Những vệt nắng xuyên qua tàn cây vú sữa, loang lổ trên sân đất đầy những chiếc lá khô gợi cho con chị nhớ con em da diết. Đã lâu lắm cái sân đất quanh gốc cây vú sữa này vắng những dấu chân, những đường vẽ ngoằn ngoèo, những ô vuông, và những ụ đất. Hình như tiếng cười nói của con em vang vọng đâu đó trong khu vườn. Nó nghe ngóng rồi nhận ra đó là tiếng cười nói của những đứa cháu ngoại của ông bà bác Cả trước hiên của ngôi nhà lớn.
Buồn bã với nỗi cô đơn, con chị lặng lẽ nhặt một nhánh cây, ngồi khới đám lá khô, và viết nguệch ngoạc những giòng chữ vô nghĩa trên mặt đất. Nó nhớ trò chơi lò cò, trò chơi nhảy dây, trò chơi ô làng, trò chơi bán hàng, trò chơi cá sấu và trò chơi đúc bánh căn với con em. Nó còn nhớ những ngày cùng nhau chia những trái khế ngọt, những trái sa bô chê chín hườm, những trái mãng cầu do chim ăn dở và những trái mận hái vụng trộm. Nó nhớ những câu than đói bụng của con em và tột cùng nhất nó nhớ những câu trách cứ của con em về chuyện ba nó chết thành người tàng hình mà không giúp gì được cho chị em nó.
Con chị, bất chợt, quẳng nhánh cây xuống đất và nhìn lên ngọn mận xanh trước mặt. Nhớ lại những lời mà nó đã thuyết phục con em tin là sau khi ba nó chết ông trở thành người tàng hình và có thể ăn bất cứ trái cây nào trong vườn, cũng như có thể biết được tất cả những việc làm của những người còn sống, nó suy tư về hai thế giới sống và chết. Nó nhận ra thế giới mà nó đang sống tối tăm hơn cái địa ngục. Mặc dù mẹ nó luôn hăm dọa là những người làm việc xấu trên trần gian thường bị rơi xuống địa ngục và bị quỷ sứ đày đọa nhưng nó không tin thế giới của người chết là chỗ u ám buồn đau; trái lại, đó là thế giới của sự thanh thản và nhẹ nhàng mà trong đó những bóng ma tàng hình không biết sầu lo, buồn chán như cái thế giới cô đơn và tăm tối mà nó đang sống đau khổ trên trần gian. Nó chợt nghĩ đến cái chết và ước được chết đi để xa rời thế giới trần gian đau khổ mà nó đang sống. Nó mơ màng nghĩ đến chuyện gặp ba của nó sau khi chết và cảnh hai cha con thanh thoát bay lượn khắp nơi trong không gian, trong vũ trụ. Nó mỉm cười mãn nguyện với những cảnh phiêu lưu kỳ thú của những người tàng hình liên tiếp hiện ra trong ý tưởng của nó.
Một lúc sau, đôi môi tươi của nó chợt co lại nhăn rúm. Những cảnh tượng xảy ra sau khi nó chết lần lượt hiện ra liên tiếp. Hình ảnh mẹ nó vật vã đòi tự tử chết theo người nằm trong chiếc quan tài, hình ảnh con em đang ngơ ngác trong căn nhà nhỏ với những chiếc giỏ xách tay sau khi trở về nhà, và hình ảnh con em khóc than trước những chiếc bàn thờ của ông bố, bà mẹ, và của chính nó. Tất cả đã làm cho đôi mắt của nó tối sầm đi. Nó lắc đầu, triệt để từ chối cái thế giới đau thương vừa mới tưởng tượng kia. Nó không thể tin vào cái thế giới mà ai cũng giải quyết những điều khó khăn tuyệt vọng bằng tự tử có thể đem lại sự yên bình vĩnh cửu. Mặc dù muốn chối từ cuộc sống đau khổ của trần gian, mặc dù muốn trở thành một bóng ma, nó không thể nhẫn tâm nhìn thấy cảnh con em sống bơ vơ một mình trên đời. Nước mắt của nó từ từ rơi xuống và nó giật bắn người khi nghe tiếng hỏi của cô Út:
- Mới bị mạ mi đánh phải không Hạ?
