Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài Học Trò » Lều số 13 Tác Giả: Bennô Pơluđơra    
Thứ ba, ngày 31 tháng 7

    Đã mấy ngày nay không mưa, đêm qua trời giáng cho một trận mưa thật to. Nước mưa đập trên nóc lều ghê quá, làm tôi đang ngủ phải choàng dậy. Ngoài tiếng mưa rơi rả rích đều đều, tất cả đều im lặng hết. Rồi mưa giội cả xuống sàn ván, kêu lên tanh tách. Mưa dột đúng trên bàn ăn. Kể ra thì chiếc bàn này cũng không được sạch lắm, dột như thế càng đỡ phải cọ.
    Các đội viên trong lều đã ngủ say, Khơ-lao nằm cạnh tôi đột nhiên trở mình cựa quậy mấy cái rồi nhỏm dậy. Bóng đêm mờ ảo từ ngoài cửa lều lọt vào, tôi thấy Khơ-lao ngồi im như một cái bóng. Nó chưa tỉnh hẳn. Ngồi một lúc, nó lại từ từ nằm xuống, co rúm lại như con tôm, không nói câu nào. Mưa vẫn đều đều rả rích. Cũng có lúc dồn dập thật to như có người đổ hàng nia đậu lên trên nóc lều căng bằng vải bạt. Được một lát sau, mưa nhỏ dần và tôi cũng không rõ là tôi đã quay ra ngủ từ lúc nào. Chỉ biết từ cái lúc mưa nhỏ dần, tôi thấy trong lòng rất vui thích, dễ chịu, cuối cùng chỉ còn nghe thấy có một thứ tiếng rỉ rả đều đều thôi.
    Lúc đó, có lẽ là lúc tôi đã bắt đầu ngủ.
    Sáng dậy, trông ra ngoài, tôi thấy hơi nước bốc lên từ những đám bùn lầy đất ẩm. Trong rừng thông bụi mù vương phủ, không khí ẩm thấp dưới những vầng lá xanh như đã lâu không có ánh mặt trời. Chúng tôi cùng cảm thấy lành lạnh; nhìn về phía đông, mặt trời đã từ từ nhô lên, đem lại niềm vui ấm cho tất cả mọi người.
    Chẳng mấy chốc, ánh nắng ban mai đã xua tan hết màn sương đục và lại chiếu ra muôn ánh hào quang. Hôm nay là ngày cuối cùng của chúng tôi ở trại hè, tiết trời không đẹp hơn mọi ngày sao được.
    Buổi sáng toàn trại tổ chức một đợt tổng vệ sinh, quét dọn khắp tất cả xung quanh trại.
    Trước khi rời khỏi trại hè, chúng tôi phải thu dọn mọi chỗ cho thật gọn gàng sạch sẽ, vì còn có người sẽ tới đây sau. Nghe nói hình như sắp có một đoàn thiếu niên tiền phong từ Bá-linh cũng về hồ Cây gạo này nghỉ mát tới ba tuần thì phải.
    Chúng tôi phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới làm xong công việc vệ sinh, mà còn phải hết sức cơ đấy. Vì chị Hai-ga có nói là phải cố làm cho nhanh, để còn dành ít thì giờ tập lại vở kịch một lần nữa. Tổng vệ sinh xong, mọi người đều ướt đẫm mồ hôi. Trước khi tổng vệ sinh, chị Hai-ga đã phân công công tác một lượt: Éc-vin và Pi-tơ dọn dẹp trong lều; Han-si và Đích-dơ cùng Mai-ơ quét dọn mặt trước lều; Phu-lân quét bên trái, Lô-ti quét bên phải. Còn những người khác là Li-pu-li-pu, Oan-tơ, Pô-le, Chích choè, Hen-mu, Khơ-lao, Măm-phơ-lê và tôi thì thu dọn cái đống toàn những thứ linh tinh và làm việc khác ở phía sau lều. Thế là tất cả đều đi đi lại lai, thật hết sức ồn ào náo nhiệt.
    Câu chuyện ầm ĩ đầu tiên đã xảy ra. Cái hố chúng tôi đào để nuôi các động vật bò sát, giờ phải lấp đi vì không thể để một cái hố như thế ở trong trại được. Mấy hôm trước, ông Xô-lô-mông đã có dặn là cái hố ở sau lều này phải lấp đi, vì những con vật nuôi ở hố đều không được trông nom chu đáo, nhốt mãi như thế là đày đoạ chúng. Ông nói đúng lắm. Tôi lại nghĩ ngay tới Măm-phơ-lê vẫn cứ hay nghịch các con vật này bằng cách lôi một con dông dông hay một con thằn lằn ra cầm trong tay để khoe là: chúng nó đã quen với mình rồi. Thật là láo toét, chẳng qua là chúng nó bị nắm chặt quá không chạy được nên phải để yên cho nó nghịch thôi, chứ quen cái gì. Hôm qua chả trốn mất một con đấy ư. Sáng hôm nay, trong hố còn được bốn con dông dông của Măm-phơ-lê và một con cóc to bạch của Li-pu-li-pu. Ngoài ra, còn có mấy con ốc sên của Pi-tơ và mấy con nhái bén của Chích choè nữa.
    Lúc đầu, chúng nó không chịu để cho lấp hố. Sau khi chị Hai-ga phải giải thích mãi, chúng mới nghe ra và để cho lấp. Thật ra chúng tôi còn có một chỗ nuôi động vật bò sát ở ngay trên đỉnh “Hi-mã-lạp-sơn”. Đó là một gò cao nằm ở giữa trại hè. Ngoài cái trạm khí tượng của tổ nghiên cứu về thời tiết ở trại ra, người ta có làm một số lồng kính để rải rác khắp trên gò, trong mỗi lồng có nuôi một giống động vất; có đủ các loại bò sát. Ai đồng ý thì đem gửi những vật mình đã nuôi được vào đấy, không thì thả cho chúng đi.
    Chúng tôi thả hết các con vật nhỏ này ra. Được thả ra chúng đều chạy biến. Chỉ có loài nhái mốc và loài cóc là còn trù trừ mãi mới chịu đi. Có con cóc được thả ra, còn ngồi lại một lát nhìn ngó xung quanh, sau đó nó mới nhảy phóc một cái rơi ngay vào chân Chích choè, làm thằng này kêu váng lên. Con cóc lại nhảy một cái nữa, và bây giờ thì nó mới thật sự chuồn. Những con cóc con đều nhảy đi nhảy lại, có lẽ chúng nó cho rằng đây chỉ là một dịp được ra ngoài “tản bộ” thôi, chứ không phải là được đi hẳn. Đến lượt thả mấy con dông dông và thằn lằm thì chúng tôi đâm ra xích mích lẫn nhau, vì Măm-phơ-lê nhất định không chịu thả.
    - Không, như thế không được. – nó nói.
    - Được, để rồi xem cậu sẽ làm thế nào! – Li-pu-li-pu nói.
    - Không phải xem gì cả. Những con dông dông này là cứ phải để ở đây.
    - Đừng hòng.
    - Cút cả đi, mặc kệ ông. – Măm-phơ-lê vừa quát lên vừa đảo đôi con mắt một cách hằm hè.
