Tuổi già Vị Bất tử, tâm trí xúc động vì những tư tưởng lớn, đi đi lại lại trong văn phòng đêm. Một thứ âm nhạc nội tâm dìu dặt vang lên trong hồn người, một ban nhạc vô hình vĩ đại dường như đang tấu nhạc cho riêng người thưởng thức.
Những kẻ bất mãn? Không sao. Ở đâu cũng có những kẻ bất mãn, thời nào cũng có những kẻ bất mãn. Sẽ không bao giờ hết được những kẻ bất mãn.
Kiểm điểm lại quá trình tiến hóa không mấy phức tạp lắm của lịch sử nhân loại, Stalin biết rằng với thời gian, con người sẽ tha thứ tất cả, sẽ quên hết, hơn thế nữa, sẽ nhớ lại những cái xấu như những cái tốt. Con người đều như Lady Anne, nàng sương phụ trong vở kịch Richard III của Shakespeare. Cơn giận của họ ngắn ngủi, chóng tàn, ý chí của họ không kiên cường, trí nhớ của họ yếu kém – và bao giờ con người cũng vui lòng thuận phục hoàn toàn kẻ thắng.
Chính vì vậy Stalin nghĩ rằng y phải sống cho đến chín mười tuổi – bởi vì cuộc chiến đấu chưa chấm dứt, cuộc xây dựng chưa hoàn thành và ở đời này không có người nào thay thế được y.
Sống để phát động và để thắng cuộc chiến tranh cuối cùng. Sống để tiêu diệt bọn địa cầu xã hội Tây phương như loài sâu bọ, để giết hết tất cả những kẻ chưa chịu thua trận trên thế giới. Sau đó, tất nhiên tăng cao năng suất lao động đến mức độ kỷ lục, giải quyết những vấn đề kinh tế. Chỉ có ý, Stalin, biết con đường đưa nhân loại đến hạnh phúc, biết cách nắm cổ nhân loại đi vào hạnh phúc như nắm cổ một con chó mù dí vào đĩa sữa – “Đó, ăn đi.”
Và sau đó?
Trước đây có một người đích thực là người – người đó là Bonaparte. Người này đã không thèm để ý gì đến những lời sủa bậy của bọn Jacobin, đã tự tuyên bố mình là Hoàng đế. Và Bonaparte làm vậy là đúng.
Danh từ “Hoàng đế” không có gì là xấu cả. Danh từ ấy cũng chỉ có nghĩa là “Lãnh tụ, Chỉ huy”.
“Hoàng đế Địa cầu”. Nghe được đấy chứ?
Đối với tư tưởng cộng sản thế giới, việc xưng danh Hoàng đế không có gì là mâu thuẫn.
Stalin vẫn bước đi trong phòng, ban nhạc vẫn tấu nhạc.
Sống đến chín mươi tuổi và từ nay đến đó, rất có thể họ sẽ tìm ra được một thứ thuốc, hoặc những biện pháp nào đó làm cho y trở thành bất tử. Liệu có thể như thế không? Không, chắc không kịp đâu.
Nhưng bỏ nhân loại lại cho ai? Ai sẽ kế tục lo lắng cho nhân loại? Chúng sẽ làm hỏng hết cho mà coi.
Sẽ có nhiều cơ sở vĩ đại nữa được dựng lên vì Stalin. Kỹ thuật khoa học sẽ có thể giúp sức vào việc tuyên truyền chủ nghĩa. Ta sẽ có thể gọi cách đó là cách tuyên truyền bằng đài kỷ niệm. Sẽ đặt một đài kỷ niệm trên đỉnh núi Kazbek, một đài khác ở trên đỉnh núi Elbrus – đầu của mình sẽ vĩnh viễn cao hơn mây trắng. Đến lúc đó mình sẽ có thể chết được. Người vĩ đại nhất những người vĩ đại, vĩ nhân của những vĩ nhân, thiên tài vô song trong lịch sử trái đất.
Bỗng dưng Stalin dừng lại.
Ở trên cao kia thì sao? Trên trái đất này không có ai bằng được Stalin, điều đó đúng rồi, nhưng còn ở trên kia?
Y lại bước đi, nhưng giờ đây những bước đi của y chậm hơn, nặng hơn trước.
Thỉnh thoảng, vấn đề chưa được giải quyết đó lại trở về ám ảnh tâm trí Stalin.
