Bà Kim Cúc giật nẩy mình khi cánh cửa ra vào bật mở và cô Loan bước vào với khuôn mặt rạng rỡ vui tươi.
- Sao mẹ trông kinh hãi vậy? Có phải con mở cửa quá mạnh làm mẹ giật mình không?
- Không, Mẹ đang lo nghĩ không hiểu vì sao hôm nay con về trễ?
- Con đã để lời nhắn trong máy điện thoại báo cho mẹ biết là con sẽ đi chợ sau khi tan việc rồi kia mà?
- Mẹ quên kiểm máy nhắn, nhưng con đã về là được rồi.
- Lisa đâu rồi hả mẹ?
- Cô Oanh đón Lisa và mấy đứa nhỏ sau giờ học tiếng Việt rồi đưa nó về thẳng nhà cô chơi đến tối mới chở về.
- Thảo nào hôm nay mẹ ở nhà chỉ một mình! Tại hôm nay con đi chợ Việt Nam tận quận M. và mải mê lục lọi các thứ thực phẩm lạ nên mới mất nhiều thời gian như vậy- Cô Loan vừa lấy các thứ từ trong các túi ni lông vừa hồn nhiên nói ríu rít- Có rất nhiều thứ trái cây và thực phẩm hộp làm từ Việt Nam lắm mẹ ơi! Con mua chôm chôm hộp, mít hộp, nhãn hộp, xương xăm hộp, và cả nước mắm cá cơm nữa. Trước đây con thấy mẹ thường mua những món này với nhãn hiệu Thái Lan, chắc là hàng Thái Lan tốt phải không mẹ? Bây giờ những hàng này sản xuất tại Việt Nam nhiều lắm mẹ ạ! Nếu mẹ thấy những loại hàng làm tại Việt Nam như thế này, mẹ sẽ mua ủng hộ chứ?
Không để bà Kim Cúc trả lời câu hỏi không định nghe trả lời của mình, cô Loan nói tiếp:
- Còn con thích mua hàng có nhãn hiệu làm tại Việt Nam mẹ ạ! Bất kể ai nói gì, con vẫn tiếp tục mua để giúp những người dân nghèo ở Việt Nam! Người Việt trong nước làm cực khổ hàng ngày mới kiếm sống được bằng sản phẩm chính họ làm ra, thì sao mà mình không giúp họ phải không hả mẹ?
Trước vẻ mặt đăm chiêu của bà Kim Cúc, cô Loan nói thêm:
- Mẹ biết không, trước đây con thích thú khi nghe những người Việt Nam thành công trên đất Mỹ bao nhiêu thì giờ đây con cũng vui sướng khi nghe những thành công của những người Việt Nam ở trong nước bấy nhiêu đó mẹ!
- Hình như con bị tiêm nhiễm nhiều bởi cậu bạn thân của Nam thì phải? Có phải con thích cậu Vũ ấy lắm không?
- Dạ phải. Con rất thích cá tính đặc biệt của anh ấy lắm nhưng đôi lúc con không hiểu chúng con có thực sự hiểu nhau và thông cảm với nhau như những người khác không vì đôi lúc con không rõ ý nghĩa thâm thúy của những câu ảnh nói cho dù ảnh đã nói với con nhiều lần đến nỗi con thuộc nằm lòng.
Như là gì?
- Như câu “Con vua thì được làm vua, con vãi ở chùa thì quét lá đa rồi gì... khi nào gió nổi lên thì... con vãi lên làm hoàng tử và hoàng tử con ông vua kia lại ra quét lá”.
Bà Kim Cúc nói với vẻ mặt ngẫm nghĩ:
- Câu này ngụ ý cho sự thay đổi chế độ của thời phong kiến thôi mà! Hay là cậu ta muốn nói thời nào dù có thay đổi gì thì người lãnh đạo cũng nghĩ đến chức tước, quyền lợi và sự cầu vinh hơn là lo cho dân cho nước?
