Nghiên Mực Tức Mặc Hầu Của Dực Đức Tôn Hoàng Đế Dẫn - Bài nghiên cứu nầy trước đây dã đăng trong Bách Khoa thời đại, số 290 -291 ngày 12 và 15-2 năm 1969 (xuân Kỷ Dậu).
Kế đó, tôi viết lại trong tập số 9 bộ Hiếu cổ đặc san, đề tựa ngày 17-6- 1973. Nhưng tập nầy xấu số, chết ngợp, cho đến nay vẫn nằm trong tủ và không xuất bản được.
Hôm nay, tôi soạn lại bài nầy là chép
vào bộ Hơn nửa đời hư. Nếu có xảy ra việc gì chẳng lành: sách vở trong Nam bị đốt bỏ, bị tịch thu hay bị nấu làm giấy mới, tôi cầu xin trong ba bài của tôi còn lại một, là đủ cho tôi bằng lòng.
Nghiên mực Tứ mặc hầu là quốc bảo. Nay còn lưu lạc... Mấy trang nầy còn lại, ít nữa người nào đời sẽ biết giá trị của nó mà phăn lần, hoạ may tìm ra mà đem nó trả về Viện bảo tàng nhà nước. Khi ấy dẫu nằm dưới đất, tôi cũng yên tâm.
Vua Tự Đức trị vì từ năm 1847 đến năm 1883. Ông có tiếng là một ông vua hay chữ nhứt trong dòng Nguyễn Phước. Chính Thân Trọng Huề, năm xưa đã từng viết bài ca tụng tài học của vua, trội hơn cả, tài học lỗi lạc của các quan, tuy khoa giáp xuất thân, trôi đã có dịp thấy tận mắt tài ba của ngài, tiếc thay, như vịt nghe sấm, thằng đui ngắm tranh, vì tôi là thằng dốt. Năm 1958, nhơn một dịp ra Huế, lần đầu, tôi được ông chủ quản thủ Viện bảo tàng ngoài ấy, lấy châu bản ra cho xem. Châu bản là bản sớ tấu, tờ điều trần viết mực đen, chữ đen, của các quan dâng lên vua, và vua phê chữ son vào, nên gọi châu bản. Châu là chu, là son, là sắc đỏ. Châu bản triều Gia Long, chữ son phê rất ít, đôi hàng ngăn ngắn, viết thật đều. Châu bản hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị cũng na ná như thế, khi ít, khi khá hơn, không chừng độ. Duy qua triều vua Tự Đức châu bản mới thật là một rừng chữ son, chữ dày mịt, nhi nhít khít rịt và thẳng thớm, có khi trên nhiều tờ, còn nhiều chữ hơn phần sớ tấu của các quan gởi lên, tiếc vì tôi không đọc được. Đến châu bản đời Khải Định, còn thấy phê son bằng chữ Hán tự, duy đến đời ông Bảo Đại, quả là đại, ông nầy chỉ phê bằng quốc ngữ, có khi vấn tắt vỏn vẹn còn hai chữ ký tắt B.Đ, nhưng chữ thật to thật mạnh. Tôi thấy sao thì nói vậy, không biết tâng, mà còn gì nữa mà tâng. Bảo Đại học theo Tây, chơi thể thao Tây nhiều hơn cầm bút ngọc, chữ Nho, vả lại chữ Hán ông Tản Đà đã đem hết cả lên bán ở Chợ Trời.
Vua Tự Đức là ông vua hay chữ, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo, ông hết sức tâng tiu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông rất ưng ý đến nỗi phong nghiên mực chức là Tức Mặc Hầu. Nghiễm nhiên ông đã nhân cách hoá (personnifier) một vật vô tri, một cục đá mài mực, phong quan tước hầu, vì biết dâng mực cho ông cặp kỳ, theo ý ông muốn.
Ngày nay ta đã mất tin dị đoan, mất hết ý vị thơ và thần, hết sợ ma, không còn mơ đến sự huyền bí tin tưởng phép tiên, phép tà thuật, cho nên tuy nghe vậy nhưng vẫn xem nghiên mực nầy cũng là vật tầm thường, như bao nhiêu vật và nghiên mực khác. Chớ vào cuối thế kỷ XIX, đời ông Tự Đức, khoa học chưa để chân vào nước ta còn thắp đèn dầu mù u, sang lắm là dầu phộng hoặc đèn sáp trắng - vào đời ấy có một cục đá mài mực khô ngoeo, cầm không dơ tay, thế mà khi cấp bách, muốn có mực kịp lúc, chỉ cần thổi một hơi thổi vào mặt nghiên, lức thì mực tươm ra đủ dùng. Quả là “nghiên mực tiên “, còn đòi hỏi gì nữa, và chưa lạ lùng quá sức tưởng tượng hay sao?
Ông Tự Đức vốn là ông vua hay chữ, bình sinh ông có tánh giản dị, ít sai cất ai. Ông đã nằm yên dưới lăng, nào cần tôi binh vực, và tôi chỉ muốn nói về nghiên mực Tức Mặc Hầu. Vua Tự Đức làm việc bằng cây bút thật nhiều, mỗi khi viết gặp gấp rút, không sẵn mực dưới tay, nếu đợi cung phi lấy nghiên lấy nước, mài mực thì lâu hoắc, ý nghĩ đâu có chờ mài mực và sẽ bay mất đi còn gì, những khi muốn viết vội vài chữ, hoặc ghi một câu thi hay vừa nảy trong trí, ngài chỉ hà hơi vào nghiên tức thì mớ mực cũ còn lại, lại ướt lên và tươm ra óng mướt, ôi quý hoá thay nghiên mực nầy.
