Cang mở mắt. Ánh sáng bên ngoài chiếu vô tấm “ra” trắng có in hình hippy làm nổi rõ những đường nét của hoa lá và mặt người. Nó có cảm tưởng như đang nằm trong một cái lồng đèn kéo quân lớn. Nó biết là nắng đã lên cao nhưng cảm giác lành lạnh ở hai bên chân khiến nó biếng dậy.
Căn phòng nhỏ bừa bãi nhiều vật dụng mặc dù Tú đã bán đi một số lớn để trang trải nợ nần. Những thứ đồ lặt vặt mà Tú mua sắm hồi còn có tiền bây giờ bán không ai mua, hoá ra không có chỗ chứa nên bị bỏ lăn lóc đầy nhà.
Cang ngồi dậy, vẹt tấm “ra” sang một bên hả miệng ngáp liên tiếp mấy cái. Nó ngồi bó gối nhìn ra cửa sổ nghe ngóng tiếng động ngoài đường, đầu tựa lên hai xương ống chân khẳng khiu, mắt lim dim nhìn hai bàn tay khô đét đan vào nhau giữa hai ống quyển.
Nó ngồi ngáp vặt một lúc rồi buồn tình khảy móng tay kêu chóc chóc để gỡ những đất đen bám lâu ngày trong những vuốt nhọn vàng khè và cứng ngắc. Gỡ đất trong các móng tay xong nó lại gỡ đất trong các móng chân rồi dùng ngón tay trỏ kỳ cọ quanh hai mắt cá, vê đất lại thành từng viên dài thảy ra nền xi-măng như những cục cứt chuột vung vãi.
Chiếc đồng hồ nhỏ trên bàn chỉ mười giờ mười lăm, giờ này chị Tú nó đang ở ngoài Bar với đứa con lai vừa mới biết bò. Nó ghét thằng nhỏ ấy không phải vì thằng nhỏ có mắt xanh tóc vàng nhưng mà vì Tú phải cắt xén phần lớn số tiền nàng vẫn cho nó để mua sữa. Lòng thù ghét càng ngày càng lớn dần theo cái đà bành trướng của những cơn ghiền tàn ác. Ban đầu Tú còn bảo nó giữ con cho nàng rảnh tay đi làm nhưng chỉ được ít lâu Tú lại phải đem con theo vì thằng bé quá khiếp hãi trước những trận đòn tàn nhẫn của người cậu đói thuốc.
Cang đứng dậy, khoác tấm “ra” trên vai đi rù rù lại chiếc tủ áo như một bóng ma. Trong túi nó không còn một đồng. Nó dừng lại trước tủ nhưng không nhìn mình trong gương, mắt nó dán chặt vào ổ khoá nơi một ngăn kéo nhỏ. Nó vẫn thường thấy chị nó mở ngăn kéo ấy lấy tiền. Nó đi kiếm một lưỡi dao nhỏ, ném chiếc “ra” xuống sàn nhà rồi quỳ gối trước ngăn kéo, nó đút lưỡi dao nhỏ vào kê ổ khoá, thăm dò và lần mò tìm cách mở nhưng nó loay hoay mãi mà nó vẫn không thành công. Cuối cùng nó dùng một lưỡi dao lớn hơn và dùng thế đòn bẩy tháo bật được ổ khoá ra khỏi ngăn kéo.
Nó hấp tấp bới tìm trong những cái bóp da, những túi vải, những tập giấy, những hộp son phấn cũ nhưng vẫn không tìm được một tờ giấy bạc nào. Cuối cùng nó tìm được cái biên lai cầm đồ kẹp trong bìa một cuốn sổ tay nhỏ ghi tiền chi tiêu hàng ngày. Nó cầm tấm biên lai lên coi. Một ngàn rưởi bạc. Cái đồng hồ ô-tô-ma-tic mua tận bên Mỹ mà cầm có ngàn rưởi bạc! Nó lầm bầm chửi thề, nhét tờ biên lai vào cuốn sổ tay rồi đóng ngăn tủ lại. Ngay lúc ấy nó thấy phản chiếu trong gương mấy chiếc “rốp” xinh đẹp và mắc tiền của chị nó treo trên cái giá gỗ ở sát bức tường đối diện.
Nó xoay người lại bò tới như con chó con, mũi nó khịt khịt trên mặt vải thơm mùi phấn dễ chịu.
Nó lấy hai cái “rốp” ra khỏi giá, cuộn tròn lại trong một tờ báo rồi kẹp vào nách mở cửa phòng ra ngoài, khoá cửa lại, giấu chìa khoá ở chỗ quen thuộc rồi xăm xăm ra đường cái.
Hai chiếc “rốp” mới tinh nó bán được có ngàn bạc. Khi người Tàu già đưa hai tờ giấy năm trăm cho nó, nó tóm gọn, bỏ túi rồi đi tìm bọn Sáu Cùi.
Trưa hôm sau Cang lủi thủi trở về nhà Duy và đi thẳng xuống bếp lục cơm nguội.
Thấy nhà vắng khác thường, nó hơi ngạc nhiên nhưng không muốn mở lời với ai. Người chị dâu thấy nó về chỉ ngẩng nhìn, cau mày khó chịu rồi lại tiếp tục lặt rau muống. Mấy đứa con chị, đứa thì đi học, đứa thì đi chơi cả. Cang lấy muỗng xúc cơm vào một cái tô lớn rồi chan một ít nước cá, dùng muỗng trộn đều rồi vừa múc cơm, vừa ăn vừa đi lững thững ra sau vườn. Thấy đứa cháu nhỏ đang đánh bi với bạn nó, Cang hỏi:
- Ba mày đâu?
- Ba đi Bồng Sơn.
- Chi vậy?
- Chú Nghi chết.
Cang ngừng nhai, muốn hỏi lại cho rõ nhưng nghĩ sao nó bỏ vô nhà. Nó lại chỗ người chị dâu ngồi lặt rau, đứng im đó một lát rồi hỏi:
- Anh Ba đi Bồng Sơn chi vậy?
- Đi nhận xác chú Nghi.
Cang đặt mạnh tô cơm xuống cái cũi gỗ. Cái dằn khá mạnh khiến cho cơm bắn tóe xuống đất. Người chị dâu hơi ngửng lên một lát, nhìn từ bụng nó xuống chân. Cang xẵng giọng hỏi:
- Sao hồi nãy chị không cho tôi biết?
- Mày biết ích lợi gì cho ai.
Cang làm thinh một lúc lâu rồi lừ đừ quay vô nhà. Nó chọn một chỗ khuất gió nhất ở sau cái tủ áo bên dưới thang gác, nó trải chiếc “ra” bẩn thỉu thường ngày ra nền xi-măng rồi đặt mình xuống, trùm kín mít. Nó co người lại và khóc. |
|
|