Trong Thiên Xà Cốc Nguyệt Hoa Phu Nhân và Lý Trại Hồng vừa rơi xuống hố, một tiếng «bình» vang lên, miệng hố đã bị một phiến đá lấp mất.
Hố đó, chẳng phải hố thiên nhiên, bởi nó có nắp, nó được nhóm người nào đó đào thành, để bẩy những ai bén mảng trong vùng.
Còn ai bén mảng trong vùng, nếu chẳng phải là những người đến đây dọ thám?
Tất cả mọi nơi khác, những nơi có lối thông vào cốc, đều có cạm bẫy như vậy, để bắt buộc người muốn vào cốc phải chui qua khe hở nơi vách núi. Chui qua khe hở đó, có khác nào đút đầu vào thòng lọng cho người giật?
Cũng vì không muốn đút đầu vào thòng lọng, nên Nguyệt Hoa Phu Nhân và Lý Trại Hồng mới sa hố.
Cả hai cấp tốc vận khí, đồng thời đảo lộn trong lòng hố, nương theo cái sức nâng bổng của không khí mà lên. Làm như thế, quả nhiên họ lên tới đỉnh hố, song lên đến nơi rồi, họ thất vọng, bởi nắp hố cứng rắn, nặng nề quá, họ không làm sao đẩy bật lên được khi chân họ không có chỗ tựa. Bắt buộc, họ phải đáp xuống phía dưới.
Lạ một điều là những con rắn cùng rơi xuống như họ, hiện tại biến đi đâu mất dạng. Đáp xuống như vậy một lúc, bổng Nguyệt Hoa Phu Nhân kêu lên:
– Không xong! Chúng ta không nên xuống sâu hơn!
Lý Trại Hồng cũng có ý nghĩ như bà, cả hai không hẹn mà đồng thay vì buông mình tiếp tục xuống sâu, họ lại uốn thân hình, lấy tư thế vọt qua một bên.
Cũng may, lòng hố không rộng lắm, nên họ chạm vào vách dễ dàng.
Họ dùng chỉ công chụp vách hố, nơi đó đá lại lồi lõm, chứ không trơn không phẳng, họ chịu thân hình lại đó.
Nguyệt Hoa Phu Nhân thở phào, thốt:
– Phúc đức làm sao, chúng ta nghĩ ra kịp, chứ nếu không thì khổ biết bao nhiêu! Hố rất sâu, rơi xuống đáy rồi, dù chúng ta không thọ thương, cũng chẳng biết làm sao trở lên được.
Lý Trại Hồng cũng thở phào, nhưng rồi nàng lại thở ra, đáp:
– Phu nhân nói phải, tuy nhiên, đeo lơ lửng như thế nầy, cũng chẳng phải là một biện pháp vẹn toàn!
Nguyệt Hoa Phu Nhân suy nghĩ một chút:
– Cứ theo sự suy đoán của già, thì cái hố nầy là một lối thông vào cốc đó.
Nhưng, lối thông đó chẳng phải bắt đầu từ đáy hố, mà có lẽ ở đâu phía trên đầu chúng ta.
Lý Trại Hồng hỏi:
– Bằng vào đâu, phu nhân đoán như vậy?
Nguyệt Hoa Phu Nhân đáp:
– Người trong vách nói chuyện với chúng ta, âm thinh nghe rất gần, y lại lợi dụng khe hở đó, làm chỗ phát âm, do đó già đoán là y hoạt động gần gần mặt đất chứ không thể ở sâu được.
Lý Trại Hồng trầm ngâm mấy phút, đoạn gật đầu:
– Có lý! Lúc chúng ta xuống độ hai trượng sâu, tôi mường tượng thấy có một cái lỗ hình tròn, khá rộng, có lẽ lối vào cốc ở tại cái lỗ đó. Rất tiếc lúc đó chúng ta không làm sao dừng lại được.
Nguyệt Hoa Phu Nhân «hừ» một tiếng:
– Bây giờ có trở lên cũng chưa muộn.
Lý Trại Hồng ngẩng mặt nhìn lên một lúc, không gian trong hố tối mờ mờ, nàng có thấy chi đâu rõ rệt? Nàng trầm ngâm giây lâu, rồi thốt:
– Giả như vách hố có những chỗ lồi lõm đều đều như thế nầy từ đây trở lên trên, thì sự việc không thành vấn đề nữa. Bằng ngược lại, thì hy vọng lên được nơi đó rất mong manh ... Chúng ta đã rơi xuống ít nhất cũng hơn bốn năm mươi trượng sâu, dù có tinh tường thuật Du Long, cũng khó mà thành công được!
Nguyệt Hoa Phu Nhân không nản chí:
– Lên một hơi không nổi, thì chúng ta phân làm nhiều chặng, cứ lên từng chặng một, cuối cùng rồi cũng phải đến nơi.
Lý Trại Hồng kinh ngạc:
– Thuật Du Long đòi hỏi sự tiêu hao chân khí quan trọng, nếu chúng ta không có chỗ nghỉ chân, để vận công, điều tức, khôi phục phần chân khí tiêu hao, thì làm sao tiếp tục tiến lên? Phu nhân thấy đó, cứ đeo lơ lửng như thế nầy mãi, lên được một chặng đường rồi, chưa lấy lại bình thường thì cầm chắc là phải rơi luôn, chứ đừng nói tiến lên cao hơn một vài thước!
