- Em hiểu chưa?
Con chị nhịp cây thước kẻ trên bàn, ngó chăm chăm trên mặt con em.
Con em đang ngồi trên cái đòn, tì hai tay lên chiếc ghế trước mặt, cúi đầu nói lễ phép:
- Dạ thưa cô em hiểu rồi.
Con chị cầm thước chỉ vào những giòng chữ trên miếng gỗ tựa của chiếc ghế nơi mà nó dùng làm bảng ghi. Nó nói:
- Hiểu rồi thì ghi bài này vào vở đi! Nhớ ghi cẩn thận nghe chưa!
Con em gật đầu:
- Dạ nghe
- Giỏi lắm! Bây giờ em viết bài được rồi, viết đi!
Con em cúi đầu, cẩn thận nắn nón từng chữ. Con chị chắp tay sau lưng đi qua lại xung quanh em như cô giáo thực thụ. Bỗng nhiên nó khựng bước, há hốc miệng nhận ra ông bác Cả đứng ngoài sân trên bậc tam cấp cuối đang nhìn vào trong nhà nó. Bàng hoàng trước sự xuất hiện của ông, nó cúi đầu lí nhí chào:
- Con chào bác.
Ông bác Cả trai gật đầu ra hiệu:
- Con đi theo bác vào nhà bác biểu.
Dứt lời ông quay đi hướng về phía ngôi nhà lớn. Con chị vội vã xỏ chân vào đôi dép nhựa trên bậc tam cấp đi theo ông để mặc con em ngơ ngác còn lại một mình trong căn nhà nhỏ.
Xuyên qua vườn cây, lối trồng hoa, các bậc tam cấp, hành lang, con chị bước chầm chậm theo ông bác Cả đi vào phòng khách. Đến căn phòng riêng của mình, ông bác Cả ngừng lại ra hiệu cho nó đi vào. Con chị ngập ngừng đẩy rộng cánh cửa kính để bước hẳn vào phòng. Đây là lần đầu tiên nó được ông bác Cả dẫn đến giang sơn riêng biệt của ông. Nó vừa hồi hộp, vừa lo lắng không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra cho nó. Trong ý nghĩ, nó hình dung một cuộc đối thoại về một bài giảng đạo đức hoặc là một bài dạy kèm mà nó sẽ cúi đầu gật nhẹ với những chữ dạ để có thể mau chóng bước nhanh ra khòi căn phòng xa lạ và lạnh lùng này.
Ông bác Cả chỉ chiếc ghế gỗ đen bóng lưỡng đang đặt giữa phòng và nói:
- Con ngồi xuống đó đi. Chờ bác một chút.
Con chị líu ríu nghe lời. Nó khẽ khàng ngồi xuống trên một góc chiếc ghế. Xa lạ với căn phòng có nhiều tủ sách, nó đảo mắt nhìn xung quanh. Chưa bao giờ nó thấy được căn phòng nào chứa nhiều sách như thế. Sách xếp chồng chồng, lớp lớp ngăn nắp trong các tủ kính cao, trên kệ, trên cả cái bàn cạnh nơi nó ngồi. Khoanh tay trước bụng cho đỡ bối rối, nó lướt mắt trên những giòng chữ nước ngoài ở cuốn sách đang mở dở gần đó. Yên tâm với ý nghĩ là sẽ được ông bác Cả chỉ dạy một tiếng nước ngoài nào đó trước khi nó vào trường trung học, con chị dựa người ra sau chỗ tựa lưng ghế chờ đợi.
Từ phía sau cái kệ đựng sách bằng gỗ, ông bác Cả bước ra với khăn, kéo và lược trên tay. Ông giải thích khi nhận ra đôi mắt ngạc nhiên của con chị:
- Bác cắt tóc cho con để ngày mai con đi học trường bác dạy.
