Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Người Khắc Bia Mộ Tác Giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh    
    “Khe Sanh, ngày…
    Thúy Minh dấu ái,
    Kể cũng đã hơn một tháng kể từ ngày anh rời xóm nhỏ. Nhưng anh không không còn nhớ rõ hôm nay là ngày mấy. Ở đây không có lịch, và những công việc cũng làm bọn anh bận rộn và hao mòn dần trí nhớ. Anh cũng mong rằng Minh không nỡ trách anh vì sao không viết thư ngay. Chắc Minh mong lắm? Hôm nay vừa mới cho đào xong hố cá nhân, anh viết vội thư về cho ba anh và cho Minh. Thư chắc sẽ không có lớp lang và chữ viết chắc không được đẹp. Anh đang kê giấy lên ba lô để viết đây.
    Ở Sài Gòn chắc Minh và gia đình cậu Phương vẫn thường? Anh cầu mong như vậy. Riêng anh, ở đây, trong một thung lũng đêm lạnh cắt da, ngày nóng cháy cỏ. Chỉ có thế, không có gì đẹp để ca ngợi. Chưa có lệnh đi Hạ Lào. Bọn anh còn dừng ở đây để chờ tiếp tế. Có thể còn lâu nữa mới đi, mà cũng có thể tối nay anh sẽ lên đường.
    Hôm ở nhà, mồng năm Tết, anh về hậu cứ nhưng chưa đi ngay. Nhớ Minh và nhớ nhà ghê gớm nhưng anh không về được. Nghỉ vài ngày rồi anh mới lên đường. Ngày đi, anh thấy ai cũng có vẻ buồn, vì lần này đi hơi xa xứ, Minh nhỉ! Hạ Lào, tên một vùng đất đầy núi non. Nó sẽ không có nhiều đồng lúa như ở miền nam mình hay là ở Căm-Bốt. Nhưng dù nơi đó có hiểm trở đến đâu, trong anh vẫn luôn luôn có một cái tên cao quý và dịu hiền, sẽ giúp anh có nhiều niềm tin tưởng và hy vọng.
    Ở Huế, ra Quảng Trị, Đông Hà, đoàn quân anh ra Cùa, rồi mới đến Khe Sanh. Những ngày tiến quân đầy gian khổ. Nhưng anh biết khi vượt qua biên giới còn gian khổ hơn. Ở đây, những đêm khuya nằm nghe tiếng đại bác vang vọng đầy thung lũng, thấy nhớ thật nhớ những ngày vui ở Sài Gòn. Anh không được ăn Tết trọn vẹn hết tháng giêng như anh đã mong. Dù sao, anh vẫn cảm thấy mình đang có một niềm hạnh phúc. Nhờ Minh, Minh đã đến, tạo cho anh một niềm vui.
    Thư anh viết chưa hết ý. Anh còn muốn viết thật nhiều. Nhưng đã có lệnh vang trong máy. Anh phải ra sắp xếp cho các tiểu đội đi gác. Anh dừng vậy. Ngày mai hay mốt sẽ có chuyến tiếp tế. Hy vọng thư của anh được đến tay Minh sớm. Chúc Minh ngoan và vui nhiều, học giỏi.
    Anh,
    Đỗ”
    
    
- o O o -

    
    “Khe Sanh, ngày …
    Thúy Minh dấu ái,
    Anh lại viết thư cho Minh đây. Hôm nay trung đội anh được rảnh rang một chút, vì chỉ còn ngồi chờ lệnh sang Hạ Lào. Đêm đang xuống lạnh cắt da. Chữ viết của anh chắc cũng run rẩy, khó đọc lắm hỉ? Ở Sài Gòn nớ Minh đang làm gì? Giờ này có còn thức chong đèn học bài? Minh đã sửa soạn thi đệ nhị lục cá nguyệt chưa? Không biết anh có kịp về để ăn khao mừng cô Tú kép?
    Ngày hôm nay có một chuyện thật buồn cười, để anh kể Minh nghe. Sáng sớm tiểu đội của Lâm đi gác về, cho anh hay rằng có một thứ cây gì thoảng mùi rất thơm. Lâm thì cứ cho đó là cây trầm. Anh, từ thuở bé, có biết cây trầm ra sao, nói với Lâm: ”Nếu là trầm, cho phép em cứ chặt bỏ vào ba lô, mai mốt về bán có lời lắm”. Hắn làm thật, đẽo khúc ra cất vào bao kỹ càng. Hắn đinh ninh về nhà chuyến này sẽ kiếm được tiền đi học. Buổi trưa, Lâm đem mấy khúc cây ra hít mãi. Mà thật, loại cây gì lạ ghê, thơm y hệt mùi gỗ trầm. Anh cũng tin thật.
    Đến chiều, Lâm nấu cơm. Khổ nỗi, trời mới mưa xong làm cây cối ướt hết, nhen lửa hoài không đỏ. Lâm đành bấm bụng lấy vài khúc “trầm” ra đốt. Minh biết chuyện gì xảy ra không? Mấy khúc cây cháy rừng rực, khói bốc lên ùn ùn đen ngòm. Mặt mũi anh và Lâm thành người da đen hết. Gỗ trầm cháy âm ỉ, khói trắng và mùi thơm chứ đâu có như vậy. Hai anh em nhìn nhau, vừa cười vừa khóc vì khói vào làm cay mắt quá. Bao gỗ trầm sau đó được Lâm trút ra hết để… nấu cơm.
    Anh kể chuyện lẩm cẩm quá hở Minh? Chẳng có chuyện gì đáng kể hết ngoài những tiếng súng ì ầm. Ban đêm nghe Lâm thổi khẩu cầm cho Thiều hát, anh thấy buồn chi lạ. Hôm qua có đụng trận nhỏ. Thế mà dưới thung lũng đã có mấy tấm poncho bó lại để cạnh bên nhau. Ngày xưa chiến sĩ da ngựa bọc thây, bây chừ cũng chẳng khác gì, Minh hỉ!
    Đã có lệnh tiến quân. Sáng mai anh sẽ qua biên giới.
    Máy bay tiếp tế đã đến rồi. Anh chưa nói được chi với Minh hết. Đành phải ngưng ở đây. Gửi về Minh niềm thương chân thành của anh.
    Đỗ”
    