Thật ra, vấn đề đó chẳng có gì mơ hồ. Tất cả những gì cần chứng minh đều đã được chứng minh đầy đủ từ lâu, những gì dựng chặn ở giữa đường đều đã bị dẹp đi, bị chứng minh là sai bậy. Đã chứng minh rằng vật chất không hề bị tiêu diệt và cũng không hề được sinh ra. Đã chứng minh rằng vũ trụ này vô biên. Đã chứng minh rằng đời sống bắt đầu một cách dễ dàng ở trong khoảng không ấm áp. Đã chứng minh rằng người ta không thể chứng minh được sự hiện hữu của Chúa Trời, sự đã sống thật của Jesus Christ. Đã chứng minh rằng tất cả những phép lạ, những tiên tri, những sự kiện tinh thần không có vật chất đều là những chuyện bà già lẩm cẩm.
Nhưng sự cấu tạo của linh hồn, những gì ta yêu ghét, những gì ta quen đều được thực hiện trong tuổi trẻ, không phải sau tuổi trẻ. Trong thời gian gần đây những ký ức về tuổi thơ xưa đã trở thành mạnh mẽ trong tâm trí Stalin.
Cho đến số tuổi mười chín y đã sống trong tinh thần Cựu ước và Tân ước, sống với Cựu ước và Tân ước, sống với cuộc sống của những vị Thánh Gia Tô và lịch sử đạo Gia Tô. Y giúp lễ trong nhà thờ, hát trong ban đồng ca, và y thích hát bài ca của Stroikin nhan đề: “Giờ đây các người đã được tha thứ”. Ngay cả bây giờ y vẫn có thể hát bài đó không sai một âm giai. Cũng không biết bao nhiêu lần trong khoảng mười một năm học ở trường nhà Dòng và trong Tu viện, y từng đến gần những pho tượng và nhìn vào những đôi mắt huyền bí ấy. Y ra lệnh cho bức hình chụp y những năm đó phải in vào tập Tiểu sử ấn hành nhân lễ Kỷ niệm Sinh nhật năm nay của y. Djugashvili, tốt nghiệp Chủng học viện. Trong bức hình ấy y là một gã thiếu niên mới lớn, khuôn mặt mệt mỏi vì những giờ cầu nguyện dài, bận chiếc áo dòng xám kín cổ, mái tóc dài rẽ đường ngôi nghiêm khắc ở giữa, vẻ mặt khắc khổ dọn mình cho cuộc sống tu hành khổ hạnh, những sợi tóc y dính dầu đèn phủ xuống tận hai tai, chỉ có đôi mắt và đôi lông mày hơi nhíu lại cho người ta thoáng thấy gã tu sinh ngoan ngoãn ấy sẽ có ngày trở thành một nhân vật quốc tế.
Linh mục Abakumov, vị Thanh tra của Tòa Tổng Giám mục, người đã trục xuất Djugashvili ra khỏi tu viện, được chính Stalin ra lệnh để yên không được chạm đến. Để cho ông già ấy sống nốt những ngày còn lại trong đời ổng.
Và trong ngày mùng ba tháng bảy năm 194 ấy, trước những ống micro cổ họng y nghẹn lại vì sợ và tự thương hại mình (ở đời này không có kẻ nào hoàn toàn không thương hại mình). Không phải là tự nhiên mà những “đám con chiên” thốt ra trên môi Stalin, Lênin hay bất cứ một lãnh tụ nào khác, không thể nghĩ đến chuyện nói ra những tiếng ấy.
Môi y đã nói ra những lời y từng học nói khi y còn trẻ.
Đúng, và trong những ngày tháng bảy năm ấy có thể y đã thầm cầu nguyện, cũng như nhiều kẻ vô đạo vẫn làm dấu thánh giá mỗi khi có những trái bom rơi xuống.
Trong những năm gần đây y hài lòng nhiều khi thấy những bài kinh cầu trong các giáo đường kể y là lãnh tụ được Chúa chọn. [2] Chính vì thế mà y đã tích cực giúp đỡ bằng tiền của Krelin Trung tâm Gia Tô giáo Chính Thống Nga La Tư ở Zagorsk. Stalin không tiếp bất cứ một vị nguyên thủ của một cường quốc nào trên thế giới trịnh trọng và thân thiết như khi y tiếp vị Giáo chủ già lão, lẩm cẩm của chính y. Y đi ra tận cửa ngoài để đón ông này, y cầm tay ông đưa đến tận bàn. Y từng nghĩ đến việc mua tặng ông già này một trang trại nào đó, như những kẻ muốn cho linh hồn mình được bảo đảm vẫn từng tặng những giáo sĩ ngày xưa.
