Thứ bảy, ngày 28 tháng 7 Chúng tôi bị ê tới cái mức này thì thật không ngờ.
Cả chi đội chúng tôi bị ê trước mặt mọi người, tôi cho là tất cả đều phải chịu trách nhiệm, và tất nhiên tôi cũng có trách nhiệm.
Giờ tôi hãy khoan nói đến cái chuyện đó, mà hãy nói trước với các bạn về tình hình cuộc vui lửa trại tối hôm qua đã.
Sau khi hạ cờ, chúng tôi đi thay quần áo. Ai nấy đều mặc đồ ngủ cho tiện lúc giải tán, về nhà là có thể chui vào chăn ngủ ngay. Bọn tôi có mấy cậu còn cuộn chăn lại cắp theo dưới nách, hoặc quấn vào người; có đứa lại khoác lên vai, vì địa điểm đốt lửa trại ở gần hồ quá, đêm đến cũng khá lạnh.
Chúng tôi đều háo hức, nóng ruột. Trong lúc làm lễ hạ cờ, chúng tôi đã để ý ngay tới một đống củi thật to. Ồ! Sao mà nhiều củi thế! Đến Chích choè cũng phải ngây ra nhìn. Có mấy đứa không đợi được, chạy trước ra bãi xem. Nhưng chưa đi được mấy bước đã bị Hen-mu gọi giật lại bảo:
- Mau… mau lên tí, chúng mày mau lên tí! – Nó vừa giục vừa đi trước. Khi cả bọn về tới trước lều, nó mới nói là có một đứa nào ấy, lấy chiếc giày của một bạn gái ở lều số 16 và chạy đi mất.
Li-pu-li-pu kéo ngay cái thảm ra hỏi:
- Đâu? Làm gì có đứa nào lấy giày. – Hen-mu nhớn nhác tìm khắp trong lều. Nó làm như chính nó lấy giày ấy.
- Ồ, phải rồi, nó ở đằng kia cơ, ở… ở… ở sau lều số 8 ấy. – Hen-mu vừa nói vừa chạy ù ra. Chúng tôi cũng chạy theo ngay. Cả bọn chia làm hai đầu vây bắt. Quả nhiên chúng tôi vây được một thằng lạ mặt. Nó như con chuột bị lọt vào bẫy. Nó vứt chiếc giày xuống đất, xông tới trước Li-pu-li-pu, rồi rẽ ngoặt một cái va ngay phải Chích choè, làm cậu này ngã bổ chửng ra, kêu chí choé.
Nhưng thằng oắt chạy cũng không thoát, Oan-tơ ở gần đó đã chen ngay lại, thế là chúng tôi ồ cả lại tóm được cu cậu.
Nó thở hồng hộc, trợn mắt lườm chúng tôi một cái rồi hục hặc:
- Chúng mày muốn gì tao? Có buông ra không?
- Làm gì mà nóng thế? – Li-pu-li-pu nói có vẻ chế giễu.
- Trông cậu thật là một đội viên kháu khỉnh đấy!
- Hừ, sao mày dám xô ngã tao hả? – Chích choè vừa hỏi vừa định tống cho thằng bé một quả ục.
Li-pu-li-pu vội ngăn lại:
- Thôi, tha cho nó, Chích choè à!
- Đồ ăn cắp! – Chích choè tức không chịu được.
Thằng kia cũng nổi nóng:
- Đừng có nói láo, tao ăn cắp bao giờ?
- Không ăn cắp thì mày lấy chiếc giày kia làm gì đã? – Lô-ti hỏi.
- Không việc gì đến mày.
- Sao lại không việc gì đến tao. Chính mày định ăn cắp của người ta, lại còn…
- Không đâu. Cậu ấy không lấy giày của tôi làm gì đâu. – cô bé mất giày nói. – Chỉ cố ý trêu cho tôi sợ thôi.
- Dù là trêu như thế cũng không được, vì đó là hành động của bọn lưu manh, kẻ cắp. – Lô-ti nói.
- Đúng, cứ giã cho nó một trận đi. – Chích choè hậm hực nói.
- Việc gì lại phải thế?
- Nếu nó hứa là từ nay sẽ không nghịch như thế nữa thì hãy tha.
- Được, tha cậu ấy ra. – Cô bé nói.
- Nhưng phải có người chứng nhận là nó đã hứa như thế đã.
- Gọi là cứ tống cổ nó về nhà, không cho nó ở trại này nữa là được.
- Thôi cút! – Li-pu-li-pu giúi thằng bé một cái mạnh.
Nó chuồn ngay. Chúng tôi nhìn theo hút nó. Cô bé cảm ơn chúng tôi. Chúng tôi nghe thế đều tự cho là mình giỏi cả, song ngoài mặt đứa nào cũng làm ra vẻ không nghĩ gì tới cái đó.
Sau đó, chúng tôi cùng chạy ra bãi.
Trời đã chạng vạng. Các đội viên ngồi xúm quanh đống củi to lù lù và tối om. Trông chúng như những bóng người xám xám.
Mặt hồ phẳng lặng, phơi ra như một tấm gương mờ đục.
Cảnh vật trên bờ hồ bên kia đã biến dần vào lớp sương đêm.
Li-pu-li-pu, Oan-tơ, Han-si, Chích choè và tôi đã tìm được một chỗ ngồi rất tốt ở sườn dốc. Bãi cát này thoai thoải, đống củi chất ở mép hồ. Đội viên chia nhau ngồi quanh đống củi thành hình móng ngựa, tổng cộng có tới ba trăm cả trai lẫn gái.
Bấy giờ rất náo nhiệt, tiếng gọi nhau í ới. Có mấy đứa mất chăn đang đi tìm; lại có những đứa bị bạn nhét cát vào cổ áo, kêu chí choé. Qua một hồi quấy nhộn ồn ào như thế, đám đông đã dần dần trở lại yên tĩnh.
Bỗng tất cả im lặng hẳn, không có hơi một tiếng động.
Một que diêm bật sáng bên đống củi. Trong cái bầu trời mờ ảo mung lung rộng không bờ bến này, ngọn lửa ở que diêm chỉ là một chấm sáng hết sức nhỏ bé. Bên trên que diêm có một nắm đóm khô, và tức khắc một lưỡi lửa phì lên cháy sáng, phát ra những tiếng vù vù phì phụt. Anh tổng phụ trách tay cầm bó đóm, lim dim đôi mắt, chạy quanh đống củi. Chúng tôi ai nấy đều mở mắt thật to mà nhìn. Lửa trại đã bốc cháy.
