Nến Trong Kẽ Liếp Lúc ấy, đầu buổi trưa, sau cửa liếp. Tôi vẫn yêu khoảng tranh tối tranh sáng của căn phòng cài bằng những song cửa gỗ. Chúng để lọt các vạch nắng hắt qua khe, tạo cảm giác một không gian khép, vừa ngăn chia nhưng vẫn còn chút tương giao với thế giới hở tung hỗn độn bên ngoài. Ở đó, hơi nóng nhiệt đới bốc lên hừng hực từ mặt lộ nhão nhựa đường. Cả nhà, anh Vân và chị Hạc, sau bữa ăn trưa hẳn đang thiếp ngủ. Tôi lăn từ tấm nệm giường xuống sàn đá hoa tìm hơi mát, lẩn thẩn sờ tay lên những lằn sáng kẻ vệt trên các ô gạch in đường cong cong mà màu sắc chỉ còn nhờ nhờ khó định. Chiếc quạt máy trong góc phòng lay nhẹ tấm màn chị Hạc đã căng lên hai hôm trước. Bóng màn rọi cùng khe sáng, tôi nhỏm dậy kéo tuột chiếc áo vải phin ra khỏi người. Đúng lúc ấy, anh Vân đẩy cửa. Anh nhìn sững vào thân thể tôi đang chơi đùa với những vằn nắng vẽ trên da.
Chiếc trực thăng thả tôi xuống phi trường quân sự. Tên phóng viên Mỹ ngồi cạnh từ thành phố ra, lăm lăm chiếc Nikon kềnh càng, giơ lên bấm lia lịa khi tôi bước xuống ba bực thang sắt. Gió từ cánh quạt thổi bay những sợi tóc tôi cố nắm lại, vạt áo dài trắng bật tung quấn cả vào chiếc xách tay mà người phụ tá của anh Vân đến đón đang cầm hộ. Tôi xấu hổ cuống quít kéo gỡ, tự trách mình sao chẳng mặc quần jean cho tiện. Gã phóng viên đã đứng sau lưng, to lớn chừng đổ xuống là lấp kín cả tôi nhỏ bé, lại lách tách cố thâu khuôn mặt tôi vào ống kính. Tôi vội vàng quay đi, hắn cười: - Sorry, tại cô em đẹp quá. Tôi cáu giận muốn nói câu gì, nhưng chẳng tìm ra chữ. Thì ở trường tôi nào học đủ ngoại ngữ để thốt ra những lời lẽ cọc cằn. Anh chàng phụ tá liến thoắng giọng Đà Nẵng nhiều âm chữ a và e, giúp tôi trèo lên xe jeep và bảo, Trung úy chờ cô bên kia cầu. Bên kia cầu? Tôi mừng rỡ tưởng rằng anh Vân sẽ đưa đến gặp Đăng ngay. Màu xi măng xám ngắt của phi đạo chợt sáng nắng trong lòng mắt tôi mong đợi.
Không như tôi nghĩ, anh Vân mặc thường phục, trẻ và đẹp trai hơn Đăng đã tả. Hai hàng mi cong cười cùng với hàm răng trắng. Nhưng anh nhìn lơ đãng, chỉ một cái gật đầu. Tiếng nói miền trung của anh trài trại, không ấm và lai giọng bắc như Đăng, cũng chẳng giống anh hạ sĩ phụ tá.
- Đăng bất ngờ bị hành quân. Tôi đưa Miên về nhà trước.
Câu nói ngắn đủ làm mắt tôi cay cay. Những háo hức mê muội lúc chân trước chân sau rời nhà, lúc ngại ngùng dối mẹ đi thăm con bạn tận Nha Trang, lúc gom những tờ thư luôn viết dở chừng cả tháng qua đem đi cho Đăng, bỗng chốc loà đi với nắng trưa trải loang trên mặt nước con sông dưới chân cầu. Vậy mà Đăng réo gọi, vậy mà Đăng hứa, Anh sẽ có mặt ngay, khi anh Vân cho biết em đã tới. Dãy núi trọc bên kia bờ sông chắn ngang tầm mắt, cắt cái nhìn gãy gọn với chân trời xanh băn bẵn. Làm sao tôi có thể tưởng tượng ra vùng đồi núi mù sương mà Đăng từng kể cho tôi trên những hàng chữ chăm chút dưới bunker. Đành lững thững theo chân anh Vân, lại trèo lên xe jeep băng qua cổng trại lính kiên cố, chung quanh hàng rào chất đầy bao cát chắn đạn. Phố phường lèo tèo hàng quán, không gian khô rang. Tôi đảo mắt tìm vài bóng cây xanh, chỉ bắt gặp những ống quần bà ba rộng dưới quang gánh, mấy tấm áo bông hoa của người con gái đạp xe mệt mỏi và dăm cặp mắt thiêm thiếp của cụ già ngồi dựa cột bờ hiên. Ở góc phố, rạp chiếu bóng tường vôi vàng đất hiện ra với tấm tranh che gần hết nửa mặt tiền, vẽ ảnh đôi trai gái màu mè rực rỡ nhưng mặt buồn rười rượi, lại cảnh chia ly. Bọn Mỹ mang sang đầy phim cao bồi trinh thám mới mẻ để chiếu xem trong trại, nhưng nhiều lần anh đã vào rạp xi-nê này, chỉ để nghe tiếng ghế kéo, và được ngỡ đang ngồi bên em, ở Rex. Đăng đã bảo như thế, chàng đã kể bao nhiêu về cái tỉnh lỵ nhỏ này, về những buổi chiều cuối tuần từ trên đồi cao trở xuống tìm một tách cà-phê bên bờ sông. Tiếng đại bác lúc ấy chỉ còn là âm thanh mơ hồ rơi rớt như những giọt mưa đầu thu trên thành phố xa lắc. Đã bẩy tháng hơn, sau những ngày Tết khủng khiếp, Đăng chưa được về phép. Tin Đăng khi có khi không, lo âu, nhớ chàng điên dại, tôi gọi cho anh Vân, anh thu xếp chỗ trực thăng cho tôi liều lĩnh đi tìm Đăng. Sự liều lĩnh của cô gái thành thị, mười bảy tuổi.
