Bạn cũ chuyện xưa Thầy giáo Hiền và cô Hai Phục sánh duyên với nhau đã được hơn 3 năm.
Thầy đi dạy mỗi tháng lãnh lương 45 đồng bạc. Cô ở nhà hằng bữa lo cơm nước, coi cho trẻ ở lau chùi bàn ghế, chỉ cho học trò nhổ cỏ tưới bông. Hễ có buồn thì thầy đọc truyện cho cô nghe chơi, hoặc cô khảy đờn và ca nhỏ nhỏ cho thầy giải muộn. Cái cảnh an nhàn đầm ấm nầy làm cho vợ chồng say sưa mà quên hết những mùi gió bụi, quên hết những thói lợi danh của đời.
Một buổi chiều chúa nhật, vợ chồng ăn cơm sớm rồi nằm với nhau trên một bộ ván nhỏ nằm tựa cữa sổ mà hứng mát mà luận việc đời. Thầy cảm hứng mà nói với cô rằng : “Em nghĩ đó mà coi, ở đời nào nghĩ phải làm giàu cho to, làm quan lớn, mới được hưởng hạnh phước. Cái hạnh phước ở trước mặt mỗi người, tại mình nịch chữ lợi danh, nên nó mới xa mình, rồi mình tìm không được chớ. Qua lấy làm tiếc quá. Tại em bỏ lên SaiGon mà mình mất hạnh phước hết 19 năm, chớ chi em ở nhà thì mình hưởng hạnh phước trọn đời, không mất năm nào hết “.
Cô Hai lắc đầu đáp rằng : “Em tưởng không phải vậy đâu. Nhờ em lưu lạc 19 năm đó nên bây giờ em mới được hưởng hạnh phước thảnh thơi đây a anh. Em mắc “nợ đời” em phải trả cho xong. Rồi em mới rảnh rang được chớ. Anh chẳng nên tiếc, mà anh cần phải cầu nguyện cho nợ đời của em dứt thì mình hưởng hạnh phước mới lâu dài.”
Cô nói tới đây rồi cô ngồi dậy; cô ngó ra cửa mà ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cô day vô ngó thầy mà nói giọng buồn :
- Em coi nợ đời của em chưa dứt.
- Em còn nhớ chuyện cũ người xưa nữa làm chi, mà em nói như vậy.
- Xin anh đừng nghi bụng em chớ. Nếu anh nghi thì nhục cho em quá. Vợ chồng ở với nhau hơn 3 năm rồi anh chưa tin lòng dạ em hay sao ? Em thường nói với anh, em coi sự phú quí như đôi giày rách không có giá trị gì, bởi vì em có nếm thử rồi. Còn về cái tình, thì trong đời nầy chỉ có một mình anh đối với em, anh có cái tình thiệt mà thôi. Em sợ em chưa trả dứt nợ đời, là vì em có một đứa con, mà thuở nay mẹ con lìa nhau, em đẻ con mà em không nuôi dưỡng nó nên em sợ tội lỗi chỗ đó chớ.
- Việc đó em sợ cũng phải. Mà em nói hồi em sanh nó ra rồi, em đổi nó cho một cô nhà giàu. Nó được về tay kẻ giàu có thì tự nhiên nó no ấm, chớ có thất dưỡng đâu mà em sợ.
- Cuộc đời dời đổi, mình biết đâu được mà dám chắc.
Hai vợ chồng đàm luận tới đó thì có một người thình-lình bước vô cửa mà hỏi lớn rằng : “Xin lỗi, không biết nhà nầy phải là nhà của thầy giáo Hiền hay không vậy ông ?”
Trời đã chạng vạng tối. Hai vợ chồng thầy giáo ngó ra, không biết ai, chỉ thấy một người đờn bà tuổi trên 50, mình mặc y phục nhuộm màu dà theo mấy bà vãi, chân không có giầy guốc, đầu choàng hầu khăn đen, tay xách một cái giỏ nhỏ.
Thầy giáo vừa leo xuống đất vừa đáp rằng : “ Thưa, phải. Bà ở đâu mà hỏi thăm thầy giáo Hiền ? “
Bà ấy chỉ cô Hai và cười và nói : “Có con Hai kia ! Hai, em quên chị hay sao?”