Chỗ nào còn tối đen chưa có lửa bén tới là bó đóm ở tay anh tổng phụ trách lại đưa vào. Thế là một ngọn lửa vừa sáng vừa cao đã từ trong đống củi bốc lên phần phật như gió.
- Ý nghĩa thật! – Oan-tơ reo lên.
- Chúng mày trông! – Chích choè cũng thét lên vì phấn khởi.
Ngọn lửa bốc thẳng lên cao, nuốt dần từng đầu củi qua tiếng nổ lách tách liền liền. Khói màu trắng xám cuồn cuộn nhoi lên, những tàn lửa lấm tấm toả cao và múa tít trên nền trời. Thật là một bức tranh vô cùng đẹp mắt.
Han-si ngồi cạnh tôi cứ trợn tròn mắt ra mà nhìn ánh lửa.
- Các em đội viên thiếu niên tiền phong! Hôm nay chúng ta cùng nhau tổ chức một tối vui chung. Tôi đề nghị tất cả mọi người chúng ta đều ca hát cho thật to, và cùng nhau vui cười cho thật thích. – Anh tổng phụ trách vừa nói với chúng tôi xong, toàn thể các chi đội đều hát ngay một lượt bài “Em bé vui chơi”. Đó là một bài hát hay nhất, ngay ở chi đội chúng tôi cũng có mấy cậu hát theo được. Những ai không biết hát thì hò theo bằng những tiếng “là lá la”, hoặc lặng im nhìn đống lửa.
Lô-ti, Phu-lân, Pi-tơ và mấy cậu khác nữa ngồi chung cả một chỗ với chị Hai-ga ở cách chúng tôi một ít. Măm-phơ-lê và Pô-le không trông thấy đâu, tôi để ý ngó tìm, vẫn không rõ hai đứa ngồi ở chỗ nào.
Bài đồng ca vừa kết thúc, một bạn gái ở lều số 4 ra đọc một bài thơ. Bạn đó đọc hay quá, Chích choè cũng phải lắng nghe thật kĩ cho tới hết bài; như thế chứng tỏ rằng bài thơ rất rung động lòng người.
Men hồ có mấy người phụ trách đống lửa thỉnh thoảng đi đi lại lại và cho thêm củi. Mỗi lần họ đi tới chỗ sáng, chúng tôi lại thấy rõ sắc mặt họ đỏ hồng vì ánh lửa.
Sức lửa cháy thật mạnh!
Anh phụ trách lều số 5 tên là Khu-nu kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện. Theo anh nói, đó là một chuyện có thật.
Nhưng chúng tôi không tin, vì anh nói có vẻ phóng đại lắm. Người ta còn nói là anh rất hay bịa chuyện. Anh nói là có một lần anh cùng đi chơi xa với mấy người bạn. Hồi đó anh phải ngủ lại ở một kho thóc. Ban đêm anh nghe thây có tiếng cọt kẹt. Các bạn đều ngủ say, chỉ còn mình anh nghe thấy. Anh bèn chú ý rình xem cái tiếng cọt kẹt kia phát ra từ chỗ nào và tại sao lại có cái tiếng kêu kì dị ấy. Anh nói rất hấp dẫn, chúng tôi ngồi nghe đều ngây ra, tưởng chừng quên cả thở. Chích choè cứ há hốc mồm còn Li-pu-li-pu thì không ngừng tay gãi.
Anh Khu-nu đã kể tới chỗ rình nghe tiếng động. Anh len lén chui qua cửa sổ. Ánh trăng chiếu lọt vào kho, tiếng cọt kẹt lại càng thêm rõ. Anh mở to mắt nhìn kĩ, thì ra có hai con bọ chó đang nhảy ở trên một cái cọng rơm, cứ mỗi lần chúng nhảy thì cọng rơm lại cọ vào mặt ván cho nên nó mới kêu lên những tiếng cọt kẹt mơ hồ.
Anh nói xong, hội trường đều im lặng. Lát sau có mấy người cười lên thật to, một vài người vỗ tay, nhưng rời rạc.
- Thật là chuyện tếu, – Li-pu-li-pu lầm bầm, có ý bực mình.
Oan-tơ nói:
- Chuyện nhạt thế thì đi chỗ khác nói có lẽ hơn.
Lô-ti vừa bực lại vừa buồn cười.
- Chuyện thế mà nói vào đêm lửa trại thật không nên.
Han-si cũng ấm ức.
Một cô bé khẽ nói:
- Chuyện nghe ngớ ngẩn quá.
Một em gái khác cũng nói theo:
- Mình nghe mà chả thấy buồn cười gì cả.
Đó là câu chuyện cùa anh Khu-nu. Chúng ra thì anh có thể kể được một câu chuyện rất hay cơ. Không hiểu sao anh lại cho chúng tôi nghe cái chuyện nhạt này, thật chẳng buồn cười một chút nào cả.
Trưa hôm nay, trên bích báo có một bài nói về câu chuyện kể của anh Khu-nu. Đó là bài cùa các bạn đội viên lều số 5 phê bình anh không biết chọn chuyện theo đúng yêu cầu.
Thật vậy, đội viên chúng tôi không hề có ý dìm ai bao giờ. Nhưng chuyện nhạt thì không sao có thể ủng hộ được. Nếu tiết mục nào cũng hay như trò biểu diễn của A-sai thì ai mà không vỗ tay khen ngợi.
Các bạn chưa biết A-sai là ai nhỉ. Đó là một cậu cao ngổng cao ngồng, tóc trắc như bạc. Mắt cậu hơi kèm nhèm, trong tay áo lúc nào cũng cầm một cái gì, không là chiếc gậy, thì cũng là cái thắt lưng. Nhưng đầu óc cậu rất linh hoạt. Cậu kéo dàn phong cầm rất thạo, lại có thể viết được một vài lớp kịch nhỏ.
Sau đó, tất cả mọi người đều đồng thanh hò hét:
- A-sai! Đề nghị A-sai ra hát một bài!
Chúng tôi gào ba bốn lần, gào cho tới lúc cậu ta đứng lên mới thôi. Cậu bước ra trước đống lửa, cười một cách sượng sùng.
Toàn đội yêu cầu nó biểu diễn trò “chiếc máy ra-đi-ô hỏng”, nghĩa là chiếc máy này cứ vặn lên là thu được cùng một lúc bốn đài khác nhau.
Kĩ thuật nói nhại của A-sai quả là không chê được thật! Chúng tôi cứ là bò ra mà cười. Chích choè cười không thở được nữa.
Các bạn chưa được nghe thì không ai có thể tưởng tượng được rằng A-sai lại có thể cùng một lúc nhại được giọng của hai ba người nói trước máy phát thanh.
Li-pu-li-pu cười ha hả mãi không thôi.