- o O o -
Anh Vân vừa chỉ cho tôi căn phòng nhìn ra sân thì chị Hạc về. Chị reo vui như từng thân thuộc, tiếng Huế mềm không chờ đợi từ một dáng người khô gầy và mái tóc cắt ngắn. Nhưng cặp mắt chị to sâu đến nỗi tưởng rằng không bao giờ chúng khép lại và người đối diện có lúc không chịu đựng nổi, sẽ phải cúi nhìn thuần phục. Thế mà ai biết được điều gì gạn đục đời người đàn bà ấy, ít nhất trong lúc tôi có mặt trên thị trấn này vào những ngày hè nung đốt, tiếp nối một mùa xuân rực lửa. Dắt tôi vào phòng, chị khoan thai mở to hai cánh cửa, khí trời còn hừng hực cuối chiều ập vào càng làm long lanh hai đồng tử đen nhánh. Những giọt mồ hôi ứa rịn mấy sợi tóc mai bên thái dương, chị Hạc mỉm cười nhìn ngắm tôi rồi chặc miệng :
- Yêu chi cho khổ ri trời. Sao mà gan dữ rứa, tiểu thư yểu điệu thế ni, dám bỏ nhà bỏ cửa ra đây, rủi mệnh hệ nào.
Lời than khiến tôi rùng mình. Bóng nắng sau lưng chị nhập nhoà với gương mặt nghiêm khắc và bàn tay thoăn thoắt búi lọn tóc chặt chẽ của mẹ tôi. Tôi ấp úng định trả lời thì chị Hạc đã đưa hai tay ôm eo tôi kéo sát gần. Vẫn đôi mắt rút cuốn ấy, chúng đang nở lớn hơn nữa, choàng áp, bao phủ cả mặt tôi, chiếm cứ. Tôi cố gượng tránh né, chị bỗng buông ra, quay ngoắt nhìn ra sân, chỉ vào cái chòi lợp tôn sơn xanh dưới cây chuối hột, giọng thản nhiên :
- Đó là phòng tắm. Tắm nước mưa da mềm hơn nước máy.
Tôi ngẩn ngơ, nơi đây có đủ mưa để tắm ư với từng bãi cỏ vàng cháy trên con đường vừa đi qua.
Đêm hôm ấy tôi nằm co trên chiếc giường trải ra xanh mướt. Chị Hạc kêu với anh Vân, Con bé cứng đầu không chịu giăng mùng, ngày mai da dẻ mịn như xu xoa sẽ sần sùi đậu đỏ! Anh Vân, vẫn ít nói trong suốt buổi tối, cất tiếng ngần ngừ :
- Hay đợi Miên đã ngủ, em vào treo mùng lên.
Lạ, anh Vân học ai, cứ gọi tôi bằng tên như người đồng hàng, vừa xa cách lại như cố tình gần gũi. Anh chỉ là người chỉ huy trung đội cũ của Đăng, từng giúp chàng chuyển thư từ về Saigòn cho tôi được nhận nhanh chóng, mà sao họ quan tâm đến tôi nhiều thế. Tôi để cửa mở nhìn lên trời đen, nghe ngóng. Không có ‘‘đại bác ru đêm’’, không cả ánh hỏa châu, chỉ tiếng oàm oạp, vo ve côn trùng, thỉnh thoảng ré lên chu chéo bọn mèo đang rượt đuổi tìm tình. Ở cõi này mà bình yên thế sao, trong khi nơi thành phố, chẳng đêm nào không bị đánh thức bởi những tiếng nổ chẳng đoán được xa gần. Có lúc chừng như mơ hoang đường, thế mà vẫn lo âu. Sáng mai vào lớp, tên đứa bạn nào sẽ bị xoá sổ vĩnh viễn trong gạch ngói tan tành đêm qua, một cái chết vô thường.
Gần sáng, tôi choàng thức với hơi thở ngắt dồn dập và chuỗi kêu sảng vọng qua từ bên kia vách tường mỏng. Vội tìm chiếc gối ôm đã rơi xuống đất, tôi xiết vào lòng, che chặt vành tai. Rộn ràng nhớ Đăng xa xót. Hai bàn tay chàng cuống quít nhưng cuối cùng âu yếm vào cần cổ, có xa hơn chỉ là khoảnh da thịt thật nhỏ bé bên hông, hé giữa hai vạt áo dài tôi, thiếu nữ. Bao giờ Đăng hành quân về, khi nào tôi nhìn thấy Đăng. Rồi những lúc được có nhau chúng tôi sẽ đi đến đâu, có dám bung toang tất cả những rào chắn, như Đăng đã điên cuồng khao khát trong những tờ thư gần kề cái chết, như tôi ngây thơ tội tình tự hứa sẽ cho đi nếu Đăng sống sót. Hai chân quặp chặt chiếc gối, người và giường bên phòng anh Vân vẫn không ngừng gây tiếng động rập rình bỡn cợt, lấp cả mấy con chim cu đang rúc lên gọi sáng.
- o O o -
Ba bốn ngày đợi Đăng khắc khoải. Từng sáng anh Vân vào trại rồi chị Hạc lên xe máy đến trường dạy học. Nhìn vòng mông chị hẹp, xiêu trên yên với hai vai nhô xếch thân áo dài màu thiên thanh, tôi tự hỏi, với sức lực nào chị đã hò hét rồi van vỉ trong đêm. Chị vuốt dọc theo sống lưng tôi rồi lên mái tóc, sau đó nheo mắt cười, xong đủng đỉnh dắt xe ra ngoài đường cái. Vợ chồng họ giống nhau ở hàm răng đẹp lạ lùng. Nhưng nếu chị Hạc luôn nhìn tôi thẳng suốt bằng đôi mắt trong thì anh Vân thường ngó qua rồi quay đi lẩn tránh. Điều đó đã xảy ra, ngay cả trước giấc trưa ấy, sau cửa liếp.
