Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Kiếm Hiệp » Võ Lâm Phong Thần Bảng Tác Giả: Tư Mã Tử Yên    
Điểm Cố Cầu Sương

    Hạ qua, Thu đến, Đông mảng, Xuân sang ...
    Hoa nở, hoa tàn, hoa rụng, ngày tháng trôi qua, thấm thoát một năm đã tròn, từ cái lúc Trương Thanh đưa Quan Sơn Nguyệt đến tận Côn Lôn Sơn tìm Tuyết Lão Thái Thái nhờ chữa trị cho chàng.
    Tuyết vẫn dổ, chừng như tuyết đổ quanh năm, con đường duy nhất từ Tuyết Thần Cốc thương thương với bên ngoài vẫn lợp tuyết.
    Nơi đây, Tuyết Lão Thái Thái lâm Kinh Hồng quyết tâm cùng người con gái duy nhất là Tuyết Y Hương sống cuộc đời ẩn dật, vĩnh viễn xa rời nhân thế. Bà chỉ tưởng cuộc đời tịch mịch đó sẽ êm đềm trôi đi với năm tháng trong nhịp đều đều, dù có một đệ tử bên cạnh là Khổng Linh Linh, song Khổng Linh Linh rồi cũng có ngày hạ sơn, tạo lập cơ nghiệp cho nàng, chứ có thể nào nàng ở mãi mãi bên cạnh bà?
    Ngờ đâu, Trương Thanh đến, mẫu tử trùng phùng, cảnh sống trong tuyết bớt đi phần sống tịch mịch.
    Khổng Linh Linh, vì tức khí, làm điều phản nghịch, sợ tội với sư tôn, bỏ đi, khoảng trống của nàng đã có Trương Thanh lấp vào, không khí sơn cốc thêm phần ấm dịu hơn với tình huyết mạch nồng nàn.
    Tuyết Lão Thái Thái đem tất cả sở học về vũ công cũng như về y thuật truyền lại cho đứa cháu ngoại.
    Điều kiện đầu tiên, bà buộc Trương Thanh tuân theo, là không được nhìn nhận Trương Vân Trúc là Gia gia, điều kiện đó bất hợp tình, bất hợp lý, bà cũng bỏ luôn, thay vào đó, bà buộc Trương Thanh phải mang chiếc đầu lâu của Khổng Linh Linh về sơn cốc cho bà, sau khi nàng học thành tài.
    Quan Sơn Nguyệt cũng được Tuyết Lão Thái Thái hết lòng chữa trị, chàng khôi phục tình trạng cũ sau những ngày dài tháng rộng tại bí cốc giữa Côn Lôn Sơn.
    Trong khi đó, Phi Thiên Dạ Xoa cũng nấn ná tại cốc, chờ ngày Trương Thanh và Quan Sơn Nguyệt xuống núi, tái nhập giang hồ.
    Phi Thiên Dạ Xoa Bành Cúc Nhân có sự bí mật bên lòng, sự bí mật đó liên quan đến vị Minh Đà Lịnh Chủ Độc Cô Minh sư phó của Quan Sơn Nguyệt. Đã mấy lần, bà có hỏi Quan Sơn Nguyệt về Độc Cô Minh song Quan Sơn Nguyệt đáp lơ lửng, thành bà không được toại ý lắm.
    Quan Sơn Nguyệt là con người trầm lặng không hề biểu lộ những cảm nghĩ của chàng, khi nói lên câu gì, chỉ nói đủ ý mà thôi, chẳng cho thừa một lời, và cũng chẳng kéo dài câu chuyện. Cho nên, Bành Cúc Nhân chẳng khai thác được gì cho lắm bên cạnh chàng, về hoạt động của Độc Cô Minh, trước ngày Minh Đà Lịnh Chủ ly khai thế gian.
    Quan Sơn Nguyệt đối với Trương Thanh, vốn thọ ơn cứu tử, thọ đến hai lần, thế mà chàng cũng chẳng nói năng gì thường với nàng, ngoài những câu hỏi đáp thông thường trong sinh hoạt hàng ngày.
    Vả lại, Trương Thanh bận học hành nên thời gian tiếp cận nhau rất ít.
    Ngày tháng qua, qua đều, đã đến lúc họ rời Tuyết Thần Cốc, bái biệt Tuyết Lão Thái Thái, hạ sơn hành hiệp trên giang hồ.
    Quan Sơn Nguyệt lấy lại tên cũ, bỏ hẳn tên Quang Sơn Minh mà trước kia chàng tạm dùng để giấu hành tung, trong công cuộc theo dò Lạc Hồn Cốc chủ Khổng Văn Thông.
    Họ ra đi ...
    Họ từ hướng Tây, đi về hướng Đông, họ vào Dương Quang, vào Dương Quang rồi là họ có thể họ sẽ gặp nhiều người quen biết.
    Nhưng, họ không gặp sự gì phiền phức dọc đường, chừng như khách giang hồ chẳng ai chú ý đến họ.
    Dù họ có người quen, còn ai nhận ra họ được?
    Phi Thiên Dạ Xoa Bành Cúc Nhân, ngày trước đành rằng cũng có danh vọng trên giang hồn, song bà quy ẩn từ lâu, sau nhiều năm bà vắng mặt, thiên hạ không còn ai nhớ đến bà nữa.
    Chí như Quan Sơn Nguyệt, đành rằng chàng là truyền nhân duy nhất của Minh Đà Lịnh Chủ, đành rằng chàng có tạo nên một vài thành tích gây chấn động giang hồ như lần đại tỷ thí tại vùng Quan Ngoại, sau đó, đại náo Lạc Hồn Cốc, hạ sát Khổng Văn Thông, song chàng không thường xuất hiện, người đời nhắc đến thành tích của chàng như thuật lại một giai thoại vũ lâm, chứ nào ai gặp chàng đâu, mà hòng có người lưu ý?
    Còn Trương Thanh, bất quá là một con chim non vừa tập bay trong vũ trụ bao la, hào kiệt vũ lâm nào có ai biết nàng?
    Cho nên, bộ ba đó, nếu có ân oán giang hồ, thì ân oán đó cũng phôi pha từ lâu ...
    Tóm lược, đối với giang hồ, Bành Cúc Nhân được xem như mất tích, Quan Sơn Nguyệt kể như đã chết rồi với chất độc của Khổng Văn Thông, còn Trương Thanh thì là mới xuất đạo chưa ai để ý.
    Dọc đường, họ cũng có lắng nghe khánh lữ hành kháo chuyện nhau, theo câu chuyện của những người đó, thì trong một năm qua, giang hồ yên lặng, vũ lâm hưởng cảnh thanh bình.
    Tại Lạc Hồn Cốc, sau ngày Khổng Văn Thông khứ thế, Khổng Văn Kỹ phong bế sơn cốc, ly khai giang hồ, không hề hoạt động như ngày nào.
    Và chừng như Khổng Linh Linh không trở về cốc, bởi Lạc Hồn Cốc vẫn chìm trong cảnh tiêu điều ảm đạm, chẳng mảy may khởi sắc từ ngày mất chủ.
    Các đại môn phái như Thiếu Lâm, Vũ Đương, Chung Nam, Điểm Thương, Không Động ... đều ức chế môn đồ, nghiêm cấm việc hạ sơn, do đó người trong vũ lâm hầu như vắng bóng, việc đụng chạm nhau không xảy ra được. Nhờ vậy, đại thế giang hồ cầm như ổn định. Mọi người toại hưởng thanh bình ...
    Bọn Bành Cúc Nhân, Quan Sơn Nguyệt, Trương Thanh đi suôn sẻ đến Tửu Tuyền Thành. Họ không vào thành, họ tạm dừng chân tại Lý Mã Điếm bên ngoài thành.
    Nơi đây, không khí bắt đầu nhiệt náo rồi, mặc dù còn ở vùng ngoại ô.
    Thành Tửu Tuyền nằm trên trục giao thông Tây Bắc, một nơi mà hầu hết khách thương hoặc xuôi, hoặc ngược, cũng phải tạm dừng chân, để kiểm soát phương tiện di chuyển, trang bị mọi nhu cầu, cho đoạn đường cuối cùng.
    Phàm khách thương không bao giờ đi riêng rẽ, họ họp đoàn có đủ xe, đủ ngựa, do đó họ không tiện vào thành.
    Lý Mã Điếm chủ biết vậy, chọn một khoảng đất trống bên ngoài thành dựng lên hàng quán, khách sạn, có cả nơi đổ xe, có cả chỗ thả ngựa.