Cô Hai lại gần dòm bà ấy, rồi ôm ngang mình Bà mà nói lớn rằng : “Ủa chị Ba ! Chị đi đâu mà mấy năm nay em hỏi thăm cùng hết không ai biết chị ở đâu mà chỉ ? sao chị biết em ở đây mà chị tìm ? “
Người đờn bà nầy là Ba Có.
- Chị ta để cái giỏ lên trên bàn, lột cái khăn đen thì lòi đầu trọc lóc. Chị ta nói rằng: “Qua đi tu từ đó cho đến bây giờ, em kiếm sao ra”.
Cô Hai day lại nói với thầy giáo rằng : “Chị Ba đây là người nuôi dưỡng dạy dỗ em hồi trước, em thường có nói với anh đó”
Thầy giáo bước lại chào Bà Có và nói rằng : “Cô Hai thường nhắc nhở chị hoài. Nay tình cờ mà chị tới đây cho em biết, thiệt em mừng lắm. Mời chị ngồi”.
Cô Hai hỏi Ba Có nữa rằng :
- Sao chị biết em ở đây ?
- Qua về SaiGon kiếm em không có. Qua chắc em về Cai-Lậy nên qua xuống đây. Qua hỏi thăm bên chợ, biết em, họ nói em bây giờ làm bạn với thầy giáo, rồi họ chỉ nhà cho qua lại đây.
- Em gặp chị em mừng quá. Thôi, chị ở đây với em. Chị muốn tu ở nhà tu cũng được, cần gì phải đi đâu. Thầy giáo đây cũng tu vậy. Mà nếu chị chịu ở đây chị tu, thì có lẽ em cũng tu với chị.
- Không được. Chị có am riêng. Chị ở đây rồi bỏ am cho ai.
- Am của chị ở đâu?
- Ở trên núi ông Tô.
- Núi ông Tô ở đâu lận?
- Thuộc về núi thất sơn, ở gần chợ Xà-Tón.
- Thuở nay em không biết. Ủa! mà quên nữa chớ. Để nấu cơm cho chị ăn, gặp nhau mừng quá, cứ nói chuyện hoài.
- Không. Qua ăn cơm bên chợ hồi nãy rồi.
- Bất nhơn dữ hôn! Sao không qua đây, lại ăn ngoài chợ nữa vậy?
- Qua ăn chay, mua cơm với ít trái chuối mà ăn thì đủ rồi. Qua sợ kiếm em không được, nên xe xuống tới là qua lo cơm nước cho xong rồi qua mới đi hỏi thăm.
Thầy giáo kêu thằng phu, biểu đốt đèn nấu nước, chế trà mới mà đãi khách. Còn Cô Hai thì múc nước cho Ba Có rửa mặt, rồi trải chiếu đem gối mời chị ta nằm nghỉ.
Ba Có hỏi Cô Hai Phục tại làm sao đã đùa Quan Đốc Phủ Thần mà theo ông cử Hùng, rồi lại trở về Cai Lậy mà lập gia thất với thầy giáo. Cô Hai ngồi khỉ khâm thuật hết công chuyện lại cho Ba Có nghe, cô nói ở với ông Cử 12 năm, lần hồi tiêu hết xe hơi, hột xoàn cùng là tiền bạc, rồi ông Cử ham giàu bội nghĩa, nghe lời Bà Phủ Tăng đi cưới vợ, cô hờn nên trở về Cai lậy mà lánh thói đời; chẳng dè về đến đây hay thầy giáo nặng tình với cô, nên cô phải lấy nghĩa mà báo đáp. Cô kể đủ mọi đều, không dấu-diếm chỗ nào hết, rồi cô lại nói rằng: “Em đụng thầy giáo ba năm nay, trí em rất nhàn lạc, thân em rất an ổn, bây giờ em đã biết hạnh phước là cái gì rồi, không phải lúc em có tiền bạc nhiều, hay là lúc em dựa người cao sang mà em có cái hạnh phước như vầy đâu. Bởi vậy em không tiếc cái chức bà “Đốc Phủ” sang trọng, mà em cũng không phiền cái thói ông Cử Nhơn bạc bẽo, sợ e làm bà Đốc hay bà Cử cũng không được hưởng cái hạnh phước nầy.”
Ba Có chau mày nói chậm rãi rằng:
- Từ ngày chị phiền em, chị bỏ em mà đi tu, chị lo có một đều, là lo em máng tay ông cử Hùng mà em phải bị khổ não...........
- Chị đoán thiệt là đúng lắm. Chánh thằng điếm, chớ không có tình nghĩa chi hết.
