Tiếng trống thùng thùng báo hiệu giờ tan học đến hết hồi thứ ba mà cô giáo lớp 3C vẫn còn giữ học trò trong lớp. Sau khi phát vở viết chính tả xong, cô mới ra hiệu cho học sinh tuần tự bước ra khỏi lớp.
Sân trường lúc này đã đầy học trò. Đứa đi, đứa chạy, đứa la hét, đứa gọi nhau, đứa nói, đứa cười như thể chúng vừa thoát khỏi cái gò bó và tù túng trong các lớp học. Huyên thuyên, và ríu rít như chim trong nắng tươi, đám học trò trường nữ tiểu học lũ lượt đi dồn về phía hai cổng trường đang mở rộng. Ngoài cổng trường, nhiều chiếc xe đạp, xe vespa, xe xích lô mướn đang chờ đợi. Cha mẹ đưa mắt hướng về phía hai cái cổng trường, dáo dác tìm con. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng còi xe, tiếng cười nói la hét tạo một không khí tất bậc rộn ràng khác hẳn thời gian trước lúc vào học.
Len lỏi vượt qua những đứa học trò trong lớp, con chị nhanh chân bước về hướng cuối dãy hành lang rồi vào lớp con em. Không còn một đứa học trò nào trong lớp con em ngoài cô giáo đang thu nhặt những quyển sách và vở trên bàn.
- Dạ thưa cô, em Vy của em đâu cô?
- Lớp cô xếp hàng ra khỏi lớp từ hồi trống thứ nhất. Có lẽ Vy đang đứng ở trong sân trường chờ em.
Con chị hối hả chạy ngược về lớp của mình. Nó hy vọng sẽ gặp con em ở đó. Thất vọng biết bao, lớp học của nó vắng tanh. Không thấy em, nó chạy xuyên qua lớp học hướng về hành lang sân sau của trường. Chạy dọc theo các lớp học trên hành lang phía sân sau của trường con chị hy vọng tìm thấy con em vì nó cho rằng con em còn muốn lượm thêm hạt bàng khô ở những cây bàng trong sân sau của trường. Không thấy con em, cũng không thấy bóng dáng một đứa học trò nào trên sân sau, con chị hớt hơ, hớ hải chạy ngược về hướng sân trước của trường.
Sân trước của trường lúc này như thưa dần học trò hơn. Để chắc chắn hơn và cẩn thận hơn, con chị vừa đi chầm chậm dọc hành lang vừa đưa mắt cẩn thận nhìn vào trong các lớp học. Không tìm thấy con nhỏ em, thất vọng và bực bội, nó tựa người vào cái cột của hàng lang vừa thở vừa ngẫm nghĩ. Sáng hôm nay, em nó mặc áo đầm trắng, thắt một bím tóc. Nó nhớ như in là con em có một bím tóc do chính tay nó thắt cho. Chắc chắn với điều mình hồi tưởng, nó ngồi bệt xuống bậc cấp nơi dẫn xuống sân trước của trường, quan sát đám học trò đang hướng về hai bên cổng với hy vọng tìm thấy con em. Không có một bóng dáng nào như hình ảnh nó đang muốn tìm; và cũng không có con em trong đám học trò cuối cùng trên sân trường. Sợ hãi, nó đứng lên, khum tay làm loa trước miệng la to các hướng: “Vy ơi Vy!”. Một vài đứa học trò chưa bước ra khỏi cổng, ngơ ngác quay lại nhìn nó với ánh mắt lạ lùng. Mắc cở, nó im bặt, bước xuống thềm để đi theo những đứa học trò cuối cùng ra khỏi trường.
Xuyên qua đám học trò đi bộ trên đường, con chị cố vượt nhanh hơn từng đứa để nhìn mặt và hy vọng gặp được em. Đến đường Phan Chu Trinh, nó chợt nghe những tiếng gọi thất thanh của những đứa học trò hàng xóm:
- Hạ ơi! Hạ ơi! Em mày bị đụng xe rồi!
