Nhậm chức Hình bộ Tham tri ở Kinh là một đặc ân của đấng quân vương dành cho ông sau tám năm bước vào cổng quan trường, nhưng thật lòng Nguyễn Công Trứ không muốn chút nào. Hơn hai giáp rồi chứ ít gì. Ngày ấy kể cũng liều, khi chỉ là anh thư sinh chân trắng vậy mà dám đón đường dâng Thái bình thập sách lên vua. Thực ra, nội dung không mới, song đó là cái tâm của ông đối với đất nước. Những người bắt đầu học Tứ thư đều biết đến Phú, Thứ, Giáo, chớ nào chỉ mình ông. Nhưng với Nguyễn Công Trứ lúc này, nhất là sau khi dẹp loạn Phan Bá Vành, những lời dạy của Khổng tử lại làm ông suy nghĩ. Làm cho dân no, dân giàu, đồng thời dạy cho dân biết lễ nghĩa là trách nhiệm của những người thay mặt thiên tử chăn dắt dân. Dân chi phụ mẫu mà làm không tròn trách nhiệm của người phụ mẫu thì không xứng đáng ăn cơm vua hưởng lộc nước. Và đó cũng là đạo thần tử, là một trong kế sách lâu bền trong việc trị quốc. Phú, Thứ, Giáo là vậy, nhưng Hoàng triều đã thực hiện đến đâu ? Hàng trăm cuộc khởi nghĩa nổi dậy lớn có, nhỏ có của nông dân đã cho thấy Hoàng triều chưa thực hiện được là bao. Song mỗi thời đại, mỗi giai đoạn đều có một hoàn cảnh riêng, khó mà tránh được. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong, đấng minh quân nào cũng hiểu điều ấy, và Nguyễn Công Trứ tin Hoàng triều sẽ làm được. Nếu không được lòng trời, thì Hoàng triều không thể thống nhất sơn hà, không thể có được dải đất bao la như thế.
Dân đói, triều đình ban lệnh chẩn bần. Dân gặp phải thiên tai, triều đình ban lệnh cứu tế. Theo ông, triều đình làm vậy là đúng, song chưa đủ. Trị bệnh mà chỉ trị được chứng, không trị được căn là chưa phải thầy thuốc giỏi. Cái gốc của những cuộc nổi dậy của nông dân vừa qua là gì ? Dân muốn nổi loạn ư ? Chẳng phải. Đức Khổng đã dạy: Dân khả sử do chi, bất khả sử chí chi (Dân có thể sai khiến được, chớ không thể hiểu hết). Do vậy, hầu hết dân đen đều bị kẻ khác giật dây và trách nhiệm thuộc về những vị ăn lộc nước mà không lo cho nước. Qua vụ Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ càng thấy rõ điều đó. Dân lúc nào cũng tốt. Họ theo giặc chỉ vì không ai dạy họ biết đâu là lời ngay lẽ thật, biết đâu là đạo lý làm người, không ai quan tâm tới miếng cơm, manh áo thường ngày của họ. Đói ăn vụng, túng làm càn, làm sao trách họ được. Những người lợi dụng điểm yếu của nhà cầm quyền thông qua quan sở tại, phất cờ chống đối, không có chủ trương, đường lối rõ ràng như những cuộc nổi loạn vừa qua, thì... được làm vua, thua làm giặc. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường chớ kém chi. Ít ra, hậu thế sẽ có người biết tới họ, còn hơn sống mãi mà vua chẳng biết mặt, chúa chẳng biết tên.
Nguyễn Công Trứ tủm tỉm cưới một mình.
Lật thuyền mới thấy dân như nước. Câu thơ xuất phát từ thực tế cuộc sống, nên nó sáng mãi, tươi mãi. Nước có thể nâng thuyền lên mà cũng có thể nhận thuyền chìm. Cuộc đời của Ức Trai tiên sinh đã dạy cho ông nhiều điều hay. Dựng cơ đồ nhờ dân, mất nghiệp đế cũng do dân. Ý dân là ý trời !
Nhìn dòng chữ Lao năng khả tưởng (Năng lực và công sức khó nhọc đáng được ghi nhớ, khuyến khích) trên chiếc kim khánh của vua Minh Mệnh ban cho hôm nào sau ngày dẹp loạn Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ thấy lòng rưng rưng. Về bản thân, Nguyễn Công Trứ khá tự hào. Mọi người từ trong triều đến ngoài quận, ai ai cũng thấy được ông là một vị nho tướng đủ tài thao lược. Nhưng... nhất tướng công thành vạn cốt khô. Tuy so với những trận đánh trước của các quan Trương Phúc Đặng, Lê Mậu Cúc... thì ông đã hạn chế được sinh mạng đôi bên tới mức thấp nhất, nhưng máu vẫn đổ, đầu vẫn rơi. Trên đầu quả phụ, cô nhi vẫn còn trắng lợp khăn tang. Con trùn, con kiến còn muốn sống huống hồ gì con người. Vì ai ? Vì ai ? Không nghĩ đến thì thôi, còn mỗi lần nhớ tới, dù biện hộ cách nào, Nguyễn Công Trứ vẫn cảm thấy ray rứt.