- Tại em bị tình nặng ám mắt em nên em không thấy, chị là người đứng ngoài vòng, chị sáng suốt hơn em, nên nghe tiếng thấy bộ, thì đã biết tâm ông cử rồi, có lạ gì đâu.
- Hồi trước em cãi lời chị, vậy mà chị còn hờn em hay không?
- Hồi đó chị giận em thiệt, song giận là vì sợ em bị hại, chớ không phải là sợ cái ý gì khác đâu. Thôi, bây giờ chị thấy em hưởng hạnh phúc thì chị vui lắm, còn hờn nỗi gì nữa.
- Tại sao chị cạo đầu đi tu? Chị nói cho em nghe thử coi. Đi tu chi vậy? Mười mấy năm nay chị tu, mà trí chị có được an tịnh hay không?
Ba Có ngồi lặng thinh, coi ý không muốn tỏ việc của mình. Thầy giáo thấy vậy bèn bước tránh ra ngoài sân, ý muốn cho chị em thông thả mà nói chuyện. Ba Có bèn kêu mà nói rằng: “Thầy giáo ngồi đây chớ. Chị em tôi có chuyện gì giấu thầy đâu mà thầy phải ái ngại”.
Thầy giáo trở vô.
Ba Có nói rằng: “Con Hai, em không biết tại sao mà chị đi tu? Em không biết cũng phải, bởi vì thuở nay chị có nói tâm sự của chị cho em hiểu đâu. Chị vốn là con nhà giàu có sang trọng. Ông thân của chị hồi đó là một viên quan, quyền thế ít ai bì kịp. Khi chị được 18 tuổi, thì cha mẹ chị định gả chị cho con một viên quan khác. Đám hõi rồi, kế ông thân của chị bị dân thưa kiện lum tùm, quan trên mở cuộc tra vấn rất gắt. Ông thân của chị sợ tội, nên tuôn hết của tiền ra mà lo, chạy sấp chạy ngửa mà lo không khỏi tội, nên bị cách chức. Bên chồng của chị thấy nhà chị suy sụp, thì lật đật hồi hôn. Cha mẹ của chị bị thất thời nhục nhã, bị dân tình khinh dễ, bị hết của hết tiền, rồi lại thấy sui gia phụ bạc nữa, thì buồn rầu chịu không nổi, dắt chị về Saigon ở được ít tháng kế lần lượt khuất lần. Lúc đó thân chị bơ vơ, không có bạc tiền, mà cũng không nơi nương dựa. Chi có quen với một người đờn bà hồi trước là vợ của một thầy đội, chồng chết rồi về Sài gon ở buôn bán. Chị xin ở đậu với thím đội đó, chớ có tiền đâu mà mướn phố ở cho nổi. Tuy chị là con quan, nhưng mà bậy giờ đã thất thời, nếu không làm thì lấy chi mà ăn. Chị nghĩ ở đất Saigon ai cũng như nấy, có ai biết ai đâu mà sợ xấu hổ, chị mới nấu chè thưng, bánh canh mà bán đặng kiếm lời độ nhựt. Nhờ chị buôn bán năm sáu năm, tuy không dư giả lắm, song thân chị cũng được no ấm lành lẽ, tuy không vui vẻ thong thả, song chị giữ lòng trong sạch, không nhục tổ tông, không hổ phận gái. Một bữa nọ chị đi bán gặp một ông Huyện, ổng nhìn rồi ổng biết chị, bởi vì hồi trước ổng còn làm thông ngôn thì ổng có làm việc với ông thân của chị. Ổng tỏ ý thương xót thân chị, khi trước ở lầu hồng gác tía, mà bây giờ đi mua gánh bán bưng. Ổng nói tiếng nào cũng trung hậu nhơn nghĩa, ổng hỏi thăm chỗ chị ở, ổng mua áo quần mà đem lại cho chị, ổng còn đưa cho chị mượn 20 đồng bạc để làm vốn buôn bán nữa. Ổng tới lui thăm chị ít lần rồi tỏ thiệt rằng ổng goá vợ nên muốn kết nghĩa trăm năm với chị. Thân chị cũng như người đương chới với giữa dòng sông, có vật gì níu mà sống thì chị níu liền, lại thấy ý ổng tử tế quá, chị còn dục dặc gì nữa. Chị ưng ổng, song tới lui mà thôi, chớ không chịu làm hôn thú và cũng không rước về nhà ở chung. Hễ chị nói tới việc đó, thì ổng nói rằng ổng có con, để thủng thẳng ổng tính việc nhà yên rồi vợ chồng ở chung mới được. Ổng không cho chị đi bán nữa, mỗi tháng ổng đưa cho chị 20$ mà trả tiền cơm tiền nhà. Ông Huyện làm bạn với chị được sáu tháng rồi ổng bặt tin không tới lui nữa. Chị đi hỏi thăm thì hay ông đã cưới vợ rồi, cưới một người gái lỡ thời trong Cholon giàu có lắm. Thầy giáo với con Hai nghĩ coi nhơn tình như vậy có oán hận hay không?