Nguyệt Hoa Phu Nhân bỗng cười khan:
– Cô nương khỏi phải lo. Cô nương cứ lên trước, già theo sau, khi nào cô nương cảm thấy kiệt lực, cần phải nghỉ để khôi phục chân khí, thì cứ cho già biết, già sẽ giữ đôi chân cô nương, giúp cô nương nghỉ lấy hơi.
Lý Trại Hồng kinh ngạc:
– Còn phu nhân? Khi nào phu nhân chi trì không nổi nữa thì sao? Huống chi, thuật Du Long chỉ giúp cho một người chi trì thân thể lơ lửng, nếu đèo theo một người nữa, thì hẳn là phải cùng rơi xuống ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân mỉm cười:
– Già có biện pháp, mới dám đề nghị như thế chứ! Cô nương cứ làm như già nói đó, là có nhiều hy vọng thành công.
Lý Trại Hồng biết là trong trường hợp nầy, chẳng khi nào phu nhân nói đùa được. Nàng chấp thuận ý kiến của phu nhân và bắt đầu thực hành liền.
Áp dụng thuật Du Long, nàng phải tựa lưng sát vào vách núi, mặt hướng ra ngoài, vận công vào hai tay hai chân, tay níu, chân đạp, từ từ trườn mình lên.
Nàng chưa kịp trườn, bỗng phu nhân gọi gấp:
– Khoan! Đón lấy vật nầy ngậm nơi miệng.
Một vệt sáng trắng từ tay phu nhân bay lên.
Không rảnh tay để đón bắt vật đó, Lý Trại Hồng há miệng, chênh đầu, nhưng nàng chậm mất một giây, vật đó trượt ra ngoài chạm vào đá, vỡ tan thành trăm ngàn điểm sáng li ti, rơi luôn xuống bên dưới.
Lý Trại Hồng nào có biết vật đó là vật gì, song Nguyệt Hoa Phu Nhân cần bảo nàng ngậm nơi miệng, hẳn phải là có tác dụng làm sao đó, nàng lại để vuột vật quý, nên hổ thẹn vô cùng, mà cũng vừa tiếc rẻ.
Nàng toan thốt một câu, tỏ sự hối tiếc, Nguyệt Hoa Phu Nhân đã tiếp:
– Cũng may còn được một hạt, cô nương cẩn thận nhé, để vuột nữa thì khổ cho cả hai đấy!
Bà lại tung vật đó lên.
Lý Trại Hồng đã tản mác công lực, để có một tay rảnh, đưa tay đó đón bắt.
Thì ra, vật đó là một hạt minh châu, to bằng quả trứng, sáng chói phi thường, ánh sáng của nó rọi ra, soi rõ những vật chung quanh trong một phạm vi tuy không lớn lắm, nhưng cũng đủ cho một người cần quan sát.
Lúc đó, Nguyệt Hoa Phu Nhân đang đu mình dưới một vú đá bên hữu của Lý Trại Hồng, nhìn lên nàng, bà thốt:
– Dạ Minh Châu đấy, cô nương ngậm nó nơi miệng, một nửa đưa ra ngoài, nên nhớ là thấm nước bọt mãi cho nó ướt, nó càng ướt lại càng chiếu sáng. Tay không cầm được, thì dùng miệng vậy, ánh sáng của nửa phần cũng đủ lắm rồi.
Châu, là vật thuộc âm, nằm nơi miệng nữ nhân, có nước bọt thấm đều đều, tự nhiên nó phát ra ánh sáng đúng độ cường thịnh. Lý Trại Hồng biết rõ như vậy, song phu nhân bảo nàng ngậm châu, với dụng ý gì thì nàng hoàn toàn không đoán nổi. Bởi, ánh sáng dù cần, song không đến đổi quá bách thiết mà phải dùng đến châu.
Nguyệt Hoa Phu Nhân cũng biết là Lý Trại Hồng hoang mang, bà cười mấy tiếng rồi giải thích:
– Người trong vách không có thiện cảm đối với chúng ta rõ ràng, như cô nương thấy đó, bởi nếu là con người tốt thì y chẳng bao giờ để chúng ta rơi xuống hố nầy. Giả như y đang nấp ở đâu đó, bên trên đầu chúng ta, ám toán chúng ta, thì ánh sáng của hạt châu sẽ giúp ta nhận định y ở nơi nào, như vậy chúng ta dễ đối phó hơn.
Lý Trại Hồng gật đầu:
– Cẩn thận như phu nhân là chu đáo lắm!
Nguyệt Hoa Phu Nhân mỉm cười:
– Thôi đi, đừng sáo mãi, cô nương nên hiểu là người trong vách kia, cao minh hơn già nhiều lắm đấy. Công lực của chúng ta thật tình mà nói, nào phải kém gì, thế mà chúng ta vẫn bối rối như thường! Người nào có thể làm khó cho chúng ta được, người đó hẳn không phải là vô dụng đâu!
Lý Trại Hồng không nói gì nữa, đưa viên minh châu vào miệng cắn chặt nửa trong nửa ngoài, đồng thời lấy lưỡi rà quanh nó, thấm ướt.
Viên châu bừng sáng lên.
Cả hai đảo mắt nhìn quanh đó một vòng, nhận ra trừ chỗ họ dừng lại, có mấy vú đá thôi, còn thì bên trên, cũng như bên dưới, vách núi phẳng lì, có nơi trơn, bóng, phản ảnh như gương.