Trong vô ý thức, con chị đáp ngay chữ dạ mà không kịp suy nghĩ lời đề nghị của ông có phù hợp với sở thích của nó hay không. Nó có một mái tóc thật đen dày và mượt chẳng khác của mẹ nó. Mái tóc dày và dài che hết phần lớn khuôn mặt thon nhỏ và phủ đầy lưng gầy khẳng khiu của nó khiến cho bà mẹ buộc nó phải cột gọn phía sau hay thắt bím hai bên. Từ năm học lớp ba, khi mẹ nó phải đi chợ sớm để buôn bán, nó đã tập tự thắt bím một mình trước khi đi học. Vì mái tóc khá dày, nó phải rẽ đường ngăn đôi từ đỉnh đầu đến sau ót để thắt hai con bím ở hai bên. Mỗi lần nó chia ngôi tóc như thế, con em thường tấm tắc khen nó khéo tay “Chị Hạ giỏi thật! Chị chia ngôi tóc ở sau lưng ngay như chị có mắt ở đàng sau đó!” và nó thường ghẹo con em là “chị có mái tóc đẹp nên chị phải chăm sóc nó. Chứ đâu như Vy, ngày nào cũng để chị chải và thắt bím cho.” Và như thế, nó và con em thường có hai bím tóc đến độ những đứa trẻ khác thường chọc chúng là “Ba Tàu” “Chệt” hay “Tàu le”. Một lần ở nhà cô chú Bảy Mỹ, sau khi tắm xong nó thả tóc để chờ khô và chị Nghĩa đã hết lời khen ngợi mái tóc của nó “Hạ có mái tóc đẹp quá! Chị chưa thấy ai có mái tóc đen tuyền bóng mượt như ri! Nếu chị có mái tóc như của Hạ, chị thả tóc dài để khoe chứ không thắt ‘con rít’ như ri mô! Thắt con rít như ri mần gãy tóc hết!” Lúc đó nó đã mỉm cười và nói rằng “Em làm theo lời má em dặn. Má em nói là khuôn mặt em ốm mà bị tóc che nữa thì thấy tối tăm lắm nên em cột gọn lại. Má em còn nói là đi học với mái tóc bù xù cô giáo không thích. Em thích nghe lời má dặn và em cũng muốn cô giáo em thích em nữa!”
Nghĩ đến mẹ, con chị giật mình. Nó nhớ ra là chưa xin phép mẹ có nên để ông bác Cả cắt tóc hay không. Quay người ra sau, nó định từ chối lời đề nghị ban đầu của ông nhưng cái đầu nó bị quay ngược trở lại bởi hai bày tay của ông ở hai bên màng tang.
- Ngồi im để bác choàng cái khăn cho khỏi bị dính tóc.
Nó rụt cổ lại khi những ngón tay của ông bác Cả chạm vào cổ nó. Không nói gì về phản ứng của nó, ông bác Cả nhìn cái cổ áo lá sen khít cổ mà nó đang mặc một cách chăm chú để nhét cái mép khăn choàng sát chặt vào. Ngột ngạt, nó ngồi im và cố giữ thân người thật ngay ngắn trên chiếc ghế. Ông bác Cả mở hai sợi dây thun cột hai bím tóc và hai suối tóc tuôn ra phủ đầy hai vai nó đến tận lưng. Nó cảm thấy những chiếc răng lược đan vào mái tóc nó từ đỉnh đầu cho đến tận ót. Chúng di chuyển nhịp nhàng và đều đặn cho đến lúc ông bác Cả nghiêng đầu hết bên nọ sang bên kia để kiểm tra vị trí như ông muốn. Chải xong mái tóc ông đặt ngay chiếc lược trên bàn rồi cầm chiếc kéo trên tay. Ngắm nghía mái tóc của nó với ánh mắt đăm chiêu và căng thẳng một lúc ông kê chiếc kéo cạnh màng tang nó cắt thẳng xuống đến tận ót. Từng mảnh tóc rơi tuột xuống, ào ạt khỏi lưng con chị như những giòng suối đổ mạnh xuống từ con thác cao. Nó đưa đôi mắt hoảng loạn nhìn ông. Nó không nghĩ là ông đã cắt tóc nó nhiều như thế.
Trấn an nó, ông bác Cả giải thích:
- Bác cắt cho con kiểu tóc đờ-mi gạc-xông. Kiểu tóc này là kiểu tóc hợp với khuôn mặt trái soan nhỏ như khuôn mặt của con.
Con chị chớp mắt ưng thuận mặc dù nó không biết cái kiểu tóc có tên Tây Mỹ kia là kiểu tóc gì. Nó cảm thấy đầu nó nhẹ đi khi mái tóc dài của nó hoàn toàn bị cắt hết. Nhìn xuống mớ tóc dài rơi rải rác trên chiếc khăn choàng trắng và dưới chân ghế, nó tiếc rẻ những sợi tóc dài sau bao nhiêu năm gìn giữ.
