Sau mùa hè năm ấy, cuộc sống của ba mẹ con con nhỏ tương đối ổn định. Hai đứa nhỏ đều được lên lớp. Một đứa học lớp bốn và một đứa học lớp hai. Mỗi khi tan trường, hai đứa song bước cùng nhau về nhà, cùng nhau tự kiếm cơm do mẹ nấu sẵn để ăn, tự làm bài học bài và tự tắm rửa trước khi chờ mẹ đi bán về. Bà mẹ không còn có thói quen đi sớm để mua trái cây ở bến xe ngựa. Bà đã có một số vốn vững chãi để hùn hạp với những người bạn hàng khác để mua bán và thầu những vườn cây tại các vùng phụ cận quanh thành phố biển. Những người bạn hàng buôn bán chung, kết thân với bà như thể ruột thịt. Họ thường tụ họp trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con để bàn bạc chuyện mua bán, tính toán tiền bạc và chia lời.
Hai đứa nhỏ vui mừng khi có nhiều người đàn bà tụ tập trong nhà. Thích thú hơn là chúng được xưng hô dì cháu với họ. Cách xưng hô tạo cho chúng cảm tưởng là có thêm một mối quan hệ gần gũi ruột thịt. Những người bán hàng chung với mẹ chúng là dì Ba, dì Ba Rỗ, dì Tư, dì Năm, và dì Chín. Dì Ba và dì Năm là những người bạn hàng cư ngụ tại ngã ba Thành, một miền quê, miền ngoại thành của thành phố biển Nha Trang. Họ thường đem hàng trái cây từ các vùng quê trên Thành đến bán cho bà mẹ hai con nhỏ, dì Ba Rỗ, dì Tư và dì Chín. Dì Ba Rỗ, dì Tư và dì Chín cư ngụ tại thành phố Nha Trang. Họ cùng hùn vốn với bà mẹ hai con nhỏ để mua trọn số trái cây của dì Ba và dì Năm đem từ các miền quê Thành xuống rồi bán lẻ tại chợ Đầm. Thỉnh thoảng tất cả những người bạn hàng này hùn vốn để thầu những khu vườn trái cây trên các vùng miền quê Thành, nơi mà dì Ba và dì Năm không thể nào đơn phương thầu hết thảy.
Mỗi chiều đi học về, hai đứa nhỏ líu lo, nhộn nhịp với những người dì bạn hàng của mẹ. Trong khi những người lớn họp nhau lại để đếm số trái cây thừa và chia lời thì hai con nhỏ hưởng những “mặt trái cây”. Những trái cây “làm mặt” là những trái mẫu bị thẻo hoặc bị cắt mỏng cho khách hàng nếm thử còn thừa. Cắt bỏ những phần bị thâm đen bên ngoài, hai con nhỏ thú vị nếm những phần còn lại của các loại trái cây khác nhau. Có hôm vì mải mê với những “cái mặt” trái cây và những trái bị loại vì không đúng chất lượng hai đứa quên đi những trò chơi dưới gốc vú sữa. Lúc đầu, hai con nhỏ chỉ được nếm những trái cây quen thuộc của địa phương như: cam Thành, bưởi Thành, quít Thành, chùm ruột chua, chùm ruột ngọt, soài tượng, soài Thanh Ca, vú sữa. Vài tháng tiếp theo sau đó, chúng được thưởng thức các trái cây với những cái tên khác lạ lẫn lộn với những cái tên quen thuộc như: cam sành Sài Gòn, quít ngọt Sài Gòn, bưởi Biên Hòa, soài cát Sài Gòn, soài thanh ca Sài Gòn, soài Ấn Độ, vú sữa trắng Sài Gòn v.v... Những trái cây to chắc, ngọt lịm với hai chữ Sài Gòn đã khiến hai con nhỏ tưởng tượng một khung trời huy hoàng và tráng lệ của một đô thị rộng lớn gấp vạn lần nơi mà chúng đang sinh sống. Hai chữ Sài Gòn còn làm cho hai đứa nhỏ nhớ lại lời đề nghị của bà bác gái Tư và chữ “dạ” của mẹ chúng ngày nào; tuy nhiên, sự gợi nhớ ấy chỉ là một cơn gió thoảng bởi vì sự buôn bán thành công và phát đạt của bà mẹ và các bà bạn hàng là một sự cam kết chắc chắn cho việc hai chị em con nhỏ sống bên nhau cho đến lúc trưởng thành.