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười nhẹ, thốt:
– Cô nương thấy đó chứ, cũng may là chúng ta dừng lại kịp thời, chứ nếu để rơi luôn xuống đáy, thì cầm chắc là phải rũ xương ở dưới đó, chứ mong gì lại lên được?
Vì đang ngậm viên châu, Lý Trại Hồng không thể nói năng, nàng hết sức sợ hãi khi phát giác ra tình thế có phần nguy hiểm hơn tưởng tượng nhiều.
Sinh trưởng tại Xuyên Trung, nàng có biết ít nhiều đặc điểm của địa chất trong vùng, dưới lòng đất sâu, có một thứ dung dịch nếu vấy vào da thịt thì làm cho da thịt lở lói, ngứa ngáy, đau xót khó chịu vô cùng.
Nàng nghĩ, nếu cứ để thân hình rơi xuống dưới hố nầy, thì hẳn là bị thứ dung dịch đó gây khổ sở mà chết luôn, đừng nói chi đến cái đói cái khát và có thể chịu đựng một thời gian để tìm cách trở lên ...
Nhưng cần tranh thủ thời gian, nàng không suy nghĩ viển vông nữa, áp dụng ngay thuật Du Long, lên liền.
Lên, chẳng phải nhắm mắt là lên, nàng cần nhìn rõ từ tấc vách, tìm chỗ bám víu nếu cần. Như vậy, nàng phải ngửa mặt, cho viên minh châu chiếu lên.
Lên như thế, đã là một cái khổ, đòi hỏi rất nhiều chân lực, lại còn ngửa mặt nữa, thì cái khổ tăng gia, chân lực phải tiêu hao nhanh, cho nên lên độ bốn năm trượng, nàng nghe toàn thân như rã rời.
Cái khổ thứ ba, là miệng đang ngậm viên châu, nàng không thể kêu gọi Nguyệt Hoa Phu Nhân. Bắt buộc, nàng dùng chân, đạp choi choi, hy vọng phu nhân trông thấy, sẽ đoán mà hiểu tình trạng của nàng.
Đúng vậy, Nguyệt Hoa Phu Nhân thấy nàng đạp chân, biết ngay là nàng kiệt sức, cấp tốc trườn lên, nắm chân nàng, thốt:
– Đừng miễn cưỡng, thấy vừa mệt là nghỉ, chứ sức lực kiệt quệ thì khó khôi phục lắm đấy. Dù có khôi phục được, cũng mất rất nhiều thời gian, mà chúng ta thì quý trọng từng giây, từng phút.
Phu nhân nắm chân, nàng có chỗ chịu rồi, liền buông một tay lấy viên minh châu ra khỏi miệng, thở phì phì mấy lượt, đoạn cất tiếng:
– Đa tạ phu nhân! Tôi đang mệt lả, muốn gọi phu nhân nhưng không làm sao mở miệng được.
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười nhẹ:
– Già quên mất là cô nương có ngậm viên châu nơi miệng, không thể nói năng được. Lần sau, nếu cô nương cần nghỉ một lúc, thì cứ dùng mũi khịt khịt, như thế là tiện nhất.
Lý Trại Hồng gật đầu. Nàng nhìn xuống, thấy Nguyệt Hoa Phu Nhân dùng một tay làm chỗ chịu cho đôi chân nàng, tay kia bỏ không, đôi chân của bà thì choi choi, đạp vào không khí, lưng đưa vào vách đá, nhưng chỉ dính sát phần hông thôi. Với tư thế đó, bà giữ nổi hai người khỏi rơi xuống hố, thì quả thật là một sự phi thường. Lý Trại Hồng khâm phục vô cùng. Một lúc sau, nàng thở dài, thốt:
– Không ngờ phu nhân luyện nội công đến mức độ đó ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân thản nhiên điểm một nụ cười:
– Cô nương lầm rồi! Có thể là già thành tựu hơn cô nương một bậc, nhưng cái mức thành tựu đó chưa hẳn là cao siêu như cô nương tưởng!
Lý Trại Hồng kinh ngạc:
– Thế phu nhân làm sao chi trì nổi hai thân thể như vầy?
Nguyệt Hoa Phu Nhân lại cười:
– Bí mật! Hiện tại, già không thể giải thích. Chờ lên đến bên trên rồi, cô nương sẽ hiểu.
Lý Trại Hồng hoang mang hết sức, nhưng không phải lúc suy tư tìm hiểu, nàng bỏ qua việc đó, cứ điều tức, khôi phục chân lực. Sau cùng, nàng thốt:
– Được rồi, phu nhân! Chúng ta tiếp tục lên.
Nguyệt Hoa Phu Nhân ngẩng mặt nhìn nàng, nở một nụ cười không nói gì, bàn tay của bà đang chịu cho đôi chân của Lý Trại Hồng đứng, bàn tay đó hất mạnh lên, đồng thời bà quát:
– Bám dính tại đó, đừng động đậy!
Lý Trại Hồng bị tung bổng lên một trượng cao, chẳng biết sự thể như thế nào, vâng theo lời bà, bám sát nơi đó.
Bên dưới, Nguyệt Hoa Phu Nhân cầm một đoản kiếm, đâm mũi kiếm vào vách, mũi kiếm vừa lún vào đá, bà vọt mình, rời xa chỗ cũ.