Tôi tả vụng về thế ấy, làm sao có người chịu tin là sự thật nó như vậy? Nhưng tôi xin cam đoan, tôi đã từng cầm nghiên mực ấy trên tay, và đã từng tự làm thí nghiệm, và đã thấy y như đã nói.
Kỳ tôi ra Huế năm 1958, một buổi sáng tốt trời, tôi vào viếng Viện bảo tàng và được cố quản thủ, cụ Tôn Thất Đào, tiếp tôi một cách hết sức niềm nở, không biết tại mớ tóc bạc, hay vì ông là người tôn thất, có tên Đào, nên cử chỉ thật là trang nhã. Bỗng, cụ lấy nghiên mực ra khoe với tôi: “Viện Sài Gòn có cái ni không?”.
Tức Mặc Hầu (ảnh đã mất một ảnh giao Bách Khoa năm xưa cũng lạc luôn). Tức Mặc Hầu vóc lớn và nặng, cỡ hai phần ba miếng gạch Tàu, nhớ độ chừng, lối ba tấc Tây bề dài, hai tấc bề ngang, và dầy cỡ ba phân. Bởi là loài đá tỷ như đá bùn đá nổi, nên tôi so sánh sức nặng và vóc dạc như miếng gạch Tàu, thứ lát sân, lát nhà, tôi là người tục nên so sánh cũng tục. Về cách chạm trổ, thì tuyệt khéo. Nét chạm tinh vi, đá đã trơn bén sẵn, bây giờ thời gian lại ký tên vào đá bằng một màu cổ kính, Pháp gọi “patiné par le temps”, có mấy chữ mà toi cơm không dịch nổi: nếu đá ngoài trời, thì tạm gọi rêu mờ phong sương, ngặt vì đây là đá quý phái thường nằm trên đài son các tía, có lẽ phong trần từng nếm, nên dịch đỡ “lạc tinh” mấy độ với thời gian. Tôi cầm nghiên mực mà suy nghĩ mông lung, ban đầu tôi lật bề trái xem trước, và đây cũng là méo mó vì nghề nghiệp, thuở nay nghề chơi đĩa xưa dạy hễ gặp thứ gì hay thì “lật đít” xem trước, đọc ký hiệu nếu là đồ cổ, hoặc tìm gì gì nếu đó là thiên kim giai nhân? Dưới đáy nghiên là một bài văn “ngự chế” của đức Dực Tôn, đề cao đặc tính của nghiên Tức Mặc Hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên mặt chữ, sắc sảo không thể tả, tiếc vì tôi chỉ biết mò bằng tay và khen tấm tắc, chớ không biết khen bằng mắt vì mắt không đọc được chữ nào. Lúc đó tuy có thâu vào máy ảnh, nhưng chữ tế vi quá, không đọc được, vả lại ngày nay ảnh cũng mất, nên khen cũng như không.
Sau khi xem đáy, tôi xem qua hộp đựng, thì đây là một cái hộp rất mỹ thuật, làm bằng đồi mồi Hà Tiên, loại thật đẹp, thật quý, trong trẻo và vàng hực, khiến cho bài thi ngự chế nổi bật: một bài khắc trên nắp hộp và một bài nữa khấc trên mặt dưới của cái hộp, khiến tôi khen thầm, nội cái hộp nầy không cũng đủ là một mỹ thuật phẩm tuyệt tác. Như đã biết, đó là vật ngự dụng, đồ của vua dùng, thảo nào! Xem xong cả hai mặt của cái hộp, xem thêm một loạt toàn thể cái hộp chứa, khi ấy tôi mới đặt cái hộp lên mặt bàn, và lật ngửa cái nghiên xem qua bề mặt. Khúc trên đầu của cái nghiên thì chạm nổi, hình một cổ tùng, gốc ngoằn ngoèo trông thật già, già không biết đến mất trăm năm như vậy mới xứng với ý nghĩa ba chữ “thiên niên thọ”, một nghĩa khác gợi khí tiết người quân tử, hoặc một ẩn ý không tỏ ra của sự bất di dịch của triết lý Khổng Mạnh: mặc dù biến thiên, bây mặc bây, ta vẫn mặc ta!
Kế bên gốc tùng, chạm một cổ đình, cổ đình nầy vừa là một tiên động tuyệt khéo, trên nóc trổ từng miếng ngói đều đặn y như vẽ hằng máy chớ không phải vẽ bằng tay, gốc tùng và cổ đình vẫn nửa tỏ nửa che khuất trong lùm cây, mây đây mà rõ lại không phải mây, đó là lớp “yên hà” ráng đỏ khói lam, của một cảnh tiên rất khác với cõi trần tục.