    - Đừng có nói bậy. Chị Hai-ga và ông Xô-lô-mông đã dặn chúng ta thế nào, chả lẽ cậu lại không nghe thấy à?
    Măm-phơ-lê đứng đực ra trước hố.
    - Măm-phơ-lê à, đừng có nói thế! – Oan-tơ bảo. – Cái hố này dù sao cũng phải lấp! Không lấp không được.
    - Ờ, để xem cậu làm thế nào.
    - Thôi, không nói dài dòng nữa. – Mai-ơ cúi xuống, cho tay vào hố khua một hồi, bắt ngay một con dông dông lên, thả ra đất. Con này ngoắt đuôi một cái, biến ngay đi.
    Tức thì Măm-phơ-lê túm ngay lấy vai Mai-ơ. Nó đỏ mặt tía tai không nói câu nào. Oan-tơ, Li-pu-li-pu và Khơ-lao vội sấn đến kéo Măm-phơ-lê ra rồi cùng ôm chặt lấy nó.
    Cậu này xoã cả tóc xuống trước trán, gân cổ lên, hằm hè đe nạt:
    - Mai-ơ à! Liệu hồn nhớ, cái đồ lười biếng không chịu học, chỉ quen bắt nạt người khác, rồi ông sẽ bảo cho. Dông dông của ông, mày quyền gì mà thả. Thật mày là đồ tồi…
    - Thôi, im đi cậu. – Li-pu-li-pu can. – Cậu nghe tớ nói đây này! Thứ nhất, chúng mình không nên đánh nhau, cái đó hẳn cậu đã biết rồi. Thứ hai, Mai-ơ thật ra không phải thằng lười như cậu nói. Vừa rồi tổng vệ sinh, nó chịu khó hơn cậu nhiều, cái đó ai cũng thấy hết. Còn cậu, cậu chỉ chăm chăm vào mấy con dông dông của cậu. Song, cậu không thả thì không thể được.
    - Chị Hai-ga ôi! Chị Hai-ga ôi! – Măm-phơ-lê gọi toáng lên.
    - Ồ, gọi chị ấy làm gì. Chị ấy đến lại không phê bình cho cậu một mẻ ấy à.
    Nhưng chị Hai-ga không hề nói gì, hay nói cho đúng hơn, chị không hề phê bình nó một câu nào. Trước hết chị bảo ba thằng kia buông Măm-phơ-lê ra. Sau đó chị bảo chúng nó nói lại xem đầu đuôi câu chuyện ra sao. Thế là lại ồn ngay lên, đứa nào cũng muốn nói trước, Mai-ơ thì đứng im như thiếu tin tưởng, cứ đăm đăm nhìn mãi chị Hai-ga. Tôi thật không hiểu tại sao khí thế của nó lại xẹp ngay đi như thế, thật hoàn toàn khác hẳn lúc nãy.
    Có thế chứ, chị Hai-ga cũng cho là phải thả hết dông dông và thằn lằn đi.
    - Nhưng, các cậu quên rồi, đến lúc ra sân khấu biểu diễn, chúng tớ còn phải mang nó ra cơ mà. – Măm-phơ-lê nói.
    - Ờ! – Chúng tôi không bảo nhau mà cùng kêu lên một tiếng thế.
    - Em có thể mang chiếc lọ không lên sân khấu cũng được. – chị Hai-ga nói. – Vì thật ra thì khán giả có trông thấy được đâu.
    - Không, người ta thấy chứ. Trong lọ phải thật sự có thằn lằn mới giống chứ.
    - Nhưng cũng không cần thiết đến mấy con ở đây. Dù sao thì cũng cứ thả hết đi đã. Rồi thì hót hết giấy vụn vào hố mà lấp đi.
    - Thôi, để em cho mấy con thằn lằn này vào trong lọ là yên hết.
    - Như thế là độc ác với loài vật. – Khơ-lao nói.
    - Ấy, xưa nay nó vẫn ác thế đấy. – Li-pu-li-pu nói.
    Chị Hai-ga tiếp:
    - Đừng, em đừng giam nó trong nọ thế, như thế là độc ác. Em nghe lời chị, Măm-phơ-lê à, gọi là em cứ tha quách nó ra thôi.
    Nghe xong câu đó, Măm-phơ-lê lại cáu lên. Nó bỏ đi, rồi quay đầu lại nói một câu cuối cùng:
    - Từ nay em không tham gia gì sất. Diễn kịch cũng không diễn nữa.
    Vì đi đột ngột quá, nó không biết là nên đi đâu, cứ chạy thẳng ra bụi cây rồi tựa vào một gốc cây mới đẵn, nhìn lại phía chúng tôi, Chích choè lấy ngón tay vạch vạch lên má làm bộ chế giễu nó.
    - Cứ để em ấy đi, đừng ai để ý gì. – Chị Hai-ga nói.
    Chúng tôi lại tiếp tục tổng vệ sinh. Bắt hết dông dông và thằn lằn ra. Chúng vừa lên khỏi miệng hố, đã đua nhau vụt biến ngay không một tiếng động nhỏ.
    Pô-le, Chích choè và Khơ-lao đều lom khom luồn vào bụi rậm ở cách phía sau lều chừng hai chục thước. Chúng tôi nghe thấy tiếng chúng nó cười khúc khích. Lát sau, ba đứa lại chui ra, cậu nào cũng cầm trong tay mấy cái đĩa sắt.
    - Lạ nhỉ. – chị Hai-ga nói. – Sao ở trong bụi cây lại có những thứ này?
    Chúng tôi đều nhìn nhau cười hóm hỉnh. Li-pu-li-pu bấy giờ mới nói:
    - À, nó là thế này mà. – vừa nói, nó vừa ngước mặt nhìn ra xa như để nhớ lại một vài hình ảnh gì đó. – Nó là thế này. – nó nhắc lại. – Chúng em đến trại hè này được hai hôm hay ba hôm gì đó, em cũng không nhớ rõ nữa, chúng em được lĩnh về một chồng đĩa. Thế rồi ăn cơm xong, không biết có cậu nào ấy, cầm một chiếc đĩa, ném lên trời chơi. Mấy cậu nữa thấy hay hay, liền đề nghị tất cả cùng tập trò ném đĩa, xem ai ném được xa nhất. Thế là tất cả đều dự hết, đứa nào cũng ném hết. Sau đó, chúng em chỉ tìm về được một nửa số đĩa thôi, còn thì không thấy đâu cả, ai ngờ hôm nay lại tìm được.
    - Theo em nói, những cái đĩa này là số đĩa đã bị coi là mất hôm ấy rồi? – chị Hai-ga nói.
    - Vâng, vừa đúng bảy chiếc, may quá, thế là chúng ta đã tìm thấy hết.
    Nghe xong, chúng tôi đều cười hỉ hả.
    Chị Hai-ga không nói gì. Chị cũng biết thừa là từ nay chúng tôi không đời nào lại còn chơi dại dột như thế, nên cũng chẳng cần phải dạy nữa, vì vậy hà tất còn phải nói những câu thừa làm gì. Chị không nói, trái lại, còn cười với chúng tôi. Sau đó, chị bảo Khơ-lao mang tất cả chồng đĩa ấy xuống nhà bếp rửa sạch một lượt.