Khi họ đi, tôi bước ra phố thị, chỉ vài con đường là hết. Dần dà tôi tìm thấy mấy cây phượng còn sót ít lá xanh và vài cành vớt vát chùm hoa đỏ. Trên thân thỉnh thoảng đen xịt dấu vết trái nổ hay vệt đạn trụi cành. Từ đầu con đường chính đổ xuống bến tàu, quán phở, cơm bình dân rồi đến tiêm may âu phục với nửa hình nhân bằng nhựa không đầu, không tay, vải áo vét bạc nhếch dưới tia mặt trời chiếu xuyên tủ kính. Người đàn ông duy nhất mặc quần đùi, ở trần, che tay ngáp bên tấm bàn gỗ rộng và cao. Tuy thế, bỏ qua hai căn nhà đóng cửa im ỉm là gặp ngay những mảnh áo phụ nữ đầy hoa treo lủng lẳng ngay trên vỉa hè, chúng phất phới như reo cùng giọng cười rúc rích của dăm cô thợ may. Có cô chúi đầu đạp máy, cô quì trên tấm phản, cong chồm ra trước gần như bò theo đường kéo cắt vải. Một bà nhiều tuổi hơn, ngồi ngay cửa vào, chẻ từng lọn rau muống xoắn xít, sau làn vải mỏng tanh hai vệt vú chảy dài xuống tận chiếc ghế đẩu bé con. Bên kia đường, một cửa tiệm quan tài lớn choáng hai mặt tiền, và cạnh nó một mái nhà lụp xụp bán vàng mã. Chỉ bán thôi mà chẳng hiểu sao mới sáng đã mùi khói hương sực nức. Giấy tiền vàng bạc bày trong thúng, những khung tre dán giấy bồi hình xe gắn máy, nhà cửa, tivi, máy hát, xếp từng chồng. Dưới tấm bạt che mưa nắng chìa ra hẳn lề đường, móc đầy quần áo, sơ-mi trắng quần tây đen, thêm vét-tông, gi-lê và cà-vạt hẳn hoi. Cả những bộ binh phục với sao bạc sao vàng, hoa mai, cứng ngắc giấy hồ. Đặc biệt, hàng mã ở thị trấn này toàn vật dụng đàn ông. Chợt vài chiếc xích lô và xe gắn máy đỗ xịch, thắng rèn rẹt, mấy người ùa xuống vội vã, kẻ vô tiệm hòm, người vào hiệu bên cạnh. Đám đàn bà của tiệm may cùng ngửng lên, nhìn sang. Cô trẻ nhất xì xào :
- Lại ở trong đó ra.
Cô cắt vải phụ vào:
- Thì mấy bữa trước đụng độ dàng trời, chết biết bao nhiêu.
Người đàn bà già chẻ rau nhếch nửa miệng :
- Cha mẹ nó, thời này chỉ bán quần áo cho ma là có lời. Cúng kiếng chi gấp gáp. Đem xác về trỏng, rồi cúng cũng được mà.
Chợt thấy tôi lóng ngóng trên vỉa hè, bà ta không biết nghĩ gì mặt hiền hẳn, hướng cái nhìn thương hại. Tôi lạnh người vội bước đi. Bỗng nghe mình bật khóc. Tôi quay trở về cùng lúc với hai người lính Mỹ từ đầu đường đi đến, phút chốc đã có mấy đứa trẻ từ đâu ào ra lẹ làng, xì xồ với những bàn tay ngửa.
- o O o -
Anh Vân khép cửa lại khi tôi vội vàng kéo tấm áo đậy người. Nằm im rất lâu trên nền gạch, tôi nghe anh nói nhỏ với chị Hạc :
- Đêm nay anh cấm trại.
- Chừng nào Đăng nó xuống?
- Chưa biết, em cố giữ Miên lại thêm vài ngày.
Có tiếng chị Hạc thở dài, rồi gọi to hơn :
- Mai anh nhớ về sớm.
Chẳng hiểu khi tôi thức dậy là mấy giờ, chị Hạc để tờ giấy trên bàn bảo đi công việc. Tôi ôm áo quần ra nhà tắm sân sau. Mấy cụm vạn thọ vàng đáu của chị Hạc trồng làm tôi lại rùng mình tưởng đến bàn thờ hương khói. Nắng chiều đã nhạt đi trên nóc tôn của những căn nhà thấp thoáng sau bụi chuối. Lu nước mưa nổi váng nhưng tôi đã quen, múc dội ào ào. Nhớ vành trăng gần rằm tối qua óng ánh những bọt xà phòng bong trắng trên nửa thân người thẳng dẹp và chiếc quần đen thõng ướt. Chẳng hiểu sao chị Hạc thích mặc quần để tắm ngoài sân như thế. Nhưng đâu ngờ, hai trái ngực đàn ông màu sữa, chỉ đoán được nhờ hai núm nổi rất hồng, nghiêng ngiêng đường rãnh lưng không đủ trũng, cùng phần sa tanh đen bóng của mảnh vải ấp cặp chân dài, lại vương vương liêu trai, kích thích lạ lùng. Không rõ chị nhìn thấy tôi sau khung cửa chăng mà thỉnh thoảng chị quay về phiá ấy, mỉm cười.
Tắm vào, tôi mở toang hai cánh cửa gỗ song, mắt bắt ngay vùng đất trống bên kia con đường. Chính giữa chỏng trơ cái chòi gác bằng gạch xây vội vã. Vòng kẽm gai quấn dưới chân, lăn thênh thang trên mặt bãi lơi khơi từng chụm cỏ khô vàng. Một lần, anh Vân đã thản nhiên :
- Dấu tích của những ngày chiến tranh chưa tràn tới thị trấn. Người ta chỉ cần cái chòi này để thỉnh thoảng leo lên ngồi ngó trời là đủ. Bây giờ, Miên sẽ thấy dàn súng phòng vệ trên đồi, oai lắm.
Chị Hạc lúc ấy đang dọn cơm trong nhà, nói với ra, mai mỉa :
- Không chỉ dàn súng, còn nhiều thứ khác, em bảo anh Vân chỉ cho coi, ở bến tàu đó, ảnh rành lắm.
Anh Vân nghiêm ngay nét mặt, ném điếu thuốc hút dở ra mặt đường rồi bước mạnh, thẳng lên con lộ dẫn về phía tiệm may. Tôi ngồi xuống trước đĩa cá nục hấp và những cọng rau thơm xanh bồng. Bỗng thấy no ngang, hơi lợm mùi mắm nêm đáng lẽ phải bốc thơm cùng ớt chín đỏ nhừ. Chị Hạc long lanh khoé mắt, nhếch miệng:
-Ăn đi em, kệ ảnh.
