Cuộc trình diễn đầu tiên của chúng tôi Cô đầy tớ của cha xứ thường hát những bài dân ca xa xưa và những bài ca thời thượng mới mẻ nói về chiến tranh. Chúng tôi lắng nghe những bài ca ấy, chúng tôi nhái lại trên chiếc kèn harmonica của mình. Chúng tôi cũng đòi ông tuỳ phái dạy cho chúng tôi những bài ca của đất nước ông.
Một đêm, khá khuya, lúc Bà Ngoại đã vào giường, chúng tôi đi xuống phố. Gần toà lâu đài, trên một con đường cổ xưa, chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà thấp. Những tiếng ồn, những tiếng nói, và khói tuôn ra từ khung cửa lớn để mở trên một cầu thang. Chúng tôi men xuống những bậc tam cấp bằng đá và lọt vào trong một hầm rượu đã được sửa thành quán nước. Đám đàn ông, đứng lố nhố hay ngồi trên những băng ghế gỗ và những thùng rượu, đang uống rượu vang. Đa số là những ông già, nhưng cũng có vài người còn trẻ và ba người đàn bà. Không ai lưu ý đến chúng tôi.
Một đứa trong chúng tôi bắt đầu thổi kèn harmonica và đứa kia hát một bài ca về một người đàn bà đợi chinh phu trở về trong chiến thắng.
Dần dần người ta xoay về phía chúng tôi; những tiếng nói tắt đi. Chúng tôi hát, chúng tôi chơi nhạc càng lúc càng mạnh hơn, chúng tôi nghe giai điệu của mình vang lên, dội lại từ vòm trần của hầm rượu, giống như có người nào khác đang chơi nhạc và ca hát.
Bài ca của chúng tôi chấm dứt, chúng tôi ngước lên nhìn những khuôn mặt bơ phờ hốc hác. Một người đàn bà cười và vỗ tay. Một thanh niên cụt một tay nói khàn khàn:
— Nữa. Chơi bài nào khác đi!
Chúng tôi đổi vai. Đứa đã chơi kèn harmonica rồi thì trao nó lại cho đứa kia và chúng tôi bắt đầu một bài ca mới.
Một người đàn ông gầy đét bước loạng choạng đến chúng tôi, hắn thét vào mặt chúng tôi:
— Câm họng ngay, đồ chó!
Hắn xô chúng tôi một cách hung bạo ra hai bên, một đứa về bên phải, đứa kia về bên trái; chúng tôi mất thăng bằng; chiếc kèn harmonica rơi xuống. Người đàn ông vừa bước lên thang lầu vừa vịn vào tường. Chúng tôi còn nghe hắn gào trên đường phố:
— Mọi người câm họng hết cả đi!
Chúng tôi nhặt chiếc kèn harmonica lên và lau nó. Có người nói:
— Hắn bị điếc.
Người khác nói:
— Hắn không chỉ điếc. Hắn hoàn toàn điên rồi.
Một ông già xoa đầu chúng tôi. Những giọt nước mắt chảy dài từ đôi mắt sâu hoắm, thâm quầng của ông:
— Thật là khốn khổ! Cả thế giới khốn khổ! Tội nghiệp lũ trẻ! Tội nghiệp thế giới!
Một phụ nữ nói:
— Điếc hay điên, ít ra hắn còn trở về. Anh cũng vậy, anh đã trở về.
Cô ta ngồi trên bắp vế của người thanh niên cụt một tay. Anh ta nói:
— Em nói đúng, em xinh đẹp của anh, anh đã trở về. Nhưng anh sẽ làm lụng bằng cái gì? Làm sao anh cầm được một miếng gỗ để cưa? Cầm bằng cái ống tay áo rỗng của anh hay sao?
Một người thanh niên khác, ngồi trên một băng ghế, vừa cười vừa nói:
— Tôi cũng đã trở về. Chỉ có điều là tôi bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống. Cặp chân và mọi thứ khác. Tôi sẽ không bao giờ ngỏng lên được nữa. Chẳng thà tôi chết phứt ngoài đó cho xong, bỏ xác tại trận, chỉ một phát là hết chuyện.
Một phụ nữ khác nói:
— Không bao giờ các anh vừa lòng. Tôi thấy những anh đang hấp hối trong bệnh viện đều nói, "Dù có ra sao đi nữa, tôi vẫn muốn sống sót, trở về nhà, gặp lại vợ tôi, mẹ tôi. Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ chỉ để được sống thêm một chút nữa thôi."
Một người đàn ông nói:
— Cô câm mồm đi. Đàn bà chưa hề thấy cái gì trong chiến tranh cả.
Người phụ nữ nói:
— Chưa hề thấy cái gì hả? Đồ ngu! Chúng tôi phải làm lụng hết mọi thứ, lo lắng hết mọi thứ: nuôi nấng trẻ con, băng bó thương tích. Các ông, một khi mà chiến tranh đã hết, bọn đàn ông các ông đều là anh hùng cả. Chết: cũng anh hùng. Sống sót: cũng anh hùng. Què cụt: cũng anh hùng. Đó là lý do tại sao các ông đẻ ra chiến tranh, các ông, bọn đàn ông. Đó là chiến tranh của các ông. Các ông muốn nó, thì cứ đi theo nó luôn đi. Anh hùng cái lỗ đít tôi đây này!
Mọi người bắt đầu nói và gào. Bên cạnh chúng tôi, ông già nói:
— Không ai muốn cuộc chiến này. Không ai cả, không ai cả.
Chúng tôi rời hầm rượu; chúng quyết định trở về nhà.
Ánh trăng soi sáng trên những đường phố và trên lối đi đầy bụi bẩn dẫn đến nhà Bà Ngoại. |
|
|