Đồng thời gian, một vệt sáng xanh bay ngang qua một bên mình bà, lao luôn xuống đáy hố.
Nguyệt Hoa Phu Nhân trở về chỗ cũ, cười lạnh mấy tiếng, thốt:
– Quả thật không ngoài sở liệu của già! Người trong vách tàn độc lắm, chúng ta lâm vào trường hợp nầy, mà y cũng ám toán được!
Lý Trại Hồng kinh hãi, hấp tấp hỏi:
– Việc gì thế, phu nhân?
Nguyệt Hoa Phu Nhân có vẻ giận, đáp:
– Rắn!
Lý Trại Hồng giật mình:
– Rắn ở đâu? Rắn ở chỗ nào mới được chứ?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười lạnh, đáp:
– Rắn, ở đây làm gì có! Tự nhiên là có người bên trên phóng xuống. Rắn thuộc loại đầu tam giác, loại rắn bao vây chúng ta vừa rồi! Già biết rõ, trên đó có kẻ đang làm trò quỷ, do đó già mới dặn dò cô nương chú ý. Ngờ đâu kẻ ấy thừa lúc chúng ta nói chuyện với nhau mà phóng rắn xuống! Cũng may, già phát giác kịp thời, chứ nếu không thì nó đã quấn quanh đầu quanh cổ cô nương rồi!
Lý Trại Hồng vừa thẹn mình còn kém cảnh giác quá độ, lại vừa cảm kích phu nhân mãi mãi cứu mình, nàng lẩm nhẩm:
– Đa tạ phu nhân cứu mạng ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân khoát tay:
– Đừng dùng tiếng khách sáo, già đã bảo cô nương mấy lượt rồi. Hãy lo tiến lên, càng nhanh càng có lợi, điều cần thiết cho chúng ta trong trường hợp nầy là tranh thủ thời gian. Đến nơi rồi, chúng ta lại còn phải chánh thức đương đầu với kẻ ấy. Dù sao thì cái món nợ đùa ác nầy, kẻ ấy cũng phải trả cho chúng ta. Rút kinh nghiệm, cô nương phải hết sức cẩn thận đấy nhé, kẻ ấy sẽ còn làm nhiều trò quỷ khác, ác độc hơn!
Đúng lúc đó, một tràng cười lạnh từ bên trên vọng xuống, tiếp theo tràng cười là một câu nói cũng lạnh lùng, mỉa mai không kém:
– Cái mạng của hai vị, cũng khá thọ đấy, đã tránh được hai lần ám toán.
Nguyệt Hoa Phu Nhân nổi giận quát:
– Ngươi chỉ thừa cái nguy của người ta, như thế gọi là anh hùng sao? Nếu có can đảm, ngươi cứ chường mặt cùng chúng ta so tài hơn kém! Được vậy, ta rất phục ngươi.
Người bên trên cũng cười lạnh như trước:
– Gấp chi chứ? Bình sanh, ta đối với thiên hạ, có cái tập quán nặng nề, là phải ám toán trước, khi nào kẻ bị ám toán tránh khỏi thủ đoạn của ta đúng ba lượt, thì ta mới chấp nhận kẻ đó đủ tư cách chiến đấu với ta. Các vị chỉ mới thoát qua hai cửa ải thôi, chờ qua luôn cửa ải thứ ba nữa, rồi song phương sẽ gặp nhau. Cứ yên trí chờ đi!
Cả hai càng đề cao cảnh giác.
Lý Trại Hồng với hết tầm tay, đưa cao viên châu, soi sáng bên trên. Nhưng, họ chờ một lúc lâu, chẳng có động tĩnh gì.
Dù trườn lên, dù đứng lại một chỗ, Lý Trại Hồng cũng phải vận dụng chân khí như thường. Đứng lại một chỗ, vừa mất thời gian, vừa mất chân lực, lại chẳng ích lợi gì, nàng cảm thấy mệt mỏi rồi, thật khó cho nàng chi trì lâu hơn nữa.
Nàng cố gượng, song sức người có hạn, gượng một lúc lại đuối sức, quăng trả viên châu cho Nguyệt Hoa Phu Nhân, đồng thời nàng gọi bà:
– Tiếp nhận đi, phu nhân ...
Nàng không kịp dứt câu, rơi xuống liền.
Nguyệt Hoa Phu Nhân mất một tay án nơi chuôi kiếm, tay kia đưa tay đón bắt viên châu, Lý Trại Hồng cũng vừa rơi ngang bà. Không còn tay để hứng nàng, cũng không thể để mặc nàng rơi xuống, phu nhân vội đưa một chân ra, chận đà rơi của nàng.
Vì bận lo chận Lý Trại Hồng, bà quên mất viên châu nơi tay, một vệt sáng chớp lên, viên châu vuột tay bà, rơi xuống đáy hố thăm thẳm. Viên châu mất, song bà lại nắm được chéo áo của Lý Trại Hồng, chỉ vì bà gấp cứu nàng, không dè dặt, sè tay ra, chụp áo nàng, tự nhiên viên châu phải vuột. Châu mất rồi, thì bóng tối tràn về, bao phủ quanh hai người như trước.
Lý Trại Hồng thở dài:
– Vì công lực của tôi còn kém quá, thành ra để lụy cho phu nhân. Phu nhân cứ để tôi rơi luôn, cứu làm gì nữa!
