Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Gợn Sóng Tác Giả: Kim Hài    
    Không hiểu có phải vì những câu nói nhẹ nhàng đượm đầy thông cảm, an ủi của tôi, hay vì nhà tôi kế cận nhà Tâm nên tôi và nó dễ thân nhau. Sự nối kết tình bạn thật bất ngờ. Bất ngờ hơn nữa là tôi và Tâm còn thân nhau hơn cả tình thân giữa tôi và mấy đứa bạn như Liên, Thanh, Mai.
    Tính Tâm trầm lặng, ít nói. Nhưng đó chỉ là cái bề ngoài. Không ai có thể ngờ rằng đôi mắt tròn đen bồ câu ngây thơ, trong sáng thế, đôi má bầu bĩnh, và đôi mọng hầu như chỉ để vòi vĩnh suốt ngày kia lại là một cô gái đã từng đau khổ vì yêu.
    Khi tôi hỏi Tâm yêu là thế nào. Tâm đã kể tôi nghe chuyện tình của nàng và người lính trẻ. Câu chuyện đẹp như một bài thơ nếu không có đoạn kết quá bi đát.
    Tôi nói:
    - Đơn giản và dễ dàng vậy hả Tâm? Vậy mà mình cứ tưởng ngoắc ngéo lắm.
    Tâm nhìn tôi, tròn mắt:
    - Bộ Mỵ chưa có ai hết à?
    Tôi bỗng thốt ra một câu chua chát mặc dù lòng tôi không định thế.
    - Ai mà thương mình, mình xấu chứ đâu được dễ thương như Tâm. Người ta thời nay chỉ thích cái đẹp.
    Có lẽ câu trả lời có vẻ xót xa đó làm Tâm hiểu lầm tôi cũng có tâm sự gì đó, một sự não lòng. Vì vậy Tâm vội an ủi:
    - Cái nết đánh chết cái đẹp, Mỵ lo gì, trên đời này vẫn có người tốt.
    Nhưng phải nói rằng từ khi tôi chơi với Tâm, tôi thấy khổ tâm vì trí óc bận rộn nhiều hơn xưa. Những câu tỉ tê tâm tình, những lời than thở những kỷ niệm của Tâm gợi lại, làm thay đổi tâm hồn tôi. Cô học trò chỉ biết có bài vở, toán pháp thì nay đã mơ mộng và lo nghĩ vẫn vơ. Tâm đã gợi kéo những ước muốn con gái của tôi, bắt nó phải hiện diện thường trực trong đầu óc tôi – Và vì vậy tôi bắt đầu thay đổi. Tôi hay nói nhiều về chuyện tình cảm, tôi chú ý đến những người bạn trai thường nhật, để tâm đến cách đối xử của họ nhiều hơn.
    Tuy nhiên, thật tình tất cả những thay đổi đó không làm tôi sung sướng hoặc thoải mái. Các bạn của tôi cũng biết được. Chúng đã tỉ tê hạch sách tôi khi cả bọn họp nhau trên thảm cỏ thân thuộc vào giờ ra chơi. Liên khơi mào trước:
    - Tụi bay có thấy kỳ rày con Mỵ nó làm sao ấy? Tại sao vậy hả Mỵ?
    Giọng Thanh oang oang như chuông đồng:
    - Ừ, tao cũng thấy vậy – Cái cớ sự gì đưa đẩy mầy ra nông nổi này. Lần đầu tiên tao thấy mày không thuộc bài đó nghe.
    Cả bọn cười ồ vì giọng nói của Thanh. Nhưng qua cơn cười chúng lại tiếp tục:
    - Bộ mày thất tình hẳn?
    Tôi la lên:
    - Đừng nói tầm bậy, tầm bạ. Làm gì có chuyện đó. Tụi bay chuyên môn đoán mò.
    Mai ít nói mà thâm trầm nhất. Cô nàng cười nửa miệng rồi phán một câu:
    - Tao biết tại sao rồi. Tại con Tâm đó, cứ suốt ngày nghe nó tâm sự là mê mệt cái thần hồn.
    Liên la lên:
    - À té ra là vậy … Nhưng nghe chuyện thì nghe chớ, mắc gì mà thắc mắc. Mới bây lớn mà đã nhiều chuyện quá.
    Thanh nghiêm chỉnh lên giọng:
    - Lo học đi mầy, còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi rồi. Tụi mình phải lập tổ chia chương trình ôn bài là vừa. Tao nhất định phải đậu Bình Thứ mới được.
    Thế là cả bọn đua nhau nói chuyện thi cử. Tôi ngồi im, tay mân mê mấy cọng cỏ nhìn trời. Mây ngờn ngợn, và đằng xa ngọn Hải Vân lờ mờ xanh nhạt. Tâm đã có lần kể tôi nghe là nó và người yêu đã từng đưa nhau lên đỉnh đèo Hải Vân chơi và ăn bánh bèo trên đó. Đứng từ đỉnh nhìn xuống, biển như cái vịnh nhỏ và thành phố Đà nẵng giống như hòn non bộ bằng phẳng. Đứng trên cao mình cảm thấy nhỏ nhoi vô kể, vì vậy càng yêu nhau nhiều hơn.
    Tâm kể chuyện với vẻ thản nhiên như không có gì thay đổi, người yêu của Tâm vẫn còn đó và cả hai đứa sẽ làm những cuộc đi chơi xa tương tự như vậy.
    - Mỵ, đồng ý không? Sao con nhỏ này như người mất hồn vậy?
    Tiếng Liên nheo nhéo làm tôi giật mình. Mặt đỏ gay như người ăn vụng bị bắt quả tang. Tôi ấp úng hỏi lại:
    - Mà chuyện gì mới được chớ?