- Xe cán em mày rồi! Tao thấy rõ ràng em mày bị cán!
- Người ta chở em mày đi rồi!
Nó hốt hoảng la lớn:
- Ở đâu? Bị cán ở dâu?
Vài ba đứa nhỏ xúm xít xung quanh nó, thi nhau nói:
- Nó bị tung xe chỗ đó đó!
- Tại nó chạy qua đường mà không nhìn xe gì hết mà!
- Chắc nó bị tung nặng lắm!
Con chị kinh hoàng gạt tay đi xuyên qua đám học trò đang tranh nhau nói để chen người vào đám người đang đứng dưới lòng đường cái. Người lớn con nít và các chiếc xe kẹt giữa rừng người hiếu kỳ tạo thành một đám đông chật ních không một chỗ chen chân. Hai người lớn đẩy nó và mấy đứa nhỏ học trò tò mò ngược lên lề đường:
- Thấy xe đụng người chưa sợ hả? Muốn chết sao còn đòi nhào xuống đường?
Con chị hỏi mà như la thất thanh:
- Xe đụng ở đâu? Em con bị tung xe ở đâu?
Người đàn ông khựng lại:
- Nói vậy, đứa nhỏ hồi nãy là em của con hả?
Nước mắt con chị ứa ra:
- Dạ! Em con đâu?
Một bà mẹ đứng cạnh, đang nắm tay một đứa con gái nhỏ, chợt xiết cánh tay con bé vào bụng, hỏi lớn tiếng:
- Em con? Trời ơi! Sao con để em đi một mình vậy? Xe cán nó xong rồi chở nó đi mất, không có ai biết nó ra sao cả.
Con chị khóc òa, la làng:
- Em con chết chưa? Em con chết chưa?
Mọi người dồn lại tụ quanh nó, xôn xao:
- Trời ơi! Nói vậy con nhỏ vừa rồi là em con này hả? Chớ mày ở đâu mà để em đi một mình vậy?
- Bởi vậy mà! Cái cỡ này mà cha mẹ không lo đưa đón con đi học, để tụi nó đi về một mình thế nào có ngày cũng có chuyện! “Bỏ lỏng” cho cỡ chút chút này đi tự do một mình coi sao được chớ?
- Người lái xe chở con nhỏ đó đi vô bệnh viện rồi chớ đi đâu. Chiếc xe hơi như vậy mà không thấy chạy ẩu qua đường!
Con chị khóc nức nở:
- Trời ơi! Em con chết chưa? Em con chết rồi phải không?
Những người lớn không trả lời, chỉ đưa mắt thương hại nhìn, và bàn tán nho nhỏ:
- Tội nghiệp con nhỏ đó! Xe hơi cán như vậy làm sao sống nổi?
- Cầu cho bác sĩ trị thế nào chứ tui thấy lúc đó nó không cựa quậy gì cả.
- Không hiểu ông tài xế có chở kịp vào bịnh viện để bác sĩ cứu không nữa chứ! Học trò tan học đường nào đường nấy đông nghẹt!
Bàng hoàng với những câu nói vừa nghe được, con nhỏ chị vụt chạy sang đường, khóc sướt mướt:
- Vy ơi Vy! Trời ơi, saoVy phải chết? Đừng chết nghe Vy ơi!
Ngổn ngang với những hình ảnh máu me tưởng tượng trong đầu, nó vừa chạy vừa nức nở thương tâm:
- Trời ơi! Trời ơi trời! Đừng cho em con chết nghe ông trời! Vy ơi đừng chết nghe Vy!
Đến gần nhà, hình ảnh con em giãy giụa trong máu vẫn còn ám ảnh trong đầu. Sợ hãi và tuyệt vọng khiến nó đi chậm hơn khi đến cổng nhà. Tựa người vào trụ cột phía ngoài bức tường thành, nó từ từ ngồi khụy xuống và khóc ấm ức:
- Tại sao Vy đi về một mình? Tại sao Vy không chờ chị?
