấy cần phải làm một điều gì. Cô đã theo ông Phong vào tận bệnh viện. Rồi cô lại theo về đến đây. Suốt thời gian đó, lúc nào cô cũng cảm thấy mình như người có lỗi. Cô tưởng như chính mình là người gây ra tai họa cho gia đình tử tế này. Cảm giác đó khiến cô vô cùng ray rứt. Cô rất muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ gia đình ân nhân. Nhưng lòng dạ đang rối như tơ vò, cô thật chẳng biết phải làm gì. Trong lúc đang bối rối, ánh mắt cô bất thần chạm phải hai chiếc nhẫn đang đeo trên tay. Ngay lập tức, một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu cô. Thoạt đầu, cô hơi đắn đo. Cô cảm thấy ý nghĩ của mình có vẻ gì đó như là sự gàn dở. Nhưng rồi chẳng nghĩ ra cách nào khác, vả lại cũng không đủ sức để nghĩ ngợi thêm, cô tặc lưỡi và ngại ngùng chạm tay vào vai bà Tuệ:
- Thưa bác!
Bà Tuệ ngước lên:
- Gì đó cô?
Cô gái lúng túng tháo hai chiếc nhẫn đang đeo trên tay và rụt rè đặt vào tay bà Tuệ :
- Bác cầm cái này để lo cho bác trai. Đây là tấm lòng của cháu.
Bà Tuệ khẽ lắc đầu:
- Tôi không nhận đâu! Tôi rất cảm ơn cô nhưng cô hãy cầm về đi!
Cô gái khẩn khoản:
- Bác nhận đi mà! Chính vì cháu mà bác trai gặp chuyện không may. Nếu bác không cho cháu chia sẻ phần nào, cháu sẽ rất áy náy.
Bà Tuệ không trả lời cô gái. Bà thở dài và chậm chạp nhìn ra cửa. Trong mắt bà, khung cửa bỗng trở nên rộng mênh mông. Bởi vì kể từ nay, chồng bà sẽ không bao giờ đặt chân qua ngưỡng cửa đó nữa. Bà sẽ không bao giờ còn nhìn thấy ông mệt mỏi trở về nhà sau một ngày lao động vất vả, tay chân dính đầy vôi vữa nhưng nụ cười tươi tắn và hiền lành vẫn luôn nở trên môi. Bà cũng sẽ không bao giờ thấy lại cảnh bé Nhi lục tung các túi áo túi quần của ba nó mỗi khi ông đi làm về để tìm cho bằng được gói kẹo ông giấu ở đâu đó trong người rồi hớn hở reo lên "A, đây rồi! Con tìm thấy rồi". Không, không còn gì nữa, kể từ hôm nay ông đã đi xa...
- Thưa bác...
Tiếng cô gái lại ngập ngừng vang lên bên tai. Bà Tuệ khẽ chép miệng. Bà thì thầm như nói với chính mình:
- Ông ấy là một người tốt. Những gì cần làm thì ông ấy đã làm. Ông ấy không cần đền đáp.
- Nhưng thưa bác...
Bà Tuệ không để cô gái nói hết câu. Bà cầm lấy tay cô, trầm giọng :
- Tôi cảm ơn cô. Tấm lòng của cô, tôi hiểu. Nhưng tôi đã nói rồi. Cô cầm về đi. Con người chẳng ai biết trước được chuyện sống chết, cô chẳng nên áy náy làm gì.
Trước thái độ dứt khoát của bà Tuệ, cô gái biết chẳng thể nài nỉ được nữa. Cô đứng dậy ấp úng cáo từ và chậm chạp tiến ra cửa bằng những bước chân lặng lẽ, nặng nề và đầy phiền muộn.
Tối đó, trước lúc đi ngủ, bà Tuệ nghiêm nghị nói với hai con:
- Kể từ hôm nay, chỉ còn ba mẹ con mình với nhau. Chúng ta phải nương tựa, và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống...
Cố nén xúc động để nói năng ôn tồn, khúc chiết, bà muốn làm gương cho các con về sự trầm tĩnh. Nhưng bà không thể nào trình bày hết những suy nghĩ của mình. Đang nói nửa chừng, chợt bắt gặp ánh mắt thẫn thờ ngơ ngác của Thường và Nhi, bà bổng thấy nghẹn nơi cổ và lập tức bật lên tiếng nấc. Thường và Nhi liền òa lên khóc theo. |
|
|