    - Ối trời đất ơi, bộ mày không nghe gì hết hả. Thanh, mày làm ơn nói lại cho bà ấy nghe đi. Tao mệt cái miệng quá.
    Tôi cười giả lả:
    - Tại sao tao không nghe. Thôi, làm ơn lập lại đi Thanh, tao nhớ ơn mày.
    Thanh hất hàm:
    - Để ở đâu. Trên đầu trên vai tao mới chịu. Mày mà để trên mắt là đi đong. Đây này. Chương trình ôn tập bài thi của tụi mình, có 3 buổi: chiều thứ tư, thứ bảy và chủ nhật. Thứ tư học Lý Hóa, thứ bảy hoc Vạn Vật, chủ nhật học Triết, Toán, Sử Địa thay đổi tùy hứng. Chịu không?
    Tôi gật đầu:
    - Chịu, mà học tại nhà ai?
    - Nhà con Liên. Nhà nó vừa vặn nhất. Không có đứa nào quá xa. Chớ nhà con Mai tuốt bên An Hải, ai mà qua cho được. Mà tao kỵ sông kỵ nước. Tao mạng hỏa, gặp nước là tắt tịt ngay.
    Mai bĩu môi ngắt lời:
    - Gớm, cái miệng gì mà dẻo quẹo. Nói nhiều quá không chịu nổi.
    Câu phê bình của Mai chấm dứt giờ ra chơi. Chúng tôi uể oải kéo vào lớp học, bước chân đứa nào cũng nặng chĩu khi nghĩ đến hai giờ Hóa Học nản lòng sắp đến.
    Buổi trưa, trời mưa lâm râm như mưa phùn ngày Tết. tôi khoan khoái chui vào chăn lắng nghe sự ấm áp bao quanh. Buổi chiều thứ bảy nào cũng thú vị thật. Sau những ngày học hành liên miên, những giờ phút nghĩ ngơi đáng quí hơn vàng. Giá bây có mấy cái ô mai thì tuyệt nhất.
    Đang nghĩ vẩn vơ thì đứa em út chạy lên gác đến bên giường kêu:
    - Chị Mỵ, có chị Tâm tới.
    Tôi tiếc rẻ chổ nằm ấm áp dễ chịu nên khoát tay:
    - Bảo chị Tâm lên đây.
    Chả biết Tâm có chuyện gì mà qua nhà tôi sớm thế này.
    Tiếng Tâm từ bên dưới cầu thang vọng lên theo bước chân:
    - Ngủ gì mà kỹ thế. Mới cơm nước xong là đã trùm chăn rồi.
    Tôi ngồi dậy, mền vẫn quấn quanh người:
    - Chuyện gì mà bồ đến sớm vậy. Bộ không ăn cơm hả.
    Tâm cười:
    - Bà làm ơn chỉ dùm tôi mấy bài toán hình học. Xong sớm chiều ta đãi nhà ngươi đi xi nê Kim Châu. Mới trúng số được 400 đó.
    Tôi lườm Tâm mội cái thật dài:
    - Ta hướng dẫn nhà ngươi toán vì lòng ta tốt chớ không phải vì cái mục hối lộ đó đâu nhé.
    Tâm kéo ghế ngồi vào bàn, tay lật vở, miệng nói:
    - Ừa, chính thế. Ta không hối lộ mà vì lòng tốt, mời nhà ngươi đi đó. Thôi lè lẹ lên Mỵ, chớ không thôi trễ giờ. Mấy bài toán chán nản quá.
    Tôi tung chăn vươn vai để từ biệt hơi ấm của giường chiếu, chăn màn, lừ đừ đến bên bàn học trong một trạng thái lười biếng:
    - Đâu, coi nào, sao không để chủ nhật làm phải đỡ hơn, đề mấy bài này dễ ợt, sao bạn bê bối vậy bạn?
    Tâm véo mạnh vào tay tôi:
    - Tao đâu có thèm học A với B, tao học C mà. Lỡ gặp mấy bài toán bực cả mình.
    Tôi vừa kiếm cây bút vừa nặng nhẹ Tâm cho thỏa:
    - Con gái mà không học tính học toán về nhà mẹ sai đi chợ đưa 5 mua 7. Nhân lên cộng xuống không ra gì là con gái hư.
    Tâm háy một cái dài có đuôi:
    - Ta là chuyên viên chợ búa. Thuở tiểu học, toán ta đứng đầu lớp. Mỗi lần lên bảng sửa bài là tụi bạn ngồi đứng tim hết. Làm toán chạy tao đoạt giải Marathon. Mỗi lần cô ra toán chân gà chân vịt, có 500 cái chân vừa gà vừa thỏ. Tính bao nhiêu gà, ta chỉ cần 5 phút là ra ngay …
    Tôi kéo chiếc ghế ngồi xuống cạnh bên Tâm ngắt ngang:
    - Dóc tổ, mấy bài toán dễ thế này mà làm không ra, mà đòi làm toán lớp nhất. Toán lớp nhất khó hơn cả toán quỹ tích.
    Tâm cười:
    - Ta sẽ học tân toán học, tân hóa học, tân vật lý học chớ không thèm học mấy cái cổ lỗ sĩ này.
    Nói với Tâm mãi không lại, tôi làm thinh đọc kỹ mấy cái đề toán rồi giải một hơi.
    Tâm cười:
    - Mày làm nhà toán học xem được đó.
    Mấy bài toán đã giải xong. Tâm ngẫm nghĩ một hồi rồi kêu dễ rối rít.
    Tôi háy lại:
    - Đấm ngực trách mình ngu chớ đừng nói là toán dễ.
    Tâm cười hì hì khoái trá gấp vở lại. Tôi kêu lên:
    - Viết vào vở đi chớ.
