Hơn một năm ly dị với chồng, tuy bận rộn với vai trò đơn phương làm chủ ba tiệm móng tay, bà Kim Cúc chưa nguôi ngoai được sự mất mát đang hiện diện trong tâm hồn. Dù là thế, bà không hề đề cập hay than thở với một cô thợ hay một người quen biết nào về sự phản bội của chồng bà. Trong gia đình, bà tránh đề cập hay nhắc nhở về ông Hoàng hay sự yêu đương bất chánh của ông. Ngoài tiệm, bà không hề than thở, tâm sự, oán trách hay tham gia bàn tán bất kỳ trường hợp ngoại tình nào của người đàn ông mà bà nghe bàn tán trong tiệm. Ảnh hưởng lối giáo dục và phong cách sống của cha mẹ đồng thời với bản tính lạnh lùng sẵn có, bà thường có thái độ tỏ ra bất cần đối với những điều không vừa ý.
Thực tế là bà đã khóc âm thầm hàng tháng sau khi sự cố xảy ra. Bà đã tự trách mình là không giữ được hạnh phúc với chồng đến độ ông phải bỏ đi lấy vợ khác. Bà đã tự trách sự đơn giản hóa của mình về chuyện luyến ái của nam nữ. Bà còn tự trách là đã để ông Hoàng sống đơn độc trong căn phòng mà đáng ra bà phải có mặt bên ông mỗi đêm. Tuy nhiên, sau một thời gian, cùng sự trôi qua của ngày tháng, bà đã rõ hơn sự chối từ của ông Hoàng đối với mình để rồi tự chấn chỉnh tâm trí của mình bằng lập luận : “Cái gì không thuộc về mình, cho dầu có cố giữ thể nào, không chóng thì chày thì cũng sẽ mất đi.” Dù là thế, lối tự an ủi như một phương pháp trị liệu cho sức khỏe tâm thần không đủ sức xóa hết những thắc mắc trong tâm trí của bà về nguyên do khiến cho ông Hoàng đã có mối quan hệ xác thịt với cô Hoa và bằng cách nào mà họ có thể có con với nhau một cách dễ dàng trong một căn nhà lắm người như nhà của bà Thu. Bà đã hình dung ra rất nhiều cảnh tượng như cảnh ân ái giữa ông Hoàng và cô Hoa, cảnh ve vãn của ông, cảnh đồng tình của cả hai người và cảnh khiêu gợi của cô Hoa. Và khi nghĩ sự việc diễn ra trong cảnh cuối cùng là nguyên nhân khiến cho chồng bà và cô Hoa có con với nhau, thì bà không còn coi cô ta là kẻ ngang hàng đồng tuổi với con mình nữa mà là kẻ “phá gia cang”, một kẻ tình địch chính tông. Bà thầm cảm ơn hành động hào hiệp của ông Hoàng về việc chuyển nhượng tất cả tài sản cho bà. Cùng sự việc, trước đấy, bà cảm thấy tổn thương vì cử chỉ hảo hán của ông chứng tỏ tình yêu mà ông dành cho cô vợ trẻ hơn bất cứ những gì ông có trên đời, còn lúc bấy giờ, bà an tâm khi số lợi nhuận từ các tiệm gia tăng mỗi tháng một nhiều hơn. Như được bàn tay thần thánh ban phép, số lời từ ba tiệm Bàn Tay Đẹp gia tăng khá nhiều. Điều này đã làm bà không suy tính đến chuyện thu tiền các tiệm hàng ngày mà nhờ những người quản lý chuyển thẳng số thu nhập thẳng vào số tài khoản của bà trong ngân hàng đồng lúc gửi tổng kết số những con số của các tiệm đến cho bà qua điện báo. Mê tín với chuyện “Đen tình, đỏ bạc” và chấp nhận thực tế của câu ca dao “Chín con chưa phải là chồng” bà tự tìm quên chuyện buồn riêng của mình qua công việc kinh doanh mà mình đang có, tuy rằng sự oán hận chồng vẫn chưa nguôi trong trái tim bà. Nó làm bà kiên định với ý nghĩ là: Nếu ông Hoàng hỏi bà lấy lại một trong ba tiệm Bàn Tay Đẹp hay ngay cả “nửa tiệm” thì bà vẫn sẽ không bao giờ chấp thuận trao lại cho ông. Vì ghen tuông và vì lý luận về sự công bình ở đời, bà muốn cô vợ bé của ông Hoàng đổ mồ hôi để tự tạo dựng của cải chứ không phải lấy từ những gì đã có từ tâm lực của bà. Sau khi nghĩ chuyện mơ ước trở thành y tá của mình bị lãng quên vì phải dồn tất cả thời giờ cho việc kinh doanh và lo cho chồng con đến chuyện phục tùng của mình dành cho chồng trong bao nhiêu năm sống chung theo nghĩa vợ chồng, bà hiểu rõ mối quan hệ vợ chồng của bà trước đây là mối quan hệ đàng hoàng và khuôn phép theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Tuy mối quan hệ ấy được bồi đắp thêm bởi những món quà trong những ngày sinh nhật, ngày lễ tình yêu và các ngày lễ khác theo tập tục của người Mỹ, nó chỉ là một hình thức của hạnh phúc hơn là một tình yêu vợ chồng đích thực.
