Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài Học Trò » Lều số 13 Tác Giả: Bennô Pơluđơra    
Thứ năm, ngày 26 tháng 7

    Sáng sớm hôm nay, lúc làm lễ chào cờ, chi đội chúng tôi lại đến chậm nhất. Ngày nào cũng thế, Oan-tơ thật hết sức xấu hổ vì lần nào cũng phải báo cáo quân số với liên đội trưởng.
    Mấy ngày vừa qua anh Mích không cùng đi chào cờ với chúng tôi nữa. Bao giờ anh cũng chờ cho chúng tôi tập trung xếp hàng cả ở dưới cột cờ rồi mới đến đứng cạnh.
    Oan-tơ thường vẫn ấm ức, nói: “Anh Mích cũng không biết tập hợp đội ngũ đúng giờ, chính anh ấy cũng có lỗi.”
    Hôm nay cũng vậy, chúng tôi lại đến chậm.
    Giữa lúc các chi đội lều số 4 và số 7 đã cùng hát và cùng diễu qua sân trại tới dưới cột cờ, thì Hen-mu và Mai-ơ vẫn còn chưa xỏ giày, chưa mặc áo, đang nhảy với nhau ở trong lều. Lô-ti và Phu-lân thì chẳng thấy bóng dáng ở đâu cả. Thế rồi khi chúng tôi sắp tập họp vào vị trí của mình thì Chích choè lại vội vàng chạy đi đái. Đích-dơ tròn như hạt mít lại vẫn còn nấp ở trong lều. Mãi đến khi chị Hai-ga tới kiểm tra, cậu ta mới hoảng lên.
    Chúng tôi ra đến nơi thì các chi đội khác đã đứng đâu vào đấy cả.
    Chị Hai-ga dẫn chúng tôi đi. Chị luôn luôn nhìn thẳng lên phía trước, không hề để lộ nỗi lo ngại buồn rầu của chị ra cho ai thấy.
    Các đội viên lều số 1 dùng hoa thông, cát trắng và rêu xanh đắp thành một mảng vườn con ở ngay dưới chân cột cờ, trông rất đẹp mắt. Các bạn ấy thường lấy làm tự hào về thành tích của mình. Hàng ngày cứ tới buổi chào cờ là chúng tôi lại cùng ra đứng cả ở chỗ đất trống ngay đầu dốc gần hồ.
    Lô-ti, Phu-lân và Măm-phơ-lê thường xô đẩy lẫn nhau ở đây, cậu nào cũng muốn đẩy được đối phương xuống dốc. Đó chỉ là một trò chơi nghịch, không có gì nguy hiểm, vì men hồ toàn là đất cát minh. Có điều trong lúc chào cờ mà cứ đùa nhau như thế thì không nên, nhưng các cậu ấy không chịu hiểu như vậy.
    Hai đội viên mặc sơ mi trắng, thắt khăn quàng xanh đứng dưới cột cờ. Một cậu cầm cờ của Đội, còn một cậu cầm dây.
    Anh tổng phụ trách và liên đội trưởng đứng ở phía trước.
    Liên đội trưởng tuyên bố lễ chào cờ bắt đầu. Tiếp đó, anh tổng phụ trách hô to về phía chúng tôi: “Sẵn sàng đấu tranh cho hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc!”
    Chúng tôi cùng hô: “Sẵn sàng!”
    Sau đó là đến tuyên bố khẩu hiệu ngày hôm nay và kéo cờ lên. Chúng tôi cùng đứng im phăng phắc. Tất cả các anh chị phụ trách đều giơ tay lên phía trên đầu chào theo nghi thức của Đội. Cờ của Liên đội chúng tôi màu xanh lam, có thêu hai chữ tắt và hình ba ngọn lửa, đã cao bay trên ngọn cột.
    Bao giờ tôi cũng thấy giờ làm lễ chào cờ này là trang nghiêm hết sức. Nhất là vào những ngày trời quang mây tạnh: ánh mặt trời tươi sáng chiếu xuống khắp nơi, nước hồ xanh biếc rộng mênh mông không trông thấy bờ, gió sớm hiu hiu thổi nhẹ qua những ngọn lá thông. Cứ mỗi sáng được tham gia buổi lễ như thế, bao giờ tôi cũng thấy khoan khoái trong người. Thật thế!
    Hôm nay, tôi cũng đứng như vậy, chợt thấy có một đứa từ trong trại chay bay về phía chúng tôi. Đó là Chích choè. Cậu ta chạy quáng quàng đến sau hàng ngũ rồi lách vào. Xưa nay, cậu ta vẫn thế, Hen-mu cũng thỉnh thoảng đi chậm như vậy. Còn Lô-ti và Phu-lân thì vốn không hôm nào chịu đi chào cờ cả; ngẫu nhiên có tham gia thì lại chỉ để cãi nhau một trận cho sướng thôi. Chị Hai-ga cũng trông thấy Chích choè, chị chỉ lườm nó một cái.
    Sau tiếng còi tập hợp, chúng tôi đã lại đứng cả ở trước lều. Chị Hai-ga dẫn chúng tôi đi vòng ra phía sau. Chúng tôi thấy Han-si, Hen-mu, Éc-vin và Măm-phơ-lê đang bắt đầu sửa soạn bữa sáng.
    - Tối hôm qua, chị bực mình với các em lắm. – Chị Hai-ga nói. – Sáng hôm nay các em lại làm chị bực thêm đấy. Các em phải cố gắng giữ kỉ luật. Đừng tưởng muốn làm gì thì làm. Nếu thế thì không phải là đời sống tập thể. Làm việc gì, dù to dù nhỏ, đều phải nghĩ đến các bạn mình. Các em là đội viên thiếu niên tiền phong, các em đã có nội quy của các em. Mỗi người đeo khăn quàng xanh đều phải biết giữ nội quy. Các em đều là những thiếu niên ngoan, chị không muốn thấy các em lại diễn lại cái cảnh như tối hôm qua. Và chị cũng không muốn thấy chi đội của chúng ta cứ mãi mãi đi chào cờ chậm nhất; đã chậm mà lại còn có hai người không đi, một người đến muộn.