Trước khi điều quân vây khổn Phan Bá Vành, ông đã cho điều tra cụ thể gia cảnh từng người thân cận của Phan Bá Vành, kể cả cá tính từng người. Mạnh dùng sức, yếu dùng chước. Đối phó với Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ dùng chước là chủ yếu. Các cánh quân dưới quyền điều khiển của ông không hề biết cách thức dụng binh của ông. Kế giương đông kích tây, rung cây nhát khỉ... được Nguyễn Công Trứ áp dụng triệt để và chẳng mấy ngày, nghĩa quân của Phan Bá Vành nhốn nháo như gà con mất mẹ. Tâm trạng hoang mang của họ đã giúp Nguyễn Công Trứ dễ dàng đưa đội quân tinh nhuệ của mình trà trộn vào đội quân của Phan Bá Vành. Nhiệm vụ của họ, chủ yếu là rỉ tai, tuyên truyền những tin thất thiệt có lợi cho quân triều đình.
Trên bộ, dưới thuyền đâu đâu cũng thấy quân triều đình đã vào đội ngũ chỉnh tề, cờ xí rợp trời, khiến mọi người có cảm giác đám giặc Phan Bá Vành như đang đứng trước miệng rồng, hang cọp.
Râm ran đây đó, bà con đã nói với nhau, chuyện chết của giặc Bá Vành đã rõ, chỉ còn chờ lúc nào quân triều đình tấn công mà thôi. Nguyễn Công Trứ vui lắm. Kế sách của ông cơ bản đã thành công. Ngày xưa, Trương Lương đã biết dùng tiếng sáo đẩy lui quân giặc. Ngày nay, ông không đủ tài như thế, nhưng ông biết tâm lý chiến thắng cũng quyết định phần lớn chuyện thành bại nơi chiến trường. Sức ai mạnh bằng Hạng Võ, ấy mà còn phải thua Hàn Tín – người đã có một thời vác dáo hầu Hạng Võ. Chuyện xưa tích cũ còn đó, học cả đời không hết, tại sao không học người xưa ?
Và, Nguyễn Công Trứ đã học.
Tổng hợp tin tức từ các cánh quân, các thám tử mật báo cùng với khí thế mới, Nguyễn Công Trứ tin rằng mình đã hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, và ra lệnh tấn công.
Đêm ngày 16 tháng 2 (1827) là cộc mốc đáng nhớ trong đời Nguyễn Công Trứ – đời của vị tướng trước trận tiền.
Căn cứ Trà Lũ đã không còn là nơi bí mật và hiểm yếu đối với Phan Bá Vành và quan quân dưới thời Binh bộ thị lang Nguyễn Công Trứ nữa.
Tiếng trống thúc trận.
Ánh đuốc bùng lên đỏ rực một góc trời.
Nội công ngoại kích, khí thế của quân triều đình như nước vỡ đê.
Biết thân mình như hổ lạc bình nguyên, Phan Bá Vành đơn thân độc mã chạy thoát thân, nhưng cũng không thoát được thế trận thiên la địa võng của Nguyễn Công Trứ giăng ra, đành phải nộp mình cho viên cai tổng quen biết trong những ngày còn là nông dân chịu thương chịu khó.
Rồng mà mắc cạn tôm giỡn mặt,
Cọp lạc đồng bằng bị chó khi.
Những lời thương tiếc ấy, Nguyễn Công Trứ nghe hết, và thực lòng ông cũng tiếc cho Phan Bá Vành. Nhưng biết làm sao được. Ở đời nào ai có thể chọn cho mình quê hương, cha mẹ, số phận ? Nợ nần kiếp trước chăng ? Nguyễn Công Trứ thở dài, khẽ ngâm:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi.
Tạm dịch:
Chớ cười chiến địa nằm say ngất,
Xưa nay ra trận mấy ai về.
Trong lúc các quan lớn trong dinh Tổng trấn Bắc thành người lo thảo biểu tâu về kinh, người lo hạ tiệc mừng công thì Nguyễn Công Trứ lo treo biển yên dân. Cái vui hiện tại của ông là cái vui chưa trọn vẹn. Khi làm công tác địch vận để đối phó với Phan Bá Vành, ông đã hiểu thêm về nỗi khổ của người dân. Đời sống thường ngày của họ khổ quá. “Giời ơi, chúng con chỉ hơn con chó có đôi đũa”. Nghe mà thương, mà ứa nước mắt. Thời trai trẻ của ông đã khổ, nhưng ít ra cũng còn có mảnh vườn, còn người dân ở đây có gì đâu. Loạn lạc, giặc giã làm cho họ đã khổ lại càng khổ thêm, cực thêm. Một vũng trâu nằm hơn năm làm mướn là ước mơ bao đời của người dân quê một nắng hai sương và đã là dân chi phụ mẫu thì phải biết điều đó trước hết, chớ đâu phải như thầy cúng: sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi. Không có dân làm sao có nước, làm sao có đấng quân vương, có bậc thần tử ? Biết được cái chỗ làm của Trời, biết được cái chỗ làm của Người, đó là biết đến chỗ cùng tột rồi vậy. Biết được cái chỗ làm của Trời là biết thuận theo cái lẽ tự nhiên của trời đất mà sống. Biết được cái chỗ làm của Người là biết lấy cái mà trí mình biết được để dưỡng nuôi cái mà mình không thể biết được, hầu hưởng trọn tuổi trời mà không giữa đường chết yểu. Ấy là sự biết đến cùng cực rồi.