- Chắc có lẽ vậy, nhưng con không thích hiểu về điều đó cho dù nhờ nghe ảnh phê bình hoài mà con hiểu rõ hơn về các quan điểm đối nghịch, xuất xứ của các nguồn nghi kỵ và nguyên nhân của sự mất đoàn kết giữa người Việt và người Việt. Chuyện mà con thích nghe ảnh nói là việc giúp đỡ các trẻ em nghèo. Vì tin trí tuệ của thế hệ trẻ là tiềm năng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh nên ảnh đã hết lòng giúp các trẻ em nghèo có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Ảnh cũng hay nói với con là ra nước ngoài thấy cảnh sống của người mà thương dân mình.
Bà Kim Cúc lo lắng:
- Ngoài những chuyện đó cậu Vũ còn thích nói chuyện gì nữa?
- Vì ảnh không thích cảnh ăn chơi hoang phí của những người có quyền chức, và giàu có ở Việt Nam nên ảnh nói với con là ảnh muốn hợp tác với những người thành tâm làm thiện nguyện cho công tác xã hội để giúp những người nghèo khổ, bệnh tật và thất học. Khi con đi chơi với ảnh, ảnh thường chỉ cho con những tụ điểm nhậu nhẹt và chê bai những kẻ mất thời giờ với sự vinh thân phì da, rồi đưa con thăm các khu dưỡng lão, bệnh viện thí, trường tàn tật trẻ em và các lớp học kèm miễn phí dành cho các trẻ em nghèo.
- Đó là chỉ những chỗ lý tưởng mà nó thường đưa con đi chơi sao? Giọng của bà Kim Cúc đầy nghi hoặc.
- Không phải hoàn toàn là như vậy đâu! Chúng con còn đi dạo các khu bán đồ mỹ nghệ, các khu thương mại và đến các nơi có cảnh thiên nhiên đẹp nữa mẹ ạ!
- Mẹ nghe Vũ sang đây với gia đình, học và làm một thời gian gì đó nhưng lại quay về Việt Nam ở một mình, không lẽ nó chẳng thích gì ở xứ sở này sao?
- Có chứ mẹ! Ảnh nói với con ảnh thích nhiều thứ lắm nhưng ảnh về lại vì yêu quê hương và thương những gì ảnh đã có khi còn ở việt Nam. Ảnh nói là ảnh thích làm giàu bằng sức lực và tài trí như những thương gia nổi tiếng Mỹ nhưng đến khi già ảnh sẽ không chuyển nhượng của cải cho con cái mà làm di chúc gửi tặng các thư viện, và các trường học. Ảnh nói là nếu ảnh có con, ảnh sẽ tạo điều kiện cho con cái của ảnh có kiến thức và cách sống tự lập chứ không ỷ lại vào của cải của cha mẹ. Ảnh còn mơ đến chuyện xây dựng nên các bệnh viện mà con làm việc thiện nguyện nữa đó mẹ.
- Vũ làm gì mà mơ tưởng đến chuyện làm giàu trên đất nước Việt Nam?
- Mơ chỉ là mơ thôi mà mẹ! Con nghĩ không biết rõ công việc của ảnh lắm. Con chỉ nghe nói trước khi đi Mỹ anh ta là người viết cho báo của những người thanh niên trẻ gì đó ở Việt Nam nhưng sau khi về nước, ảnh không viết lách gì nữa mà chỉ thông dịch, dạy kèm tiếng Anh và làm chủ một dịch vụ cho thuê máy vi tính thôi. Tiệm của ảnh có người trông coi nên ảnh dành phần lớn thời gian cho việc dạy dỗ nhất là dạy miễn phí cho các lớp học Tình Thương. Ảnh thường nói với con sự thất học gây cho con người mọi điều thua thiệt nên ảnh muốn đem lại sự hiểu biết cho tất cả những trẻ em không có điều kiện đến trường. Con không hiểu vì sao ảnh nói thích trở thành thương gia giàu có trong khi có lúc ảnh nói là thích làm những việc nhỏ và vô danh mà hữu hiệu và thiết thực hơn là những việc to lớn và nổi tiếng mà vô dụng và lỗi thời.
