Một Công Chức Đời Tây Mỗi thế hệ đều sanh ra lớp người của thế hệ ấy, xấu có tốt có không nên quơ đũa cá nắm. Công chức đời Tây, không phái là hoàn toàn hư tệ, lại tôi là người chi mà dám phê bình người đồng một thế hệ với tôi?
Duy kể về bức bối, tôi thấy ông nầy có lẽ làm điển hình được.
Ông là người duy nhứt ở toà bố Sa Đéc nói trọ trẹ khó nghe, người ta thấy ông hút thuốc lào nặng, nên nói ông ở Huế vào đây, nhưng tôi không rõ cho lắm, duy biết trước kia ông có đi lính cho Pháp, có sang Pháp làm thông dịch viên cho đạo binh lính thợ không chuyên môn, Pháp gọi ouvriers non spécialisés, viết tắt O N.S, là vì lính nầy đội cát-két giống mồng chim chào mào, nên được tặng là lính chào mào nổi danh là vô kỷ luật, giỏi tài ăn quịt nói phét, mỗi mỗi bắt chước lính Tây: giựt tiền của gái làng chơi, mà không có cái gì xấu mà họ chừa, vì ỷ mình có sự ủng hộ ngầm của quan thầy Tây mà họ là tôi trung thành từng giúp một tay làm việc nặng nề như khiêng vác trong trận giặc đệ nhứt thế chiến bên Âu châu (1914-1918), khi đám giặc nầy tàn, họ vỗ ngực xưng đã từng chống giặc Đức giúp Pháp giữ an bờ cõi.
Để thưởng công, ông nầy được cho nhập ngạch thơ ký soái phủ Nam Kỳ (secrétaires du gouvernement de la Cochinchine) và bổ nhiệm ông về toà bố Sa Đéc, lối năm 1932. Ông người cao ốm, trạc tứ tuần, có vợ là người rừng Nam, bà nấy nhan sắc tầm thường nhưng có vốn liếng khá, chuyên nghề cho vay đặt nợ, khi đến Sa Đéc vợ chồng mướn phố ông thầy thuỷ Ngỡi, nơi đường Vĩnh Phước, gần chợ Tân Phú Đông.
Ông ưa hoang hoác khoe từng nếm cơm đủ ba xứ Nam Trung Bắc, gặm bánh mì sơn đá, và có công trả thù mẫu quốc ngủ với đầm, làm cha Tây! Mấy bữa tiệc đám rượu vào, ông khoe gái đầm không khó, có tiền cho là được, chúng cả gan mạo hiểm, mấy ngày lính nghỉ lễ, chúng đi xe đạp ôm chăn nệm ra hành nghề rước khách đủ màu da, bụi cây xó hóc nhà sụp đổ gì cũng trối kệ miễn thù lao sòng phẳng, một bao thuốc lá hay một khúc bánh mì nguội cũng xong! Và có lệ, hằng đôi ba tháng để giữ vệ sinh cho quân lính, thầy đội Tây đưa tính lừng ê kíp vài chục đứa, cho phép đi thám hiểm gái bọt đền (bordel), nơi đây tồi tàn lắm, xem người như súc vật hay như cái máy, bất ngồi xếp hàng hai ngoài cửa, tới phiên có súp lê (sifflet) là kéo vào, nhảy lên bàn có gái nằm chờ, một tiếng súp lê khác là nhảy xuống, như chưa xổ nục kịp và nếu sẵn tiền, thì ra ngoài lo lót mua phiên của thằng túng tiền để vào nhảy kỳ nhì, nhưng việc ti tiện ấy ông cũng đã trải và kể ra không ngượng miệng.
Ngày thường ông ít giao thiệp với anh em trong sở, nên chúng tôi cũng ít biết hành tung của ông ta. Thân chủ của ông là các tay bắt mồi, mấy hương chức xấu nết, chuyên đục khoét giữa đám dân trôi nổi cần có một bài thuế thân hợp lệ để khỏi bị lính tráng làm khó, số tiền lo lót họ không kể là hối lộ và xem là tiền mua bổn mạng như tiền cúng tà ma quỷ sứ.
Đổi về Sa Đéc được năm sáu tháng, một buổi chiều ông ta mới tôi về nhà lấy cớ bà phán vốn người đồng hương quê ở Sốc Trăng như tôi. Tôi vị bụng theo ông về nhà, trà nước tử tế, bà phán ra nói năm ba câu chuyện bâng quơ, việc nhìn bà con xem như bất thành, tôi từ giã ra về. Dè đâu cách ba tháng sau, một bữa đầu tháng tôi đang ngồi gần kết bạc phát lương cho các giáo chức tụ hội rất đông, bỗng thấy bà phán tay xách dù, xâm xâm bước vào phòng bút toán, không chào không hỏi, nói xán xả: “Thầy hỏi tiền tôi mà đã hai tháng không trả xu nào. Bữa nay nếu thầy không trải tôi sẽ đi thưa ông chánh!”.
Trời đất ôi! Tôi mượn tiền hồi nào? Tôi chưa biết ất giáp gì, bỗng ông phán Q., từ văn phòng phó tham biện chạy ra, lôi tay bà phán ra ngoài, nói gì với nhau nho nhỏ, bà ta ra về. Ông trở vô năn nỉ tôi rằng “việc không có gì quan trọng, xin tôi bỏ qua cho. Việc gia đạo của ông, để cho ông xử!”.