    Một đoàn người đông, còn chọn nơi nào thuận tiện hơn nơi này? Và, khi nhiều đoàn người tụ họp lại một nơi, hẳn nơi đó phải nhiệt náo phi thường.
    Hiện tại, nhiều đoàn khách thương đổ lại Lý Mã Điếm, ai ăn, ai uống, cứ ăn cứ uống, ai lo sửa xe, cứ sửa xe, ai đóng lại móng ngựa, cứ đóng.
    Mọi tiếng động vang lên chen lẫn với tiếng người, người cười, người nói, người la, khung cảnh hết sức tưng bừng.
    Bọn Quan Sơn Nguyệt chọn bàn xong, gọi thức ăn, họ từ từ ăn, tai lắng nghe khách giang hồ kháo chuyện với nhau.
    Nhưng cả ba vô cùng thất vọng. Bởi, những khách quy tụ tại đây, bất quá chỉ là những người xuôi ngược vì thương vụ, hoặc giả nếu có một vài người trong giới giang hồ, thì họ chỉ là những kẻ quá tầm thường, cho nên những gì họ nói với nhau, không quan trọng lắm.
    Thậm chí, có những kẻ thốt lên những lời thô tục, dù là nam nhân nghe ra cũng đỏ mặt huống hồ nữ nhân?
    Cũng may, Trương Thanh sinh trưởng tại sa mạc, từng tiếp xúc với bọn du mục, bọn này phát ngôn bừa bãi, tục tằn, nàng nghe mãi thành quen, nên giờ đây nghe bọn thô bỉ vũ phu đối thoại với nhau, nàng vẫn thản nhiên như thường.
    Bành Cúc Nhân thuộc hạng trung niên, cũng không còn nghiêm khắc cho lắm, nên họ nói gì mặc họ, bà không lấy làm điều.
    Chỉ có Quan Sơn Nguyệt là hết sức chói tai với loại ngôn ngữ ti bỉ đó. Chàng cảm thấy khó chịu vô cùng, chốc chốc lại nhìn bọn ăn nói thô tục đó, song nhìn thì nhìn chứ làm sao được? Bởi ai ai cũng có quyền tự do, làm theo ý muốn của họ miễn cái gì họ làm, họ nói không đụng chạm đến ai khác là đủ rồi! Họ không phá hoại trật tự xã hội. Họ không gây hỗn loạn trong dòng đời, họ không chạm đến cá nhân chàng, thì chàng lấy lý do nào can thiệp đến sinh hoạt riêng tư của họ?
    Chàng ngồi đó tức uất lắm nhưng đành ôm tức uất chịu.
    Thực ra, cái gì gây khó chịu quá độ, cuối cùng rồi cũng tiêu diệt luôn sự kiên nhẫn của con người khó chịu đó. Và, Quan Sơn Nguyệt hầu như hết chịu nổi rồi.
    Vừa lúc đó, bỗng có tiếng vó ngựa nện đều từ xa xa bên ngoài quán vọng đến. Vó ngựa nghe gấp, lại nhiều, chứng tỏ một đoàn kỵ sĩ khá đông sắp sửa đến đây, dù không bổ lại cũng chạy qua, vì đoàn kỵ đang chạy về hướng này.
    Không lâu lắm, đoàn kỵ sĩ đến nơi. Họ gồm mười đại hán, người nào cũng bê bết máu tươi, người nào cũng mất vành tai tả. Nhìn vào tình trạng họ, cũng hiểu ngay họ đã bị kẻ địch làm cho họ ra thân thể đó!
    Họ xuất hiện mọi người trong quán lập tức ngưng cười, ngưng nói, và tất cả đều lộ vẻ kinh hoàng, tất cả đều nhìn họ đăm đăm ...
    Đại hán đi đầu cao giọng gọi:
    – Chủ quán đâu, cấp tốc dọn rượu thịt lên, và đi mời ngay cho bọn ta một vị y sư!
    Một người khác tiếp:
    – Trước hết hãy mang nước đến cho bọn ta rửa ráy sạch máu!
    Chủ quát tháo bọn làm công, tìm nước gấp, đồng thời hấp tấp hỏi:
    – Việc gì đã xảy ra cho các vị thế?
    Hắn tỏ vẻ khó khăn, tiếp:
    – Tại đây là vùng ngoại ô, không có y sư mở hiệu hành nghề, xin các vị vào tận trong thành nơi có rất nhiều người nổi tiếng chữa bệnh rất giỏi!
    Đại hán đầu đàn nổi giận:
    – Nơi đây không có y sư thì ngươi đi nơi khác mà tìm. Vùng ngoại ô không có y sư thì ngươi thuê xe vào trong thành mà mời ra đây, ngươi có nghe ta nói không? Nếu bọn ta vào thành được thì tội gì lại phải dừng lại nơi ngôi quán nghèo nàn của ngươi? Ngươi biết không, nếu bọn ta vào thành, thì còn chi là danh dự của Song Anh Tiêu Cục?
    «Song Anh Tiêu Cục!» Bốn tiếng đó vang lên, như bốn tiếng sét dội màng tai của bọn người hiện diện. Tiếng đùa dứt, tiếng cười dứt, và trên mặt mọi người niềm sợ hãi thoáng lộ, họ không hẹn mà đồng, tất cả hơi cúi thấp đầu một chút, chẳng dám nhìn ra, chứ đừng nói là phải hỏi một câu nào!
    Tuy nhiên, họ cũng thương cảm về tình trạng của những kỵ sĩ đó. Nhưng họ là những người quá tầm thường, dù có thương cảm những kẻ ngộ nạn kia, cũng chẳng biết làm gì hữu ích cho chúng.
    Quan Sơn Nguyệt chìa tay về hướng Bành đại nương. Cái chìa tay đó có cái nghĩa là bảo Bành đại nương trao chiếc bao có đựng thuốc trị thương cho chàng.
    Thuốc đó, họ mang từ Côn Lôn Sơn, theo cuộc hành trình phòng cơn hữu dụng. Thuốc đó, không giống với các loại thuốc trị thương khác trên giang hồ.
    Công hiệu của nó như thần, Bành đại nương từng ở bên cạnh Tuyết Lão Thái Thái nên biết rõ. Bởi bà biết rõ nên do dự.
    Thuốc đó mang theo để dành cho họ chứ đâu phải phung phí bất cứ trong trường hợp, bất cứ đối với người nào? Giả như, viện cái cớ thể theo nhân đạo, gặp đâu phung phí đó, lúc hết rồi, mà mình gặp biết chuyện đến thì sao?
    Bà do dự, Trương Thanh khẳng khái, chẳng rỏ nàng khẳng khái vì muốn lấy lòng Quan Sơn Nguyệt hay vì nhân đạo. Nàng mở chiếc bao ngay lấy thuốc trao cho Quan Sơn Nguyệt.
    Bành đại nương tuy không đồng ý, song chẳng nói gì.
    Từ lúc Tuyết Lão Thái Thái nhìn nhận Trương Thanh là cháu ngoại, Bành đại nương xem nàng như một tiểu chủ nhân, bởi trong tương lai, nàng sẽ thừa kế sự nghiệp của Thái thái, nàng sẽ là Cốc chủ Tuyết Thần Cốc, mà Bành đại nương thì còn ở tại đó lâu lắm, nếu không có sự bắt buộc bà phải di cư nơi khác.
    Quan Sơn Nguyệt cầm lọ thuốc bước dến đại hán trưởng đoàn vòng tay thốt:
    – Tại hạ có mang theo mình thuốc trị thương đây huynh đài cứ tự tiện dùng ...
    Mong rằng trong độ đường dang dở bèo nước gặp nhau, có gì tiếp trợ được nhau, cứ làm, huynh đài không nỡ từ chối hảo ý của tại hạ!
    Thuốc đành là vật rất cần khi con người mang bịnh, mang thương thế. Song, làm sao tin được của những người xa lạ, và làm sao tiếp nhận cái hảo ý của bất cứ người nào? Biết đâu trong cái hảo ý giả vờ, có một dụng tâm bất hảo nào?
    Là khách giang hồ hắn có quyền nghi ngờ tất cả, để có một bảo đảm tối thiểu cho sự an toàn của hắn, của đồng bạn hắn. Huống chi, hắn nào biết được Quan Sơn Nguyệt là Lệnh Chủ Minh Đà, đời thứ hai?