- Tiếng Việt của con dạo này rất khá có lẽ nhờ nói chuyện thường xuyên với nó?
- Mỗi tuần tụi con chỉ nói với nhau vào ngày chủ nhật thôi mà mẹ! Mẹ đừng quên là con đậu nhất môn thi đọc ca dao tục ngữ do Cộng Đồng người Việt tại Maryland tổ chức.
- Hình như cách hai, ba ngày gì đấy chứ không phải chỉ mỗi ngày chủ nhật đâu! Gọi điện từ Việt Nam sang đây thường xuyên như thế phải biết tình cảm của cậu ta đối với con như thế nào! Chưa kể những lần cậu ta gửi tặng hoa và quà sinh nhật bất ngờ cho con nữa đó! Bà Kim Cúc trêu.
Cô Loan lắc đầu:
- Con hiểu là ảnh yêu con nhiều và đối với con rất lãng mạn nhưng con vẫn không tin chắc lắm.
Đáp lại đôi mắt kinh ngạc của bà Kim Cúc thay cho câu hỏi “Vì sao vậy con?” cô Loan nói tiếp:
- Có lẽ trước đây con luôn luôn yêu đời và tin người vì chứng kiến hạnh phúc của ba mẹ. Sau ngày ba mẹ ly dị những điều ấy đã mất dần đi trong con.
Như một triết gia, bà Kim Cúc nói giọng trầm trầm:
- Mỗi người có một cá tính, không ai giống ai cả đâu con! Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, không phải lúc nào cũng hoàn hảo, trọn vẹn hay bình lặng và giống nhau mãi mãi. Một lúc nào đó hay vì một hoàn cảnh nào đó mà cuộc đời của chúng ta thay đổi theo cái muôn màu muôn sắc muôn hình vạn trạng của sự biến chuyển. Hãy dẹp bỏ những điều bất mãn trong lòng để thỏa ý với tình bạn, tình yêu, lý tưởng và tham vọng mà con đang có. Đừng nên nuối tiếc với dĩ vãng hay quá lo lắng cho tương lai nữa mà hãy vui sống với gì con đang có được trong tầm tay!
Cô Loan lắc đầu với vẻ chán nản:
- Nhưng có thể nào như vậy không hả mẹ? Có thể nào người đàn ông vất bỏ hạnh phúc có được trong bao năm chỉ vì một tình yêu bồng bột và nông nổi như thế không? Con không hiểu được ba! Một người ba mẫu mực đã từng dạy cho con yêu cái đẹp, biết cái phải, làm cái đúng lại là người bóp chết trái tim con. Mỗi lần nhìn sự cô đơn của mẹ, con không thể nào chịu nổi và không thể nào không nghi ngờ những người đàn ông trên đời này.
Nhận ra ánh mắt oán hờn của con gái mình, bà Kim Cúc vội nói rối rít:
- Bản chất con người là thiện nhưng chúng ta không phải là thánh nên không thể tránh được chuyện vấp ngã một đôi lần trong một vài phương diện nào đó trong cuộc đời. Còn chuyện của ba, có thể ba đã có những ẩn khúc riêng nào đó mà mẹ không muốn tìm hiểu.
- Dù vì điều gì chăng nữa con không thể nào thông cảm cho ba. Con không hiểu vì sao ba có thể đành tâm bỏ mẹ như thế? Có một người đàn bà đẹp đẽ và nhân hậu như mẹ đây không là hạnh phúc nhất đời sao mà phải tìm người chẳng đáng gì?