    Ngoài mấy chiếc đĩa ấy ra, chúng tôi còn tìm được hai cái chậu rửa tay, một chiếc quần dài, một cái cốc, hai cái thìa và một chiếc bít tất. Tìm được nhiều ghê! Chị Hai-ga thấy thế, chỉ lắc đầu.
    Số giấy vụn mà chúng tôi nhặt nhạnh, không ngờ cũng nhiều ra phết. Đầy một đống! Chúng tôi hót cả vào hố.
    Phía trước lều, tự nhiên bụi mù cả lên. Thì ra Han-si, Đích-dơ và Hen-mu đang kéo rác. Hai bên đều đã quét xong cả; cái rãnh nước ở bên cạnh đã được khơi lại tử tế, chỗ nào cũng sạch mắt. Căn bản là chúng tôi đã dọn xong hết.
    Mấy chi đội gần chỗ chúng tôi vẫn còn đang dọn dẹp chưa xong, trông có vẻ vất vả lắm. Các chi đội khác cũng thế, chưa làm xong công việc. Chúng tôi dọn chỗ nào cũng hết sức sạch sẽ. Khơ-lao đã đem đĩa xuống trả nhà bếp.
    Xong đâu đấy, chúng tôi mới lấy vở ra xem và bảo nhau đi diễn thử.
    Han-si và Hen-mu phải chờ một lát nữa mới đi được, Đích-dơ không muốn dự, Mai-ơ cũng không thích. Nhưng nó cũng chạy theo chúng tôi được dăm bước. Tới khi chỉ còn cách chúng tội độ một quãng, nó mới đứng lại, ngồi xuống gần bụi cây và bứt cỏ lên nhấm nhấm.
    - Chúng mày trông kia! – Pô-le vừa nói vừa đưa mắt nhìn ra phía Mai-ơ ngồi.
    - Không biết nó định làm gì thế? – Khơ-lao hỏi.
    - Có lẽ nó đã hối lỗi, muốn tham gia cũng nên. – Oan-tơ nói.
    Chị Hai-ga đang nói chuyện với Chích choè và Lô-ti ở phía sau; có thể là chị chưa để ý tới Mai-ơ.
    - Cậu ra gọi nó lại đây đi. – Pô-le bảo Oan-tơ.
    Oan-tơ liếc nhìn Mai-ơ một cái rồi lại đưa mắt nhìn chị Hai-ga.
    - Để tớ thử hỏi chị Hai-ga xem sao đã, vì tớ cũng không biết có nên ra gọi nó không.
    Lúc Oan-tơ đến hỏi chị Hai-ga, bấy giờ chị mới quay đầu lại phía chúng tôi. Tôi thấy mặt chị đỏ bừng như có vẻ giận.
    Chị bảo:
    - Không việc gì phải đi gọi, cứ để nó tự giác đến tham gia.
    Ý kiến của chị, tôi thường không hiểu rõ tại sao. Nhưng thôi, chị bảo cứ để nó tự giác tham gia thì phải chờ cho nó tự giác. Tuy nhiên, chúng tôi không thể cứ đứng yên một chỗ mà chờ được. Chúng tôi bắt đầu diễn thử. Dứt khoát là phải gạt nó ra một bên, không nghĩ tới nữa.
    Mai-ơ phụng phịu đứng dậy. Nó đứng một cách e dè, vừa cắn móng tay vừa nhìn chúng tôi. Thế rồi nó đi mấy bước lại phía chúng tôi, nhưng là đi quanh cho lâu ra, chứ không đi thẳng, vì ý nó chưa quyết; thật đúng như câu tục ngữ nói là “mèo thèm cháo nóng, cứ lượn bên nọ lại uốn bên kia mãi”. Nó cứ đi được mấy bước lại bứt một ngọn cỏ, hoặc xé một cái lá, hoặc cắn móng tay. Nhưng dù là đi quanh đi quẩn, cuối cùng nó cũng tới gần chỗ chúng tôi. Tôi không rõ nó đang nghĩ ra sao.
    Chúng tôi vẫn tiếp tục diễn thử. Lúc diễn tới màn ba, chị Hai-ga lại phải đóng thay Măm-phơ-lê, vì ở màn này có chỗ Măm-phơ-lê đánh đổ nước cà phê, nhưng nó không có mặt ở đây.
    Hay là để Mai-ơ nó đóng Măm-phơ-lê vậy. Chúng tôi đề nghị thế. – Vì chóng chầy thế nào rồi Mai-ơ cũng tham gia thôi.
    - Thế các em để Măm-phơ-lê đóng vai ai!
    - Sao, chả lẽ chị còn tin là Măm-phơ-lê nó cũng sẽ tham gia nữa à?
    Chị gật đầu. Coi bộ chị tin chắc như thế.
    Chúng tôi cũng tin chắc theo ý chúng tôi. Chúng tôi nhận định trái hẳn chị. Chúng tôi dám đánh cuộc là Măm-phơ-lê quyết không chịu tham gia.
    Diễn hết màn ba, chúng tôi tạm nghỉ một lát. Pô-le hỏi:
    - Thế còn cái anh Mích thì sao?
    - Anh Mích ấy à? Chính anh ấy sẽ đến đóng.
    - Anh ấy không tập lúc nào cả, thì ra diễn làm sao được?
    - Không lo. Cơm xong chúng ta còn tổng ôn tập một lượt cơ mà. Còn tập lại tất cả ấy.
    - Em thấy lo lắm chị ạ – Pi-tơ nói. – Bây giờ, tập diễn cầm vở luôn mà tay còn lúng túng, nữa là đến lúc ra diễn thật, không thuộc thì làm sao nói được cho xuôi.
    Nỗi lo của Pi-tơ tuy chúng tôi không ai nói ra, song tất cả đều có nghĩ thế hết. Mà nói cho thật, thì không ai thuộc được cả.
    - Ồ, các em không sợ. Vở kịch này mà diễn là nhất định phải trôi. – chị Hai-ga nói, – vì các em nên nhớ là mình có đóng vai người khác đâu, mình đóng ngay chính mình cơ mà. Chả lẽ các em cứ phải thuộc đúng như lời trong vở sao, không được linh động thêm bớt gì sao?... Tuỳ tiện mà nói chứ.
    Chúng tôi cùng đứng lặng một chỗ. May nhờ chị Hai-ga lúc nào cũng tở ra là rất tin tưởng, nên chúng tôi cũng thấy vững đôi chút, nếu không tối không ai dám diễn thử nữa.
    Ngay lúc chúng tôi đang định tiếp tục diễn thì Mai-ơ đã ở đâu đến đứng ngay trước mặt chúng tôi, chỉ cách chừng ba bốn bước. Nó rất chú ý tới chúng tôi; lúc thì nó vờ tìm một cái gì đưới đất, lúc lại ngó chúng tôi một cái rồi quay ngay đi. Và cuối cùng là nó nhập bọn hẳn, tuy thái độ vẫn có vẻ rụt rè và bước chân vẫn hết sức ngượng nghịu. Tôi chắc trong bụng nó khó chịu lắm. Đôi mắt nó cứ nhìn chằm chặp vào chị Hai-ga.
    “Hì hì” Chích choè định chế giễu nó. Lô-ti vội lấy khuỷu tay hích khẽ vào sườn Chích choè một cái, cậu này không lên tiếng nữa.