    Dù vậy, thấy Quan Sơn Nguyệt có vẻ thành thật hắn không nở khước từ trắng trợn nên nhẹ giọng đáp:
    – Đa tạ tướng công!
    Câu nói đó không hẳn tỏ rõ hắn tiếp nhận sự tiếp trợ của Quan Sơn Nguyệt.
    Bất quá, hắn đáp tạ cái hảo ý của chàng, còn nhận thuốc hay không lại là một việc khác.
    Quan Sơn Nguyệt phải nói thêm mấy lượt nữa hắn mới bằng lòng nhận thuốc. Đoạn chàng mở nắp chiếc bình lấy thuốc rắc lên vết thương.
    Đại hán nghe mát vô cùng, chỗ đó không còn hành nhức nữa. Dĩ nhiên máu cũng ngưng chảy luôn.
    Bây giờ hắn mới tin và phục hoàn toàn, hắn lí nhí tạ ơn chàng một lượt nữa.
    Rồi hắn tiếp:
    – Tướng công còn thừa thuốc chăng? Anh em tại hạ hơn mười người kia ai ai cũng mang thương tích, nếu tướng công cứu trị được cho toàn bọn, thì tại hạ cảm khích phi thường, nhất định ơn trọng này sẽ được báo đáp xứng đáng.
    Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
    – Bốn biển là nhà, chúng ta dù chưa quen nhau song vẫn là huynh đệ, huynh đài cần chi phải khách sáo với tại hạ.
    Rồi chàng lấy thuốc rắc chỗ bị thương cho tất cả.
    Đại hán trưởng đoàn thái độ thì có vẻ văn nhã, song chí khí hiên ngang, tỏ rõ một tinh thần bất khuất, ánh mắt ngời oai nghi khiến ai nhìn đến cũng phải kính nể. Hắn vòng tay đáp tạ Quan Sơn Nguyệt lượt nữa, lần này hắn thay mặt cho đồng bạn:
    – Tướng công sẵn lòng chữa trị cho bọn tại hạ như thế nầy, thực tại hạ hết sức cảm kích. Chẳng hay quý tánh cao danh là chi, tướng công cho bọn này biết để ghi khắc trong tâm, phòng có dịp đền đáp.
    Hắn tự giới thiệu:
    – Tại hạ là Tôn Thất, trong Song Anh Tiêu Cục, tại hạ ở ngôi vị thứ hai, bằng hữu trên giang hồ ái mộ tặng cái hiệu Hắc Ưng. Khi nào tướng công có dịp đến vùng Cam, Lương, cần người giúp đỡ, xin cứ nêu danh hiệu của tại hạ lên, tức khắc sẽ có bằng hữu võ lâm đến cùng tướng công, chờ lịnh tướng công sai khiến!
    Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
    – Tại hạ hết sức hân hạnh được hội diện với Tôn Thất huynh. Một người có thinh danh hiển hách như Tôn huynh, chấn động cả vùng Cam, Lương, Giáp lại hạ cố đến tại hạ, thì còn chi bằng? Được kết giao với Tôn Huynh là một phúc hạnh phi phận cho tại hạ đó!
    Tôn Thất mỉm cười:
    – Tướng công mắng kéo tại hạ đó chăng? Một vành tai mất, đủ nói lên cái tài hèn mọn của tại hạ rồi, tướng công đừng quá tặng, tại hạ thẹn chết được!
    Quan Sơn Nguyệt đắn đo rồi hỏi:
    – Các hạ có thể cho tại hạ biết trong trường hợp nào các vị gặp tai nạn như thế?
    Tôn thất thở dài:
    – Nhắc đến việc đó, tại hạ hết sức thẹn đó, tướng công ơi! Song Anh Tiêu Cục sinh hoạt hơn hai mươi năm nay tại vùng Cam và Giáp chưa hề thất bại đến chuốc nhục thảm đạm như lần này! Trong mười sáu anh em hộ tống hai vạn lượng bạc, hai mạng dứt đầu, mười bốn mất vành tai, hai vạn lượng bạc tiêu ma!
    Và thủ phạm, chỉ có một người, cỡi con lạc đà toàn sắc đen.
    Quan Sơn Nguyệt giật mình:
    – Kẻ cướp cởi lạc đà? Con lạc đà đó có hình dáng như thế nào?
    Tôn Thất tặc lưỡi:
    – Một con vật hy hữu trong loại đó! Toàn thân chẳng có một sợi lông tạp sắc! Hai vạn lượng bạc nặng ít nhất cũng ngàn cân thế mà nó chở đi nhẹ nhàng như chở một bó cỏ, nó vừa phóng chân là biến mất dạng nơi phương trời xa.
    Nhanh vô tưởng đó tướng công ơi!
    Quan Sơn Nguyệt kêu lên:
    – Con minh đà ...
    Tôn Thất nhìn chàng thoáng lạ lùng hỏi:
    – Tướng công nói đến con minh đà nào?
    Quan Sơn Nguyệt vội chữa thái độ ngay:
    – Tại hạ nghe giang hồ truyền thuyết, con vật của Minh Đà Lịnh Chủ có sắc lông thuần trắng, nó đúng là một thần vật ...
    Tôn Thật lắc đầu:
    – Không phải đâu! Con vật của Minh Đà Lịnh Chủ có lông trắng, còn con lạc đà này đen tuyền. Tại hạ nhận thấy cước lực của nó nhanh lắm, nó chẳng kém con bạch đà của Lịnh Chủ Minh Đà chút nào!
    Quan Sơn Nguyệt «ạ» lên một tiếng:
    – Không ngờ trên đời lại có một con lạc đà ngang sức với bạch đà của Minh Đà Lịnh Chủ ...
    Trong ánh mắt của Tôn Thất, thoáng hiện lên vẻ hoài nghi, hắn nhìn chàng đăm đăm.
    Quan Sơn Nguyệt biết mình đã lỡ lời, vội chữa:
    – Tại hạ có nghe nói đến con bạch đà của Minh Đà Lịnh Chủ, ai ai cũng cho nó là một linh vật, và cứ tưởng nó là nhất trong đồng loại của nó. Bây giờ nghe các hạ ca tụng con hắc đà này, tại hạ nghĩ, thần vật sao lại có nhiều thế?
    Chàng trầm ngâm một chút đoạn hỏi:
    – Các hạ nói rằng người cướp bảo tiêu có cái hiệu là Phi Lạc Đà?
    Tôn Thất lắc đầu:
    – Không chắc lắm. Bởi người cướp bạc giết đồng bạn của tại hạ, chẳng hề tỏ lộ một điểm gì chứng tỏ lai lịch cũng như danh hiệu, bất quá thấy y cỡi lạc đà, chạy như bay, tại hạ gọi là Phi Lạc Đà vậy thôi!
    Quan Sơn Nguyệt lại hỏi:
    – Người cướp bạc có hình dáng ra sao?
    Tôn Thất lắc đầu:
    – Không thấy rõ. Y phủ bên ngoài một lượt sa đen, trùm kín từ đầu đến chân, động tác của y nhanh như gió, vũ công cao không tưởng nổi! Vừa xuất thủ là hạ sát hai mạng, mà hai nạn nhân lại là tiêu sư, chứ nào phải tay tầm thường?
    Còn lại mười bốn người thì trong thoáng mắt tất cả bị y thẻo mất một vành tai.
    Bọn tại hạ chỉ nghe một luồng gió lạnh phớt qua, vành tai đứt lìa, những bao bạc trong xe y chỉ quơ tay qua một vòng chụp lấy, đặt lên lưng hắc đà rồi chạy đi như bay biến. Bọn tại hạ không kịp nhận định y là nam hay nữ, già hay trẻ, đừng nói là thấy mặt, thấy mày!
    Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc lâu lại hỏi:
    – Ít nhất, các hạ cũng biết người đó cao hay thấp, mập hay ốm chứ?
    Tôn Thất cười nhẹ:
    – Không cao, không thấp, không ốm, không mập. Tóm tắt chẳng có một điểm đặc biệt nào!
    Quan Sơn Nguyệt cau mày:
    – Hai vạn lượng bạc, chẳng phải là một số bạc tầm thường, khi về đến tiêu cục, các hạ làm sao nói với Tổng Tiêu Đầu?
    Tôn Thất thở dài:
    – Bạc mất, người bảo tiêu phải đền là lẽ đương nhiên, tại hạ từng được Tiêu Cục tính nhiệm, chắc Tổng Tiêu Đầu sẽ chẳng nghi ngờ. Song bạc mất thì đền, đã đành, còn danh dự mất, lấy gì bù đắp? Tại hạ chỉ sợ sau việc này, Tiêu Cục Song Anh đến phải đóng cửa ngưng sanh hoạt mất!
