Tháng 2-1945 tại Hội nghị thượng đỉnh Yalta, Stalin khẳng định với Roosevelt và Churchill sẽ tham gia mặt trận Thái bình dương khi Đức quốc xã đầu hàng. Hai tay lãnh tụ phương Tây này cho Stalin hay sẽ có bồi thường xứng đáng, mà không biết là Stalin đang rất nóng lòng muốn xâm lăng TQ, dù có bồi thường hay không. Điều này đối với Mao có nghĩa là quân đội xô viết sẽ tiến vào TQ, và Mao sẽ được đưa lên lập chính phủ cộng sản, như mơ ước Mao đã ấp ủ 22 năm.
Mười hai giờ 10 phút đêm 9-8-1945, chỉ 3 ngày sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, một triệu rưỡi quân Liên xô vượt biên giới Mông cổ tràn vào TQ, mở một mặt trận dài 4600 cây số. Mao ban lệnh cho hồng quân nhanh chóng bắt tay với quân đội Liên xô, và thành lập chính phủ CS nơi nào họ đi qua. Theo hiệp định Yalta, Stalin phải thông báo cho Tưởng trước khi đem quân vào TQ, nhưng Stalin chỉ làm chuyện này một tuần sau.
Nhật đầu hàng ngày 15-8. Người dân TQ nhảy múa ăn mừng chiến thắng. Tám năm chiến tranh (nếu tính luôn thời gian Nhật xâm lăng Mãn Châu là 14 năm), ít nhất cả 10 triệu người chết, chưa kể số thương binh và tỵ nạn. Phải ăn mừng chứ. Theo hiệp định Yalta, quân Liên xô sẽ dừng quân và bàn giao các đất đai đã chiếm được của Nhật lại cho Tưởng, thế nhưng thực tế xảy ra khác hẳn. Quân Liên xô vẫn tiếp tục tiến về Nam, và theo sau là hồng quân TQ. Cuối tháng 8, quân Liên xô đã giúp Mao phát triển lãnh thổ tới tận tỉnh Chahar và Jehol, cả hai nơi này chỉ cách Bắc Kinh có 150 km. Phần thưởng lớn nhất cho Mao là Mãn Châu, nơi Nhật đã chiếm đóng 14 năm. Không những quân Liên xô lấy được kho vũ khí của Nhật, lên tới cả trăm ngàn súng và hàng ngàn vũ khí nặng, và giao lại cho Mao mà còn bàn giao cho Mao 200 ngàn quân vốn là lính của chính phủ Mãn Châu thân Nhật. Khi đó quân Tưởng còn đang kẹt ở Nam TQ và Miến điện, Tưởng cầu cứu với Mỹ. Tổng thống Mỹ Harry Truman (lên thay Roosevelt chết ngày 12-4) đòi hỏi Tưởng đàm phán với Mao. Tưởng đánh điện mời Mao đến Trùng Khánh họp. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng trước áp lực từ Stalin (và có bảo đảm an ninh của cả Liên xô và Mỹ) Mao đồng ý gặp Tưởng.
Ngày 28-8 Mao bay đến Trùng Khánh trên một chiếc máy bay của Mỹ. Cuộc hội nghị diễn ra trong 45 ngày. Mao luôn miệng ca tụng Tưởng, nhưng cả hai đều biết là họ chỉ đóng kịch. Tưởng cần có một cái hiệp định hoà bình để chiều lòng Mỹ, và Mao phải chiều lòng Stalin. Trong khi Mao đang ở Trùng Khánh, quân đội Mỹ chiếm được hai thành phố lớn, Thiên Tân và Bắc Kinh, và họ sẵn sàng bàn giao cho quân Tưởng.
Mao trở về Diên An ngày 11-10 và ngay lập tức ban lệnh đánh đuổi quân Tưởng ra khỏi Mãn Châu. Thế nhưng quân đội Mao vốn chưa quen đánh giặc (chiến lược của Mao xưa nay là né tránh đụng độ để bảo toàn lực lượng), chưa kể về mặt tâm lý là chỉ muốn hưởng thái bình, nên chưa đánh đã hàng. Trong 10 ngày cuối năm 1945, 40 ngàn hồng quân đầu hàng quân Tưởng, theo tài liệu của ĐCSTQ. Lâm Bưu báo cáo với Mao: "Dân chúng nói là quân đoàn 8 không nên đánh nhau với quân chính phủ nữa. Theo họ, Quốc dân đảng mới là Chính phủ". Nhiều cuộc biểu tình nổ lớn đòi quân Liên xô rút về. Tin tức quân Liên xô hãm hiếp đàn bà TQ và cướp bóc của cải loan truyền. ĐCSTQ cũng bị đàm tiếu vì có dính liú tới quân Liên xô. Có lần trong một cuộc triệt thoái, Lâm Bưu bị chính quân mình hỏi: "Có phải quân ta rút về xứ bọn tóc đỏ (ý nói Liên xô) không?".
Ngày 1-6-1946 Lâm Bưu xin lệnh di tản khỏi Harbin, đây là thành phố lớn cuối cùng của Mao ở Mãn Châu. Mao nhiều lần xin Stalin đưa quân trở lại giúp nhưng bị từ chối. Stalin chỉ cho phép hồng quân TQ được phép qua biên giới Liên xô trú quân. Ngày 3-6 Mao chấp thuận cho di tản.
Mao chỉ chờ giờ bị treo cổ. Thì lúc đó Mao được cứu. Cứu tinh của Mao là chính phủ Mỹ. |
|
|