Không rõ chị Hạc đi đâu giờ này, lũ trẻ con mấy nhà bên cạnh đã đi học về, xúm xít búng đạn đánh bài, tiếng la hét cãi cọ ồn ĩ chen với giọng cải lương từ đài phát thanh trung ương toang toang, lên bổng xuống trầm não nuột. Tự nhiên tôi xót nhớ căn gác nhìn ra cây gòn và vườn chùa im vắng. Mới mấy ngày tôi bỏ nó đi thế mà hình ảnh đã loang theo ánh sáng trống trên bãi đất cằn trước mặt. Trong căn gác ấy, còn lật nửa chừng trang truyện Kim Dung. Anh chàng Dương Quá đương tuyệt vọng gục xuống vực sâu gào gọi, nhưng Tiểu Long Nữ không đáp trả cái hẹn mười sáu năm, làm cô bé Miên quặn nấc. Vẫn trên chiếc giường đầy gối cuốn văn phạm Pháp mà con Miên phải ôn lại cho kịp ngày phỏng vấn đi du học, mẹ bảo vậy. Có cả tấm màn voan mong manh vuốt ve trang thư Miên viết cho Đăng, gọi chàng về gặp trước khi Miên buộc phải nghe mẹ đi xa. Chuông mõ buổi kinh chiều lóc cóc boong boong từ dưới chùa ngân lên hoà lẫn với tiếng mưa Đăng thì thầm kể chuyện. Mấy hôm rồi không tiếng súng, họ chạy đâu chẳng biết trong mưa lũ chợt đổ trắng núi rừng này em ạ. Hình như cả hai bên đều mỏi mệt, đều thèm thuồng một chút dừng nghỉ. Một khoảnh khắc chỉ để bình an trông mưa, ngửi nắng, nghe thiên nhiên động tĩnh hiền hoà. Nhìn, nghe và thương nhớ. Để thấy không phải chỉ toàn mùi tử khí mà còn hương sự sống và màu sắc tươi sáng lẫn nghẹn ngào của ước mơ. Chiều hôm nọ anh xuống làng chân đồi. Mấy cụm nhà lèo tèo còn ươm khói. Đám trẻ con lếch thếch chạy theo, tranh nhau nhặt bất cứ cái gì của mấy người lính Mỹ lẫn Việt từ trên xe vứt xuống. Bao tử anh dội chất chua nhờn lẫn cay xé. Nhưng sau những khuôn mặt choắt khô, những bàn tay đen đủi, anh đã bắt gặp một đôi mắt tròn mở sáng và nụ cười đồng tiền rạng thắm của cô gái mặc áo bà ba trắng đứng bên vách tường của ngôi trường duy nhất. Cô giáo làng ấy chừng không hơn em bao tuổi, nhưng cao lớn bởi phong thái điềm đạm, săn sóc ngọt ngào với lũ trẻ. Thằng trung sĩ Mỹ vung xuống hộp kẹo, một đứa nhỏ chụp được. Cô gái gọi lại để phát chia cho cả đám. Tên trung sĩ thấy vậy nhảy xuống xe, hề hề đến gần giơ tay vuốt má cô ta. Không ngờ bị nàng quất mạnh hộp kẹo vào trán. Hắn lạng quạng, ôm mặt rít: Shit ! Bọn lính còn lại trong xe cười ngặt nghẽo. Hắn cáu, đưa chân đá tung đám bàn ghế gẫy chất ở gốc cây. Chợt tiếng đại bác 155 ly dội toang từ phiá đồi. Cả bọn tức khắc rút súng, nhào xuống đất. Cạnh mái hiên trường, người thiếu nữ giang hết cả cánh tay như muốn ôm trọn những đứa bé nằm dẹp trên sân. Đấy em, một chiều trời trong và thanh bình với những dòng mây mỏng tanh của thứ hồn người không được quyền mơ ước một thực tế lành lặn. Anh trở lên đồi khi tràng nổ chỉ còn là âm vang mơ hồ. Nhưng khuôn mặt cô giáo trẻ càng lúc càng rõ nét trong đêm. Xin lỗi em Miên ạ, lần đầu tiên, anh cảm thấy một người đàn bà gần cận đến độ có thể chia sẻ cả bóng tối của núi rừng thẳm hoặc.
Tiếng nấc ức nghẹn buồn tê điếng dồn trong ngực tôi. Nơi Đăng đóng quân xa mù với thành phố tôi sống, với căn gác tôi nằm. Làm sao tôi đến với Đăng để núm má lõm đồng tiền kia đừng thay thế mình trong giấc mơ hoảng của chàng. Tôi đau đớn di ngòi bút trên trang giấy những dòng thương cảm và hờn giận. Những tiếng súng đoàng đoàng rầm rầm vang bên tai tôi như một bản nhạc nền. Thỉnh thoảng có hợp âm đập bùng bùng, tưng bừng ngời sáng ánh hỏa châu. Lằn đạn rít qua đồi trại của Đăng thốt lẫn với giọng mẹ tôi gọi từ lầu dưới:
- Con Miên làm gì chưa đem cháo sang cho bà kẻo muộn.
Con Miên vội bỏ tờ thư, rớt hẫng khỏi giấc mơ đại bác, chực nhớ tới bà nội nằm ngay ngắn trên chiếc giường kê gần cửa sổ trông ra cây trứng cá đỏ hỏn trái quanh năm. Bên cạnh đó, bà cô lỡ thì gục gặc mân mê mũi kim thêu những bông hồng nhỏ tươi thắm như nhan sắc ấy, một thuở nào.