Ông bác Cả cắt xong mớ tóc dài, hết nhắm lại so để tiếp tục cắt. Thời gian nhắm nhắm, so so và cắt cắt kéo dài hơn cả thời gian ông cắt mớ tóc dài kia. Nhìn những giọt mồ hơi chảy trên trán ông, nó hiểu công việc cắt tóc không phải là việc làm dễ dàng đối với ông. Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa và ông bác Cả đáp lại với đôi mắt dán chặt trên mái tóc của nó.
- Vô đi.
Chị Hải Châu bước vào với những lá thư trên tay. Ngạc nhiên với công việc mà ông bác Cả đang làm, chị trố mắt:
- Bác cắt tóc cho Hạ hả? Cắt ngắn dữ vậy hả?
Ông bác Cả không trả lới, cũng không quay lại nhìn chị. Ông gặn hỏi:
- Con muốn chi?
- Có thư của bác.
Ông trả lời khô khan:
- Để trên bàn cho bác.
Chị Hải Châu bước chậm chậm đến bàn giấy với đôi mắt ái ngại trên mái tóc con chị. Đặt nhẹ những phong thư trên bàn giấy, chị lặng lẽ quay lưng đi nhưng không quên liếc mắt nhìn mái tóc con chị lần cuối trước khi khép cánh cửa kính lại. Mái tóc thề thẳng tắp của chị Hải Châu qua tấm cửa kính sáng bóng khiến con chị ngậm ngùi tiếc rẻ mái tóc dài của nó. Nó ao ước phải chi ông bác Cả cắt tóc nó ngang dài đến vai như kiểu “tóc thề” của chị Hải Châu thì nó sẽ có được một cái dáng yểu điệu ưa nhìn của một cô thiếu nữ như chị ta rồi. Nghĩ đến ánh mắt ái ngại của chị Hải Châu, và hồ nghi mái tóc mới có sự bất ổn, nó nóng lòng muốn rời khỏi chiếc ghế đang ngồi và chạy ngay về nhà để tìm cái gương soi mặt. Hiểu ý nó, ông bác Cả trao cho nó cái gương tí tẹo sau khi ông đặt cây kéo trên bàn. Hồi hộp nhìn vào chiếc gương, nó chỉ thấy đôi mắt lo âu của nó trên khuôn mặt. Nó không thấy được cả mái tóc lẫn khuôn mặt của nó trong cái gương bé tí teo. Nghiêng đầu bên nọ sang bên kia nhiều lần, nó chỉ thấy mặt nghiêng bên má thay vì cả khuôn mặt và mái tóc.
Ông bác Cả mở chiếc khăn choàng cho nó, bảo:
- Bây giờ con về đi. Để bác dọn mớ tóc này cho.
Con chị tần ngần, chưa chịu đứng lên. Nó nấn ná nhìn vào chiếc gương nhỏ thêm một lần nữa mới trao lại cho ông. Ông bác Cả đón lấy chiếc gương và dặn dò thêm:
- Bảy giờ sáng ngày mai con đến ga-ra chờ bác chở đi học. Chiều nay nhớ chuẩn bị viết vở đầy đủ. Bác đã nói chuyện này với mạ con rồi.
Con chị đứng lên, khoanh tay, gật nhẹ:
- Con cảm ơn bác.
Bước ra khỏi phòng ông, nó đi nhanh qua căn phòng khách, qua hành lang rồi nhảy xuống các bậc tâng cấp và chạy vùn vụt qua lối trồng hoa hướng về căn nhà nhỏ. Con em đang ngồi trên gốc lồi ở gốc cây vú sữa trong vườn cây, đứng lên đón nó giữa đường. Nó cười ngặt nghẽo:
- Trời ơi! Tóc chị Hạ kỳ lạ quá hà!
Con chị không trả lời em, nó chạy ù vào nhà tìm lấy cái gương hình chữ nhật được bọc thiếc đàng sau. Một khuôn mặt ngao ngáo được bao quanh bởi mái tóc đen ngắn ôm tròn quoanh cứ như là đầu nó bị chiếc nồi đen úp khít bên trên. Nghiêng qua, ngoảnh lại, ngẩng lên nhìn xuống, nheo mắt, nhoẻn miệng nó vô vọng tìm cái đẹp hợp với cái tên Tây, tên Mỹ của kiểu tóc mà ông bác Cả nói với nó.