Tuy nhiên, cũng có điều lo: sự hiểu biết cần phải có chỗ căn cứ, nhiên hậu mới có thể thích đương được. Nếu chỗ căn cứ ấy mà chưa định được, thì lấy đâu phân biệt đạo Trời và Người ? Chả lẽ, cái mà ta gọi là Trời lại chẳng phải là Người, và cái mà ta gọi là Người lại chẳng phải là Trời ? Trang tử đã dạy vậy, nhưng đã có mấy người thấu triệt và áp dụng vào công việc của mình ? Học mà không hành là phụ thầy, phụ mình. Có thực mới vực được đạo. Do đó, triều đình phải có biện pháp làm cho con dân cơm no áo ấm. Được vậy, con dân sẽ biết ơn và hạn chế được mầm phản loạn. No thành Tiên thành Phật, đói ra ma ra qủi, nên làm sao trách được người dân. Làng Minh Giám có Phan Bá Vành làm giặc, triều đình xóa tên làng, đặt lại tên khác, cấm tòng tam tựu ngũ, v.v... thì chỉ mới giải quyết được cái ngọn, thậm chí người dân thấy mình bị răn đe, dọa nạt nhiều hơn là giáo hóa. Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân. Lấy đức chăn dân mới bền gốc nước...
Càng nghĩ, trong đầu Nguyễn Công Trứ càng hiện lên hình ảnh những người dân hiền lành đói cơm lạt mắm, hiện lên những vùng đất hoang hóa mà bọn giặc cỏ thường lấy làm chỗ trú thân. Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này thì nay mai sẽ có những Phan Bá Vành khác mạnh hơn, cơ trí hơn. Mà loạn lạc nổi lên, kéo dài chừng nào thì người dân đen khổ chứng đó, chớ chẳng có ai khổ thay cho họ.
Nghĩ tới nghĩ lui, Nguyễn Công Trứ bèn ngồi lại án thư, sắp đặt câu chữ trong đầu đâu ra đó, rồi viết:
“... Đời xưa chia ruộng, lường của, để dân được có nghề, cho nên dân yên phận làm ăn ở nơi thôn ổ, không sinh lòng gian vậy. Hiện nay những dân đói nghèo, rong ăn rong chơi, lúc cùng lại rủ nhau trộm cướp, tệ ấy khó ngăn hết được. Trước kia hạ thần đi qua tỉnh Nam Định, thấy về phần đất huyện Giao Thủy và huyện Yên Định, đất đai hoang phế, trông thấy mênh mông, ngoài ra chỗ khác cũng còn lắm đất ruộng hoang kể tới hàng mấy nghìn mẫu. Hạ thần đi hỏi người sở tại, ai nấy đều có ý muốn khẩn cày, nhưng nhu khí nhiều quá, sức làm không nổi. Như cấp của công cho, thì có thể chiêu tập dân nghèo mà khẩn trị được. Làm thế thì nhà nước không tốn bao nhiêu, mà cái lợi tự nhiên, lâu dài mãi mãi. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định, rậm rạp quá chừng, lũ giặc thường nhóm họp ở đây, nay nếu khai phá đi, thời không những là mở đường làm ăn cho dân nghèo, mà lại trừ được lũ giặc cỏ nữa. Xin sai quan trấn thần hạt ấy thân vãng xem xét, phàm các nơi đất hoang cày được, khiến những người có sức chia nhau coi việc, mộ dân nghèo các hạt để khai khẩn: như mộ được 50 người lập làm một lý, cho làm lý trưởng, 30 người làm một ấp, cho làm ấp trưởng. Lường đất cho ở, cấp tiền công cho làm nhà cửa và mua những đồ ngưu canh điền khí. Lại cấp gạo cho đủ ăn trong sáu tháng, ngoài hạn ấy thời phải làm lấy mà ăn, ba năm thành ruộng, đều chiếu lệ ruộng tư đánh thuế; phủ huyện sở tại lập kho trữ lại, đề phòng khi mất mùa mà phát chẩn cho dân. Những ấp lý mới lập gọi là quân lực bản, phàm các hạt khác có trích ra những tụi du dân không trước lạc vào đâu, đều bắt vào làm... "(1)
__
(1) Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, sđd, trang 135-136.
Nguyễn Công Trứ đọc đi đọc lại và tin rằng triều đình sẽ chuẩn y kế sách này. Nhưng để trở thành hiện thực một khi hoàng thượng đã châu phê, Nguyễn Công Trứ đem ý kiến của mình trò chuyện với lương dân, với những người hiểu chuyện ở quanh vùng. Khi thấy ai ai cũng hỗ trợ kế sách khẩn hoang này, Nguyễn Công Trứ thấy lòng nhẹ nhõm. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn, huống gì lòng dân đã nhất tề ủng hộ. Nguyễn Công Trứ mạnh dạn chuyển kế sách về kinh.
Nhiệt tâm, nhiệt huyết của Nguyễn Công Trứ không những được vua Minh Mệnh chấp thuận, mà bản thân ông còn được thăng Thụ Hình bộ Hữu tham tri sung chức Dinh điền sứ, được toàn quyền lo việc chiêu mộ dân đinh khẩn hoang tại các nơi miền duyên hải, trước mắt ở hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
Nguyễn Công Trứ vui vẻ trong lòng. Ông đặt lễ tiệc tạ ơn vua và giã từ bè bạn lên đường thực hiện ước mơ “phải hăm hở ra tài kinh tế".
Nguyễn Công Trứ đích thân đi gặp lại những người học trò nghèo và những nông dân đã giúp đỡ ông rất nhiều trong lúc dẹp giặc Phan Bá Vành, như: Phan Ruyện, Võ Ngọc Lân, Lại Thế Nhung, Nguyễn Bá Phan, Trần Minh, Lê Trụ, Vũ Duy Thắng, Nguyễn Hộ, Phí Đam, Phan Thạch Lý, v.v... (1)
__
(1) Các người này được ghi vào gia phả của dòng họ, ghi vào bia ở các đình, đền trong huyện Tiền Hải.