- Tình yêu có những lý lẽ riêng của nó mà chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được con à! Vì nghĩ như thế nên mẹ tôn trọng quyết định thành thật của ba- Im lặng một lúc, bà Kim Cúc chậm rãi nói tiếp - Không những mẹ luôn luôn tôn trọng sự tự do chọn lựa và quyết định của ba mà còn của các con nữa. Nhưng, quyết định của người mà mẹ lo buồn nhất là hiện giờ không phải là quyết định của ba mà là chuyện Phụng muốn ra ở riêng với cô bạn gái của nó; tuy nhiên, mẹ vẫn cố gắng chiều lòng theo nó!
- A! Chuyện của anh Phụng đó hả mẹ? Mẹ buồn vì anh Phụng đã dọn ra ở riêng phải không? Chuyện ấy là chuyện lành mà mẹ! Ảnh ra riêng là để sau này đem về cho mẹ một cô dâu bác sĩ thông minh và đẹp gái đó thôi! Con nghĩ là ảnh sẽ chính thức đưa chỉ về giới thiệu với mẹ sau khi chỉ lấy bằng bác sĩ!
- Mẹ không muốn hỏi chuyện cá nhân của Phụng, nhưng mẹ sẽ hỏi nó cặn kẽ khi nó tự nguyện kể cho mẹ nghe những gì nó muốn tâm sự!
- Ảnh sẽ! Tại chưa đến lúc thôi. Sau này không những ảnh đem về cho mẹ một cô con dâu bác sĩ mà cả cháu nội nữa. Thằng bé Tevone không phải là con anh Phụng nhưng nó ngoan lắm mẹ ạ. Chị Princess răn dạy nó rất kỹ, và còn đang học cách dùng đũa để gắp thức ăn như người Việt mình nữa đó. Con phục tính tình của chị và ngưỡng mộ tình yêu giữa chị ấy với anh Phụng. Còn ba, đáng tiếc là tình yêu mà ba hy sinh cho dì Hoa không phải là tình yêu muôn thưở.
Bà Kim Cúc thất sắc:
- Ý của con như thế nào? - Con nghe dì Hoa đã đem Tony bỏ ba đi từ lâu rồi. Hiện giờ ba chỉ ở một mình thôi.
Nhận ra khuôn mặt trắng bệch của bà Kim Cúc, cô Loan vội vàng hỏi thêm:
- Mẹ, có khi nào mẹ tha thứ cho ba không? Có khi nào mẹ nghĩ là mẹ cho phép ba trở về ở cùng với chúng ta như ngày xưa không?
Bà Kim Cúc hoang mang lắc đầu:
- Mẹ không biết con ạ. Mẹ không biết là ba có muốn trở về không; còn trái tim của mẹ thì đã héo khô. Mẹ nghĩ là mẹ không còn đủ sức để yêu ai và không thể làm cho ai yêu mình được nữa.
Cô Loan cúi đầu với giọng nói trầm buồn:
- Như vậy hóa ra người ta khó mà tha thứ cho nhau phải không mẹ? Chuyện của mẹ và ba chẳng khác nào chuyện của những người Việt khác. Cái khoảng cách giữa những trái tim khô héo và những trái tim trăn trở không bao giờ có thể được nối gần.
- Có thể lắm chứ con! Nếu đó là sự an bài của thượng đế hay chính bản thân chúng ta. Sự hàn gắn có thể dựa trên bài học của quá khứ và sự đồng lòng cải thiện với tấm lòng thành. Nhưng mà khi chúng ta nhận được sai lầm của người khác thì bản thân người ấy cũng đã nhận ra sai lầm của họ phần nào và tự sửa chữa, dù không nói ra.
- Đúng vậy mẹ ạ! Con tin người Việt Nam có bản chất thông minh.
Bà Kim cúc gật đầu dù không hiểu ý cô Loan muốn ám chỉ người Việt Nam trong tình hình mâu thuẫn tư tưởng và quan điểm hay chuyện ly cách của vợ chồng bà. Tuy nhiên, bà đã mỉm cười, thay đổi đề tài:
- Thế còn cô bác sĩ Loan của mẹ thì sao?
