Sau ngày đãi tiệc chia tay với gia đình hai bên nội ngoại là những ngày buồn thảm nhất của bà Kim Cúc.
Sự việc bắt đầu vào lúc bốn giờ sáng của ngày thứ hai khi tiếng chuông điện thoại của nhà bà Thu kéo dài. Sau khi ông Thắng trả lời điện thoại một lúc cả nhà được báo ngay hung tin là bà cụ Đức đã qua đời. Hung tín vừa loan ra, ông Thắng, bà Thu, cậu Nam, và cậu Minh tức tốc chuẩn bị xe gắn máy dưa vợ chồng con cái của bà Kim Cúc sang P.N.
Khi đoàn xe vừa dừng trước căn nhà của bà Bạch Mai, bà Kim Cúc cùng tất cả mọi người hấp tấp đổ xô lên gác rồi vây quanh chiếc giường bà cụ Đức đang nằm. Trong tư thế bình thản như đang ngủ, khuôn mặt hiền lành của bà cụ đã không cho một người chứng kiến nào có thể ngờ rằng cụ đã thật sự đi vào chốn thiên thu. Tìm nắm bàn tay mẹ và nhận ra sự lạnh giá của nó, bà Kim Cúc hiểu rằng mãi mãi sẽ không còn được cơ hội chăm sóc, hỏi han hay trao đổi tâm tình với bà cụ nữa. Gục đầu trên thân thể của mẹ, bà khóc sướt mướt vì ân hận là đã không ở lại trong nhà bà Bạch Mai thêm vài hôm để nhìn được bà cụ trong phút chia tay vĩnh viễn. Càng khóc, bà Kim Cúc cảm thấy toàn thân người nhẹ bổng và nhũn đi. Tưởng đâu ngã quỵ xuống cái nền gỗ của căn gác và bất tỉnh ngay sau đó, toàn thân của bà được ôm chặt vào tấm thân gầy gộc của bà Bạch Mai. Bà này vừa khóc vừa nói:
- Chúng ta đã mất mẹ rồi, không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa rồi em ơi!
Nước mắt rơi lã chã theo những tiếng khóc nức nở của chị, bà Kim Cúc gào lên khi cố vươn về phía trước:
- Mẹ ơi sao mẹ nỡ bỏ con! Tại sao mẹ không chờ con? Tại sao không trăn trối gì với con cả? Mẹ hãy nói đi! Hãy nói mẹ muốn gì nơi con đi mẹ ơi!
Mọi người không nói năng gì, rớt nước mắt và lặng lẽ cùng bà Bạch Mai dìu bà ra đến chiếc ghế kê sát bức tường hướng ra hiên gác. Trong khi con cháu và người thân lần lượt trở lại quanh chiếc giường của bà cụ Đức để vuốt mắt tiễn dưa cụ theo nghi lễ đối với người đã khuất, bà Bạch Mai vừa cúi ôm vai bà Kim Cúc vừa nói trong nước mắt:
- Nín đi em! Hãy để cho mẹ đi thanh thản!
- Sao mẹ không chờ em? Sao chị không báo cho em hay? Bà Kim Cúc nghẹn ngào hỏi.
Bà Bạch Mai vừa chùi nước mắt vừa nói:
- Chính chị không biết mẹ đi âm thầm. Sáng nay khi bố ra thăm chừng mẹ, mới hay mẹ đã ra đi từ lúc nào.
Bà Kim Cúc oán hờn:
- Mấy ông bác sĩ ở đây làm ăn kiểu gì kỳ vậy! Nói mẹ đỡ rồi, chỉ cần chăm sóc tại nhà ngờ đâu họ làm ăn dối trá thế?
Bà Bạch Mai ôn tồn giải thích:
- Không phải đâu em. Thời gian bệnh của mẹ chỉ đến vậy thôi.
- Thời gian?
- Phải. Không phải mẹ bị viêm gan đơn thuần mà bị cả ung thư gan. Vì biết thời hạn của căn bệnh, mẹ quyết định không trở lại Mỹ để được chôn tại quê nhà.