    Chị nói rất bình tĩnh. Cuối cùng, chị bảo:
    - Thôi không còn chuyện gì khác. Bây giờ, các em chuẩn bị đi chơi xa.
    Chị Hai-ga vừa dứt tiếng, cả bọn đều tản mát ra ngay: đứa thì tiến lại trước bàn chia thức ăn, đứa thì vào trong lều.
    - Không được đứng trước bàn. – Chị Hai-ga nói.
    Nhưng chúng làm như không nghe thấy. Mà cũng chẳng cần phải nói, Chích choè đã giở quẻ rồi. Cậu ta chỉ tay vào chiếc bánh nhồi bơ nhiều nhất đã trông thấy từ trước.
    Li-pu-li-pu và Oan-tơ vội vàng chạy tới, đẩy cậu ta ra.
    Cậu ta vừa thong thả lui ra, vừa ngoạc mồm chửi tướng lên. Nhưng Lôt ti và Phu-lân thì vẫn chưa chịu lui. Chúng cứ đứng sừng sững ra đó, và hầm hè nhìn Li-pu-li-pu và Oan-tơ.
    - Không được đến trước bàn! Chị Hai-ga đã bảo thế rồi!
    Li-pu-li-pu quát xẵng cả hai. Và khi cậu ta nắm lấy cánh tay Phu-lân thì bị Phu-lân cáu lên, quát lại:
    - Buông ra, kệ tao, tao muốn đứng đến bao giờ thì đứng, mày không cấm được!
    - Liệu đấy, – Li-pu-li-pu hằm hằm nói. – Không thì sớm muộn thế nào mày cũng bị một vố cho mà coi.
    Bấy giờ, Han-si, Éc-vin, Hen-mu và Măm-phơ-lê đang nhồi thịt vào bánh. Bánh ăn sáng hôm nay là loại bánh có quệt bơ và nước sốt, còn bánh đi đường ăn bữa trưa thì có bơ và xúc xích.
    Qua một lúc lâu, Chích choè lại lên tiếng:
    - Chúng mình cẫn chưa được ăn cơ à? Giờ xuất phát đã sắp đến rồi, không ăn đi, thì làm sao kịp.
    - Không kịp à? – Chị Hai-ga hỏi lại nó. – Trong các em còn có những người không thể không lấy bánh sau cùng, chúng ta phải đợi họ chứ. Tất cả chúng ta hãy cứ thử đợi một lát nữa, rồi cùng ăn xem.
    - Nhưng mà em đói lả ra rồi. – Lô-ti nói.
    - Thì chị cũng đói đây. – Chị Hai-ga bình tĩnh nói.
    - Em không đợi được nữa đâu. – Lô-ti lại nhì nhèo.
    - Thì cứ đợi một lát nữa, cũng như mọi người khác thôi mà.
    - Chúng mày xem đấy, không hiểu nó nghĩ thế nào mà lại cứ thế mãi! Tất cả mọi người đều phải đợi, thì tất nhiên là nó cũng phải đợi chứ. Sao lại cứ đòi ngoại lệ thế nhỉ?
    Có mấy cậu nói thế, và dò ý Lô-ti xem sao.
    Lô-ti cười nói:
    - Không, tớ không phải đợi gì cả. Tớ lấy phần của tớ rồi tớ đi đây.
    Nó vừa nói vừa thò tay ra, rón rén lấy một phần bánh. Xong rồi, nó nhìn chiếc bánh trong tay, như không biết nên làm thế nào, ăn hay là cứ cầm. Tiếp đó, nó ngần ngừ nhìn chị Hai-ga một cách lúng túng, rồi lại nhìn Phu-lân vừa cười vừa bảo:
    - Kìa, mày cũng lấy một phần đi.
    Giữa lúc Phu-lân cũng định đưa tay ra lấy thì chị Hai-ga nói to:
    - Bỏ tay ra!
    Phu-lân rụt tay lại.
    Bấy giờ, chị Hai-ga mới nói như không có chuyện gì xảy ra:
    - Đưa nốt cả cái phần bánh đi đường cho em Lô-ti nữa. Để em ấy nghỉ một hôm.
    Bốn đội viên trực nhật đang coi bữa ăn, thấy nói thế, đều buông cả dao xuống, há mồm ra không hiểu là thế nào. Phu-lân thì nhìn cậu bạn Lô-ti, cậu này ngây ra nhìn chị Hai-ga. Li-pu-li-pu liền nói:
    - Như thế là rất phải.
    Cách phân xử này đột ngột quá, chẳng khác gì tiếng sét nổ giữa lúc trời quang.
    Chích choè mím môi lại, đôi con mắt ti hí của nó cứ chớp liền liền sau mắt kính.
    Lô-ti hai tay cầm hai chiếc bánh, cúi đầu đứng lặng đi như mất hồn.
    Chị Hai-ga nắm lấy cánh tay nó, dắt nó sang gian lều bên cạnh. Thế là nó đành phải ở lại trong lều với Pô-le mất cả một ngày. Pô-le không dự cuộc đi xa được, vì chân chưa khỏi.
    Chị Hai-ga đã thắng lợi, hay ít ra thì cũng là một lần chị thành công. Ngay như mấy cậu Phu-lân, Chích choè, Măm-phơ-lê, Mai-ơ và Đích-dơ cũng phải nem nép cả. Đó là cách phân xử rất hợp lí. Không cho dự cuộc đi chơi xa! Mà chuyến đi chơi xa này lại là việc tất cả mọi người đều nóng lòng mong đợi từ lâu đấy! Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị từ hôm kia. Lần đi chơi xa này, chúng tôi chắc là sẽ được biết thêm nhiều tri thức về tự nhiên. Chúng tôi cần phải biết rất nhiều, mới có thể đạt được huy hiệu “Nhà du lịch trẻ tuổi”.
