Cô bé nhỏ trong chiếc áo đầm hồng thẫm, áo len hồng nhạt và vớ da cùng màu áo len tung tăng nhảy nhót trước mặt người đàn bà, nói líu lo như chim reo:
- Mẹ phải thưởng cho con! Phải thưởng cho con! Hôm nay con là sư phụ toán. Nobody trong lớp con được A, chỉ có mình con!
Bà Kim Cúc đi sau, mỉm cười hỏi đùa:
- Thưởng cho Lisa cái gì? Roi hả?
Cô bé đứng khựng lại, nhíu mày:
- Roi? Ứ ừ! Mẹ ngạo con! Ghét mẹ!
Bà Kim Cúc đang ho nhưng cười mỉm một cách hạnh phúc. Bà không cần biết là bà sẽ phải thưởng cái gì cho đứa bé này nhưng bà sẵn sàng cho nó tất cả những gì trên đời mà nó muốn bởi vì trong tim bà tất cả cử chỉ, điệu bộ, giọng nói, chữ dùng của nó đều đáng được yêu, đáng được cưng và đáng được quý. Bà yêu làm sao những sợi tóc mịn mượt bay bay trong gió của nó khi nó xoay tròn người vòng theo những bước chân tinh nghịch uốn éo, yêu đôi môi đỏ tươi như đóa hồng thắm sương mai chúm chím nói cười, yêu đôi má đỏ hồng trên làn da trắng mịn và nhất là yêu những từ tiếng Việt bắt chước từ những bộ phim kiếm hiệp Tàu, những chữ dùng pha trộn Mỹ lẫn việt và giọng nói hơi hơi giống người dân tộc thiểu số Việt của nó. Trong tim bà, hơn tất cả ngọc ngà châu báu trên thế gian Lisa là đứa con gái đẹp từ ngoại diện đến tâm hồn mà bà không bao giờ nghĩ là có được sau khi đứa con gái thứ của bà, cô Loan, đã tám tuổi.
- Con được điểm A môn toán. Mẹ có nghe con không vậy? Lisa nói như hét. Tiếng của nó vang xa tận đến những căn nhà dưới chân đồi.
- Có nghe! Nhưng con gái lớn mà còn bắt mẹ xách túi đựng sách như vầy có phải đáng bị roi không?
Lisa đến cạnh, lấy cái túi đựng sách khỏi cánh tay bà Kim Cúc rồi quàng vào vai và nũng nịu nói:
- Tại mẹ thích xách hộ con đấy chứ! Con đâu muốn everybody cười con đâu! Con mười tuổi rồi!
Bà Kim Cúc cười nói:
- Mẹ nói đùa thôi! Đường này là đường cụt thẳng đến nhà mình đâu có ai đi theo đâu mà Lisa nói everybody? Lisa nói tiếng Việt sai rồi!
Lisa nghiêng đầu hất mặt ra sau:
- Có chứ! Có cái ông kia!
Bà Kim Cúc quay người ra sau theo ánh nhìn của cô bé. Người thanh niên bước lửng thửng phía sau với một bó hoa cúc đủ màu trên tay. Bà Kim Cúc hỏi trong ngỡ ngàng:
- Ủa! Em đi đâu mà đến đây vậy?
Lisa tròn mắt nhìn bà, ngây thơ hỏi:
- Mẹ quen cái ông “Em” này hả?
Bà Kim Cúc vừa cười, vừa nói:
- Ừ ! Mẹ có quen nhưng không phải...
Người thanh niên cũng cười theo:
- Tên của chú là Anh, Duy Anh chứ không phải là Em, cháu gọi chú là chú Anh được rồi. Còn cháu tên gì?
- Lisa.
- Lisa? Tên dễ thương lắm! Tên này chắc chắn là tên của mẹ cháu đặt cho cháu phải không? - Quay sang người đàn bà, anh Duy Anh nói tiếp - Em thích mọi người gọi tên em hơn cách xưng hô bình thường.
Bà Kim Cúc bật cười thành tiếng:
- Chị đã nghe em nói tên của em hôm trước rồi nhưng chị không muốn gọi “Anh” thay “Em”.
- Thay vì Anh, chị gọi Duy Anh cũng được - Người thanh niên nói với vẻ nghiêm trang.
Bà Kim Cúc giữ nụ cười trên môi:
- Lúc em đi học mấy cô cùng lứa tuổi lỗ quá! Gọi bạn bằng “anh” là lỗ rồi!
Anh Duy Anh vẫn giữ cách nói điềm đạm:
- Em không hiểu ba em có đoán trước điều lợi này khi đặt tên cho em không nhưng em thích cái tên này và thường nhớ đến ông khi mọi người gọi tên em ... mặc dù bây giờ ông không còn ở trên đời nữa.
Nụ cười của bà Kim Cúc lịm tắt trong phút chốc và bà hỏi trong thảng thốt:
- Có phải em muốn nói là ba của em đã mất rồi không?
- Dạ phải! Chăm sóc cho bà nội em khoảng hơn bốn năm ba em yếu hẳn và thường ho luôn. Sau khi bà nội của em qua đời, ba em mới chịu đi khám bệnh và lúc đó ông mới biết bị ung thư phổi. Điều trị chưa đến một năm, ba em mất.
Bà Kim Cúc yên lặng, thỉnh thoảng khúng khắng ho khi bước chầm chập xuống đồi. Anh Duy Anh bước theo bên cạnh tiếp tục tâm sự:
- Ba em có số chết trong nước. Vì lo cho bà nội ba không chịu đi Mỹ nên đã chết tại quê nhà.
Bà Kim Cúc hỏi như nói:
- Và em ở lại với ba vì thương bà nội và ba?