Hàng ngày, suy tư với bao khắc khoải trong lòng, bà Kim Cúc vẫn không tìm ra được nguyên nhân đã gây nên sự rạn nứt trong tình cảm của vợ chồng bà vì thế bà thường so sánh mình với cô Hoa để tìm hiểu lý do cô ta cướp lấy ông ra khỏi đời sống của mình. Sau khi đoán mò cô Hoa chiếm được tình cảm của ông Hoàng là do cô ta trẻ hơn, đầy sức thanh xuân hơn và mềm mỏng ngây thơ hơn bà, bà ngậm ngùi nhớ ra là bà đã đánh mất đi quá nhiều bởi những thay đổi sau chiến tranh và bởi hoàn cảnh ly hương. Tất cả những gì mà cô gái ở độ tuổi hai mươi kia có được là hình ảnh của chính bà hơn hai mươi lăm năm về trước trong quá khứ tươi đẹp mà khi nhớ ra, sự nuối tiếc của hiện tại không thể giúp bà bơi ngược giòng thời gian để trở về những ngày tháng êm đềm cũ.
Chua chát nhận ra tình cảm của ông Hoàng và bà trước đây là tình yêu nam nữ đơn điệu, rập khuôn theo kiểu trai gái lớn lên phải có vợ có chồng rồi sinh con đẻ cái, và cay đắng khi hiểu rõ hôn nhân của mình là kết quả của thứ tình cân nhắc với các tiêu chuẩn đã được định rõ theo kiểu “cẩn tắc vô ưu”, bà Kim Cúc xót xa với sự khám phá của mình. Theo bà, nguyên nhân sự đổ vỡ là bởi hôn nhân của vợ chồng xuất phát từ sự phải lòng nhau và quan hệ một cách đàng hoàng mẫu mực chứ không phải từ một tình yêu say đắm kết hợp bởi lãng mạn và xác thịt. Với ý nghĩ tình chồng nghĩa vợ của mình chẳng khác nào lối cư xử của hai người kinh doanh lương thiện mà qua đó họ đã cùng gia tăng tài chính để hợp sức nuôi dạy con cái nên người và không bị thua thiệt bất cứ ai hay bất cứ phương diện nào trong xã hội, bà cho rằng trước đây ông Hoàng đã hỏi cưới bà vì lúc ấy ông không tìm thấy người nào hơn bà cũng như bà đã yêu và chấp thuận lấy ông vì xung quanh bà lúc ấy không còn một người con trai nào có trình độ học thức như ông, có lý lịch ở miền Nam như ông và quan trọng nhất là điểm tựa vững chắc cho cuộc sống ban đầu của bà trên đất Mỹ như ông. Ý nghĩ hầu hết những cuộc hôn nhân khác không nhất nhất xuất phát từ tình yêu lãng mạn và cho rằng nếu chúng bị thẩm duyệt bằng thử thách sẽ chẳng còn bao nhiêu cặp tồn tại trên đời, bà Kim Cúc phì cười với từng hậu quả trong trí tưởng tượng như đang coi một cuốn phim hài hước vô hình trước mắt.