Stalin từng nhận thấy y có khuynh hướng ngả về không những chỉ là Giáo Hội Chính Thống mà thôi, y ngả về tất cả những sự kiện, những ngôn ngữ thuộc về thế giới cũ, cuộc sống cũ – thế giới sản xuất ra y, cái thế giới mà vì bổn phận, y từng tiêu diệt bằng đủ mọi cách trong bốn mươi năm qua.
Trong những năm 30, vì nhu cầu chính trị, y đã làm sống lại danh từ “quê hương” bị lãng quên và không được dùng đến trong vòng mười lăm năm qua, đã trở thành một danh từ gần như xấu xa. Rồi với thời gian, chính y cũng cảm thấy thích thú khi nói đến những danh từ như “Nga La Tư” và “quê hương”. Y trở thành yêu mến những người dân Nga – những người không bao giờ phản bội y, những người chịu đói khổ trong nhiều năm và còn chịu đói khổ trong nhiều năm nữa nếu cần, những người thản nhiên đi ra mặt trận, đi đến trại tập trung, đến mọi tình trạng khổ cực và không bao giờ chống đối, phản kháng. Sau cuộc chiến thắng, Stalin nói một cách thành thật rằng dân Nga có một tinh thần trong sáng, một ý chí cứng cỏi và sự nhẫn nại.
Với năm tháng, Stalin càng ngày càng ước muốn ngay cả y cũng được công nhận là một người dân Nga.
Y cảm thấy cả sự thích thú trong việc dùng danh từ gợi lại thế giới cũ: Y không dùng danh từ “Trưởng Trường” mà dùng “Hiệu trưởng”, không dùng “Ban Chỉ huy” mà dùng “Ban Sĩ quan”, không dùng cái tên Ủy ban Hành pháp Trung ương Toàn Nga mà là Hội đồng Xô Viết Tối cao Sĩ quan (Tối Cao là một danh từ nghe hay đấy chứ). Sĩ quan phải có “cận tá”, tức quân hầu. Nữ học sinh trung học phải học riêng lớp, bận đồng phục với áo có yếm, trả học phí. Dân Xô Viết phải có ngày nghỉ cũng giống như dân Gia Tô giáo, và ngày nghỉ đó cũng là chủ nhật chứ không phải là một ngày nào khác. Chỉ những hôn nhân hợp pháp mới được công nhận, tình trạng này không khác gì tình trạng hôn nhân dưới thời Nga Hoàng, mặc dù chính cá nhân Stalin từng khổ sở, khốn nạn vì cái luật ấy trước kia. Y quyết định như thế và y không cần biết Engels đã nghĩ gì về vấn đề ấy.
Chính là ở trong văn phòng làm việc ban đêm này y đã đứng trước gương bận thử bộ áo có cầu vai cổ điển của dân Nga – và cảm thấy hài lòng thật sự.
Sau cuộc phân tích cuối cùng, y thấy chẳng có gì đáng để xấu hổ nếu y mang chiếc vương miện lên đầu. Vương miện là cái gì? Nó chỉ là vật biểu hiệu của một quyền uy tối thượng, vật làm một người khác thường khác hẳn với người thường. Dù ai nói gì thì nói, chế độ quân chủ cũng là một chế độ lâu bền nhất, vững vàng nhất trong lịch sử nhân loại. Tại sao ta lại không dùng những cái hay, cái tốt của nó?
Mặc dù cuộc đầu hàng của hải cảng Arthur chỉ làm cho y hài lòng trong thời gian y đang lưu vong sau khi trốn khỏi tỉnh Irkutsk, y vẫn không lầm khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945 rằng vụ hải cảng Arthur là một vết đau đớn trên tự ái riêng của y và của toàn thể dân Nga thế hệ cũ.
Đúng, đúng, dân Nga thế hệ cũ. Đôi khi Stalin nghĩ rằng có lẽ không phải là do sự ngẫu nhiên hay may mắn mà y trở thành người lãnh đạo xứ sở này, người được toàn thể dân chúng yêu thương, tin cậy – y được chọn chứ không phải là bọn người nói giỏi, ưa phản đối nhưng mất gốc, bọn người không có ý kiến rõ rệt nào cùng nổi tiếng một thời với y.