Trời nắng càng lúc càng gắt mà con chị vẫn ngồi khóc một mình trước cổng. Có lẽ nó sợ bị những người lớn trong nhà chất vấn vì sao nó khóc lớn, la làng to, mà cũng có thể là vì nó không có một người nào trong đại gia đình họ Hoàng có thể chia sẻ nỗi đau đớn mà nó đang có.
Đúng lúc đó, một nhóm người đang hè nhau kè một người ở giữa như đang kè một khối thịt nhũn hướng về phía cổng nhà. Người ở giữa nhóm người ấy chính là mẹ của nó. Khuôn mặt thất thần như điên dại, thân người rũ xuống như không còn một chút sinh lực trong bộ bà ba xộc xệch, bà mẹ bấn loạn rên rỉ không ngừng:
- Để cho tôi chết! Để cho tôi chết cho xong! Sống làm gì nữa chớ? Con tôi chết tôi còn sống làm gì?
Con chị kinh hoàng đứng lên. Bao nhiêu lo sợ, bao nhiêu tính toán tiêu tan với những điều nó vừa được chứng kiến, và nghe được. Nước mắt rơi lả chả, khuôn mặt nó biểu lộ nỗi kinh hoàng tột độ. Hình ảnh em chết, mẹ chết và mình nó bơ vơ trong khuôn viên nhà nội hiện ra trong đầu gây cho nó có cảm giác hoàn toàn bị bỏ rơi. Nó chơi vơi không hiểu đang ở thế giới nào. Thế giới của sự tưởng tượng hay thực tại? Nếu là thế giới tưởng tượng, nó luôn luôn hình dung những điều tốt đẹp để quên những đau buồn của thực tế mà nó đối diện hàng ngày chứ không bao giờ tưởng tượng thêm những nỗi đau buồn. Hơn nữa, trong cái đau buồn của thân phận mồ côi cha, nó không bao giờ nghĩ đến cảnh mẹ nó đành lòng tự tử để bỏ nó bơ vơ còn lại trên đời. Vì sao mẹ đòi tự tử khi nghe em nó chết? Vì sao mẹ nó không nghĩ đến nó? Vì sao mẹ nó có thể quên được là bà còn có một đứa con nữa trên đời? Phải chăng mẹ nó xác định là nó không thuộc của bà, mà thuộc về gia đình nội của nó? Phải chăng mẹ nó nghĩ nó là người ngoại cuộc trong căn nhà nhỏ ? Phải chăng bà không nghĩ đến, và không lo buồn với cảnh nó sống côi cút khi bà và con em chết đi? Phải chăng bà đã thừa nhận nó là người thuộc về ngôi nhà lớn để được sung sướng với cái gọi là về với cội nguồn? Phải chăng nó chỉ và sẽ thuộc về ba vì nó giống ba, còn con em thuộc về mẹ vì con em giống mẹ?
Người lớn trong gia đình họ Hoàng thường chú tâm và chiều chuộng con chị nhiều hơn con em bởi vì họ cho rằng con chị có khuôn mặt giống hệt cha của nó. Họ không đành lòng la mắng con chị chỉ vì họ bị ám ảnh bởi khuôn mặt giống hệt người ruột thịt đã mất. Trái lại, con em, dù có vô tội hay non nớt thể nào, họ không thể ngăn được những lời chửi xiên xỏ và mỉa mai như “Đồ cái thứ giống con gái mẹ! ” Cho dù bao lần chứng kiến sự phân biệt cư xử của những người lớn trong khuôn viên nhà nội, con chị không bao giờ có ý nghĩ là mẹ nó đồng lòng công nhận sự phân biệt này, vậy mà, sự thật vừa chứng kiến tạo cho nó cảm giác chơi vơi và mất hướng. Vừa lo cho em, vừa tủi phận mình, vừa giận mẹ, nó sụt sùi bước theo đám người đàn bà đi vào nhà.