Phần dưới cái nghiên, sát chưa cảnh từng đình, là một bể con, khoét sâu trong mặt nghiên, biến thành một vũng xinh xinh dùng để chứa nước cần dùng trong việc mài mực. Giữa cái bể tí hon ấy có một cù lao đủ sức lớn để chứa chỗ đứng cho tám vị tiên ông đang chùm chùm nhau lại và hình như đang chăm chú ngẩm nghía thưởng thức một bức tranh cổ, mà mỗi ông tiên tranh nhau nấm một chéo nhỏ, xem tuồng tranh nầy quý giá lắm, nên phải thận trọng từng ly từng tý trong khi chiêm ngưỡng làm vầy. Còn chung quanh cái nghiên, vẫn có chạy một đường hồi văn kiểu “chân muỗi “, đây là mượn danh từ chuyên môn của Pháp mượn lại trong danh từ Trung Hoa, Pháp gọi “en pattes de mouche”, tuy gọi làm vậy, theo tôi chỉ tàm tạm được, vì tôi thấy chân muỗi chân ruồi vẫn chưa mịn và sớ to hơn những nét chạm li ti nầy. Cả hồi văn và bức chạm “tiên ông ngắm tranh” nói nãy giờ, dành làm khuôn viên cho một khoảnh chạm khuyết, đó là mặt chính của nghiên mực, phẳng lỳ và trơn tru, chiếm trọn phần nào còn lại của mặt nghiên. Khi mới xem, nhứt là khi không để ý, thì chẳng thấy gì là đặc sắc. Nhưng khi tôi định thần và nhìn kỹ lại, khi ấy tôi mới khám phá ra, tuy chỗ mài mực nầy xem dường bằng thẳng, nhưng vẫn có bảy tám chỗ u lên cao, xem lạ lạ: y như nốt mắt cá, mắt cây trên mặt gỗ, trộng cỡ đầu chiếc đũa, sắc lại dợt, bạch hơn màu đá ở chung quanh, nói nghe tục y như mụn có cồi nổi trên da mặt mấy chàng thanh niên đòi vợ và của mấy cô “mống chuồng”. Nhờ hỏi thăm và tra cứu lâu hoắc, sau nầy tôi mới rõ đó là những túi nước (poche d eau) huyền bí của nghiên Tức Mặc Hầu, theo sách Trung Hoa gọi đó là “cù dục nhãn”, nôm na là mắt chim cù dục. Tôi tra khắp tự điển, chỉ có bộ Gustave Huế ghi “cù dục là một loại hoạ mi” (grive), nhưng ở ngoài anh em, cãi lại đó là chim cút. Bây giờ tôi cầm nghiên mực, nắm chặt cả hai tay vì sợ rủi ro, tôi xem trước xem sau, xem trên xem dưới, xem cùng khắp, nhưng mắt phàm tài dốt, tôi không thấy có đặc điểm nào khác lạ với những nghiên mực đá mà tôi từng thấy bấy lâu bất quá nghiên nầy khéo hơn, nét chạm tinh vi hơn, chỉ có thế thôi.
Tôi vừa định hoàn lại ông Đào, nhưng ông biết ý, nói nho nhỏ vào tai tôi: “Đâu, cụ thổi mạnh một hơi vào, coi nào”! Tôi vâng lời, nâng nghiên mực lên gần sát mặt, và thổi một hơi dài lên chỗ mài mực. Thổi rồi, tôi giựt mình, hết sức ngạc nhiên, vì dưới ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống trên mặt nghiên, rồi vụt biến mất, sau khi rà sát vào mặt nghiên.
Ông Đào cười, rồi bảo tôi lấy ngón tay quệt thứ trên nghiên, quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác tôi đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay. Mà chớ chi nghiên đá nầy “nông nước”, ẩm ướt tỷ như đá mài dao, đá bùn, thì đâu có chi là lạ. Đàng nầy, trước khi tôi hà hơi vào, thì rõ ràng cục đá vẫn khô ráo cho nên tôi cầm nó mà không bẩn tay, thế mà tại sao khi có chút hơi “cầm thực” thổi vào để mượn sức, thì tức khắc bảy tám chỗ “cù dục nhãn” kia, bèn thi hành phận sự, và nương đà hơi thở của tôi mà tiết ra đủ số nước cần thiết để làm cho có mực, ít nào cũng đủ cho một người hối hả, xoe tròn ngọn bút, vét tém đủ mực để lão lạo vài hàng, nguệch ngoạc một chữ ký hay thảo lược một câu thi vừa mới nghĩ ra. Ô, sướng quá, thần bí quá, và quý hoá quá! Trong thời buổi chưa chế tạo ra cây bút chì, cây viết bi “atomic” chưa sanh, các loại bút máy chưa ra đời, Waterman, Parker, Sheaffers chưa có, người nào có dưới tay một nghiên mực có phép lạ như vầy, lại không lấy nó làm quý và tự mình hãnh diện làm sao? Phong Tức Mặc Hầu, thật đáng. Nhớ đâu năm xưa nghiên mực nầy được trị giá nhiều triệu bạc, gẫm không lạ.
Năm nay, nếu đánh giá lại, thì biết mấy chục mấy trăm triệu mà nói Nhưng Tức Mặc Hầu đâu còn? Hay là chưa thấy yên, nên chưa trổ mặt? Vàng lá hiệu trải núi, mấy chục xấp, nào có nghĩa gì. Kiếm vàng còn dễ, nghiên mực nầy mới thật khó tìm. Trong mấy năm chụp giựt trước khi nhào đổ, một nhà xuất bản tiểu thuyết đầu độc, loại Kim Dung làm giàu bằng cách thuê máy bay đón mua bản thảo mỗi tuần, và mỗi tháng y có hoa lợi đủ xây một từng lầu cho cao ốc của y nay bị của thiên trả địa. Một tên thợ giặt đồ dơ, đừng vội chê làm nghề hèn hạ, anh hốt bạc xây buynh-đinh như thợ mã phất giấy đồ minh khí, cả hai người lo làm giàu, cũng không ai trách duy không ai nhớ mà tìm lại nghiên mực Tức Mặc Hầu, vậy tiền của dư, để làm gì Dầu sao, nghiên mực nầy, thì ông Diệm chầu diêm vương, nghiên mực thất lạc cho đến nay, thật là chúng ta đã quá hờ hững với một vật báu ta quá xem thường.