Con em đứng sau lưng nó, lo lắng hỏi:
- Bác Cả trai có cắt tóc cho em không vậy?
Con chị buông thỏng chiếc gương xuống, lắc đầu:
- Không.
Con em thở phào:
- Vậy em có thể giữ y nguyên mái tóc dài của em rồi. Nhưng mà bây giờ em với chị không còn giống nhau nữa rồi! Chị đâu có tóc dài để thắt con rít đâu mà mình giống nhau!
Con chị vuốt lấy vuốt đễ mái tóc ngắn, buồn bã than trách:
- Bác Cả nói kiểu tóc này là... cái tên Tây gì đó. Tên là...tên là... Đúng rồi! tên là “đờ-mi gạc-xông”. Tên nghe hay ghê lắm mà sao kiểu tóc thấy ghê quá.
Con em nhìn sửng con chị, lập lại câu hỏi:
- Bác Cả có bắt em cắt tóc kiểu “gạc- xông” này không?
Con chị nhìn hai bím tóc của con em lắc đầu:
- Chị không nghe bác biểu em vào cắt tóc. Nhưng mà khi nào Vy vào trung học và đi học trường với bác Cả, Vy cũng sẽ bị cắt tóc như chị.
Con em thở phào:
- May cho em quá! Em sẽ cố gắng được vào trường công Nữ Trung Học Nha Trang chứ không học trường tư, chỗ bác làm việc đâu! Nhưng mà sao chị để bác cắt cái kiểu tóc kỳ lạ này vậy?
Con chị nhăn mặt, phân bua:
- Chị có biết bác cắt cho chị kiểu gì đâu? Chị chỉ nghe bác nói cắt tóc cho chị thôi à! Chị tưởng bác chỉ cắt ngắn đi như tóc chị Hải Châu, Hải Yến chứ ai ngờ bác cắt cho chị kiểu tóc “gạc xông” này!
Chớp mắt buồn rầu, nó cúi đầu xuống:
- Với lại chị đâu có muốn cắt tóc nhưng mà chị không dám nói là không.
- Vậy rồi chị sẽ nói với má làm sao?
- Bác Cả nói là đã bàn với má việc cắt tóc cho chị rồi. Bác còn nói là ngày mai chị phải đi xe hơi với bác để đến trường bác học.
Con em reo lên:
- Vậy là chị được đi xe hơi với bác Cả rồi!
Con chị gật đầu:
- Ừ chị sẽ đi học với chị Hải Yến và chị Hải Châu trên xe bác.
Chợt nhớ ra điều quan trọng, con em giật bắn người. Nó chau mày hỏi:
- Nhưng mà chị không chờ kết quả kỳ thi vào trường Nữ Trung Học sao?
Con chị lắc đầu:
- Chắc chị bị rớt rồi. Bác Cả và má cũng nghĩ vậy nên lo cho chị vào trường tư thục. Nếu chờ đến khi có kết quả kỳ thi mà chị không được đậu thì chị không biết học ở đâu. Lúc đó muốn vào học ở trường tư thục cũng bị trễ rồi. Nhưng mà chị không hiểu làm sao má có tiền cho chị học trường tư?
Nghe tiếng chó sủa, con em nhìn ra cổng, reo lên:
- Má đi chợ về kìa chị. Mình ra hỏi má là sẽ biết hết tất cả ngay.
Bà mẹ gác chiếc đòn gánh cạnh hai cái thúng tại gốc dừa, vui vẻ khi thấy con chị:
- Bác Cả đã cắt tóc cho con rồi đó hả Hạ?
Con chị sửng sốt:
- Má biết bác Cả cắt tóc cho con hở?
- Bác có nói chuyện với má lâu rồi nhưng không thấy bác cắt tóc cho con gì cả tưởng đâu bác đã quên rồi.
Con chị phụng phịu, nói với giọng đầy trách móc:
- Sao má không nói cho con biết gì cả?
Bà mẹ ngạc nhiên:
- Nói gì? Chuyện người lớn bàn bạc phải nói với con sao?
Con chị nhăn nhó:
- Con đâu có thích cắt tóc đâu mà bắt con cắt?
- Bác Cả không có rảnh mà ráng dành thời giờ cắt tóc cho con, đáng lẽ con phải biết ơn mới phải chứ có đâu lại nói như vậy? Bà mẹ cằn nhằn với giọng bất mãn.