    Hai lá thư đến tay Minh cùng một lúc. Nghĩa là chúng đã được đem về bằng cùng một chuyến tiếp tế. Có dấu hiệu vội vàng nơi nét chữ trên phong bì và trên dấu keo dán của bức thư thứ nhì. Như thế là chắc chắn Đỗ đã qua Hạ Lào. Mùa xuân chưa qua hết nhưng đã mất rất nhiều ý nghĩa. Tết qua lặng lẽ và không khí trĩu nặng những nhớ nhung. Báo chí sôi động theo dõi những bước tiến của các đơn vị hành quân. Sắc diện bình thản của thành phố dường như cũng xao động với những biến chuyển ở tận vùng biên giới địa đầu. Có tiếng bàn tán trong lớp về tin chiến sự. Có lời lo âu quay quắt của những bà mẹ. Có tin chiến thắng Tchépone. Có tin người hùng Nguyễn Văn Đương tự sát trên đồi 31. Và một hôm bỗng thấy xuất hiện những vành khăn trắng trong sân trường.
    
    
- o O o -

    
    Minh đứng lặng người trước cổng nhà Đỗ. Không dám lên tiếng gọi, dù Minh đã thấy bác Liêu ngồi trong sân. Nắng lên buồn tênh nơi thềm nhà. Nắng của những ngày cuối tháng ba, đủ soi tỏ mái tóc của bác Liêu màu bạc xám. Bác đang đục, đẽo, khắc gì lên một tấm đá. Xung quanh bác, có nhiều tấm đá giống một khuôn như thế. Minh se lòng. Những tấm đá trông như những tấm bia mộ. Bác Liêu đang làm gì thế?
    
    Giây lâu sau, Minh e dè lên tiếng:
    - Thưa bác… Thưa bác, con mới qua.
    Bác Liêu gỡ kính trắng, nheo mắt nhìn. Bác đã nhận ra Minh.
    - Cháu Minh đó à? Vô đi cháu, bác để cổng hờ.
    Minh đẩy nhẹ cánh cổng, bước vào. Bác Liêu lại mang kính vào, cầm cây đục lên tay, hỏi:
    - Có việc chi không cháu?
    - Dạ… con qua thăm bác
    - Rứa thôi hả?
    Minh ấp úng:
    - Dạ… con muốn hỏi thăm bác, bác có nhận được thư của anh Đỗ không?
    - Không, cũng hơn một tuần rồi cháu, bác không có nhận được thư hắn. Bác chỉ nhận vỏn vẹn có hai cái thư, hắn viết ở mô hè?...Ở…
    - Ở Khe Sanh phải không bác?
    - Ờ ờ, đúng rồi đó. Hắn có viết thư cho cháu phải không?
    - Dạ.
    Minh cúi đầu. Một nỗi vui hiện lên cùng trong một nỗi buồn. Bác Liêu hỏi tiếp:
    - Rồi hắn có viết cho cháu cái mô nữa không?
    - Thưa bác, con cũng cả hơn tuần nay không có tin tức gì hết.
    - Hắn qua Hạ Lào rồi đó cháu.
    Bác Liêu cầm búa gõ lên đầu đục. Một mảnh đá nhỏ tróc ra. Bác nói:
    - Hôm trước thằng Thụy nó khoe với bác cái bản đồ mới vẽ. Sẵn đó, nó chỉ cho bác nước Lào. Chao ôi, ai có dè mà xa dữ rứa. Từ đây ra Quảng Trị đã xa quá rồi, mà hắn còn đi qua bên nớ, thiệt đường diệu vợi.
    - Thưa bác, anh Đỗ khỏe lắm, bác đừng lo.
    Minh nói để trấn an bác Liêu mà cũng như tự trấn an mình. Bác Liêu thở ra:
    - Thằng Thụy nó ưa môn Địa lý. Thằng nhỏ vẽ hình đẹp thiệt. Hắn tô màu đỏ ở vùng núi non miền bắc và dãy Trường Sơn. Hắn tô màu xanh lá cây ở đồng bằng miền nam, rồi giải thích cho bác màu xanh là ruộng, màu đỏ là rừng núi.
    Bác Liêu vừa đục thêm một chỗ khác, vừa nói:
    - Hắn tô màu xanh ở nước Căm-Bốt, rồi nước Lào hắn sơn hầu hết là màu đỏ – Bác chắc lưỡi- Thằng Đỗ kỳ ni vào chốn núi rừng, khí hậu bên nớ chẳng biết ra răng, biết hắn có chịu nổi không?
    Minh lặng thinh. Lời nói của bác Liêu làm Minh thấy nao lòng quá. Bác Liêu đâu biết chính Minh cũng thắt thỏm trông tin Đỗ từng ngày. Mỗi ngày, tin chiến sự càng sôi động hơn. Minh thờ thẫn trong lớp học. Minh thao thức giữa đêm. Mắt Minh thâm quầng khiến Liên Nga cũng nhận thấy. Minh muốn chỉ cần một chữ của Đỗ gửi về thôi, cũng đủ làm Minh yên lòng. Nhưng đã hơn một tuần rồi không nhận được thư. Minh không tin rằng Đỗ có thể ngồi yên nhìn những chuyến bay tiếp tế cất cánh mà không gửi tin của Đỗ về. Hôm qua thấy một người bạn cùng lớp đội tang anh vừa tử trận, khóc vùi giữa lời an ủi của bạn bè, Minh chết điếng cả người. Đọc báo nghe dân chúng ở cố đô Huế khóc mong ngóng người thân, Minh quay quắt không yên. Và ở đây, bác Liêu cũng chẳng khác gì Minh. Sự chờ đợi, lo âu của một người cha có sôi nổi như của một người mẹ, một người vợ, một người yêu ? Chỉ thấy bác Liêu ngồi lặng yên cô độc trên sân vắng, mắt ráo khô và người cứng ngắc như một bức tượng.
    