    Mai-ơ đứng lại đó yên lặng như đang suy nghĩ điều gì. Chị Hai-ga ra đón, nhẹ nhàng dỗ:
    - Em đã lại, thế là phải lắm, Nào, em vào đây, Mai-ơ! Chúng ta diễn luôn thôi.
    Thế là Mai-ơ vào diễn ngay. Chúng tôi không ngờ lại như thế được.
    Cơm trưa xong, chúng tôi tập dượt lại tất cả.
    Anh Mích cũng đã tới, mọi người đều hớn hở, chính anh cũng rất vui.
    - Ồ, chào các em! – anh nói. – Khá chứ!
    - Chúng em đều khá cả, anh Mích ạ. – Chúng tôi cùng đáp.
    Thế là anh ấy cười, chị Hai-ga cũng cười, và cả chúng tôi nữa cũng đều cười. Đến bây giờ, chúng tôi mới biết là anh Mích đã nhẩm thuộc vở từ lâu rồi.
    Và chúng tôi bắt đầu cùng diễn cả một lượt.
    Nhưng kết quả không được vừa ý mọi người.
    Thường là chúng tôi cứ đứng ngây cả ra như những con gà nhép sợ sệt khi sắp có cơn dông. Chúng tôi cứ lúng túng làm sao ấy, nếu không nói những câu vu vơ thì cũng lại nói câu nọ lẫn sang câu kia, không đâu vào đâu cả. Chỉ có anh Mích diễn hay nhất, có thể là không ai bắt bẻ vào đâu được. Chị Hai-ga đóng cũng rất hay, chỉ có chúng tôi là tồi quá.
    - Xe tới chân dốc sẽ có đường lên. – Chị Hai-ga lại khuyến khích. – Chúng ta bây giờ hãy tạm nghỉ và các em hãy đi khám sức khoẻ đã. Khám xong là các em sẽ ra mắt khán giả, để nhất định chứng minh rằng chúng ta không phải là những người kém; chúng ta cũng có tài nghệ của chúng ta.
    - Chỉ mong được thế. – Khơ-lao nói có vẻ kém tin.
    - Chị cam đoan là không sao hết. – chị Hai-ga nói.
    Chúng tôi lại hát một lượt bài “Tương lai tươi sáng”. Cũng may, bài hát xuôi lắm, có thể nói là rất hay nữa ấy. Hát xong, chúng tôi đi khám sức khoẻ. Tất cả đều mặc quần đùi, đi chân đất tới phòng y tế.
    Phòng y tế này trông chẳng khác gì một bệnh viện chính thức. Tất cả đều sạch sẽ, tường quét vôi trắng tinh, mỗi giường bệnh đều có trải đệm và vải trắng; các y sẽ hộ lý đều mặc áo choàng trắng, mọi thứ đồ đạc như bàn ghế cũng đều sơn trắng; có cái còn mạ kền bóng loáng, in như chiéc xe đạp mới mua của ba tôi ấy.
    Chúng tôi ngồi cả ở phòng đợi. Các đội viên lều số 11 và 15 cùng đang ở đây. Chúng tôi hết đứng lại ngồi, có đứa thì tò mò xem những tranh ảnh trên tường, nói chuyện về cách khám sức khoẻ.
    Thật ra thì chúng tôi cũng chẳng lạ gì cái chuyện đi khám sức khoẻ này. Vì lúc mới tới, chúng tôi đã có khám qua một lần rồi, bây giờ có lẽ cũng lại thế thôi.
    - Cũng cần xem cho biết là chúng mình lên cân nhiều hay ít. – Chích choè nói.
    - Cái thứ Chích choè như cậu, tớ chỉ thấy gầy đi thì có. – Lô-ti nói.
    - Cậu nói thế, bữa nào tớ cũng chén thật đẫy cơ mà. – Chích choè đắc ý lắm.
    Éc-vin nói:
    - Nếu tớ mà lên cân chuyến này thì mẹ tớ thích lắm. Mẹ tớ vẫn dặn là phải cố ăn cho nhiều.
    - Các cậu nói chuyện lên cân với xuống cân làm quái gì. – Khơ-lao nói. – Tớ thì thấy không cần phải khám khiếc gì lôi thôi nữa. Ngoài kia trời đẹp biết bao, vậy mà chúng mình lại phải ngồi ở đây thì thật uổng quá.
    - Phải kiểm tra chứ. – Oan-tơ nói. – Người ta có trách nhiệm phải theo dõi xem chúng mình trước khi rời khỏi trại có khoẻ hay không chứ.
    - Tớ thì tớ khoẻ lắm. – vừa nói, Khơ-lao vừa ưỡn ngực ra khoe.
    - Nhưng ở trong người biết đâu là cậu không có bệnh.
    - Ừ. – Hen-mu cũng nói theo. – Người ta khi chớm có bệnh bên trong thường… thường vẫn không… không tự biết được.
    - Thì chính cậu đang có bệnh bên trong đấy, mà là ở chỗ này này. – Khơ-lao khẽ gí ngón tay vào đầu mình rồi cười ha hả.
    Thời gian trôi rất mau. Chẳng mấy chốc, cả năm cậu ở chi đội 11 đều đã khám xong.
    Chúng tôi đã hỏi:
    - Họ kiểm tra thế nào, có gì lạ không?
    Một đứa nói:
    - Họ khám cổ họng.
    Đứa khác nói:
    - Họ gõ vào ngực.
    Đứa thứ ba bảo:
    - Họ lấy ống nghe ra nghe.
    Chúng tôi lại ngồi đợi, và cảm thấy thời gian đi rất chậm; ai nấy đều sốt ruột. Khám hết chi đội 11, ở trong mới gọi đến chi đội chúng tôi. Từ lúc này trở đi, chúng tôi mới thấy nhẹ nhõm và cùng thở một hơi dài.
    Năm đứa được gọi vào trước nhất là Pô-le, Oan-tơ, Han-si, Chích choè và tôi.
    Căn buồng này trông thênh thang và rất sạch sẽ. Ở phía bên trái, có một tấm màn vải che kín, có hai anh y tá đi đi lại lại rất nhẹ chân và thỉnh thảng lại rì rầm nói chuyện. Tôi nghĩ có lẽ tất cả các người làm ở bệnh viện đều thế hết. Còn nhớ ở Bá-linh, tôi có gặp mấy anh y sĩ, các anh ấy đi đâu cũng nhẹ chân và nói gì cũng rất khẽ.
    Trước khi đến cho y sĩ khám xét, chúng tôi đều phải đo xem cao thấp ra sao.
    - Pô-le à, cậu khéo lại không đạt tiêu chuẩn đấy.
    Oan-tơ nói:
    - Tớ thấy lúc đó cậu phải khuỵu bớt xuống mới được.
    Tất nhiên là Oan-tơ nói đùa thế thôi chứ Pô-le cũng không đến nỗi lùn quá. Có điều là lúc vào đo, anh y tá phải hạ thấp cái cần ngay xuống đến một gang mới chạm vào đầu nó được. Bờm tóc của nó bị đè bẹp hết. Nhưng nó vừa mới ra khỏi chỗ đứng, đám tóc của nó lại dựng ngược ngay lên.