Bọn người đó ở đây, ngay trong phòng này – chúng sắp hàng trên những kệ sách kia. Tư tưởng của chúng bị dồn nén ở đây giữa những trang giấy trong khi chúng đã bị bóp cổ cho đến chết, thắt cổ, bắn, vùi trong những đống mạt cưa, những đống phân bón ở những trại tập trung, bị đốt, bị đánh thuốc độc, bị chết vì những ai nạn xe hơi hoặc chết vì chính tay chúng. Chúng đã bị tiêu trừ, bị tận diệt – nhưng mỗi đêm chúng vẫn trình bày với Stalin những ý tưởng của chúng trên những trang sách. Từ những kệ sách, chúng lắc đầu, đong đưa những bộ râu, chúng vặn hai bàn tay vào nhau tức tối, chúng la lối: “Tôi đã cảnh cáo trước về tình trạng ấy. Tôi đã nói làm như thế không được, đồng chí phải làm cách khác!”. Chính vì thế mà Stalin đã thu thập chúng về đây, để y thêm thù hận khi y quyết định ban đêm.
Ban nhạc vô hình tấu nhạc theo bước chân y đã ngừng tiếng.
Hai chân Stalin bắt đầu tê nhức, y cảm thấy y như sắp hết còn đi lại được. Hai chân y, từ cạnh sườn trở xuống, nhiều lần đã không còn đáp ứng được ý muốn của y.
Vị chủ nhân của nửa trái đất, trong bộ quân phục hàm Thống chế, từ từ lướt ngón tay trên gáy những cuốn sách trong kệ sách, y duyệt lại những kẻ thù của y.
Và khi từ kệ sách cuối cùng quay lại, y trông thấy cái máy điện thoại trên bàn.
Ý nghĩ vẫn lẩn trốn trong tâm tí y suốt đêm này một lần nữa, quẫy mình như một con rắn thoáng hiện rồi lại biến mất.
Hồi nãy y đã nhớ đến chuyện này. Y nhớ rằng y cần hỏi Abakumov về một chuyện gì đó nhưng không sao nhớ đó là chuyện gì. Hồi nãy y đã hỏi Abakumov về chuyện Gomulka. Nhưng đó không đúng là chuyện y muốn hỏi.
Nhớ rồi. Y bước vội tới bàn, cầm cây bút và viết xuống cuốn sổ ghi: “Điện thoại bí mật”.
Họ đã báo cáo với y là họ đã tập trung được những chuyên viên tài giỏi nhất, họ đã có dủ dụng cụ cần thiết, và tất cả mọi người đều sốt sắng, hăng hái thực hiện bộ máy điện thoại đặc biệt cho Lãnh tụ dùng. Một hạn kỳ được ấn định – vậy mà tại sao đến bây giờ vẫn chưa thấy hoàn thành? Abakumov, thằng chó đẻ, ngồi đây cả tiếng đồng hồ nhưng không hề nói nửa tiếng đến công tác đó.
Tác phong chung của chúng ta là như thế, trong mọi ngành, mọi cơ sở, tên nào cũng chỉ lo chăm chăm đánh lừa Lãnh tụ. Làm sao có thể tin được bọn chúng? Làm sao mà không làm việc ban đêm cho được?
Choáng váng và sây sẩm mặt mày, Stalin ngồi vội xuống ghế. Y không ngồi xuống chiếc ghế y vẫn ngồi sau bàn mà là ngồi xuống chiếc ghế nhỏ đặt ngay cạnh bàn.
Nửa đầu bên trái của y như bị siết chặt ở chỗ thái dương, như có một sức mạnh kéo đầu y nghiêng về phía đó. Luồng tư tưởng của y tan vỡ. Với mắt nhìn thất thần, y nhìn một vòng quanh phòng, nhưng không thấy cả bốn bức tường.
Già đi như một con chó già. Một tuổi già không có bạn. Một tuổi già không có tình yêu thương. Một tuổi già không có lòng tin. Một tuổi già không có ước muốn.
Y không còn cả cần đến cô con gái yêu của y, cô con y chỉ còn được phép gặp y vào những ngày nghĩ lễ.
Cái cảm giác trí nhớ phai nhạt, tinh thần yếu ớt, cô đơn gậm nhấm thân thể y như bệnh tê liệt, làm cho y kinh hoàng.
Cái chết đã làm tổ trong y nhưng y vẫn từ chối không chịu tin như thế. |
|
|