    Minh ngồi xuống bên những bia mộ. Đúng là những bia mộ vì bác Liêu đang phủi bụi cát đi để lộ rõ những chữ vừa mới khắc: “Nơi an nghỉ của….”. Minh hỏi:
    - Bác ơi, bác làm gì vậy?
    - À, bác lãnh làm những bia mộ ni. Làm cho qua thì giờ mà cháu. Ông Cai Tổng biết bác có nghề khắc, nên ông lãnh giùm bác công việc ni cho bác làm.
    - Bác làm như thế có mệt không hở bác?
    - Thì cháu thấy đó nợ. Chỉ việc đục, khắc, chứ có xê dịch, bưng bê hay gồng gánh chi mô! Nghề của bác mà. Thằng Đỗ, hôm đi hành quân, có dặn bác rồi. Hắn không cho bác đi làm phu hồ nữa. Thì bác làm chuyện ni vậy. Minh, cháu múc giùm bác một lon nước.
    Minh đứng dậy cầm chiếc lon sữa bò đi múc nước. Bác Liêu bắt đầu mài chiếc đục trên miếng đá mài. Minh đem nước tới, bác Liêu đổ nước lên mặt đá mài. Chiếc đục bén hơn hẳn lúc trước, sáng ngời.
    Minh nói:
    - Thưa bác, con xin phép bác con về. Bao giờ nhận được thư anh Đỗ con sẽ sang ngay.
    - Ừ, cháu về hỉ!
    - Dạ, bác ơi bác cũng nên vào nghỉ trưa cho khỏe.
    Bác Liêu cười:
    - Già rồi cháu à. Có nằm cũng chẳng ngủ được mô. Mắt cứng lại rồi.
    - Dạ, thôi thưa bác con về.
    Minh rón rén đi ra, khép cánh cổng lại. Minh nhìn lại một lần nữa sân nhà quen thuộc. Ở chỗ này Đỗ đã hiện diện như trong một giấc mơ. Mắt Đỗ sáng quá và giọng anh ngọt ngào quá! Đỗ đã đến trong tâm hồn Minh buổi tối nào cánh tay còn treo ngang ngực, và buổi sáng nào cũng cánh tay ấy trao cho Minh phong giấy đỏ đựng tiền lì xì mừng Minh được mười tám tuổi. Nơi Đỗ và Minh ngồi, hôm mồng năm Tết, bây giờ là chỗ bác Liêu ngồi khắc bia mộ. Tự nhiên Minh nghe nổi gai ốc. Nhìn bác Liêu ngồi in chiếc bóng gầy guộc lên những dòng chữ trên mộ chí, Minh lạnh cả người. Một nỗi lo sợ ùa đến trong lòng. Nghĩ đến Đỗ gian nan trong những cánh rừng hoang vu, Minh muốn khóc.
    
    Minh bước thẫn thờ trên đường xóm nắng hanh. Chỉ mới khoảng độ hai giờ trưa thôi. Ở Sài Gòn mùa nào cũng như mùa nấy, chỉ có nắng đến làm khô khát cả người. Nghe bước chân mình nặng nề, Minh nghĩ đến bài vở, lúc này Minh học như một bổn phận, hết cả vui thú. Minh nghĩ đến Liên Nga. Nó đã hết trêu Minh khi nhận thấy nỗi buồn sâu đậm của bạn. Dường như Nga cũng thầm cầu mong cho Minh chóng nhận được tin của Đỗ.
    