    Tâm lắc đầu:
    - Thôi, để nháp đó tối mai làm. Bây giờ đi coi xi-nê đi.
    Tôi đấp chăn, cuốn tròn trong vị trí cũ lắc đầu:
    - Mới giữa trưa mà đi đâu. Với lại tao không quen đi xi-nê. Phim chi. Mấy giờ chiếu?
    Tâm cúi xuống chiếc đồng hồ nhỏ xíu trên tay:
    - Mới 1 giờ 15 thôi. Ba giờ mới có phim. Phim Roméo và Julliette. Cảm động và đẹp lắm. Tao bao mà. Đừng từ chối tao thay đổi ý kiến, ngồi dậy đi, nằm hoài bất lịch sự với ta lắm.
    Tôi lắc đầu nằm im. Tâm cười một tiếng nhỏ, chạy lại cửa sổ xô hai cánh cửa. Tôi la ầm lên, nhưng không kịp. Gió đã lùa vào mang theo những giọt mưa nhỏ như tóc.
    Tiếng Tâm lẩm bẩm:
    - Đã đến mùa đông rồi.
    Tôi không nói, xuống giường đến bên Tâm nhìn ra ngoài. Hẻm vắng tanh và lặng im. Giàn ti-gôn sướt mướt run rẩy trong gió.
    Đằng xa, mấy ngọn dừa lướt lên làm xanh cả một khoảng trời đầy mây. Tôi nghe Tâm hát nhỏ:
    “Thần tiên, gãy gánh đêm Xuân, bước lạc sa xuống trần, thành tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường. Ngày về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê, làm tình yêu vỗ cánh bay đi, chỉ còn dăm phút vui trần thế”
    Bài “Tình Khúc Thứ Nhất” của Vũ Thành An buồn như một buổi chiều áo não. Tôi hát theo những lời ca buồn đó … “Tình vui trong phút giây thôi ý sầu nuôi suốt đời, chỉ xin giữ lấy niềm tin nếu mộng không thành. Dù trời đem cay đắng gieo thêm, cũng xin đón chờ bình yên. Vì còn đây câu nói yêu anh. Âm thầm soi lối vui tìm đến …”
    Tâm khen:
    - Mỵ hát hay thiệt. Bữa nay mới thấy. Giấu nghề mãi.
    Tôi lắc đầu:
    - Hay hớm gì việc hát mà khen. Ba má tao mà nghe tao hát hỏng là mắng ngay. Con gái con đứa không được hát lẩm bẩm một mình.
    - Không , Tâm nói thiệt đó. Mỵ hát hay ghê, nhưng giọng buồn quá.
    Tôi cười nhẹ:
    - Giọng buồn là buồn làm sao?
    Tâm bâng khuâng nhìn ra ngoài trời:
    - Tâm nghe trong tiếng hát của Mỵ có gì không diễn tả được. Buồn, không buồn thái quá mà trong cái hơi ca có một cái gì hiu hắt, một cái gì đìu hiu – Tỷ như một người có tâm sự mà đứng một mình tại một nơi không có người nào, khi chiều xuống.
    Tôi rùng mình:
    - Bộ giọng hát báo hiệu một phần tương lai của mình sao?
    Tâm lắc đầu:
    - Đâu có phải vậy. Theo mình thì tiếng hát chỉ diễn tả một trạng thái nào đó của tâm hồn.
    Câu nói của Tâm du tôi vào cơn buồn nhẹ nhàng mà sâu sắc. Tôi thở dài nói như tự nói với mình:
    - Có lẽ tại trời hôm nay hơi buồn …
    Tâm im lặng không đáp. Tôi cũng làm thinh. Những hạt mưa nhỏ như kim lâm châm vào da mặt, dính trên chiếc áo tím của tím của Tâm một màng nước mỏng. Tôi đưa tay thoa nhẹ. Những giọt nước nhỏ loang ra và chỉ kịp bay hơi mà không ướt áo. Tôi nghĩ – Cơn buồn của mình cũng giống như những giọt nước này là cùng chứ gì, không gốc, không ngọn – Buồn hão buồn huyền. Tuy nói vậy nhưng lòng vẫn vương vương một cái gì.
    - Thôi Mỵ sửa soạn áo quần đi. Mình tới rủ Mai đi luôn cho vui.
    Tôi biểu đồng tình:
    - Ý kiến hay lắm.
    Tâm giục:
    - Hay thì lẹ lên, thay áo quần, trang điểm rồi đi, không thôi trễ giờ không coi được phim dạo à.
    Tôi mỉm cười vội vã đi thay quần áo. Tâm nhìn theo cười mỉm chi:
    - Thoa một tí son lên môi cho ra vẻ đi. Có son không?
    Tôi liếc mắt nhìn Tâm. Té ra con nhỏ có thoa một lớp son mỏng lên nên môi nó hồng tươi ghê. Tôi nghĩ đến thỏi son cất kỹ hơn một năm nay ở trong ngăn bàn viết của tôi. Thỏi son do người bạn du học ở ngoại quốc đã gởi về tặng, thế nhưng vì không quen trang điểm son phấn tôi ngại ngùng lắc đầu:
    - Có … mà thôi nữa, để không cũng được rồi.
    Tâm lắc đầu chạy đến bên tôi giằng lấy cây lược:
    Tôi dọa:
    - Má tao thấy được mắng chết. Còn đi học không nên dùng son phấn.
    Tâm kéo dài tiếng nói:
    - Biết rồi, nhưng đó là đi học cơ, bữa nay đi chơi một chút xíu chẳng sao hết. Con gái mà không biết trang điểm nhẹ nhàng là bất lịch sự, là đàn ông.
    Tôi tự ái, lẳng lặng lấy thỏi son trong hộc viết, ngập ngừng mở nấp.
