Tháng 10-1946 bốn tháng sau ngày ký hiệp định ngừng bắn, quân Tưởng bắt đầu mở lại những cuộc tấn công vào căn cứ địa Bắc Mãn Châu của Mao. Hồng quân, dưới quyền chỉ huy của Lâm Bưu, lần này đã tỏ ra chiến đấu hữu hiệu. Cuộc chiến kéo dài dằng dai cả năm. Uy tín Tưởng xuống thấp. Ông cần một chiến thắng quân sự.
Ngày 1-3-1947 Tưởng uỷ thác cho một tướng tâm phúc của mình, Hu Tsung-man, thực hiện một kế hoạch táo bạo: đánh chiếm Diên An. Ngày 18-3 Hu chiếm được Diên An, nhưng Mao đã trốn thoát. Sau này Hu cho một người bạn của ông, Hu Kung mien, biết là ông đã điện cho Mao biết kế hoạch của Tưởng, kịp thời cho Mao di tản toàn bộ ban tham mưu của mình. Thì ra Hu là một gián điệp nằm vùng của Mao. Hu chiếm đưọc Diên An, nhưng chỉ đóng quân ở ngay thành phố Diên An. Ngoại ô Diên An vẫn thuộc quyền kiểm soát của cộng sản. Nhiều lần, Hu gửi quân đi truy sát Mao đều mang thất bại. Lần nào quân Hu cũng đi thẳng vào ổ phục kích của Mao, kết quả không ai sống sót trở về. Những trận đánh chỉ có thắng này của Mao đã đưa tên tuổi Mao lên hàng danh tướng.
Một bằng chứng khác Hu nằm vùng là ngày 8-6, hoàn toàn bất ngờ một toán quân của Hu, do Liu Kan điều khiển, xuất hiện sát chỗ Mao đang đóng quân. Mao vội vã băng rừng chạy, mọi điện đài đều được tắt hết, ngoại trừ một đường dây. Mao liên tục gọi cho Hu yêu cầu Hu rút Liu Kan về. Hu ban lệnh cho Liu Kan: bỏ hết mọi thứ mà kéo quân về Bảo an. Sau này Mao khoe khoang: "Bốn quân đoàn của Liu Kan diễn hành qua lại ngay trước mắt chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ đứng ngó". Liu Kan phải trả giá bằng cái chết, dàn dựng bởi chính Hu: Tháng 2-1948, Hu ra lệnh cho Liu Kan đánh chiếm Yichuan, đoàn quân trên đường đi lọt ổ phục kích của Mao. Liu điện về cho Hu xin rút, nhưng Hu không cho. Liu Kan tự sát. Cái chết của Liu và sự tan rã của quân đoàn 29 của ông đập tan mọi hy vọng của Tưởng. Một tháng sau, Hu được lệnh rút khỏi Diên An. Tưởng vẫn đánh giá Hu là một người đáng tin cậy, và đã dùng quyền của mình che chở cho Hu không bị kết tội, ông không học gì được từ sự thất bại ở Diên An. Hu chết ở Đài Loan năm1962, tung tích vẫn không bị bại lộ.
Gián điệp đóng một vai quan trọng trong sự thất bại của Tưởng. Năm 1948 Tưởng giao cho một tướng khác Wei Li huang nắm chức tư lệnh vùng Mãn Châu, cầm đầu nửa triệu quân, dù đã nhận được báo cáo là Wei có thể là một cán bộ cộng sản. Wei cũng hành động y như Hu, rút hết quân đội về thành phố để ngỏ vùng nông thôn cho Mao tự do phát triển. Lâu lâu, Wei cử những toán quân lẻ tẻ đi hành quân vào những chỗ đã bị phục kích sẵn. Khi thấy tình hình tuyệt vọng, Tưởng ra lệnh cho Wei rút quân về Tinh châu để chuẩn bị rút ra khỏi Mãn Châu, thì Wei bỏ lại toàn bộ quân đội của mình cho Mao tàn sát (theo ý muốn của Mao). Ngày 2-11 Thẩm Dương sụp đổ, toàn bộ Mãn Châu rơi vào tay Mao. Wei cũng không bị Tưởng trị tội, ông qua sống ở Hongkong một thời gian rồi mới về Bắc Kinh sống ở đó cho tới chết-1960.
Quân đội Mao sau khi chiếm Mãn Châu tiếp tục tiến về Bắc Kinh. Quân số của Mao lúc này là 1 triệu 3, sẵn sàng đánh Bắc Kinh, lúc đó có 6 trăm ngàn quân, dưới quyền điều khiển của tướng Fu Tso-yi. Fu không phải là cộng sản, nhưng Fu không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tưởng nên quyết định đầu hàng, tránh đổ máu. Nhưng Mao muốn mình trở thành một danh tướng đánh bại được Fu, một chiến tướng có tên tuổi, nên giữ sứ giả của Fu lại bàn chuyện thương thuyết cả hai tháng trong khi đó quân đội Mao tiếp tục tấn chiếm từng thành một. Chỉ khi Mao lấy được Thiên Tân ngày 15-1-1949, Mao mới nhận lời cho Fu đầu hàng. Lịch sử ĐCSTQ ghi là Mao thành công ép Fu đầu hàng vì Mao oanh liệt tạo nên hết chiến thắng này tới chiến thắng khác trên trận địa. Thực ra cả hàng chục ngàn người đã chết lãng nhách chỉ vì Mao muốn nổi tiếng.
Trong khi đó mặt trận Hoài hải, phía bắc Nam kinh, đã xảy ra những trận đánh kinh hồn từ tháng 11-1948 tới tháng 1-1949. Tư lệnh mặt trận của chính phủ dân quốc không phải là gián điệp, dù dưới quyền ông có không ít gián điệp. Thế nhưng, ở bộ Tổng tư lệnh dưới quyền Tưởng có hai người là gián điệp cộng sản: Lưu Phi và Kuo Ju kuei, mà Tưởng rất tin tưởng. Hai người này đã chuyển giao mọi kế hoạch quân sự của Tưởng cho hồng quân. Chính con trai của Tưởng xác nhận hai người này là gián điệp mà Tưởng cũng không tin. Sau này Tưởng thuyên chuyển Lưu Phi tới Tứ Xuyên, và ông này dâng Tứ Xuyên cho Mao không một phát súng.
Khi quân Nhật đầu hàng, Tưởng được mọi người coi là một anh hùng dân tộc. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chính phủ của ông đã để cho tham nhũng lan tràn, tạo ra lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Dưới áp lực của báo chí, ông cho mở cuộc điều tra, và kết quả cho thấy là Thủ tướng chính phủ TV Song và gia đình nhà vợ của ông đã ăn cắp công quỹ tới 380 triệu Mỹ kim. Mấy ngày sau, dưới áp lực của vợ, ông ra lệnh cho báo chí sửa lại là chỉ có 3 triệu Mỹ kim. Sự thất bại của Tưởng trong công cuộc trong sạch hoá guồng máy chính quyền đã đưa Mao tới thành công. |
|
|