Con chị cúi thấp đầu trả lời:
- Dạ.
Cô Út phủi một chỗ gốc lồi của cây vú sữa, ngồi cạnh nó.
- Chắc tại mạ mi tưởng mi chơi đánh bài “trong nhà” chứ chi nữa!
Con chị gật đầu im lặng. Cô Út cũng im lặng bên cạnh nó. Một lúc sau, nó nói nhỏ:
- Em con sướng hơn con là nó không còn bị đánh nữa!
Cô Út nói:
- Nhưng nó ở Sài Gòn chưa chắc đã sướng đâu!
Con chị quay mặt nhìn sang cô Út và nói với giọng rắn chắc:
- Sao không sướng hả Cô? Vy ở Sài Gòn với hai bác Tư sẽ có đầy đủ hơn con vì nhà bác Tư giàu mà!
- Đâu phải ở với người giàu là nó sướng đâu! Cô Út lắc đầu.
Con chị hoang mang với những lời nói của cô Út. Từ lâu lắm, chưa bao giờ nó được cô tâm sự như vậy. Bắt được cơ hội ngàn năm một thưở, nó hỏi dồn:
- Vì sao mà em con không sướng? Bác Tư trai giàu có, bác Tư gái lại rộng rãi thương người, con nghĩ em con ở Sài Gòn với hai bác Tư, muốn gì được nấy!
Cô Út mỉa mai :
- Đôi khi thiên hạ làm việc nhân nghĩa để che dấu những lỗi lầm trước tê đó mờ!
- Lỗi lầm? Lỗi lầm gì, cô nói con không hiểu?
Cô Út nhìn đăm đăm vào mặt con chị, hỏi:
- Con có biết mần răng mờ ba con chết không?
- Vì ba con bị đau gan. Gan cứng gì đó nên bây giờ má con không cho con ăn trứng gà nhiều.
- Đúng rồi! Nhưng con có biết ba con chết ở mô không?
- Hình như ở Sài Gòn. Con nghe kể lại là ba con nằm ở nhà thương Grall ở Sài gòn để trị bệnh.
- Trước ngày ba con chết, o có vào thăm lần cuối.
Con chị hỏi dồn:
- Lúc đó ba con có nói gì không? Lúc đó có con không? Ba có nói gì với con không?
Cô Út khoanh hai tay trước đầu gối, mắt đăm chiêu nhìn xa xa:
- Buổi chiều hôm nớ bà nội, o và mạ con đưa con và con Vy vào Sài Gòn để thăm ba con. Vừa đến nhà ông bà Tư, mạ con đã lấy nón lá ra quạt lia lịa và than là “Trong này nóng quá! Nóng hơn ngoài Nha Trang mình nhiều!” Nghe rứa, con Ly Ly đang ngồi học, nổi giận đùng đùng. Nó đến trước mặt mạ mi chỉ thẳng tay vào mặt bà nói lớn tiếng rằng “Sao thím dám chê nhà tôi nóng? Thím nói ngoài Nha Trang mát thì về đó mà ở đi!”. Xui cho hắn là lúc hắn đang chỉ tay vào mặt mạ của mi xỉa xói, ông Tư đi làm về. Ông giáng cho hắn một bạt tai và la hắn là “Mi làm cháu sao dám hỗn với thím như rứa! Có xin lỗi thím ngay không?” Lúc nớ, bà Tư oà ra khóc bù lu bù la và la bải hải lên là “Cũng tại thím Đạm chê nhà mình nóng nực nên con Ly Ly mới có thái độ như thế! Ai đời mới bước chân vào nhà mình đã chê nhà mình nóng nực, thế nọ thế kia làm sao mà con bé không tức điên người lên được cơ chứ?” Mới đi làm về, đang mệt, nghe như rứa, ông bác Tư của mi nổi nóng lên, xách mấy giỏ đồ của mạ mi quẳng ra đường và la um sùm. Ông đay nghiến với mạ mi là ”Mụ chê nhà tụi tui nóng thì đi ra ngoài đường mờ kiếm chỗ khác ở!”