Trong khi bà Kim Cúc bàng hoàng với sự tiết lộ, bà Bạch Mai nói thêm:
- Em có nhớ lúc mẹ khỏe lại sau một thời gian liệt giường không? Đấy là lúc mẹ hồi dương chứ không phải khỏe hẳn. Những gì mẹ căn dặn chúng ta lúc ấy là những lời trăn trối của mẹ dành cho chúng ta. Chị mong rằng em hãy bỏ qua chuyện xưa và tha lỗi cho chị. Hãy nối lại tình chị em như mẹ mong ước.
Lời nói của bà Bạch Mai vừa dứt, nước mắt của bà Kim Cúc lại tuôn ra. Bà nhớ lại buổi tối bà cụ Đức gọi hai chị em bà đến bên giường. Với khuôn mặt tỉnh táo, bà cụ Đức đưa bàn tay gầy guộc nắm tay cả hai chị em và nói “Chị em con có thương mẹ thì hãy thương nhau. Dù ở xa nhau cũng nên nên liên lạc thăm hỏi với nhau thường xuyên, đừng tỏ ra xa lạ và khách sáo như thế mà mất tình chị em!” “Con hứa!” Bà Kim Cúc thành tâm trả lời trong khi bà Bạch Mai âm thầm lau nước mắt. Một lúc sau, bà này nói với giọng điềm tĩnh “Chúng con vẫn thương nhau mẹ ạ! Chúng con vẫn như thế mà! Chắc là mẹ không để ý đấy thôi! Mẹ an tâm dưỡng bệnh, chứ đừng lo lắng gì về tình cảm chị em của chúng con! Là chị em, cùng một giọt máu làm sao chúng con bỏ nhau được hả mẹ?”
Hình ảnh hồi tưởng ấy nhắc cho bà Kim Cúc thấu rõ tình cảm gắn bó của chị em bà là mong mỏi duy nhất của bà cụ Đức sau khi lìa đời. Gục đầu trên vai bà Bạch Mai, bà nức nở:
- Chúng ta sẽ thương yêu nhau mãi mãi không phải chỉ vì nguyện vọng của mẹ mà chính bản thân của chúng ta phải không hả chị?
Ông cụ Đức bình tĩnh hơn bao giờ. Thay vì ngồi trên chiếc ghế cố định, ông đi đi lại lại tiếp đãi những người đến viếng và cắt đặt mọi việc cho con cháu. Ông đã nhờ cậu Bình báo tin cho nhà ông Phúc đồng thời bàn tính với ông Hoàng và ông Thanh chuyện tẩm liệm và ngày chôn cất. Cách đó ít ngày, tuy thấy bà cụ tỉnh táo và khỏe mạnh hơn trước, ông vẫn không tin tình trạng sức khỏe của bà cụ vượt qua phút cuối cùng của cuộc đời, cho nên ông tự đặt mình vào tư thế sẵn sàng đối diện một sự thật mà không thể nào chối bỏ được. Trong tình trạng căn bệnh của bà cụ Đức không thể cứu chữa được ông chỉ còn cách chiều vợ với tất cả những gì ông có thể làm cho bà trước những ngày bà đi vào cõi vĩnh hằng. Bất cứ điều gì bà cụ muốn là ông chiều lòng bà ngay sau khi lời yêu cầu của bà vừa dứt. Ngày đầu tiên khi phát hiện bệnh trạng của bà cụ, ông cẩn thận các món ăn liên quan đến sức khỏe của vợ bao nhiêu thì sau ngày bác sĩ báo bó tay trước căn bệnh, ông chiều theo lời yêu cầu thức ăn mà bà cụ ưa thích bấy nhiêu. Song song với việc chiều chuộng người đàn bà mà ông thương yêu suốt bao nhiêu năm trời, ông cụ Đức còn chuẩn bị âm thầm cùng với ông Thanh và bà Bạch Mai mọi thứ cho an táng. Tuy yên dạ vì sự ra đi của bà cụ Đức nhẹ nhàng như người ở trong giấc ngủ êm đềm và đã chuẩn bị cho tang lễ chu toàn từ ảnh thờ, vải tang, cho đến nơi chôn cất, những tiếng khóc than không ngừng của hai người con gái của ông đã làm cho ông chạnh lòng và cảm thấy nỗi mất mát càng lúc càng lớn trong lòng. Đang đi lại, đột nhiên ông đến chiếc ghế thường ngồi yên vị một cách cô độc. Cúi thấp mái đầu tóc bạc xơ xác, ông bùi ngùi nhớ lời khuyên của bà cụ: “Ông nhớ giữ gìn sức khỏe ông nhé! Sống chết đều có số có phận đừng quá vì tôi quá mà quên thân mình. Thương tôi, thương con, thương cháu thì giữ sức khỏe, đừng đau thương lắm mà bệnh thì khổ!”