Từ trong ngôi nhà lớn, bà nội, cô Sáu đổ xô về phía căn nhà nhỏ, sụt sùi hỏi:
- Vy mô? Vy mô? Tìm nó được chưa?
- Người ta báo nó bị tung xe mà không nói nó ở đâu. Mấy chị biết nó đâu không?
Những người bạn hàng của bà mẹ đỡ lời:
- Chỉ không biết cháu nó ở đâu đâu. Chỉ vừa nghe người ta báo con chỉ bị tung xe là chỉ nhào ra đường đòi tự tử làm chị em tui phải kéo chỉ về nhà.
Mọi người đưa mắt dồn về phía bà mẹ. Bà mẹ không nói với ai một lời nào, bà đưa đôi mắt đỏ hoe tìm con chị.
- Sao con để em đi học về một mình vậy? Em chết rồi làm sao đây con? Con đâu còn có em?
Ray rức và ân hận vì cảm thấy có lỗi với chuyện con em đi về một mình, con chị vừa khóc vừa lúng túng phân trần:
- Con không để em đi học về một mình. Nó “tự động”đi về một mình. Con cố gắng tìm nó mà tìm không thấy. Đến khi con đi về, con nghe nó bị xe cán.
Dứt những lời phân giải, nó định hỏi vì sao mẹ nó đòi tự tử, tại sao mẹ nó muốn bỏ nó còn lại một mình trên đời nhưng vì nghẹn ngào nó chỉ im lặng với những giòng nước mắt tuôn trào không ngơi. Nó tưởng tượng hình ảnh nó bị trường hợp xe cán như con em, có thể mẹ nó cũng có những hành động và cử chỉ như vậy và cũng sẽ hỏi em nó những câu như đang hỏi nó. Nó lau nước mắt và tiếp tục đưa nhiều hình ảnh dịu dàng trong đầu để vỗ về cái tủi thân đang có. Đúng lúc đó, bà bác Cả gọi ơi ới ngoài cổng nhà:
- Thím Đạm ơi, người ta đưa con Vy về đây nì! Mau mau ra đây mà đón nó tề!
Mọi người mừng rỡ đổ nhào ra sân. Một người đàn ông đứng tuổi đang bế con em trên tay, đi hướng về căn nhà nhỏ theo hướng chỉ của bác Cả gái. Ông ngập ngừng hỏi:
- Dạ thưa ai là mẹ của em bé này ạ?
Bà mẹ bước ra trước đưa đôi tay mừng rỡ đón con em:
- Là tui đây. Trời ơi! Con cảm ơn trời cho con con còn sống!
Con em ngơ ngác trên hai cánh tay của người đàn ông lạ, nhoài người về phía mẹ, kêu lớn:
- Má ơi! Má ơi!
Bà mẹ mừng rỡ, định giang tay bế nó thì người đàn ông cản lại:
- Bà để tôi bồng cháu vào nhà luôn thể.
Bà mẹ hối hả đi trước:
- Xin ông cho cháu vào đây!
Mọi người nối đuôi theo, nhao nhao hỏi:
- Thưa ông, có phảì ông đưa cháu từ bệnh viện về không?
- Hiện thời cháu như thế nào vậy ông?
- Con có sao khôngVy?
- Con thấy trong người ra sao?
Đặt con em trên giường xong, người đàn ông nhìn mọi người chậm rãi nói:
- Thật may cho gia đình và cũng may cho tôi là cháu không bị sao cả.
Bà mẹ nhoài người về phía con em nằm, rờ nắn khắp người nó như muốn tin chác nó bằng xương bằng thịt thật sự. Một lúc, bà chăm chú nhìn người đàn ông, hỏi:
- Chuyện xảy ra như thế nào vậy hả ông?
Người đàn ông từ tốn giải thích.
- Tôi đang lái xe, bất thần cháu bé này chạy sang đường. May là lúc ấy tôi lái rất chậm bởi vì tôi biết học trò đang lúc tan trường và may mắn thay cháu lăn gọn vào giữa lòng xe. Lúc đó có lẽ vì sợ quá nên cháu bất tỉnh cho nên tôi đành đưa cháu vào bệnh viện và nhờ những phụ huynh đưa con đi học về gần đó nhắn lại dùm.