    - Chà son tốt dữ hả. Mua hồi nào vậy Mỵ?
    - Của người bạn cho.
    Một lớp thật mỏng, thật mỏng trên môi. Gương mặt tôi trong gương tươi hơn một tí. Tôi vội vàng để lại thỏi son trong hộc rồi giục Tâm:
    - Thôi đi.
    - Chải tóc đã.
    - Rồi …
    Cả hai đứa xuống cầu thang gác. Má tôi ngủ ở dưới nhà nghe tiếng mở mắt hỏi:
    - Đi đâu đó Mỵ?
    Tâm nhanh nhẩu cướp lời và xin phép cho tôi được đi xem chớp bóng với nàng. Má tôi gật đầu sau khi căn dặn nên về sớm để kịp cơm chiều. Tôi hơi cúi mặt để giấu bớt đôi môi mọng đỏ bất thường.
    Cả hai đứa tôi ra khỏi nhà. Những hàng cây như sướt mướt tỏa màu xanh bệnh hoạn. Vài con sâu đo đầu mùa lơ lửng căng những sợi tơ trong suốt như tơ nhện.
    Nhà Mai ở gần biển. Khu Thanh Bình ngày xưa vắng vẻ, sạch sẽ với những bãi cát trắng phau và những hàng dương cao vút bây giờ trông chen chúc và dơ bẩn. Đường lỗ chỗ những ổ gà và vũng nước đọng đục ngầu. Gió biển thổi cát bay vào mắt ràn rạt. Tiếng sóng ì ầm như tiếng vọng đại bác đều đặn.
    Tâm vừa giữ cho tà áo dài và mái tóc đỡ bật rối vừa nói:
    - Giá trời trong trẻo bình yên mình ra biển chơi ăn bánh tôm nhỉ. Tuyệt cú mèo.
    Tôi rẻ vào một cái chợ nhỏ, cố lách mình đi giữa những cái lều xiêu vẹo. Rác rưởi từ buổi chợ hồi sáng vẫn chưa được dọn dẹp chất đống từng ô như mấy quả đồi nhỏ. Hai người lao công quét chợ thu mình trong chiếc áo tơi mưa màu nâu sẫm ngồi tán chuyện, không màng đến việc dọn dẹp vệ sinh.
    Tâm than thở:
    - Con nhỏ này dọn nhà gì ở tuốt trong hóc bò tó này. Mỗi lần tới thăm nó là bực cả mình. Lại còn xa nữa chớ.
    Tôi cười:
    - Vậy mà mấy kỳ hè là đứa nào cũng kiếm cớ ra thăm Mai hết. Khi thì gởi cái xe đạp. Khi thì thay cái áo cụt, rồi bỏ cả bạn chạy ra biển.
    - Tất nhiên rồi. Chớ mùa mưa mà ở ngoài này, eo ơi.
    Căn nhà Mai ở cửa đóng im ỉm, chỉ có một con chó nhỏ nằm lim dim ở trước hiên nhà.
    Tôi thúc vào vai Tâm:
    - Chắc nhà nó đang ngủ trưa. Bồ kêu cửa đi.
    Tâm ngập ngừng:
    - Tao ngán ông anh của nó quá trời. Ổng dữ lắm mày ơi.
    Tôi nhăn mặt:
    - Vậy sao còn bày đặt tới rủ hắn đi làm chi. Thôi về đi.
    Tâm nghe nói vậy, nổi “máu anh hùng” xăn xái đẩy cánh cổng khép hờ tiến vào:
    - Nói gì thì nói chớ mắc mớ gì mà sợ …
    - Mai ơi, Mai …
    Con chó nhỏ gừ gừ mấy tiếng trong cổ họng. Có tiếng dép lẹp xẹp rồi cánh cửa hé mở:
    - Các cô hỏi ai. A … Mỵ, Tâm …
    - Chào bác ạ … chào bác ạ … Thưa bác có Mai ở trỏng không bác?
    Cánh cửa mở rộng. Má Mai vơ vội mấy cái ly tách trên bàn khách và kêu với vào trong.
    - Mai ơi, có cô Mỵ và cô Tâm đến chơi này … Hai cô uống nước ngọt nhé. Để bảo các em pha… Mai nó ra ngay bây giờ.
    Má Mai lui vào trong nhà và Mai chạy ra, đầu tóc bù xù, mắt ngái ngủ:
    - A, hai bà bạn, bộ trời mưa bão xô dạt hai bà tới đây phá giấc ngủ của tôi đấy hẳn.
    Tâm cười nhỏ:
    - Ta đem tin vui đến … Lẹ lẹ vô thay đồ rồi đi coi xi-nê.
    Mai trợn mắt:
    - Sang thế.
    Tôi chỉ vào Tâm:
    - Nó trúng số 400 đồng. Đủ ba đứa đi xi-nê, ăn chè.
    - Tuyệt, để Mai vào xin phép má, năm phút là có mặt ngay.
    Mười phút sau chúng tôi đã rời khỏi nhà Mai. Ba đứa ba chiếc áo mưa trắng trong suốt giỡn nói như một bầy sơn ca.
    Dọc theo Quang Trung, chúng tôi vòng lên Độc lập, ngang qua trạm Hàng Không Việt Nam, Tâm ra dấu dừng lại.
    - Qua đường đi tụi bay. Để Tâm vô mua vé. Mỵ mua mấy gói đậu phộng rang để vô rạp nhai cho ấm.
    Trời đột nhiên mưa to hơn. Những giọt mưa tung tóe trên sân láng xi-măng bắn cả vào hai ống quần ướt nhẹp. Tôi mua vội ba gói đậu rồi kéo Mai vào nơi bán vé tìm Tâm. Con Nhỏ trầy trật, tóc tai bù xù như như mới ngủ dậy với ba cái vé giơ cao. Mặt nó dài ra:
    - Mua bán chẳng có trật tự gì hết. Trầy vi tróc vẩy.