Cô Hai Phục nói rằng:
- Việc của chị mới nói đó giống như việc của em vậy chớ gì?
- Phải. Mà chị bị gạt có một lần chị biết khôn. Còn em lôi thôi để cho chúng gạt được một lần thứ nhì nữa.
- Mà bây giờ sao em không biết giận. Mình cứ giữ thói cho chắc, ai giả dối thì để cho trời phật phạt họ. Bây giờ chị cũng vậy, chị không biết giận nữa. Mà hồi trước có phải vậy đâu. Hồi trước chị hung hăng lắm, nhứt mà gạt mà cho ô danh xủ tiết chị thì chị thù oán vô cùng. Chị không biết làm sao mà nhục người gạt chị đó được, chị cuồng trí rồi chị oán hêt thảy thiên hạ không chừa một người nào.
- Tại như vậy đó chị cậy tay em trả thù cho chị đó phải hôn?
- Phải. Phận chị đã trọng tuổi, mà lại không có sắc, khó cho chị hại cái giống đờn ông, nhứt là cái giống đờn ông cao sang được. Chị thấy em có sắc, trẻ tuổi, chị mới nuôi dạy em đặng giết thiên hạ mà trả thù cho chị.
- Bây giờ em nói thiệt với chị, hồi trước em vưng lời chị, em làm nhiều việc nghĩ lại tội nghiệp người ta quá, như chuyện thầy Cao đó, hễ em nhớ tới là em không vui.
- Bây giờ chị còn ăn năn nhiều hơn em nữa. Chị là cái óc, em là cái tay, tại óc khiến tay mới làm, nên chị có tội nên em vô tội. Chẳng phải việc thầy Cao mà thôi, việc nào chị cũng ăn năn hết thảy. Vay có một người, mà chị bắt nhiều người phải trả, tội là tại chỗ đó, mà hồi đó chị cứ hăng hái làm cho tới hoài, chị không kể tội phước chi hết. Chừng em chống cự, em không nghe lời chị nữa, chừng đó chị mới mở mắt mà thấy đường tội phước, chị mới biết mà lo sợ cho cái kiếp sau. Tại như vậy đó mà chị đi tu đó em à.
- Mấy năm nay chị đi tu, mà chị có bớt ăn-năn không?
- Bớt làm sao được. Tu đặng-ăn năn xám hối hàng ngày chớ. Mình phải nhớ tội lỗi của mình làm, rồi cầu nguyện mà chừa cải, thì tội lỗi mình mới tiêu được. Tại chị ăn năn sám hối nhiều quá, nên chị lo sợ, chị phải bỏ am mà kiếm em đây.
- Chị bắt em phải đi tu với chị hay sao?
- Không phải vậy. Chị đã nói cái tội lỗi về phần chị, em có tội gì mà phải đi tu. Ví dầu em có tội đi nữa, những việc người ta làm với em đó đã đủ mà chuộc tội em rồi. Theo chị tưởng thì số em vay thì em đã trả được, bởi vì em nếu chưa trả dứt thì có đâu em được hưởng cái hạnh phúc nhàn lạc yên ổn em nói với chị hồi nãy đó. Chị tìm em là vì hôm trước chị có hay một việc quan hệ lắm. Việc ấy không phải là việc của chị em mình làm, mà cũng tại mình bày việc khác nên mới sang việc đó.
- Việc gì đâu chị nói rõ cho em hay thử coi.
- Em nhớ lại mà coi, cách 20 năm trước em có sanh một thằng con trai tại nhà bảo sanh Cholon.
- Việc đó em quên sao được. Em sanh rồi chị đổi cho một bà nhà giàu nào đó mà bắt một đứa con gái.
