Phong trào đã nhảy sang một cao điểm mới.
Hạnh sống một buổi tối chờ đợi hồi hộp từng giờ. Sài Gòn thật kỳ lạ. Ngay phía dưới đường, chỗ cái mặt nhựa loáng ánh đèn chạy cong cong qua một quán rượu nhỏ, xe cộ và người dạo phố cũng đang lượn qua lượn lại. Nhưng ở đàng kia, chỉ sau mấy dãy phố, năm bảy khu nhà, trận chiến đang diễn ra ác liệt. Một cuộc hội thảo quy mô đã diễn ra ở phân khoa Nhân văn Nghệ thuật đại học Minh Đức với lời kêu gọi cấp thiết: “Ai chống đôn quân bắt lính hãy đến với chúng tôi”. Và quần chúng thanh niên, sinh viên học sinh đã đến, đến thật đông, đến đủ mặt.
Hạnh được lệnh không nên lui tới khu vực ấy, chị đi quanh quẩn mãi đến tối mịt mới về, lòng bồn chồn. Chín giờ tối giao liên tới báo tin cảnh sát tấn công vô bốn lần và đều bị lực lượng bên trong chống trả bằng gạch ngói một cách quyết liệt chưa từng thấy khiến chúng phải rút lui. Trang Sĩ Tấn bị thương trong cuộc tấn công này. Giao liên đi, Hạnh chờ đến mười giờ đêm vẫn không thấy tin tức gì thêm nữa, chị tắt đèn nê-ông và bật ngọn đèn nơi bàn làm việc. Chị ngồi lại bàn, lấy giấy bút ra. Sáng mai thế nào bọn chúng cũng chiếm được trụ sở. Trong tình hình ấy lời kêu gọi mà chị sắp viết sẽ như thế nào đây?
Sau khi địch di tản khỏi Pleiku, Kontum, thành phố Sài Gòn về đêm vắng hơn thường lệ. Mười giờ đêm ngoài phố đã không còn người qua lại. Mười một giờ súng nổ rải rác ở đâu đó và chiếc trực thăng từ phía xa lại, bay phần phật ngang trên đầu.
Giữa lúc ấy có tiếng gõ cửa, hai tiếng một. Chị nhận ra ám hiệu của Hữu và mở khoá:
- Trời ơi! Hạnh kêu lên khi thấy ngực Hữu đẫm máu - Bọn nó có theo không?
Hữu cười. Dưới ánh đèn bóng tròn khuôn mặt anh vẫn giữ được vẻ tươi tỉnh, anh nói:
- Chắc là không. Mình bỏ rớt tụi nó từ xa, len qua mấy con hẻm mới về tới đây.
Hạnh nhìn xuống đất. Rất may vết thương đã ngừng rỉ máu.
- Anh nằm xuống giường đi - Hạnh nói - cứ nằm đi.
Hạnh đỡ bạn nằm xuống và xem xét vết thương. Đầu đạn chỉ ghim vào bắp thịt vai. Hạnh dùng bông gòn và nước ô-xy già rửa sạch vết thương. Máu đã hết chảy nhưng vết thương sưng to lên và vết đạn mở ra như miệng con cá chép.
- Đau lắm không?
Hữu gật đầu. Hạnh đặt một bàn tay lên trán bạn. Hữu nói:
- Phải lấy cái đầu đạn ra Hạnh à. Mình không thể nào đến nhà thương đâu.
Kiến thức của bốn năm học ở trường Y khoa quả có ích lợi trong lúc này. Hạnh bảo:
- Mình mổ, nha?
- Mổ đi.
- Sẽ đau lắm.
Hữu gật đầu. Hạnh lấy một cái dao lam mới.
Và chị kéo một nhát. Hữu hơi rướn người lên một chút nhưng cố ghìm lại được. Hạnh nhăn mặt. Lạ thật, chỉ có một chút máu ứa ra lấm tấm.
Hạnh cứa sâu xuống một nhát. Thớ thịt bị kéo căng ra, vết thương mở hoác như cái miệng lớn. Hữu hít mạnh. Đầu đạn lòi ra một khúc. Hạnh mừng quá, chị lấy cái nhíp trong nước sôi ra.
- Anh chuẩn bị đi. Tôi kéo nó ra.
Hữu cắn môi lại, mồ hôi rịn ra lấm chấm quanh trán. Hạnh nín thở, hai ngón tay bóp chặt lấy cái nhíp, giựt mạnh ra.
Ô! Tiếng kêu thốt lên nửa chừng rồi bị chặn lại. Hạnh đặt cái nhíp xuống mặt bàn. Đầu đạn lăn ra đó, bên những giọt máu. Vết thương giờ sâu hút như cái lỗ đáo. Máu từ đó trào ra, tuy không mạnh nhưng nhiều. Hạnh đổ nước ô-xy, dùng bông gòn lau thật sạch rồi rắc thuốc bột băng chặt lại.