Sau khi A-sai biểu diễn xong, các trò khác lại tiếp tục trình bày.
Trời đã tối đen. Một cơn gió nhẹ từ trên mặt hồ thổi lại, làm tan hết những mảng mây đen và cuốn theo những tàn lửa đang quay lộn trên không, rồi tạt quanh đống lửa, thổi tung lá cờ xanh.
- Gió thổi cũng có ý thật! – Li-pu-li-pu nói.
Chích choè lúc này nằm cuộn tròn lại như con chó cún. Trước tôi cứ tưởng là nó ngủ, nhưng nhìn lại vẫn thấy mắt nó mở thao láo. Thấy tôi nhìn, nó cũng nhìn tôi mà cười.
Đêm đã hơi khuya rồi! Ở đây thời giờ đi chóng quá thật.
Lại có một cô bé bước ra trước đống lửa. Chúng tôi nghe bạn đó hát một bài. Trong đêm khuya, tiếng hát vang như những lời kêu gọi. Cuối cùng là một bài hát bế mạc. Chúng tôi cùng hát bài “Tương lai tươi sáng”. Đống lửa lại được tiếp thêm củi nỏ, ngọn lửa lại bốc cháy đùng đùng. Khúc hát của chúng tôi cũng như đống lửa: sáng sủa, rộng rãi, hùng mạnh và êm đẹp mông mênh.
Lúc chúng tôi quay về lều, trời đã khuya lắm. Tuy vậy mọi người còn bàn tán ầm ĩ một lúc mới chịu im.
Trong trại nhộn cả lên, chỗ nào cũng có tiếng con trai con gái nói chuyện ồn ào, đứa nào cũng phát biểu một vài ý kiến khác nhau.
Chị Hai-ga đứng ở bên ngoài lều chúng tôi. Trông như một bóng đen đứng im phắc.
- Thôi bây giờ, các em nên nghỉ thôi. – Chị nói.
- Vâng, nghỉ thôi. – Oan-tơ nói.
- Về câu chuyện kể của anh Khu-nu, chị thấy thế nào? – Han-si hỏi chị.
- Thôi đừng hỏi chị nữa, chuyện của anh ấy có ra gì đâu mà hỏi. – Li-pu-li-pu nói.
- Không, em nói vậy không đúng, – Chị Hai-ga nói, chúng ta phải thảo luận qua về câu chuyện này xem thế nào mới được.
- Chuyện dở thế mà thảo luận làm gì?
- Ấy chính vì nó dở nên mới phải đặt vấn đề thảo luận. Chúng ta không nên chỉ nói nó dở mà gạt hẳn đi. Cần phải phân thích xem tại sao nó dở? Vì có tìm được khuyết điểm thì mới giúp chúng ta lần sau không mắc sai lầm.
- Vâng! – Li-pu-li-pu nói. – Thế còn trò biểu diễn của A-sai, chị cho là thế nào?
- Các em đều nhiệt liệt hoan hô em đó, – chị Hai-ga đáp. – Nhưng chị thì không nghĩ thế. Chẳng lẽ các em lại cho cái trò biểu diễn đó cũng thích hợp với yêu cầu của lửa trại à?
- Nhưng đêm lửa trại hôm nay chỉ cốt để mọi người vui cười một trận thôi mà.
- Ấy tuy là nói thế, song đã gọi là lửa trại thì dù sao nó cũng khác với những cuộc họp bình thường. Các em có thật nghĩ rằng muốn vui một trận, muốn cười một trận là nhất định cứ phải diễn cái trò máy ra-đi-ô hỏng mới được không đã? Chị nghĩ rằng muốn cho mọi người được vui thích, có thể có rất nhiều tiết mục khác nữa, nhưng phải chọn tiết mục nào có nội dung tốt và ý nghĩa mới đúng.
- Tớ thấy nói thế cũng đúng đấy. – Lô-ti nói.
- Chị Hai-ga nói kể cũng có lí. – Li-pu-li-pu nói.
- Tớ thì trước sau vẫn cho A-sai là cù có duyên nhất. – Chích choè lớn tiếng.
- Hừ, cậu thì chỉ…
- Thôi, đêm đã khuya rồi, các em đi ngủ đi thôi. Mai còn có trò hay hơn. – Chị Hai-ga ngắt lời chúng tôi.
Chúng tôi nghe đều phật ý, song không ai dám bảo là không đúng. Bấy giờ, đã gần mười hai giờ. Các lều khác có lẽ cũng đã sửa soạn đi ngủ cả.
- Tất cả về đủ rồi chứ? – Trước khi ra về, chị Hai-ga còn hỏi một câu thế.
- Có lẽ về đủ cả ạ. – Khơ-lao đáp.
Thật ra thì chưa về hết. Pi-tơ thình lình thò tay ra sờ vào tấm chăn bên chanh, rồi vội vàng nói:
- Pô-le không có đây!
- Có lẽ nó đi tiểu đấy. – Phu-lân nói.
- Không, xưa nay nó có đi tiểu đêm bao giờ đâu. – Pi-tơ nói.
- Măm-phơ-lê cũng không có nhà! – Oan-tơ đột nhiên kêu lên ở cuối dãy.
- Sao, nó cũng không có nhà à?
- Đây, lại cả mà xem, giường nó còn trống đó!
- Có ai thấy hai đứa chúng nó ở chỗ lửa trại không?
- Không. – có tiếng một vài đứa đáp.
Tôi chợt nhớ lúc nãy tôi có để ý tìm chúng mà không thấy.
Li-pu-li-pu lồm cồm bò dậy. Pi-tơ, Oan-tơ, Han-si và tôi cũng vội vàng dậy ngay. Mấy cậu nữa cũng định đi theo nhưng chị Hai-ga ngăn lại hết.
- Các em cứ ở nhà, – chị nói, – để chị và mấy em này ra bãi cát tìm xem.
Đường đi tối như bưng. Trong khu trại, chỉ còn thấp thoáng mấy bóng đèn điện.
Đống lửa ở bãi đã tắt ngấm, chỉ còn mấy đầu củi cháy dở than hồng, thỉnh thoảng lại loé sáng kèm theo mấy tiếng nổ lép bép rất nhỏ.
Chiếc đèn “pin” ở tay chị Hai-ga đưa đi đưa lại, rọi tìm khắp chỗ. Chúng tôi đi quanh quẩn trên bãi cát mịn đó một hồi vẫn không thấy hai cậu ấy đâu.
Người cảnh vệ trên hồ cũng nói là không gặp hai em nào cả.
Chúng tôi hết sức tìm kiếm, khẽ gọi tên hai đứa, nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì.