Hình ảnh ủ rũ của ông cụ Đức đã gợi trong tâm trí của bà Kim Cúc một hình ảnh của một người đàn ông yêu vợ một cách trung thành và tha thiết đến tận phút cuối của cuộc đời. Tuy nhiên giữa rừng người áo tang khăn trắng trong ngày đưa tiễn quan tài bà cụ đến nghĩa trang B.D, bà hiểu rõ sự ra đi vĩnh viễn của mẹ mình không phải là sự mất mát của riêng bố, hay của bà mà còn của chị bà, các con của bà và những người thân bằng quyến thuộc khác nữa. Day dứt với những ngày tháng gian khổ cũng như vui sướng mà mẹ và gia đình bà đã có bên nhau, bà im lặng đi theo mọi người trên con đường dẫn đến nơi huyệt mộ.
Nghi lễ cúng kính hương khói vừa xong, không khí buồn bã và ảm đạm bởi những tiếng thút thít bỗng vỡ tan thành những tiếng kêu than khóc lóc. Người khóc nhiều và to nhất hôm ấy là con bé Lisa. Có lẽ vì hai ngày trước đó là lần đầu tiên trong đời nó chứng kiến một người thân thương nhất từ trần nay lại chứng kiến chiếc quan tài có thân xác của người nó thương yêu sắp sửa bị chôn sâu vào lòng đất lạnh nên không thể nào nén xúc động. Quỳ bên bờ đất nó nức nở với những tiếng kêu la thê thảm “Ngoại ơi! Ngoại ơi! Sao ngoại bỏ cháu? Sao ngoại bỏ cháu hả ngoại?” Bàng hoàng trước hành động đột ngột của con bé, bà Kim Cúc vội vàng kéo nó sát vào lòng. An ủi, và dùng vạt áo tang lau nước mắt cho nó xong bà lặng lẽ giúi những đóa hoa vào trong tay nó rồi bảo rắc xuống huyệt mộ cho ngoại. Đau đớn khi nghĩ đến sự kết thúc một đời người, nhất là một cuộc đời gian khổ hy sinh và nhẫn nại như mẹ mình chỉ là một nấm mồ trong nghĩa trang lạnh, bà Kim Cúc gục đầu trên vai con bé Lisa với tiếng nấc “Mẹ ơi, con thương cuộc đời của mẹ quá mẹ ơi!”