Lần này, tôi bước qua tiệm bán áo quan và đồ mã, đi dọc theo dăm quán nước vắng tanh thả xuống bờ sông. Vẫn tấm biển vẽ cặp trai gái hoen lệ choáng ngợp rạp chiếu bóng thấp tè, đám học trò mút kem và cắn hạt dưa lau chau đợi giờ mua vé. Dẫu sao chỗ này cũng sống động hơn vùng đất khô bụi trước căn nhà anh Vân. Nhưng làm sao tưởng được Đăng từng vào đây để tìm một ảo giác? Gió sông chiều nay nổi mát, tôi đi xa hơn và bấy giờ nhìn thấy những quán ba nhấp nháy ánh đèn. Tiếng nhạc ngoại quốc rần rật chen giọng tình ca tiền tuyến hậu phương sướt mướt. Mặt trời ngả đỏ trên đỉnh núi đen bên kia khúc sông mở rộng để sẵn sàng tìm biển.Đôi thuyền đánh cá thả cảm giác an bình trên mặt nước lánh bạc. Tôi tìm chỗ ngồi trên đúm cỏ khuất sau võm bàng rộng lá. Vài đốm sáng lóe lên rồi vụt tắt từ núi trọc, chắc chắn đó không phải nơi Đăng đóng quân. Đồi núi chàng cây cỏ mù đường, vây nhìn thung lũng có ngôi trường làng và cô giáo trẻ, mà mortier có thể bay qua hay rớt xuống phá tung bất cứ lúc nào. Sau lưng tôi, bắt đầu xuất hiện những người lính marine Mỹ, bộ binh Đại-Hàn và cả đàn ông xứ tôi cười nói cùng các cô gái váy ngắn, nủng nỉnh mấy câu ngoại ngữ vô tội. Dĩ nhiên lũ trẻ con như ruồi bu tới với thùng đánh giầy, khay kẹo và thuốc lá, không kể những bàn tay lật ngửa xin tiền. Anh Vân đã dặn dò đừng đến bờ sông mà tôi chẳng nghe. Anh nào nghĩ rằng những cảnh tương tự cũng có mặt giữa trung tâm thành phố, tôi từ đó ra đây. Nhạc ở mấy quán ba đập ồn lên theo bóng tối đổ. Mây từ núi chùng xuống, phủ thảm mặt nước đang ngả sắc thạch đen. Tôi đứng dậy đi về, nhìn qua lòng đường chợt bắt gặp dáng anh Vân ôm lưng một người đàn bà đầy đặn, tóc quấn dài che nửa khuôn mặt bày cặp môi cam đỏ .
Chị Hạc chờ cơm dưới ngọn đèn nê-ông xanh rợn. Tôi vẫn ghét thứ ánh sáng lột trần này. Tối nay nó càng làm bộ mặt và thân hình gầy guộc của chị Hạc tóp lại như những cọng cải luộc lọp xọp, lạnh ngắt trên bàn. Tôi rùng mình nhưng chị Hạc vui, giục:
- Ăn đi em, cả nguội hết chừ. Anh Vân cấm trại tối nay.
Tôi nhìn mắt chị, đờ đẫn nhai những hạt cơm rời rạc. Đến đêm bất ngờ đổ mưa, bức nồng khí đất, chị Hạc bước vào nằm cạnh hít hà :
- Người thơm như vầy sao muỗi không thịt hè? Chẳng lẽ không đánh hơi ra mùi trinh nữ.
Tôi bật cười :
- Sao chị biết ?
- Răng không biết. Nè, ráng giữ nghe, đừng có vội cho đi. Chắc chi thằng Đăng xứng đáng. Mi ngu rứa Miên ơi.
- Chị Hạc à, chị khôn hay dại ?
- Khôn ba năm, dại một giờ cũng đủ. Hồi xưa dù đâu hấp dẫn bằng em nhưng chị không dẹp lép như ri, cũng mông đùi đầy đặn. Lấy nhau sáu năm rồi mà chẳng có con. Đàn bà không con, khô đét thành mắm.
- Tại chị hay anh Vân ? Tôi tò mò.
Mưa đã nhẹ đi, nhưng nặng tiếng thở chị dài :
- Chị thèm con lắm, anh Vân còn hơn nữa. Chị vào tận Saigòn chữa trị nhưng cóc hiệu quả. À, sáng mai em đi với chị tới chỗ ni, thôi chừ ngủ đi.
Tôi muốn hỏi thêm nhưng lặng lẽ gật đầu, nằm nghe chị Hạc trăn trở. Chốc sau, một bàn tay rờ rẫm lên vai tôi rồi luồn xuống tìm lật tà áo ngủ, giật mình tôi nhích ra, quay mặt vào tường. Chị Hạc xoay người, đâu lưng thở hắt. Những con mối đục gỗ lục cục rầm rì cùng mưa nhỏ đều trên ngói dường đưa chị vào giấc ngủ. Ngoài đường vẫn còn xe gắn máy thỉnh thoảng rồ ngang, không có đèn hay trăng rọi qua song cửa. Cũng những tiếng đạn nổ đâu từ xa, mơ hồ trong đồi núi, chẳng khác gì nằm trên căn gác nghe pháo kích và mấy chiếc L19 lượn vòng mấy vùng ngoại ô thành phố. Mưa như đêm mẹ khêu đèn thầm thì với ảnh bố. Gió kêu tiếng rên đau của bà nội khô queo cứ kéo tấm chăn che kín hai bàn chân bó chặt chỉ bằng nắm tay nhỏ thó. Luôn luôn thế, dù giữa tháng hè nóng bức. Bà không muốn ai nhìn thấy chúng, ngoài mấy người con gái của mình. Thỉnh thoảng bà đòi đỡ dậy đi ra phòng khách, nhìn lên bàn thờ bày toàn ảnh đàn ông. Ở giữa là ông nội áo mũ cân đai, chung quanh là ba đứa con trai yểu mệnh của bà. Ba khuôn mặt đàn ông trẻ tươi, bác, ba và chú tôi đều qua đời trên dưới tuổi ba mươi. Bà run rẩy cầm mấy nén hương khấn khứa, cầu giải một lời nguyền, bằng thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu nổi, rồi gục xuống tủ thờ. Người bà cao dài, nên miệng ngang tầm những tấm hình, bà hôn dễ dàng lên ảnh những đứa con. Trong khi tôi phải kiễng chân mới chạm được ánh mắt người cha chết quá sớm, chẳng hề biết mặt. Chẳng biết mặt đã đành, tôi phải thay người gánh vai trò đứa con trai trong dòng họ, vì những thằng bé cháu nội và cả ngoại của bà cũng qua đời non nớt. Tôi tự hỏi lời nguyền bí hiểm khủng khiếp, mà theo bà đã đưa đến sự yểu tử của tất cả những người con trai và những thằng cháu ấy, có phải chỉ tuyền là sự tưởng tượng huyễn hoặc trong trí óc một người đàn bà vương giả nhưng bị bức uất bởi định mệnh cay nghiệt. Hay lời nguyền đó xuất phát từ một thảm kịch nào? Bà chẳng nói cho tôi hiểu đã đành, mà ngay cả mẹ tôi là con dâu cùng những người con gái đẹp và yểu điệu còn lại của bà ngày ngày ra vào, ẩn hiện như bóng ma cô độc. Mẹ tôi thì thào lập lại:
- Bà nội bảo: Đừng cho con Miên để tóc dài, cắt ngắn đi. Con Miên học giỏi, cho nó đi du học, nó phải đỗ đạt thành danh như ông nội hồi xưa.