Trong bóng tối, Li-pu-li-pu lần mò sục tìm theo những bụi cây thâm thấp ở ven hồ. Bỗng nó cười lên mấy tiếng hà hà. Thì ra hai cậu chàng quý báu này, nằm lăn ra đất, ôm nhau ngủ li bì như hai con thỏ nằm ở trong hang. Pô-le phơi cả chỏm tóc bờm ngựa của nó lên trời, còn Măm-phơ-lê ngáy khò khò như trong cổ vướng một vật gì.
Pô-le bao giờ cũng là Pô-le; đêm lửa trại mà nó cũng ngủ được như thường! Chắc là nó không thích cho ai đánh thức.
Măm-phơ-lê bỗng ngồi nhỏm dậy, hốt hoảng nhìn đèn “pin”, mắt chớp liền mấy cái. Pô-le làu bàu ú ớ. Thế là cả hai theo chúng tôi về nhà.
Chị Hai-ga đưa chúng tôi về tới lều. Đợi cho chúng tôi ngủ hết, chị mới về. Lúc sắp đi, chị bảo chúng tôi:
- Chúc các em ngủ ngon!
Chị đi khỏi, chúng tôi ngủ luôn.
Đó là một đêm tốt đẹp. Tôi muốn viết thật nhiều. Nhưng giờ đây, bây giờ đã là ngày hôm nay rồi, đã là ngày thứ bảy rồi. Tôi sửa soạn viết, cắn đầu bút chì, nhìn lên trời bắt đầu nghĩ xem nên viết cái gì. Tôi định viết tất cả câu chuyện ê chệ của toàn thể đội viên trong lều số 13 của chúng tôi.
Thật thế, đúng là một chuyện ê chệ, một chuyện hết sức xấu hổ. Hơn nữa lại là một chuyện bị gãy ngay trước mặt bao nhiêu là tân khách ở nhà máy đỡ đầu tới tham quan toàn trại.
Lúc làm lễ chào cờ buổi sáng, ông trại trưởng trại hè có bảo chúng tôi là đoàn đại biểu sắp tới thăm trại (cái tin này chúng tôi đã biết rồi). Sau đó ông bảo là vì thế cuộc biểu diễn văn nghệ của trại, trước định tổ chức vào ngày chủ nhật thì bây giờ đổi lại là tổ chức vào chiều nay.
Lệ thường, kế hoạch biểu diễn văn nghệ của trại là phải chuẩn bị trước.
Thứ nhất, mỗi lều ít nhất phải có một tiết mục tham gia.
Thứ hai, tiết mục nào hay, đều được diễn lại một lần nữa vào buổi lễ bế mạc của trại tổ chức vào ngày thứ hai tuần sau.
Vì thế, khi nghe ông chủ nhiệm trại hè nói sáng hôm nay phải thay đổi kế hoạch, biểu diễn sớm hơn, thì mọi người đều không thích. Ở các chi đội khác, còn có những người tỏ ý không vui.
Chi đội số 4 và số 8 đã chuẩn bị đâu vào đấy cả. Các chi đội khác thì còn dở dang, có đơn vị lại chỉ mới bắt đầu. Nhưng chúng tôi thì – thật không thể tưởng tượng được – đã không lo gì hết mà cũng chẳng biết đằng nào mà lo. Chẳng thế mà chị Hai-ga vừa nghe thấy nói cái tin thay đổi này, đã phải trố mắt lên như một tin sét đánh.
Sau lễ chào cờ, các chi đội đều rủ nhau vào rừng, mỗi đội họp riêng một chỗ để bắt đầu chuẩn bị. Dưới ánh nắng buổi sáng, Hen-mu cởi luôn sơ-mi, nằm ngay ra đất, Măm-phơ-lê lấy một chiếc hoa thông ném vào bụng nó làm mọi người cười ồ.
Chị Hai-ga không nói không rằng, đứng im cạnh chúng tôi. Sau khi ngồi yên trên bãi cỏ, chúng tôi đều nhìn cả vào chị như để chờ xem chị bảo sao. Còn chị cũng vậy, chị cũng như có ý đợi xem chúng tôi định thế nào. Cứ thế thời gian đã qua đi khá lâu.
Mãi sau chị Hai-ga đành lên tiếng trước. Chị hỏi chúng tôi xem ai có ý kiến gì thì nói.
- Ồ, tớ đã biết ngay mà! – Măm-phơ-lê nói ra vẻ chế giễu ngầm.
- Chị ấy thật coi thường công việc này quá. – Khơ-lao dè bỉu. – Tớ cho là một mình chị ấy thì cũng chả có cách gì sất.
- Đừng có nói thế. – Oan-tơ nói. – Chị ấy phải tìm hiểu tình hình xem chúng mình đã có tiết mục gì chưa chứ!
- Thế thì mày cứ nói thẳng với chị ấy là, chúng mình chả có gì cả.
- Bí quá thật.
Chị Hai-ga vẫn đợi ý kiến chúng tôi.
Han-si giơ tay phát biểu nói là chúng tôi có thể hát được một bài.
Pi-tơ thì chủ trương sẽ đọc thơ. Ngoài ra không một ai có ý kiến gì.
- Nếu chúng ta không biểu diễn gì, thì không được à? – Chích choè đột nhiên hỏi to.
- Cũng chẳng sao đâu. – Lô-ti nói.
- Chúng mình bây giờ thật chả có gì mà biểu diễn cả. – Phu-lân cũng góp thế. Còn ý kiến Mai-ơ thì cho là: Nếu để bị gãy ở trước mặt mọi người, chả thà không tham gia lại hơn.
- Còn các em khác, không ai có ý kiến gì à? – Chị Hai-ga hỏi cả bọn.
- Các bạn ấy lười quen rồi. – Oan-tơ nói.
- Vâng, thật thế. Các bạn ấy chỉ muốn cả ngày đùa nghịch dưới nước thôi. Bảo làm cái gì đứng đắn một chút là không bao giờ chịu làm hết.
Han-si nói thế xong, liền đề nghị phải phê bình nghiêm khắc những cậu có khuyết điểm mà không chịu sửa chữa.
Trông nó có vẻ bực tức lắm. Chưa bao giờ, tôi thấy nó tỏ thái độ như thế cả.
Nó nói xong, không một đứa nào lên tiếng.
Pô-le thì xoa xoa lá thuốc cao ở chân. Y sĩ mới thay lá thuốc cao này cho nó hôm qua. Nó đảo mắt nhìn khắp lượt chúng tôi như để thăm dò ý kiến xem có ai bênh vực gì không. Hen-mu thì cởi áo trải xuống cỏ rồi nằm lăn lên trên. Khơ-lao vẫn im lặng như đang mải nghĩ một chuyện gì.