    Ở khúc quanh rẽ vào nhà Minh bỗng hiện ra một người lính đi khập khiễng. Minh nhướng to mắt, nghe tim mình đập mạnh. Đúng là màu mũ, màu áo của Đỗ. Nhưng là Lâm. Minh kêu lên:
    - Anh Lâm! Anh về đó hở?
    Người lính gượng đi nhanh đến, ngờ ngợ hỏi:
    - Chào chị. Phải chị là chị Minh?
    - Dạ phải, tôi đã gặp anh Lâm hôm trước. Anh về… còn anh Đỗ có về không?
    Lâm lắc đầu:
    - Không chị ạ, Thiếu úy còn kẹt bên Hạ Lào.
    Hai người đi trở lại nhà bác Liêu. Minh gọi to:
    - Bác ơi! Có anh Lâm đến nè bác!
    Rồi Minh dìu Lâm vào sân. Bác Liêu đứng phắt dậy, run giọng:
    - Chú Lâm hôm Tết tới đây đó hả? Có tin gì? Có tin gì không? Thằng Đỗ mô?
    Bác Liêu hỏi giọng hoảng hốt khiến Minh cũng nghe lòng mình nôn nao ghê gớm. Lâm chỉ vào chân:
    - Con bị thương nên được chở về đúng ngay lúc có chuyến bay tiếp tế. Còn Thiếu úy vẫn ở lại ngọn đồi cho đến phút chót.
    - Hắn đóng trên đồi đến phút chót? Rồi răng nữa?
    Lâm có vẻ mệt mỏi, đáp giọng ngắt quãng:
    - Dạ, lúc con được tải đi thì…Thiếu úy vẫn bình yên. Ổng có dặn con về nhắn thăm bác và chị Minh. Con về nằm bệnh viện được gần một tuần nay rồi. Bữa nay hơi đỡ đỡ nên con đến thăm bác. Thưa bác, vì rằng…trong lúc con nằm điều trị, có mấy anh em ở cùng đại đội cũng được chuyển về, họ nói sau khi con đi được một ngày thì … ngọn đồi bị pháo dữ dội.
    Bác Liêu nhăn mặt kêu lên:
    - Trời ơi! Rồi răng nữa?
    Lâm ngập ngừng:
    - Dạ thưa bác, họ nói rằng… hình như không ai thoát khỏi trận pháo kích đó.
    Minh chết điếng cả người. Bác Liêu thốt lên hoảng hốt:
    - Trời ơi! Có ai… có ai thấy thằng Đỗ ra răng không? Hắn có được trở về không?
    Lâm nuốt nước bọt, nói khó khăn:
    - Thưa bác, con nghe mấy anh em nói lại, là máy bay trực thăng chỉ đáp xuống một chút rồi phải lên ngay, vì giặc pháo như mưa. Anh em nào còn sức bò đến được chân máy bay thì được cứu, còn ai…
    Minh bật khóc nức nở. Bác Liêu buông mình xuống ghế, rũ người như một tàu lá. Người lính im bặt, cảm thấy như mình vừa phạm tội. Anh đứng trơ giữa cảnh nhà buồn tênh, trước hai con người đang đầy tràn niềm thất vọng.
    
    
- o O o -

    
    Minh và bác Liêu xuống xe lam. Minh hỏi người tài xế:
    - Thưa bác từ đây vào Rừng Cấm có xe đi không ạ?
    Người tài xế lắc đầu:
    - Ở đó khu vực quân sự, không có xe lam vô đâu cô ơi! Thường người ta đi xe jeep, không thì đi xe gắn máy hoặc đi bộ.
    - Dạ cám ơn bác.
    Chiếc xe lam chạy đi, tung một đám bụi mờ. Bác Liêu nhìn theo, ngơ ngác hỏi:
    - Cháu Minh có biết đường đi không?
    - Dạ biết.
    Minh chỉ đáp vậy và không dám cho bác Liêu biết đã có lần Liên Nga chở Minh bằng xe gắn máy vào khu vực mang tên Rừng Cấm này. Bác Liêu hỏi:
    - Bây giờ làm răng mình đi vô đó cháu? Hai bác cháu mình đi bộ nghen!
    - Dạ, đành vậy thưa bác. Bác đi được không?
    - Được chứ cháu. Bác chỉ nóng lòng biết tin của hắn thôi.
    Hai người bắt đầu đi bộ vào con đường vắng vẻ. Cây cối hai bên đường đã xác xơ. Lần thứ hai Minh đến hậu cứ của Đỗ. Mới sau có mấy tháng mà lối đi dường như đã đổi khác. Con đường bị cày tung lên trơ đất xám. Thỉnh thoảng hai bác cháu phải đứng nép vào lề để tránh đường cho một chiếc quân xa. Mỗi lần như vậy, xe chạy qua làm bụi đất bay lên mù mịt. Bác Liêu ho sù sụ. Minh nhường chiếc mũ cho bác đội và xách giỏ cho bác. Minh cũng nghe lòng hồi hộp vô cùng. Sự lo âu nôn nóng khiến chân Minh đi không biết mỏi. Nắng bốc khói trên đỉnh đầu không làm Minh để ý. Và kìa, đằng xa, sau lớp bụi xám đã bắt đầu thấy hiện ra cổng của tiểu đoàn.
    