- Em biết người đờn bà đổi con với em đó là ai hay không? Đó là vợ nhỏ của Cai tổng Lung, tức là thím dâu của ông cử Hùng đó.
- Úy! Sao từ hồi đó cho đến bây giờ chị không nói co em biết?
- Nói cho em biết càng rộn trí em, chớ có ích gì. Trời Phật công bình lắm. Thằng nhỏ gốc của kiếng họ Võ, tuy không ai thèm nhìn, song tự nhiên trời khiến nó cũng nhập về kiếng họ đó.
- Té ra thằng con của em bây giờ nó là em chú bác với ông cử Hùng.
- Phải rồi.
Cô Hai Phục chưng hửng, cô ngó Ba Có và ngó thầy giáo mà nói rằng: “Trời sắp đặt kỳ cục quá! Ôi mà con tôi nó được giàu có như vậy thì tôi mới an lòng”.
Ba Có lắc đầu mà nói rằng:
- Chưa an đâu em. Để chị nói có đầu có đuôi cho em hiểu. Hôm trước vợ nhỏ của thầy Cai Tổng Lung đi cúng chùa trên núi ông Tô. Tình cờ cô ghé am của chị ma cúng, cô gặp chị thì cô chưng-hửng. Cô có nghỉ tại am một đêm, cô thuật hết công chuyện nhà cho chị nghe, cô kể gia tài, cô nói chuyện thủ hộ, cô thuật việc cử Hùng cưới vợ không dấu chuyện nào hết. Cô lại nói cô mang ơn chị lắm, nhờ có chị nên hồi đem con về cô mới được yêu vì sang trọng, rồi bây giờ cô mới được giàu có vững vàng. Song thuở nay nằm đêm cô thường nhớ đến con gái của cô. Từ khi Thầy Cai Tổng chết rồi cô muốn kiếm con của cô đặng đem về mà nuôi, song không biết chị ở đâu mà hỏi thăm đặng cô xin con nhỏ lại. Cô gặp chị cô mừng lắm, cô cậy chị đi kiếm dùm con nhỏ cho cô, dầu tốn hao bao nhiêu cô cũng không nệ.
- Hồi đó chị đem con nhỏ mà cho nhà mồ côi Tân Định bây giờ chị lên đó mà xin lại, có khó gì. Chị đem con nhỏ mà trả lại cho bà Tổng thì bả sẽ thưởng chị.
- Bây giờ chị tu, chị có màng bạc tiền nữa chi em. Chị bày mưu đặng đoạt của người ta, cái tội ấy lớn quá. Mà cái mưu ấy còn chia lìa mẹ con người ta nữa. Chị muốn kiếm con nhỏ đặng trả lại cho cô tổng đặng chuộc bớt cái tội, ngặt kiếm không được chị mới buồn chớ.
- Không có trong nhà mồ côi hay sao?
- Hồi đó chị nói vói với em, chớ chị không có cho nhà mô côi. Chi đi dọc đường chị gặp cô năm Kiêu, cô thấy con nhỏ ngộ cô xin cô nuôi. Chị cho cô, mà mấy ngày rày chị ở trên Sàigon chị tìm kiếm hết sức, không ai biết cô năm Kiêu xiêu lạc xứ nào. Vợ chồng cô là bợm bài bạc, nay ở chỗ nầy, nay ở chỗ khác, biết đâu mà kiếm.
- Báo hại quá! Bây giờ làm sao?
- Chị có biết làm sao bây giờ. Tưởng kiếm được thì chị trả lại cho cô Cai Tổng Lung, đặng mẹ con tương hiệp cho chị hết ăn năn về khoản ấy. Bây giờ kiếm không ra thì thôi. Mà chị tìm em không phải nói chuyện ấy. Chi còn một việc khác rắc rối hơn nữa. Chuyện ấy can hệ em. Em phải ra tay gỡ rối, gieo một chút âm đức mà cứu người ta, đặng nó nhẹ bớt cái tội lỗi cho chị em mình.
- Việc gì vậy?
- Em rõ biết Cai Tổng Lung chết rồi thì bổn tộc cử ông Cử Hùng thủ hộ gia tài, coi thâu góp huê lợi, mỗi năm phát một mớ tiền mà cấp dưỡng cho vợ nhỏ và các con của Cai Tổng Lung, thủ hộ đến chừng nào các con thành đinh rồi thì sẽ lậpờ tương phân.