Tim đập thình thịch, con chị hỏi vội:
- Rồi lúc đó má con làm sao? Má con ở đâu để thăm nuôi ba con?
- Mạ mi khóc tức tưởi, dẫn hai chị em mi đi ra ngoài để lượm mấy giỏ đồ văng lung tung ngoài hè, còn bà nội thì đập đầu xuống đất la khóc đòi tự tử cho bằng được.
Con chị tròn mắt, kinh ngạc:
- Vì sao bà nội đòi tự tử hả cô?
- Thì bà nội thương mạ con mi chớ còn răng nữa! Hỏi ngu như rứa mờ hỏi cho được!
- Rồi bà nội có tự tử không?
Cô Út lắc đầu:
- Không, lúc nớ mấy đứa ở của ông bà Tư kéo bà dậy kịp thời! Bà khóc um sùm thê! Rồi bà chửi ông Tư là “Chồng hắn đang bị đau thập tử nhứt sanh mờ mi nỡ lòng nào đuổi mạ con hắn ra đường? Mi làm anh mà đối với em như rứa hỉ? Anh em chi mờ tốt rứa hở mi? Đuổi vợ con hắn đi, rồi tau tự tử chết cho vừa dạ vợ chồng con cái mi!”
Nước mắt con chị chảy ra:
- Rồi bà nội làm sao? Rồi má con làm sao?
- Bà nội đòi xách gói đi ra khỏi nhà ông bà Tư để đi với mạ con mi!
- Rồi sao nữa hả cô?
- Lúc nớ, o cũng khóc. O chạy theo bà nội và mạ con mi cho đến khi ông bà Tư khuyên lơn, năn nỉ ở lại.
Con chị nhìn cô Út một lúc rồi im lặng. Chợt nhớ những lời chửi bới của cô ta hằng bao nhiêu năm trời, nó mơ hồ không hiểu được những lời cô vừa kể ra. Nó muốn tìm hiểu vì sao cô khóc và muốn hỏi cô là “có phải vì thương hoàn cảnh của mẹ nó mà cô đã khóc và đã cùng bà nội xách gói bỏ đi theo mẹ nó ra khỏi nhà bác Tư không?”Nhưng khi ngước lên nhìn những lá mận chập chờn lay động theo những làn gíó, nó hỏi tiếp câu chuyện trong đau đớn:
- Rồi sao nữa cô?
- Sau đó ông bà Tư cho mạ mi ở lại nhà nhưng sáng ngày hôm sau, khi mạ mi dẫn chị em mi vào nhà thương Grall thì ba mi qua đời. Ông Tư hối hận vì đã đuổi mạ con mi ra khỏi nhà ngay trước hôm ba mi từ giã cõi trần. Và cũng vì bị dằn vặt nên ông thuê ngay đoàn tàu lửa đưa quan tài ba của mi về chôn cất tử tế tại Nha Trang.
Nước mắt con chị như đã cạn. Nó không còn khóc nữa mà chỉ lắc đầu buồn bã:
- Lúc đó như thế nào con không nhớ gì cả vì con còn quá nhỏ. Tội nghiệp má con quá bình dân nên đã thốt ra những lời làm phật ý những người giàu có sang trọng trong gia đình.