Nguyệt Hoa Phu Nhân kéo nàng lên cao, thốt:
– Đừng nói nhiều, hãy gấp điều tức đi, chúng ta bằng mọi giá phải lên cho kỳ được trên đó, lần nầy thì già lên trước, cô nương dùng răng cắn vào tà áo của già. Khi nào không chi trì được nữa, thì tự nhiên già hay biết ngay, và chúng ta sẽ dừng lại, ngơi nghỉ.
Lý Trại Hồng kinh hãi:
– Giả như người bên trên ám toán?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cương quyết:
– Y làm gì mặc y, còn một điểm hy vọng, chúng ta cứ níu lấy hy vọng đó, khi nào không còn hy vọng, thì đành nhận mạng vậy.
Lý Trại Hồng sững sờ một chút:
– Vậy thì phu nhân bắt đầu lên đi!
Nguyệt Hoa Phu Nhân thốt một câu cho Lý Trại Hồng lên tinh thần:
– Lý cô nương! Sở dĩ già cứu cô nương mấy lượt, là hy vọng lên trên đó rồi, cô nương sẽ tiếp trợ già một tay. Đừng quá chán nản mà cho rằng mình là kẻ vô dụng.
Thực ra, phu nhân đã biết cái ý của Lý Trại Hồng. Trong lúc nàng sửng sốt, tâm tư của nàng phát sanh một ý niệm, là nàng chờ phu nhân trườn lên, nàng buông tay liền, cam tâm rơi xuống hố mà chết, chứ không muốn làm lụy đến phu nhân nữa. Ngờ đâu phu nhân mượn câu nói giục nàng phấn khởi, để cảnh cáo nàng luôn.
Nàng thở dài, không đáp.
Phu nhân biết là mình đoán đúng, nên tiếp luôn:
– Lý cô nương! Bởi thấy cô nương hằng quan tâm đến con trai già là Quan Sơn Nguyệt, nên già không thể để cô nương lâm nguy! Hà huống, trong tương lai, già sẽ còn nhờ đến cô nương nhiều. Đừng nghĩ ngợi xa xôi gì cả, cứ phấn khởi tinh thần, cố vượt qua khó khăn.
Bây giờ bà mới bắt đầu trườn lên.
Lý Trại Hồng theo sau liền. Lên được bốn năm trượng, nàng cảm thấy mệt rồi, không còn chi trì lâu được. Cử động của nàng chậm lại.
Nguyệt Hoa Phu Nhân dừng lại, bảo:
– Cứ nghỉ mệt đi! Dùng cả hai tay, ôm chân già!
Lý Trại Hồng vâng lời, vòng hai tay đeo dính chân Nguyệt Hoa Phu Nhân.
Trọng lượng toàn thân nàng, treo nơi chân phu nhân, dù thân nàng có nhẹ tới đâu cũng là một trọng lượng, và trong trường hợp nầy, người ta cần được nhẹ mình, không trườn lên thì cũng ngơi nghỉ, bất cứ một sức nặng nào cũng là một lụy phiền cả. Lý Trại Hồng áy náy vô cùng, ấp úng hỏi:
– Có nặng cho phu nhân lắm không?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười mấy tiếng:
– Đừng thắc mắc, cô nương. Già có thanh đoản kiếm, nương vào nó cũng được nhẹ người phần nào, sự tình không đến đổi gây lụy phiền gì đáng kể.
Lý Trại Hồng tỉnh ngộ, vội rút kiếm của nàng, cắm vào vách đá, đồng thời tự mắng lấy mình sao quá mờ ám đến độ không nghĩ ra điều đó.
Muốn rút kiếm cắm vào vách đá, nàng phải buông một tay, đeo một tay.
Ngờ đâu, cầm chắc thanh kiếm rồi, nàng đâm thử vào vách, bất giác nghe tay chùn lại đến tê dại, mũi kiếm lại gãy. Tự nhiên, thanh kiếm không đâm thủng đá!
Kiếm gãy, đá chạm, Nguyệt Hoa Phu Nhân nghe tiếng động biết là bên dưới chân Lý Trại Hồng đã làm gì. Bà cười nhẹ, thốt:
– Đừng làm việc vô ích, phí cả công lực, cô nương! Vách hố chẳng phải là bằng đá đâu, chính là một chất thép rất cứng rắn tạo thành. Trừ thanh kiếm của già, trên thế gian chẳng có mấy thanh kiếm đâm thủng được.
Lý Trại Hồng thở dài, tra thanh kiếm gãy mũi vào vỏ.
Họ dừng lại đó, nghỉ một lúc, bỗng Lý Trại Hồng hỏi:
– Người bên trên hăm họa chúng ta là còn thử thách chúng ta một lần nữa, sao mãi đến bây giờ, y chưa xuất thủ?
Nguyệt Hoa Phu Nhân đáp:
– Già cũng chẳng đoán được tại sao. Có lẽ y chưa nghĩ ra phương pháp tuyệt diệu, xứng với cái ý muốn của y.
Vừa lúc đó, Lý Trại Hồng ngẩng mặt lên, kêu khẽ:
– Có rồi, phu nhân! Có ...
Bên trên, hai điểm sáng màu xanh từ từ hạ thấp, như được thòng xuống, khi hai điểm sáng xuống gần, còn cách độ năm sáu trượng, cả hai nhận ra đó là một chiếc đầu rắn, đầu to độ cái bát ăn cơm, hai điểm sáng xanh, chính là mắt của nó.