- Các em nghe đây, chị có mấy ý kiến thế này, nói để các em nghe. – Chị Hai-ga bắt đầu nói mất bình tĩnh. – Các em cứ ngồi ở đây người nọ nhìn người kia, hình như coi việc biểu diễn chiều nay hoàn toàn không dính líu gì đến mình ấy. Chị cần phải nhắc lại để các em biết, là mỗi chi đội đều phải có tham gia biểu diễn dù nhiều hay ít.
- Thế phải tham gia thật ạ? – Phu-lân hỏi.
- Tất nhiên, đã nhất định như thế rồi. Chúng ta bây giờ về điểm nào cũng kém các chi đội khác. Lúc đầu chị cũng nghĩ sai, cứ cho là các em ít nhiều đều có tiến bộ, nhưng bây giờ mới rõ là đâu vẫn hoàn đấy. Cho tới hôm nay, những em chịu khó công tác, vẫn chỉ là mấy em hôm đầu chị tới, chị đã nhận ra. Còn các em khác vẫn như cũ, chẳng thấy thay đổi được chút nào cả.
- Nhưng, chị ạ. – Khơ-lao nói. – Biểu diễn văn nghệ là một việc khác, một chuyện đặc biệt. Các chi đội khác đã có sẵn, vì chuẩn bị từ lâu. Còn chúng em thì không thể có được. Không có gì sất.
- Nhưng chúng ta còn những bốn tiếng đồng hồ để chuẩn bị. – Chị Hai-ga nói.
- Bốn tiếng đồng hồ, ít quá, nhất định là không ăn thua gì. – Mai-ơ và Măm-phơ-lê cùng nói.
- Nếu các em quyết tâm làm, thì bốn giờ đó cũng có thể làm được khá việc đấy.
- Vâng, vậy thế chị bảo làm gì ạ? – Khơ-lao hỏi.
- Hát một bài hát, ngâm một bài thơ, hay diễn một vở kịch ngắn.
- Úi chào! – Li-pu-li-pu vừa nói vừa gãi mạnh lên đầu. – Nếu bảo diễn kịch thì tớ sợ cái chi đội này lắm đứa đần quá. – Nói xong nhìn chòng chọc vào Lô-ti, Phu-lân và Éc-vin.
- Thì cậu ta là đứa đần độn số một đấy. – Lô-ti mỉa lại.
Li-pu-li-pu cười hì hì:
- Tớ biết ngay là thế nào cậu cũng nói câu ấy.
- Không được ồn! – Chị Hai-ga quát.
Vì hai đứa cãi nhau mà cả bọn cũng ùa nhau tranh cãi; đứa nào cũng muốn nói lấy được, nhộn cả lên.
- Im, im! – Chị Hai-ga lại lên tiếng. Rồi chị hỏi chúng tôi: - Các em có thể hát được những bài gì?
- Bài “Em bé vui chơi” ạ.
- Tất cả đều biết hát chứ?
- Biết ạ. Chúng em có thể hát thử luôn bây giờ được.
Hát có ra trò không, mời các bạn cứ nghe chúng tôi một lần mới rõ. Đoạn thứ nhất còn tàm tạm được, hát đến đoạn thứ hai là đã có mấy đứa chỉ còn biết “ơ ơ” theo. Và Lô-ti, Phu-lân, Đích-dơ thì hoàn toàn ngậm miệng, không hát được nữa. Vì thế Li-pu-li-pu, Oan-tơ, Han-si, Pi-tơ và tôi đành phải cố gắng hát cao lên cho thật to.
Hát mà như thế thì không thể biểu diễn được, cố gắng cũng vô ích. Tiếng hát càng về sau càng đuối, nghe như nước suối chảy trên bãi cát khô. Rồi mọi người đành phải im hẳn mà nhìn chị Hai-ga. Chị mỉm cười nói:
- Các em cứ thử nữa xem.
Chúng tôi lại hát thử vài bài khác. Toàn là những bài hay có tiếng cả. Nhưng tiếc là trong bọn tôi chủ có độ bốn năm đứa là hát được từ đầu đến cuối; mà vẫn chỉ là mấy đứa đã hát quen ấy thôi.
Sau cùng chị Hai-ga phải bảo chúng tôi nghỉ, vì hát kém quá sợ sẽ bị gãy mất.
- Thế thật đấy. – Khơ-lao nói. – Anh Mích anh ấy không dạy chúng em hát bao giờ cả.
- Thế chẳng lẽ những ngày các em ở Bá-linh, ở chi đội cũ, cũng không học hát bao giờ à?
- Không phải thế – Oan-tơ nói. – Chúng em mỗi đứa ở một nơi khác nhau, có học cũng không được mấy bài giống nhau. Hơn nữa, lại có nhiều bạn là đội viên mới được kết nạp ạ.
Chúng tôi quá nửa là đội viên mới, điều đó đúng như thế thật. Nhưng dù sao cũng không thể nói được rằng, một chi đội thiếu niên tiền phong, mà lại không hát chung được lấy một bài nào. Có lẽ vì khi chúng nó ở nhà cũng chỉ hay ăn mà chẳng hay làm như ở đây thôi. Vấn đề là ở chỗ đó. Ngay với Oan-tơ tôi cũng không hiểu nó nghĩ ra sao mà lại nói như thế. Có lẽ là nó biện bạch thế để cãi hộ cho những cậu kia, cho chúng nó đỡ ê. Nhưng của đáng tội, chúng nó thật không đáng để cho ai bênh vực hết.
Chị Hai-ga im lặng một lúc lâu rồi mới nói:
- Thôi được, các em ạ. Nếu đã thế, thì chúng ta phải học gấp ngay một bài thôi.
Lúc đầu không ai lên tiếng. Lát sau mới có mấy cậu ngần ngừ nói:
- Đến bây giờ mới học, sợ không kịp.
- Chúng em toàn là những tượng gỗ thế này, thì nhất định không học được thật. – Đích-dơ nói.
- Ồ, nếu tất cả lười như cậu ấy, thì cậu nói thế mới đúng. – Oan-tơ mắng Đích-dơ.
- Phải, chỉ có cậu không là tượng gỗ thôi.
- Chỉ có một bài hát, mà chúng ta không chịu học thì thật không còn nhục nào bằng. – Han-si bực tức nói to.
- Sao lại bảo là không chịu học? – Lô-ti nói. – Đã có được một nửa số đội viên lên hát một bài, còn chưa đủ à?
Bỗng Chích choè đứng phắt dậy.
- Cái gì thế? – Chị Hai-ga hỏi.
- Em ra đi giải ạ. – Nói xong, nó chuồn ngay.
