Bà Tảo ngồi một mình cạnh bàn nhỏ trong phòng ăn của tiệm Bàn Tay Đẹp, tay cầm con dao nhỏ đưa lên xuống nhịp nhàng gọt táo trong khi miệng nhai nhóp nhép. Trước mặt bà là đĩa trái cây gồm có nho tím đỏ, lê châu Á vỏ nâu và ổi xanh lá cây nhạt gần như trắng mướt bên cạnh gói nhựa có chứa những ổ bánh bao trắng mịn và to tròn. Trong tám ngày của bốn tuần làm việc tại tiệm Bàn Tay Đẹp, bà Tảo thường có mặt sau phòng ăn hoặc lảng vảng tại bàn làm việc của các cô thợ và bàn làm việc của bà Kim Cúc hơn là ngồi cố định ở bàn làm việc do bà Kim Cúc đã chỉ định cho. Là thợ làm móng tay lâu năm nhưng chỉ làm ở các tiệm móng tay trong các khu Mỹ da trắng, bà Tảo không có nhiều kinh nghiệm làm móng bột và vẽ mẫu trên móng. Kinh nghiệm chính về sơn màu trơn và làm tay chân nước của bà có từ các tiệm mà bà làm trước kia đã không tạo cho bà uy tín gầy dựng khách trong thời gian thời tiết của miền đông nước Mỹ vẫn còn khá lạnh và tay nghề của các cô thợ trẻ của bà Kim Cúc khá cao. Dù không kiếm thu nhập thêm bao nhiêu bà Tảo vẫn tiếp tục dành thời gian cho tiệm Bàn Tay Đẹp trong thương xá B. với lý do “giải khuây, và giải buồn” như bà nói nhiều lần với bà Kim Cúc. Cũng vì “giải khuây, và giải buồn” bà này đã không những lân la đến các bàn làm việc của các cô thợ để hỏi chuyện làm quen mà còn tâm sự những điều mình có với họ. Và như thế, chuyện ông Tảo có nhân tình và con riêng tại Việt Nam được bà Kim Cúc giữ kín chỉ trong vài ngày, bị đưa ra bàn tán xôn xao bởi đám thợ và bà Tảo. Dù đã biết trước tính tình hay nói chuyện mình, thường kể chuyện người, và luôn lập luận “chuyện bí mật mà người ta không giữ nổi phải kể tôi nghe thì làm sao tôi giữ cho họ được?” của bà Tảo, bà Kim Cúc không thể ngờ chuyện riêng tư của người quản lý uy tín của bà bị tiết lộ bởi vợ và đồn ầm bởi các nhân viên của ông ngay tại nơi làm việc của ông. Và điều này đã làm bà Kim Cúc hết sức bất mãn bà Tảo vì bà luôn luôn hy vọng ông Tảo trở lại làm việc cho bà sau chuyến đi Việt Nam của ông ta. Không nhận rõ nét mặt nghiêm trọng khác thường của bà Kim Cúc khi bà này bước xuống phòng ăn, bà Tảo lên tiếng gọi mời:
- Ăn với em miếng táo này đi chị Hoàng. Táo này loại táo châu Á, vừa thơm vừa ngon đặc biệt chứ không giống như các loại khác.
- Cảm ơn chị, em không quen ăn trái cây vào lúc ban sáng.
- Vậy thì ăn một cái bánh bao này đi. Loại bánh bao thập cẩm này này có lạp xưởng đặc biệt thơm ngon lắm chị à. Em mua nhiều cho tất cả mọi người trong tiệm, đừng ngại mà từ chối.
- Dạ không, em không ngại gì cả! Em đã ăn sáng rồi, cảm ơn chị!
- Ăn rồi thì ăn thêm chút nữa có sao đâu! Mình đã lớn tuổi cần gì phải ăn kiêng, cần gì phải giữ thân hình đẹp như tụi trẻ chứ! Ăn uống là một cái lạc thú của con người, nếu vì giữ thân hình đẹp mà hạn chế cái miệng, cái lưỡi thì sống chẳng còn ý vị gì cả chị à!
- Em chẳng ăn kiêng gì đâu! Tính em xưa giờ vẫn thế, ngon hay dở em cũng ăn vừa đúng, không thêm cũng không thiếu, vừa đủ thôi! Giọng nói của bà Kim Cúc thoáng chút gay gắt.