Một bảo vật, thế gian hy hữu, một trân ngoạn thế thượng vô song, mà để mất, thì quả người Việt ta không biết chơi cổ ngoạn. Nếu tôi có mê nghiên mực Tức Mặc Hầu, thì khang khác trăm ngàn người trẻ ham xem ciné, trai trẻ mê hình dung các cô đào trên màn ảnh, thì tôi mê đồ cổ. Giá thử bây giờ ai tìm gặp đem cho tôi nghiên mực Tức Mặc Hầu để tôi đem về nhà làm của riêng, thì tôi cũng lạy dài mà từ chối vì số tôi bạc phước, đâu có đủ sức cầm nổi nó, làm chủ một vật quý như nó.
Ấy thế mà có người mê cái nghiên nầy còn hơn tôi, nhưng đó là viêc tôi sẽ giãi bày nơi sau, và đây xin cho tôi tả cái nghiên nầy trước đã.
Tuần báo Nhân Loại, số Xuân năm Kỷ Hợi (1959), có đăng bài cúa cố giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu khảo về nghiên nầy, tôi xin phép đăng lại nguyên văn:
SỰ TÍCH MỘT CÁI NGHIÊN XƯA.
Ở Viện bảo tàng tại đế đô (Huế) có một cái nghiên. Ông coi viện lấy làm vinh hạnh, khi có một người lạ đến thăm viện, để cho ông được dịp chỉ cho xem một cái nghiên xưa, mà ta thường gọi là nghiên của vua Tự Đức.
Tôi đã có nhiều dịp vào Huế để nhìn cái nghiên nầy.
Đã biết bao báu phẩm của ta bị mất.
Còn lại cái nghiên nầy
Tra trong sử, ta thấy một sứ liệu về cái nghiên cứu lịch sử nầy.
Tôi xin sao sử liệu ấy ra đây:
Năm Nhâm Dần (năm thứ hai triều vua Thiệu Trị, năm 1842) tháng mười có người dâng cái nghiên xưa.
Dài bảy tấc bốn phân, rộng bốn tấc bảy phân, dày năm phân.
Chất bền mà láng bóng, kiểu xưa mà đơn sơ.
Rõ ràng một phiến “ngói âm dương” mà người xưa đã nhân hình dạng, đục ra chỗ chứa nước, chỗ mài mực.
Đầu nghiên có khắc bài minh rằng:
1. Kỳ sắc ôn nhuận
2. Kỳ chế cổ pháp
3. Hà dĩ trí chi.
4. Thạch cừ bí các,
5. Cải phong tức mặc,
6. Lan đài liệt tước.
7. Vĩnh nghi bửu chi,
8. Thơ hương thí thác.
Bài thơ bằng chữ Hán đó khó dịch lắm. Có những chữ không có thể dịch được. Đại khái nghĩa bài thơ như sau nầy:
1 Sắc nghiên ôn nhuận.
2. Kiểu nghiên cổ phác
3. Nên đặt chỗ nào?
4. Thạch cừ bí các,
5. Tức mặc đối phong,
6. Lan đài dự tước,
7. Quý báu đời đời,
8. Thơ hương phú thác.
Bài minh bằng chữ Hán đã được các quan bộ Học dịch như trên.
Có một điển tích, ấy là đi xưa phong cai nghiên là Tức Mặc Hầu. Tức Mặc là tên đất, mà nghĩa là chánh, tức là tới, mạc là mực.
Vậy nên đời xưa, nhân tên đất mà phong hầu cho ai nghiên, lại có ý riêng là ai đựng mực. Lan đài là nơi làm sách. Nơi ấy phải cần nghiên bút.
Nghiên là Tức Mặc Hầu.
Bút là Quản Thành Tử.
Nhhiên là bút đều dự tước trong lan đài cả.
Sau bài minh đã dẫn nói trên, ông Tô Thức xưa khắc hai cái ấn.
Một cái khắc hai chữ “Kỳ trân”, nghĩa là quý lạ.
Một cái khắc hai chữ “Tàng bửu” nghĩa là báu kín.
Ông Tô Thức là một vị hay chữ đời Tống.
Sau lưng nghiên có khắc bốn chữ “Thạch cừ các ngoã”, nghĩa là ngói ở Các Thạch cừ.
Dưới lạc khoản mấy chữ rằng: “Nghiên nầy chế tại tháng tám, năm thứ ba, hiệu “Nguyên phù”.
Ngài truyền đem nghiên ấy dâng vào sở Kinh diên.
Rồi ngài truyền Nội các như sau nầy: (Ta đừng quên rằng ngài Thiệu Trị rất hay chữ): “Nghiên nầy là nghiên Các Thạch Cừ” xưa.
Nguyên Các ấy từ Tiêu Hà lập ra đế chứa đồ tịch. Đến năm thứ ba, hiệu Cam Lộ, vua Tuyên đế nhà Hán, hội các nho thần giảng kinh tại đó.
Từ năm thứ ba hiệu Cam Lộ đến năm thứ ba hiệu Nguyên Phù đời Triết tôn nhà Tống, Tô Thức mới được phiến ngói ấy, làm thành nghiên, cả thảy một ngàn một trăm bốn mười chín năm (1149).