    Minh đứng sững trong khoảng sân dài, trên lối đi trải đầy sỏi trắng dẫn đến cột cờ. Quang cảnh hậu cứ vắng vẻ. Cảnh yên lặng đến rợn người. Có một nỗi u buồn nào vây quanh và làm nặng oằn không khí. Áo dài của Minh đã bám đầy bụi xám. Bộ đồ của bác Liêu cũng vậy. Minh gượng cười lấy khăn tay ra lau mặt. Bác Liêu giở mũ quạt quạt cho đỡ nóng. Bác hỏi:
    - Làm răng biết tin hắn, cháu?
    - Để con đi tìm xem.
    Minh đi dọc theo hành lang của dãy nhà tôn, và tìm ra phòng hành chánh. Minh đứng ngập ngừng trước cửa. Chỉ có hai người lính đang làm việc trong phòng: một người thượng sĩ già đang làm sổ sách và một người lính trẻ đang đánh máy. Căn phòng thấp, không có tiếng động nào ngoài tiếng lóc cóc khô khan từ chiếc máy đánh chữ vang ra. Minh lên tiếng:
    - Thưa ông!...
    Người lính trẻ ngừng tay đánh máy, nhìn ra, hỏi:
    - Cô hỏi chi?
    - Dạ, tôi muốn hỏi thăm tin tức của người nhà
    - Vậy thì cô hỏi ông này. Bác Tâm ơi, có cô đây muốn hỏi thăm tin tức kìa!
    Lúc này thì người thượng sĩ già ngước nhìn lên, hỏi bằng giọng mệt mỏi:
    - Chi đó cô?
    Minh bước hẳn vào phòng, nói:
    - Xin bác làm ơn tìm giúp cháu tin của Thiếu úy Nguyễn Thi Đỗ, đại đội…
    - À tôi biết Thiếu úy Đỗ, ông ấy đi Hạ Lào rồi.
    Minh nuốt nước bọt:
    - Dạ cháu biết. Nhưng cháu xin bác liên lạc hỏi giùm cháu hiện nay Thiếu úy Đỗ đang ra sao.
    - Cô… là gì của Thiếu úy?
    - Dạ cháu là… em của anh Đỗ. Cháu có đi với ba cháu.
    Rồi Minh quay ra cửa, vẫy bác Liêu vào. Thượng sĩ Tâm nói:
    - Tôi thì chỉ lo làm sổ lương. Còn tin tức từ chiến trường gửi về, có ông khác lo. À mà quên nữa, ông và cô có thể đến dò tin tức ở trên tấm bảng kia. Sáng hôm nay có tin mới, họ đã ghi lên đó.
    Minh cảm thấy tay mình run lên. Minh không dám cử động. Thượng sĩ Tâm lại nhắc:
    - Cô lại đó xem đi, may ra biết tin.
    Bác Liêu nhìn Minh, chờ đợi. Minh lấy can đảm đến bên bức tường trong cùng. Trên đó có treo một tấm bảng kẻ phấn màu còn rõ nét mới. Minh nhón gót nhìn lên. Cột đầu tiên ghi tên, những cái tên xa lạ, cột kế bên ghi tình trạng: tử trận, bị thương, nằm bệnh viện nào… đều có ghi rõ. Tên Nguyễn Thi Đỗ đây rồi! Mất tích. Minh choáng váng, ôm đầu nức lên một tiếng. Bác Liêu chạy đến, hoảng hốt:
    - Sao cháu? Có tên hắn không?
    Minh nói như bị cực hình bắt buộc phải nói:
    - Bác ơi, họ ghi anh Đỗ mất tích….
    Bác Liêu thấy mờ cả mắt. Bác không còn nghe thấy gì sau tin của con trai. Bác đứng sững. Cảm giác như đã mất hết. Bác muốn kêu lên “Con ơi!” một cách đau thương và dễ dàng như người ta vẫn nói trong những vở kịch, những cuốn phim, hoặc muốn kể lễ như trong tuồng tích. Nhưng không được. Miệng lưỡi bác tê cứng. Bác nhìn thấy Minh rũ người như một ngọn cỏ úa. Bác thấy ông Thượng sĩ Tâm ngẩn ngơ, tay còn đang lật chồng sổ sách, và người lính trẻ dừng tay đánh máy, gương mặt trông như một khối băng đang tan chảy.
    
    … Không biết trải qua mấy phút, mấy giây, mà đến một lúc bác Liêu cũng đã thốt được nên lời:
    - Thôi, cám ơn hai chú, tôi về.
    Ông thượng sĩ già đứng dậy, nói gượng gạo:
    - Tôi xin chia buồn cùng ông. Biết Thiếu úy Đỗ như thế, tôi cũng buồn lắm. Nếu có tin gì thêm, chúng tôi sẽ gửi giấy đến tận nhà cho ông.
    - Cám ơn chú. Đi về con ơi!
    Minh bàng hoàng như đang ở trong một cơn mê. Minh mở to đôi mắt ráo hoảnh, và cố gắng mở lời chào hai người lính.
    Khoảng sân rộng lại hiện ra trước mắt. Nắng ban nãy như rực lửa trên đường, giờ đã biến đi đâu. Trời tối lại vì trên đó đã hiện ra một đám mây đen như hình một con gấu khổng lồ che mất màu xanh. Nỗi chết chóc đang bủa vây quang cảnh. Minh nghe hai mắt khô khan vô cùng, nhưng vẫn mở lớn để thấy rõ hàng cây Bã Đậu. Chúng đã lớn hơn ngày nào rất nhiều. Chúng có mong bước chân người thân quen trở về để tìm bóng mát? Chúng có một góc nào của thân cành đầy nhựa để dùng làm chỗ như trái tim, để mà nhận biết rằng trong khi chúng nẩy nở lớn lên thì đã có biết bao người ở đây đã ra đi và đã ngã xuống?...
    Đây là phiến đá Đỗ nhường cho Minh và Liên Nga ngồi. Bây giờ bác Liêu đang thẫn thờ ngồi xuống đó. Đây là bụi trúc rậm che mát cả một khoảng đất. Tên của Đỗ khắc đầy trên những thân hình trụ rỗng. Minh đau đớn nhận thấy trên thân của cây trúc lớn nhất, có tên “Thúy Minh” được Đỗ ghi bằng những nét dao thân ái. Minh muốn òa khóc. Tất cả mọi cái nơi này là của Đỗ. Nhưng mà Đỗ đã mất tích, không tìm thấy xác đâu. Trên ngọn đồi ấy, nơi mà Đỗ đã đóng quân, Lâm đã nói, không có ai thoát khỏi trận pháo kích tử thần. Đỗ đã tan xác ở một vực sâu nào, dập vùi ở một bụi cây nào, hay đã thành tro trong một hầm lửa nào. Đỗ ơi! Mãi mãi anh sẽ không trở về đây để ngồi dưới tàn cây Bã Đậu, để khắc thêm nhiều chữ “Thúy Minh” lên thân trúc xanh tươi. Anh sẽ không bao giờ ngồi đàn trên phiến đá hay lặng yên nhìn khói thuốc bay tản mạn và nghe tiếng sáo trúc dặt dìu trong gió. Ở cõi nào xa xăm, yên ổn quá, anh không còn bận lòng đến chiến tranh, hòa bình; anh không biết đến yêu thương, thù hận; anh là anh, là hư vô, là vĩnh cửu. Hết rồi! Chỉ có người sống, người ở lại sẽ gánh hết nỗi đau buồn.
    Bác Liêu ngồi yên như pho tượng, Nhưng đâu ai biết nỗi khổ sầu đang làm đầu óc bác thành một đám rối. Bác vẫn ngồi yên như thế cho đến lúc có lắc rắc mấy giọt mưa.Và bác vẫn không hề lay động. Minh vỗ nhẹ tay bác:
    - Bác ơi! Trời mưa rồi! Chắc về không kịp.
    Bác Liêu không trả lời. Sau câu nói, Minh cũng không biết phải làm gì hơn là yên lặng. Chắc chắn là hai bác cháu sẽ không tránh được mưa. Minh nghĩ đến con đường dẫn ra khỏi Rừng Cấm, ban nãy tung bụi mù như sương, lát nữa sẽ nhầy nhụa ngập chân. Sẽ có một bóng già và một bóng trẻ lủi thủi trở về xóm nghèo từ nay hiu quạnh. Sẽ không còn ý nghĩa để mà sống, để mà tin yêu.
    