Nguyễn Công Trứ thông báo cụ thể từng chi tiết cho mọi người biết ý định của triều đình và ông là người trực tiếp điều hành công việc khai khẩn đất hoang, đem cơm no áo ấm về cho dân nghèo trong vùng. Nguyễn Công Trứ nói:
- Các người là những người nguyên mộ, mở đầu cơ nghiệp cho vùng đất này và sẽ là lý trưởng, ấp trưởng của làng, thôn sau này khi làng xóm được dựng nên. Do đó, các người hãy dựa vào năng lực của mình mà chiêu tập bà con để cùng làm việc nghĩa. Việc làm này không chỉ có ích cho nước mà còn lợi nhà, trước mắt là lợi cho bản thân, gia đình, làng xóm. Ta tin các người sẽ làm được. Đông tay vỗ nên kêu. Anh em cứ yên tâm, mọi việc hỗ trợ phía sau đã có triều đình, trực tiếp là ta.
Lướt nhìn những gương mặt căng thẳng, nhưng rạng rỡ niềm vui của họ, Nguyễn Công Trứ cùng mọi người bàn kỹ đến tiền gạo giúp cho những người đi khai phá. Cái lợi của việc khai khẩn đất hoang, ai cũng thấy, nhưng phải có cơm ăn no bụng mới làm được, chứ bụng đói thì mắt mờ, chân tay bủn rủn, đi còn không nổi, nói gì tới chuyện khai phá. Cái khó, cái lo của mọi người chính là tiền gạo ở đâu để vận động bà con bỏ công chuyện thường nhật, tập trung khai phá đất hoang. Quan Dinh điền sứ đặt vấn đề ấy ra là sát sườn nhất, cụ thể nhất. Chính vì vậy mà chỉ trong chốc lát, họ tự tách ra từng nhóm bàn bạc sôi nổi.
Họ là những người đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt với ruộng đồng, nên những gì liên quan đến ruộng đồng họ chỉ cần bàn bạc, nhẩm tính một hồi là đâu vào đó.
Theo mọi người thì ai chiêu tập được 50 đinh, xin triều đình cho 300 quan tiền để mua mười con trâu và 40 quan tiền để sắm công cụ, cùng khoảng 100 quan tiền để làm nhà. Nếu đáp ứng được điều ấy, việc khẩn hoang sẽ không khó và chắc chắn trong một thời gian ngắn, nhiều người ở nơi khác đến xin sung vào dân đinh khai khẩn. Có mật ắt có ruồi.
Nghe họ trình bày cặn kẽ với tấm lòng thành, Nguyễn Công Trứ vui lắm. Thói đời, ông đã gặp không ít những người dạ dạ vâng vâng đó, rồi khi quay lưng thì thóa mạ, bêu rếu. Nay đứng trước những người đang cùng ông mơ về một cuộc sống đầy đủ hơn, ấm no hơn, ông tin họ như tin chính bản thân mình. Tuy là quan lớn của triều đình, nhưng ông đã trải qua thời gian nghèo túng, nên những gì họ đề đạt ông đều hiểu. Nhựng tính toán vừa qua của họ, ông càng qúi cáng thương họ hơn. Số tiền họ đưa ra hoàn toàn hợp lý. Họ đã tính toán sít sao như chính đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, chứ không phải thấy của trời mà mặc sức tiêu dùng. Họ nghèo nhưng tâm họ sáng, theo ông đó là vốn qúi. Và chính cái vốn qúi ấy sẽ làm nên tất cả. Suy từ bản thân, ông biết, ý chí của con người cũng có thể là thiên đường mà cũng có thể là địa ngục của người ấy. Ông gặp được những người này chính là trời giúp.
Nguyễn Công Trứ vui vẻ, tạm chia ra từng nhóm và hẹn ngày vào dinh ký nhận tiền tiến hành công việc.
Mọi người ra về thì cũng là lúc nhà nhà lên ánh lửa. Tiếng muôn trùng nay không còn là tiếng nhạc lòng của người lữ thứ, mà là bản hợp âm của cuộc sống vui vầy. Nghiên mực trên bàn như mời gọi hồn thơ. Nguyễn Công Trứ bước tới bước lui một lúc rồi ngồi lại án thư tung bút:
Cùng đạt có riêng chi mệnh số,
Hành tàng nào hẹn với văn chương.
Đường công danh sau trước cũng là thường,
Con tạo hóa phải rằng ghen ghét mãi.
Duyên ngư thủy còn dành cơ hội lại,
Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu.
Trong trần ai ai kém ai đâu ?
Tài bộ thế, khoa danh ờ lại có.
Thơ rằng: “Độc thư thiên bất phụ,
Hữu chí sự cánh thành".
Giang san đành có cậy trong mình,
Mà vội mỉa anh hùng chi bấy nhẽ.
Đã sinh ra ở trong phù thế,
Nợ trần ai đành cũng tính cho xong.
Nhắn lời nói với non sông,
Giang san hầu dễ anh hùng mấy ai.
Thanh vân trông đó mà coi.
*
* *
Ngày ngày, Nguyễn Công Trứ lúc cưỡi ngựa, lúc lội đồng đi đều khắp vùng bãi bồi hoang hóa. Dưới mắt ông, vùng đất này được khẩn hoang có thể lập thành một huyện vững vàng, chứ không chỉ được vài ba ấp, lý. Nhìn những người nông dân trần lưng dưới nắng, ông càng hiểu thêm giá trị của chén cơm hằng bữa.