Vào một buổi chiều trước Tết âm lịch, bà mẹ hai đứa nhỏ và những người bạn hàng của bà kệ nệ khiêng hai cái thùng gỗ mỏng và dẹp vào nhà. Kích thích bởi mùi thơm ngòn ngọt và là lạ, hai đứa đua nhau hỏi không ngừng:
- Cái gì vậy má?
- Trái cây hay cái gì vậy dì?
Vừa mệt vừa bị hai con nhỏ quấy rầy, những người buôn bán thi nhau la toang toáng:
- Đi chỗ khác! Chỗ người lớn làm việc!
- Đừng xáp vào đây nghe mấy đứa! Mấy trái này mắc tiền lắm đó!
- Có nghe không? Lì vậy hở?
Hai con nhỏ như không nghe bị mắng, tiếp tục hỏi:
- Trái cây sao không để trong rổ? Sao để trong thùng vậy dì?
- Trái này tên gì vậy dì?
- Sao người ta bọc mấy trái này làm gì vậy má?
- Trái cây Thành hay trái cây Sài Gòn mà lạ vậy má?
Bà mẹ la lớn hơn mấy bà buôn bán chung:
- Mấy đứa bây có đi ra chỗ khác chơi không? Chuyện làm ăn của người lớn hỏi làm gì?
Dì Tư can thiệp:
- Chị nói như vậy tụi nó càng hỏi nữa cho coi. Nói đại cho tụi nó đi cho rồi.
Dì Chín từ tốn giải thích cho hai đứa nhỏ:
- Mấy trái này là trái bom, trái lê đó.
Dì Tư mím chặt hai cái môi vào nhau rồi mở nhanh để cải chánh:
- “Pom”chứ không phải là “bom” đâu chị à.
Dì Chín xuề xòa:
- Tui nghe ổng đó nói là “bom”. Tui đâu biết đâu. Gọi là gì cũng được mà. Nó là trái táo chứ trái gì. Bày đặt “pom”, “pom”, mím hai cái môi mệt bắt chết!
Dì Ba Rỗ cãi lại:
- Đâu có chị! Trái táo nhỏ xíu xiu hà! Như trái táo Tàu nhỏ xíu mới gọi là trái táo. Còn trái này giống như trái táo nhưng to gấp mấy lần, lại đỏ tươi, bóng lưỡng nên người ta mới gọi là trái “bom”!
Dì Chín chép miệng:
- To thì gọi là táo Tây không được sao mà gọi là “pom”, “bom”. Mà mấy chị muốn gọi “bom đạn”gì cũng được. Có một cái tên không mà thấy cũng rắc rối rồi! Tại mấy chị nói quá tui phải bằng lòng mua để bán thử chứ tui sợ bán không được đó! Không biết người ta có mua cho không?
Dì Tư trả lời một cách lạc quan:
- Sao lại không? Mình nghe mùi thấy đủ thèm muốn ăn rồi, huống hồ khách hàng.
Dì Ba Rỗ bồi thêm:
- Chị Chín hay có tật sợ mua hàng lạ cho nên bao nhiêu lần tụi mình mất mối ngon đó! Không mua để người khác họ mua, họ lấy mất khách hàng của mình.
Dì Chín không trả lời, cũng không nói gì thêm, chằm chằm nhìn hai đứa nhỏ đang lăng quăng quanh hai cái thùng gỗ dẹp có những trái đỏ và vàng được bọc giấy quyến trắng mềm bên trong.
- Không được thò tay chọt mấy trái “bom” đó nghen mấy đứa! “Bom” mắc tiền lắm à!
Con nhỏ em vừa hít mùi thơm vừa hỏi:
- Có lấy trái “bom” “làm mặt” không dì Chín?
Dì Tư trả lời như thay cho dì Chín, vừa như căn dặn mọi người:
- “Bom” này mắc tiền lắm, khách nào muốn mua thì mua chớ mình không “cắt mặt”, “cắt mày” gì cả!
Con em vẫn không tha, nó tiếp tục:
- “Bom” là trái màu đỏ hay vàng vậy dì Tư?
Dì Tư trả lời:
- Trái “bom” màu đỏ, trái lê thì màu vàng. Ủa?.. mà sao con thấy màu được vậy? Bộ chọt trái nào rồi hả?