Không ý thức được lời mình vừa nói ra đang làm mích lòng người nghe, con chị tiếp tục tuôn ra những điều đang nằm trong ý nghĩ của nó:
- Bây giờ con mới hiểu má con đã vất vả như thế nào để nuôi hai đứa con khôn lớn! Té ra, bao nhiêu người trong gia đình nội chỉ thương hại tụi con chứ chẳng ai giúp đỡ thật lòng! Tội nghiệp cho má của con đã phải chịu bao nhiêu cảnh đày đọa khổ sở trong cảnh mẹ góa con côi!
Không nghe cô Út nói một lời nhưng con chị không quay sang cô tìm sự tán đồng. Nhướng đôi mắt xa xăm tận dãy hoa trước nhà bác Cả, nó luôn miệng hỏi:
- Tại sao mọi người trong đại gia đình mình ghét cái bình dân quê mùa của một người thất học và tội nghiệp như má con dữ vậy hả cô? Tại sao mình phải ghét bỏ những người không giống mình vậy? Những người thất học, những người quê mùa, những người nghèo khổ có tội gì đâu? Đáng lý ra họ phải được thương yêu và giúp đỡ hơn là bị khinh ghét và ruồng bỏ phải không cô?
Cô Út không trả lời và con chị cũng không nhìn cô, nó tiếp tục hỏi với đôi mắt mơ màng xa xăm.
- Mà khinh ghét bắt nguồn từ đâu con cũng không biết nữa! Có lẽ tại vì khi người ta không nói tiếng giống nhau, không ăn mặc giống nhau, không đi đứng giống nhau, không biết chữ như nhau nên người ta không thể nào hiểu lẫn nhau và không thể nào thương yêu lẫn nhau được, phải không cô? Con nghe thầy giáo con nói thành kiến, và định kiến thường làm người ta ghét nhau, có đúng vậy không cô?
Con chị hỏi hàng ngàn câu mà không nghe tiếng cô Út trả lời nhưng nó cứ tiếp tục thao thao. Cho đến khi nó quay mặt sang bên cạnh và không còn thấy cô Út ngồi cạnh, nó mới biết là cô Út đã bỏ đi từ lâu lắm rồi. Ôn lại những điều cô vừa kể nó càng thấy thấm thía và thương mẹ nó nhiều hơn. Đột nhiên, lời than trách của con em hôm nào vang lên trong tai nó: “Em không muốn đi Sài Gòn đâu! Em sợ! Nhà bác Tư lạ với em lắm! Chị Ly Ly đâu có thích nói chuyện với mình! Lúc chỉ về đây, chỉ đâu có thèm ra nhà mình! Chỉ cũng không có chơi với tụi mình nữa! Em ở trong đó không có ai chơi với em, em thấy lạ hoài chứ không quen được đâu!”
Thảng thốt, nó ôm mặt kêu lên trong lo lắng:
- Trời ơi! Vy ơi! Chị hại Vy rồi!
Nhớ đến bức thơ của con em, nó vội vàng lục túi áo, lôi ra, xé nhanh cạnh bì và lẩm bẩm đọc những giòng chữ mực tím trên tờ giấy đôi có ô kẻ.