Rồi mẹ rướm nước mắt :
- Con cứ để tóc nhưng gắng học rồi bay đi, nhất quyết phải thoát cảnh bà cô già của mày ngồi chong ngọn nến.
- o O o -
Sáng sớm anh Vân về, cởi chiếc áo mang hai hoa mai máng lên cột gỗ. Tôi thốt nhớ màu vải ca-rô xanh anh mặc tối qua ở bờ sông. Chị Hạc đã dắt hai chiếc xe đạp ra ngoài hiên, giục tôi xỏ giầy. Xoay người, tôi chạm ánh mắt bám chặt của anh Vân. Anh không quay tránh như mọi lần, tiếp tục nhìn chăm vào dáng tôi cắt trên nền cửa sáng. Khi chúng tôi đã ngồi lên yên, anh mới chạy ra hỏi :
- Hai chị em đi đâu ?
Chị Hạc cười đáp gọn :
- Nhà thương. Chút về em sẽ kể.
Tôi chẳng thèm ngạc nhiên, cố gắng đạp sau xe chị. Chị ngồi lưng thẳng tắp, lái thật khéo qua con đường đất đá ngược hướng con sông. Tôi suýt ngã mấy lần vì bận ngó nhìn những con người lăng quăng vật vờ dưới các mái che bằng lá hay tôn dựng vội vàng. Trận mưa đêm qua đọng vũng sình lầy lội. Người lớn và con nít chạy đi chạy lại hai bên đường cùng với mấy con heo đen nhớp và bọn gà lúc túc xòe cánh dưới bánh xe tôi. Chị Hạc đạp chậm lại để nói nhỏ:
- Họ từ trên núi xuống tránh pháo kích.
Thế là tôi hốt hoảng nhìn kỹ hơn những bộ mặt đăm đăm cằn cỗi. Chăm chăm tìm ở đó một núm đồng tiền và đôi mắt to tròn của cô giáo trẻ, cho Đăng.
Nhà thương dân y cách trung tâm chừng ba cây số. Kẻ ra người vào, gấp gáp lằm bằm hay lệt bệt thẫn thờ. Chị Hạc ra dấu dừng xe trước một hàng rào đầy người ngồi dưới đất, rồi dẫn ngay tôi đến một người đàn bà mù ôm đứa bé độ ba tháng trên tay. Chị sà xuống vạch cái mũ rơm rách che mặt đứa trẻ trầm trồ nựng nịu :
- Coi nì Miên, con nhỏ dễ thương không. Cỡ này được sữa đầy đủ thì phải biết.
Xong chị quay sang người mẹ :
- Hộp sữa hôm qua hết chưa ? Còn gói xôi?
Bà ta nhướng nhướng hai tròng mắt trắng dã, làn da sạm tái không đoán nổi tuổi:
- Cô cho bao nhiêu thì ló dí ngộ ăn hết dồi.
Giật mình, tôi nhận ra mái tóc thường cắt bum bê của những người đàn bà Tàu, giọng nói lớ ngọng đã từng nghe đâu đó. Chị Hạc gỡ gói bánh mì và hộp sữa buộc ở cần xe đặt vào tay bà ta, rồi nâng đứa bé lên :
- Tui ẵm nó chút. Có mấy trăm nữa đó, bà giữ kỹ kẻo bị giựt mất.
- Cô ui, đem ló đi đi. Ngộ không cần liềng đâu. Cô cho ló ăn, sương ló như con là đủ dồi.
Chẳng thể chịu đựng hơn, tôi quay đi, ngửng nhìn những vệt nắng ứa trên màu ngói cũ của bệnh viện. Tôi nhịn hơi thở, tôi chặn đứng những sợi thần kinh, tôi bít chặt hai tai để đừng cảm, đừng nghe, đừng nhìn thấy khung cảnh quanh mình.
Sốt trưa tôi nằm vật vờ trong căn phòng khép cửa chấn song, người hâm hấp nóng. Chị Hạc bỏ dậy học, ló đầu vào hỏi han, đưa thuốc và nước cam ép uống. Chị lại leo nằm cạnh, nhưng lần này thuỗn người ngay ngắn, tay vắt qua trán :
- Chị đem con nhỏ về nuôi Miên ơi, em thấy sao. Bà Tàu đó tội quá, mang thai mà bỏ Chợ Lớn ra đây thăm chồng rồi bị trúng mìn mù mắt, nghe tin chồng tử trận trước đó mấy tháng. Chẳng hiểu sao không ai trong nớ ra đây đưa bả về.
Tôi không đáp trả, chị ngỡ tôi ngủ, bỏ đi ra. Có biết đâu tôi chỉ muốn gào lên : Đừng nói tới bà Tàu. Đừng đụng đến máu huyết tôi. Đừng dựng lại trong trí não tôi hình ảnh người đàn bà Trung Quốc, từ xa xưa, vì tình yêu bỏ lìa xứ sở và cuộc sống nhung lụa, phải làm dâu và bị hành hạ trong một gia đình phong kiến Việt Nam. Người đàn bà còn xuân sắc đã sớm mất chồng, chỉ ngọng nghịu vài câu nói nước người. Bằng hai vai gầy và đôi bàn chân còn bó chặt thời công nương, dẫn dắt sáu đứa con trên đường di tản từ bắc vào nam. Để rồi mất dần, mất hết những hòn máu thừa tự quí giá nhất. Quên cả mình trốn mẹ ra đến tỉnh lẻ cháy thiêu cỏ vàng này để làm gì, tôi lịm đi trong những ý nghĩ nhức đau bừng bừng, giữa buổi trưa hè oi đến sủi nhựa trên người.
Đầu chiều anh Vân ở trại về. Tôi tỉnh dậy với tiếng hát Thái Thanh từ bên hàng xóm, xé tim : Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Anh trả lời mai mốt anh về. Anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về dang dở đời em…Tôi lại định bịt tai nhưng thoáng nghe tiếng chị Hạc phòng ngoài :
- Con nuôi mà mình thương thì cũng như con ruột. Ba nó cũng lính như anh. Tội nghiệp nó dễ yêu lắm anh à.