    Vì thế, chúng tôi đều tràn đầy hi vọng, khôn xiết vui mừng. Lô-ti vẫn nói mãi với chúng tôi, là nó sẽ thu lượm các thứ ở dọc đường mang về làm đồ dùng học tập. Vậy mà bây giờ, cậu ta đành ngồi lì ở nhà.
    Lúc chúng tôi ra đi, tôi có trông thấy cậu ta. Thật là đáng thương quá. Cậu ta một lần chạy ra nhập bọn, định đi cùng với chúng tôi, nhưng chị Hai-ga kiên quyết không cho, bắt phải đứng ra ngoài và ở nhà.
    Chúng tôi sửa soạn đi quanh hồ một vòng.
    Chúng tôi ra cả phía sau cột cờ, rồi cùng nhảy xuống sườn dốc, xếp hàng một tiến theo đường mòn. Con đường mòn này chạy sát ven hồ, ngoằn ngoèo xuyên qua cả một vùng “đầm lạch”.
    Ở đây toàn là lau sậy, rất nhiều bụi rậm, hoạ hoằn mới có một vài gốc cây to. Ngoài ra, còn có rất nhiều loại cỏ dại và còn thấy cả mấy bông hoa nữa,. Chúng tôi gọi đây là vùng “đầm lạch”, vì ở đây toàn là đất ẩm, mùn đen. Người ta đi trên những lối đi nhỏ hẹp này dù có cẩn thận từng bước, cũng phải trượt vài ba cái là ít.
    Ông Xô-lô-mông đi trước cả bọn.
    Tên thật ông là Khơ-lu-xơ, một người đã ngót năm mươi tuổi. Ở trại hè, ông là người điều khiển tổ nghiên cứu thực vật và động vật của các học giả tí hon chúng tôi. Cứ mỗi lần có cuộc đi chơi xa là không thể thiếu ông được. Ông giảng giải cho chúng tôi nghe về từng cái cây, từng con vật một. Có một bộ óc như ông, thì có lẽ mình gặp cái gì hỏi cái ấy, ông cũng nhất định trả lời được hết. Vì thế, chúng tôi phục ông, mà gọi ông là Xô-lô-mông.
    Ông cứ thong thả đi từng bước ở phía trước chúng tôi. Lúc thì ông cúi nhổ một cây cỏ, lúc thì ông giơ tay bứt một cái lá, rồi luôn tiện đưa cho người đi sau. Chúng tôi vừa nghe ông nói vừa chuyền tay nhau cái cây hoặc cái lá đó lần lượt cho người đi sau mình. Tới người cuối cùng thì người này phải giơ cao đồ dùng để học đó lên. Bấy giờ, “cụ giáo” mới giảng cho chúng tôi nghe một bài về thực vật. Thật là ý nghĩa.
    Pi-tơ đi cuối cùng. Chẳng mấy chốc nó đã phải ôm đến một bó to những cỏ là cỏ, chị Hai-ga phải mang đỡ nó. Bao giờ chị cũng đi sau chót, đề phòng có người lạc lối hoặc bỏ trốn.
    Chúng tôi đã ra khỏi vùng đầm lạch từ lâu.
    Bên tay trái là một sườn dốc cao. Bên tay phải là hồ. Phía trước mặt là một lối đi nhỏ ngoằn ngoèo.
    Đi như thế thật là vui quá.
    Chừng như tôi đi vào quãng giữa. Hen-mu nhảy lon ton ở trước mặt tôi, nó vung tay vung chân nói luôn mồm. Phía sau tôi là Li-pu-li-pu, tiếng nó uồm uồm chốc lại khé giọng như bị hóc. Nhìn lên phía trên, có thể thấy rõ hai cậu Măm-phơ-lê và Chích choè đang giằng nhau một con cóc. Bỗng có tiếng Chích choè kêu thét lên; thì ra nó bị Măm-phơ-lê nhét con cóc vào trong cổ áo.
    Đội ngũ phải dừng lại.
    Chích choè lắc lắc đôi vai kêu lên tru tréo. Mọi người đều không nhịn được, phá lên cười ha hả. Duy có ông Xô-lô-mông và chị Hai-ga là vẫn im lặng; nhất là ông Xô-lô-mông thì càng nghiêm nghị hơn bao giờ hết.
    - Đừng có ồn ào, – ông nói. – Chơi ác loài vật nhỏ như thế làm gì? Nội quy của các em chẳng đã có câu là: “Đội viên thiếu niên tiền phong phải bảo vệ các sinh vật” đó sao.
    Rồi ông vạch áo sơ mi của Chích choè, lấy con cóc ra. Ông đặt nó ngồi trên lòng bàn tay. Con vật nhỏ này ngồi im, bạnh cổ, trông vừa mập vừa tròn.
    - Cóc là một động vật rất có ích, – ông Xô-lô-mông giảng giải cho chúng tôi nghe. – Chúng bắt sên và các giống sâu bọ khác để ăn. Bất cứ người làm vườn nào cũng thích có nhiều cóc ở trong vườn mình.
    Sau đó, ông khom lưng xuống, con cóc liền nhảy tót đi.
    Chúng tôi lại tiếp tục tiến.
    Mặt trời đã lên cao lắm. Ánh nắng rọi vào người chúng tôi nóng như thiêu.
    Chúng tôi đi tới trước cái lều của mấy nhà thể thao bơi lội và bơi thuyền. Thuyền của họ đều đỗ cả ở bờ hồ. Có một đống lửa nhỏ đang cháy ở đó; mà không đúng ra chỉ là đang bốc khói thôi. Một người đàn ông và một người đàn bà đang nhóm lửa.