    Mai lấy trong túi áo mưa ra chiếc lược con chải lại tóc cho Tâm và an ủi:
    - Thôi, của một đồng công một lượng em ạ.
    Tâm véo mạnh vào tay Mai. Mai la lên một tiếng to và đánh rơi chiếc lược.
    Trong lúc Mai cúi xuống định nhặt lên thì một bàn tay ai đã cầm nhanh lấy.
    - Thưa, chiếc lược của cô.
    Mai đỏ mặt, lườm Tâm một cái dài rồi lí nhí lời cảm ơn.
    - Không có chi.
    Lịch sự quá nhỉ. Tôi nghĩ thầm sau một cái liếc mắt. Phục sức của anh chàng làm tôi đoán rằng chắc là dân học trường Tây.
    Mai kéo tôi và Tâm vào rạp thật nhanh. Ấy chừng Mai xấu hổ. Tâm thì cố ý trì kéo lại để trêu Mai, nhưng mặt Mai cứ đỏ ửng và mắt cứ long lanh như sắp khóc nên Tâm hơi hoảng. Cả ba đứa kiếm một dãy ghế trống ở bên trên. Rạp này chiếu thường trực cho hai hạng nhất và nhì nên không có số ghế. Tôi ngồi giữa Mai và Tâm. Trong khi chờ phim chiếu, Tâm than thở về một đề thi Triết khó nuốt.
    Mai thì lo âu về mấy bài Đại Số hóc búa mà giáo sư Toán của trường đã cho trong kỳ thi đề nhất lục cá nguyệt vừa qua.
    - Tân Đại Số với Tân Hình Học. Xác xuất với xác xiết …
    Vừa nói đến đó thì một tràng cười nhỏ đàng sau lưng chúng tôi vang lên. Mai ngồi im. Tôi không cần liếc mắt trông xuống cũng hiểu đó là tiếng cười của anh chàng “hào hoa” khi nãy với mấy người bạn của “hắn ta”.
    Cả 3 chúng tôi không đứa nào bảo đứa nào đều ngồi im như bàn thạch, lưng, chân ngay ngay ngắn như ngồi học trong lớp.
    May quá, đèn trong rạp vụt tắt. Mọi âm hỗn tạp đều im lặng. Màn ảnh chói sáng với những đoạn phim quảng cáo.
    Tôi dựa lưng vào ghế thoải mái và quên mất những đôi mắt nghịch ngợm soi mói sau lưng.
    - Tấn công đi chứ Nam, bộ mầy bỏ cuộc à. Mấy cô bé này chắc học trường nữ đây.
    - Thằng Nam làm quen trước đi cho tụi tao vào theo với. Mầy tiến được bước đầu rồi, bây giờ bước thêm bước nữa đi.
    - Trước tiên mầy phải tuyên bố kiểu phi hành gia Amstrong khi đặt chân xuống chị Hằng đi chớ.
    Vài tiếng cười nhỏ đồng loạt vang lên.
    - Nè Nam, mà làm quen với hai cô hai bên thôi nghe, còn cô giữa tao xin, xấu quá – trả lại cô cho ông bà bô cổ nghe.
    Những tràng cười đắc ý xoáy vào hai lỗ tai tôi, chạy suốt sống lưng một lạnh giá. Tôi cứng người vừa xấu hổ, vừa giận, vừa tủi. “Xấu quá”. Lần đầu tiên một người con trai lạ mặt phê bình cái nhan sắc vốn dĩ không đẹp mắt của tôi. Lời nói ác nghiệt như tiếng rít trong răng mụ phù thủy như cái tát giữa bà mẹ ghẻ với cô con chồng. Câu nói làm tim tôi co thắt lại. Cái danh từ dùng để gọi tên cho một nhan sắc không đáng kể nhưng sự từ chối tránh xa của người con trai xa lạ, dù tôi ghét, cũng tạo nên một trận bão dữ trong lòng.
    - Thây kệ tụi nó Mỵ. Đồ con trai vô giáo dục ấy kể làm chi.
    Hình như cả Mai và Tâm đều an ủi tôi. Mắt tôi tự dưng long lanh nước mắt. Màn ảnh nhòa đi trong bóng tối. Tôi lắc đầu mím môi để mình khỏi khóc và tôi giữ được nước mắt không trào ra khỏi mi.
    Suốt cuốn phim, tôi ngồi im không nói năng và cũng không theo dõi được truyện phim. Những màn ảnh rực rỡ trên màn chiếu thoáng qua. Những âm thanh luôn luôn vang vang vào óc khiến tôi khó thể nghĩ ngợi vẫn vơ về câu chuyện xấu đẹp, thế nhưng lòng tôi không còn thích thú.
    Cuốn phim chấm dứt. Chúng tôi ra khỏi rạp khi trời vẫn còn mưa nhẹ. Những đám mây bao kín khung trời đè nặng xuống thấp. Lòng tôi tự dưng cũng ảm đạm như buổi chiều mưa hôm nay. Mai và Tâm biết tôi buồn nên không hỏi han gì nhiều, cố tình bàn về truyện phim để đánh trống lảng. Mấy anh chàng con trai trong rạp chiếu bóng thì đã lảng ra xa từ lâu khi mới bắt chuyện có một câu đã bị Tâm chanh chua mắng là vô duyên, gàn dở.
    Chúng tôi dọc theo bờ sông. Nước dâng cao, đục lờ và sóng lớn. Bên kia sông, phía dãy Sơn Trà ẩn hiện qua mấy đám mây dày bay bay nhanh như tên bắn. Những chiếc ghế đá lạnh ngắt, buồn tênh âm thầm trong cơn lạnh.