- Nó mà quay lại thì chờ kể. – Phu-lân vừa nói vừa cười.
Chị Hai-ga cắn môi, nhìn chúng tôi suy nghĩ. Rồi chị bảo:
- Các em, các em nên biết là nếu như chiều nay chúng ta không biều diễn gì cả thì nhất định là ê với toàn liên đội rồi. Chị không thể, mà cũng không dám ép các em phải học hát hay tập kịch nữa. Vì nếu các em không có quyết tâm cố gắng tiến bộ, đành chịu kém người, thì chị cũng không có cách gì giúp đỡ được các em hết. Có thể là chi đội các em nhất định chờ cho bị ê một chuyến, rồi mới quyết tâm sửa chữa chăng. Có đúng thế không?
- Bọn lạc hậu ấy chung quy vẫn chỉ có mấy đứa thôi. – Oan-tơ nói. – Từ nay không nên cho chúng nó đi trại hè nữa.
- Oan-tơ à, em nói thế không đúng. – Chị Hai-ga bảo. – Chỉ có ở trại hè này, chúng ta mới có dịp để đi sát, luôn luôn giúp đỡ nhau, sửa chữa cho nhau và cùng trở thành đội viên ưu tú chứ. Sao em lại nói thế.
Lô-ti, Phu-lân, Măm-phơ-lê và Đích-dơ đều gượng cười tỏ vẻ thiếu tin tưởng.
- Thôi, thôi, không phải nói lắm nữa! – Pô-le tự nhiên kêu lên thế. – Em cho là cứ để hai cậu nào đó lên đọc một bài thơ, thế là ổn rồi.
- Khoan đã. – Chị Hai-ga vội vàng nói. – Chúng ta sẽ biểu quyết xem có bao nhiêu người tán thành đồng ca đã. Nhưng xin nói trước là thiểu số phải phục tùng đa số đấy. Các em có đồng ý thế không?
Thế là chúng tôi giơ tay lấy biểu quyết. Kết quả chỉ có sáu người là Li-pu-li-pu, Oan-tơ, Han-si, Pô-le và tôi đồng ý hát. Như thế là bị bác bỏ. Tôi bực quá, chỉ muốn tống cho Lô-ti, Phu-lân, Mai-ơ mỗi đứa một quả ục thật nên thân.
- Thế này thì cứ để một nửa chi đội viên lên hát một bài vậy. – Han-si bàn.
Chị Hai-ga không có ý kiến về câu đó. Chị không nói gì hết. Mãi sau chị mới bảo chúng tôi nêu các đề mục đọc thơ xem nên đọc bài gì.
Mọi người đều nhìn cả lên trời, làm như thơ đều viết cả ở trên trời ấy. Nhưng trên trời không có gì, ngay đến một gợn mây cũng chẳng thấy.
- Tớ thấy có một bài này tớ cho là có thể được. Đó là bài “Tiếng hát hoà bình” của Bê-se. – Oan-tơ nói.
- Các em có đồng ý không?
Mấy cậu ngồi xung quanh Mai-ơ và Măm-phơ-lê đều gật đầu. Chúng nó tất nhiên là đồng ý. Vi như thế, chúng nó không phải suy nghĩ gì nữa.
Chị Hai-ga đề nghị:
- Chị nghĩ chúng ta ít nhất cũng nên đọc lấy hai bài.
- Cái đó chúng ta có thể làm được lắm. – Pô-le nói.
Nó nói xong, tất cả lại im lặng một lúc.
Măm-phơ-lê vuốt tóc Mai-ơ. Đích-dơ ngồi im như một con cóc, trong miệng vẫn nhấm nhấm một cái cỏ may. Hen-mu mải ngắm mãi cái bụng của nó, cái bụng trắng hếu như trứng gà bóc.
- Chúng ta đọc thêm một bài thơ “Kế hoạch” có nên không? – Éc-vin đột nhiên hỏi.
- Cậu đọc được chứ? – Khơ-lao có vẻ nghi ngờ.
- Cũng tàm tạm được.
Nói xong, Éc-vin đọc thử ngay. Nhưng nó mới đọc tới câu thứ ba đã “è hè” mấy cái, không nhớ được nữa. Có mấy đứa hì hì cười thầm. Chị Hai-ga vội chỉnh ngay:
- Các em cứ chế giễu người khác, nhưng chính mình có làm được đâu.
- Nhưng sao nó lại xung phong?
- Thế sao các em không biết xung phong?
Khơ-lao không trả lời được, quay nhìn chỗ khác.
Chị Hai-ga giận lắm. Cứ nghĩ tới những của nợ ấy ở trong hàng ngũ, tôi cũng thấy ngượng quá.
Bấy giờ, Oan-tơ và Éc-vin đang thay phiên nhau tập đọc thơ. Chị Hai-ga giúp chúng cách đọc và cách phát âm cho đúng. Chúng tôi đều lắng nghe.
Hen-mu lại nằm lăn trên chiếc sơ mi trải dưới đất. Chích choè quả nhiên không trở lại. Đích-dơ trước sau vẫn ngồi im như thóc. Tôi thật không quen nhìn những đồ lười nhác ấy.
Gần tới giờ ăn trưa, chúng tôi đều trở về lều. Chưa được hai tiếng đồng hồ, đoàn đại biểu đã tới. Họ đều là những lao động tiên tiến ở nhà máy đỡ đầu trại hè chúng tôi. Họ đến với mụch đích thăm xem chúng tôi sinh hoạt ra sao. Họ nhìn chỗ này, xem chỗ nọ, bất cứ cái gì họ cũng chú ý. Họ nói chuyện với chúng tôi, gật đầu nhìn chúng tôi, mà cười nheo cả mắt. Có thể là họ cũng muốn có dịp nào đó sẽ đến đây nghỉ chơi mấy ngày thì phải. Ít nhất thì trên vẻ mặt họ cũng lộ ra cái ý nghĩ như thế.
Thôi, sắp khai mạc đến nơi rồi.
Ở một góc sau trại chúng tôi có một sân khấu lộ thiên. Đó là một cái bục lớn gép gằng ván gỗ khá rộng ngay dưới chân dốc, trong mấy hàng cây thưa.
Các chi đội ở từng lều lần lượt kéo nhau ra tập họp ở đó. Chỉ trong chốc lát, người ta đã không còn thấy các loài thực vật nhỏ như rau sam, mã đề và rêu mọc ở trên mặt đất nữa, mà chỉ còn thấy toàn là những quần áo trắng cùa đội viên thiếu niên tiền phong. Các vị khách quý của chúng tôi tắm trong nhiệt tình mừng đón của những tấm lòng bừng nở như hoa và những bộ mặt tươi sáng reo cười. Đứng ở chỗ tôi nhìn ra, tôi có thể quan sát được rõ ràng lắm.