- Em có nghe việc đó.
- Bây giờ thằng Lăng là con trai của Cai Tổng Lung, tức là con ruột của em đó, nó được 20 tuổi rồi, nó thôi học về nhà cưới vợ.
- Nó có vợ rồi hay sao?
- Cưới vợ rồi. Nhờ cưới vợ đó nên nó thành đinh, nó buộc người thủ hộ, là cử Hùng, Phải tính sổ sách, giao huê lợi thu góp mấy năm nay đó lại cho chị em nó chia nhau, cử Hùng làm tiêu hết 30 ngàn đồng bạc, không có mà giao, nó vào đơn tại quan biện lý mà kiện cử Hùng về tội sang đoạt tài sản của kẻ chưa thành đinh. Toà bắt giam cử Hùng mà tra xét sổ sách....
- Đáng kiếp dữ! Làm việc gì đâu mà tiêu của người ta hết 30 ngàn đồng?
- Theo lời Cô Cai Tổng Lung, thì tại bài bạc. Cử Hùng lên Đà Lạt đánh phê, đánh xe lữa mấy lần đều thua hết, nên mới thiếu tiền thủ hộ đến số đó.
- Trời thiệt là có con mắt. Hễ vay thì ổng bắt trả nhãn tiền. Việc nầy sợ đi đại hình chớ không phải chơi. Để cậu ở tù cho sáng con mắt.
- Hồi nãy em nói em không biết giận ai nữa. Chị tưởng em tu đắc đạo rồi, té ra bây giờ em nói còn hơi oán, còn ghét cử Hùng quá, như vậy thì cái lòng của em chưa được từ bi như Phật. Em phải tu mới được, có tu mới hết cái “tánh thấy người bị hại mà vui cười”.
Nãy giờ thầy giáo Hiền ngồi nghe hai người nói chuyện, thầy không cãi chi hết. Chừng thầy nghe Ba Có nói câu sao đó thì thầy kính phục lòng đạo đức của chị ta quá, nên chen vô nói rằng: “Mấy lời chị Ba nói đúng đắng lắm. Em hai em hãy ghi nhớ lấy mà tu tâm luyện tánh đặng khỏi hờn giận. Ở đời hễ muốn hưởng hạnh phước thì đừng có chấp tính đời mới được.”
- Em xin vưng lời. Còn Chi Ba kiếm em đặng nói chuyện cử Hùng sang đoạt tài sản cho em nghe làm chi?
- Em đành để cho con của em, là con của cử Hùng, nó làm hại cha nó hay sao?
Cô Hai Phục chau mày, ngồi lặng thinh.
Cách một hồi lâu, cô mới nói rằng:
- Bây giờ em biết làm sao đây? Cử Hùng có vợ giàu lớn. Vậy thì vợ ông ra bạc mà thường cho sắp con của Cai Tổng Lung, ổng mới khỏi tội chớ.
- Em đừng có nói tới vợ cử Hùng. Cô Cai Tổng Lung nói con mẹ đó tiền nhiều lắm, song nó rị mọ, mấy năm nay cử Hùng không nhờ được một đồng xu, mà còn bị nó sai khiến dày bừa hèn hạ nữa. Cử Hùng bị giam có cử người nhờ nó xin cứu giùm. Nó nói chồng nó làm việc gì hồi nào đâu nó không biết, nó không có ăn số bạc đó, nên không có tiền đâu mà trả nợ lãng như vậy.
- Nếu nói như vậy thì có tình nghĩa vợ chồng gì đâu.
- Thì nhơn-tình vậy đó a.
- Thôi, ông cử Hùng giựt của người ta, bây giờ không có mà trả, thì ở tù mà trừ, chớ biết làm sao.
- Cử Hùng nó bị đày, hay là nó bị chết chém đi nữa, cũng mặc kệ nó, không can cập đến chị em mình. Ngặt có một đều nầy là con của nó ra làm thiệt hại nó, mà cái cuộc ấy gốc bởi mình tạo ra, nếu mình để như vậy, dầu thế gian không ai biết được, chớ trời phật vẫn thấy rõ, thế thì mình có tội nhiều lắm. Kiếm con của cô Cai Tổng Lung không được mà trao lại cho cô, ấy là một tội. Bây giờ để cho con của cử Hùng giết ổng nữa, thế thì chị tu biết mấy kiếp nữa mới thành chánh quả.