Bà mẹ lập đi, lập lại như đọc thuộc lòng:
- Cảm ơn ông. Cảm ơn ông rất nhiều. Tui không biết bao giờ mới hết trả ơn này cho ông. Tui thực sự không biết lấy gì đền đáp. Tui tạc dạ ghi lòng cái ơn này.
Mấy người đàn bà khác huyên thuyên:
- Trời ơi! Bị xe cán mà còn sống vậy là may quá!
- Bị cán, nằm giữa lòng xe mà còn sống là có bề trên độ đó mấy chị! Mạng con này cũng lớn lắm chứ!
- Chị Năm “coi” mua hoa quả trái cây cúng tạ phật trời đi!
Bà nội và cô Sáu chỉ nói đơn giản:
- Cảm ơn cậu đã giúp cháu.
- Không nhờ cậu đưa cháu về chúng tôi không biết tìm cháu ở đâu.
Người đàn ông khách sáo:
- Dạ bổn phận người lái xe dù trái hay phải cũng phải lo
chăm sóc người bị tai nạn. Bây giờ gia đình cho tôi xin kiếu từ.
Dượm một vài bước, ông quay lại nói với bà mẹ:
- A còn cái cặp cháu bé trên xe của tôi để tôi đưa lại cho bà.
Bà mẹ vội vã đứng lên:
- Dạ để tôi đi lấy. Không dám làm phiền ông nhiều hơn nữa.
Bà mẹ theo ông ra cổng, đám bạn hàng của bà lục đục chào ra về, bà nội và cô Sáu trở vào căn nhà lớn.
Con chị ngồi cạnh con em, lo lắng hỏi:
- Em có bị cán chỗ nào không?
- Không có. Em không biết gì. Em chỉ sợ.
- Vì sao em về một mình vậy?
- Em thấy chị Huệ, em tưởng chị đi với chị Huệ, em theo chị Huệ!
- Chị Huệ học khác lớp chị mà! Mà đừng kể má cho má nghe về chị Huệ. Má sẽ hỏi chị Huệ là ai rồi má la chị chuyện dắt em đi học sớm đó nghen!
Im lặng một chút con chị nói thêm:
- Lần sau em phải chờ chị nghe. May là xe chưa cán em chết. Em mà chết, má và chị buồn lắm.
- Chị khóc hả?
- Ừ. Sợ em chết phải khóc chứ!
- Em đâu có chết đâu mà chị khóc?
- Bây giờ mới thấy em, mới biết em không có chết chứ lúc nãy tưởng em chết ai cũng khóc cả!
Dứt câu, con chị rơi nước mắt. Nó tủi thân vì chưa quên được cảnh mẹ nó đòi chết với con em để bỏ nó lại một mình trên đời.
Con em khuyên chị:
- Bây giờ em sống rồi. Chị Hạ đừng khóc nữa.
Con chị lau nước mắt, nuốt cục nghẹn trong cổ, gật đầu:
- Chị không khóc nữa đâu nhưng lần sau em không được đi theo ai nữa. Nhớ chờ chị dẫn đi về nghen.
Con em gật đầu, hỏi:
- Cái cặp em đâu?
Mẹ chúng vừa bước vào nhà, vừa hớn hở trả lời
- Cái cặp của con đây, không mất đâu mà sợ. Nằm yên đi con!
- Mấy trái bàng khô của con có còn trong cặp không?
Bà mẹ nhíu mày, ngơ ngác:
- Bàng khô gì?
- Mấy trái bàng khô của em mất rồi hả chị Hạ?
Con chị bối rối, chưa biết trả lời sao, may thay, nó đứng lên chào bà nội, cô Sáu, cô Út đang xôn xao bước vào nhà. Bà nội đặt các thứ ngay đầu giường chỗ con em nằm.