- Con không có thích kiểu tóc này. Tóc kiểu này ngắn hơn cả tóc bum bê làm cho con thấy tóc con dày hơn, nhiều hơn và lưng bị trống trơn đàng sau!
- Má lại thấy mặt con tròn trĩnh hơn, sáng hơn, và trông thông minh hơn - Khen hết lời mà khuôn mặt ỉu xìu của con chị vẫn không thay đổi, bà mẹ gay gắt hỏi vặn:
- Nhưng mà nếu con không thích cắt tóc tại sao không nói cho bác Cả biết để bây giờ cằn nhằn má?
Con chị đuối lý, im lặng. Nó hiểu tình trạng của mẹ nó cũng giống như nó. Đối diện với những lời đề nghị của những người lờn hơn, là phận kẻ vai dưới khó lòng phủ nhận. Người lớn khi quyết định làm gì thường có lý do của họ cho nên hầu như chẳng ai muốn làm ngược ý họ. Vì vậy từ chối những quyết định của người lớn là sự phản kháng bất lịch sự mà chính mẹ nó và nó đều không muốn.
Bà mẹ an ủi:
- Bác Cả không phải là thợ cắt tóc nhưng con được bác Cả cắt tóc là may mắn lắm rồi.
Con chị giương đôi mắt buồn bã nhìn mẹ và cố gắng nghe bà giải thích:
- Con phải mừng vì được bác Cả cắt tóc cho! Bác Cả là người thông thái và thành công trong học đường lẫn chức nghiệp cho nên được bác cắt tóc là được “cái huông” học giỏi và thành công như bác đó!
Con chị không trả lời. Nó nhắm mắt và lắc đầu nhè nhẹ. Mẹ nó lúc nào cũng tin những điều mê tín.
Không nghe con chị phản đối, nhưng thấy thái độ kỳ quoặc của nó, bà mẹ nói tiếp:
- “Xấu mặt thì lâu chứ xấu đầu mấy chốc!” Vài tháng sau thì tóc dài ra lại thôi. Lúc đó con muốn để dài mấy thì để!
Lục trong chiếc giỏ nhựa bà lôi ra một túi giấy:
- Con vào mặc thử hai cái áo đầm này xem có vừa không?
Con chị rút hai cái áo đầm ra khỏi chiếc túi giấy, ngạc nhiên:
- Con phải đi học với áo đầm hoa này sao hả má?
- Ừ! Con học trường tư thục mà! Mặc gì mà không được!
Con chị đến cái tủ áo nơi mà nó thường dùng cánh cửa tủ che khuất người khi thay đồ. Ngần ngừ với hai chiếc áo trên tay, nó hỏi:
- Má không mua cho Vy cái nào sao hở má?
- Má chỉ mua hai cái để con mặc thay đổi khi đi học vì ngày mai nhập trường rồi. Trường công khai giảng trễ hơn trường tư thục Lê Quý Đôn, hôm nào có tiền má sẽ mua cho Vy sau.
Con chị càu nhàu sau cánh cửa tủ:
- Con không thích mặc áo hoa hòe đủ màu này đi học tí nào. Hồi giờ con đâu có mặc đồ màu đi học.
Ngồi trên nền nhà xi măng với mẹ con em thỏ thẻ nói:
- Khi nào má mua áo cho con thì mua áo đầm trắng. Trường con không mặc áo màu mà con cũng không thích áo đầm màu đâu. Năm tới con sẽ cố gắng thi đậu vào trường Nữ Trung Học Nha Trang để mặc áo dài trắng chứ con không thích mặc áo đầm màu như của chị Hạ.
Bà mẹ đăm chiêu:
- Nếu các con cố gắng thi đậu vào trưòng công Nữ Trung Học thì má không phải lo lắng tiền học mỗi tháng. Nhưng mà dù có được học ở trường công hay tư má cũng sẽ cho các con đi học đến nơi đến chốn chứ không để các con thất học như má đâu.
Con chị bước ra khỏi cánh cửa tủ, cắt đứt đối thoại giữa hai mẹ con:
- Má thấy con sao? Vy thấy chị sao hả Vy?
- Áo vừa rồi. Như vậy ngày mai mặc đi học được rồi!
Con em cười khúc khích:
- Chị giống mấy con nhỏ ngoại quốc trong ti vi ở nhà bác Cả quá hà!
- Giống làm sao? Mà có đẹp không?