- ...nhưng mà chị nhịn ăn quá cho nên thân mình đẹp mảnh mai cân đối chẳng khác gì mấy cô gái trẻ, còn em càng lúc càng phì. .. Bà Tảo nói giọng xì xòa, vuốt giận.
Bà Kim cúc lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế cao đối diện bà Tảo không trả lời. Nghiệm lại lời vừa nghe, bà không thể phủ định những điều bà Tảo vừa nói ra. Tuy nhỏ thua bà ba tuổi, cái mặt tròn như bánh bao lớn, cằm đôi xệ nọng và đôi mi mắt kéo sụp đã tạo cho bà Tảo một khuôn mặt nặng nề và già dặn của một người đàn bà nhiều tuổi và ít hoạt động. Thân hình ngắn ngủn và phục phịch của bà không làm cho ai tin được bà chỉ có hai đứa con và hai đứa con ấy đã lớn. Nhìn bà, bà Kim Cúc tưởng tượng ra được hình ảnh tương phản của cô nhân tình của ông Tảo dù bà chưa từng gặp mặt. Thở dài ngao ngán, bà Kim Cúc nói với bà Tảo:
- Em thấy chị lái xe xa xôi đến tiệm em làm mà không có khách, em ái ngại quá!
Bà Tảo cười xuề xòa:
- Không sao đâu mà chị! Em ra đây có người nói chuyện là em thấy đỡ buồn rồi. Tại chỗ tiệm em làm ai cũng phải lấy hai ngày nghỉ mà ở nhà má em hay hỏi đủ thứ chuyện làm em rối trí quá phải tránh mặt.
- Chị muốn đến tiệm em lúc nào cũng được thôi nhưng mà em đang nghĩ cách để cho chị kiếm thêm tiền. Làm ở đây mà chị chờ tay chân nước để làm thì không kiếm đủ chi phí cho phương tiện đi lại chứ đừng nói chi chuyện kiếm thu nhập hàng tháng cao hơn.
- Được đồng nào hay đồng nấy chị ơi! Cho em làm ở đây là em vui rồi, từ từ khách biết em làm thế nào họ sẽ lấy hẹn với em thôi. Đừng lo cho em gì cả!
- Em nghĩ là chị nên học thêm cách vẽ trên móng bởi vì hầu hết các người khách của em là người Mỹ gốc Phi. Họ thích các mẫu vẽ trên móng nên chẳng ngại chi tiền cho món phục vụ này.
- Em có học qua rồi nhưng không làm được! Em không có khiếu đâu!
- Em tin là chị làm được! Miễn là chị chịu khó thực tập một thời gian là làm được thôi! Móng tay giả, nước sơn móng tay, màu vẽ em mua sỉ không tốn bao nhiêu tiền chị cứ lấy thực tập tùy thích, đừng ngại gì cả! Nếu chị cần em chỉ điều gì, em sẽ bày cho chị.
- Đừng lo cho em quá chị Hoàng ơí! Em nói là em “ô kê” mà!
- Em thực tình muốn chị kiếm tiền thêm qua các mẫu vẽ. Làm ở tiệm em biết vẽ kiếm tiền dễ dàng hơn làm tay chân nước nữa đó! Em sẽ bày chị bí quyết cách pha màu và phối hợp các chi tiết ra sao. Biết cách thì vẽ không khó đâu!
- Thôi đi! Em nói là em làm không được, đừng lo nghĩ gì cho em nữa cả!
- Bây giờ thì không được nhưng sau khi thực tập trên các móng tay giả một thời gian là chị vẽ được ngay! Lúc đầu tất nhiên là chị vẽ không được đẹp nhưng thực tập hoài hoài thì sẽ đẹp thôi. Chị nên tập vài cái mẫu “ruột”, khi nào khách yêu cầu chị vẽ tự do thì chị vẽ cho họ. Nếu vẽ xong mà họ không chịu, đòi xóa thì gọi em vẽ dùm cho chị. Đa số khách ở đây thích vẽ trên móng, chị vẽ chỉ một ngón tay thôi, chẳng tốn bao nhiêu phút đã được ba đô rồi.
- Em biết vậy chớ nhưng em không có khiếu. Em vẽ không được, vẽ xấu lắm!