    Li-pu-li-pu tới gần, ngồi xổm ngay bên cạnh họ.
    - Phải thổi mạnh vào chứ, bác, – nó vừa nói vừa ra công thổi hộ, làm tàn lửa bay cả lên.
    - Thổi ích gì, – Măm-phơ-lê nói, – vì xếp củi không đúng cách, không thoáng hơi.
    Li-pu-li-pu nguýt nó một cái:
    - Đừng nói liều.
    - Thì đúng là vì xếp tắc tị lại, nên nó mới không nhóm được, lại còn! – Khơ-lao nói. – Phải lôi hết củi và giấy ra xếp lại mới được.
    Hai người lớn cùng cười.
    Khơ-lao nói và làm luôn, cậu ta xếp lại củi đóm, rồi đón lấy nắm giấy ở tay người đàn bà, xếp lần lượt vào bếp, cứ một lượt củi lại một lượt giấy. Theo đúng quy cách nhóm lửa (hễ ai muốn được huy hiệu “Nhà du lịch trẻ tuổi” là phải học thuộc cách này, không thì đừng hòng). Khơ-lao đánh một que diêm; quả nhiên bếp lửa cháy to ngay.
    Li-pu-li-pu ngồi bên cạnh thở phì ra:
    - Đấy, có gì là khó đâu.
    - Thôi đừng nói vuốt đuôi nữa, người ta làm được rồi thì ai mà chả nói được. – Măm-phơ-lê nói thế và cười khẩy một tiếng.
    Người đàn bà đã bỏ đi từ nãy, lúc này quay lại. Bà ta mang tới cho ba đứa, mỗi đứa một miếng đường.
    Trời ạ! Lúc ba cậu đút lủm ba miếng đường vào mồm ngậm, sao mà trông chúng nó đắc ý đến thế, thật là khó coi quá. Nhất là điệu bộ Li-pu-li-pu thì lại càng trơ trẽn. Nó vênh vênh vang vang, làm như là mới được thưởng huy chương gì ấy.
    Chúng nó chào một tiếng “Xin chào!” rồi hấp ta hấp tấp chạy theo đội ngũ. Chị Hai-ga, Oan-tơ và tôi cũng theo sau chúng.
    Bờ hồ đôi chỗ rất bằng phẳng, cây cối mọc hơi xa; nhưng cũng có những cây lại mọc ngay sát mép nước, cành lá xoà cả xuống hồ như che một tấm màn xanh lục. Ông Xô-lô-mông không cóp nhặt cây cỏ nữa, vì chúng tôi đã lấy được nhiều rồi. Tuy nhiên, ông vẫn giảng giải cho mọi người nghe một cách rõ ràng và thong thả về đời sống cùa từng loại cây một.
    Khi trời mỗi lúc một oi ả hơn, Chích choè thình lình nhảy ngay xuống nước, ngập tới đầu gối; cậu ta đứng nguyên như thế, gào tướng lên:
    - Chị cho em tắm nhớ!
    Nhưng chị Hai-ga giơ tay vẫy vẫy, nó lại lẳng lặng đi lên.
    Chúng tôi bắt đầu nghỉ chặng thứ nhất.
    Đây là một bến nhỏ con con. Cây dẻ cao vút đến tận mây, cỏ xanh mềm nuột như đệm nõn. Chỗ chúng tôi nghỉ chỉ cách cái hồ không tới mười bước chân. Sóng vỗ nhẹ vào bờ mỗi khi có gió thổi, những bụi lau lại phát ra những tiếng lào rào xao xác.
    Chị Hai-ga không cho chúng tôi tắm. Cố nằn nì với chị cũng không ăn thua. Chị lo là đã đi lâu rồi, sợ chúng tôi không đủ sức theo cho mãn cuộc.
    Lúc chúng tôi dùng bữa, ông Xô-lô-mông lại giảng bài cho chúng tôi nghe. Bài giảng ở đây không như ở lớp học. Ông ngồi vào giữa, chúng tôi ngồi xung quanh; hai tay ông ôm lấy đầu gối. Trước hết ông giảng lại cả một lượt những thứ cây cỏ mà chúng tôi đã thu lượm được. Sau đó, ông giảng đến con cóc, nói hết cả các loài cóc nhái. Chích choè thích chí nói góp:
    - Nhái bể, còn một giống nhái bể nữa ạ.
    Ông Xô-lô-mông cười hỏi:
    - Nhái bé? Làm gì có giống nhái bé nào?
    Chích choè vênh mặt đáp:
    - Cháu nói là nhái bể ạ. Bể là sông bể ấy.
    - Ồ, lại có giống nhái bể nữa kia à?
    - Vâng, nếu không thì cháu đã chả nói. Chúng cháu đã bắt được một con ở bờ sông.
    Và như để mọi người tin mình nói thật, Chích choè cứ nhìn hết bên nọ lại nhìn bên kia, đồng thời cứ múa hai tay lên, không nghỉ.
    - Các cậu phải biết, nó to bằng này này.
    Câu ta vừa nói vừa dang rộng hai tay ra và khoát mạnh một cái, làm Phu-lân sợ quá phải cãi ngay một câu:
    - Phì, đó là giống nhái trâu; nhưng chỉ ở Nam Mỹ mới có thôi, ở đây làm gì có!
    - Không tin thì cứ vào cung thiếu niên trung ương mà xem.
    - Ở đấy có khối, chúng nó ở cả trong một cái chuồng to. Cậu có biết chúng nó ăn thứ gì không?
    Chích choè hỏi vậy, rồi vươn cổ ra, bặm môi lại. Cậu ta đắc chí là không một ai biết gì về loại động vật kì dị này, nên trùng trình mãi mới nói tiếp:
    - Không biết à?... Nó ăn, chúng nó ăn… toàn nhái bén, và…
    - Và chuột, – Li-pu-li-pu tiếp luôn thế. Cậu ta nói rất nhẹ nhàng và rất tự nhiên. Nói xong nó mới cười nhẹ một tiếng.