    Quan Sơn Tuyệt cũng xót xa thay cho hắn. Chàng suy nghĩ một chút, lại hỏi:
    – Song Anh Tiêu Cục với phái Chung Nam có liên quan chi với nhau chăng?
    Tôn Thất gật đầu:
    – Chủ nhân tiêu cục là đệ tử phái Chung Nam.
    Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
    – Gã Phi Lạc Đà cướp bạc của các hạ, hắn chẳng phải là một kẻ cướp tầm thường trên giang hồ đâu. Có thể gã có sự hiềm khích gì với Lữ lão sư, Chưởng môn phái Chung Nam đó! Gã chạm mặt với cát hạ chẳng phải cố ý cướp bạc mà có thể vì sự hiềm khích xa xưa nào đó với quý phái ...
    Tôn Thất trố mắt nhìn Quan Sơn Nguyệt một lúc:
    – Tại hạ cũng nghĩ như thế!
    Hắn thở dài, tiếp:
    – Tướng công là người đọc sách, thế mà cũng am tường sự việc giang hồ lập luận rất xác đáng!
    Hắn cứ tưởng Quan Sơn Nguyệt là một nho sĩ chẳng hề nghi ngờ chàng là một phần tử vũ lâm.
    Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ không đáp, chuyển sang vấn đề khác, hỏi lại:
    – Sự việc của các hạ, dù đúng là thật, song nghe ra vẻ huyền hoặc vô cùng, khi trở về Tiêu Cục các hạ khó nói với chủ nhân, điều đó chắc như vậy rồi! Các hạ bằng vào đâu, dám tin là để giải quyết?
    Tôn Thất lộ vẻ khổ sở:
    – Tướng công lo sợ cho tại hạ cũng phải! Tuy Phi Lạc Đà có lưu lại một vật, được kể như tín hiệu, song một vật nhỏ mọn đó không thể chứng minh một sự việc lớn lao ...
    Hắn dừng lại, trầm ngâm một chút rồi cười khổ tiếp:
    – Tuy vậy trong cái rủi có cái may, rủi là bọn tại hạ mỗi người mất một vành tai, may là nhờ Phi Lạc Đà hành động như thế, có khác nào là giải thoát bọn tại hạ khỏi một nguy cảnh! Thiết tưởng, nhìn qua mười bốn anh em tại hạ, mỗi người đều mang thương tích, chẳng lẽ chủ nhân không tin?
    Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
    – Phi Lạc Đà có lưu lại một vật làm biểu ký? Vật gì thế? Các hạ có thể cho tại hạ nhìn qua được chăng?
    Tôn Thất do dự một chút, hắn nghĩ, Quan Sơn Nguyệt có cái ơn chữa trị thương thế cho toàn bọn, nếu hắn cự tuyệt thì thành ra kém nhã độ đối với chàng.
    Bắt buộc hắn phải lấy trong mình ra một vật, to bằng bàn tay trao qua cho Quan Sơn Nguyệt.
    Vật đó là một mảnh đồng, nơi mặt trên có khắc hình một con lạc đà có cánh, ben cạnh hình lạc đà, có ba chữ:
    «Phi Đà Lệnh»! Nơi mặt dưới, không có hình gì cả, chỉ có tám chữ:
    «Đà Đáo, Nhân Đáo. Lệnh Phi, Hồn Phi!» Quan Sơn Nguyệt vụt biến sắc. Chàng sôi giận cực độ, đang cầm mảnh đồng trong tay, chàng bóp mạnh, mảnh đồng vỡ ra từng miếng nhỏ. Chàng lỏng tay, mấy miếng đồng vỡ vụn rơi qua kẻ mấy ngón tay rớt xuống đất.
    Tôn Thất thấy cảnh tình đó hết sức kinh hoàng. Hắn không ngờ một người có dáng tư văn nho sĩ như Quan Sơn Nguyệt lại là một tay đại lực khí.
    Khâm phục Quan Sơn Nguyệt là một việc, mất chiếc «Phi Đà Lệnh» là một việc khác, khâm phục tài nghệ của người chẳng thấy ích lợi gì cho hắn, nhưng mất chiếc lệnh bài là cái hại đến liền với y. Bởi đó là vật duy nhất chứng minh tai nạn dọc đường của hắn, bây giờ mất nó rồi khi trở về hắn làm sao biện hộ cho mình? Mấy vành tai mất chưa hẳn là một chứng tích thanh minh trường hợp của hắn, bởi đối với số bạc to lớn, ai ai cũng có thể ngụy tạo một vết thương, bất quá chịu đau chịu xấu một chút, mà được hưởng số bạc to.
    Thế thì làm sao?
    Hắn giương tròn mắt nhìn Quan Sơn Nguyệt, hắn không hỏi bằng miệng, song ánh mắt đó thay lời một cách hùng hồn.
    Quan Sơn Nguyệt tự nhiên hiểu ý tứ của hắn. Chàng rằng giọng quả quyết:
    – Tại hạ hứa trong vòng ba hôm, sẽ lấy lại số bạc mất cho Tôn huynh!
    Tôn Thất sững sờ:
    – Tướng công ...
    Quan Sơn Nguyệt cao giọng:
    – Hại hạ còn sống một ngày nào, là ngày đó tại hạ nhất định chẳng cho một ai dùng lạc đà làm hiệu lịnh!
    Tôn Thất hành nghề bảo tiêu hơn mười mấy năm qua, từng xuôi ngược khắp đó đây, mắt thấy nhiều, tai nghe lắm, trí xét đoán người và việc cũng xảo diệu phi thường. Thấy thái độ Quan Sơn Nguyệt nghe chàng nói, hắn đã nghĩ đến một điều rồi song hắn chưa dám tin là mình nghỉ đúng.
    Bởi chưa tin chắc, hắn còn do dự, hắn chỉ lẩm nhẩm mấy tiếng bâng quơ.
    Quan Sơn Nguyệt gằn từng tiếng:
    – Tôn huynh không tin là tại hạ thu hồi nổi số bạc mất?
    Tôn Thất hấp tấp điểm nụ cười vuốt thốt:
    – Nào phải tại hạ không tin lời hứa của tướng công! Bất quá ... bất quá, cao danh quý tánh của tướng công ... tại hạ ... đối với chủ nhân ...
    Hắn thốt chẳng ra câu chẳng tròn ý, song Quan Sơn Nguyệt hiểu rõ, hắn muốn gì. Chàng lấy trong mình ra một tấm lệnh bài cũng bằng đồng như tấm lệnh bài chàng vừa bóp vụn, trao qua cho hắn, đoạn bảo:
    – Các hạ cầm tấm lệnh bài, mang về trình chiếu với chủ nhân, mọi việc sẽ được êm xuôi!
    Tôn Thất tiếp nhận tấm lệnh bài, vừa nhìn thoáng qua, hắn biến sắc ngay, tay hắn rung rung.
    Minh Đà Lệnh!
    Cần chi phải hỏi nữa? Hắn tự nhiên phải biết người đối diện với hắn là Minh Đà Lệnh Chủ, chứ còn là ai? Và Minh Đà Lệnh Chủ, nào có phải là một danh từ xa lạ? Bất quá, hắn chưa gặp người, chứ cái danh người chấn động màng tai hắn qua nhiều năm rồi!
    Hắn ngây người, tay nắm chặt Lệnh Bài, mắt mở to nhìn Quan Sơn Nguyệt!
    Quan Sơn Nguyệt cười lạnh tiếp:
    – Các hạ về báo với chủ nhân rằng Quan Sơn Nguyệt chưa ly khai vĩnh viễn thế gian này!
    Tôn Thất nghiêng mình, hết sức cung kính đáp:
    – Tuân mạng Lệnh Chủ!
    Một ngôi tửu quán, có thể chứa đựng ngàn người, ngàn ngựa xe, lúc đó im lặng như bãi tha ma. Bất cứ thực khách nào cũng nhìn Quan Sơn Nguyệt, có người nhìn thẳng có kẻ len lén nhìn.
    Tuy cục diện khai diễn bất ngờ, song chẳng ai không cho là mình có vinh dự lớn lao được trông thấy Minh Đà Lệnh Chủ!
    Bởi trên giang hồ, còn ai không biết thinh danh của Lệnh Chủ Minh Đà?