    Mưa đầu mùa đã đổ. Nước mưa đẫm xuống mặt đất khô làm xông mùi nồng lên nhức óc. Bác Liêu vẫn ngồi yên như pho tượng trong khi mưa càng lúc càng to. Minh nghe nước mắt mình bắt đầu chảy rào rạt cùng với mưa. Đỗ ở đâu, có hiện về trong không gian cô quạnh này không? Đỗ có thấy nước mưa tuôn tràn trên những cành lá có mang tên Đỗ, tên Minh, và chảy ròng ròng xuống bên cạnh bác Liêu? Minh tưởng như dưới gốc cây này có một búp măng vừa bị đốn, và những dòng nước mưa kia, có phải chăng là dòng lệ của lũy tre già?
    
    
- o O o -

    
    Thụy gấp quyển vở lại. Bài “Vua Quang Trung đại phá quân Thanh” đã thuộc lòng như in, thuộc lòng từ lúc mới nhập học, đáng lẽ nó phải bỏ qua để ôn những bài khác. Nhưng mà Thụy vẫn thích lẩm nhẩm đọc hoài. Nó vẫn muốn tưởng tượng ra một cảnh oai phong và câu văn thuộc lòng “Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh”. Thụy giở vở ra, ghi vào bên dưới bài Sử Ký đó:
    “Mùa xuân năm Tân Hợi 1971, anh Nguyễn Thi Đỗ tiến quân sang Hạ Lào”, rồi Thụy áp mặt lên vở, khóc ngon lành. Nó nhận ra những dòng chữ mới viết bằng mực tím đang nhòe nhoẹt nước mắt. Nó thương anh Đỗ quá! Nó thương anh Đỗ như đã thương một vua Quang Trung lẫy lừng trong Việt sử. Mà hơn thế nữa, nó thương anh Đỗ như một thân tình. Anh Đỗ của nó vẫn còn trẻ trung quá, còn yêu đời quá. Ngày mồng năm Tết anh vẫn còn dặn dò nó ráng học, thi đậu vào lớp sáu và sau này trở thành một công dân ưu tú… Thế mà chưa đầy ba tháng sau, anh đã không còn. Xóm nhà có một nỗi trống trải to lớn, mà Thụy là đứa bé nhận thấy rõ nhất. Vì anh Đỗ đã đi. Vì anh Đỗ đã đi làm “chiến sĩ da ngựa bọc thây” mất rồi, anh Đỗ ơi!
    
    Bây giờ, trời đang vào tháng sáu. Mưa cũng đã điều hòa một nhịp. Thụy đã nghỉ hè và đang ôn bài thi. Đôi lúc, trong đầu óc bé bỏng của nó, cũng hiện lên nhiều nỗi băn khoăn. Thụy nghĩ ngày tháng đã trôi quá nhanh. Mới ngày nào bước vào thu, Thụy mới lên lớp năm, vẫn còn lười học lắm, vẫn còn mê mải theo chiếc lồng đèn tàu chiến của anh Đỗ làm cho, mà nay đã đến giữa mùa hạ. Thụy sắp thi vào lớp sáu. Chóng quá! Và Thụy ngơ ngác tự hỏi rằng, với thời gian ấy có đủ để một người chiến sĩ nằm xuống tan rữa thịt xương? Thụy thấy mình không còn ngây thơ nữa, đúng vậy, kể từ ngày anh Đỗ mất bóng ở xóm nghèo.
    
