Khi chiếc máy bay Boeing chao đảo hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, những căn nhà nho nhỏ chi chít bên dưới, qua tấm cửa kính của máy bay, đã gây cho hai vợ chồng ông Hoàng và bà Kim Cúc cảm giác hồi hộp và nôn nao. Tim của họ như muốn vỡ theo những tiếng rin rít của bánh máy bay cạ xát trên phi đạo bên dưới. Ba đứa con của họ, cậu Phụng, cô Loan và bé Lisa, chăm chăm những đôi mắt nhìn về trước, và nôn nóng chờ đợi thông báo của phi hành trưởng. Chiếc máy bay tiếp tục dằn xóc thêm vài lần trước khi ngừng lại hẳn. Thông báo rời máy bay bằng tiếng Anh và tiếng Việt vừa được loan ra, tiếng tháo dây an toàn liên tiếp vang lên, mọi ngườii nô nức đứng dậy giúp nhau lấy hành lý. Hòa theo các động tác của mọi người, năm thành viên trong gia đình ông Hoàng xôn xao chia nhau những chiếc xách tay rồi tuần tự đi theo dòng người ra khỏi máy bay.
Sau khi làm thủ tục giấy tờ hành chánh tại quầy kiểm duyệt xong, hai vợ chồng ông Hoàng và ba người con lũ lượt theo những người đi trước đến chỗ nhận lấy hành lý. Đấy là lần đầu tiên gia đình ông bà Hoàng về Việt Nam nhưng họ không có một chút phiền phức nào như những điều nghe được. Những chuyện hối lộ bằng cách kẹp tiền đô vào trong những thẻ thông hành để được xét duyệt nhanh hơn không được cả ông Hoàng và bà Kim Cúc tán thành khi họ bàn bạc trước khi lên đường. Họ dứt khoát với ý định là sẽ kiên nhẫn chờ đợi chứ không chịu hối lộ cho bất kỳ một kẻ tham nhũng nào vì họ cho rằng hành vi đó không những sẽ làm giảm giá trị người nhận hối lộ và tự giảm giá trị chính cho bản thân họ. Họ đã không muốn giải thích với con cái của họ hành vi hối lộ, nếu họ áp dụng, chỉ riêng cho hải quan Việt Nam chứ không bao giờ với những người cùng phận sự ở các nước khác mà họ và chúng đã từng du lịch.
Ra khỏi trạm kiểm soát của hải quan, năm người của gia đình ông Hoàng đẩy xe chở hành lý từ từ theo lối ra. Bên ngoài, người chờ đón dọc thành hàng theo thanh chắn chen chúc dày đặc đến độ tưởng chừng như nhiều gấp đôi người ra khỏi cổng phi trường. Những đôi mắt chờ đợi trong khao khát, những khuôn mặt háo hức trong nôn nóng, và những tấm bảng cạc tông nhô lên chìm xuống dập dềnh trong rừng người tỏ rõ nỗi mong chờ rạo rực và nôn nao. Lướt ánh nhìn qua những khuôn mặt hốc hác và những thân hình ốm đen của họ, niềm chua chát và thương hại dâng lên trong lòng bà Kim Cúc. Qua những khuôn mặt và những thân hình ấy bà hình dung được khuôn mặt và hình ảnh của mình khi còn ở Việt Nam. Xuyên qua hàng ngàn con mắt ngưỡng mộ, và loáng thoáng nghe những tiếng xuýt xoa khen ngợi về chiếc áo đầm tuyệt đẹp của con bé Lisa, chiếc áo khoác kiểu mới đắt tiền của cô Loan và dáng dấp cao ráo đẹp trai của cậu Phụng với những tiếng “Trời ơi, coi kìa!”, bà cúi đầu lặng lẽ phụ đẩy chiếc xe chở hành lý bên ông Hoàng.
Vượt ra khỏi những ánh nhìn chăm chú của rừng người chờ đợi, ông Hoàng che tay ngang trán dáo dác nhìn xung quanh tìm kiếm. Ánh nắng gay gắt của mặt trời làm ông nheo mắt lại và làm ông nhớ chiếc kính mát mà ông thường để trong xe riêng của ông. Chiếc kính mát, mấy lần định lấy trước khi lên đường nhưng cứ hẹn lần hẹn hồi bởi nắng chói chan của những ngày giữa tháng sáu ở miền Đông nước Mỹ, bị ông bỏ quên trong ngày lên đường vì chộn rộn với bao nhiêu vali, giấy tờ và những sự quan tâm khác cho vợ con. Nhăn mày bực bội vì sự đãng trí của mình một lúc, đôi mắt nheo của ông bất thần sáng hẳn và ông đã reo lên mừng rỡ khi ông thấy một nhóm đông người tiến về phía gia đình ông mà trong đó bà Kim Cúc nhận ra người đàn ông tóc hoa râm trong áo thun xám trơn đi đầu là Ông Thắng và người đàn bà tóc uốn cao trong chiếc áo hoa lớn sặc sỡ, đi kế là Bà Thu. Bà Kim Cúc mừng không kém gì ông Hoàng khi bà nhận ra bố và chị đầu của bà cũng đi trong nhóm đông người ấy. Lăng xăng họp nhau thành một vòng tròn lớn, cả đám người nói cười tíu tít rộn ràng. Rồi kẻ đẩy người xách náo nhiệt chẳng khác nào cảnh đón rước long trọng phái đoàn chính khách quan trọng từ nước ngoài về. Họ hỏi han, nói cười rồi ôm hôn thân mật và thắm thiết chẳng khác gì dân Tây Âu.