Tất cả các đội viên đều ngồi thành một nửa vòng tròn bao quanh trước sân khấu.
Chi đội tôi đứng khuất ở hàng cuối cùng.
Ông trại trưởng trại hè tuyên bố khai mạc. Ông thay mặt chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh các đại biểu, đồng thời hi vọng là các tiết mục biểu diễn hôm nay sẽ làm đẹp ý mọi người.
Tôi có một cảm giác kì lạ, giống như khi ở trường học gặp phải một bài toán khó mà không sao làm nổi. Oan-tơ thì như có vẻ băn khoăn, mặt nó hơi tai tái. Han-si, Pi-tơ và Li-pu-li-pu cũng thế. Chỉ có Lô-ti và Phu-lân là ngồi đợi một cách hết sức khoan khoái. Pô-le, Khơ-lao, Măm-phơ-lê, Chích choè và Hen-mu cũng vậy, chúng cũng như hai thằng kia, chẳng bận tâm gì hết. Đúng, việc gì mà phải lo, với lại chúng tôi cũng đã có hai bài thơ để đọc rồi! Còn Đích-dơ và Mai-ơ thì thật sự không chú ý gì tới thành tích của tập thể bao giờ. Dù trời sụp nữa, cũng không can gì tới chúng.
Chi đội lều số 1 lên trước tiên với một bài đồng ca. Tiếp theo là một bản độc ca, rồi cuối cùng lại một bài đồng ca nữa.
Chúng tôi không nói năng gì nhiều lắm. Tôi lén nhìn chị Hai-ga một cái. Chỉ thấy chị ngồi co hai đầu gối lên, sắc mặt có vẻ lo lo. Oan-tơ đang cắn môi dưới, Han-si đang nhìn thẳng vào mặt tôi.
Lúc biểu diễn xong, các đại biểu đều vỗ tay, tất cả đội viên chúng tôi cũng vỗ tay theo.
Chi đội lều số 2 và số 3 biểu diễn cũng khá. Sau đó là chi đội lều số 4. Chi đội này có mấy tiết mục hết sức đẹp và hay, người xem đều bị hấp dẫn từ đầu đến cuối.
- À, hay ghê! Chả kém gì văn công! – Li-pu-li-pu nói.
Các tiết mục tam ca cùa chi đội này quả thật xuất sắc. Âm điệu khi trầm khi bổng, luôn luôn biến đổi nghe “cứ như rót vào tai ấy”. Chúng nó nhảy hăng quá, đến nỗi sàn ván cũng vang lên những tiếng thình thình theo nhịp múa. Đã thế, chúng lại có ba cái phong cầm để giúp về âm nhạc.
Chúng tôi vỗ tay nhìn lên sân khấu.
Chi đội lều số 5 ngoài hai bài hát ra, còn biểu diễn một vở kịch nói rát có ý nghĩa, tả cuộc đấu tranh vùng dậy của nông dân. Chi đội lều số 6 thì biểu diễn một tiết mục, nói về phẩm chất của đội viên thiếu niên tiền phong, là đối với bất cứ ai cũng phải có lễ phép và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Càng lâu, chúng tôi càng thấy mình không vững. Ở các chi đội khác, người ta chỉ coi cái trò ca hát, đọc thơ là một thứ phụ, dùng để xen kẽ và tô điểm cho tiết mục chính thôi. Còn chúng tôi thì có những gì? Hai bài thơ, ngoài ra không có thêm cái gì khác.
Chị Hai-ga vẫn ngồi bó gối như cũ. Đích-dơ và Mai-ơ hết ngả đầu biên nọ lại ngoẹo đầu bên kia mà nhìn lên sân khấu. Còn Pô-le, Hen-mu, Khơ-lao, Măm-phơ-lê, Chích choè và cả Lô-ti và Phu-lân nữa, bây giờ đã không như lúc nãy. Chúng nó đều vươn cổ há mồm, tập trung tinh thần vào sân khấu để thưởng thức các tiết mục một cách say sưa. Chúng nó không nói phiếm với nhau câu nào, vẻ mặt hơi có chiều lo lắng. Chi đội lều số 10 và lều số 11 đều đã theo nhau lên sân khấu. Bấy giờ, tôi vụt nhớ ra là chẳng còn mấy chốc sẽ đến lượt chúng tôi. Trống ngực tôi đánh thình thình.
Sáng hôm nay, mọi người đều cho là không có gì đáng lo. Vì bấy giờ, ai cũng nghĩ rằng: nếu tất cả đã không thích biểu diễn thì thôi; không biểu diễn cũng được. Nhưng bây giờ thấy người ta ai cũng có thành tích, thì mình lại không dám nghĩ thế nữa.
Ồ, chi đội lều số 12 cũng đã ra rồi. Trước hết, chúng nó hát một bài, tiếp đó lại là một điệu múa do bốn bạn gái mặc áo hoa ra nhảy. Chúng nó nhảy khá quá, lúc thì chuyển tới góc này, lúc lại rẽ sang góc khác; lúc thì lượn đi lượn lại uốn éo gài nhau, lúc lại xúm vào thành một vòng tròn; rồi giang ra, rồi họp lại. Nghĩa là cứ thay đổi luôn luôn, xem hoa cả mắt.
Chúng tôi lo quá, chỉ mong cho chúng nó cứ như thế mà nhảy mãi cho đến tối mịt. Có lẽ tất cả chi đội tôi đứa nào cũng nghĩ thế hết. Oan-tơ thì không biết đang nhai cái gì trong miệng. Éc-vin ngồi xổm dưới một gốc cây, sắc mặt tái nhợt; chắc nó nghĩ tới lúc sắp phải ra sân khấu, đứng đọc thơ trước ba trăm đội viên, nên nó hoảng. Khơ-lao rì rầm chuyện nhỏ với Li-pu-li-pu. Pô-le luôn luôn đưa tay lên vuốt cái đầu bờm ngựa. Hen-mu bảo khẽ Chích choè: “Hôm nay, mày bỏ đi trốn như thế, thật là đồ lười!” Nó nói mà không biết tự xét, Chắc lúc nó nói câu đó, nó không nhớ là suốt cả buổi sáng hôm nay, nó chỉ nằm lăn ra cỏ, để nhìn cái bụng trắng hếu của mình và mặc kệ tất cả. Hai cậu đó thật là kiểu lươn ngắn lại chê trạch dài, có hơn gì nhau đâu.