Trong lúc tức giận vì mất mặt tôi lớn tiếng phân bua, nhưng ông chịu tội hết, phần tôi mấy lo phát lương nên cũng tạm gác chuyện đó qua một bên. Sau rõ lại, bữa đưa tôi về nhà là ông lập kế dối vợ rằng tôi là người đi hỏi bạc góp, cần vay hai trăm sẽ trả làm mười tháng mỗi tháng hai mươi bốn đồng, chỗ nầy chắc ăn vì thầy làm thơ ký phát lương, có chạy đi đâu mà sợ, mà thầy là người hay mắc cỡ, nên không nói; như mình có tiền hãy đưa tôi trao lại cho thầy, rỗi mỗi tháng tôi chịu khó nhận tiền nơi thầy đem về cho mình, trong mười tháng là thu đủ vốn và lời răn rắt hai trăm bốn chục đồng, sướng quá?
Bà phán nghe bùi tai lòi tiền, ông phán ta đem đổ sông đổ biển đâu không biết, tháng đầu ông trao bà hai mươi bốn đồng y hẹn, qua hai tháng sau không thấy nữa nên bà xách dù đi tìm tôi là vì vậy. Mánh lới ấy không biết ngày nay các cán bộ tân thời có biết dùng chăng, chớ trước đây công chức đời Pháp thuộc thỉnh thoảng vẫn mượn để qua cơn túng ngặt, bất chấp đã phạm hai lỗi nặng; gạt vợ để có tiền, gạt bạn và bán đứng bạn, không kể gì chữ tín.
Chuyện ông mượn tôi kê nề để có tiền xài rồi cũng bỏ qua. Duy cái cách ông bắt vợ lớn cưới vợ bé cho Ông mới là xuất quỷ nhập thần:
Ông có quen với một cô nhỏ học trò lớp nhứt trường tỉnh, hai người đã khăng khít nhau lắm. Ông muốn đem về cho thêm gần gũi và đỡ tốn, nhưng còn sợ oai bà xã. Một hôm chúa nhựt, ăn cơm rồi ông ngồi ghế xích đu đọc nhựt trình, bà ngồi ván ngựa dang soạn áo quần để vá. Bỗng ông nói tỉnh bơ: “Ở Chợ Cồn mới có một ông thầy bói ở đâu lại, thiên hạ đua nhau tranh tới nhờ ông coi quẻ, tiếng nổi như cồn. Như mình muốn biết tài, tôi đưa mình đi xem, nhưng riêng tôi, tôi cho mình biết trước là tôi không bao giờ tin lời thầy bói”.
Bà phán nghe nửa úp nửa mở, sẵn tánh mê tín, giục ông đưa bà đến nhà. Mấy người chờ xem đều nhường cho hai ông bà coi trước.
Lão ta nói cái gì đều trúng cái nấy, nhà bà có gì kín ông đều biết, vách nứt trong buồng, cột nhà bếp có mấy cái mắt gỗ, ông nói trúng phong phục, bà phục lăn, không biết đó là do một sự cò máy, đức phu quân đã mách trước lão bốc sư. Hết việc bói rồi day qua việc coi chỉ tay. Ông phán đòi về, vì hiện còn nhiều người chờ tới phiên, nhưng bà đã mê trận và xin nán lại coi giùm chỉ tay và gia đạo. Bốc sư chụp tay ông coi trước, khen ông có ngươi vợ nhu thuận và riêng ông có số đào hoa nhưng sự nghiệp của ông đều do bà xây dựng, tuy vậy không có ông thì sự nghiệp ấy cũng khó cầm vì ông có tay giữ của? Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn, nhưng dầu ông làm phật ý bà phải rán nhịn nhục thì tai qua nạn khỏi không sao. Xem cho ông xong rồi day qua xem cho bà.
Bốc sư khen bà tướng tốt phúc đức song toàn, bỗng ông chắt lưỡi nói chỉ tiếc lằn sanh đạo của bà đức đoạn, thêm lằn hào phu thê của ông cũng đứt, hai chỗ nầy phù hợp, năm nay tháng bảy là hung nhiều kiết ít, e bà qua không khỏi. Và tháng nầy là tháng năm, bà khá đề phòng. Nói đến đó rồi bốc sư xếp tay bà lại chắt lưỡi than dài. Bà nghe sợ hỏi phăng bốc sư có cách nào giải nguy.
Bốc sư bàn hay là số bà như vậy, nên dùng cách thế tử, cho ông phán cưới vợ bé, lựa tuổi mười bảy tuổi thân ở hướng đông nam, con ấy vô tới tháng đó sẽ chết thay cho bà và bà sẽ bình yên vô sự vui hưởng đến già.
Bà day qua dò ý kiến chồng, nhưng ông phán giấy nẩy, rầy sơ bốc sư rằng không biết ý bà phán hay ghen, ép ông có vợ bé chi cho khỏi hư hại gia cáng, một vợ ông cân chịu không nổi, bày chi vợ bé vợ mọn, sống chết có mạng, hơi đâu lo xa, bói ra ma quét nhà ra rác?
Ra về bà phải năn nỉ ông suốt mấy hôm, thúc giục ông lắm ông mới siêu lòng sau khi đưa điều kiện bất buộc bà không được ghen và ông để mặc bà trầu cau cậy mai mối cưới con nhỏ tuổi thân mà ông đã quen từ trước, hết tháng bảy qua tháng tám, rồi tết đến, rồi sang xuân, con nhỏ có bụng., không thấy ai chết cả, bà kêu trời mà không dám kêu lớn, lúc ấy tôi đã đổi về Sốc Trăng, nơi quê cha mẹ, mục kích một ông phán khác cũng đi Tây về, chắp nối với bà quan năm Tây mà ông từng làm thông ngôn nhà ông có treo một cây roi mây, mỗi lần bà đánh, ông vẫn la “chết mấy chưa” và lỗi xóm đều khen ông phán H, rất dữ dám đánh bà trị bà, mỗi khi bà có lỗi.
Công chức lớp xưa không phải đều như hai ông nầy nhưng điển hình tôi biết hai ông đó. |
|
|