Trước khi mời mọi người đến hai chiếc xe van trắng và xám, ông Thắng, chồng bà Thu, trao cho mỗi người của gia đình ông Hoàng một bó hoa hồng, rồi cho cả đoàn biết là tất cả được mời về nhà ông nghỉ ngơi, và dùng cơm sau đó chờ quyết định của ông Hoàng và bà Kim Cúc muốn ở hay đến bất cứ nơi nào. Cậu Phụng, cô Loan và bé Lisa đổ mồ hôi như tắm và không ngừng than nóng bằng tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt với nhau nhưng tỏ ra hân hoan không khác gì ba mẹ của họ. Mười chiếc va li to và dày cứng được khuân vác và chất đầy trong hai chiếc xe van mười sáu chỗ ngồi với bốn chàng thanh niên có khuôn mặt gần như tương tự nhau và chiều cao bằng nhau mà ông Hoàng và bà Kim Cúc không nhớ ai là ai dù đã được giới thiệu tên qua một lần. Cả hai xưng hô em cháu một cách lờ ngờ rồi mỉm cười giao thân với họ để che giấu sự vô tình của mình. Hơ hai mươi năm ở Mỹ, ông bà Hoàng ít khi liên lạc với những người thân ở Việt Nam. Thời giờ ở Mỹ đối với họ rất hiếm hoi vì thế họ luôn luôn dành cho sự học, công việc và cuộc sống gia đình riêng của họ hơn là thư từ hay điện đàm.
Sau khi hành lý được xếp chồng ngay ngắn ở những hàng ghế sau, ông Hoàng đươc mời ngồi ở chiếc ghế trước nơi mà vợ chồng ông Thắng và bà Thu ngồi ngay sau lưng. Cậu Phụng và cô Loan len vào hai hàng ghế sau cùng với những chàng thanh niên mà một trong ba người ấy là cậu Nam, bà con cô cậu với họ. Mặc cho bốn chàng thanh niên kia cười nói vui vẻ với nhau, họ chỉ để ý lắng nghe và chỉ trả lời khi được hỏi đến. Người tài xế có vóc lớn như lực sĩ, và khuôn mặt tròn với miệng luôn tươi cười như mặt ông địa, bông đùa luôn miệng về mười chiếc vali lớn khổ được đem về từ Mỹ. Anh ta hân hoan nhận phong kẹo cao su do ông Hoàng lịch sự mời và huyên thuyên đối thoại với bà Thu và ông Thắng khi hai người này kể hết chuyện này sang chuyện khác về những thành công của vợ chồng chồng ông Hoàng tại Mỹ.
Bác tài xế lớn tuổi của chiếc xe van xám, sau khi thỏa thuận với anh tài xế chiếc xe van trắng những con đường họ sẽ đi, mời bà Kim Cúc lên xe. Theo sự sắp xếp trước của những người đi đón, bà và ông Hoàng ngồi tách biệt theo gia đình mỗi người để dễ dàng tâm sự, mà theo bà, sự sắp xếp này này hoàn toàn hợp lý và đúng với ý nguyện của bà. Lisa bám chặt mẹ từ lúc ra khỏi cổng phi trường cho đến lúc ngồi trên xe. Háo hức được về Việt Nam gặp lại ông bà ngoại nhưng khi gặp ông cụ Đức, nó ngần ngại trước khuôn mặt tiều tụy và hốc hác của ông. Nó cũng e dè với những cử chỉ vồn vã của người dì ruột tên là Bạch Mai mà nó chỉ nghe nhắc đến đôi lần khi nó còn ở bên Mỹ. Ông cụ Đức ngồi cạnh người tài xế, im lặng chẳng khác gì người con gái đầu. Còn bà Kim Cúc, sau khi ngồi cạnh bà Bạch Mai, mừng mừng tủi tủi hỏi thăm mẹ không ngừng. Nỗi quan tâm đến bệnh tình của bà cụ Đức và khuôn mặt không thay đổi theo tháng năm của bà Bạch Mai đã khiến bà không nhớ ra hôm đó là lần đầu tiên bà gặp lại bà Bạch Mai sau hai mươi mốt năm kể từ khi bà bỏ nước ra đi. Đến khi nhận ra thái độ dè chừng và lối trả lời ngập ngừng khi được hỏi đến của người chị ruột của mình, bà Kim Cúc im lặng theo bầu không khí nặng nề và ngột ngạt trong xe. |
|
|