- Vì vẽ chưa được đẹp nên em mới nói là chị cần tập dượt trong lúc chưa có khách như lúc này. Em coi chị như chị em ruột nên em mới nói với chị lời này, chị suy nghĩ lại đi!
Dứt lời khuyên, bà Kim Cúc chăm chăm chờ sự ưng thuận của bà Tảo. Ánh mắt long lanh trên khuôn mặt sáng của bà toát nên sự nhân hậu và thành tâm. Thật sự là bà Kim Cúc hết lòng muốn giúp bà Tảo kiếm nhiều tiền hơn qua chuyện nâng cao tay nghề. Bà quan tâm và lo lắng cho bà Tảo không phải chỉ vì thương hại cho hoàn cảnh, hay vì đồng giới tính, mà vì tình thâm giao gắn bó giữa vợ chồng bà và vợ chồng bà Tảo và vì mối quan hệ “dây mơ rễ má” giữa ông Hoàng, ông Tảo, ông Tiến, ông Thương và ông Huy. Năm 1988 khi vợ chồng bà gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với những tiệm làm móng tay tại Santa Anna, California chính ông Tảo là người đưa đường dẫn lối cho vợ chồng bà về Maryland sinh sống làm ăn. Sở dĩ ông Tảo làm như thế vì ông Tiến, người anh ruột của ông, muốn ông hết lòng giúp đỡ gia đình ông Hoàng, em ruột của ông Huy. Ông Huy, ông Thương và ông Tiến là bạn tri kỷ và là những người lính Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Sau khi mãn tù cải tạo, ông Huy về thẳng Long Xuyên ẩn cư trong khi ông Tiến và ông Thương trở lại Sài Gòn quyết chí tìm đường vượt biển đến thành công. Tuy ba người bạn thân ở ba nơi khác nhau và có hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau họ vẫn thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Ông Tiến và ông Thương trốn khỏi nước bằng hai chuyến vượt biển khác nhau, ở hai trại tị nạn khác nhau, đến Mỹ vào thời gian khác nhau và làm việc khác nhau nhưng họ đã cùng chuyển về định cư tại Maryland nơi mà vợ chồng ông Tảo cùng hành nghề móng tay. Sau một thời gian lận đận với các công việc đưa báo, lao công, và làm công nhân ở các hãng bánh, hãng nước hoa, hãng tem thư, và hãng in, cả hai ông Tiến và Thương đã chuyển sang nghề móng tay của vợ chồng ông Tảo và sau này làm chung với vợ chồng ông Hoàng. Họ chuyển nghề móng tay không phải vì muốn kiếm tiền dễ dàng hay được thu lợi tức bằng nhiều hình thức như ngân phiếu hay tiền mặt mà chỉ vì muốn gặp nhau thường xuyên hơn và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Cả ông Tiến và ông Thương đều là người sống tự do, phóng khoáng và bất cần. Họ không hề đặt nặng vấn đề ngân khoản của mình trong ngân hàng nhiều ít, không màng chuyện có bảo hiểm sức khỏe là vấn đề cần thiết trong đời sống con người và cũng không bao giờ quan trọng hóa tiền hưu trí hay các phúc lợi khác khi về già. Sở dĩ họ quẳng được gánh lo ở đời và vui sống với những gì có được hàng ngày vì cả hai đều trải qua quá nhiều sự thăng trầm của cuộc đời và vì sự độc thân hiện hữu của họ. Kể từ ngày thất lạc người yêu vào năm 1975 ông Tiến chưa từng quen thêm một người đàn bà hay cô gái nào. Còn ông Thương, từ lúc vợ đem con đi theo tiếng gọi của tình yêu mới trên xứ sở tự do, trở nên đơn độc chẳng khác gì ông Tiến. Là bạn tâm đắc, cả hai ông có thể nói chuyện với nhau hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng và lâu hơn thế nữa. Những câu chuyện mà họ bàn tán khi tụ tập tại các tiệm Bàn Tay Đẹp hay tại nhà ông bà Hoàng thường là những câu chuyện về quá khứ, về chiến tranh, về thời sự, về tình yêu, tình bạn và về thế thái nhân tình. Họ thường kể cho nhau nghe những chuyện trước thời gian năm 1975, chuyện trong tù cải tạo, chuyện vượt biển và bàn luận về đời sống tại Mỹ. Mỗi khi câu chuyện trở nên thích thú và sôi nổi thì họ mở nhiều bia hơn hay cụng lon nhiều hơn. Những lúc nhắc đến các chuyện phật ý, nhiều tiếng chửi Đ. M đệm liên tục trong các câu nói của ông Tiến. Mỗi lần nghe ông chửi thề các cô thợ của các tiệm Bàn Tay Đẹp thường đưa mắt lạ lùng nhìn nhau bởi vì chữ chửi thề mà ông nói khác với chữ chửi thề của những người từ Bắc vào miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Thay vì chữ M được gọi là “má” như của ông Tiến là chữ “mẹ” còn chữ Đ. cũng được thay bằng một chữ tục khác mà nghĩa tương tự chứ chẳng thay đổi một li nào. Có lẽ ảnh hưởng cuộc sống không suôn sẻ và cũng vì quán tính mà ông Tiến thường đệm hai tiếng Đ. M trong khi nói. Ông nói nhiều tiếng chửi thề đến độ các cô thợ của tiệm Bàn Tay Đẹp của thương xá P. đặt cho ông bí danh là Tiến Đan Mạch. Sở dĩ các cô dành cho ông một từ thanh lịch dễ nghe như thế vì họ không muốn nhập tâm với từ chửi thề thường dùng của ông ta. Dù là sợ nhập tâm và sau đó phát ra khỏi miệng những tiếng chửi thề của ông Tiến một cách vô thức, các cô thợ của các tiệm Bàn Tay Đẹp thường vây quanh ông Tiến và ông Thương hay thỉnh thoảng có thêm ông Hoàng hay ông Tảo để nghe họ bàn chuyện. Họ tò mò ngóng chuyện của những người đàn ông ngoại tứ tuần này vì muốn tìm hiểu nguyên do các ông này có thể tuôn ra hàng vạn chuyện xưa, tích cũ bất kỳ lúc nào dù chỉ gặp nhau vài phút hay chỉ với một cốc cà phê, một tách trà, một ly rượu, một lon bia và ngay cả một ly nước lã. Chứng bệnh “đói nói” và “thèm chuyện” của những người đàn ông này đã làm cho những người chứng kiến thấy rằng nói là nhu cầu tâm tình và giải bày cần thiết nhất trong đời sống của họ. Và như thế, tính “thích nói chuyện” có thể tạm coi là lý do mà hai ông Tiến và Thương lao vào cái nghề chẳng thích hợp với ngoại hình đô cao to khỏe đầy nam tính của họ và lý giải cho việc họ theo đuổi nghề làm móng tay. Tuy là thế, bà Kim Cúc vẫn thường cảm thấy xốn xang, và bứt rứt mỗi khi chứng kiến hình ảnh trái ngược đến xót xa trong thời gian cùng làm việc với họ nhất là với ông Tiến. Cùng chung một nguyên tắc là không phục vụ móng tay, móng chân cho đàn ông, dù là đàn ông của bất kỳ sắc tộc nào, nhưng ông Tiến không may mắn như ông Thương là người đắp móng bột rất thẩm mỹ, như ông Hoàng là người thổi máy air brush tài tình, hay như ông Tảo là người vẽ mẫu thiện nghệ. Ông ta chỉ có thể làm tay chân nước và làm hết sức chậm chạp và vụng về. Cũng vì sự giới hạn khả năng hành nghề, ông đã nhận làm móng chân nước cho các bà các cô và đã đền bù cho sự khiếm khuyết trong nghề nghiệp của mình bằng thời gian xoa bóp lâu hơn và kỹ lưỡng hơn. Mỗi khi nghe đề cập chuyện đàn ông làm móng tay, móng chân, hình ảnh ông Tiến ngồi phục vụ chăm chút cho các bà các cô tại bồn làm spa chân ở tiệm Bàn Tay Đẹp trong thương xá P. luôn luôn hiện ra trong tâm trí của bà Kim Cúc. Lưng thẳng, vai đô, và bắp tay rắn chắc có hình xăm chẳng khác lực sĩ thượng hạng, ông Tiến thường ngồi ngay ngắn và nghiêm trang trên chiếc ghế nhỏ đối diện dưới chân các cô khách trong lúc nâng bàn chân họ để cắt, xén, tỉa, gọt, mài, giũa, lau chùi hay xoa bóp. Xuyên ánh nhìn qua đôi kính trắng, đôi mắt ông chòng chọc không rời trên các ngón chân của các cô trong khi ông cẩn thận bấm mũi kềm để cắt từng chút một các da chết xung quanh móng. Đối phó với công việc ngoài khả năng của mình như thế, ông thường im lặng. Bộ dạng nghiêm trang của ông lộ rõ sự cố gắng và cần mẫn của ông trong việc tạo uy tín với khách bằng sự làm việc tận tâm hơn là những câu hỏi gợi chuyện hay những lời khen theo tập quán của người hành nghề. Tuy nhiên, bất kể ông đã cố gắng thể nào và làm chăm chút ra sao, sau thời gian hơn một giờ đồng hồ vượt “kỷ lục làm chậm” để hoàn thành tất cả các bước làm sạch, tỉa, giũa, xoa bóp và sơn phết, ông nhận ngay những lời phẫn nộ và bất bình của các cô khách thay vì tiền thưởng. Mỗi lần như thế, bà Kim Cúc tưởng ông sẽ bỏ nghề làm móng tay vì tự ái thế mà ông vẫn tiếp tục cho đến khi vợ chồng bà mời ông làm quản lý cho tiệm Bàn Tay Đẹp đầu tiên.