    Chích choè vô tình cũng nhắc lại:
    - Ừ, và chuột.
    - Ơ, thế thì có lẽ nó là giống lợn biển đấy, không phải nhái biển đâu.
    Khơ-lao nói và cười thật to. Mọi người cũng cười theo. Ông Xô-lô-mông cũng hơi mỉm cười. Tiếp đó, ông giảng đến giống nhái mưa. Giống nhái này thường lấp trong những cây dương liễu. Mọi người thấy nói thế, đều nhìn ngang nhìn ngửa xem có cây dương liễu nào ở gần đây không. Cuối cùng, Phu-lân đã tìm được một cây. Chúng tôi bàn tán nhau định trèo lên để bắt nhái mưa.
    Nhưng chị Hai-ga cấm chúng tôi không được trèo.
    - Chán thật, cái gì cũng cấm! – Mai-ơ phụng phịu nói. Trông nó như một con cóc bị trẻ con đang làm tội.
    - Nếu em trèo lên, rồi ngã xuống, gãy chân gãy tay thì làm thế nào?
    - Em cam đoan là không ngã được.
    - Thì bao giờ các em chả nói thế.
    - Thôi, cứ để chúng em trèo, chị nhớ? – Chích choè cũng đề nghị.
    - Không, không ai được trèo hết. Cứ ngồi đây nghe nói chuyện thôi.
    Lúc này ông Xô-lô-mông đã nói tới loài rắn. Các bạn đừng cho là ông gặp đâu nói đấy. Chỉ có hôm nay đi chơi xa thế này ông mới nói nhiều và không cần phải có đề mục nhất định như khi ở trường, ở trại, vì mục đích nói chuyện ở đây chỉ cốt giảng cho chúng tôi được biết thêm ít nhiều trí thức về các loài vật thôi.
    Ở trại, có thành lập nhiều tổ học tập, như tổ thực vật, tổ động vật, tổ kĩ thuật, tổ khí tượng… Ông Xô-lô-mông là người hướng dẫn cho hai tổ động vật và thực vật của trại. Tôi cũng tham gia hai tổ này. Và đã học được một đôi điều có ích. Không bao giờ tôi lại hỏi những câu dớ dẩn như Éc-vin đã hỏi. Nó kể với ông Xô-lô-mông là có một lần nó bị rắn hổ mang đuổi, may mà chạy nhanh nên không bị cắn.
    - Ha ha, – Li-pu-li-pu nói, – cậu ta lại bịa rồi!
    - Bịa đâu, chỉ được cái phá đám!
    Ông Xô-lô-mông lắc đầu:
    - Không bịa, song cháu nói thế thì bác cũng không tin được. Rắn hổ mang thấy người là nó chạy ngay, trừ phi mình giẫm phải nó hay đánh nó thì nó mới cắn mình. Đó là loài động vật không thích hại người.
    Tiếp đó, ông nói về các loài rắn.
    Một cậu hỏi ông là thằn lằn có biết bơi không, Thế là ông nói về nước, về các động vật ở dưới nước. Ông giảng cho chúng tôi nghe về lịch sử hồ Cây trắc. Ông bảo, ngày xưa hồ này là một vùng băng giá, về sau băng giá tan dần biến thành hồ như bây giờ; rồi ông nói luôn về đời sống các động vật nhỏ ở dưới nước. Chúng nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi người ta không trông thấy, phải dùng kính hiển vi mới nhận ra được. Ông nói đến nhiều tên các sinh vật, chúng tôi không sao nhớ được hết.
    Trong lúc nói, ông cứ đăm đăm nhìn ra mặt hồ. Chúng tôi ngồi nghe thỉnh thoảng nhìn ra theo ông; ai nấy đều như bị lôi cuốn vào chuyện.
    - Hay thật, nghe bác nói như nghe kể chuyện cổ tích ấy.
    Thật thế, ông Xô-lô-mông là một người có biệt tài về môn giảng dạy cũng như môn nói chuyện.
    Mải nghe, chúng tôi không nhớ là thời gian đã trôi qua rất chóng.
    Khi chị Hai-ga ngắt lời ông Xô-lô-mông để nhắc chúng tôi là còn phải tiếp tục đi nữa, chúng tôi đều hơi có ý tiếc.
    Chúng tôi còn đang định tỏ ý không tán thành, thì chị Hai-ga bỗng kêu thốt lên:
    - Không xong rồi! Thiếu mất mấy em!
    Thật thế, thiếu hẳn bốn đứa. Không biết chúng nó đi đâu. Đó là Phu-lân, Măm-phơ-lê, Chích choè và Mai-ơ. Không ai thấy chúng đâu cả.
    Chúng tôi gọi thật to, réo tên từng cậu lên mà gọi và chúng tôi hết sức thổi còi nữa. Cả bọn cứ nhao lên như phát điên, song vẫn không có một tiếng nào đáp lại.
    - Gọi thế này cũng vô ích. – Ông Xô-lô-mông nói. – Ai biết được chúng nó đi đâu. Chắc là chúng nó trốn rồi. Nếu không, mình gọi như thế, lẽ nào chúng nó lại không nghe thấy.
    - Nhưng không thể để các em ấy không đi nốt với tất cả. – Chị Hai-ga nói.
    - Thì tất nhiên rồi, tất nhiên rồi. Nhưng không hề gì đâu, rồi chúng nó cũng theo kịp bọn mình không sớm thì muộn; mà có lẽ chúng nó đã đi trước rồi chưa biết chừng.
    Thế là chúng tôi lại tiếp tục lên đường không thắc mắc gì về bốn cậu ấy nữa.
    Nhưng chị Hai-ga, thì chỉ thoáng nhìn cũng biết là chị rất áy náy không yên. Ba bốn lần chị ngoái lại phía sau, hoặc chú ý nhìn vào các bụi cây và luôn luôn lắng tai xem có động tĩnh gì không.
    Chúng tôi đi như thế được chừng mười lăm phút thì nghe có tiếng kêu í ới ở phía trước.
    - Chắc là chúng nó đấy. – Ông Xô-lô-mông nói. – Mà có lẽ là chúng nó đang tắm.
    Hen-mu vừa thấy nói thế, cho là dịp tốt không thể bỏ qua, vội nói ngay:
    - Ừ, chúng nó có thể tắm được, mà chúng em lại không là thế nào. Em cũng… cũng phải tắm mới được.
    Vì cây cối rậm rì, chúng tôi vẫn chưa thấy bóng chúng nó đâu.
    Đi được một quãng nữa, rừng cây thoáng chốc đã thưa ra.
    Chúng tôi tiến đến một khoảng đất trống đã ngả hết cây thì có thấy một doi đất duỗi trên mặt hồ. Và ngay ở mũi doi đất này, Chích choè mặc xi líp đang đứng chửi toang toang. Nó chửi ra trò! Chúng tôi đã trông thấy nó và không hiểu sao nó lại cáu đến thế. Thì ra ở ngoài hồ có một bè gỗ, trên bè là ba cậu kia đang ngồi bơi. Chúng nó bỏ Chích choè lại, không cho đi.
    Chi Hai-ga hớt hải chạy tới, chúng tôi cũng chạy theo chị. Duy có ông Xô-lô-mông là không vội vã gì, ông vẫn thủng thỉnh bước theo phía sau chúng tôi.
    Chích choè vừa thấy chúng tôi thì hoảng ngay. Cậu ta khoanh hai tay trước ngực, rồi rụt cổ lại, xo vai lên; hai chân cứ co lên co xuống như không biết đứng thế nào cho phải.
    - Chúng nó xuống bè trốn rồi! – Cậu ta dấm dẳng nói. – Và chúng nó đem hết cả các thứ đi.
    Chúng tôi đến trước Chích choè. Chị Hai-ga kéo nó ra một bên, nói:
    - Thôi đừng gắt gỏng nữa!
    Rồi chị rúc một hồi còi.
    Nhưng những cậu trên bè cứ làm như không nghe thấy. Chúng không muốn về tí nào. Chúng huơ hai tay lên và hò reo như thích chí là Chích choè đã bị chúng tôi tóm được. Chúng nó cho là bè ở ngoài xa, không ai làm gì được, nên chúng càng làm bộ khiêu khích.
    Chị Hai-ga lại rúc một hồi còi.
    Chúng tôi đã nhìn rõ mặt cả ba cậu. Măm-phơ-lê trước hết nhìn vào bờ một cái rồi quay ra nói mấy câu với Phu-lân, đúng là để bảo nó quay vào bờ. Phu-lân có lẽ đang giữ chức “thuyền trưởng” trên bè thì phải. Nó cũng nhìn về phía chúng tôi một lúc, rồi gõ trán mấy cái như suy nghĩ điều gì. Còn Mai-ơ thì quỳ xuống, cầm một mảnh gỗ to và rộng đang bơi lấy bơi để. Phu-lân cũng cùng bơi với nó. Chỉ có Măm-phơ-lê là đứng im không động đậy gì, có lẽ nó chưa biét nên tính sao. Bỗng nó nhảy toài xuống nước và bơi về phía chúng tôi.
    Chị Hai-ga lại rúc còi lần thứ ba.
    Chúng tôi đều đứng xúm quanh chị.
    - Chắc chúng nó không chịu về đâu! – Li-pu-li-pu nói.
    Hen-mu phản đối ngay:
    - Cậu nói thế là… là thế nào? Nếu lỡ xảy… xảy ra chuyện gì thì làm sao? Đến bấy… bấy giờ chị Hai-ga, chị ấy gánh hết trách nhiệm được à?
    - Thôi đi, đời nào lại xảy ra chuyện gì được. Chúng nó đều biết bơi hết!
    - Nhưng mà không thể bơi được xa như thế, – Pi-tơ nói.
    - Để đến lúc bè ra tới giữa hồ, vỡ ra thì chúng nó thật hết cách về.
    Chích choè nghe nói thế, thích chí:
    - Đúng thế, vì bè của chúng nó làm toàn bằng cành dẻ và buộc quấy quá bằng dây cao su và thắt lưng của Mai-ơ thôi mà.
    Thái độ chị Hai-ga đã làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Chị không nói một câu nào. Giá phải anh Mích thì lúc này hẳn anh phải gào đến rát cổ rồi. Nhưng chị thì cứ đứng yên, không thốt một tiếng, chỉ chăm chú nhìn theo chiếc bè.
    Bỗng chị cởi hết khuy áo, rồi bỏ áo ra.
    Thì ra bên trong, chị mặc áo tắm.
    - Các em cứ đợi ở đây. – Chị bảo chúng tôi thế.
    Li-pu-li-pu, Pi-tơ, Oan-tơ và Han-si đều muốn cùng bơi ra với chị. Chị lắc đầu không nghe. Và chị nhảy xuống hồ bơi ngay.
    Chúng tôi cùng nhìn theo chị.
    Tất cả đều mong sao gọi được chúng nó về. Vì, một là bấy giờ Phu-lân và Mai-ơ đã bơi cách bờ rất xa; hai là nhất định chúng nó không chịu ngoan ngoãn theo lệnh nữa, chị Hai-ga dù sao cũng chỉ là một cô gái còn ít tuổi.
    Nhưng chị bơi rất giỏi, điều này thật không ai chối cãi được.
    - Trông kìa, chị ấy bơi ghê không! – Li-pu-li-pu nói.