    Tâm kêu:
    - Lạnh quá, thôi về hè.
    Cả ba đứa quay gót trở về nhà. Băng ngang qua phố. Chúng tôi gặp ba đứa con trai khi nãy. Mai bĩu môi, Tâm trợn mắt. Và tôi cúi đầu như cố giấu đi khuôn mặt không đẹp của mình.
    Đưa Mai đến hết đường Quang Trung tôi và Tâm lại cuốc bộ dọc theo đường Khải Định. Trời lờ mờ và trong một vài nhà đã có ánh đèn. Chúng tôi đi trong yên lặng. Mãi đến đường Thống Nhất, Tâm mới hỏi tôi khẽ:
    - Bộ Mỵ buồn vì mấy câu vô duyên đó hả. Đừng để ý cho mệt óc.
    Tôi lắc đầu không nói. Nhưng rồi vụt hỏi:
    - Mình xấu lắm phải không Tâm.
    Tâm hơi đứng lại nhìn tôi. Có lẽ nó định kiếm lời an ủi vì tôi thấy nó ngập ngừng mãi mới nói:
    - Tôi thấy “bồ” … phân tích ra thì được chứ đâu có xấu – Có nhiều người chẳng được gì cả …
    Tôi ngắt lời:
    - Nhưng nhìn chung thì không được gì hết phải không.
    - Tầm bậy.
    Tâm thốt một câu vô nghĩa rồi im bặt – Mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ riêng.
    Lúc tôi về đến nhà trời tạnh hẳn. Đèn đường vừa đỏ - Bên trong nhà có tiếng cười nói xôn xao. Tôi dừng lại ở hàng hiên giủ áo mưa. Thúy chạy ra khèo tôi:
    - Có khách chị Mỵ ơi.
    - Ba má ăn cơm chưa.
    - Ăn rồi, ăn sớm lắm. Bửa nay có trứng, phần chị trên gác đó.
    Tôi lách mình ra cửa sau đi thẳng lên gác để tránh phải chào và nói chuyện với khách của ba má.
    Nhìn mâm cơm, tôi chợt no ngang. Nhác thấy 2 cái chén, 2 đôi đũa, tôi hỏi Minh:
    - Minh à, còn ai ăn cơm với chị nữa?
    - Chị Liên đó.
    - Ủa Liên nó mắc việc gì mà không chịu ăn cơm?
    - Em đâu có biết. Đó chỉ đó, chị hỏi chỉ đi.
    Liên đang từ dưới nhà bước lên. Gương mặt nó ửng đỏ trông kinh lạ. Liên là em sát tôi và đẹp nhất nhà – Thật ra trong nhà chỉ có tôi là lớn nhất mà vô duyên , xấu nhất – Hôm nay Liên xem bộ hớn hở hơn ngày thường. Tôi đoán nó có chuyện vui. Nhưng tính con bé kín đáo lắm. Hỏi cũng vô ích, để tự nó nó nói.
    - Chị ăn cơm đi.
    Tôi máng vội chiếc áo dài ướt vào móc phơi ở cạnh cửa sổ rồi lại ngồi vào bàn.
    - Mày ăn luôn chứ?
    Liên ngần ngừ nửa muốn ăn nửa muốn không. Tôi giục một lần nữa:
    - Thôi ăn luôn, dọn một lần cho tiện đi.
    Liên ngồi xuống xới cơm. Những thìa cơm e dè đảo đi đảo lại làm tôi khó chịu. Tôi nhắc:
    - Mày ăn đi Liên. Chắc ăn quà no rồi phải không?
    - Đâu có.
    Liên nhìn tôi cười và vội vã đưa lên miệng lia lịa.
    Con nhỏ này lạ thật, không dừng được tôi hỏi:
    - Tao thấy bữa nay mày có chuyện gì vui phải không Liên?
    - Đâu có, chị chỉ đoán mò thôi.
    Tôi quay sang Minh:
    - Phải không Minh, ngó mặt chị Liên thấy khác phải không?
    Minh cười gục gặc cái đầu, mắt vẫn dán vào sách:
    - Chị Liên vui là phải. Tại chị Mỵ đi chơi không biết đó chớ - Chị Liên sắp lấy chồng rồi đó.
    - Quỷ, ma.
    Liên quăng chiếc đũa vào người Minh, mặt đỏ gay vì thẹn hơn là giận. Tôi ngạc nhiên đưa mắt nhìn Liên nửa tin nửa ngờ. Liên quay sang tôi ấp úng:
    - Chị đừng tin thằng ác ôn đó.
    - Ai không tin thì cứ xuống nhà dưới lắng nghe thì biết.
    Tôi bưng bát cơm lên để giấu một nụ cười. Chắc có ai dưới nhà đang coi mắt Liên chứ gì? Bắt gặp nụ cười của tôi, Liên đâm lúng túng đứng dậy - Minh la lên:
    - Đừng có nôn, ăn xong cơm rồi hãy xuống dưới nhà, chị Liên. May ra, hôm nay không ai tranh trứng cả, chớ mọi bữa …
    Liên thẹn quá hóa khùng, nó đuổi Minh chạy khắp gác. Căn gác kêu lên như muốn sập.
    - Đứa nào chạy rầm rập trên gác vậy Liên.
    Liên làm thinh. Tôi mắng át Minh và bảo Liên đưa mâm cơm xuống nhà bếp – Thằng Minh cũng lò dò theo sau – Còn lại một mình tôi đến cửa sổ hé một cánh nhìn ra ngoài. Trời đã tối. Những tàn cây trứng cá cũng chìm lẫn trong bóng đêm. Dưới nhà có tiếng chào nhau ròn rã của khách và của ba má tôi. Và chỉ một chốc tôi đã thấy bóng hai người khách chở nhau trên xe Vespa rồ máy ra khỏi hẻm.