Anh Vân gắt :
- Tự dưng nuôi con Tàu lai, ăn xin ngoài phố. Điên.
Chị Hạc phản đối ngay :
- Không phải ăn xin, anh đừng đổ oan cho người ta.
Rồi hạ giọng, thẫn thờ:
- Thế thì…không bao giờ mình có con.
Tôi chẳng ngờ anh Vân tàn ác :
- Vấn đề là ở cô. Tinh trùng tôi tốt, tại sao phải xin con!
Chị Hạc gào lên :
- Chẳng biết ai hơn ai. Mấy mụ đàn bà anh hẹn hò ở bến sông, anh gặp gỡ trong thành phố mỗi lần đi phép, đã ai cho bằng chứng là tinh trùng anh tốt.
Không có tiếng anh Vân trả lời, chỉ có tiếng xe rồ máy ào đi. Tôi vuốt lại tấm áo nhàu nát, bước ra. Chị Hạc gục đầu trong cánh tay nơi thềm cửa ra vào. Bụi trên đường cái bay mù với mấy chiếc xe vận tải và xe đò chạy qua. Tôi cảm tưởng chúng tung lên rồi sẽ tỏa thành sương phủ xuống thân hình đã gầy hao đi vì những chịu đựng âm thầm của chị Hạc. Thì ra chị đã biết hết. Có thể chị thấu hết tất cả bản chất và thân phận đàn bà mà không nói ra. Goá bụa đơn độc như mẹ, các cô Châu, Phượng của tôi, đau đáu như mấy cô thợ may hằng ngày ngóng sang cửa tiệm đối diện để đếm từng người đi mua hòm đón xác. Can cường và hiền hậu như cô giáo làng vùi nhốt tuổi xuân trong thung lũng rì rầm bom đạn. Và cả bà nội già của tôi cùng người mẹ mù, hai người đàn bà Tàu một đời lạc bước. Tôi ngồi xuống bên chị, nhìn sang bãi đất. Những vòng kẽm gai dưới chân chòi gác chạy tròn tròn, thoáng chốc rủ nhau vượt qua mặt đường, ùa đến quấn xoắn lấy tôi và chị Hạc.
Nhưng chúng tôi mệt nhoài, không vùng vẫy, lặng im như thế cho đến lúc anh Vân lái xe jeep trở về. Anh chẳng thấy gì, cử chỉ lại nhẹ nhàng thường lệ, đỡ chị Hạc dậy và nói với tôi :
- Đăng đã hành quân về nhưng có lệnh cấm trại.
Đầu óc tôi mù mịt, chẳng còn một khái niệm về thời gian, ngay cả sự thương nhớ, đợi chờ. Chị Hạc ngập ngừng:
- Hay...anh đưa Miên lên đó gặp Đăng.
Anh Vân chớp mau cặp mắt nãy giờ vẫn đậu trên vai tôi :
- Nếu Miên muốn, mình đi ngay.
Tôi vội vàng bước theo anh Vân. Chiếc xe jeep bỏ nhanh đường phố, băng qua đồng ruộng héo hắt cạn queo để leo lên đồi núi ấy. Chiều buông rất nhanh, vài đọt sáng sắp rút đi sau rặng cây. Chẳng biết lũ chim lạ đang xúm xít rỉa rói gì trên những đám đất bắn tung giữa vùng cỏ dại. Thật sự cũng không muốn ngó nhìn kỹ lưỡng, đôi mắt chập chờn, chúng khờ đi vì những sợi thần kinh bị căng chùng đột ngột bởi bao điều vượt quá tâm hồn tôi mười bảy. Quên cả mơ ước được nhìn thấy không gian Đăng sống thở, chỉ còn quay quắt một điều mau lên đến dãy trại trên ngọn đồi, choàng lấy cổ Đăng, oà khóc. Anh Vân lẳng lặng suốt từ lúc lên xe, thỉnh thoảng ném cái nhìn lên tôi lọt tỏm vịn cứng hai vành ghế. Chiếc jeep tưng lên dội xuống theo những vũng hố lỗ chỗ cày suốt con đường. Chúng tôi đi qua vài khu nhà dưới chân hay lưng chừng đồi. Chẳng nhà nào nguyên vẹn, thưa vắng như bỏ hoang dù vài sợi khói và mùi củi rạ vương thơm. Bầy quạ vụt bốc bay từ một hốc đá, quang quác, hỗn loạn. Tôi co rúm người cùng lúc với máy truyền tin của anh Vân báo hiệu. Anh Vân nhấc nghe rồi vội quặt tay lái :
- Báo động, chúng ta phải quay lại.
Xe vừa trở ngược đầu đã đùng đùng mấy tiếng nổ nghe rất gần. Chúi người ra trước tôi đưa tay ôm lấy mặt. Anh Vân dừng xe nghe ngóng, nhưng sau đó lại thinh lặng, chẳng một tiếng quạ kêu. Tôi chưa kịp ngước lên đã thấy một bờ môi mềm áp trên cổ, vòng tay bện qua vai. Một vài giây chao đảo mông lung, không phản ứng, rồi tôi vụt ngồi thẳng dậy, xô anh Vân ra. Tôi nghe rõ giọng mình chững chạc đến chẳng ngờ:
- Về mau, không chết cả.
Anh Vân ngồi ngay lại, anh nuốt gì mà trái táo Adam trồi thụt dồn dập. Xa xa, từ lưng đồi bên phải, cột khói bốc lên mang theo ánh lửa. Nhưng lặng im chẳng bao lâu, lại rầm một phát nổ toang vỡ đầu óc, tôi níu chặt lấy thành xe, để đừng bắn tung với cột gỗ mái tôn đang bung xuống từ xa trên trời. Anh Vân vừa nhấn ga lao về phiá trước vừa cuống quít :
- Đừng sợ Miên, Miên. Anh sẽ đưa em về đến nơi an toàn.