- Trời cho ai năng khiếu nào thì kiếm tiền được dễ dàng với năng khiếu ấy phải không chị?
Bà Tảo hỏi như vừa đọc xong ý nghĩ của bà Kim Cúc khiến cho bà này giật mình trở lại thực tế:
- Đúng vậy, nhưng nếu chúng ta muốn đạt kết quả cao trong công việc thì phải thực tập hàng ngày. Chúng ta có thể làm được điều đó bởi vì dầu sao bàn tay đàn bà của chúng ta mềm mại hơn của đàn ông
- Vậy thì em nghe lời chị. Em sẽ quyết tâm học vẽ kể từ ngày hôm nay.
Bà Kim Cúc vui vẻ đứng lên
- Chị tập vẽ trong lúc tiệm đang ế như thế này là thích hợp lắm! Để em lấy đồ nghề vẽ của em cho chị mượn.
Dợm vài bước, bà đã bị chặn lại bởi anh Duy Anh ngay giữa lối đi.
- Em muốn nói gì? Bà Kim Cúc hỏi.
- Em muốn xin phép nghỉ để đi kiếm người mẫu. Ngày mốt em phải thi lấy bằng nail rồi.
- Mau vậy hả?
- Em lấy đủ giờ từ lâu rồi nhưng vì chưa kiếm được người mẫu nên phải đợi đến bây giờ mới ghi danh thi.
- Không hề gì.Tôi sẽ quản lý tiệm thay em trong hai ngày.
- Em cần nhiều hơn hai ngày. Cho em nghỉ năm ngày được không?
Bà Kim Cúc gật nhẹ đầu theo đôi mắt van nài:
- Được, không sao.
Anh Duy Anh ngập ngừng nói thêm:
- Và bây giờ chị cho phép em về sớm được không? Em có chuyện phải về sớm.
Bà Kim Cúc lại gật đầu nhưng ánh mắt tỏ đầy vẻ nghi ngại:
- Cũng được! Hôm nay tiệm khá ế em về cũng không hề gì.
Bước vội vã đến phòng nhân viên lấy ba lô vải, anh Duy Anh chào chia tay với tất cả mọi người trong tiệm. Bất kể những đôi mắt của các cô thợ nhìn anh ngạc nhiên thể nào, anh đi như chạy ra khỏi cửa. Thiếu sự đi kèm của cô Vân bóng anh trông đơn độc và lẻ loi một cách lạ thường.
Bà Kim Cúc đến chỗ làm việc của mình với khuôn mặt đầy nghi hoặc. Vừa mới mở hộc bàn để tìm vật dụng cho bà Tảo, bà thấy bì thiệp màu hồng phấn yên vị bên trên. Cái bì thiếp màu hồng không thể nào là một cái bì thiệp nào khác với cái nằm ở hộc tủ tiền nơi quầy tiếp tân của anh Duy Anh mà hôm nào bà đã đọc hết nội dung trong ấy. Lặng người ngồi xuống ghế bà hiểu ra nguyên nhân vì sao người thanh niên yêu cầu về sớm và lý do anh ta xin nghỉ năm ngày làm liên tục sau đó. |
|
|