Hạnh đặt bàn tay mình rất lâu trên trán Hữu và anh nhắm mắt lại, nụ cười thoáng qua trên môi. Anh ngủ thiếp đi.
Hạnh dọn dẹp các thứ xong thì đã gần hai giờ sáng, chị đến bên cửa sổ nhìn lên những vì sao khuya rồi nhìn xuống đường phố. Bỗng nhiên cái vắng lặng của chung quanh đem lại sự thanh thản và nỗi vui sướng bất chợt. Chị quay vào trong thấy Hữu đang ngủ say trên giường mình, ngực áo và một góc gối còn loang máu. Trong ánh sáng ấm cúng của căn phòng nhỏ, Hạnh chợt thấy người đồng chí của mình đẹp như chàng Spartacus dũng cảm thời xa xưa mà thuở nhỏ chị đã có dịp xem trong một cuốn phim nào đó. Chị nhẹ đến bên giường và bỗng dưng từ cõi nào, cái ý muốn hôn lên vầng trán phẳng lặng của người thanh niên này dâng lên cuồn cuộn trong lòng. Hạnh cúi xuống thật thấp nhưng chị lại sợ làm kinh động giấc ngủ của Hữu và lặng lẽ kéo mền đắp nhẹ lên ngực anh rồi lại võng nằm.
Giấc ngủ không đến nhanh nhưng cũng nhẹ nhàng như cơn gió khuya.
Lúc chị thức dậy thì thấy Hữu đang ngồi tựa lưng vào tường hút thuốc. Phía ngoài cửa sổ, bầu trời đã ánh lên một chút sáng của bình minh tuy sao mai vẫn còn lấp lánh trên ngọn cây. Hạnh trở dậy uống một ly nước mát và lại bên giường. Hữu đã tỉnh táo hẳn. Anh hỏi:
- Hạnh ngủ được không?
- Được. Anh thấy vết thương thế nào?
- Êm lắm.
Hạnh hỏi:
- Chuyện đêm qua như thế nào?
- Mười giờ đêm mình đi nắm tình hình trường Minh Đức giữa lúc tụi cảnh sát dã chiến tấn công. Chúng phát hiện ra mình, nhào tới hỏi giấy, mình đưa giấy, nó chẳng thèm coi, thu luôn rồi bảo lên xe. Chuyện xảy ra thật bất ngờ. Thế là mình vụt vô hẻm. Chúng bắn theo. Nguyên một băng đạn M16.
- Thế còn tình hình bên trong. Anh có biết gì thêm không?
- Giữ vững. Chắc giữ vững đến sáng. Sáng ra tụi nó khó mà làm gì mình được.
Dưới đường phố, người Tàu già vừa đẩy xe mì đi ngang qua, tiếng hai thanh gỗ đánh nhịp giòn tan nghe vang rất xa lẫn trong tiếng rao kéo dài.
- Mấy giờ rồi?
- Gần năm giờ sáng. Mình đi pha cà phê.
Hữu nói:
- Thôi, Hạnh à. Ngồi xuống đây đi. Đã mấy năm rồi mình chưa có dịp nào để nói chuyện riêng với nhau.
Hạnh cúi đầu ngần ngại một lát rồi ngồi xuống bên giường. Hữu nói:
- Cách đây mười lăm năm, hồi còn ở Qui Nhơn, hồi chưa biết gì là Cách mạng, mình có yêu một cô bạn gái cùng lớp. Mối tình ấy gắn liền với những buổi sáng sớm mình thức dậy cùng với thành phố biển nhỏ bé ấy. Tuy chuyện tình đó chẳng đi đến đâu nhưng những buổi sáng như thế về sau này, trong suốt cuộc sống đổi thay vừa qua, mình đã chẳng còn có dịp tìm gặp lại.
Vậy mà lúc nãy, khi Hạnh còn ngủ, mình đã ngồi rất lâu tại chỗ này nhìn xuống thành phố và chợt sống lại cảm xúc đó, lòng bỗng nhiên rộn lên một nỗi khát khao, một tình cảm tha thiết. Hạnh có hiểu tại sao như thế không?
Hạnh ngồi nghiêng, đầu hơi cúi xuống, không nói một lời. Rồi bỗng nhiên chị quay lại, cái nhìn thiết tha, đằm thắm, như trao cả linh hồn. Hữu đưa cánh tay còn lại của mình ôm lấy đầu Hạnh đang dụi vô ngực mình. Hạnh nói:
- Anh à, quả thực là chúng ta đã có quá nhiều công việc phải làm giữa cuộc sống khốn khổ này nên gần như không còn nghĩ đến những tình cảm ấy, nhưng sự thực thì chúng vẫn có đó, ẩn giấu trong tận một góc nào nơi tâm hồn mình. Có phải thế không anh? |
|
|