Qua một thời gian ngắn, ông vội vã họp hết những người nguyên mộ, kể cả những lão nông tri điền bàn bạc tương lai cho vùng đất, bởi vùng đất mới này khá giống vùng đất quê hương ông. Công sức cứ đổ ra mà thu hoạch cỏ thì đúng là công dã tràng. Cái lo của người chăn dân là không thấy trước những điều cần phải thấy. Đắp đê ngăn lũ ? Chính đây là việc phải làm và làm còn kịp cho vụ mùa đầu tiên, nhưng... rủi thời gặp phải sức công phá của thủy triều thì bờ đê mới khó mà trụ nổi. Những băn khoăn này đã làm ông ăn không ngon ngủ không yên mấy hôm liền và ông phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp hôm nay.
Khi mọi người có mặt đông đủ, Nguyễn Công Trứ không giấu gì nỗi lo và những gì còn chưa thấu đáo của mình. Mỗi người đều có sở trường sở đoản riêng, ông đề nghị mọi người đừng ngại ngùng, hãy chân thành bày tỏ hết kế sách để cuối cùng mọi người được cơm no áo ấm. Thiên tai có thể hại người, nhưng con người cũng có thể khắc phục.
Nghe những lời lẽ chân tình của quan Dinh điền sứ, những người có mặt sẵn lòng góp bàn ý kiến. Với họ, quan Dinh điền sứ đã thương dân, lo cho dân như thế mà họ làm ngơ trước nỗi lo ấy thì không xứng đáng làm người. Họ tâm đắc với ý của quan Dinh điền sứ. Không làm việc thiện thì đạo đức chỉ là tiếng suông. Và những việc họ đang làm, sẽ làm trước mắt là làm cho chính họ, cho tương lai con cháu họ chớ cho ai. Những người nông dân lưu tán như Trần Minh, Lê Trụ, Nguyễn Hộ, v.v... đều thống nhất dù đắp chân đê có rộng tới đâu mà đất chưa nén chặt, cỏ cây chưa kịp đâm rễ giữ đất thì sóng chỉ đập vài ba trống canh là mọi công sức đều theo dòng lũ. Cái khó là phải làm sao ngăn chặn thủy triều để người dân thu hoạch vụ mùa đầu tiên, lấy khí thế mà khai phá tiếp cũng như thu hút dân nghèo phương xa. Thời gian quả gấp rút, và họ cần phải chạy đua với ông trời.
Thấy mọi người hăng say bàn bạc, Nguyễn Công Trứ lệnh cho người nhà dọn cơm.
Tuy rượu thịt đầy đủ không thua gì bữa giỗ mà họ thường ước ao, song ai nấy như nghẹn ở họng. Thương quá. Sau bữa cơm, họ đề nghị Nguyễn Công Trứ lui về phòng, song ông cương quyết cùng tham dự góp bàn với mọi người. Họ dẫn ông ra đồng, vét bùn dắp đê giả, minh họa cách làm cách xả lũ và trồng cỏ để từng đoạn đê có thời gian như ý muốn của con người, rồi mới tiến hành bít cửa khẩu. Nhìn mô hình của những người nông dân lưu tán, trong đầu óc Nguyễn Công Trứ hiện ra mùa lũ sắp tới. Những miệng cống xả lũ chính là liều thuốc làm cho cơn giận thủy triều hạ xuống tới mức thấp nhất. Và những con người đang tập trung công sức, mồ hôi đổ lộn nước mắt cho những cánh đồng vàng mai sau sẽ được ấm no, niềm tin được nhân lên. Nghĩ cho cùng, người dân đen họ nào có nghĩ gì sâu xa hơn chén cơm manh áo. Ai làm con Trời cháu Phật, họ không mấy quan tâm. Do đó, triều đại nào muốn bền vững lâu dài, thì triều đại đó phải biết lo cho dân, nghĩ tới nỗi khổ của dân. Ông tin rằng kế hoạch khẩn hoang ở đây thành công, người nông dân có ruộng để cày, mùa màng bội thu, thì mười Phan Bá Vành sống dậy họ cũng không theo, và những Phan Bá Vành ấy cũng hết đất dung thân. Nghĩ tới đó, trên môi ông nở nụ cười. Thấy ông thuận tình, người nông dân lưu tán Lê Trụ xin ý kiến. Nguyễn Công Trứ đưa tay mời.
- Bẩm qua lớn, chúng con không biết chữ nghĩa thánh hiền, nhưng biết làm việc. Do đó nếu được, xin quan lớn cho những người biết chuyện như chúng con được phép giúp quan lớn, hằng ngày đi kiểm tra anh em làm việc. Chỗ nào anh em làm không đúng hoặc chưa đúng, chúng con sẽ chỉ dẫn và anh em phải sửa. Được như vậy thì công sức bỏ ra mới không đổ sông đổ biển ạ.
Nguyễn Công Trứ vuốt râu, gật gù ra chiều tâm đắc. Dọ hỏi đôi điều, Nguyễn Công Trứ liền lập ra một đội gồm những người dân lưu tán có sức khoẻ, biết công việc đê điều để nhận lãnh từng quãng đê; còn lại những người có mặt họp bàn với ông hôm nay, ông giao trách nhiệm luân phiên tuần tra, đôn đốc bà con làm đúng theo yêu cầu kỹ thuật cần thiết cho một bờ đê ngăn lũ.
Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, nhưng phải có ngón cái, ngón trỏ, ngón út... nên trong công việc cũng phải biết nhìn người, biết phân công hợp lý thì mới hy vọng đạt được kết quả tốt đẹp. Dụng nhơn như dụng mộc cũng là ý ấy, song con người thích cái hào nhoáng bên ngoài chớ không mấy ai chịu khó tìm hiểu chất lượng gỗ. Mọi công trình bị đổ nát sớm hay muộn đều do sự không hiểu biết và tính cẩu thả của con người.