Thấy bà Kim Cúc cười cười một mình như người điên, cô Oanh từ bàn làm việc của mình mon men bước lại gần bà với khuôn mặt ái ngại và hỏi:
- Có chuyện gì vậy chị? Em chưa thấy ai bị chồng bỏ mà ngồi cười như chị vầy đâu!
Bà Kim Cúc cười mỉm:
- Chứ không lẽ ngồi khóc? Đối với người phụ bạc, không bỏ mình trước cũng bỏ sau thôi. Chẳng thà bây giờ còn làm ăn được, còn khỏe mạnh bị bỏ vẫn còn đở tủi hơn lúc sáu, bảy mươi tuổi.
- Chuyện của chị mà em cứ nghĩ là chuyện của em. Em cứ suy nghĩ hoài về nguyên do khiến cho anh Hoàng thay đổi một cách lạ kỳ như vậy. Quen với anh chị bao nhiêu năm trời, em biết tính tình của ảnh đàng hoàng chứ có phải như mấy người đàn ông khác đâu! Nếu ảnh có tính “trai gái mèo mỡ” thì ảnh có ở xứ tự do này từ lâu rồi chứ cần gì về Việt Nam. Biết bao nhiêu đứa sẵn sàng trong internet, biết bao đứa thợ trẻ đẹp độc thân “ẹo qua ẹo lại” thấy chướng mắt mà ảnh đâu thèm? ... Vậy mà không hiểu cách gì chuyện tai hại như vậy lại xảy ra!
Quay đầu tóc ngắn màu vàng sang bàn của bà Kim Cúc, cô Kim nói chen vào:
- Trong khung cảnh “đầy Việt Nam”, các cô gái trẻ Việt Nam thừa sức đưa hồn các ông Việt Kiều nhè nhẹ trở về cái tình tự yêu đương của thời đã mất hơn các cô gái trẻ ở đây quá đi chứ chị Oanh!
Chặc lưỡi, đong đưa đôi bông tai to tròn cạnh hai bên má, cô Thủy nói vọng sang:
- Bởi vậy, tuy biết mình là người vợ đẹp nhưng không nên chủ quan quá đáng. Cái tự tình dân tộc thường làm sống lại dĩ vãng xa xưa của các ông Việt Kiều và tạo điều kiện cho các cô gái trẻ thu hút các ông một cách dễ dàng.
Cô Liên nói vọng tới:
- Cũng tùy tính người thôi chứ, đâu phải đàn ông nào cũng đều có tính mèo mỡ! Chỉ có những người đàn ông có tính bậy bạ mới đành đoạn bỏ vợ, bỏ con theo nhân tình mà thôi.
Cô Minh cãi lại:
- Tính gì mà tính? Ông tơ bà nguyệt cắt dây tơ hồng thì đố ai mà nối cho được! Hết duyên, hết phận thì phải chịu chứ làm sao cãi được ý trời?
Thế là đề tài hạnh phúc gia đình và sự phản bội của đàn ông, đã không hề bị đả động trong những tháng trước đó, được đưa ra bàn luận giữa các cô thợ và giữa các cô với những người khách mà họ đang phục vụ. Xôn xao với nhiều trường hợp khác nhau, họ kể cho nhau nghe chuyện này sang chuyện khác bằng tiếng Việt và tiếng Anh không dứt.
Biết việc riêng tư mà bà Kim Cúc cố tránh đề cập nhưng không thể nào thoát khỏi một lần bởi những cái miệng ưa nói của các cô thợ, cô Oanh hỏi nhỏ với bà Kim Cúc khi ngồi xuống chiếc ghế đối diện tại bàn làm việc của bà:
- Em không hiểu sao cả nhóm đông người cùng về Việt Nam như gia đình chị mà lại để anh Hoàng bị một đứa con gái trẻ dụ dỗ như vậy?
- Lỗi của chị là quá lo lắng cho mẹ chị nên bỏ mặc ảnh sống một mình ở nhà em gái ruột của ảnh. Nhưng mà thực ra chị không ngờ chuyện xảy ra đến như vậy!