Ba Có nói tới đó rồi ngồi khóc.
Cô Hai Phục thấy chị ta ăn năn như vậy, thì cô động lòng, song không biết làm sao.
Thầy giáo Hiền nói rằng: “Chị Ba lo sợ về hai cái tội ấy thì phải lắm. Tại chị bày mưu đổi con, nên bây giờ mới sinh ra hai cuộc rắc rối là mẹ lìa con, con hại cha. Về cái việc chị kiếm con không được mà trả lại cho cô Cai Tổng Lung, thì vợ chồng em không thể giúp được, bởi vì chúng tôi không biết con nhỏ, mà cũng không biết mặt cô năm Kiêu, thì biết làm sao mà tìm. Mà việc đó không gấp lắm, để thủng-thẳng chị tìm kiếm, chừng nào ra cũng được. Huống chi trong việc ấy người có tội nặng hơn hết là cô Cai Tổng Lung, bởi gì cô tham tiền không kể gì con là máu thịt của cô. Nếu bây giờ kiếm hết sức mà không ra đứa nhỏ, ấy là trời Phật phạt cô Cai Tổng Lung, vì cô gieo cái nhơn ác, là mưu đoạt gia tài của người, thì cô phải trả được cái quả khổ, là buồn rầu về cái nỗi mất con. Còn vì cái việc con của Cử Hùng thì có lẽ vợ chồng em giúp được cho chị mà gỡ rối. Đã biết tại cử Hùng gieo cái nhơn ác, là không kể tới con, nên bây giờ mới được cái quả ác là bị con hại. Nhưng mà chị Ba với cô Hai Phục cũng liên can tới cái tội ấy, vì hai người giúp tay hồi trước, nên ngày nay con mới hại cha. Vậy thì cô Hai phải giúp với chị Ba mà gỡ cái rối ấy, chớ không nên vì giận cử Hùng mà bỏ xuôi, mà để cho con mình phạm tội hại cha”.
Cô Hai Phục ngó chồng mà hỏi rằng:
- Em làm sao mà gỡ rối được? Em có bạc đâu mà thường thế cho cử Hùng?
- Không cần gì mà phải ra tiền bạc. Lấy cái miệng mà gỡ rối cũng được.
- Làm sao?
- Em phải đi với chị Ba qua Cái Vồn. Em đến nhà mà thăm con của em, là con của Thầy Cai Tổng Lung đó. Em thuật rõ đầu đuôi tự sự lại cho cậu nghe, rồi khuyên cậu phải rút đơn, đừng có buộc tội cử Hùng mà phải mang tội bất hiếu bất nghĩa với trời phật.
- Em nói ra thì chắc nó cười, nó nghi Cử Hùng mưu sự mướn em tới nói như vậy, chớ nó tin sao được.?
-Nếu cậu không tin, thì em nài cậu hỏi lại cô Cai Tổng Lung coi có phải như vậy hay không.
- Trời ơi, cô Cai Tổng Lung làm thế nào mà cô chịu. Nếu cô chịu thì cô mất gia tài còn gì?
- Cô chối sao được, có chị Ba làm chứng.
- Chứng như vậy mà ai tin; họ nói chị Ba với em mưu sự mà cứu Cử Hùng chớ.
- Nếu cậu nhỏ đó tin lời em thì tốt. Còn như cậu không tin thì thôi. Mà dầu mình biết trước cậu không tin đi nữa, em cũng phải qua đó nói thiệt cho cậu hiểu. Phải làm như vậy thì lương tâm của em với chị Ba mới bình an.
Cô Hai Phục không còn lời gì mà cãi được nữa.
Ba Có phục ý kiến của thầy giáo, nên chị ta nói rằng: “Lời thầy giáo nói đó đúng đắng lắm. Con Hai, em phải nghe theo, mà đi với chị qua Cái Vồn. Dầu mình can được hay là không được, mình phải qua giáp mặt với cậu Lăng mà nói cội rể của cậu cho cậu biết. Đã biết nếu mình dỡ chuyện cũ ra mà nói thì cô Cai Tổng Lung nguy lắm. Mình không nỡ làm hại cử Hùng, có lẽ nào mình lại hại cô Cai Tổng Lung. Vậy qua đó mình bàn tính với cô trước, rồi sẽ liệu chước mà nói cho cô khỏi bị hại”
Cô Hai Phục chịu đi.
|
|
|