    Biết cái thinh danh chứ chưa biết người, bây giờ đối diện với người, còn ai không khoan khoái?
    Trong niềm khoan khoái đó, có sự kính phục vô biên.
    Hành tung đã lộ rồi, Quan Sơn Nguyệt không còn khiêm nhượng nữa, ngay từ phút giây này, chàng hành động với tư cách một Lệnh Chủ. Chàng nghiêm giọng hỏi:
    – Sự tình phát sanh tại địa phương nào?
    Tôn Thất cung kính đáp:
    – Tại Ưng Sầu Giản, ở phía trước đây, cách hai mươi dặm!
    Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
    – Cát hạ có ngoại hiệu Hắc Ưng, đến một địa phương có cái tên rất kỵ, tự nhiên gặp biến cố là phải! Ngày trước, Phụng Sồ tiên sanh đến Lạc Phụng Ba, bỏ mình tại đó, hẳn các hạ cũng biết sự tích ấy chứ?
    Tôn Thất cười gượng – Lệnh Chủ nói vui tai đấy thôi! Chứ tai nạn nào phải do một địa danh mà thành? Chẳng qua, cái số định gặp họa nơi nào, thì chung quy rồi mình cũng phải đi qua nơi đó, để rước lấy cái họa.
    Hắn hỏi:
    – Đêm nay, Lệnh Chủ định nghỉ chân tại đâu? Tại hạ sẽ cho anh em về trước, báo tin với chủ nhân, riêng tại hạ thì ở lại, tình nguyện ở bên cạnh Lệnh Chủ, hầu hạ Lệnh Chủ!
    Quan Sơn Nguyệt khoát tay:
    – Các hạ khỏi phải lo, vả lại tại hạ cũng chưa quyết định như thế nào.
    Tôn Thất hấp tấp thốt:
    – Nếu Lệnh Chủ chưa có ý định gì, thì tại hạ xin thỉnh Lệnh Chủ vào thành, trong đó có tòa Trích Anh Khách Sạn, chủ nhân ngôi khách sạn là Thất Tinh Đao Lưu Tam Thái, một nhân vật trên giang hồ, chán cảnh phiêu bồng, về đây sinh hoạt. Y vốn là bằng hữu chí thân của tại hạ, Lệnh Chủ đến đó rồi nhất định y hoan nghinh vô tưởng!
    Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
    – Cũng được! tại hạ bằng lòng đến đó, có điều y không nên đặc biệt chiêu đãi tại hạ, cho tại hạ bớt áy náy phần nào. Tại hạ nghĩ, y là một nhân vật trên giang hồ, thì dù là khách sạn của y, có xảy ra việc gì, chắc y cũng không quá kinh hãi. Sở dĩ tại hạ nói thế, là vì tại hạ nghĩ, Phi Lạc Đà chưa đi đâu xa, hắn có thể trở lại thành, tìm các hạ hoặc tìm tại hạ, để nghe ngóng mọi phản ứng của chúng ta, sau vụ cướp!
    Quan Sơn Nguyệt đáp ứng lời mời, Tôn Thất hết sức hân hoan, hắn vội vã ra lịnh cho đồng bạn chạy bay vào thành, thông báo Thất Tinh Đao Lưu Tam Thái, đồng thời chuẩn bị hộ tống bọn Quan Sơn Nguyệt ba người vào thành.
    Ngồi trên mình ngựa, trên con đường vào thành, Phi Thiên Dạ Xoa Bành Cúc Nhân nhìn sang Quan Sơn Nguyệt, mỉm cười, thốt:
    – Ngươi hành sự đúng theo khuôn mẫu của sư phụ ngươi ngày trước, chẳng sai một điểm nhỏ. Sư phụ ngươi hoạt động trên giang hồ, đột nhiên mà đến, bất thình lình mà đi như con rồng thiêng ẩn hiện không thường, bình sanh không thích giao du bừa bãi, chứ đừng nói là hạ mình tiếp cận với hạng thấp thỏi hơn!
    Bà không dùng ngôn ngữ khách sáo đối với Quan Sơn Nguyệt bới bà cùng đi một đoàn, tức nhiên có đồng chí hướng, hơn nữa chàng còn nhỏ tuổi, đáng là em, cháu của bà, nếu bà khách sáo thì mất hẳn sự thân mật giữa nhau.
    Ngoài ra, cũng có thể bà dựa vào một sự quen biết nào ngày trước với sư phụ chàng nên bà dùng cái thái độ kẻ cả đối với chàng, cho nên bà không cần khách sáo.
    Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
    – Ân sư ngày trước có chỗ tự cao tự phụ, biết đâu người chẳng có một lý do bí ẩn gì đó mà không muốn tiếp cận nhơn tình thế thái? Cũng vì người có hành tung bí mật nên thường xảy ra những sự hiểu lầm. Người không tiếp cận với thế nhân, song người thường khuyên tại hạ, nên giao du rộng rãi, đừng noi theo gương ích kỷ của người, tương lai của tại hạ còn dài, tại hạ phải nghĩ đến con đường tiến thủ, tạo lập nên một sự nghiệp vẻ vang, chứ như người thì cầm như bỏ đi rồi, bất quá sống lây lất qua ngày để chờ lúc về trong lòng đất lạnh. Cho nên người bảo tại hạ, nên học nghệ nơi người chứ đừng tập theo tính người!
    Bành đại nương mỉm cười:
    – Kết giao bằng hữu, đành là một việc tốt, nên làm, song phải biết chọn người. Kết giao được bậc cao minh, lại càng tốt. Chứ như cái gã Hắc Ưng Tôn Thất này và cái tên Thất Tinh Đao Lưu Tam Thái nào đó ở trong thành, chúng là hạng người gì, có hành vi ra sao, ngươi chẳng hiểu mảy may về chúng lại khẳng khái nhận lời tiếp cận, giả như ngươi gặp một bọn vô lại thì cái danh của ngươi sẽ mất, uy tín phải kém giảm, chừng đó ngươi làm sao tiếp xúc với các vị Chưởng môn các phái lớn?
    Quan Sơn Nguyệt lắc đầu, không hoàn toàn tán đồng lập luận của Bành đại nương. Chàng thốt:
    – Cái ý của tại hạ là muốn tiếp cận với hạng người bình thường, tìm trong hạng đó có người nào khá, tại hạ kết tình bằng hữu. Sở dĩ thế là vì tại hạ nhận thấy, trong hạng người bình thường rất có nhiều kẻ thành tâm, thực ý, họ không bao giờ bội phản tại hạ, họ không trước mặt tâng bốc, sau lưng khinh miệt tại hạ.
    Họ không đố kỵ tại hạ, bởi họ biết là chẳng khi nào họ lên kịp đường danh với tại hạ, do đó họ chỉ lấy tâm ý thành thật đối xử với tại hạ để mong nhờ sự giúp đỡ.
    Còn như giao du với bọn Cao Minh, chi cho khỏi tại hạ gặp phiền phức vì họ, bởi phần đông thường có tánh cao ngạo, họ có quyền cao ngạo vì họ cho họ tài, do đó họ không muốn ai hơn họ, họ đố kỵ mọi thành công của kẻ khác. Đại nương phải biết, khi con người đố kỵ rồi thì chẳng mấy chốc mà đến sự thù hận!
    Chàng kết luận:
    – Hạng bình thường biết an phận với mình, chẳng khi nào họ tranh giành cái thế đứng của những người cao minh hơn họ. Bất quá, họ nuôi dưỡng tinh thần cầu tiến, chứ họ chẳng hề cạnh tranh với hạng người cao hơn họ!
    Chàng mỉm cười, tiếp luôn:
    – Chính những người bình thường đó, giúp tại hạ dắc lực hơn các vị cao minh, và hiện tại, tại hạ rất cần hạng người bình thường đó!
    Bành đại nương sững sờ một lúc, lâu lắm bà mới thở dài thốt:
    – Ta không ngờ, ngươi sáng suốt hơn sư phụ ngươi rất nhiều!
    Quan Sơn Nguyệt chừng như nghe Bành đại nương nhắc nhở đến sư phụ chàng hằng ngày, tại Côn Lôn Sơn cũng thế, dọc đường cũng thế, chàng hết sức lấy làm lạ. Đã mấy lần chàng toan hỏi, song vừa dợm hỏi, chàng lại bỏ qua. Bây giờ, chàng cho rằng dịp này thuận tiện nhất, nên hỏi liền:
    – Có lẽ đại nương giao tình thâm hậu với ân sư tại hạ?