Nguyệt Hoa Phu Nhân hấp tấp bảo:
– Trao thanh kiếm của cô nương đây cho già!
Lý Trại Hồng thốt:
– Con rắn đó sống qua nhiều năm, thành quát vật rồi, da nó cứng lắm, kiếm của tôi không chém đứt đâu ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân nói:
– Già biết rồi, già lấy kiếm đó, thay thế cho thanh kiếm của già, dùng kiếm của già, chém nó.
Lý Trại Hồng hiểu ý của phu nhân, rút kiếm đưa lên, đồng thời thun mình cho được gần phu nhân hơn:
– Tôi thay thế phu nhân chi trì một lúc, để phu nhân dễ dàng hành động.
Phu nhân gật đầu, cấp tốc rút thanh đoản kiếm ra khỏi vách hố, đồng thời gian, Lý Trại Hồng trườn lên, cắm thanh kiếm gãy mũi của nàng vào lỗ vừa bỏ trống. Đoạn, một tay vịn đốc kiếm, chịu thân mình, tay kia ôm phu nhân, giữ cho bà vững chắc, lại còn nhóng bà lên cao hơn, cho bà được tự do cử động.
Những động tác đó, chẳng phải bất cứ ai cũng làm được, và làm xong trong thời gian một thoáng mắt. Cũng nhờ họ là những tay kiếm thuật siêu phàm, nên trong những trường hợp như thế nầy, họ thực hiện được nhiều dự tính cứu thoát họ khỏi những nguy cảnh rùng rợn. Điều cần nhất cho họ là tranh thủ thời gian, thời gian về họ rồi là họ nắm phần chủ động, chiếm tiên cơ, con rắn kia có xuống đến nơi, cũng chỉ để chịu chết thôi!
Khi họ đổi xong tư thế và Nguyệt Hoa Phu Nhân đã sẵn sàng ứng phó với độc xà thì độc xà đã xuống đến nơi.
Thoạt đầu, từ bên trên, nó xuống rất chậm, rồi trong khoảng cách năm trượng, đột nhiên nó xuống rất nhanh, nó nhắm hai người, phóng mình tới.
Nguyệt Hoa Phu Nhân nhận định bộ phận của nó, vung kiếm chém vào chỗ cách đầu nó độ bảy tấc.
Từ đầu rắn xuống thân mình nó, cách bảy tấc, là điểm yếu hại của nó, chỉ có cách là chém vào chỗ đó, phu nhân mới hạ nó nổi, còn ra thì dù thanh đoản kiếm của bà có sắc bén đến đâu, chém vào chỗ nào khác trên thân mình nó, cũng chẳng gây hề hấn gì cho nó.
Con rắn uốn mình oằn oại mấy lượt, rồi rơi xuống đáy hố.
Nó từ trên xuống, sức nặng được tăng gấp đôi, nhát kiếm của phu nhân chạm vào mình nó, hầu như dính hẳn nơi đó, nó rơi xuống kéo theo thanh kiếm.
Rất may, phu nhân kịp thời rút kiếm lại, chứ nếu không thì đành bỏ luôn thanh đoản kiếm quý báu chém sắt như chém bùn.
Bên trên, có tiếng thở dài vọng xuống. Kế tiếp, một điểm sáng yếu ớt từ từ hạ xuống, chao chao, như một vật cột ở đầu dây được thòng xuống, đong đưa ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân cứ tưởng là một con độc xà nữa được người bên trên buông xuống. Lập tức, bà đề cao cảnh giác, nhìn đăm đăm vào vật sáng đó, chuẩn bị xuất kiếm.
Nhưng, chẳng phải là độc xà, mà chính là một ngọn đèn sáp ngắn. Ngọn đèn được gắn trên một mảnh gỗ, hai đầu mảnh gỗ có cột hai đường dây vừa thô vừa lớn.
Nguyệt Hoa Phu Nhân lấy làm lạ, hỏi:
– Thế là có ý tứ gì?
Người bên trên lạnh lùng đáp:
– Các vị đã vượt qua ba cửa ải của tại hạ rồi, thì đúng như thỏa ước, tại hạ thỉnh các vị lên ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân không đáp, tự hỏi có nên tin hay không tin lời đối phương.
Người bên trên lại lạnh lùng nói tiếp:
– Ta dành cho các vị một hảo ý, giúp các vị tiết kiệm phần nào khí lực, giả như các vị không tin, thì thôi vậy, chứ ta chẳng có lợi lộc gì mà bắt buộc phải cầu tình. Các vị cứ theo phương pháp riêng của mình mà lên.
Mảnh gỗ có ngọn đèn gắn vào đó, từ từ nhếch lên.
Nguyệt Hoa Phu Nhân hấp tấp gọi:
– Chờ một chút!
Bà đặt một chân lên đầu vai Lý Trại Hồng, nhảy qua mảnh gỗ.
Lý Trại Hồng thấy bà đã sang qua mảnh gỗ rồi, lập tức vận công lấy đà chòi manh tay vào vách hố, đẩy bật thân hình ra, chụp lấy mảnh gỗ, đeo tại đó. Đoạn, nàng lộn ngược thân hình, chân đưa lên không, đáp xuống mảnh gỗ, cạnh Nguyệt Hoa Phu Nhân.
