Tháng 11-1965, Mao bố trí một kế hoạch trả thù tàn khốc được gọi là "Cách mạng văn hoá" với sự tiếp tay của hai người: Lâm Bưu và Giang Thanh. Lâm Bưu được bí mật mời đến gặp Mao tối ngày 1-12, Mao cho Lâm hay kế hoạch thanh trừng của mình và yêu cầu tiếp tay. Lâm chấp nhận với một yêu cầu: cho Lâm thanh trừng một người bạn rất thân và hoàn toàn tín cẩn của Mao hiện đang làm tổng tham mưu quân đội, Luo Ruiqing. Lý do Lâm ghét Luo là vì ông này được Mao tin tưởng hơn Lâm. Mao biết rằng âm mưu thanh trừng lần này của Mao không thể thành công nếu không có sự tiếp tay của Lâm, nên Mao đồng ý với Lâm để thanh trừng Luo.
Ngày 8-12 vợ Lâm Bưu đọc một bài diễn văn trước bộ chính trị dài 10 tiếng tố cáo Luo có lòng tham vô đáy. Đây là một chuyện chưa từng xày ra vì vợ Lâm Bưu không phải là thành viên của bộ chính trị. Luo không có mặt tại buổi họp, nhưng khi nghe tin ông không còn đứng vững nổi. Ông bị bắt giam tại gia. Nhưng Lâm Bưu chưa hài lòng, Lâm đòi hỏi Mao kết tội Luo phản đảng. Mao lưỡng lự không muốn làm chuyện này.
Trong khi Mao nóng lòng chờ đợi trả thù tới độ phải dùng thuốc ngủ gấp 10 lần một người bình thường mới ngủ được thì thị trưởng Bắc Kinh Bành Chân (Peng Zhen) vốn đoán biết Mao đang sắp đặt một cuộc thanh trừng quy mô, và với sự đồng ý của Lưu Thiếu Kỳ, đưa ra một số quy định nghiêm cấm sử dụng các chiêu bài chính trị để đàn áp văn hoá và người làm văn hoá. Ông cũng bay đi Tứ Xuyên, bề ngoài là thanh tra xưởng vũ khí, mà bí mật gặp Bành Đức Hoài đang bị giam lỏng ở đó. Mặc dù Bành Đức Hoài đã bị tước hết binh quyền, ông vẫn được rất nhiều người cảm phục.
Bành Chân cũng dùng quyền hành của mình cố ngăn chặn một bài báo của Mao phê phán vở nhạc kịch "Hải Thuỵ bãi quan", trong đó một người dân bị vua trừng phạt vì dám nói thay cho nông dân. Bành Chân công khai phê phán Mao là có ý đồ chính trị vì theo ông vở kịch chỉ có giá trị lịch sử, không phải là một biến cố chính trị. Mao lại cho là vở nhạc kịch này châm biếm quan hệ giữa Mao và Bành Đức Hoài.
Trước những diễn biến bất lợi, Mao tự biết ông phải xúc tiến cuộc Cách mạng văn hoá ngay, ông cho Lâm Bưu hay là ông đồng ý kết tội Luo Ruiqing phản đảng. Ngày 18-3-1966 sau khi bị Mao kết tội "phản đảng", Luo nhảy lầu tự tử, nhưng chỉ bị gãy chân. Ngay ngày hôm sau, Giang Thanh yêu cầu Lâm Bưu phê chuẩn bản tuyên ngôn Cách mạng văn hoá do bà soạn mà chính Mao đã duyệt với lời phê trên tựa đề: "Đồng chí Lâm Bưu đã phê chuẩn cho đồng chí Giang Thanh…". Sự tham gia của Lâm Bưu đã khiến Chu Ân Lai xoay chiều: ông cho Bành Hoài biết là ông ủng hộ Mao.
Ngày 14-4 Giang Thanh công bố bản tuyên ngôn Cách mạng văn hoá. Một tháng sau bộ chính trị họp (vắng mặt Mao) để thông qua danh sách những nạn nhân đầu tiên: Bành Chân, Luo Ruiqing, Lu Dingyi (chủ bút báo Nhân Dân, vì không đăng bài viết của Mao), Yang Shangkun (vì những liên hệ của ông này với Liên Xô mà cũng vì ông đã đặt máy nghe lén ở trên xe lửa của Mao và một nhân viên thu âm đã không khôn ngoan khoe khoang với một người bạn gái của Mao là "tôi nghe hết cô và Mao Chủ tịch nói gì với nhau"). Lưu Thiếu Kỳ chủ toạ phiên họp, và mặc dù Lưu đã lớn tiếng chống đối, cuối cùng tất cả mọi người có mặt, cà Lưu và Bành Chân, cũng giơ tay bỏ phiếu thông qua bản án. (LND: Có phải đây là cách thức họp hành của đảng cộng sản phải không, tức là ai cũng phải nhất trí hết, ai biết xin chỉ dùm? Giả sử Lưu hoặc Bành chống đối tới cùng thì sao?) |
|
|