    Bấy giờ, hai cậu trên bè đã thấy rõ ở trong bờ này chúng tôi làm gì rồi, nên chúng nó lại cắm đầu bơi lấy bơi để. Nhưng vô ích, bởi thế thì ăn thua gì. Chỉ cần chị Hai-ga cứ giữ mãi cái đà bơi của chị là thế nào cũng đuổi kịp chúng nó.
    Măm-phơ-lê gặp chị ở giữa chúng, chúng tôi nghe rõ tiếng nó sặc và thở. Nó bơi rất chậm. Khi nó lên bờ thì chi đội chúng tôi đã chia làm hai phái, một phái trách Măm-phơ-lê là dại, bào nỏ không nên về mới hay; một phái, phê bình luôn, bảo là nó làm như thế không đúng. Phái nói trên có Chích choè, Khơ-lao, Éc-vin và Đích-dơ. Còn Li-pu-li-pu, Oan-tơ, Han-si, Hen-mu, Pi-tơ và tôi thì thuộc phái sau.
    Hôm nay là lần đầu tiên, bọn chúng tôi chia làm hai phe đối lập nhau.
    - Bọn chúng mày thật là không biết nghĩ gì hết. – Li-pu-li-pu nói.
    - Hừ, còn chúng mày thì biết nghĩ! – Khơ-lao quát lại. – Chính ra trước đây có ai phản đối việc đóng bè của thiếu niên chúng mình đâu. Chỉ là vì bây giờ có chị Hai-ga đến, nên chúng mày mới giở quẻ thế.
    - Thôi, thôi. – Oan-tơ nói. – Tớ thấy là bây giờ cũng đã đến lúc rồi. Chả lẽ chúng mày cứ để chi đội mình tồi nhất mãi hay sao? Ban chỉ huy liên đội chả đã phê bình chúng mình hai lần rồi à?
    - Thì tồi cũng được mà tốt cũng được, tớ thấy nó cũng chả nghĩa lí gì. – Khơ-lao làu bàu nói.
    - Nhưng chúng tớ không thế được. – Li-pu-li-pu vừa nói vừa ưỡn ngực tiến tới trước mặt Khơ-lao.
    Măm-phơ-lê thấy thế, rợn cả người, cho là hai đứa tất phải đánh nhau. Chích choè thì toét miệng ra cười. Còn Đích-dơ thì nấp sau Khơ-lao hục hặc. Éc-vin ngẹo đầu đi như mải nghĩ cái gì. Cả bọn chúng đều hết sức ngoan cố.
    Bên chúng tôi có Li-pu-li-pu, Pi-tơ, Hen-mu, cả Oan-tơ và Han-si nữa. Oan-tơ vốn là một tay khá nhất trong chi đội chúng tôi, vì ngay như Li-pu-li-pu cũng có đôi lúc giận dỗi, chứ nó thì lúc nào cũng bình tĩnh, nói năng lại mực thước. Mà cũng vì thế nên nó mới có thể làm được chi đội trưởng. Han-si cũng khá, chỉ phải cái hơi lặng lẽ một chút. Nếu các đội viên chúng tôi đều được như hai cậu này hoặc như Pi-tơ thì cũng không đến nỗi nào, có thể trở thành một chi đội khá nhất trại hè được.
    Nhưng vì vướng mấy cậu kia, lúc nào chúng nó cũng kiếm chuyện làm mất đoàn kết. Đã thế, chúng nó lại còn lôi kéo những cậu lừng chừng. Lại thêm anh Mích làm hỏng tất cả từ trước, khiến chúng nó đã kém lại càng kém thêm.
    Hiện giờ, chị Hai-ga đang bơi khoẻ. Mấy chúng tôi đều ủng hộ chị.
    Bấy giờ, tôi mới rõ việc gì chị cũng có chủ trương rõ rệt và kiên quyết, không ai có thể lay chuyển nổi.
    Lúc này, chị đã sắp tới đích. Phu-lân và Mai-ơ đã dừng tay chèo. Chị Hai-ga nói gì với chúng nó một lúc. Chúng tôi vẫn chưa nghe rõ là chị nói những gì và chúng nó nói lại ra sao.
    Chích choè mím môi thật chặt. Khơ-lao cười một cách khó tin. Li-pu-li-pu há hốc mồm ra. Măm-phơ-lê lim dim nhìn dưới nắng.
    Thôi xong, chúng tôi thấy hai cậu đã nhảy đại cả xuống nước.
    Chích choè kêu ngay lên:
    - Ông, chúng nó chuồn rồi kìa!
    - Nhưng có thể tin tưởng được, – Li-pu-li-pu lầm bầm nói. – Chúng nó phải về đây thôi.
    Quả nhiên đúng thế.
    Chúng tôi không thấy hai cậu đó, cũng không thấy chị Hai-ga; vì cả ba người đều bơi ở sau bè, đẩy bè về phía bờ.
    - Tớ biết ngay mà. – Oan-tơ nói. – Chị ấy có cách chứ.
    - Đó là tại Phu-lân và Mai-ơ nhát quá. – Khơ-lao nói ra vẻ chán nản. –Phải tay tớ thì chị ấy chẳng làm gì được sất.
    Câu chuyện cái bè thế là kết thúc.
    Lại một lần nữa, chị Hai-ga đã thắng lợi. Song chị như không thích giảng giải lôi thôi gì.
    Măm-phơ-lê, Mai-ơ và Phu-lân còn phải khuân vác những khúc gỗ kia lên bờ và mang trả vào chỗ cũ.
    Chúng đều nhụt hẳn, trông có vẻ rất khó chịu.
    Qua một bãi đất quang mới phát hết các bụi rậm, chúng tôi đi tới một mảnh vườn; rồi lại đi nữa, tiến vào một khu rừng già. Ở đây chỉ có những cây to như cây thông, cây cọ, và một vài loại cây khác lưa thưa.
    Cát sỏi nóng như rang.
    Chúng tôi vẫn tiến.