    Đứa thứ hai là Oan-tơ, cậu này cao hơn Pô-le tới mười lăm phân. Han-si thì qua ba tuần ở trại có cao thêm được một phân. Chích choè cũng có cao lên, nhưng chỉ cao thêm được nửa phân.
    Nó nhẩm tính:
    - Ba tuần lễ cao thêm được nửa phân, nếu cứ thế mà tính thì sang năm mình sẽ… khoan khoan, để tớ nhẩm xem đã… sang năm tớ sẽ… Ờ… – nó trố mắt lên tỏ vẻ quan trọng. Xưa nay bao giờ nó cũng thế, hễ hơi có chuyện gì dù chỉ bé tí tẹo thôi, nó cũng cứ trợn trừng trợn tròn mắt lên.
    - Ồ,… cậu phải xem hai gót chân cậu ra sao đã chứ! – Oan-tơ nói.
    - Sao? Cậu bảo cái gì? Tớ không hiểu.
    - Nghĩa là cậu phải xem gót chân cậu có dày lên không đã. Có thể là nó mới thành chai, cậu đã cho là cao lên.
    Chích choè bĩu môi “Pì” một tiếng, rồi nhảy lên bàn cân. Bỗng nó tái mặt đi. Thì ra nó không nặng thêm được tí nào, mà cũng chẳng bị sút tí nào. Nó hậm hực nhìn đòn cân rồi lại nhìn anh y tá, như có vẻ không tin là lại có thể như thế được.
    Đo xong, cân xong là bắt đầu vào cho y sĩ khám. Ông ta bảo mọi người hít thở thật dài, rồi gõ ngực, lắng nghe. Sau đó, chúng tôi còn phải há mồm cho ông ta khám họng.
    Rồi ông ta vành mi mắt chúng tôi, và xem kĩ cả hai hàm răng.
    - Bao lâu thì em lại đánh răng một lần? – Ông hỏi Pôle.
    - Dạ, em không đánh răng mấy khi. – Pô-le đáp.
    - Ừ, thảo nào trông là biết ngay. Sao em lười thế, đánh răng cần lắm đấy, không thì sâu hết, mà đã sâu răng là hay sinh lắm bệnh nội khoa.
    - Vâng, vâng. – Pô-le vừa vâng vừa đỏ mặt lên vì xấu hổ. Lúc chúng tôi khám xong ra khỏi phòng, nó hết ngượng và nhẹ hẳn người như vừa thoát khỏi một cơn nguy biến khó khăn.
    Pô-le nặng thêm được bốn lạng. Han-si cao lên được một phân. Chích choè được nửa phân. Oan-tơ được ba lạng, tôi được nửa lạng.
    Về tới lều, chúng tôi vẫn thấy Măm-phơ-lê nằm.
    - Thế nào? – Oan-tơ hỏi.
    - Cậu không đi khám sức khoẻ à?
    - Đi hay không là việc riêng của tớ.
    - Cậu nói thế không đuợc. Đó là việc của cả chi đội mình. Tớ đây là chi đội trưởng, tớ có nhiệm vụ đôn đốc việc này.
    - Dù cậu là gì đi nữa thì tớ cũng không khiến cậu chỉ huy tớ. – vừa nói, Măm-phơ-lê vừa vắt chân chữ ngũ, vừa dẹo đi dẹo lại ống chân. Rồi nó tiếp: – Tất nhiên là rồi tớ cũng đi khám sức khoẻ. Nhưng tớ còn phải gặp chị Hai-ga có tí việc nữa.
    - À? Cậu lại chị Hai-ga có việc gì?
    - Không can dự gì đến cậu.
    - Ờ, có lẽ cậu lại muốn diễn kịch phỏng. – Chích choè xen ngay. – Thôi, cậu đừng diễn nữa. Mai-ơ nó đóng thay cậu rồi.
    Câu này không đúng tí nào, Chích choè nói vậy là để bịp Măm-phơ-lê thôi.
    - Dù sao thì tao cũng cứ đi, – vừa nói, Măm-phơ-lê vừa nhỏm dậy. – Rồi chúng mày coi. – Nó ra khỏi lều đi thẳng tới phòng y tế.
    - Sáng hôm nay xem bộ nó cáu ghê. – Han-si nói.
    - Ấy thế mà mới cách có bốn tiếng đồng hồ thôi, nó đã tìm đến chị Hai-ga rồi. Kể cũng sớm biết tự giác đấy.
    Chúng tôi cùng nhìn theo nó. Thật cũng là một chuyện không ngờ.
    Nhưng chiều nay chúng tôi lại càng không ngờ hơn nữa. Chẳng biết gì bọn chúng tôi mà toàn thể trai gái trong toàn trại đều không ai là không có cái cảm giác lạ lùng về thành tích biểu diễn của chúng tôi. Bản thân chúng tôi và chính ngay chị Hai-ga nữa, cũng không ngờ rằng mình lại thành công được đến thế. Các chi đội bạn, nói chung là các khán giả của chúng tôi, sau khi xem biểu diễn, ai ai cũng ngây ra mà tán thưởng.
    Trước giờ diễn, chúng tôi vẫn ngồi ở dãy cuối cùng sau mấy gốc cây to. Chị Hai-ga và anh Mích thì ngồi vào giữa bọn. Không phải nói, chúng tôi cũng biết là ai nấy đều hăng cả. Chúng tôi luôn luôn giở vở ra nhẩm cho tới khi chị Hai-ga thu lại mới chịu thôi.
    - Giờ mà cá em còn nhẩm nữa à, nhẩm lắm nó lại mụ đi đấy.
    Chúng tôi ngồi chờ phút khai mạc.
    Hôm nay, không ai còn có thì giờ đùa nghịch như ném quả thông, giơ quả ục, hoặc vạch hình cái thuyền trên vỏ cây như mọi khi nữa. Nhưng chúng tôi không để yên đôi tay lúc nào; Li-pu-li-pu luôn luôn gãi đầu, Chích choè quay quay cái kính đeo mắt, Hen-mu thì hết cởi khăn ra lại thắt khăn vào, cứ thắt cứ cởi mãi không thôi.
    - Đừng có nghịch khăn như thế, người ta lại phê bình cho bây giờ. – Khơ-lao nhắc.
    - Thì cứ mà phê… phê bình. – Hen-mu lắp bắp nói. – Người ta nghịch… nghịch khăn của người ta thì việc gì đến họ.
    - Không việc gì đến họ, nhưng mà họ thấy họ sốt ruột. – Khơ-lao nói.
    - Thì việc gì mà sốt ruột?
    - Có cậu sốt ruột ấy thì có, chứ tớ thì việc gì tớ phải sốt ruột. Tớ vẫn bình tĩnh đấy thôi.
    Khơ-lao nói ngoa thế đấy.