Sự thể đã đến nỗi này, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều có trách nhiệm. Toàn thể đội viên chúng tôi, kể cả Oan-tơ, Han-si, Li-pu-li-pu, Pi-tơ và tôi nữa, đều không ai tránh khỏi.
Ngay đến cả chị Hai-ga cũng có trách nhiệm. Chị vốn là người có nhiều thành tích tốt về công tác phụ trách, vậy mà hôm nay đã không làm tròn trách nhiệm. Đáng lí ra trong lúc chuẩn bị biểu diễn, chị nghiêm khắc phê bình những thằng lười biếng, bắt chúng nó phải tích cực tham gia, thì đâu đến nỗi. Chẳng lẽ chị lại không muốn cho chúng tôi thành công, cố ý để chúng tôi bị thất bại hay sao? Tôi liếc nhìn chị một cái. Vẻ mặt chị vẫn như cũ, không có gì thay đổi.
Giờ phút đã đến. Chúng tôi đều co rúm cả người lại mà nhìn lên sân khấu một cách thẫn thờ. Trời ạ! Thật không ngờ lại có chuyện tình cờ đến thế! Chúng tôi không ai nghĩ rằng mình lại bị một vố bất ngờ như vậy. Thế là toi hết! Gì gì nữa cũng toi hết!
Cái tiết mục cuối cùng của chi đội lều số 12, cũng là đọc thơ, mà đầu đề lại đúng là bài “Tiếng hát hoà bình” cùa Bê-se.
Chúng tôi ngồi đờ cả ra, ngao ngán.
- Chết thật, bài thơ ấy cùa chúng mình bị họ đọc trước mất rồi! – Pô-le càu nhàu nói.
Ngoài nó ra không một ai lên tiếng. Éc-vin đã lừng lững đi lên sân khấu. Chúng tôi đều đưa mắt tiễn nó đi. Tôi nghĩ cái trò trơ trọi một mai của nó đây, có lẽ không cần phải lên sân khấu nữa, vì như thế, nào có ý nghĩa gì? Chẳng thà cứ không tham gia một tiết mục nào cả, có lẽ lại hơn.
Nhưng không thể thế được. Ông trại trưởng đã giới thiệu với khán giả mấy tiếng “lều số 13” rồi. Tôi thấy đầu tôi như muốn vỡ tung ra. Tôi bị xúc động quá mạnh.
Các vị đại biểu đang rì rầm ghé tai nhau nói chuyện. Họ hớn hở vui mừng, nhìn lên sân khấu với một vẻ chờ đợi thân yêu. Bấy giờ, Éc-vin đã đứng trên sân khấu. Nó đứng ở đó, vừa nhỏ bé vừa lẻ loi. Nó là đại biểu lều số 13 cùa chúng tôi. Trông nó thật là ái ngại quá! Xin thú thật là chúng tôi không ai dám nhìn nó cả.
Éc-vin đã bắt đầu đọc. Tiếng nó vừa to vừa rõ, sắc mặt nó đỏ bừng! Nhưng khốn thay! Đọc tới câu thứ ba, nó đâm ngắc ngứ mãi không đọc tiếp được. May sao, một lúc sau nó lại nhớ ra và đọc tiếp ngay.
Khơ-lao lơ đãng cười lên một tiếng, nó vừa lấy tay mân mê mấy sợi râu vừa luôn miệng nói những tiếng “ài, ài, ài”. Hen-mu xoã tóc xuống mặt. Han-si trố mắt nhìn lên sân khấu. Khổ thật, Éc-vin lại ấp úng không đọc được nữa, nó lại tắc tị, và lại đọc lại từ đầu. Nhưng rồi chung quy nó vẫn ngắc ngứ không sao đọc được. Thế là nó đảo mắt một cái, nhìn lên trên trời mà đứng đực ra.
Đứng như thế một lúc nó lại cúi xuống nhìn sàn ván, rồi khóc không thành tiếng.
Các đội viên trong hậu trường đều im lặng.
Chúng tôi thấy khổ hết sức. Thật là một việc xấu hổ vô cùng!
Khơ-lao nằm ngay xuống đất. Chích choè bò luôn ra sau gốc cây to. Hen-mu thì mấp máy luôn miệng, song không nói câu gì. Măm-phơ-lê cắn móng tay. Pô-le xoa xoa lá thuốc cao. Li-pu-li-pu gãi đầu.
Ông trại trưởng đi tới trước sân khấu, nói mấy câu an ủi Éc-vin. Cái đó tất nhiên là một cử chỉ tốt của ông, song đã không sao gỡ lại được nữa rồi.
Chúng tôi cứ từng đứa chuồn về.
Những đội viên ngồi gần chúng tôi đều ngó nhìn chúng tôi một cách lặng lẽ. Cái vẻ nhìn chế giễu có hàm ý khinh bỉ đó, chúng tôi thật không sao chịu nổi. Thật còn ác hơn là roi quất.
Chị Hai-ga quay lại thấy chúng tôi về cả, chị vẫn ngồi bó gối như cũ, sắc mặt càng tái thêm.
Tự nhiên, tôi thấy oán giận chị vô cùng.
Câu chuyện hết sức chán này, giờ đã viết xong, tôi thấy nhẹ nhõm quá. Chính ra tôi không muốn viết. Nói thế, có lẽ các bạn không tin, nhưng thật ra, hôm nay phải nói là một ngày đau đớn nhất của chúng tôi ở trong trại hè.
Lúc này, tất cả đều nằm sóng sượt trong lều, không một ai nói gì. Vì tóm lại, mỗi người đều có trách nhiệm cả, không ai chối cãi được.
Măm-phơ-lê đã định trút hết trách nhiệm vào một mình Éc-vin. Nhưng mọi người đã lớn tiếng gạt đi và trách lại nó, nó mới không dám nói nữa.
Ý kiến của các đội viên lều số 13 đã hoàn toàn nhất trí. (Đây là lần thứ nhất mà chúng tôi được như thế). Giá như ở các trường hợp khác, mà chúng tôi cũng nhất trí với nhau như vậy để bảo toàn danh dự của chi đội, thì có phải hay biết bao.
Giờ tôi phải ngừng bút. Tôi không lòng nào viết thêm gì nữa. Bên ngoài là một cuộc bàn luận ồn ào. Có những tiếng đùa nghịch nhau từ xa đưa tới. Thỉnh thoảng lại có mấy cái đầu thò vào lều chúng tôi, nhìn ngang nhìn ngửa như không thấy chúng tôi đâu.
Đã sắp tới bữa tối. Sau bữa ăn, còn phải ra làm lễ hạ cờ. Bấy giờ, chúng nó sẽ lại tha hồ dùng những cặp mắt kì quái để quan sát chúng tôi. |
|
|