Từ khi ấy đến nay, lại được hơn bảy trăm bốn mươi năm nữa (740). Thời nghiên nầy gốc tích là đời Hán, làm thành đời Tống, mà xuất hiện ra đời nay, thiệt là một vật báu về việc hàn mặc.
Bây giờ cách sau Hán Tống đến hơn hai ngàn năm mà văn minh thịnh hội cũng như Hán Tông trước, há chằng phơi là vật quý báu Trời Đất đẻ dành, đợi thời mới bày to ra hay sao?
Trong đạo chuộng văn, khác thời thế, mà chumg một vật báu đời nay cùng đời Hán Tống xưa, chừng có cơ duyên khế hiệp với nhau chăng?
Âu Dương Tu đời Tống xưa có câu rằng: “Ai ưng vật gì thời vật ấy ấy thượng tụ hội tới”. Nghĩa là vậy đó!
Trên đây tôi sao nguyên văn một sử liệu trong bộ Chánh biên.
Một câu hỏi đặt ra: “Ai đã dâng nghiên xưa nầy lên ngài Thiệu Trị?”.
Phải chăng là một người Tàu? Người nầy đã biết giá trị của cái nghiên và đã biết đem dâng cái nghiên ấy lên nhà vua.
Vua Tự Đức đã thường dùng cúi nghiên đó.
Thực là một quốc bảo, còn giữ được đền bây giờ, đúng là một sự lạ vì chưa ai ăn cắp hay đập vỡ.
Nguyễn Thiệu Lâu
- o O o -
Lời bàn của tôi - Ông bạn quá cố Nguyễn Thiệu Lâu, quả có một lối hành văn mới mẻ. Xuất thân cử nhân văn chương Pháp trường Đại học Sorbonne ông nhiễm nặng và học viết như Tây, bỏ hết những gì lược bược, còn lại toàn đại ý, cũng không cần nối kết, hà tiện lời nói, theo tôi đây là một lối văn “viết điện tín”, hay là để nhại ông chơi, một lối bắt chước cây kềm đục nút khoét đục khuy áo, văn của cây kềm chuyên bấm lỗ vé xe lửa (à l emporte-pièce) như vậy có thành văn chăng, tôi không dám trả lời. Như trên đây, ông dịch bài Hán văn về nghiên mực trong bộ Chánh biên, nhưng ông không cho biết ý kiến của ông. Đó cũng là một điều đáng tiếc, vì đám hậu sanh không thấy lời phê bình của một người từng đi ăn học tận gốc bên Pháp hấp thụ văn Pháp đào luyện tại Sorbonne, từng viết bài cho tạp san trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội và như lời ông nói, từng thấy nhiều lần, nghiên mực nầy khi còn nằm trong tủ quý của Viện bảo tàng Huế.
Mấy năm trước đây mỗi sáng sớm có dịp ngồi xe buýt trên đường Hồng Bàng, khi xe chạy ngang hoa viên trước Thánh đường Ngã Sáu, khu cư xá Minh Mạng, tôi thường thấy một ông đầu sói, ngồi nơi ghế xi măng, hai tay chống đầu gậy tre, đăm chiêu nhìn xuống đất, y như con chim thằng bè, vừa móc hết bọc cá nuôi bầy học trò đói chữ, nay ngồi đây thu hết tàn lực của một người chiến bại, van xin chút hé mặt trời sưởi ấm buổi tàn niên. Có một lần, tôi định bụng nhảy xuống xe đón chào người bạn cũ, nhưng lại đổi ý, hẹn một dịp khác, mảng chần chờ bỗng được tin buồn: giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu đã từ trần. Một chút nầy đủ thấy tôi hư hay nên! Trong bài mấy chữ chót: chưa ai ăn cắp hay đập vỡ. Tại sao ông có ý nghĩ như vậy, tiên tri chăng?
Nay tôi mạo muội cho biết ý kiến của tôi, giáo sư Lâu đã không còn, bớt được qua cửa một nhà sấm, mà dám khua trống:
Việc nghiên cứu để hiểu đích xác về xuất xứ, cũng như về niên kỷ, thời đại, của một cổ vật đã mất hết chứng tích, tỷ dụ nghiên mực Tức Mặc Hầu đang nói đây, theo tôi, quả là một vấn đề nan giải.
1) Nghiên không có ký niên hiệu nào để dò theo đó mà định tuổi. Tỷ dụ, một hình cổ, đề Khang Hy niên chế, thì ít nữa tra niên biểu, ta biết được hình ấy làm vào khoảng những năm vua nầy trị vì, tức từ năm Nhâm Dần 1662 đến năm Nhâm Dần 1722 dương lịch (vua nầy ở ngôi đúng một con giáp, tức sáu chục năm). Biết như vậy là biết tạm, còn việc bình ấy là giả hay thiệt, là một việc khác nữa, ở đây tôi xin miễn bàn. Riêng về nghiên mực, thấy ghì “Có mấy câu thi” và có ghi bốn chữ “kỳ trân” “tàng bửu”, thêm nữa có con dấu của Tô Thức, bao nhiêu chi tiết ấy không đủ đảm bảo và không thể tin được hòng đoán chắc, vì bất kỳ ai hoặc đời sau, đều có thể khắc chạm trên, và lấy đâu làm bằng.