    Thật ra thì lúc này trong bụng chúng tôi không ai là có thể bình tĩnh được. Trừ khi Đích-dơ không kể, nó vẫn ngồi riêng một góc, ngơ ngác nhìn trời rõ ra vẻ lười nhác như không thích gì hết. Đứa nào cũng có vẻ bồn chồn cả. Mặc dù cũng có một vài đứa làm ra bộ không để ý gì, song thỉnh thoảng lại liếc nhìn chị Hai-ga một cái và trông cái nhìn của chúng nó nửa như muốn cười, nửa lại như không dám cười thì tôi biết ngay là chúng nó cũng sốt ruột không chê được. Khoảng một giờ trước khi lên sân khấu, Chích choè rất ít nói, đó là một cố gắng đặc biệt của nó. Còn Li-pu-li-pu, Pô-le và Lô-ti thì hoàn toàn không nói câu nào, các đứa khác cũng thế. So với các chi đội khác, chúng tôi hôm nay thật là trật tự nhất, còn chúng nó thì đùa đến là ghê, nào tán hươu tán vượn, nào kêu choe choé, cười sằng sặc cả lên. Tiếng của cả ba trăm đội viên nam nữ, tất nhiên là phải ồn ào hơn ở chợ. Mấy con sóc và những đàn chim mọi hôm vẫn ríu rít trên cành, lúc này đã biến đi đâu sạch.
    Tôi cũng định lẩn đi một chỗ. Không phải vì tôi không quen những tiếng huyên náo ở đấy đâu. Chúng tôi xưa nay vẫn nghịch ghê lắm, hơn nữa còn làm ầm ĩ hơn ở đây rất nhiều.
    Nhưng tôi muốn lẩn đi, vì tôi thấy hơi ngài ngại. Tuy còn những một giờ nữa mới phải lên sân khấu, nhưng cứ ngồi đợi tới lượt mình thật không tài gì chịu nổi. Vả lại, tinh thần căng thẳng thì không còn biết là phải làm thế nào cho đúng được.
    Anh tổng phụ trách đã ra mắt. Anh nói rất vắn tắt, và nội dung cũng rất hay; song thật ra chúng tôi không hiểu hết, vì còn ai để ý nghe được vào lúc này.
    Anh không đả động gì tới việc của chúng tôi. Thật thế, anh không nói tới chúng tôi một câu nào, mà lẽ ra thì anh cần phải nói mới đúng.
    Chúng tôi cứ chờ anh nhắc tới mình, đồng thời lại cũng nơm nớp lo là anh sẽ nhắc tới vì hễ anh đã nhắc tới thì thế nào người ta cũng quay cả lại để nhìn chúng tôi. Chúng tôi ngồi đấy, thật vô cùng áy náy, không biết phải làm gì mới được.
    Chi đội lều số 8 và chi đội lều số 9 đã bắt đầu ra hát. Tiếp đó là một tiết mục nhảy múa xinh xinh. Ngồi nghe và xem các đội viên múa hát trên sân khấu thật quả là một việc rất vui thích.
    Nhưng chúng tôi không chỉ ngồi xem người khác biểu diễn mà còn phải ngầm so sánh xem tiết mục của người ta có hơn tiết mục của mình không. Khi thấy người ta còn kém mình thì chúng tôi lại càng tự tin hơn, ai nấy đều mong lúc đến lượt mình sẽ diễn được trôi chảy. Cái này là tự mình phải cố gắng với nhau thôi.
    Từng tiết mục cứ lần lượt biểu diễn. Chúng tôi cứ luôn luôn so sánh, và cuối cùng, chúng tôi thấy là chúng tôi rất vững, không đến nỗi hoang mang như lúc đầu. Đó không phải vì chúng tôi thấy người khác diễn kém, mà trái lại, họ diễn rất hay; khán giả vỗ tay hoan hô không lúc nào ngớt. Nhưng quanh đi thì ca múa, quẩn lại thì đọc thơ, hay kịch ngắn, chứ không đội nào có được tiết mục mới lạ và tốn công như kiểu vở kịch của chúng tôi cả.
    Vở kịch của chúng tôi được xếp làm tiết mục lót đáy. Đó là một vinh dự. Nào, sắp đến lượt chúng tôi đây.
    Các bạn gái đã kết thúc điệu múa.
    Khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Tiếng vỗ tay kéo dài mãi tới khi anh tổng phụ trách ra giới thiệu mới thôi.
    Chúng tôi cùng ngồi ngây cả ra. Pô-le cười một cách ngượng nghịu, vì nó thấy sờ sợ, Khơ-lao cúi đầu lén nhìn các chi đội khác.
    Chị Hai-ga đã lên sân khấu. Chị đứng trên đó rất bình tĩnh, cặp mắt chị nhìn thẳng về phía chúng tôi. Lúc Lô-ti vẫy tay về phía chị, tôi thấy chị hơi mỉm cười, như có ý bảo: không lo đâu, chúng ta sẽ thành công.
    Anh tổng phụ trách đã giới thiệu. Chúng tôi không cần nghe cũng biết nội dung ra sao. Anh nói: “Các em đội viên! Các em hẳn còn nhớ cái việc hôm thứ bảy vừa qua chứ? Chúng ta đã quyết định là sẽ diễn lại những tiết mục nào trội nhất hôm đó, vào buổi bế mạc ngày hôm nay. Hôm đó, các chi đội đều có chuẩn bị cẩn thận, chỉ riêng chi đội lều số 13 là không. Chi đội ấy không có một tiết mục nào tham gia, chỉ có một đội viên lên đọc thơ, nhưng lại đọc không thuộc. Thất bại đó không riêng gì một mình em đọc thơ phải chịu, mà toàn thể đội viên ở chi đội ấy đều phải chịu trách nhiệm. Bây giờ chúng ta cùng muốn biết chi đội ấy đã chuẩn bị được tiết mục gì, để gỡ lại thất bại trước. Chúng ta cứ coi màn kịch sau đây sẽ rõ. Mong rằng tất cả chúng ta từ đồng chí trại trưởng trại hè, các anh chị phụ trách đến toàn thể đội viên trong toàn trại đều sẵn sàng trông đợi và ủng hộ các em ở lều số 13.”
    - Trời ơi! – Khơ-lao xuýt xoa kêu. – Lỡ ra mà lại diễn không đâu vào đâu thì…
    - Thì tao sẽ trốn phăng vào rừng. – Phu-lân khẽ nói.
    Hen-mu vội gạt:
    - Im đi chúng mày.
    Anh tổng phụ trách tiếp: “Bây giừo tôi xin giới thiệu chi đội lều số 13 không những đã nỗ lực chuẩn bị, mà còn biết chuẩn bị với một kế hoạch rất mới lạ, khác hẳn mọi người nữa. Trong khi trình diễn, tất không khỏi có những khuyết điểm nhỏ mong các bạn không nên bới lông tìm vết, mà chỉ nên nhớ một điểm là: Các em đó trước sau chỉ được tập dượt vẻn vẹn có hai ngày thôi, thật là quá ít thời giờ.”
    Anh nói xong, khán giả đều quay cả lại nhìn chúng tôi. Sau đó, họ ghé tai nhau rì rầm nói chuyện.
    - Trời ơi! – Khơ-lao lại kêu lên. Chúng tôi cùng đứng cả dậy, đi lên sân khấu.
    Chị Hai-ga đứng nói trên sân khấu, thái độ chị bình tĩnh vô cùng.
    Vì hăng quá, hai bàn tay tôi đều rơm rớm mồ hôi. Éc-vin lúc này mặt lại đỏ bừng như cái hôm thứ bảy không đọc được thơ; Pi-tơ và Han-si không lộ vẻ gì káhc; Li-pu-li-pu và Chích choè thì lại giở trò làm ngoáo. Thấy vậy, tôi rất phấn khởi, vì thế là ít nhất cũng tỏ ra rằng chúng rất tự nhiên, không lo sợ hồi hộp gì. Vả lại, cũng nên biết rằng chi đội lều số 13 của chúng tôi xưa nay không có chịu yên lúc nào cả; nếu có phải chịu yên, thì hẳn rằng phải xảy ra chuyện gì đáng tiếc ngay.