- Con hả? Sau khi lấy bằng bác sĩ con sẽ tiếp tục về Việt Nam mỗi hè để giúp đỡ những Hội thiện nguyện như hiện nay, hoặc là....
Bà Kim Cúc hỏi dò ngay sau câu bỏ lững của cô:
- Mùa hè năm nay con cũng định về Việt Nam nữa sao?
- Dạ phải! Con quên thưa với mẹ là hè này con đã ghi danh về Việt Nam giúp các hội thiện nguyện bên ấy. Con đã lấy vé rồi mẹ à. Hội thiện nguyện cho con nửa vé, con chỉ trả tiền một nửa thôi!
Cất những món hàng cuối vào tủ xong, cô Loan vỗ tay vào trán:
- A! Nói đến chuyện đi Việt Nam con mới nhớ là con đang giữ một vật của mẹ.
- Vật gì? Bà Kim Cúc ngơ ngác.
- Mẹ có nhớ anh Duy Anh làm cho tiệm Bàn Tay Đẹp của mẹ trước đây không?
- Sao hả con? Bà Kim Cúc ái ngại nhìn cô Loan.
- Ảnh cũng ghi tên trong nhóm thiện nguyện về giúp những người tàn tật ở Việt Nam lần này đó mẹ. Con gặp ảnh mấy lần trong hội thiện nguyện và ảnh gửi lời thăm mẹ mãi mà con quên nói lại với mẹ. Hôm nay ảnh gửi cho con cái bì thư này để chuyển lại cho mẹ. Tập thư rất dày con nghĩ là một cuốn sách ở trong ấy!
Đặt bì thư màu vàng khổ khoảng hai mươi lăm và ba mươi lăm phân, được niêm dán cẩn thận trên bàn xong, cô Loan vô tư hỏi:
- Mẹ ơi! Con có thể hỏi mẹ vài câu hỏi được không?
Bà Kim cúc hồi hộp:
- Được chứ, con nói đi!
Trải dài hai cánh tay trên chiếc bàn đá, và vuốt những ngón tay mình trên hai bàn tay đan chặt vào nhau của bà Kim Cúc, cô Loan hỏi một cách trang trọng:
- Có phải mẹ nhớ Việt Nam ngày xưa của mẹ lắm phải không? Có phải mẹ muốn sau này được về Việt Nam để sống và được chôn nơi mảnh đất mà mình đã sinh ra phải không?
Câu hỏi bất ngờ của cô Loan làm nước mắt của bà Kim Cúc muốn dâng lên mi. Bà nhớ ba căn phòng nhỏ sát cạnh nhau trong căn gác. Bà nhớ chiếc giường nơi bà cụ Đức đắm chìm trong giấc ngủ ngàn thu. Bà nhớ cảnh bà Bạch Mai và ông Thanh lăng xăng bàn bánh cuốn vào một ngày chủ nhật nào đó trước hiên nhà. Bà nhớ cái góc của hiên gác nơi bà tâm tình với bà Quyên. Thêm vào những nỗi nhớ ấy, bao nhiêu hình ảnh khác tràn về trong ký ức của bà nhưng bà đã cố gắng giữ nguyên ánh nhìn hết sức bình thản khi trả lời:
- Những gì mình cần khác với điều mình muốn con à! Mẹ muốn rất nhiều thứ trên đời nhưng chẳng được gì cho nên mẹ chỉ xác định mình cần phải làm gì thôi.