- o O o -
Ngọn nê-ông đã sáng trưng trên lưng chị Hạc đang mân mê mấy cuộn len màu hồng. Tôi kêu mệt bỏ ngay vào phòng. Hình như hai vợ chồng nhủng nhẳng vài câu và anh Vân lại lên xe. Rồi chị Hạc đẩy cửa, sờ tay lên trán tôi la hoảng :
- Úi chà, nóng ri trời. Cởi áo ra, chị cạo gió.
Tôi ngần ngừ, nhưng chị không tha :
- Ta cạo bằng gừng, có đụng tới da thịt mi đâu, nằm sấp lại.
Chất dầu Nhị Thiên Đường ran rát trên da, chắc đang trở đỏ mấy dọc sườn từ vai xuống cạn lưng. Chị Hạc vừa đẩy cục gừng vừa nói :
- Chị quyết định rồi, anh Vân không chịu kệ ảnh. Ngày mai chị lấy con bé về, em đi với chị nghe. Cùng quá, thì nuôi một mình. Chị mới mua len đan áo cho nó, coi vậy cứ mưa là con nít dễ bị lạnh. Nì, để yên yên vài bữa, rồi thế nào Đăng cũng xuống.
Tôi úp sấp cứng đờ cho chị cạo gió, nghe tiếng chị than vãn mang mang trong căn phòng bình yên. Nhưng hồn tôi thì co quắp, tôi vẫn ngửa nghiêng hoảng lạc giữa ruộng đồi bốc cháy. Lần đầu tiên cô học trò thành phố mới bàng hoàng sát cận chiến tranh đến độ này, dù đấy chỉ là một phần nhỏ trên bề mặt. Chẳng mở miệng nổi để trả lời chị Hạc một câu là dù sao, thì ngày mai tôi cũng tìm cách trở về thành phố, tôi không chờ, không tìm Đăng nữa. Thoáng chốc, thấy mình nhỏ nhoi, bất lực, lạc đàn. Chắc chi giữa bom đạn này Đăng còn nhớ đến tôi, hay sự sống chết của cô giáo trẻ đáng thương kia mới là quan trọng. Tôi không hờn giận Đăng, mà lao đao dằn vặt. Đúng như khi về đến giáp giới tỉnh lỵ, anh Vân đỗ lại chỗ khúc sông cạn lờ, vắng vẻ, để ngó đăm một ánh mắt trĩu bóng chiều. Lần này giọng anh trầm, nặng chát:
- Tại sao Miên ra đây? Tâm hồn và thân thể tươi mát của Miên không dập nổi lửa khói súng đạn, chẳng hề tưới sống một cọng cỏ khô. Chúng chỉ khơi bừng trong chúng tôi, những thằng đàn ông trên đất cát nơi này, ngay cả cho Đăng, nếu hắn được về, sự cồn cào khát bỏng, thèm thuồng sự sống, tuổi trẻ, bình an lành lặn. Để làm gì, làm gì ? Đây không phải là chỗ của Miên. Đừng hành hạ chúng tôi bằng sự có mặt của em.
Có phải chính lời Đăng đang cảnh cáo: Đây chẳng phải là chỗ của em. Lặng nhìn bóng núi tím lịm, tôi cố hình tượng nơi Đăng đang trú quân lần cuối. Máy bay và trực thăng ồn ồn cất cánh, những mắt đèn điên của loài dã điểu rực đỏ từ phi trường quân sự. Chất bọt đắng ngắt ở đâu nghẽn cổ họng, mới vài bữa trước tôi hớn hở liều thân bước xuống nơi ấy. Quay mòng một ý nghĩ học đâu lãng mạn ‘‘Nhụy đào thà bẻ…’’, trong khi thơ ngây vụng dại, có đâu một khái niệm rõ rệt nào về những gì có thể xảy ra.
Bây giờ hơi thở gấp, lưỡi hôn xoáy của Đăng trong Rex hay trước cổng tối nhà tôi đã mơ hồ như chưa từng hiện hữu. Có áp vào ngực chàng, chắc khác gì mùi ngai ngái trộn nắng và mồ hôi trên cổ áo anh Vân đã cúi sát mặt mình. Cả núi rừng, mưa lũ và nắng ngàn Đăng từng dựng lên, đổ ngập, trải dài trong hồn tôi bằng những dòng thư, cuối cùng cũng vô cùng xa lạ. Lạ như dãy phố với những bán buôn ảo dị nơi này. Nhưng làm thế nào để xoá chúng đi trong trí nhớ? Bởi vì dù muốn dù không, chúng đã trở thành một phần đời tôi, bất ngờ, ám ảnh, cứa đau.
Đêm ấy, trăng mười bảy đứng lâu ở hướng tây, chiếu qua song gỗ. Chị Hạc vắt tay qua người, thỉnh thoảng mân mê hai núm ngực tôi ngửng sau làn vải. Tôi thương xót để yên cho chị ú ớ một cơn mê, rồi cũng chìm lịm đi, rời rã. Dường như tôi đã trở về nhà bà nội. Chẳng còn thân người nằm ngay ngắn trên giường với tấm chăn mỏng đắp che chân, mà hai ngọn bạch lạp đang lập loè bên tấm áo quan chưa đậy nắp. Những nén hương thấy tôi, chợp bùng bắn những tia lửa. Mấy bà cô mặt trĩu dài hơn năm tháng, cặm cụi cắt may những mảnh sô trắng. Trí óc tôi sao còn sáng suốt để tự hỏi thầm: người Tàu có mặc thứ này ngày đại tang, hay bà tôi đã khép mình làm người đàn bà Việt? Đến cạnh quan tài, tôi cúi xuống khuôn mặt khép, đôi môi mỏng và vành tai đeo hạt vàng. Hai bàn tay dài chắp trên nền áo gấm đỏ cài nút một bên tuyệt đẹp và sang cả. Cũng bàn tay này từng cho tôi phong bao lì xì ngày Tết. Bao giờ tôi cũng được nhiều hơn những đứa cháu gái khác của bà. Nó tỉ lệ với vai trò thằng con trai bà đã đặt lên tôi. Quay lại, mẹ đang quận vòng gai để con gái mình đội ngày mai, đưa đám. Hình như tôi hiểu, chẳng thể nào khác hơn số mệnh, tôi sẽ đi học xa, sẽ cắt băng những sợi tóc ngang vai trước khi rời xứ sở.
Nến cháy mãi, cháy mãi cho đến lúc ánh bình minh lọt vào khe cửa. |
|
|