*
* *
Nhìn vùng đất được khai phá, lòng Nguyễn Công Trứ cứ rộn lên niềm vui. Nhưng với ông, đây chỉ là giai đoạn đầu. Chuẩn bị cho mùa vụ tới, Nguyễn Công Trứ tập hợp tất cả những người có mặt, không phân biệt người nguyên mộ hay người tòng mộ. Ông phân tích hệ thống làng xã của dân tộc từ nhiều đời qua và đề nghị lấy 30% đất khai phá làm thổ trạch để bà con có chỗ làm nhà ở, đình chùa, trường học, nghĩa trang, bãi thả trâu bò, gieo mạ, v.v...
Đời họ có khi nào nhìn tận mắt được vị quan nào đâu, huống gì đây là vị quan lớn của triều đình thay mặt thiên tử đến lo cho miếng cơm manh áo của họ. Đây mới đúng là cha mẹ của dân. Từ những việc làm cụ thể, thời gian qua, trong thâm tâm mọi người coi Nguyễn Công Trứ như là Phúc thần, nên khi nghe ông vừa nói xong, họ đồng loạt vỗ tay hò reo bằng tất cả những tấm lòng. Trước mắt họ, mùa màng trĩu hạt, gia đình ấm êm. Họ đã được đổi đời. Cái mơ ước bao đời “một vũng trâu năm hơn năm làm mướn” không chỉ đã trở thành hiện thực mà còn vượt ra ngoài sự mơ ước. Gặp được quan Dinh điền sứ này đúng là phúc đức tám đời nhà họ. Ông đã lo cùng nỗi lo của họ và vui cùng niềm vui của họ, lội đồng băng ruộng cùng họ, thậm chí có lúc cùng ngồi ăn với họ, dạy bày họ cái nhân cái nghĩa ở đời, thử hỏi không vui không cảm sao được.
- Chúng con dân đen ngu muội, quan lớn đã có lòng lo cho chúng con như thế này là qúi hóa lắm rồi. Chúng con nguyện sống để dạ chết mang theo. Quan lớn thấy điều gì hay thì cứ dạy, chúng con nguyện nghe theo. Với quan lớn, chúng con dù có tan xương nát thịt cũng chưa đủ đền đáp công ơn mà quan lớn đã ban cho, huống gì những điều quan lớn vừa nói là những điều tốt lành cho dân đen chúng con.
Một người dân tòng mộ nói. Mọi người đồng thanh hưởng ứng ý kiến ấy. Chờ cho niềm vui mọi người lắng xuống, Nguyễn Công Trứ nhắc nhở, động viên đôi điều rồi cho họ giải tán, chỉ mời một số lão nông tri điền ở lại cùng ông bàn bạc những công chuyện cần phải làm sắp tới.
Nguyễn Công Trứ lắng tai nghe họ trình bày và ghi nhận hết những gì họ cho là hay. Tam ngu thành hiền. Không phải là ông không tin họ, nhưng đây là chuyện liên quan đến nhiều người, nên ông mang những ý kiến ấy đi hỏi thêm những người hiểu chuyện. Và ý kiến của người học trò nghèo trong vùng có tên là Phí Qúi Trại, ông thấy cũng hay. Những người nguyên mộ ở đây, ông đều biết tên biết mặt, biết tâm tính của từng người, thế mà ông không ngờ người học trò nghèo ấy lại rành ruộng đồng không thua gì anh nông dân thực thụ. Những lão nông tri điền khi nghe ông bàn kế hoạch đắp đường, làm mương có phần khác với kế hoạch trước đây của họ, họ phải thừa nhận kế hoạch ấy hợp lý hơn, lợi công hơn, song họ cũng không ngần ngại đề nghị ông cho phép họ bổ sung thêm vài chi tiết. Những con đường, những kênh mương đến lúc này đã hiện ra trong đầu ông một cách hoàn chỉnh nhất. Và ông cũng đã sung sướng báo cho họ biết kế hoạch ấy là của Phí Quí Trại. Mọi người đều ồ lên một tiếng và nói thêm cho ông biết về người học trò nghèo đã được sinh ra, lớn lên từ vùng đất tưởng như bỏ đi này.
Nguyễn Công Trứ tủm tỉm cười, rồi cám ơn mọi người. Ông tiếp tục lên ngựa đi rảo hết vùng đất vừa khai phá. Đâu đâu, ông cũng thấy mọi người đều làm việc khẩn trương. Cỏ ở chân đê đã nhú mầm, như vậy không bao lâu những bộ rễ của nó sẽ giữ chặt đất hơn và ông cũng được chứng kiến những mùa vàng trĩu hạt.
Đê ngăn lũ cơ bản đã hoàn thành, Nguyễn Công Trứ chỉ giữ lại bộ phận nhỏ hộ đê, rồi họp dân triển khai kế hoạch làm đường và mương mán nội đồng, kể cả những kênh rạch vừa giữ nước, vừa tiện lợi cho sự đi lại của nhân dân bằng thuyền. Theo ông, giao thông càng thuận lợi bao nhiêu, thì tâm hồn con người càng thoáng bấy nhiêu. Giữ lại năm ba thước đấy, bà con cũng không giàu hơn, trái lại hạn chế tình làng nghĩa xóm. Bán bà con xa mua láng giềng gần. Ở đây, họ là những người lưu tán, không kết dính họ lại với nhau thì làm sao giúp họ an cư lạc nghiệp được. Từ ý nghĩ ấy mà Nguyễn Công Trứ đã chú trọng đến vấn đề giao thông ở vùng đất mới.