- Mẹ ạ, những cái mẹ cần là những gì thuộc về trách nhiệm còn những cái mẹ muốn là những cái thuộc về sự khao khát. Con biết trước đây mẹ rất bứt rứt khi quyết định bỏ quê hương ra đi nhưng vì hoàn cảnh mẹ đã phải liều thân mình. Con cũng biết là mẹ đã gắn bó tình cảm với đất nước này như quê hương thứ hai của mẹ nên mẹ luôn kỳ vọng chúng con góp sức mình để đền trả xứ sở đã cưu mang gia đình chúng ta. Nhưng ... nhưng mà con ... con muốn sau khi ra trường sẽ xin về làm việc cho các bệnh viện ở Việt Nam mẹ ạ!
Rụt ngay đôi bàn tay và khoanh chúng lại trước mặt, bà Kim Cúc lấp bấp:
- Con... con nói sao? Có phải con vừa nói là con muốn làm việc luôn ở Việt Nam không?
Cô Loan gật đầu với đôi mắt thẳng thắn:
- Dạ phải.
Mày chau, mặt nhăn nhó, bà Kim Cúc lớn tiếng phản đối:
- Tại sao con muốn như vậy? Con có biết đó là nơi không an toàn vì những luật lệ bất nhất không? Mỗi năm con đi chỉ một tháng thôi cũng đủ làm mẹ mất ăn mất ngủ rồi huống hồ muốn làm việc luôn bên ấy!
Cô Loan nhìn bà với ánh mắt thành khẩn:
- Con đã nhất định rồi mẹ ạ. Chỉ mong mẹ đừng buồn và đừng giận là con đi ngược lại điều mẹ mong muốn! Xin hiểu cho con là con chỉ muốn giúp đỡ những người dân cùng khổ ở Việt Nam chứ không ngoài mục đích gì khác. Hãy tin rằng giữa con và anh Vũ vẫn giữ tốt đẹp cho nhau.
Bà Kim Cúc lắc đầu, hạ giọng với nụ cười buồn:
- Mẹ không giận con đâu. Mẹ biết tuổi trẻ thường có những khát vọng hướng thượng và muốn làm việc cao cả nhưng thật sự là mẹ không an tâm với quyết định này dù mẹ luôn hứa với lòng sẽ luôn luôn tôn trọng quyết định của các con.
Cô Loan nói một cách thiết tha:
- Mẹ ạ, không phải con quyết định như vậy là vì muốn làm chuyện phi thường, vì quen thuộc với phẩm chất thích làm thiện nguyện xã hội của người công dân Mỹ hay vì muốn sống gần bà con mà vì con đã thực sự nghĩ mình là người Việt Nam, vì con đã yêu đất nước Việt Nam và hết lòng thương mến người dân Việt Nam. Xin mẹ không giận con thật tình như mẹ nói.
Ngượng nghịu trước sắc mặt trắng xanh và đôi mắt buồn bã của bà Kim Cúc, cô Loan nói thêm:
- Con biết là con sẽ đến một nơi không bằng Mỹ và là nơi có nhiều điều làm mẹ lo lắng nhưng con tin rằng tất cả những điều phi lý, bất công và mâu thuẫn sớm hay muộn cũng bị hủy diệt bởi chính bản thân của nó. Xin mẹ hãy tin những điều mà con đang tin: Sự thiện tâm và thành ý sẽ giúp chúng ta đạt kết quả mỹ mãn cho những cái mà chúng ta đang cố công bồi đắp.
Gật đầu và nắm chặt đôi bàn tay cô Loan, bà Kim Cúc nói với vẻ trịnh trọng:
- Mẹ hiểu con muốn nói gì rồi! Lo sợ thì vẫn còn nhưng mà con đã quyết chí thì mẹ hoàn toàn tôn trọng lý tưởng nhân hậu của con.
Cô Loan sung sướng đứng lên, bước đến ôm choàng bờ vai của bà Kim Cúc, rồi nói như reo:
- Mẹ! Mẹ thật là người mẹ tuyệt vời của con! Với người mẹ cao quý như mẹ đây con hứa sẽ sống tốt và mãi mãi làm nhiều điều có ý nghĩa để làm cho mẹ vui lòng. |
|
|