    Bành đại nương giật mình. Suy nghĩ một chút, bà tránh né vấn đề.
    Nghĩ cũng lạ, trước kia bà thường tìm cách khai khẩu Quan Sơn Nguyệt, mong chàng nói nhiều, rất nhiều về Độc Cô Minh. nhưng Quan Sơn Nguyệt chỉ đáp một cách hững hờ, lơ lửng, bà bực tức vô cùng, song chàng không chịu nói thì bà làm sao cưỡng bức chàng được. Bây giờ, chính chàng hỏi bà về sự liên quan với Độc Cô Minh, một dịp rất tốt cho bà truy tra hoạt động của Độc Cô Minh trong mấy năm sau nầy. Vậy mà bà lại có ý né tránh.
    Bà đáp nhẹ nhàng:
    – Nói là thâm hậu thì cũng quá đáng! Bất quá, ta và sư phụ ngươi có gặp nhau mấy lượt thôi!
    Một ý niềm thoáng hiện trong tâm tư của Quan Sơn Nguyệt, song liền theo đó chàng gạt bỏ, bởi chàng nghĩ, sư phụ chàng bình sanh ít giao du, cam cảnh cô tịnh nơi hoang vắng. Như vậy, làm gì sư phụ chàng lại có những cảm tình thầm kín đối với ai? Nam, Độc Cô Minh còn không chịu kết giao, thì khi nào lại dây vào phái nữ?
    Họ nói chuyện với nhau, quên mất đoạn đường dài hay ngắn, khi câu chuyện tạm dừng, họ đã đến cửa thành. Thất Tinh Đao Lưu Tam Thái đã chực sẵn tại đó, nghinh đón Quan Sơn Nguyệt.
    Lưu Tam Thái là một hán tử, tuổi độ trên dưới ba mươi, da mặt đen sạm, dáng người trung hậu, thành phác. Hắn và Tôn Thất hết sức cung kính đối với chàng.
    Vừa trông thấy Quan Sơn Nguyệt từ xa, Lưu Tam Thái đã nghiêng mình chờ sẵn, khi chàng đến gần, hắn thốt:
    – Tại hạ không hay sớm, Lệnh chủ giá lâm, thành trễ tiếp nghinh, mong cầu Lệnh chủ thứ tội cho. Tại hạ đã cho dọn dẹp nơi tạm nghỉ trong thành, xin thỉnh Lệnh chủ và các vị đến đó cho tại hạ có dịp tỏ bày niềm tôn kính với bậc cao minh.
    Quan Sơn Nguyệt vòng tay đáp lễ, điểm một nụ cười:
    – Lưu huynh! Chúng ta tuy bình thủy tương phùng, song cảm tình của Lưu huynh dành cho tại hạ quá đậm đà, tại hạ hết sức cảm kích. Chúng ta dù sao cũng là những người trong giới giang hồ, những khuông sáo kém thành thực, mình nên bỏ đi, Lưu huynh, lấy cái tâm đối với nhau, để ghi lại một vài kỷ niệm khi chúng ta mội người mỗi ngã theo chí hướng riêng tư ...
    Nghe danh không bằng thấy mặt, thấy Quan Sơn Nguyệt rồi, Lưu Tam Thái sanh lòng kính mến ngay, nhận ra chàng bình dị vô cùng, chẳng hề xem mình là Lệnh chủ hùng cứ một phương trời rồi khi thường người trong thiên hạ như con giun con dế, muốn chà đạp lúc nào tùy ý.
    Chàng như vậy, còn ai không muốn tiếp cận? Và tiếp cận để kính mến chứ chẳng dám lờn, bởi trong vẻ nhu hiền hòa ái của chàng ẩn ước một uy nghi khiến cho ai trông chàng, không thể không nể nang được.
    Lưu Tam Thái hận mình gặp Quan Sơn Nguyệt quá muộn nhưng muộn còn hơn không. Và y nghĩ, Quan Sơn Nguyệt hạ mình kết giao với y là chàng ban cho y một vinh dự lớn lao, y tự nguyện với lòng, phải làm sao báo đáp xứng đáng thịnh ý của chàng. Y điểm một nụ cười thật cởi mở, thốt:
    – Lệnh chủ dạy quá lời! Sự hạ cố của Lệnh chủ tạo cho tại hạ một vinh hạnh lớn lao, tại hạ chỉ sợ phận mình quá thấp, với cao mà thành ra giang hồ sỉ tiếu, chứ làm gì có việc quấy nhiễu nhau như Lệnh chủ thắc mắc? Huống chi, tại hạ đã có sẵn ngôi khách sạn thì sự nghinh tiêáp Lệnh chủ cũng chẳng đòi hỏi phiền phức gì! Xin Lệnh chủ cứ tự nhiên đi cho!
    Rồi y quay mình, đi trước dẫn đường.
    Quan Sơn Nguyệt cũng hài lòng nhận thấy Lưu Tam Thái rất mực thành thực, chẳng giống như khách giang hồ phần đông tỏ rõ cái sáo thông thường, vừa rườm rà, vừa làm mất thì giờ.
    Không lâu lắm, đoàn người đến Trích Anh Khách Sạn.
    Tại Lương Châu, Thất Tinh Đao Lưu Tam Thái cũng là một nhân vật hữu danh, bề sinh ý của y lại thịnh vượng phi thường, ngôi khách sạn của y có quy mô khá đồ sộ. Trước khách sạn, có bảng hiệu chữ vàng, trong khách sạn, công nhân đông đảo. Công nhân, là gọi theo công việc họ làm trong khách sạn, dưới con mắt của người ngoài họ là công nhân, thật ra, họ là những đệ tử của y, sư và đệ quây quần tại đây, sinh sống với cái nghề lương thiện này, chẳng khác nào những trang, trại trên giang hồ, quy tụ những thuộc hạ.
    Giữa một thị trấn, họ làm sao dựng lên trang trại? Mà muốn có một cơ sở, quy tụ được nhiều người, đương nhiên họ phải dựng nên khách sạn. Khai thác một khách sạn, họ có địa điểm rộng rãi hơn bất cứ một cửa hiệu nào. Ngoài ra họ còn có một cái lợi là nghe ngóng động tĩnh trên giang hồ, bởi hàng quán là nơi khách muôn phương dừng chân, vừa ăn uống, vừa kháo nhau những chuyện trên trời dưới đất, những chuyện muôn phương từ cổ chí kim.
    Bọn đệ tử của Lưu Tam Thái nghe tin Minh Đà Lệnh Chủ đến khách sạn, người nào cũng lộ vẻ hân hoan ra mặt. Họ chực chờ tại cửa, nghinh đón Quan Sơn Nguyệt như bàng dân nghinh đón một vị anh hùng cứu quốc, lúc khải hoàn.
    Ở đây, không phải là vị anh hùng cứu quốc, nhưng có thể là vị anh hùng cứu tinh cho họ, nếu chẳng hôm nay thì ngày mai ngày kia ... Bởi, người cao, giao du với kẻ thấp, kẻ thấp luôn luôn nhờ cậy người cao. Người cao có bổn phận bảo vệ kẻ thấp hơn là lợi dụng kẻ thấp làm tay sai thực hiện một mưu đồ.
    Quan Sơn Nguyệt hết sức cảm kích thái độ của bọn Lưu Tam Thái dành cho chàng. Chàng nhìn quanh, thấy rất nhiều khách trọ chuẩn bị hành trang, rời nơi nầy, chừng như để đến nơi khác, hoặc lên đường. Họ rời đi đúng lúc ngẫu nhiên chàng đến, hay vì có chàng đến mà họ bắt buộc phải dọn đi?
    Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ, day qua Lưu Tam Thái hỏi:
    – Tại sao thế, Lưu huynh?
    Lưu Tam Thái mỉm cười:
    – Lệnh Chủ lưu lại khách sạn này một ngày, là ngày đó tại hạ không nhận khách trọ nào khác, quyết để trọn tòa nhà nầy cho Lệnh Chủ sử dụng. Hơn nữa, tại hạ không muốn ai ở bên cạnh Lệnh Chủ gây huyên náo, làm cho Lệnh Chủ không được an tịnh.
    Y dừng lại một chút, đoạn tiếp:
    – Tại hạ quyết định như thế, bất quá chỉ tỏ được một phần nhỏ của niềm tôn kính đối với Lệnh Chủ thôi, chí như sanh mạng này, nếu có cần hủy bỏ để làm được việc cho Lệnh Chủ, tại hạ cũng chẳng dám tiếc. Bởi cái vinh hạnh Lệnh Chủ ban cho quá lớn lao, tại hạ chẳng còn cách nào đền đáp cho vừa!