Thực tế bà Kim Cúc không phải là người ủy mị. Sau khi lo mồ yên mả đẹp cho mẹ xong, bà tiếp tục nghĩ đến chuyện chăm sóc bố cho đến mãn đời. Dù là vậy, ý nguyện thay thế mẹ để chăm sóc bố đàng hoàng tử tế khi trở về Mỹ không thể nào thực hiện khi mà ông cụ Đức quyết định hủy bỏ vé máy bay khứ hồi để ở lại Việt Nam luôn. Lúc đầu, tưởng đâu ông cụ buồn khổ vì sự ra đi của bà cụ nên còn lưu luyến ở Việt Nam thêm vài ngày, bà Kim Cúc đã nhờ ông Hoàng lo giấy tờ gia hạn cư trú và hoãn vé máy bay thêm lần nữa. Nhưng, đến ngày cả gia đình chuẩn bị lên đường, ông cụ Đức dứt khoát ý muốn ở lại Việt Nam luôn cho đến ngày cuối cuộc đời để được chôn cạnh mộ bà cụ Đức thì bà rơi ngay xuống vực chán chường và thất vọng. Điều mà bà Kim Cúc thất vọng nhiều nhất nơi ông cụ Đức là bà không thể nào ngờ một người đã từng làm cho ban Chiêu Hồi, đã từng giáo dục cho những người lầm đường lạc lối hồi chánh với chính nghĩa Quốc Gia lại là người bằng lòng ở lại với một đất nước mà ông đã quyết định chia tay cách đấy mười bảy năm và sinh sống với những người mà cách đó hai mươi lăm năm ông đã từng giáo dục khuyên nhủ họ theo con đường chánh hơn là tà. Tự tưởng tượng mình là ông để hiểu lý do của điều ông muốn, bà Kim Cúc xót xa nhận ra rằng nơi chôn nhau cắt rún là nơi thu hút mãnh liệt trái tim người Việt tha hương hơn mọi thứ trên đời. Hơn nữa, bà biết rõ là đối với ông cụ Đức, Việt Nam không những là mảnh đất yêu thương mà ông muốn quay trở về ở luôn mà là nơi ông có thể viếng thăm nấm mồ của người vợ yêu dấu của ông. Không gì hơn thế, ông sẵn sàng chấp nhận sự bàng quan với sự đời xung quanh để thực hiện ước nguyện duy nhất của riêng mình.
“Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm. Nhớ lúc chia ly ngại ngùng bước ra đi, luyến tiếc bao ngày xanh. Tha thiết mong tìm về bạn cũ, nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió. Vắng tiếng chim xanh, ngày vui hót tung mây, mơ khuất xa xưa nghìn phương...”
Bài hát Ngày Về mà đài phát thanh Tâm Lý Chiến thường kêu gọi bao nhiêu người hồi chánh viên trở về với với chánh nghĩa Quốc Gia ngân nga trong đầu khiến bà Kim Cúc ngẩn ngơ với hình ảnh của những cánh chim trong bài hát. Trong những cánh chim ấy, cánh chim già của người cha thân yêu của bà đã mỏi mệt quay cánh trở về quê cũ mà chẳng màn đến những ý nghĩ nặng nề đang đè nặng trong tâm trí của người con gái đang còn tha hương của ông. Tuy nhiên, trong cảm giác mất mát ê chề, bà Kim Cúc đau khổ nhận ra mình cũng là một trong những cánh chim kia nhưng vô vọng tìm nơi ngừng đậu. Trong thâm tâm, bà không nghĩ đến chuyện ngừng bay bởi vì miền đất cũ không phải là nơi an toàn tuyệt đối để bà xếp cặp cánh ở đó.
Đồng với cái buồn của bà Kim Cúc, cô Hoa cũng sầu bi nhưng ở phương diện khác. Kể từ lúc bà Kim Cúc ở nhà bà Thu cho đến lúc bà chộn rộn lo mai táng cho bà cụ Đức, rồi từ lúc ông Hoàng lo cho gia đình vợ cho đến tận ngày cả gia đình họ lên xe đi ra phi trường Tân Sơn Nhất để trở về Mỹ, cô chưa hề có cơ hội gặp riêng ông Hoàng thêm lần nào nữa. Sở dĩ cô cần gặp riêng với ông là để cô có thể báo cho ông biết sự biến chuyển kỳ lạ trong cơ thể của cô. Nhìn vợ con ông Hoàng và mọi người nhốn nháo trong hai chiếc xe van khuất hút theo dòng xe đầy bụi khói, cô vừa buồn rưng rưng vừa oán ông Hoàng đã không nói lời yêu thương hay hứa hẹn gì với cô trước khi từ giã. Tuy nhiên nhìn xuống bụng mình cô không hề có chút ân hận. Cảm thấy hãnh diện vì giọt máu trong bụng từ một người Việt Kiều giàu có và phóng khoáng, cô quả quyết tác giả của giọt máu này sẽ bảo lãnh cô sang Mỹ một ngày nào đó. |
|
|