2) Bài thi và bốn chữ kia không đủ làm kiểu thức (style), nên không thể định tuổi nghiên được. Trái lại, nếu nghiên không bao giờ tách rời khỏi viện Huế, thì nội bằng chứng “còn ở y chỗ cũ ấy” đủ giúp ta tin được rằng nghiên đã có bao nhiêu tuổi (tính từ khi nạp cho vua Thiệu Trị), mà cũng không thể nói tuổi chánh của nghiên “sanh từ năm nào”. Có ba tuổi của nghiên 1) Tuổi của cục đá làm ra nghiên. 2) Tuổi của năm chế ra nghiên. 3) Tuổi của năm dâng nạp lên vua.
Định tuổi cái nghiên nầy, chò tôi nói tục, không khác biệt niên canh của một kim chi ngọc diệp không bao giờ xuất cung, và niên canh của một nhành vàng lá ngọc sa chân trái bước lạc loài. (Dẫu rằng có trình thẻ căn cước, cũng không đủ đảm bảo). Và vì vậy, mua đồ cổ là cứ mua, định tuổi món đồ ấy là việc khác, và chắc hơn hết là lấy món đồ đem so sánh với một món y hệt nằm tại các Viện bảo tàng công cộng và lấy nghiệm xét nầy làm mấu chốt để định đoạt.
3) Chất liệu của nghiên là một miếng ngói (ngoã) từ đời Hán. Nếu khảo nghiệm theo phương pháp chắc chắn nhứt là thử theo carbone 14, nhưng phương pháp nầy không áp dụng cho nghiên được, vì phái huỷ cái nghiên mới thử được, và vì nó là món duy nhứt, thì không thể huỷ (Theo tôi hiểu, thử với carbone 14, là khi nào ta có nhiều món đồng một thứ và có thể huỷ một món để thí nghiệm). Đã biết nghiên mực là một miếng ngói, thì sao có chỗ lại nói là làm bằng đá núi Đoan Khê (Đoan Khê Thạch) thiệt là rắc rối. (Tôi lại có thấy một nghiên mực rất nặng, bằng đá trơn lu bóng ngời, mà người chủ nói nghiên làm bằng một miếng ngói cung Vỉ Ương, tôi không trả lời, tôi không trả lời, để cho người chủ mừng mình có một vật báu, chớ nếu tôi nói “miếng ngói nầy làm sập nắp cung, và nghiên của anh, tôi không tín là ngói mà là đá”, thì tôi mất một người bạn, có ích gì cho tôi?
Về carbone 14, chính tôi cũng chưa biết đó là gì, chớ đừng nói người tay mơ như phần nhiều độc giả làm sao biết được. Tôi đọc trong sách, thấy nói người Mỹ họ chiu thí nghiệm, là đối với một cổ vật công cộng, của một viện hảo tàng, và cuộc thí nghiệm nghe nói mắc tiền lắm, là để giúp sự hiểu biết chung và sự hữu ích chung, chớ thí nghiệm cho tư nhân thì họ chưa hề. Lại nữa, phải thí đi một món ấy, nên cũng không nên đòi hỏi lắm. Còn một điều nữa là sự cách biệt xa đến vài trăm năm, tỷ dụ thử một cổ vật bằng đồng đời Hán, có 2000 tuổi, nay ta trừ đi sự sai biệt 200 tuổi, thì còn 1800 tuổi, cũng còn miễn cưỡng; chớ như nếu món ấy làm vào đời Kiền Long (1736-1795), đem làm vật thí nghiệm, rồi trừ đi 200 năm, thì có còn lại giống gì nữa đâu? Trái lại, nếu theo phương pháp Á Đông, thử bằng mắt nhìn, bằng kinh nghiệm, thì đã thi vị hơn nhiều, lại không tốn kém. Ta có câu: “lấy mắt xanh biết vật”, “thần nhãn” v.v...
Cái thú chơi cổ ngoạn là có mắt hơn người, chớ nếu dùng máy đo và dùng mãi khoa học carbone 14, thì chết mất thú chơi cổ ngoạn. Đó chỉ là một cách giỡn tiền hoặc khoe của của các nhà trọc phú.
4) Nhắc lại một lần nữa, nếu nghiên Tức Mặc Hầu không lưu lạc, tỷ như lúc còn ở tại viện Huế trước 1959 nó đã được ghi vào sổ bộ, thì vẻ tôn nghiêm vẫn còn, nó sẽ dùng làm vật mẫu để so sánh. Nhưng từ ngày nó lạc loài, như mất căn cước, một ngày nào gặp lại nó, cần phải điều tra, thí nghiệm lung tung, trước khi trả căn cước cho Tức Mặc Hầu, buổi tái ngộ trùng phùng.
Trong Từ nguyên từ điển, thì “Thạnh cừ bí các” là một phòng, một viện, một các, do ông Tiêu Hà đời Tiền Hán (năm 206 trước Tây lịch), lập ra để chứa sổ sách cũ của nhà Tần, bị vua Hán Cao tổ Lưu Bang chiếm đoạt.
Xét về ngày chế tạo nghiên mực, thì tháng 8 năm thứ 3 của niên hiệu Nguyên Phù đời vua Triết Tôn nhà Tống (1099) bên Trung Quốc, thì đồng thời với vua Nhân Tông đời Lý nước ta.