- Người ta vẫn thường đồn là mấy đứa con gái Việt Nam thường bỏ bùa cho Việt Kiều để được ra nước ngoài đó mà chị! Em chẳng biết tụi nó có bùa không và dùng loại bùa gì để dụ dỗ đàn ông nhưng em nghĩ mình cũng không nên trách tụi nó. Sống trong cảnh nghèo khổ túng thiếu thấy người ta hơn cũng muốn có cơ hội ra nước ngoài để làm nở mày nở mặt cho gia đình. Cho nên, của mình thì mình phải giữ cẩn thận thôi!
- Chuyện đã xong rồi, chị không trách ai nữa. Không phải “của mình”, giữ thế nào chăng nữa, mất thì trước hay sau cũng mất thôi. Nhưng mà chị tin mọi sự xảy ra do ý trời, là sự sắp đặt của thượng đế để sống bình an và không nghĩ ngợi gì nữa.
- Ý trời gì chị ơi! Mỡ đưa trước miệng mèo mà mèo không đớp mới là chuyện lạ! Nhưng mà thôi, ít ra hôm nay em còn nghe chị nói những gì chị nghĩ trong đầu còn hơn thấy chị im lặng đăm đăm hoài em ngại lắm - Chăm chú nhìn bà một lúc, cô Oanh nói thêm - Chị cần nói nhiều hơn để giải tỏa những ức chế trong tâm trí nếu không ảnh hưởng sức khỏe tinh thần lắm đó chị Kim Cúc!
- Hết rồi, không còn gì để nói đâu Oanh, nhưng đó không phải là tận thế. Chính những lúc đối diện trường hợp như vầy mới hiểu cái bản lãnh của người đàn bà ra sao.
- Em tin chị vượt qua được nỗi khổ tâm này mà! Nếu không có ảnh thì chị cũng sẽ gặp biết bao nhiêu người đàn ông khác để mà lựa chọn! Với sắc đẹp của chị, chị muốn có bạn trai lúc nào mà chẳng được?
- Có ích gì? Chị hết còn tin đàn ông và không còn tin có tình yêu chân thành nào ở trên đời nữa rồi!
- Vẫn có nhưng chị không thấy đó thôi. Những cái không thuộc phạm vi lựa chọn, so sánh, cân nhắc hay tính toán là tình yêu chân thật.
- Nếu em nói như vậy, chị hiểu anh Hoàng yêu con bé Hoa thật tình như ảnh đã nói với chị. Anh ta bỏ lại tất cả tài sản cho chị đã đành, trách nhiệm với con cái và mái ấm gia đình ảnh cũng không coi ra gì nữa. Đó là bài học mới nhất cho chị về mãnh lực của tình yêu!
- Em không nghĩ đó là tình yêu. Có thể vì ảnh muốn tìm lại tình tự quê hương dân tộc; cũng có thể vì đã “lậm” vào đam mê mới; hay có thể vì tự ái gì đó mà ảnh không thể trở lại với chị!
Bà Kim Cúc lắc đầu:
- Đến giờ chị cũng chưa biết được thực chất của tình yêu là gì và tâm lý của đàn ông ra sao, nhưng những điều ấy không phải là mục tiêu của cuộc đời! Nếu không có tình yêu, không có đàn ông, mình vẫn sống được mà!
- Nhưng mà nếu có, nó vẫn tô điểm cho cuộc đời của người đàn bà đẹp hơn đó chị!
Ngẫm nghĩ một lúc, cô Oanh nói thêm:
- A, mấy ngày chủ nhật gần đây, Duy Anh thường đến đây luôn khiến em phải hỏi anh ta còn luyến tiếc gì mà đến mãi. Thường thường, anh ta không trả lời và cũng chẳng nói gì, chỉ ngồi im lặng một chút rồi bỏ đi, nhưng mới chủ nhật tuần trước anh ta kể với em là đã chuyển sang học cùng trường C. với Vân nhưng chẳng bao giờ gặp Vân. Em không hỏi vì sao hai người không gặp nhau nữa và không hỏi vì sao Vân lấy bằng móng tay xong không làm cho tiệm mình mà làm cho tiệm khác.