- Thực ra là ba em bắt em đi với mẹ bởi vì ba em lo tương lai của em nhưng em không nỡ bỏ ba ở lại một mình với bà nội nên nhất quyết ở lại. Còn mẹ và chị em phải đi vì lúc đó gia đình em đã mượn khá nhiều tiền lo giấy tờ, hơn nữa có đi như vậy mẹ và chị em mới có thể giúp gia đình em bên ấy.
Bà Kim Cúc hỏi tiếp:
- Vậy là sau khi chôn cất cho ba em xong, em được mẹ bảo lãnh sang đây phải không?
- Dạ phải.
Hai người im lặng một lúc, bà Kim Cúc bắt sang chuyện khác:
- Lúc nãy thấy mẹ em đón cháu chị tưởng là ngày hôm nay em phải đi học nghề.
- Hôm nay tiệm ế quá! Với lại, vì không thích nhiều cái ở tiệm đó nên em xin về sớm - Chìa bó hoa về phía người đàn bà, anh Duy Anh nói tiếp - Em tặng chị bó hoa này.
Lisa nhìn sững bà Kim Cúc:
- Mẹ làm gì mà chú Anh thưởng hoa cho mẹ vậy?
Bà Kim Cúc cười nhẹ, trả lời cho cả nó và anh Duy Anh:
- Hôm trước mẹ chỉ chở chú Anh một lần đi thi lấy bằng luật và chỉ chỗ thi lấy bằng lái xe thôi mà chú “thưởng” mẹ một bó hoa lớn như thế này!
Vờn nhẹ ngón tay trên vài đóa hoa, bà Kim Cúc nói tiếp:
- Chị không tưởng tượng nổi sao em “can đảm” ôm bó hoa này đi khắp nơi. Mới qua đây chưa tới một năm mà em đã học lối khách sáo rồi! Có phải em nghĩ là tặng hoa thay thiệp để tỏ lời cảm ơn không?
Người thanh niên yên lặng bước, không nói một lời nào. Nghĩ rằng anh ta tán thành lời mình hỏi, bà Kim Cúc lại nói tiếp:
- Đối với chị, sau khi làm bất gì cho ai chị không nghĩ đến chuyện ơn nghĩa gì đâu. Những chuyện chị giúp em là chuyện nhỏ nhặt; chị cũng thường giúp mọi người, nhất là những người đồng hương như thế cho nên em không phải quá bận lòng!
Anh Duy Anh nói với vẻ mặt nửa xa vắng nửa đăm chiêu:
- Em không nghĩ là tặng bó hoa này vì trả ơn chị. Tại thấy những đóa hoa trước nhà đẹp quá, và nghĩ đến tên của chị nên em hái tặng chị thôi.
Nét bối rối hiện lên rõ rệt trên khuôn mặt của người đàn bà. Bà Kim Cúc trở nên ấp úng:
- Vậy ... chắc em thường có thói quen tặng hoa lắm hả? Và chắc cũng thường tặng hoa cho mẹ?
- Không. Xung quanh căn nhà thuê của gia đình em có rất nhiều hoa cúc do mẹ em trồng. Dù khoảng đất trồng trước nhà không phải sở hữu của mình, mẹ em luôn chăm sóc cẩn thận đến nỗi chủ nhà cũng phải yêu thích. Mẹ em là người trồng hoa, không cần ai tặng hoa làm gì! - Bước chầm chậm và hướng ánh nhìn chăm chăm vào khuôn mặt bà Kim Cúc, anh Duy Anh nói thêm - Mà cho đến bây giờ em chưa hề tặng hoa cho một người nào trên đời.
Để khỏa lấp bối rối, bà Kim Cúc cố giữ giọng nói tự nhiên và hỏi:
- Như vậy ... như vậy ... em thường làm gì cho mẹ của em?
- Đấm bóp vai khi mẹ yêu cầu.
Lisa chen vào:
- Lisa cũng đấm bóp cho mẹ lúc mẹ “xin”.
- Em giống Phụng và Loan, hai đứa con đầu của chị. Năm nay một đứa học đại học năm hai một đứa học đại học năm nhất. Thỉnh thoảng tụi nó cũng đấm bóp hai vai cho chị. Còn Lisa này đó hả? Chỉ bóp hai tay cho chị khi chị năn nỉ nó thôi.
Bà Kim Cúc phớt lờ câu nói của Lisa và cố tình mở lời giới thiệu hai đứa con lớn của bà với anh Duy Anh để ngầm báo cho người thanh niên biết bà có những đứa con khác xấp xỉ tuổi anh và lảng tránh lời khẳng định của anh về chuyện tặng hoa duy nhất cho bà nhưng anh Duy Anh không tỏ vẻ quan tâm đến lời nói của bà, không hề hỏi gì về hai đứa con lớn của bà, và cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên số tuổi của bà do bà ngầm tiết lộ. Anh ta dừng lại nhìn thẳng vào mặt bé Lisa và nói:
- Chỉ bóp tay cho mẹ thôi là Lisa đã ngoan lắm rồi. Chú rất thích làm bạn với Lisa để nghe Lisa nói tiếng Việt. Giọng Lisa nói tiếng Việt hay lắm, cố gắng nói nhiều thêm! Khi nào lấy được bằng lái xe chú sẽ chở Lisa đi chơi với Kevin cháu của chú.
Lisa ngạc nhiên:
- Chú không đến nhà cháu chơi sao?
- Không. Chú đến tìm mẹ cháu để tặng hoa chứ không có ý định tới nhà cháu. Bây giờ chú phải về. Hẹn gặp lần khác. |
|
|