Xét về nhân vật, tên Tô Thức, ký dưới bài minh, thì đó là ông Tô Đông Pha, không ai không biết. Ông sinh sống vào đời Tống Triết Tông. Bài thi do ông đề và những khuông dấu “Kỳ trân”, “Tàng bửu”, “Thạch cừ các ngoã” cho ta biết một đôi phần, và chỉ một đôi phần thôi về giá trị lịch sử của cái nghiên, nếu nghiên nầy đúng là nghiên chánh hiệu. (tức không phải nghiên giả).
Trung Hoa là đất văn hiến. Trong sách sử còn ghi lại danh tánh nhiều nghiên mực cổ quý giá, như “Đoan Khê”, “Thương Bích”, “Đế Hồng”... Lại có một thứ nghiên danh là “Đồng ngoã”, tức nghiên chế bằng những tấm ngói cổ của đài Đồng tước của Tào Tháo, đầu thế kỷ thứ 3 dương lịch. Xin đừng nói theo câu ca dao Việt: “Đền bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”, rồi tưởng rằng ngói cũ còn nhiều lấm. Xin thưa: đời hết loạn ly nầy đến loan ly khác, thân ngói không còn lại bao nhiêu, và những nghiên làm bằng ngói và những ngói cổ dành làm nghiên, dưới mắt tôi đều là giả. Có một nghiên thật, đó là nghiên Tức Mặc hầu của Việt Nam, một quốc báo, thì nó đang xa chạy cao bay.
Nay cho tôi bàn thêm về nghiên mực làm bằng ngói cổ: Một tấm ngói âm dương đời Tiền Hán, tuổi trên hai ngàn năm, lấy nó làm nghiên mực, thì ai dám phủ nhận giá trị lịch sử của nó.
Huống chỉ nó được điểm xuyết thêm, nào bài minh của chính tay của Tô Đông Pha để lại, nào con dấu khắc từ đời Tống Triết tông (1099), với chữ “Kỳ trân”, “Tàng bửu”, “, “Thạch cừ các ngoã” mỗi chữ đáng ngàn vàng ấy, một ngoã nghiên quý giá như thế, sản xuất nơi một nước tồn cổ có đến ngót một tỷ dân, thế mà có một lúc lọt về nước Nam, thì đã là một may mắn hiếm có cho nước mình, đến phiên ta giữ, thì ta làm mất, và không lo tìm, hỏi ta có đắc tội với hậu thế hay không?
Đến đây tôi còn phân vân, biết đâu chừng, và phải chăng, vào đời ông Tô Đông Pha là lúc văn chương Hán học đang trong thời kỳ cực thịnh, thì cái nghiên nầy và cây bút là những vật cần thiết cho nhà nho, như vậy và cố nhiên người ta chế tạo không phải vài cái nghiên mà khá nhiều nghiên, với những ngói cũ, ngói Thạch Cừ các, lúc đó cũng có thể tìm được, không nhiều thì ít. Cho nên tôi nói, vào đời Tống, đã có tạo nhiều nghiên “Thạch cừ các ngoã” rồi. Và phải chăng dưới một đời nào đó, sau đời Tống, với một tấm ngói cổ tìm gặp trong một ngôi đền cổ chùa cổ nào đó, rồi một nhà điêu khấc kiêm thi sĩ khéo tay, sẵn tánh hiếu cổ, bèn ra công chế tạo thành nghiên mực, rồi khắc niên hiệu Tống, chạm thêm bài minh của Tô Đông Pha vào, nói thẳng ra, đã làm cóp-pi (copie) nghiên cổ, để đến nay, thêm mấy trăm năm lạc linh (patiné) thì làm sao biết được nghiên thật, nghiên giả?
Pháp mượn của Anh ngữ, từ “pedigree” để nói về lý lịch của con chó rặt dòng. Xin cho phép tôi nói tỷ dụ, khi một món đồ cổ còn trong Nội phủ nhà vua là món ấy còn pedigree, còn rặt dòng, và tin được. Nó quý phái và ta sẽ dùng nó làm mẫu để so sánh và định tuổi các món cùng loại gặp lạc loài ngoài phố, trong hiệu buôn hoặc nơi hẻo lánh nào đó. Khéo truy nguyên và một người quen mắt sẵn, sẽ định tuổi món đồ lưu lạc không khó. Nhưng một món thế phiệt mà tách khỏi chỗ nó ở, thì mất pedigree và giá trị đã suy giảm đi nhiều. Mánh lới và thú chơi cổ ngoạn gồm bao nhiêu đó. Say mê và bị vợ con rầy rà cũng bao nhiêu đó.
Trở lại nghiên mục, dẫu nay có một nghiên nghiên “Thạch cừ các ngoã” tự tay Tô Đông Pha sáng chế, quý báu thật nhưng không thể đổi với Tức Mặc Hầu đã mất, vì nghiên Tức Mặc Hầu là của Dực Tông hoàng đế (Tự Đức) truyền lại ta, nó có tánh cách lịch sử Việt. Cho nên một lần nữa, tôi xin người nào làm về văn hoá bây giờ, phải xem là một trách nhiệm lớn, việc tìm cho ra manh mối nghiên Tức Mặc Hầu. Phải đem nghiên về cho nằm ở Viện bảo tàng vườn bách thảo vì nó là của chung của dân Việt.