Bây giờ, mảnh gỗ từ từ lên cao.
Bên trên, có giọng nói lạnh lùng vang xuống:
– Các vị quả thật to gan! Các vị không sợ là ta sẽ hại các vị một lần nữa à?
Nguyệt Hoa Phu Nhân kinh hãi, song vẫn làm tỉnh, ung dung đáp:
– Chúng ta tin ngươi, nên yên tâm bước lên mảnh gỗ, giả như ngươi muốn giở trò quỷ quái gì, thì điều đó hoàn toàn tùy thuộc nơi ngươi, sanh mạng của chúng ta dù quý, vẫn không quý bằng một chữ tín, ngươi không giữ chữ tín, là quyền của ngươi, còn chúng ta thì không thể không tin ngươi, bởi hoài nghi đồng nghĩa với khinh miệt. Bình sanh, chúng ta không hề khinh miệt ai, kể cả trẻ nít.
Người bên trên bật cười ha hả:
– Nếu bây giờ ta có muốn làm gì, thì các vị cầm như con cá nằm trên thớt, tuy nhiên, các vị cứ yên trí, ta nói ra lời nào là giữ nguyên lời đó. Còn như vấn đề đối phó với các vị, thì vội gì cho ta chứ? Ta cứ đợi các vị lên đây, rồi đường hoàng mà đối phó, quang minh chánh đại mà đối phó.
Nguyệt Hoa Phu Nhân hừ một tiếng:
– Thế sao ngươi cứ dài dòng lảm nhảm? Hăm dọa bọn ta làm gì?
Người bên trên cười nhẹ:
– Để xem các vị có can đảm hay không vậy thôi. Xem các vị có sợ bị buông rơi xuống đáy hố hay không!
Mảnh gỗ được kéo nhanh hơn, lên gấp hơn. Trong thoáng mắt, mảnh gỗ lên ngang chỗ Lý Trại Hồng đã nói, chỗ đó theo lời nàng thì mường tượng một cửa hang. Mảnh gỗ dừng lại. Nhưng, nơi cửa hang, chẳng có một bóng người.
Nguyệt Hoa Phu Nhân cao giọng:
– Ngươi ở đâu?
Không một tiếng đáp từ cửa hang phát ra.
Chờ một chút, chẳng nghe động tịnh gì, Nguyệt Hoa Phu Nhân quyết định một chủ ý. Bà cúi mình xuống, nhặt ngọn đèn sáp, cầm chắc nơi day, rồi nhún chân nhảy qua cửa hang.
Lý Trại Hồng cũng lập tức rời mảnh gỗ, nhảy theo bà.
Nguyệt Hoa Phu Nhân vừa đưa ngọn đèn soi rọi phía trước mặt, vừa đi tới.
Điều bà lo ngại nhất, là rắn, bà lo ngại rắn xuất hiện tấn công hơn là sợ người.
Bởi, rắn là vật nhỏ, nó di động không gây tiếng gió như một người, bà khó phát hiện kịp thời. Rắn, là vật mà bà thấy khó khăn đối phó hơn người, và dĩ nhiên nó độc hơn người.
Như bà đã nghe người trong vách nói, sơn cốc nầy có cái tên là Thiên Xà Cốc, vả lại bà cũng đã gặp loài rắn độc mấy lượt rồi.
Nhưng, lạ làm sao, cả hai đi được một quãng đường khá dài rồi, vẫn không gặp một con rắn nào cả.
Rắn, vắng bóng, chẳng nói làm chi, người cũng vắng bóng luôn. Thế thì, kẻ đối thoại với họ ở đâu?
Con đường cả hai lần theo để đi tới, cũng khá rộng, chỉ phải cái là hơi ẩm thấp, phàm nơi nào ẩm thấp thì không khí cũng có phần nặng nề, họ thở không khí đó, hơi khó chịu hơn là lúc ở tại lòng hố sâu.
Họ đi tới, càng đi, họ càng có cảm giác là mình đi lên đỉnh núi. Càng lên cao, không khí càng khô ráo, chốc chốc Nguyệt Hoa Phu Nhân ngẩng mặt nhìn lên.
Qua một lúc nữa, bà thấy bên trên có một lỗ hổng, chừng như nơi đó là một lối xuất nhập của con đường hang nầy.
Qua lỗ hổng, ánh sao chiếu mờ mờ, ánh sao không giúp soi đường rõ ràng, nhưng cũng làm cho phu nhân cao hứng, bởi thấy ánh sao là thấy khung trời quang đãng, là thấy tự do.
Gấp bước hơn, bà tiến nhanh lên, thoát ra ngoài.
Lý Trại Hồng cũng bám theo sát gót.
Ra đến bên ngoài rồi, phu nhân sửa lại mái tóc cho thẳng, đoạn thở phào:
– Đến nơi nầy, dù sao thì cũng khoan khoái hơn!
Lý Trại Hồng gật đầu:
– Cái hang đó, xem ra cũng không đến đổi quá ngột ngạt!
Nguyệt Hoa Phu Nhân mỉm cười, hỏi nàng:
– Bỏ qua vấn đề ngột ngạt, cô nương có nhận thấy cái gì khác lạ chăng?
Lý Trại Hồng kinh ngạc:
– Tôi có thấy chi đâu, phu nhân? Thế có gì lạ?