    Đến một phố nhỏ ở bờ hồ, cả đoàn đứng lại nghỉ. Như một đàn ong, chúng tôi ùa nhau vào một cửa hàng kem để mua kem ăn.
    Nghỉ một lát, chúng tôi lại lên đường. Đi qua một vườn cây ăn quả. Cả bọn lại luồn vào một rặng thông và rồi lại quay ra bờ hồ.
    Có mấy đứa đòi tắm, chúng nó nói mãi, nhưng chị Hai-ga vẫn tuyệt nhiên không cho.
    Một lát sau, chúng tôi đã đi được nửa đường, sang tới bờ bên kia. Chúng tôi có thể trông thấy lều của chúng tôi; nếu có đò mà về thì chỉ độ mười lăm phút là đến. Bấy giờ toàn đội đều đã đứng lại, không ai muốn đi thêm nữa.
    - Các em không muốn đi nữa ư? – Chị Hai-ga hỏi.
    - Không ạ – Khơ-lao đáp. – Chúng em bây giờ không bơi được.
    - Thế còn các em… Oan-tơ, Han-si, Li-pu-li-pu, các em định thế nào?
    Ba cậu đều nhìn chị. Li-pu-li-pu nói:
    - Chúng em cũng muốn tắm một cái.
    Oan-tơ nói theo:
    - Nếu chị cứ khăng khăng không cho tắm mãi, thì chị cũng cho biết tại sao?
    Chị mỉm cười nói:
    - Thế các em định tắm ở cái chỗ đầy dẫy những lau sậy thế này à? Cứ chịu khó độ mươi phút nữa thôi, là chúng mình sẽ tới trại của các anh thanh niên thể thao bơi lội. Ở đấy có một bến tắm rất đẹp. Rồi chị sẽ thương lượng với các anh ở đấy, có thể là họ sẽ chở giúp chúng mình qua bờ bên kia. Như thế có phải là về được sớm ít nhất hai tiếng không. – Chị nói xong, mọi người đều im lặng. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau suy nghĩ. Bỗng có một đứa lên tiếng hoan hô, tiếp đến hai ba đứa khác cũng phụ hoạ theo, thế là tất cả đều tán thành.
    Chị Hai-ga cười, trông chị có phần còn vui thích hơn cả chúng tôi.
    Quả nhiên, kế hoạch của chị đã được thực hiện. Những thanh niên ở trại thể thao bơi lội đã đẩy ra mấy chiếc xồng con, chở hết chúng tôi qua bờ bên kia. Thật là một chuyện thú vô cùng. Chuyến đi chơi xa này của chúng tôi, rốt cuộc lại thu hoạch được một bài học tuyệt hay.
    Lúc này tôi đang ngồi trên một gốc thông ở trước lều viết nhật kí. Trong lều tối om, chẳng trông rõ cái gì cả.
    Hôm nay chị Hai-ga thắng 3-0, Phu-lân và Mai-ơ, cả hai đều đã vào khuôn phép, ổn lắm.
    Tới bữa ăn tối, tình hình đã khác trước.
    Không một đứa nào cướp bánh nữa. Chỉ có Chích choè là còn bương bướng, định xí phần, nhưng lập tức có ngay bốn đứa cản lại. Nó vội nói ngay là nó chỉ vờ đùa một tí cho vui thôi. May lắm, thế là từ nay trở đi nó không dám làm cái lối ấy nữa. Tôi nghĩ bụng, dù là đùa cũng không được.
    Khắp trại, chỗ nào cũng vui như tết.
    Ở trước lều số 4 có mấy đứa đang nhảy múa, chúng cầm chuông con và còn kéo cả phong cầm nữa.
    Các bạn gái thì mặc áo trắng, cứ lượn đi lượn lại dưới ánh trăng mờ.
    Cũng cần phải nói thêm là ở trại chúng tôi cũng có cả các bạn gái. Trại này chia làm ba khu lều lớn. Chúng tôi ở khu thứ nhất dành riêng cho các đội viên nam. Còn khu thứ hai ở cách đây một quãng xa là khu của đội viên nữ. Những bạn gái nhảy múa kia đều là đội viên của một đoàn văn công đóng tại Bá-linh. Đoàn văn công này đã từng được giải nhất về văn nghệ toàn quốc.
    Lễ hạ cờ đã cử hành xong.
    Lần đầu tiên, chi đội chúng tôi đã tới đúng giờ, hơn nữa lại không thiếu một ai.
    Anh tổng phụ trách tuyên bố là sáng mai các lều sẽ có một cuộc thi “vườn hoa”. Tôi lo quá, không biết sẽ ra sao. Vì ở chi đội tôi, quá nửa đều không thích lao động. Chị Hai-ga cũng không thể cải tạo được chúng đâu. Hừ, để rồi xem.
    Hôm nay, hãy viết đến đây thôi. Viết nhiều rồi. Vả lại đi xa như thế, tôi cũng mệt lắm.

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 8 (Kết Thúc)

Lều số 13
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
 
Những Truyện Dài Học Trò Khác
» Thằng Quỷ Nhỏ
» Ngôi Trường Mọi Khi
» Hai Vạn Dặm Dưới Biển
» Góp Nhặt Cát Đá ( Thạch Sa Tập )
» Harry Potter và thanh gươm Gryffindor
» Con Thúy
» Hạ Đỏ
» Phượng Vĩ
» Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa
» Thằng Người Gỗ
» Harry Potter Và Mật Lệnh Phượng Hoàng
» Pippi Tất Dài
» Còn Chút Gì Để Nhớ
» Ngoài Song Mưa Bay
» Bong Bóng Lên Trời
» Đảo Giấu Vàng
» Harry Potter Và Hoàng Tử Lai
» Hoa Hồng Xứ Khác
» Chiếc chìa khoá vàng
» Trại Hoa Vàng
» Con Nhà Giàu