Đến đây tôi trở lại chuyện một người mê cái nghiên Tức Mặc Hầu hơn tôi bá bội. Mê đến bất chấp lương tâm. Người đó khi đã chết, người ta lập biên bản thống kê tài sản, mới biết y muốn lưu di năm chục ký lô vàng. (theo công báo của chánh phủ Sài Gòn trước). Ấy là thuở sanh tiền, ông có tiếng là thanh liêm số dách (số một). Đã ham hai chữ thanh liêm, lại ham chi cái nghiên Tức Mặc Hầu vì đó là một nghiên đá lọ lem, mặt dính đầy những mực. Người đó đã đem nghiên mực về Sài Gòn, làm chủ riêng một mình. Thấy gương nầy, tôi ngụ ý trên đời, không nên sớm khoe mình trong sạch, quá mức thì hết thanh liêm. Nhớ lại chuyện ông huyện tuổi tý, bởi thanh liêm nên nghèo. Sau đó ông biết được chầu xưa dân đi lễ cho ông một con chuột đặc bằng bạc nén, cho nên ông mới kéo dài tuổi hứa cho đến buổi thắt ngặt nầy. Chẳng lành mà chớ, ông than một tiếng làm bay mất hai chữ thanh liêm, vì ông trách vợ năm xưa, sao không nói với dân mình tuổi sửu, cho món lễ lớn bằng con trâu, những là sướng hơn; Về ông tôi nói chuyện đây, cho đến ngày ông chết, tôi thấy ông đi đâu, cũng na một món nỉ cũ trên đầu và một gậy mây cầm tay. (Gậy và nón nầy nay về tay ai?). Trọn đời, ông làm như không màng đến của cải (nội b hạ ông vơ vét cũng đủ chết cha dân), thế mà ông đam mê chi cái nghiên mực đá, nghĩ cũng lạ thật. Sau tôi nghiệm ra, đó là nghiệp chướng. Tôi không cần hài tên ông, nhưng ai còn giữ bộ tạp san Đô thành hiếu cổ Huế, sẽ thấy tập năm 1917 có một bài Pháp vãn khảo về nghiên mực của vua Tự Đức. Lúc nhỏ, ông học trường Hậu bổ ở Huế, và để cho người biết danh, ông viết bài văn đây nầy, ông dịch lại kỹ càng những bài thi chạm trên hộp đựng và trên nghiên mực, và kê khai rành rọt những loại đá quý mà người Trung Hoa dùng để làm nghiên mài mực, trong các loại đá ấy, có một thứ lấy từ trong núi Đoan Khê là tốt nhứt. Nhưng nào phải mỗi viên đều quý. Trong số vạn ức triệu nghiên Đoan Khê thạch, thỉnh thoảng mới gặp một nghiên mầu nhiệm như nghiên Tức Mặc Hầu, và cái nghiên nào có cù đục nhãn, thì gì là ngọc chớ không kể là đá nữa. Đối với ai có tánh hiếu kỳ, muốn biết thêm về nghiên mực lạ nầy tôi xin khuyên nên tìm đọc bài khảo cứu công phu của ông và của một tác giả Pháp tên E.Gras, đều in trong tạp san san Đô thành hiếu cổ Huế (bulletin des Amis du Vieux Huế) năm 1917. Khi ông lên tột phẩm nấc thang danh vọng, thì có người ở Huế biết chỗ nhược của ông và để củng cố địa vị cho mình, bèn ôm nghiên mực vào Sài Gòn tấn công. Tôi biết chắc việc ấy vì từ năm 1959 đến năm 1962, mấy lần ra Huế, tôi hỏi thăm thì ngoài ấy nói với tôi Tức Mặc Hầu đã vào Nam. Và ngày nay ý muốn của tôi là muốn sao nếu nghiên mực nầy hết duyên nợ với Viện bảo tàng Huế, thì nó phải được thu hồi cho về ở Viện bảo tàng trong nầy mới là xứng nơi xứng chỗ. Phải nói tôi theo dõi viên ngọc Tức Mặc Hầu, và theo bén gót như bóng với hình. Sau khi dinh Gia Long bị công phá, ông bỏ chạy kế bị giết vào hôm sau. Nghiên mực cũng mất tích luôn từ đó. Tôi cứ phăng dò mãi tuy vẫn tìm chưa ra manh mối đích xác. Sau ngày đảo chánh, ai nấy lo mất nước mất nhà, tôi lại lo mất nghiên mực. Tôi hỏi khéo ông quản gia có phận sự gìn giữ đồ vật của dinh Gia Long, ông nầy trả lời ông chẳng bao giờ nghe thấy điện có nghiên mực nầy.
Tôi không ngã lòng, day qua mượn ông nhạc gia của quản gia hỏi chắc chú rể, ông cũng đinh ninh một hai ông không biết. Hỏi mãi có người đưa ra thuyết hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã, qua Paris, hoặc mụ em dâu ác ôn đã ôm bán quách cho nước ngoài rồi. Kịp đến tháng 9 năm 1964, tôi cũng bị cho ra rìa, thôi làm quản thủ công nhựt Viện bảo tàng nơi vườn bách thảo.
Nhưng tôi không thôi theo dấu nghiên mực quý đã bị ai lấy mất từ trong dinh Gia Long. Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở, rằng nghiên mực Tức Mặc Hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn ở lẩn quẩn đâu đây hoặc vùng Sài Gòn, hoặc còn trong nước không xa, và ở thẳng tay một người nọ: và nghèo lắm túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng va không khứng lìa ngọc Tức Mặc Hầu. Tôi đã ráng hết sức, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây, những ai có lòng với văn hoá, biết bảo tồn quốc tuý, hãy cứu vớt nghiên mực khỏi bước lạc loài. |
|
|