- Trái cam ni phần Vy. Hột xí muội và táo khô này cũng của Vy. Mấy lần trước Hạ có nhiều thứ rồi, lần ni để cho em!
Cô Sáu sờ trán con em và căn dặn:
- Nằm nghỉ cho khỏe! Không được đi xuống giường ngay nghe Vy.
Cô Út chìa hộp kẹo:
- O cho Vy hộp kẹo ni nì, Vy ăn cháo xong mới được ăn kẹo.
Nghe cô Út nói như thế bà mẹ hân hoan thấy rõ. Mặc dù cô chẳng nhìn bà và cũng chẳng hỏi han lời nào, sự hiện diện của cô đã cho bà hy vọng mối bất hòa sẽ được giải tỏa trong nay mai. Con em mừng rỡ đón lấy cái hộp hẹo ống tròn bằng giấy cứng với những hình kẹo sô cô la tròn tròn đủ màu bên ngoài. Nó vui sướng khi được quà do cô Út cho. Lúc lắc hộp kẹo hướng về phía chị, con em nói:
- Em có kẹo sô cô la.
Con chị vừa cuời với em vừa nhìn trộm cô Út. Lần đầu tiên nó nghe cô Út nói giọng Huế và xưng o với con em. Chưa bao giờ cô nói giọng Huế với ba mẹ con nó và chưa bao giờ cô xưng o với nó. Nó cảm thấy cái chuyện tung xe khiến cho mọi người đối xử đặc biệt với con em. Bây giờ con em đã trở thành người quan trọng và được cưng chiều. Lòng nó rộn ràng trước cái hòa thuận dịu dàng của gia đình nhưng đôi mắt của nó lại để lộ ra sự thèm thuồng trên cái hộp đựng kẹo. Nó biết chắc chắn là con em sẽ chia cho nó một viên kẹo nếu nó hỏi xin nhưng nó không thể nào có cái hộp đang ở trên tay con em. Cái hộp, mà đôi khi cô Út lấy cho nó một viên kẹo trong ấy, nó mơ ước khi nào hết kẹo, cô sẽ cho nó để nó làm đồ chơi.
Dường như đọc được ý nghĩ trong đầu con chị, bà mẹ khuyên:
- Em đang bịnh cho nên nội và các cô cho em quà. Đừng buồn nghe con!
Con chị lắc đầu:
- Con đâu có buồn. Con đâu có tính ganh em!
Dứt câu, nó lẩn vào phòng thờ ba để chùi những giọt nước mắt. Nó sợ mẹ hiểu lầm khi thấy nó khóc. Nó khóc vì tủi thân chứ không phải vì không có hộp kẹo. Nó khóc vì nó chưa quên được những gì nó đã chứng kiến. Những việc đau thương mà nó không bao giờ lường được cũng như những việc ngọt ngào bất ngờ mà nó không bao giờ mơ đến. Nỗi buồn riêng của nó vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai; nhưng trong những giọt nước mắt, niềm vui và hy vọng như ươm cho nó một niềm tin mãnh liệt. Nó vui khi thấy bà nội và các cô lo lắng cho con em. Nó vui vì chứng kiến cảnh bà nội và các cô đến thăm căn nhà nghèo nàn của ba mẹ con nó. Trong niềm vui to lớn ấy, nhiều hy vọng được ươm đầy. Nó hy vọng cái hố xa cách giữa mẹ nó và gia đình nội sẽ bị triệt tiêu trong những ngày sắp tới. Nó hy vọng bà nội, mấy cô và mẹ nó sẽ thương yêu hòa thuận với nhau. Nó hy vọng bà nội và mấy cô thương yêu chị em nó đồng đều. Và tột cùng nhất, nó hy vọng nỗi khổ tâm thầm kín sẽ được vơi đi khi những lời chửi rủa, mỉa móc, và chia rẽ ngày nào sẽ tan biến mãi mãi sau buổi họp mặt ngày hôm ấy. |
|
|