    Quan Sơn Nguyệt áùy náy vô cùng. Thực sự thì chàng không muốn Lưu Tam Thái quan trọng hóa sự tình thế này. Quan trọng hóa trường hợp, chẳng những làm cho chàng không yên tâm mà còn gây nên tai tiếng đối với đời. Chàng không muốn có sự xáo trộn trong sinh hoạt thường ngày tại Trích Anh Khách Sạn, cũng như chàng không muốn tạo phiền phức cho khách trọ như thế này. Bất cứ một cuộc đổi đời nào cũng có gây phiền phức cả, và điều gây phiền phức nhiều hơn hết là sự dời cư, dù chỉ là dời cư tạm.
    Chàng đem cài cảm nghi đó, tỏ lại cho Lưu Tam Thái biết và yêu cầu y nên đối xử đơn giản với chàng, càng đơn giản, chàng càng dễ chịu hơn!
    Lưu Tam Thái mỉm cười:
    – Nói thật với Lệnh Chủ, mở ngôi khách sạn này, tại hạ không có cái ý sanh nhai bằng nghề chiêu đãi khách. Chẳng qua, tại hạ mượn ngôi khách sạn làm một địa điểm để liên lạc với khách giang hồ, nghinh đón bằng hữu bốn phương ngang qua đây cần dừng bước lại nghỉ chân một đôi ngày. Lệnh Chủ chắc không biết là phần đông khách trọ đều được miễn phí. Cho nên, việc từ chối khách chẳng gây một ảnh hưởng tài chánh nào cho tại hạ cả.
    Y dừng lại một chút, lại tiếp:
    – Huống chi, Lệnh Chủ chỉ có ý lấy nơi này làm địa điểm hội diện với Phi Lạc Đà, thì tại hạ nghĩ càng giải tán được bọn hiếu kỳ chừng nào, càng có lợi cho Lệnh Chủ hơn!
    Y kết luận:
    – Chúng ta sẽ tránh được phiền phức.
    Việc hội diện với Phi Lạc Đà, Thất Tinh Đao Lưu Tam Thái không dám dùng hai tiếng chúng ta. Bởi, dùng như thế là leo thang, là phạm thượng, y chẳng có tư cách gì can thiệp vào vụ, trừ trường hợp Quan Sơn Nguyệt cần đến y. Song, khi nêu ra những phiền phức có thể có, y lại dùng hai tiếng chúng ta, bởi y có quyền dùng. Vì y là địa chủ, điều phiền phức nếu có xảy ra, chính y gánh chịu phần lớn.
    Quan Sơn Nguyệt đến rồi Quan Sơn Nguyệt lại ra đi, sự phiền phức chỉ có ảnh hưởng trong thời gian chàng có mặt tại đây. Còn Lưu Tam Thái ở tại địa phương, muôn đời ảnh hưởng đó sẽ lan dài mãi đến ngày cùng của y, trừ phi y muốn dời cư đi nơi khác.
    Y dè dặt từng tiếng xưng hô như vậy, kể ra y cũng là con người rất chu đáo.
    Quan Sơn Nguyệt thấy rõ Lưu Tam Thái thành thật với chàng vô cùng đành im lặng, chẳng còn biết nói chi hơn.
    Lưu Tam Thái dành trọn ba gian phòng lớn, trang trí cực kỳ thanh nhã, đương nhiên có đủ tiện nghi, dành cho mỗi người của Quan Sơn Nguyệt một gian.
    Trong một cuộc nghinh tiếp như thế, tự nhiên phải có tiệc thịnh soạn.
    Tiệc, dọn tại sảnh đường. Bàn tiệc chánh, chỉ có ba ghế, đó dĩ nhiên dành cho Quan Sơn Nguyệt, Bành đại nương và Trương Thanh. Bên cạnh, có chiếc bàn nhỏ, có hai ghế dành cho Lưu Tam Thái và Tôn Thất.
    Quan Sơn Nguyệt không bằng lòng, cau mày hỏi:
    – Sao Lưu huynh an bày như thế này?
    Lưu Tam Thái nghiêng mình:
    – Lệnh Chủ là bậc đương thế kỳ tài, tuy chen đứng giữa dòng đời song chẳng khác nào là long là phượng, còn bọn tại hạ, bất quá là những tiểu tốt vô danh, đứng hàng cuối vũ lâm, sợ chẳng xứng phận, làm gì lại dám đồng bàn với Lệnh Chủ? Sự an bày này chẳng qua là một cách trong ngàn cách, tỏ sự tôn kính đối với Lệnh Chủ chứ chẳng có chủ ý gì cả, xin Lệnh Chủ lượng hiểu cho!
    Quan Sơn Nguyệt trầm gương mặt:
    – Nếu Lưu huynh một mực đối xử như vậy, tại hạ xin đi tìm nơi khác tạm nghỉ chân qua đêm. Nhất định chẳng dám lưu lại đây, quấy nhiễu Lưu huynh lâu hơn!
    Lưu Tam Thái cảm kích phi thường, song lại áy náy, lộ vẻ khó khăn:
    – Lệnh Chủ thương tình, xóa bỏ sự cách biệt giữa nhau, song tại hạ xét phận mình ...
    Quan Sơn Nguyệt bật cười ha hả:
    – Đã gọi là tứ hải giai huynh đệ thì có huynh đệ nào lại kém huynh đệ nào?
    Lưu huynh lại rơi vào khuôn sáo của giang hồ rồi đó! Thân phận gì của nhau mà Lưu huynh cứ đề cập mãi? Lệnh Chủ cũng là người, cũng là một Chưởng môn, Chưởng giáo chứ có phải là thần là thánh đâu? Lưu huynh cũng thế, cũng đứng đầu một môn học gia truyền, cũng là bậc sư tôn, giáo huấn đệ tử, thân phận đó lại nhỏ lắm sao? Từ xưa đến nay, chẳng có môn phái nào danh dự hơn môn phái nào bằng vào vũ học, chỉ có quy luật, hành vi của môn phái mới đáng kể, chỉ có cái đức độ của môn phái đó mới đáng kể. Giả như tại hạ thật sự có tài cao mà tại hạ hành động ngược chiều chánh nghĩa giang hồ, Lưu huynh cũng nể trọng nữa sao?
    Lưu Tam Thái vô cùng xúc động. Nếu có thể khóc vì xúc động mà không sợ chán chường, y khóc liền. Bởi không dám để lệ xúc động dâng trào, y nhốt lệ nơi yết hầu rồi đáp với giọng sền sệt:
    – Lệnh Chủ dạy thế, nếu tại hạ còn câu nệ thì chẳng hóa ra mình khách sáo, kém thành thật! Thôi thì đành vâng lời chứ biết làm sao hơn?
    Tuy nói vậy, y vẫn chưa dời bàn tiệc sang nhập hai lại làm một. Rồi y tiếp:
    – Lệnh Chủ hai lượt xuất hiện trên giang hồ, tại hạ không có duyên may gặp gỡ, chỉ nghe lời truyền thuyết trong vũ lâm thôi! Cứ theo lời truyền thuyết đó, thì Lệnh Chủ ...
    Y ấp úng, điều đó chứng tỏ những gì y muốn nói ra, hẳn khó nói.
    Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
    – Có thể là những lời bình phẩm về tại hạ do Lưu huynh nghe được không tốt đẹp chi đó!
    Lưu Tam Thái thoáng đỏ mặt, lâu lắm, y mới lấy lại bình thường, từ từ đáp:
    – Trên thế gian này, có ai được người đời cho là tận thiện tận mỹ đâu? Thất bại thì bị cười chê, thành công thì gặp đố kỵ, cho nên đã chấp nhận kiếp sống giang hồ là trước hết phải rèn luyện sự kiên trì để sẵn sàng tiếp nhận mọi thị phi.
    Tuy nhiên, lời bình phẩm của giang hồ về Lệnh Chủ, xét ra, còn tốt đẹp hơn là sự phê phán của họ đối với lệnh sư Độc Cô lão tiền bối!
    Quan Sơn Nguyệt thở dài:
    – Ân sư của tại hạ, cưỡng đoạt lệnh phù, tín vật của các môn phái, kể ra cũng đáng trách. Song, nếu có ai suy nghĩ đến cái dụng ý của người khi làm việc đó hẳn phải lượng tình, hơn nữa còn cảm kích người mời hợp lý!