    Chị Hai-ga lúc này đang trình bày với khán giả về nội dung vở kịch.
    Các đội viên đều chú ý lắng nghe. Có mấy cậu thích chí cười ra tiếng; có cậu lại kêu lên, cũng có cậu thấy lạ cứ há mồm ra; và cũng có cậu cứ gõ mãi mấy ngón tay vào đỉnh đầu.
    Tôi nghĩ, các cậu gõ đầu như thế chắc là không tin bọn này có thể diễn nổi kịch chứ gì? Được, để rồi diễn cho các cậu xem.
    Nhưng, nói thì nói vậy, chúng tôi vẫn không dám mạnh dạn thò mặt lên sân khấu cho thật đường hoàng.
    Chị Hai-ga tóm tắt một câu chắc nịch: “Qua vở kịch này, chúng tôi sẽ hiến các bạn một bằng chứng cụ thể và thực tế về sự biến chuyển mau chóng của một chi đội chậm tiến đã trở thành một chi đội ưu tú ra sao”.
    Đây, vở kịch đã chính thức mở màn.
    Chúng tôi đều đeo ba lô, xách vali. Giữa sân khâu có căng một gian lều. Gian lều này nhỏ quá, song không làm thế nào rộng hơn được, vì cả sân khấu chỉ có thế.
    Chúng tôi đi đi lại lại trên sân khấu một lúc. Rồi Hen-mu kêu lên một tiếng:
    - Hà hà, nhiều lều to… to quá nhỉ.
    Thế là khán giả ồ lên cười. Chúng tôi cũng không nhịn được, phì ra mà cười.
    Tiếng cười đem lại cho chúng tôi một sức cổ vũ khá mạnh. Đó là cái quý nhất không gì bằng.
    Chích choè kêu:
    - Mà lều nào cũng vuông vắn trông như những chiếc nhà xinh xinh ấy nhỉ.
    Pô-le nói luôn:
    - Chúng ta chui vào có được không?
    Màn kịch cứ tiếp tục diễn. Không một ai quên lời kịch. Nếu chợt có ai không nhớ kịp thì người khác nói tiếp hộ một cách rất tự nhiên. Vì thế, cứ bề ngoài mà xét chúng tôi diễn thật hết sức là ăn khớp, không hở một kẽ nào.
    Mà khán giả của chúng tôi tất nhiên càng không nhận thấy được những chỗ cứu gỡ tài tình ấy. Họ đều chú ý nghe một cách rất say mê. Thật chúng tôi không ai ngờ lại có kết quả tốt được đến thế.
    Màn thứ nhất diễn xong một cách trôi chảy, không có hơi một chút ngắc ngứ nào, luôn luôn làm khán giả phải cười ầm ĩ. Khi mà khép, chúng tôi đã đón nhận được những tràng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
    Mặt mũi chúng tôi đều như phát sốt cả. Đứa nào cũng thấy phấn khởi, tưng bừng.
    Tiếp đó, chúng tôi diễn sang màn hai, màn ba. Nói cho đúng thì cúng tôi chẳng có gì biểu diễn hết, mà chỉ là nói lại và làm lại những hành vi, ngôn ngữ mà chúng tôi vẫn nói và làm xưa nay. Chích choè nói nhiều nhất, có những câu không ghi ở vở mà nó cũng bịa ra.
    Oan-tơ thì không khác lúc thường, nó bình tĩnh và cẩn thận lắm, thường nhắc Chích choè là đừng nói nhiều quá. Nhưng khán giả lại cứ tưởng là trong kịch có đối thoại như thế thật, có biết đâu là Oan-tơ thật sự bực mình với Chích choè.
    Măm-phơ-lê đã ra sân khấu. Nó làm đổ cà phê vào chân Pô-le. Pô-le kêu toáng lên.
    Trên sân khấu lộ thiên, đêm nay chúng tôi đã thể hiện lại suốt lượt những hình ảnh sinh hoạt ở trại hè từ ba tuần nay, có chuyện vui mà cũng có cả chuyện bực mình. Chúng tôi diễn lại cái cảnh anh Mích sống chung với chúng tôi trong nửa tháng trời, và những ngày chị Hai-ga mới tới về sau. Chúng tôi còn diễn lại cả buổi chúng tôi bị gãy trong đêm liên hoan, và những ngày chuyển biến gần đây cùng những cảnh chúng tôi đồng tâm quyết chí, giúp nhau tiến bộ. Cuối cùng, chúng tôi trình bày với khán giả, để mọi người thấy rõ niềm vui sướng thắng lợi của chi đội chúng tôi.
    Lớp đối thoại cuối cùng của vở kịch như sau:
    Pi-tơ: “Không biết chuyến này chúng mình có giật được cờ luân lưu không nhỉ?”
    Khơ-lao: “Ừ, chả lẽ chúng mình thế này mà còn chưa đạt tiêu chuẩn nữa sao?”
    Oan-tơ: “Làm gì mà cứ như không giật được cờ thì không xong ấy thế!”
    Lô-ti: “Ờ ờ, thì có là chi đội khá nhất mới giật được chứ”.
    Oan-tơ: “Cái đó thì đã hẳn”.
    Khơ-Lao: “Thế chả lẽ cậu không thích lấy được lá cờ à?”
    Oan-tơ: “Thích với không thích cái gì. Tớ muốn thấy lá cờ nó được cắm ở trước lều chúng mình lắm”.
    Lô-ti: “Thế sao vừa rồi cậu lại nói vậy?”
    Chích choè: “Nghe cậu nói, tớ thấy như giật được hay không giật được lá cờ không dính dáng gì đến cậu ấy”.
    Oan-tơ: “Không, không, đừng có hiểu lầm thế. Không phải là tớ không chú ý tới điểm đó; song tớ cho là vấn đề chính không ở chỗ lấy được cờ”.
    Pô-le: “Ồ, cậu không nói đùa đấy chứ!”
    Phu-lân: “Vậy để nó nói xem tại sao!”
    Han-si: “Tớ thấy Oan-tơ nói rất đúng”.
    Li-pu-li-pu: “Các cậu chưa hiểu ý nó nói đâu”.
    Chích choè: “Hì hì”
    Pô-le: “Oan-tơ, thế cậu thử nói xem là thế nào?”
    Lô-ti: “Ừ, nói xem, để nó nói xem”.
    Oan-tơ: “Các cậu nghe này, ý kiến của tớ cũng thường thôi. Cờ luân lưu là phải để cho một chi đội nào khá nhất trong một ngày. Gần đây tuy chúng ta có cố gắng nhiều nhưng những thành tích cố gắng đó của chúng ta liệu đã đủ để đền bù lại những kém cỏi trong mấy tuần vừa qua chưa, liệu có đủ để gỡ lại hết những khuyết điểm từ trước tới giờ? Và hôm nay, thật ra chúng ta xứng đáng là một chi đội khá nhất chưa?”