Nhờ trên dưới đồng lòng nên trước khi vào vụ mùa, hệ thống tưới tiêu được hình thành trên khắp vùng đất Tiền Châu. 18.970 mẫu ruộng cho hơn 2.350 dân đinh mộ đã cơ bản ổn định nơi ăn chốn ở, Nguyễn Công Trứ tin chắc cuộc sống của những người dân lành này sẽ khá lên sau vài vụ mùa.
Nguyễn Công Trứ dâng biểu về kinh tạ ơn vua và xin được thành lập huyện mới với tên gọi là huyện Tiền Hải, gồm bảy tổng: Tân Cơ, Tân An, Tân Định, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Bồi. Và ông xin triều đình cho khẩn hoang tiếp những vùng đất còn hoang hóa.
Những đề đạt của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được triều hồi đáp rất nhanh. Nguyễn Công Trứ lấy làm sung sướng, bởi ông có nhiệt tâm, nhiệt huyết tới đâu mà thánh thượng không châu phê thì chẳng làm nên cơm nên cháo gì. Với ông, đó là tin vui và ông đem tin vui ấy đến cho mọi người.
Vẫn theo bài bản cũ, cộng thêm nhiều người có thực tế từ việc khẩn hoang ở Tiền Hải giúp đỡ quan Dinh điền sứ tận tình, nên công việc cứ như dòng sông tuôn chảy. Khẩn hoang tới đâu, Nguyễn Công Trứ cho lập làng tới đó. Và sau huyện Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ đã lập thêm được một tổng ở huyện Nam Trực (Nam Định), một tổng thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định). Công việc khai khẩn đất hoang cứ cuốn lấy ông và ông lấy làm thích thú. Đời, đối với ông lúc này chẳng nghĩa lý gì, nếu làm toàn những việc vô nghĩa lý. Dù xây chín cửa phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người. Do đó, ông thấy vui ở công việc và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn lúc nào hết. Nhìn những người dân đói khổ vì chiến tranh, loạn lạc, nhất là không có mảnh đất cắm dùi, nay đã có khí sắc, ông thầm cám ơn đất trời, cám ơn tổ tiên đã cho ông can đảm, sáng dạ để nghĩ ra và làm được những điều có lợi cho bá tánh.
Năm sau, Nguyễn Công Trứ được sự đồng ý của triều đình, tiếp tục khai khẩn ở hạt Ninh Bình, lập ra huyện Kim Sơn với 14.600 mẫu ruộng, quy tụ được 1.260 dân đinh và cũng chia làm bảy tổng: Chất Thành, Hồi Thuần, Quang Hậu, Hướng Đạo, Tự Tân, Tuy Lộc, Lai Thành.
Nhìn hàng xoan trơ trụi lá, Nguyễn Công Trứ những tưởng được vui cái tết với những người đồng cam cộng khổ trong thời gian qua. Với ông, những người lưu tán đang sinh sống trên vùng đất mới sẽ được hưởng cái tết vui nhất và không ai còn cái cảnh như ông ngày nào "co cẳng đạp thằng bần ra cửa" vào đêm ba mươi tết. Nói họ được sung túc thì chưa hẳn, nhưng ông biết tết này không ai phải đói, phải ăn cháo, trái lại họ có cái tết đầy đủ với gạo mới, nếp thơm. Thịt rượu chưa phải ê hề, song nhà nào cũng có thể có. Đời người nông dân một nắng hai sương, quần chằm áo vá mà đã được như vậy là đã đổi đời. Suốt chiều dài đất nước, nếu đâu đâu dân chúng cũng được như thế thì chưa dám sánh với thời Nghiêu – Thuấn, nhưng cũng đã đạt tới bờ hoàn thiện.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
(Người đời xưa nay ai không chết,
Để lại lòng son sáng sử xanh).
Nguyễn Công Trứ rung đùi khẽ ngâm và thầm nhủ, bài Quá Linh Đinh dương (Qua biển Linh Đinh) đủ làm Văn Thiên Tường (1236-1282) sống mãi. Cuộc đời của ông ta cũng khá đẹp và xứng đáng là bậc nho tướng.
Nguyễn Công Trứ còn đang nghĩ cách tổ chức một cái tết thật vui cho những người lưu tán, thì có chiếu chỉ của triều đình triệu ông về kinh, bổ làm Hữu Tham tri bộ Hình.
Lệnh vua không thể chần chờ, Nguyễn Công Trứ bàn bạc với quan sở tại sắp xếp công việc, tiến cử một số người mà ông cho là đủ khả năng để chăn dắt con dân thực hiện được những ước mơ của người nông dân bao đời đói nghèo.
Tấm lòng son của ông chưa là gì với sử xanh, nhưng cũng lấp lánh với những người sống chung quanh ông. Là người can trường đã từng vào sinh ra tử, đối mặt với làn tên mũi dáo, nhưng ông cũng phải ứa nước mắt trước những tình cảm của quân dân sở tại, nhất là những người dân lưu tán dành cho ông.
Nghe tin Nguyễn Công Trứ về kinh nận nhiệm vụ mới, mọi người đổ xô tới nhà thăm hỏi, chúc mừng nhưng nước mắt rưng rưng.