- Không. Em thấy không đẹp. Em chỉ thích mặc áo trắng. Em thích mặc áo dài hơn.
Con chị cằn nhằn:
- Vy mà biết Vy thích cái gì! Lúc thì nói không thích áo dài lúc thì nói là thích áo dài.
Con em cãi lại:
- “Ngày xưa” em không thích áo dài nhưng mà bây giờ thấy chị mặc áo đầm này với cái tóc này em thích mặc áo dài trắng hay áo đầm trắng hơn là áo đầm màu mè.
Con chị không trả lời em. Nó thu dọn mớ quần áo bỏ vào tủ rồi đi đến cửa sổ. Ủ rũ bên song sắt, nó nhìn ra ngoài vườn cây nghĩ ngợi mông lung.
Nắng đã nhạt trên sân cát và cây lá trong vườn. Xa xa bóng chị Hải Châu và Hải Yến đang tưới nước cho những chậu hoa trước nhà bác Cả. Từ ngày có hai chị Hải Châu và Hải Yến về ở với gia đình bác Cả, hoa lá tươi xanh hơn và hai chị em con nhỏ có dịp lân la đến ngôi nhà hai bác Cả thường xuyên hơn. Chị Hải Châu và chị Hải Yến là hai trong bảy người con gái của người chú gọi bà nội của hai chị em con nhỏ là dì. Sau khi cả hai không thể đậu vào trường công lập tại Pleiku và biến cố tết Mậu Thân năm 1968 đã khiến ông chú Trần, ba của hai chị em chị Hải Châu và Hải Yến, quyết định gửi gắm họ học trường tư thục Lê Quý Đôn nơi mà ông bác Cả làm việc. Ông bà Bác Cả đã nồng nhiệt đón hai chị em chị Hải Châu Hải Yến ở trong nhà vì họ được nguồn giúp đỡ việc cơm nước khi mà Chị Cựu đã xin thôi việc về quê trước khi ông chú Trần xuống Nha Trang một tuần. Là vai chị trong mối quan hệ bà con nhưng vì số tuổi nhỏ hơn họ rất nhiều nên hai chị em con nhỏ quen miệng gọi hai ngưới ấy là “chị Hải Châu” và “chị Hải Yến”. Nghĩ đến chuyện đi học với hai người chị họ trong xe bác Cả, con chị cảm thấy an tâm vì được đi học cùng người thân trong ngôi trường mới lạ nhưng lại lo lắng vì sợ sẽ bị say sóng, ói mửa và gây mùi hôi thối trong xe như lần đi xe đò về thăm quê ngoại. Suy nghĩ lui lui tới tới một lúc, nó quyết định chuẩn bị túi ni lông cho trường hợp ói trong xe bất kể mùi hôi của ói mữa có làm phật ý ông bà bác Cả hay không. Quen thuộc khá lâu với chuyện tự đi học và về nhà, ngồi gò bó với những người sang trọng trong xe quả là chuyện quá mức đối với nó. Tuy nhiên nó không thể độc lập đi học một mình khi mà nó chưa biết đường đi. Mang máng trong trí, hình như con đường từ nhà đến trường Lê Quý Đôn xa gấp ba lần con đường nó đi đến trường Nữ Tiểu Học, và qua nhiều ngã tư lớn. Nó không thể nào nhớ đường đi vì chỉ được đi qua một lần hôm đi thi vào trường Nữ Trung Học mà lúc đó tâm trí của nó chỉ dành cho kỳ thi chứ không phải là những con đường hay các ngã tư đến trường.
Lắc đầu chán chường, nó chợt nhớ hai bím tóc của nó đã bị mất đi. Vuốt mái tóc ngắn, nó thở dài buồn bã. Nó luyến tiếc nhớ con đường thường xuyên đi bộ đến trường Nữ Tiểu Học Nha Trang và những việc làm quen thuộc khi nó đi đến trường trong suốt sáu năm qua. Nghĩ đến mơ ước được học cao hơn để sau này có cơ hội giúp mẹ, nó mơ hồ không hiểu ước muốn hiện tại của nó là gì. Hai trường Lê Quý Đôn và Nữ Trung Học Nha Trang đều cách xa nhà. Cho dù được thi đậu vào trường công lập Nữ Trung Học Nha Trang nó cũng phải đi cùng với xe ông bác Cả một thời gian như khi học trường tư thục Lê Quý Đôn. |
|
|