Bà Kim Cúc không hỏi cô Oanh vì sao cô kể điều này và cũng không hỏi thêm về chi tiết mà cô tiết lộ, nhưng khi cô ta nhắc đến hai người kia, cô đã làm bà nhớ lại những lời oán trách của cô Vân sau khi cô này lấy xong bằng làm móng tay. Cô Vân đã nói với bà rằng cô xin thôi việc vì cô không muốn chứng kiến cảnh “chướng tai, gai mắt” của người đàn bà lớn tuổi dùng sắc đẹp, tài sản và thủ đoạn để “dụ dỗ” những người đàn ông, con trai mà bà ta muốn. Định kiến của cô Vân về bà đã không làm bà muốn nghĩ đến cô ta kể cả anh Duy Anh, người đã từng gieo cho cô ta ý nghĩ yêu thương trước đây.
Lảng sang chuyện khác, bà Kim Cúc hỏi:
- Chuyện học GED của em đến đâu rồi?
- Em đã có giấy báo đậu rồi!
- Em sẽ tiếp tục học đại học chứ?
- Dạ có!
- Vậy thì chị sẽ học với em. Trước đây, vì chồng con, chị tự dừng lại để lo cho mọi người trong gia đình bước tới còn bây giờ chị sẽ ghi danh học đại học trong khi lo các công việc đã có của mình.
- Máy computer và cách chuyển tiền trực tiếp vào ngân hàng là hai cánh tay đắc lực giúp chị quản lý công việc kinh doanh của ba tiệm Bàn Tay Đẹp mà! Nếu chuyển từ từ các bà khách đang đeo theo chị cho thợ thì chị không cần phải ra tiệm nữa.
- Thật sự là không phải chị tham việc nhưng đa số thợ trong tiệm chỉ có bằng làm móng tay chứ không có bằng thẫm mỹ mà làm sáp hay mát xa mặt cần phải có bằng này nếu State Board cho người kiểm tra thì tiệm sẽ gặp rắc rối.
- Còn em nữa mà! Em sẽ phụ chị, đừng lo!
- Em không định mở tiệm sao?
- Không, nếu em muốn mở tiệm em đã làm từ lâu rồi. Lúc trước ở Việt Nam không được học đến nơi đến chốn, nay được sang đây em quyết học cho đến lúc lấy bằng tốt nghiệp Đại Học. Em chỉ muốn quân bình thời gian làm việc, học hành và giáo dục con cái chứ không muốn thiên về việc kiếm tiền thôi đâu. Em thấy nhiều người say mê kiếm tiền trong ngành móng tay bỏ bê con cái đến hư hỏng nên sợ lắm!
- Hai đứa con gái em vừa ngoan ngoãn, vừa học giỏi lại siêng năng làm giúp việc nhà thì em hãi sợ gì nữa chứ? Nhưng mà nếu em định thế thì hai chị em mình sẽ cùng học Đại Học.
- Đúng vậy, hai chị em mình sẽ thay phiên chăm nom tiệm vừa đi học! Sau này ra trường có bằng, có việc làm nhàn hơn và mua được bảo hiểm sức khỏe cho toàn gia đình vẫn tốt hơn cái bảo hiểm tư vừa đắc tiền lại vừa giới hạn như tụi mình đang có hiện nay. Mỹ không kỳ thị tuổi tác trong học đường và công việc làm, cho nên em tin mình sẽ thành đạt như ý muốn!
Bà Kim Cúc cười cười:
- Vậy còn Thông thì sao? Anh ta bằng lòng cho em học Đại Học chứ?
- Tất nhiên rồi! Tuy ông xã của em yên phận với nghề sửa xe và chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện học hành tại Mỹ nhưng luôn luôn khích lệ em học tiếp. Tháng tới này, em sẽ thi vào Đại Học M. Nếu được nhận vào trường em sẽ học ngành Phục Vụ Xã Hội. Còn chị?
- Chị học tiếp ngành Y Tế Cộng Đồng. |
|
|