Nguyệt Hoa Phu Nhân thổi tắt ngọn nến, cất kỹ vào mình, rồi từ từ thốt:
– Già biết, cô nương không hề chú ý, mà già cũng chẳng dám tiết lộ cho cô nương biết, bởi sợ cô nương không cầm lòng được rồi kêu thét lên, rất có thể vì cô nương mất bình tĩnh mà sẽ có nhiều sự phiền phức phát sanh. Vừa rồi, chúng ta đã vượt qua một cái hang rắn đó, trong hang có hằng ngàn, hằng vạn con độc xà, chứ chẳng phải ít đâu.
Lý Trại Hồng không tin, hỏi:
– Thế tại sao lại chẳng có một con rắn nào xuất hiện?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười nhẹ:
– Chỉ tại ánh sáng của ngọn nến nầy. Màu rắn với màu ánh sáng đồng nhau, do đó không có phản ánh rõ rệt cho nên cô nương không phân biệt ...
Lý Trại Hồng vẫn chưa chịu tin:
– Rắn có nhiều như vậy, ít nhất cũng có một số nhúc nhít chứ, chúng nhúc nhít là mình thấy ngay, nhưng suốt đoạn đường chúng ta đi qua, nào có động đậy chi đâu?
Nguyệt Hoa Phu Nhân mỉm cười:
– Chỉ tại ngọn đoản chúc nầy. Nến, làm bằng một chất tủy cá biển đặc biệt.
Lúc đốt lên, nó tỏa một mùi cũng đặc biệt, cái mùi đặc biệt đó có công hiệu làm cho các loại độc trùng như rắn, rết, khiếp phục ...
Chừng như Lý Trại Hồng có phần nào tin tưởng rồi, bởi nàng có ngửi một mùi lạ, lúc đó nàng nghĩ là mùi từ người phu nhân bốc ra thôi. Cho nên nàng không chú ý. Đã khởi sự tin, tự nhiên nàng phải phục, nàng thốt:
– Phu nhân có kiến thức rất rộng ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân thở dài, chận lời:
– Bất quá, nhân một cái may mà biết được vậy thôi, chứ kiến thức gì sâu rộng mà cô nương quá khen! Năm xưa, trượng phu của già, từ hải ngoại trở về, có mang theo chất tủy cá đó và giải thích cho già hiểu công dụng của nó. Hơn nữa, tại Đại Ba Sơn là nơi già quy ẩn, có rất nhiều rắn độc, già có thực nghiệm chất tủy cá đó mấy lần, do đó mới hiểu như già vừa giãi bày với cô nương. Rất tiếc là già không tưởng trên bước đường luân lưu nầy, lại có dịp cần đến nó, nên không mang theo.
Lý Trại Hồng tỉnh ngộ:
– Thảo nào! Thoạt đầu, tôi hết sức lấy làm lạ tại sao phu nhân lại tiếc rẻ một đoạn nến vô giá trị như vậy. Đã nhặt nó rồi, phu nhân lại còn trân quý như châu ngọc. Thì ra, tại vì nó có tác dụng ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân gật đầu:
– Cái tác dụng của nó phi thường lắm, trong sơn cốc nầy, hẳn là có người giỏi thuật huấn luyện rắn, già thấy đoạn nến còn thừa, bỏ đi thì uổng, nên nhặt lên, ngờ đâu lại có chỗ dùng ngay!
Lý Trại Hồng toan nói gì đó, bỗng có tiếng xào xào vang lên, càng phút càng lớn và lớn rất nhanh.
Nàng nhìn về phía đó, bất giác biến sắc mặt, suýt buộc miệng kêu thét lên.
Nhưng Nguyệt Hoa Phu Nhân kịp thời ngăn chặn:
– Đừng sợ, đã có già đối phó.
Bà nói, chỉ để trấn an Lý Trại Hồng, chứ thực ra, bà cũng kinh khiếp như nàng. Bởi, từ phía tả của hai người, một quái vật xuất hiện, nói là quái vật bởi cả hai chưa từng thấy một con vật nào như thế lần nào trong đời.
Con vật, cao bằng người, dưới ánh sao mờ mờ, nó hiện ra với màu xanh đen của lớp vảy trên mình, con vật đầu người chân người, chân trước giống tay người, chỉ khác ở lớp vảy bóng sáng thôi.
Nguyệt Hoa Phu Nhân vung kiếm, toan chém tới, con vật bổng cất tiếng người:
– Đừng cử động! Trong lúc nầy, ta không muốn động thủ với các vị.
Giọng nói rất lạnh lùng, tuy nhiên không phải là âm thinh của người vừa rồi.
Dù ngừng tay lại, Nguyệt Hoa Phu Nhân vẫn phòng thủ như thường, bà hoành kiếm ngang ngực, sẵn sàng phát xuất chiêu công nếu quái vật nhúc nhít.
Bà quát:
– Ngươi không được bước tới!
Lý Trại Hồng cũng hét lên:
– Ngươi là người hay là yêu quái ...
Qua âm thinh của quái vật, nàng đoán là một nữ nhân.
Quái vật cười lạnh, thốt:
– Lý Trại Hồng! Thấy hình dáng của ta, ngươi không nhận ra ta là ai, cũng được đi. Nhưng nghe âm thinh của ta, ngươi vẫn chưa nhận ra nữa sao? |
|
|