    Thụy cầm vở đi lững thững sang nhà bác Liêu. Căn nhà đã xơ xác càng xơ xác hơn. Thụy nhận thấy mấy chấn song đã gãy mục, xiêu vẹo, chẳng có ai buồn đóng lại. Cây mận già tự do đâm cành lá ở một nửa sân, mà trái thì không hề thấy. Cả lũ chim sẻ thường chuyền nhảy, hót đùa, hình như cũng trốn ở đâu. Thụy ngơ ngác đứng nhìn qua hàng rào, thấy bác Liêu đang đục đẽo trên một tấm đá. Bác vẫn miệt mài làm công việc đó hàng ngày, một mình. Tự nhiên Thụy thấy nao nao lòng. Nó đẩy cổng rào, bước vào, đến bên bác Liêu. Nghe tiếng động, bác Liêu ngước nhìn lên. Thụy ôm vở trước ngực đứng sừng sững trước mặt bác, giống hệt như hình ảnh của Đỗ hồi còn bé. Bác Liêu nói như trong mơ:
    - Con đó à? Ngồi xuống đây đi con.
    Thụy thấy se lòng. Nó hỏi:
    - Bác làm hoài vậy bác? Bác không mệt hở bác?
    - Không con à.
    Thụy thấy mái tóc bác Liêu đã bạc gần hết. Từ ngày được tin anh Đỗ mất tích đến nay, con người bác đã sa sút thấy rõ. Bác già đi đến cả chục tuổi và bắt đầu yếu mệt với những cơn ho dài thượt. Thụy khoắng mấy ngón tay vào lon sữa bò đầy nước, rồi tẩn mẩn cầm chiếc đục lên, nói:
    - Bác khắc đẹp quá bác ạ.
    Bác Liêu cười xa vắng:
    - Đẹp chi mô con. Mỗi con người đều được chết và được một nấm mộ. Khắc đẹp hay không đẹp thì cũng chỉ một tấm bia, cũng một tên mình mà thôi.
    - Nhưng mà bác tài thiệt. Con chắc chẳng bao giờ làm được như bác đâu.
    - Mỗi người một công việc. Con có tài học, ráng học cho giỏi. Con làm chi việc này? Đưa cây đục cho bác.
    Bác Liêu khắc thêm nét cuối của chữ “A” trên tấm bia để trước mặt. Thụy lẩm bẩm đọc:
    - “Mộ chí của…”. Bác ơi, cái này của ai vậy bác?
    - Của anh Đỗ.
    Bác Liêu đáp như một lời rên rỉ. Thụy giật mình, nó tưởng nó nghe lầm. Bác Liêu nói như sắp khóc:
    - Bác sẽ khắc cho anh Đỗ con một tấm bia mộ, bác để dành đây, khi mô có xác anh con, bác sẽ xây mộ, dựng bia lên cho hắn.
    - Nhưng mà…
    - Con ngạc nhiên hở Thụy? Có chi mô con. Mỗi người đều phải có một nấm mồ, có một mộ chí. Bác làm nghề ni mà không khắc cho hắn một tấm bia thì cũng tủi cho hắn, con hỉ?
    Thụy ứa nước mắt, nói:
    - Bác không tin là anh Đỗ còn sống sao bác?
    Bác Liêu lắc đầu:
    - Ai người ta cũng về cả. Có người về bình yên. Có người về mang thương tật. Có người về trong quan tài. Nhưng cũng là về. Còn anh Đỗ của con, mất xác rồi còn chi! Có ai thoát khỏi mưa pháo, bão bom mô con? Chừ không còn ai ở Hạ Lào nữa. Hết cuộc hành quân rồi! Mà Đỗ ơi, con ở mô?
    Bác Liêu gục mặt trên đầu gối. Nhưng không phải bác khóc. Dường như tuổi già của bác đã khô giếng nước mắt. Mà chính sự khô khan đó có lẽ làm cho người già đau đớn hơn là được khóc như trẻ thơ.
    Thụy rón rén phủi sạch bụi cát trên mặt bia mộ. Nét khắc của bác Liêu bay bướm, thanh nhã vô cùng. Mai mốt đây sẽ hoàn tất dòng chữ “Mộ chí của Nguyễn Thi Đỗ”, hoàn tất công trình của người cha cho con trai. Nhưng mộ chí sẽ dựng ở đâu? Anh Đỗ đã vùi xác ở nơi nào, hỡi người ra đi làm chiến sĩ vô danh? Thụy lại che quyển vở lên mặt, khóc rấm rứt.
    Có Thúy Minh xuất hiện trước nhà, rồi đi vào với tà áo trắng, nói:
    - Thưa bác, con đem một ít cam biếu bác, nhân tiện gửi bác thuốc ho của cậu con đưa sang.
    Bác Liêu gượng cười:
    - Cháu Minh để trên bàn giùm bác đi. Sao con bận lòng vì bác dữ rứa? Con lại đây, coi tấm bia mộ ni, bác dành cho….
    Minh ngồi xuống bên bác Liêu và Thụy, bên tấm bia mộ, run run sờ lên những nét khắc. Rồi sẽ có một ngày như thế này sao? Ngày ấy đã đến. Đỗ đã được dành cho một tấm bia mộ. Minh gục đầu, nghe tê tái cả lòng.
    