    Khung cảnh bắt đầu lặng im. Trời đổ mưa trở lại, tôi thấy những giọt nước mỏng mảnh lấp lánh trong vùng sáng của đèn đường. Cuộc đời mình rồi cũng sẽ đi đến đâu nhỉ. Mong manh và phù du như những giọt như những giọt nước mưa kia. Lạnh lẽo và không một hứng khởi. Tôi đưa tay rờ mắt và mũi. Chiếc mũi nhỏ, sống mũi thiếu bề cao tạo cho tôi một cảm giác trẹt dẹp – Tôi nhớ lại câu phê bình của tên thanh niên trong rạp xi nê. Tôi mỉm cười một mình và không biết tại sao tôi lại mỉm cười. Câu nói vọng âm trở lại không gây cho tôi một sự xấu hổ bỏng rát mặt mày như hồi chiều. Nhưng suốt từ chiều đến bây giờ lòng tôi đã đổi khác. Tôi ý thức được một điều xót xa, mà từ lâu tôi không biết hay là tôi cố ý lấp liếm bằng sự vô tư, thanh thản của tuổi học trò. Đến nay tuổi học trò còn đó nhưng tôi đã lớn hơn, đã biết ước mơ, đã biết mơ mộng , và cùng lúc mình tự biết mình đang giữ trong người một hình thức bất hạnh của nữ giới. Sự từ chối của người thanh niên hồi chiều đã làm tôi giải đáp được bao thắc mắc của suốt mấy tháng nay là tại sao có nhiều đứa trạc bằng hoặc ít tuổi hơn tôi đã có bao nhiêu người để ý. Ngay cả em tôi, hôm nay cũng có kẻ đến xem mặt. Còn riêng tôi, bạn trai họ chỉ xem tôi là cô bạn tốt không hơn không kém. Tôi nhớ lại đến những giấc mộng hằng đêm. Mộng một cô gái mới lớn gặp một chàng Hoàng tử đẹp trai. Giờ đây, nghĩ đến lòng tôi thấy xấu hổ và đau xót.
    Tôi miên man trong những ý nghĩ nhức buốt đầu óc. Mưa càng lúc càng lớn phô lên mặt tôi một lớp nước mỏng lạnh tanh. Tại sao cha mẹ tôi không sinh ra một Mỵ xinh xắn dễ thương như Liên hoặc như Thúy, như Minh. Nhà tôi ai cũng xinh cả, chỉ riêng mình tôi có gương mặt thật vô duyên.
    Tại sao trời không cho tôi một nhan sắc bình thường, như mọi người? Tại sao?
    Tôi ép mặt trên thành cửa cố ngăn những ray rứt trong tâm hồn không phát ra thành tiếng.
    - Chị Mỵ ơi, xuống ăn bánh nè, bánh của chị Liên nè …
    Những tiếng cười, tiếng nói ríu rít ở nhà dưới làm tôi tỉnh người lại. Một thoáng bàng hoàng khi thấy lần đầu tiên tôi đã quan tâm quá nhiều về hình thức nhan sắc của mình, và lần đầu tiên tôi đau khổ vì chúng.
    - Bánh của chị Mỵ đây chị Mỵ.
    Giọng nói ngọng nghịu của thằng Lãm, em út trong nhà vang lên bên chân tôi. Tôi quay lại suýt dẫm phải chân Lãm. Lãm ngước đôi mắt tròn vo như hai viên bi đưa bánh cho tôi. Chiếc bánh champane nhàn nhạt vàng, điểm lấm tấm vô số những hạt đường lóng lánh như đính kim cương. Tôi không cầm bánh mà ôm lấy Lãm nói:
    - Cho Lãm đó. Chị Mỵ không ăn, cho Lãm đó.
    Lãm sướng rơn, nhưng cố hỏi lại:
    - Của chị Mỵ mà, Lãm có rồi.
    Tôi cười:
    - Chị cho Lãm luôn. Ăn đi.
    Lãm cười bằng mắt, bằng môi và cả hàm răng sún. Tôi bế Lãm lại giường cố trò chuyện và hòa mình vào cái ngây thơ của Lãm để trốn tránh ý nghĩ mình.
    - Xuống dưới nhà chơi đi chị Mỵ.
    Lãm ăn bánh xong và rủ chị. Tôi gật đầu đưa tay cho Lãm:
    - Lãm dắt chị xuống cầu thang nghe.
    Khung cảnh đầm ấm của gia đình làm tôi an ủi được phần nào. Thấy tôi, má tôi hỏi:
    - Ăn bánh chưa con? Lãm đưa bánh cho chị chưa ?
    Lãm không dám trả lời đưa mắt nhìn tôi. Tôi vội đáp:
    - Con mới ăn cơm no, con cho Lãm rồi.
    - Chết thật, em ăn no rồi ăn thế đau bụng làm sao. Lãm hư nhé.
    - Không, con cho Lãm đó má.
    Ba tôi dừng đọc báo, gỡ kiếng nói:
    - Bánh của hai ông bà thân sinh cậu bạn con Liên đó.
    Má tôi tiếp lời:
    - Ông bà ấy tới coi mắt con Liên đó.
    Liên la lên, chạy đi:
    - Má kỳ quá à.
    Má tôi cười:
    - Mầy mới thật là quá quắc.