- Dạ đâu có! Giấy bọc nó mỏng dính à! Con thấy được chứ. Đây nè, dì thấy không?
Con chị đến bên mẹ hỏi nhỏ:
- Trái này ở Thành hay ở Sài Gòn mà lạ vậy má?
Bà mẹ vừa đưa tay lau màng tang vừa trả lời:
- Mấy trái này ở Mỹ đó.
Con chị không hết thắc mắc:
- Mỹ là ở đâu vậy má?
Bà mẹ trả lời uể oải:
- Má không biết. Chắc ở xa lắm!
Con chị không hỏi gì thêm. Nó gọi em ra sân tiết lộ chi tiết thú vị vừa được nghe:
- Vy biết không, mấy trái “bom, lê” đó ở Mỹ đó!
- Mỹ là ở đâu?
- Ở xa lắm!
- Xa mà ở đâu?
- Ở xa hơn Sài gòn nữa!
- Nó có lớn hơn Sài Gòn không?
- Có chứ! Lớn nhất trên đời! Lớn “nhất trên thế giới”! lớn “nhất trên trần gian” luôn! Con chị đưa hai tay khoa vòng lên cao rồi giang ngang rộng hai bên hông để diễn tả cái rộng lớn của “nước Mỹ” nào đó.
Con em hỏi tiếp.
- Mỹ có đẹp không?
Con chị trả lời liều:
- Đẹp chứ!
Con em trầm ngâm, hỏi tiếp:
- Đồ ăn ở đó có ngon không?
- Ngon chứ! - Con chị bồi thêm - Nghe mùi thơm của “bom, lê” đủ biết rồi còn hỏi gì nữa!
Tối hôm ấy, mấy người dì bạn hàng quyết định ngủ lại nhà của ba mẹ con con nhỏ để ngày hôm sau cùng đem hàng ra chợ sớm. Theo thói quen, bà mẹ thắp hương cho Phật bà và chồng trước khi đi ngủ. Nể khách, bà dọn chiếu và mền để ngủ với họ trên nên xi măng trong“phòng thờ”. Sau khi tắt đèn và thị uy bắt hai đứa nhỏ im lặng ngủ, bà mẹ và những người bạn hàng bàn tính chuyện buôn bán, rồi tâm sự chuyện gia đình và con cái. Nằm trên giường bên nhau trong “phòng ngủ”, hai đứa nhỏ im lặng nghe ngóng. Chúng nhớ những điều mẹ cấm về tội “nói leo” hay “hớt lẻo” nên chúng không dám hỏi hay xen vào những câu chuyện của họ. Hơn nữa, những câu chuyện mà những người đàn bà buôn bán đang tâm sự dường như chẳng khác gì những mẫu chuyện của những ngày trước đó cho nên chả có gì thú vị cho chúng để tâm. Mùi nhang từ hai cái bàn thờ như đang bị loãng đi bởi mùi thơm ngào ngạt của những trái lạ. Con em xoay mình trăn
trở qua lại nhiều lần đến độ con chị phải nằm nhích ra xa nó hơn thường lệ. Phập phồng cánh mũi, con em hít lấy hít để, rồi nói nhỏ với chị:
- “Bom, lê” vẫn còn thơm ghê đó chị Hạ!
Con chị thì thầm trả lời:
- Ừ, thơm thật!
Con em tiếp tục nói nho nhỏ bên tai chị:
- Ước gì em được ăn “bom, lê”.
Con chị ghé tai em:
- Chị cũng vậy.
Hai con nhỏ im lặng một lúc, con em lại ghé tai chị:
- Chắc má không cho mình ăn “bom, lê” đâu!
Con chị thì thầm nhiều hơn để “dạy đời” em:
- “Bom, lê” là vốn để má bán mua gạo cho mình ăn đi học, làm sao ăn được. Vy đừng nghĩ chuyện ăn “bom, lê” nữa!
Con em im lặng, thôi thì thầm. Không nghe em hỏi, con chị cho là con em đang buồn vì chuyện không được ăn thử hai loại trái lạ kỳ và hấp dẫn mà lần đầu tiên nó được thấy. Con chị cũng buồn như em. Nó ao ước được ăn thử hai loại trái đầy quyến rũ ấy. Nó còn ao ước có được nhiều tiền để mua được hai trái thứ trái này, rồi nó sẽ cắt ra làm đôi. Con em sẽ có một nửa, nó sẽ có một nửa, rồi hai chị em nó sẽ vừa nhấm nháp vừa tán dóc dưới gốc cây vú sữa.
