Cuộc chuyển đổi quyền hành từ Quốc Dân đảng sang Cộng sản đảng diễn ra tốt đẹp. Thương gia, kỹ nghệ gia được tiếp tục kinh doanh và làm việc cho tới gần cuối năm1950. Chỉ có luật pháp và báo chí bị thay đổi ngay: Quan toà được thay thế bằng các đảng viên, còn báo chí bị kiểm duyệt gay gắt. Nơi nào chống đối bị đàn áp thẳng tay.
Tháng 10-1950 Mao phát động một chiến dịch chống phản cách mạng toàn quốc. Mao cũng đồng thời phát động cuộc cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp ở những vùng mới chiếm. Mục tiêu của Mao là phân chia xã hội ra nhiều thành phần: phản cách mạng, kẻ thù giai cấp, gián điệp, tôn giáo, địa chủ, tư sản, phú nông, cho tới kẻ cướp. Mỗi thành phần bị đối xử khác nhau. Mao hạ lệnh mỗi tỉnh phải gay gắt hơn nữa, phải tăng con số người bị bắt theo tiêu chuẩn của Mao. Mao cũng biết người ta ưa thích bạo động, nên Mao muốn những cuộc hành quyết phải được thực hiện ở nơi công cộng, càng được nhiều người chứng kiến la ó càng tốt. Một nhân chứng cho biết ngay giữa Bắc Kinh, cô chứng kiến một đám đông đi theo hò reo la ó bao quanh 200 người bị Công an lôi đi trên đuờng phố và bị hành quyết ngay trên vỉahè. Các xác chết mặc dù còn nhỏ máu được kéo đi khắp đường phố. Khi chiến dịch kết thúc một năm sau, Mao tuyên bố có khoảng 700 ngàn bị giết, con số thực sự phải cỡ 3 triệu.
Những người không bị giết chết thì bị bắt đi lao động cải tạo. Họ bị đưa tới những vùng hẻo lánh và bị bắt làm cho tới khi kiệt lực mà chết, theo kiểu mẫu của những trại tù gulag của Liên Xô. Mức độ dã man của những phương pháp hành hạ cải tạo viên khiến một nhà ngoại giao Liên Xô phải thốt lên: "Tụi Quốc Dân đảng cũng không tàn ác tới như thế". Trong thời gian Mao cai trị, con số người chết vì lao động khổ sai lên đến 27 triệu.
Mao còn một biện pháp thứ ba, gọi là quản chế. Dưới thời Mao có hàng chục triệu người bị quản chế. Người bị quản chế được sống ở thành phố, nhưng lúc nào cũng bị theo dõi, thường xuyên phập phồng lo sợ, chưa kể những liên lụy đến gia đình và hàng xóm.
Chỉ trong một năm Mao hoàn toàn thành công đè bẹp mọi hình thức đối kháng, dù đó chỉ là những lời đồn. Cuối năm1951 Mao lại đề xướng một chiến dịch mới, gọi là "tam phản": chống tham nhũng, chống phí phạm và chống tư tưởng phong kiến (lè phè). Về mặt chống tham nhũng, mục đích là không để sứt mẻ một đồng nào từ số tiền đảng gom góp được. Quốc Dân đảng thất bại vì để cho tham nhũng lan tràn, nên trong chiến dịch này bất cứ người nào bỏ túi tiền của chính phủ trên 10 ngàn quan đều bị xử tử. Mao tổ chức cho các đơn vị chính phủ và quân đội ở mọi tỉnh thành phải tổ chức thi đua bắt tham nhũng. Nếu Mao hoàn toàn thành công về mặt chống tham nhũng thì về mặt chống phí phạm Mao lại thất bại nặng: Mao phí phạm nhân lực vào những cuộc điều tra kéo dài ngày này sang ngày khác, người dân phí phạm thời giờ bởi những cuộc tra vấn liên tục. Đã thế Mao còn đưa ra thêm chiến dịch "Ngũ phản": chống hối lộ, chống trốn thuế, chống ăn cắp của công, chống ăn gian và ăn cắp tin tức liên hệ đến kinh tế. Chiến dịch này dẫn tới hàng trăm ngàn người phải tự tử.
Trong khi vật giá leo thang, hàng hoá càng ngày càng khan hiếm, kinh tế TQ đi vào khủng hoảng thì Mao sống như một ông vua. Mao thích ăn ngon, và lạ. Nhiều món ăn phải chuyên chở cả ngàn cây số tới, thí dụ cá hồ Vũ Hán, mà khi tới nơi phải còn sống Mao mới ăn. Mọi thức ăn, uống của Mao đều có bác sĩ thử nghiệm. Mao thích bơi, mà nước hồ bơi phải đủ ấm kẻo Mao bị cảm vì lạnh. Mao không thích tắm, Mao không hề vào bồn tắm hay đứng dưới vòi sen trong 25 năm. Mỗi ngày Mao đều để cho người hầu lau mình bằng khăn ấm. Mao thích gái đẹp. Ngày 9-7-1953 quân đội được lệnh kiếm gái cho Mao, Tư lệnh quân đội Bành Đức Hoài chống đối nhưng không có kết quả. Một đạo quân được thành lập gồm toàn gái trẻ đẹp, được dạy múa hát và chiêu đãi, mà ai cũng biết là để hầu hạ Mao. |
|
|