Tới ngày lai kinh, Nguyễn Công Trứ cùng các quan sở tại lại thêm bất ngờ mới. Dọc hai bên đường, những người dân lưu tán kẻ cân nếp, người con gà, buồng chuối, thậm chí có người xâu vào cọng cỏ vài con cá quả, vài con rô mề. Họ muốn ông nhận tất, vì đây là tấm lòng của họ. Của tuy bất túc tâm rày hữu dư. Ông hiểu và cảm động vô ngần, nhưng làm sao nhận cho hết. Ông sai lính hầu nhận mỗi người một ít để vui lòng. Nhiều người còn lăn ra cản đầu ngựa, van xin ông ở lại với họ. Triều đình có bắt tội thì họ sẽ chịu tội thay. Triều đình có cách chức thì họ sẽ chung hùn nhau nuôi gia đình ông sống suốt đời. Có rau ăn rau, có mắm ăn mắm, nhưng họ hứa sẽ không để cho ông và gia đình quần chằm áo vá.
Thương lắm ! Nguyễn Công Trứ không khóc mà nước mắt rưng rưng. Ông xuống ngựa đỡ từng người dậy, và vỗ yên họ.
- Các người cứ về lo công việc. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, nên ta phải về phục mệnh. Các ngươi lo làm ăn, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đừng nghe lời phỉnh dụ của những kẻ ngông cuồng mà rước họa vào thân. Được vậy, chính là các người trả ơn triều đình, trả ơn ta.
Và phải mất hơn một thời gian dài, Nguyễn Công Trứ mới đi ra khỏi được địa phận Tiền Hải. Đi cho họ nhớ, ở cho họ thương. Lời cha răn mẹ dạy ngày nào, ông đã làm được, thế là qúy. Giàu có, vinh hiển chẳng là chi, nếu ngày nào cũng có người nguyền rủa. "Cách vật, trí tri, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Càng lúc, Nguyễn Công Trứ càng thấm thía lời dạy của Khổng tử. Có tu thân thì mới làm sáng được cái đức sáng, mới thân dân mà canh tân cho dân. Có cách vật, có trí tri thì mới biết được vật có gốc ngọn, vật có trước sau, mà có biết được trước sau mới gần được đạo: đạo Trời, đạo Đất, đạo Người. Ngó thế chứ khó lắm thay. Sống phải đạo không phải ai muốn cũng được, nếu không biết tu thân. Khổng tử đã từng sung sướng nói: “Sáng được nghe đạo thì chiều có chết cũng đành" (Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ), còn Lão tử thì cầu mong: "Cầm giữ được Đạo xưa để chế ngự được cái có hiện nay” (Chấp cổ chi Đạo dĩ ngữ kim chi hữu), hoặc cái đạo mà Trang tử hằng mong ước chẳng khác chi các bậc tiền nhân hằng mơ ước: “Hi Vi được Nó (đạo) mà nắm được yếu chỉ của trời đất. Phục Hy được Nó mà đạt được cái nguồn gốc của nguyên khí. Bắc đẩu được Nó mà chiếm được địa vị không thay đổi một mình. Mặt trời, mặt trăng được Nó mà vận chuyển không ngừng. Kham Phi được Nó mà làm được thần núi Côn Lôn. Phùng Di được Nó mà rong chơi ở các sông to. Kiên Ngô được Nó mà ở Thái Sơn. Hoàng Đế được Nó mà lên đến chốn mây trời. Chuyên Húc được Nó mà ngự cung Huyền. Ngung Cường được Nó mà đứng ngay Bắc cực. Tây Vương Mẫu được Nó mà ngồi ở ngay ngôi đến Thiếu Quảng. Không ai biết Nó sinh từ bao giờ, không ai biết bao giờ Nó mới chết. Bành Tổ được Nó mà sống từ đời Hữu Ngu đến đời Ngũ Bá. Phó Duyệt được Nó mà giúp Vũ Đinh gồm thâu thiên hạ lên tận cõi Đông, cưỡi sao Cơ, sao Vĩ mà sánh vai với các vì tinh tú"(1). Nhưng ông không mong lên cung Quảng, cũng chẳng cần đến chốn mây trời. Ông muốn sống gần mọi người, muốn yêu thương mọi người và cũng muốn được mọi người thương yêu. Mà muốn vậy cũng phải hiểu và vận dụng được đạo Trời, đạo Đất, đạo Người, chớ không phải nằm đó cầu được ước thấy. Mọi việc đều dễ dàng cả thì đâu còn chi gọi là đời, đâu còn chi để phân biệt ai là quân tử, ai là tiểu nhân.
__
(1) Hi Vi đắc chi dĩ khiết thiên hạ. Phục Hy đắc chi dĩ tập khí mẫu. Duy Đẩu đắc chi chung cổ bất thắc. Nhật nguyệt đắc chi chung cổ bất tức. Kham Phi đắc chi dĩ tập Côn Lôn. Phùng Di đắc chi dĩ xử Thái Sơn. Hoàng Đế đắc chi dĩ đăng vân thiên. Chuyên Húc đắc chi dĩ xử Huyền cung. Ngung Cường đắc chi lập hồ Bắc cực. Tây Vương Mẫu đắc chi tọa hồ Thiếu quảng. Mạc tri kỳ thủy, mạc tri kỳ chung. Bành Tổ đắc chi thượng cập Hữu Ngu, hạ cập Ngũ Bá. Phó Duyệt đắc chi dĩ tướng Vũ Đinh, yêm hữu thiên hạ, thừa đông duy kỵ Cơ Vĩ nhi tỷ ư liệt tinh.
Nghĩ về những gì đã qua và những gì vừa xảy ra ở vùng đất ông đã thực hiện được phần nào ước mơ của đời người, Nguyễn Công Trứ càng thấm thía lời dạy của thánh nhân: "Dân khả cận. Bất khả hạ. Dân duy bang bổn. Bổn cố bang minh" (Dân nên thân cận. Không nên coi khinh. Dân là gốc nước. Gốc có bền, nước mới an ninh). |
|
|