Càng về khuya, tiếng nói chuyện rầm rì của những người lớn từ phía trước “phòng thờ” càng lúc càng rời rạc hẳn đi nhưng mùi thơm của trái bom lê vẫn còn kết chặt với không khí trong gian nhà. Con chị hít nhè nhẹ cái mùi thơm ngọt lạ ấy vào trong buồng phổi. Nó thầm cảm ơn mấy bức tường của căn nhà nhỏ đã giữ kín cái mùi thơm đến tận đêm. Trong giấc ngủ, nó mơ thấy hai chị em nó đi lạc vào một khu vườn đầy cây ăn trái. Một khu vườn giữa mây trời như cảnh thần tiên mà trong ấy hai cây bom, cây lê lủng lẳng đầy những trái đỏ, trái vàng. Những trái bom, trái lê ngay tầm tay với tạo điều kiện cho chị em chúng hái đầy cả hai tay.
Trời sáng, hai chị em con nhỏ thức dậy như thường lệ để chuẩn bị đi học. Những người đàn bà đã đi bán từ lúc nào, hai cái thùng gỗ bom lê cũng biến mất, duy chỉ có cái mùi thơm của bom lê vẫn còn vương vất đâu đó trong nhà. Mùi thơm thoang thoảng tạo cho hai đứa nhỏ cái cảm giác luyến tiếc. Chúng tiếc hùi hụi là không được nhìn thêm hai cái thùng trái “bom, lê” thêm một lần nữa.
Trên đường đến trường, con em vẫn còn thắc mắc về những trái lạ:
- Chỉ có “bom, lê” Mỹ trên “trần gian” chứ chưa bao giờ có “bom, lê” Thành hay “bom, lê” Sài Gòn phải không chị Hạ?
- Ừ. Mình có bao giờ thấy trái bom, trái lê đâu!
- Chị có biết Mỹ khác Thành với Sài Gòn chỗ nào không?
- Mỹ lớn hơn Thành, lớn hơn Sài Gòn nhiều lắm!
- Mỹ đẹp không?
- Đẹp! Chỗ lớn hơn thì phải đẹp hơn rồi!
- Chị đi chưa?
- Chưa!
- Chưa đi sao chị biết?
Con chị tức con em hỏi đủ điều mà còn bắt bí nó nhưng nó chẳng chịu thua. Nó ra điều hiểu rất nhiều chuyện:
- Sao mà không biết!
- Sao chị biết?
- Ai mà không biết!
- Ai biết đâu? Sao chị biết ai biết?
- Ai mà không biết chứ! Chỉ có Vy không biết Mỹ đó thôi!
- Ai biết đâu?
Con chị gân cổ lên cãi:
- Bà nội biết nè! Bà nội biết được thì ai trên đời này cũng biết rồi. “Toàn thể thế giới” biết hết rồi!
- Bà nội biết hồi nào?
- Bà nội biết từ lâu rồi chứ bộ! Nếu bà nội không biết sao bà nội đặt tên cô Bảy là cô Mỹ? Bà nội phải biết nước Mỹ lớn, nước Mỹ đẹp mới đặt cô Bảy tên Mỹ chứ!
Con em nghe chị giải thích có lý nên im bặt. Còn con chị thầm cảm ơn bà nội đặt cô Bảy tên Mỹ nên nó có cơ hội lý luận với con em. Nó không biết Mỹ là tên chồng của cô Bảy và cũng không biết gì về phong tục gọi vợ bằng tên của chồng. Tuy nhiên nó không còn bị vặn vẹo, hay chất vấn về chuyện nói bừa. Cái tên hoà hợp với vẻ đẹp sang trọng của cô Bảy Mỹ khiến con em tạm tin những lời giải thích của chị.
Hai đứa vừa đi đến trường vừa trầm tư mặc tưởng cái tên Mỹ và sự quan hệ của cái tên ấy với mấy trái lạ mà nó chưa được thấy rõ trong hai cái thùng gỗ. Trong lớp học, trong giờ chơi, lúc tan học, chữ Mỹ và những trái bom, lê vẫn còn ám ảnh trong tâm trí của chúng khi mà cả hai đều hiểu ngầm là những thắc mắc của chúng chưa giải thích một cách rõ ràng và thỏa đáng. |
|
|