    Lưu Tam Thái thấy chàng không được vui, chẳng dám nói gì hơn vội thỉnh mọi người nhập tiệc. Chính Lưu Tam Thái rót rượu mời từng người, rượu đầy mời cạn, rượu cạn rót đầy.
    Tôn Thất qua cái bại vừa rồi, hết sức tự thẹn, lặng lẽ tham dự tiệc rượu một cách miễn cưỡng, không dám mở miệng nói một tiếng gì.
    Qua vài tuần rượu, bỗng Quan Sơn Nguyệt cao giọng hỏi:
    – Vị bằng hữu nào đó, đã đến đây rồi, xin cứ vào, vào uống chén rượu đuổi cái lạnh của đêm khuya xâm nhập vào người, hà tất phải đứng bên ngoài nghe ngóng?
    Bọn Lưu Tam Thái và Tôn Thất giật mình, quay mặt nhìn qua cửa sổ.
    Bên ngoài có tiếng cười lạnh vọng vào.
    Tôn Thất đồng thời la lên:
    – Phi Lạc Đà!
    Nơi khung cửa sổ, hiện ra một bóng người, toàn thân phủ một lượt sa đen.
    Quan Sơn Nguyệt thoáng biến sắc, song chàng kịp lấy lại bình tĩnh, điềm nhiên thốt:
    – Tại hạ đoán, thế nào bằng hữu cũng đến! Không ngờ bằng hữu đến sớm quá!
    Ngươi bao mặt lạnh lùng cất tiếng:
    – Quan Sơn Nguyệt! Ta định chậm lại mấy hôm nữa mới tìm gặp ngươi, song ngươi đã phá hủy Phi Đà Lệnh của ta ...
    Quan Sơn Nguyệt cao giọng chặn lại:
    – Ngày nào trên thế gian còn Minh Đà Lệnh Chủ, ngày đó chẳng một ai được dùng cái tiếng Đà làm hiệu lệnh cả! Bằng hữu hãy nhớ rõ như vậy.
    Người bao mặt cười mỉa:
    – Ta nghĩ, ngươi nên câm miệng hơn là nói những lời khó nghe quá chừng!
    Trên thế gian này, chỉ có một người được quyền dùng danh từ đó thôi à? Ngươi chiếm độc quyền từ bao giờ thế? Huống chi, Minh Đà Lệnh cũng chẳng có uy tín chi trên giang hồ, ngươi còn bám víu vào một hiệu lệnh vô dụng để làm gì chứ?
    Cho nên, ta cho ra Phi Đà Lệnh để chứng tỏ với giang hồ là cái Lệnh Minh Đà của ngươi đã cáo chung và từ nay chỉ còn Phi Đà Lệnh thôi! Ngươi còn nhớ mấy hàng chữ nơi tấm lệnh bài của ta chứ?
    Quan Sơn Nguyệt nổi giận, song vẫn giữ lễ độ, trầm giọng thốt:
    – Bằng hữu nói thế, chừng như ngông cuồng đó! Tại hạ muốn thấy bằng hữu dựa vào đâu lại có thái độ cao ngạo, xem dưới mắt không người?
    Chàng đứng lên, định bước ra ngoài.
    Người bao mặt khoát tay:
    – Hãy khoan! Bản ý của ta là muốn cho ngươi một bài học, để từ nay ngươi không còn dùng chiêu bài Minh Đà Lệnh mà hống hách với đời, song hiện tại, ngươi không có sẵn lệnh bài có hình kim nhân và bạch đà chứng minh cho thân phận Minh Đà Lệnh Chủ của ngươi thì chẳng hóa ra ta giao đấu với kẻ mạo danh sao? Như vậy dù có thắng ngươi, ta cũng chẳng được vinh dự gì!
    Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút:
    – Minh Đà Lệnh quả thật không sẵn nơi mình tại hạ, muốn đi lấy nó, hành trình phải mất ít nhất cũng ba tháng, tại hạ ...
    Người bao mặt xua tay:
    – Ba tháng cũng chẳng lâu gì, huống chi chỉ cần một tháng cũng đủ! Ta biết, những vật chứng minh thân phận của ngươi ở tại Bách Thiên Sơn nên đã cho người đến đây lấy hộ ngươi rồi. Trong vòng một tháng, ta sẽ đợi ngươi tại Đại Tán Quan, chừng đó, ngươi có tín vật và chúng ta quyết tranh thư hùng. Như vậy mới quanh minh chánh đại thử xem sau cuộc so tài, Bạch Đà hay Hắc Đà sẽ tồn tại trên thế gian!
    Quan Sơn Nguyệt giật mình. Chàng nghĩ, đối phương quả là tay lợi hại, biết được nơi chàng cất giấu tín vật và lệnh bài, nhưng sự thể đã như vậy rồi, chàng cũng phải đành chờ chứ biết sao hơn? Song, chờ một tháng, riêng chàng thì chẳng quan ngại gì, còn lời hứa với Tôn Thất thì sao?
    Chàng đáp:
    – Bằng hữu muốn thế cũng được, nhưng tại hạ đã lỡ hứa với Song Anh Tiêu Cục à trong ba hôm sẽ tìm số bạc mất giao hoàn cho họ, thiết tưởng bằng hữu cũng thừa hiểu giá trị của chữ tín như thế nào trên giang hồ chứ?
    Người bao mặt cười lạnh:
    – Thực ra, ta cùng bọn Chung Nam có món nợ còn đọng lại cần thanh toán gấp, song nể mặt ngươi ta tạm đình hoãn việc hỏi tội chúng một thời gian, nương tay cho chúng lần này, số bạc mất ta chẳng hề động đến, ta để lại trong khách sạn kia, ngươi hãy giao hoàn cho tròn lời hứa với chúng. Ngươi nên nhớ là ta đã giúp ngươi được toàn danh dự một lần rồi đó nhé!
    Thốt xong, y nhích động đôi chân, thân hình chớp lên, lượt sa phủ bên ngoài bọc gió như hốt y về một phương trời xa. Thoáng mắt, y đã mất dạng trong bóng đêm mờ.
    Hai bao bạc đặt trong một khách sạn bên cạnh một gã công nhân. Tay gã đang cầm một tô canh bốc khói thơm phức nhưng gã đứng bất động. Đúng là gã bị điểm huyệt, có lẽ vừa bị điêm nên chưa kịp ngã.

Xem Tiếp Chương 9Xem Tiếp Chương 78 (Kết Thúc)

Võ Lâm Phong Thần Bảng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Đang Xem Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
  » Xem Tiếp Tập 30
  » Xem Tiếp Tập 31
  » Xem Tiếp Tập 32
  » Xem Tiếp Tập 33
  » Xem Tiếp Tập 34
  » Xem Tiếp Tập 35
  » Xem Tiếp Tập 36
  » Xem Tiếp Tập 37
  » Xem Tiếp Tập 38
  » Xem Tiếp Tập 39
  » Xem Tiếp Tập 40
  » Xem Tiếp Tập 41
  » Xem Tiếp Tập 42
  » Xem Tiếp Tập 43
  » Xem Tiếp Tập 44
  » Xem Tiếp Tập 45
  » Xem Tiếp Tập 46
  » Xem Tiếp Tập 47
  » Xem Tiếp Tập 48
  » Xem Tiếp Tập 49
  » Xem Tiếp Tập 50
  » Xem Tiếp Tập 51
  » Xem Tiếp Tập 52
  » Xem Tiếp Tập 53
  » Xem Tiếp Tập 54
  » Xem Tiếp Tập 55
  » Xem Tiếp Tập 56
  » Xem Tiếp Tập 57
  » Xem Tiếp Tập 58
  » Xem Tiếp Tập 59
  » Xem Tiếp Tập 60
  » Xem Tiếp Tập 61
  » Xem Tiếp Tập 62
  » Xem Tiếp Tập 63
  » Xem Tiếp Tập 64
  » Xem Tiếp Tập 65
  » Xem Tiếp Tập 66
  » Xem Tiếp Tập 67
  » Xem Tiếp Tập 68
  » Xem Tiếp Tập 69
  » Xem Tiếp Tập 70
  » Xem Tiếp Tập 71
  » Xem Tiếp Tập 72
  » Xem Tiếp Tập 73
  » Xem Tiếp Tập 74
  » Xem Tiếp Tập 75
  » Xem Tiếp Tập 76
  » Xem Tiếp Tập 77
  » Xem Tiếp Tập 78
 
Những Truyện Kiếm Hiệp Khác