    Phu-lân: “Mày nói ngộ nghĩnh thật. Sao lại chưa?”
    Hen-mu: “Im nào, để Oan… Oan-tơ nó nói.”
    Oan-tơ: “Các cậu nghe đây, nếu như rồi đây chúng ta chưa được công nhận là chi đội khá nhất, thì cúng ta có nên buồn không? – Không, và nhất định không, vì chúng ta đã biết rõ là mấy ngày gần đây chúng ta đã thật sự tiến bộ hơn trước rồi, và như thế là chúng ta biết chắc rằng chi đội chúng ta đã trở thành một chi đội khá. Thế là đủ, ấy tớ thì tớ nghĩ như vậy”.
    Li-pu-li-pu: “Thế là đủ à? Không, chưa đủ đâu?”
    Han-si: “Có những thành tích như thế, chúng ta cũng tạm cho là đã thoả mãn rồi.”
    Li-pu-li-pu: “Nhưng chúng ta không nên cứ ngừng ở cái mức đó để chờ tiến bộ, mà phải cố gắng hơn nữa mới được.”
    Pi-tơ: “Đúng, tất nhiên là phải thế.”
    Han-si: “Tớ cho là Oan-tơ cũng nghĩ vậy”.
    Oan-tơ: “Chính thế, các cậu nên biết là mình cũng vẫn nghĩ thế đó. Có được những thành tích như trên, chúng ta có thể là đã tạm thoả mãn rồi. Cho nên, dù tối nay chúng mình chưa giật được lá cờ luân lưu kia thì chúng mình cũng không nên chán nản, mà cần phải tiếp tục cố gắng công tác. Rồi đây trở về với đội ở nhà, chúng mình cũng vẫn phải giữ vững cái đà cố gắng này để càng ngày càng tiến bộ hơn lên”.
    Vở kịch diễn đến đây là hết. Tiếp theo là một đợt hoan hô ran lên như sấm đập vào tai chúng tôi. Chúng tôi rất đỗi vui mừng. Riêng tôi, tôi thấy cái vui thắng lợi trong đêm nay thật đã như giúp cho chúng tôi được thở một hơi dài khoan khoái.
    Chị Hai-ga và anh Mích cùng đứng bên cạnh chúng tôi. Đôi mắt của chị lúc này lại cười híp lại như hai sợi chỉ: chị cũng vui mừng nói không sao xiết.
    Mà tôi cũng không sao tả xiết được cái vẻ tưng bừng phấn khởi này. Trừ phi là các bạn có chính mắt được thấy, chính tai được nghe, chứ không, thì không sao thấy được là nó sung sướng đến chừng nào.
    Tiếng hoan hô đã tắt, chúng tôi đã về tới lều. Một bạn nêu câu hỏi: “Không biết chuyến này, chúng tôi có thể giật đuợc cờ không?”
    Không một ai có ý kiến. Vì chúng tôi còn phải nói gì nữa đâu. Vừa rồi, chúng tôi chẳng đã trình bày ở sân khấu rồi sao.
    Thật thế, thưa các bạn, hôm nay là ngày thứ ba, ngày cuối cùng trong ba tuần lễ sống ở trại hè của chúng tôi. Đồng thời, cũng là một ngày vui đẹp nhất của chúng tôi. Từ đầu tới giờ tôi chưa hề thấy có hôm nào chi đội chúng tôi đoàn kết nhất trí như hôm nay, và cùng nhau chung hưởng niềm vui sướng như hôm nay. Giờ đây, tôi nằm im trong một góc lều, cuốn nhật ký này mở trên nắp chiếc vali. Tôi vừa nghe bè bạn cười đùa trò chuyện, vừa ghi những dòng nhật kí sau đâu.
    Thật là vui quá đỗi vui. Tất cả đều ngồi trên giường vung tay lên quá đầu mình mà nói như kêu lên, mỗi người một câu không ai chịu nín. Chị Hai-ga thì đứng bên chiếc cột. Chị mỉm cười, hết nhìn em này lại nhìn em khác.
    Riêng có một bạn ngồi xổm ở góc lều, không tham gia câu nào, tôi thấy rất khó chịu. Đó là Đích-dơ. Tôi không rõ nó nghĩ gì. Nhưng chắc chắn là nó đang có điều gì khổ sở lắm. Mà nó khổ sở cũng phải, vì tất cả đều tham gia diễn kịch, chỉ riêng có nó là không; thì làm sao mà nó chẳng buồn. Có nên bảo một cậu nào đến nói chuyện với nó không đây?
    Chị Hai-ga tiến lại chỗ tôi, chắc là chị muốn xem cuốn nhật kí này thì phải. Nhưng mà tôi không thể đưa chị xem được. Còn phải viết chứ.
    Nếu như chúng tôi mà thật sự giật được lá cờ luân lưu kia, thì đêm nay tôi còn phải ghi cả cái tin mừng ấy nữa. Cái đó thì đã hẳn rồi, không ghi sao được.
    Tối thứ ba.
    Cuối cùng chúng tôi đã giật được lá cờ luân lưu kia thật!
    Chúng tôi là chi đội khá nhất trong ngày hôm nay rồi!
    Các bạn đọc thân mến! Tôi mừng lắm các bạn ạ! Các bạn không sao tưởng tượng được đâu, tôi và chị Hai-ga cùng toàn thể đội viên mừng đến chừng nào, hẳn các bạn không tài nào lường được. Tôi cho là chúng tôi được vinh dự như thế cũng rất xứng đáng.
    Lá cờ luân lưu cắm ngay giữa vườn hoa bên phải. Han-si cắm cái lá cờ trên đống cát hết sức là sâu.
    Gió chiều từng trận thổi qua, lá cờ lại bay theo chiều gió. Lúc thì nó tạt hẳn về một phía, lúc nó cuốn lại như cái sâu kèn. Tôi cứ chốc chốc lại ra ngó một lát tưởng như không bao giờ chán mắt…
    Nhưng chúng tôi không thể không rời khỏi sân lều để đi tham gia lửa trại đêm nay được. Tất cả mọi người trong toàn trại đều đã đến đó từ lâu.
    Tôi không muốn chậm một chút nào.
    Sáng mai, tôi còn phải viết vài trang nhật ký về ngày cuối cùng của chúng tôi nữa.

Xem Tiếp Chương 8Xem Tiếp Chương 8 (Kết Thúc)

Lều số 13
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Đang Xem Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
 
Những Truyện Dài Học Trò Khác
» Thằng Quỷ Nhỏ
» Ngôi Trường Mọi Khi
» Hai Vạn Dặm Dưới Biển
» Góp Nhặt Cát Đá ( Thạch Sa Tập )
» Harry Potter và thanh gươm Gryffindor
» Con Thúy
» Hạ Đỏ
» Phượng Vĩ
» Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa
» Thằng Người Gỗ
» Harry Potter Và Mật Lệnh Phượng Hoàng
» Pippi Tất Dài
» Còn Chút Gì Để Nhớ
» Ngoài Song Mưa Bay
» Bong Bóng Lên Trời
» Đảo Giấu Vàng
» Harry Potter Và Hoàng Tử Lai
» Hoa Hồng Xứ Khác
» Chiếc chìa khoá vàng
» Trại Hoa Vàng
» Con Nhà Giàu