    
- o O o -

    
    Hôm qua có chiếc xe jeep đến đậu trước đầu ngõ, rồi hai người lính khiêng vào nhà bác Liêu một chiếc rương gỗ. Đó là di vật của người đã không còn. Chiếc rương ngày nào để trong phòng của Đỗ tại hậu cứ, bây giờ đem về trao lại cho người cha. Bác Liêu sững sờ nhìn dấu tích của con trai. Bác sẽ làm gì với những vật dụng này? Hai bộ đồ lính, mấy phong thư của bạn hữu, hình ảnh gia đình, những ống trúc đang đẽo khắc dở dang, và một quyển nhật ký. Bác gọi Minh sang, đưa cho Minh quyển sổ đó. Bác nói:
    - Cháu giữ đi. Hắn viết tên của cháu nhiều lắm đó. Cháu coi rồi thì đốt đi hỉ! Đừng giữ đồ của người chết, không nên.
    Và như thế, Minh đã có di vật cuối cùng của Đỗ.
    Hôm nay giở lịch bỗng thấy đã đầu tháng tám âm lịch. Minh se thắt cả lòng. Ngày tháng đi nhanh như muốn bỏ rơi con người. Sắp đến Trung Thu rồi sao? Sắp đến một khoảng thời gian gợi thật nhiều kỷ niệm- kỷ niệm giữa một người còn sống và một người đã chết. Có đến chết Minh mới quên được lần đầu tiên gặp Đỗ trong sân nhà thanh vắng. Và có trở thành người mất trí Minh mới quên được đêm Trung Thu rước đèn cùng trẻ nhỏ, nến thắp lung linh cầm trên tay và Đỗ thương mến gọi “Thúy Minh”. Sẽ không còn có ai gọi được Minh bằng giọng êm đềm tha thiết ấy nữa. Không còn ai nữa! Đỗ đã viết trong quyển nhật ký: ”Thúy Minh , cô bé đã đến vào một mùa trăng” sau chuyến đi Căm-Bốt. Và ở những trang sau, Đỗ viết về Minh thật nhiều, bằng màu mực xanh tràn trề hy vọng. Đỗ đi rồi, Đỗ đã bỏ xác tại một núi cao hay một vực sâu nào rồi, Minh mới được thấy rõ tấm lòng của Đỗ. Chưa có nỗi nào cay xót hơn. Và Minh tưởng tượng nét mặt của Lâm qua những dòng chữ của Đỗ, khi Lâm nói: “Thiếu úy vui vẻ quá! Em nghe người ta bảo, người vui vẻ yêu đời không bao giờ chết yểu”. Đỗ ơi! Minh cũng ráng mà tin như thế. Nhưng bao ngày qua không thấy bóng người về. Mưa vẫn còn tuôn đổ đến giữa mùa thu. Trăng năm nay nhất định sẽ không sáng tỏ vì mây xám giăng đầy trời. Xóm nghèo nhất định sẽ không còn vui với đám rước đèn của trẻ nhỏ vì mưa sẽ làm tắt hết nến. Bởi vì bạn bè đã về hết, cả những người sống lẫn người đã hy sinh, mà chỉ một mình anh ở lại xứ người.
    
    
- o O o -

    
    Bé Tuấn, con út của cậu Phương chạy đến sà vào lòng Minh, bập bẹ:
    - Có … anh Thụy…chị ơi!
    Minh ra cửa, thấy Thụy đứng đó, tay cầm chiếc lồng đèn cũ. Minh hỏi:
    - Việc gì vậy Thụy?
    Thụy hỏi:
    - Nhà chị có tre không? Sườn đèn của em bị gãy một chỗ.
    Minh cười:
    - Ở đây làm gì có tre. Mà Thụy… năm nay chơi lại đèn cũ sao?
    Thụy cúi nhìn chiếc lồng đèn trên tay:
    - Dạ, đèn này còn tốt. Em sẽ giữ lại hoài.
    Rồi Thụy chỉ cho Minh thấy chiếc đèn chỉ bị hỏng một chỗ nhỏ. Màu giấy bóng xanh lơ vẫn còn mới nguyên. Minh xúc động . Chiếc đèn tàu thủy quân lục chiến Đỗ làm đây mà! Lại một kỷ niệm thân ái của Đỗ. Minh biết Thụy có thừa thì giờ để làm một chiếc đèn mới, vì nó đã đậu vào lớp sáu trường công, nên còn được nghỉ hè lâu, nhưng nó vẫn muốn chơi chiếc đèn tàu đổ bộ này hơn. Minh nhìn Thụy, thấy thương thằng bé vô cùng.
    - Nhà chị không có tre, nhưng hình như bên nhà bác Liêu có, bác thường để sẵn trong nhà để làm các thứ lặt vặt. Sao Thụy không qua bác xin?
    - Bác Liêu đóng cửa ngủ, em không dám gọi.
    Minh ngạc nhiên. Mọi hôm bác vẫn thích ngồi khắc bia mộ, không buồn đi ngủ trưa. Hôm nay bác mệt chăng? Hay là bác đã trở bệnh nặng thêm? Từ hôm người ta giao chiếc rương của Đỗ về, bác thẫn thờ như người mất trí, và ho nhiều hơn, mệt mỏi hơn. Tự nhiên Minh cảm thấy âu lo. Không biết tình thân nào đã khiến cho Minh thương bác Liêu như chính cha mình? Minh nói với Thụy:
    - Chắc bác bệnh rồi? Thụy đi với chị sang nhà bác thăm nhé!
    Minh và Thụy đi nhanh sang ngõ bên kia. Sân nhà bác Liêu vắng lặng. Mấy tấm bia dựng tựa vách tường. Lon nước khô cạn, có thể bác Liêu đã không làm việc từ sáng nay. Chiếc đục, chiếc búa bỏ nằm trong góc. Đúng là bác Liêu đã trở bệnh rồi. Thụy đẩy cánh cửa khép hờ. Căn nhà tối om. Trên bàn thờ không có khói nhang như thường ngày. Và Thụy đã thấy bác Liêu nằm trên đi-văng. Nó gọi khẽ:
    - Bác ơi! Bác ơi!...
    Minh đến ngay cạnh bên. Minh bỗng lùi lại. Có một không khí rờn rợn lảng vảng xung quanh. Minh run rẩy nắm lấy cổ tay của bác Liêu….Lạnh giá! Thụy cũng cảm thấy việc gì đã đến, cúi xuống lay mạnh bác Liêu. Nó nghe tiếng Minh rú lên:
    - Ôi! Bác Liêu chết rồi!
    Tiếng kêu của Minh làm Thụy lạnh buốt cả lưng. Thụy và Minh khóc òa lên nức nở. Bác Liêu đã ngủ giấc ngủ dài nhất của một con người, bỏ lại hết những phiền muộn tăm tối.
    Ngoài song rào xiêu vẹo có tiếng của một loài chim nào rất lạ cất lên, nghe như xúi biểu: “Khóc đi! Khóc đi!.....”

Xem Tiếp Chương 5Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Người Khắc Bia Mộ
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Đang Xem Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Chết Cho Tình Yêu
» Cầm Thư Quán