Sài Gòn ngày 17 tháng 3 năm 1970
Chị Đan Hạ thương nhớ nhất của em,
Em hứa với chị là em sẽ viết thư cho chị ngay khi em vào Sài Gòn, vậy mà cho đến hôm nay em mới có thể viết thư cho chị được. Chắc chị đang mong chờ thư và trách em nhiều lắm không? Nếu chị giận em thì hãy cho em xin lỗi ngàn lần bởi vì từ lúc đến nhà bác Tư tới giờ, em bận lắm. Ngày đầu tiên đến Sài Gòn, bác Tư gái dắt em đi hết nơi này đến nơi khác quanh khu vực nhà bác ở để tìm trường tư cho em học. Sau một tuần, bác Tư gái mới ghi danh cho em vào học ở trường Quốc Anh được đó chị. Trường Quốc Anh xa nhà bác Tư hơn các trường tư khác nhưng nó là trường tư có kỷ luật và nổi tiếng nhất trong khu vực đó chị à ! Học sinh trường này phải mặc đồng phục chứ không như trường tư thục Lê Quý Đôn đâu. Ghi danh học cho em xong, bác Tư gái đưa em đi may áo trắng, và váy xanh mực để em có đồng phục theo yêu cầu của trường. Em đi học rất vui vì mấy đứa bạn Sài gòn thích bạn người Nha Trang lắm. Hiện nay, em có một đứa bạn thân cùng xóm. Nó tên là Nguyên. Nó chỉ dẫn cho em tường tận các nơi và cũng chính nó chỉ cho em chỗ mua tem và bỏ thơ cho chị đó. Em không thấy nhà bác Tư xa lạ như em nghĩ đâu chị à! Chị Ly Ly đã đi du học nên em ở lầu ba một mình trong phòng rộng với hai chị người làm cho nhà bác Tư. Hai chị Năm và chị An cưng và chiều em lắm. Còn anh Duy thường cho em tiền và mua kem cho em sau bữa cơm tối luôn. Kem Sài Gòn ngon lắm chị ơi! Mỗi lần ăn kem, ngủ giường nệm, và học ộdưới ánh đèn điện em thường ước có chị ở cùng với em để được sung sướng như em.
Ở nhà bây giờ chị ra sao? Chị có nhớ em không? Chị có còn bị má đánh nữa không? Em thường cầu nguyện ba đừng để má đánh chị nữa. Mỗi lần nghĩ đến chị bị má đánh, em thương chị nhiều lắm. Chị ơi! Dù nhớ nhà, nhớ chị, em luôn luôn cố gắng học cho đến thi Tú Tài để làm chuyện mà chị em mình đã hứa với nhau. Em chỉ muốn xin chị một điều là khi mình xây nhà mình cho má, mình xây vòi hoa sen trong nhà tắm nhen chị. Nhà tắm của bác Tư có vòi hoa sen, tắm sướng như đứng dưới mưa, nếu chị thấy cái vòi tắm hoa sen này chắc chắn chị sẽ thích ngay. Vì vậy bằng lòng với em cái chuyện này đi nghe chị! Ở nhà dạo này chị thường tắm vào lúc nào? Nếu chị tắm trong nhà tắm của nhà mình chị nhớ tắm ban đêm và cẩn thận đừng để người ta dòm lén nghe chị. Cuối tuần này bác Tư sẽ đưa em đi Sở thú để xem voi. Em cảm ơn chị đã khuyên em vào Sài Gòn xem voi nên em đã có được tất cả những thứ em cần.
Cuối thư em xin chúc chị và má luôn luôn mạnh khỏe bình an. Cho em gửi lời kính thăm má và nhắn với má là em thương nhớ má nhiều lắm. Em sẽ xin bác Tư về Nha Trang thăm má và chị khi hè đến.
Em gái của chị
Hoàng Thị Thảo Vy
Phủi quần đứng lên, con chị gấp vội bức thư và bước nhanh vào nhà. Bà mẹ vẫn còn ngồi im bên góc tủ. Nó đến trước mặt bà, trao bức thư của con em và nói:
- Con vào nhà nội để lấy thư của em Vy chứ không phải con đánh bài đâu. Má đừng lo là con ham mê cờ bạc. Con hứa từ nay sẽ không vào “trong đó” chơi bài nữa. Con sẽ cố gắng học nên người chứ không bao giờ làm phật lòng má nữa đâu. Con cũng sẽ tiếp tục sống vì vong linh của ba chứ không để bất cứ người nào chê trách con gái của ba đâu!
Bà mẹ ngẩng đầu lên. Ngàn hạt lệ tuôn trào ra khỏi đôi mắt ngạc nhiên của bà.
Con chị bước ra lu nước rửa mặt. Trời đã chiều mà nắng vẫn còn sáng rực bên bờ giếng, và những trái ô ma vàng cam thấp thoáng trên những cành lá xa xa.
Kết Thúc (END) |
|
|