    Tuy là vậy, nhưng trên gương mặt song thân tôi đều hằn lên nỗi vui vẻ và mừng rỡ. Con cái ở nhà thì đông, được đứa nào sớm đỡ lo đứa nấy, nhất là con gái. Con gái mới lớn để trong nhà như hũ mắm treo trên sợi chỉ. Hễ đứt xuống là vỡ nát bay mùi lên, nên phải giữ gìn luôn luôn, từ cái tướng đi, tướng đứng, nữ công nữ hạnh. Dạy dỗ con gái là công khó của mẹ. Ấy mà hễ bước đi là đi luôn. Nhưng được thấy nó đi thì cũng mừng. Đó là ý kiến của má khi nói chuyện với mấy bà bạn già.
    “Tôi là một lọ mắm ế, sẽ ế” Tôi chua chát nghĩ ngợi và lấy làm ngạc nhiên sao bỗng dưng chỉ một buổi chiều đủ để tôi đổi khác – Đó là điều tốt hay điều xấu. Tôi không biết, nhưng chắc chắn không vui bởi lòng trĩu nặng như nung đúc bởi những viên gạch lạnh ngắt rong rêu.
    - Năm nay cái Mỵ thi rồi đó nhỉ. Còn mấy tháng nữa?
    Tôi giật mình trả lời như một cái máy:
    - Dạ khoảng hơn 6 tháng nữa.
    Ba tôi chép miệng:
    - Cứ qua Tết là thấy thi cử đến nơi rồi. Cái học này mà không thay đổi đi thì cũng như ngày xưa mất thôi, từ chương, khoa cử làm suy giảm óc thông minh, sáng kiến của học trò.
    - Nhưng có thi cũng hơn chứ, để cho học sinh ôn tập bài vở và loại bớt những thành phần ngu dốt.
    - Đành là vậy, nhưng năm nào cũng vùi đầu vô thi cử còn nghỉ ngơi gì được nữa, ngu cả người.
    Để ba má tôi bàn chuyện thi cử với nhau tôi xuống nhà dưới rửa mặt, đánh răng. Tấm gỗ chặn cửa sau bị bật ra tự hồi nào tạt gió lạnh ngắt. Tôi lách mình ra cửa đứng đưa mặt hứng ngọn gió và hạt mưa buốt như kim. Gió làm cóng người, nhưng gió cũng đồng thời xoa dịu trong lòng tôi nỗi cay đắng ngập tràn. Mãi khi nghe tiếng chân ai đi xuống tôi vội đóng chặt cánh cửa và đến thau nước rửa mặt. Tôi không bật đèn, đứng nguyên trong tối mò mẫm, tìm khăn lau qua chút ánh sáng hắt từ nhà trên xuống.
    - Con Mỵ đi ngủ rồi hả?
    Tiếng má tôi hỏi nhỏ với ba. Tôi ngưng tay lau mặt đứng im.
    - Chắc nó đi ngủ rồi. Mà có chuyện gì vậy?
    - À chuyện hồi chiều đó mà, thấy người ta ngấm nghé con Liên, tôi lại thương cho nó.
    - Ối bà này lo lấy hơi. Nó còn phải đi học đi hành, đụng gì vô mấy chuyện vợ chồng dễ quên bài vở đi. Thời buổi này, học được ngần nào sướng thân ngần đó, đâu có phải như cái thời xưa hễ mới lớn là chồng con đùm đề.
    Má tôi thở dài :
    - Biết vậy, nhưng tôi là mẹ, tôi cũng thấy làm sao ấy. Phải chi nó cũng như con Liên tôi đỡ lo. Đằng này, nó không đẹp lắm. Chớ con gái ấy ngần tuổi là phải có bồ, có người yêu rồi chớ.
    - Bà này chỉ nghĩ bậy, người ta quí nhau ở cái nết chứ đâu phải ở cái đẹp. Đẹp mà vô hạnh cũng như không. Để yên cho nó học hành.
    - Nhưng cái thời này cũng ngụy lắm ông ơi, tôi lo mà thương.
    Ba tôi gắt to:
    - Bà chỉ được cái nói hão, con nó nghe nó buồn. Bà thương nó thì bà tập tành nó công dung ngôn hạnh đầy đủ đi.
    Tôi chúi mặt nhìn vào gương. Trong bóng đêm chỉ có hai con mắt sáng ma quái. Mấy lời nói của má làm tôi thêm tủi thân. Sự bất hạnh dày vò tôi, hành hạ tôi theo từng ý nghĩ. Tôi dùng khăn lau xát những phần trên bộ mặt và mắt tôi hình dung gương mặt vô duyên của mình.
    Đêm hôm đó tôi thao thức mãi đến gần sáng mới chợp mắt được. Tôi oán hận cuộc sống sao đưa đẩy tôi vào chổ thất vọng mà lẽ ra cuộc đời thiếu nữ mới lớn phải đầy mơ ước mật ngọt. Những mơ mộng đã bị giết chết. Những câu phê bình phũ phàng làm tê liệt cảm xúc. Tôi không phải là một kẻ bệnh hoạn về tinh thần. Tôi cũng không phải tự ty mặc cảm. Không, trước đó, tôi bình thường và an vui với gia đình, bạn bè và trường học. Giờ đây, bao an vui đã xáo trộn. Mặc dù lý trí vẫn bảo có việc gì đâu mà phải buồn phiền, phải thổi phồng sự bất hạnh của mình lên, còn bao nhiêu người có một nhan sắc không đẹp như mình. Đó là chưa kể, những kẻ tàn tật, hoặc mang những dấu vết kinh tởm. Nhưng làm thế nào để ngăn được con sóng thất vọng ồ ập trong lòng. Khi tôi vừa mới mở ngỏ cho con tim bao mộng mơ thì cũng vừa lúc được ý thức điều đáng tủi thân của mình. Một nỗi hoang mang trống trải xâm chiếm dần tôi rồi biến thành cơn sợ hãi tràn ngập trong lòng.

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Gợn Sóng
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Hành Trình Của Sói
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Chết Cho Tình Yêu
» Cầm Thư Quán