Ánh nắng gay gắt của buổi chiều hè đốt cháy da người. Lớp học im phăng phắc. Im đến nỗi người ta có thể nghe rõ tiếng vo ve của một con muỗi. Một vài con ruồi không chịu nổi sự ngột ngạt của lớp học hơn năm mươi học sinh nên phải tìm đường thoát nơi các cửa sổ bằng kính đang khép kín. Lời giảng bài của giáo sư Vương trầm và đều như tiếng xình xình của đầu máy xe lửa, đang kéo những năm mươi toa đi trên con đường dốc giữa buổi chiều hè. Cái dáng người trung bình của ông được ngụy trang bằng cặp kính cận trông ra vẻ khá đạo mạo. Ông nói:
- Ta gọi gia tốc trung bình gamma “m” của động tử có độ tăng vận tốc delta “v” trong khoảng thời gian delta “t” là độ tăng trung bình của vận tốc trong đơn vị thời gian...
Hiểu Đan thay đổi cách ngồi rồi cầm cây bút chì vẽ những đường ngang, dọc, dài ngắn vô trật tự trên giấy. Nàng vẫn lắng tai nghe giảng bài, nhưng lời giảng ấy vào tai bên này thì đi qua tai bên kia rồi tan mất vào khoảng không! Những đường bút chì mỗi lúc một chằng chịt, đến nỗi đường này phải chồng lên đường kia. Nàng lại vứt cây bút chì xuống bàn, cầm bút đỏ lên tiếp tục vẽ. Khi đường đỏ đã che lấp hết đường đen thì nàng thay bút xanh, vẽ mãi như thế. Cuối cùng, những đường gạch đen, xanh, đỏ chằng chịt ấy lại hiện lên khuôn mặt của một thanh niên có vầng trán thật cao, đôi mắt tròn và sáng, mũi thẳng, cằm hơi nhọn. Đôi mắt sáng ấy như đang mở thật to nhìn nàng một cách soi mói. Lòng tự ái nàng bỗng nổi dậy nên liền lấy viết chì gạch mấy đường thật đậm, cố xóa bỏ hình bóng đang đối diện với mình. Ngay khi đó nàng như nghe một câu nói vọng lên: “Chiều nay khi tan học, tôi đến trường để đón cô”
Cuối cùng, không thấy bóng ma nào đến đón cả. Có lẽ đó là lời hứa quen thuộc nơi đầu môi chót lưỡi của bọn con trai bây giờ. Chàng có bao nhiêu bạn gái? Hứ, mặc kệ, nghĩ làm gì cho mệt xác. Hắn chỉ là người đã một lần gặp trong đêm mở party, có thế thôi, cần gì phải nghĩ đến. Hơn nữa, hắn ta là người khiêu vũ giỏi, tất nhiên là kẻ la cà nơi các vũ trường, trà đình tửu quán rồi. Nàng bỗng phát cáu, cầm bút chì gạch thật mạnh khiến tờ giấy rách và cây bút chì cũng bị gãy luôn. Ngay lúc đó, Đức Mỹ, người bạn ngồi cạnh lén đẩy qua nàng một miếng giấy nhỏ:
“Coi chừng, thầy để ý mầy rồi đó. Ông ta đang giảng đến gia tốc trang ba mươi lăm”.
Nàng giật mình vội ngồi ngay lại, lấy quyển sách đặt trước mặt. Vừa lật đến trang ba mươi lăm, đọc hết định nghĩa gia tốc thì giáo sư gọi:
- Hiểu Đan!
Nàng nhanh nhẹn đứng dậy, giáo sư tiếp:
- Gia tốc là gì?
Nhờ vừa đọc qua nên nàng định nghĩa trôi chảy. Giáo sư gật đầu, cho phép ngồi xuống. Nàng nhìn sang Đức Mỹ tỏ vẻ cám ơn rồi bắt đầu lấy lại tinh thần nghe giảng bài.
Đến giờ ra chơi, Đức Mỹ lấy bút chì gõ lên tay nàng, cười hỏi:
- Ngồi trong lớp mà mầy cho hồn du lịch ở đâu vậy? May, chớ trả lời không được thì lãnh đủ rồi.
Nàng chỉ cười nhẹ không đáp. Tâm hồn nàng trở về trạng thái cũ. Ngụy Như Phong, cháu của ông Tổng Giám Đốc công ty dệt Thái An. Nhà Đức Mỹ và chàng là chỗ thân tình sao? Chàng là người thế nào ấy? Đôi mắt hao hao giống tài tử điện ảnh. Để nhớ xem sao, đúng rồi Tquitener. Đức Mỹ ngồi bên nàng vẫn nói chuyện huyên thuyên nhưng nàng chẳng nghe được gì. Cô ta bỗng kêu lên:
- ê, mầy làm cái gì vậy?
- Mầy nói gì?
- Tao hỏi mầy có nhận xét gì về ba ông anh của tao?
- Anh của mầy?
Anh của Đức Mỹ! Mấy gã thanh niên ấy nàng chưa nhìn rõ mặt thì làm sao có nhận xét được. Đức Mỹ xích gần Hiểu Đan nói:
- Mầy biết không, anh tao thật ngu hết chỗ nói, ba người mà lại đi theo một cô gái thì ăn cái giải gì. Hơn nữa, Sương Sương ngoài sắc đẹp ra hắn chỉ là một đứa con gái mất nết. Chính hôm ấy mẹ tao đã nói, Sương Sương chỉ xứng với anh hai hay anh ba, còn anh tư thì...
Nàng ngậm hơi làm phùng hai má, nhìn Hiểu Đan một lát rồi tiếp:
- Thì xứng với Hiểu Đan lắm.
Hiểu Đan đỏ mặt, trợn mắt nhìn Đức Mỹ:
- Hứ, khéo nói bậy.
Đức Mỹ ngây thơ:
- Thật đó, anh tư tao được mọi người khen là bô trai nhất nhà. Mầy mà làm chị dâu tao thì suốt ngày tụi mình bên nhau còn gì nhất cho bằng.
- Nói vậy sao mầy không ưng em trai tao để bọn mình gần nhau. Em tao còn đẹp trai hơn anh mầy nữa kìa.
Đức Mỹ la to:
- Khỉ, nói kỳ cục không!
Hiểu Đan cười đắc ý rồi hỏi:
- Phải Sương Sương là con ông tổng giám đốc công ty dệt Thái An không?
- Đúng rồi, nó là con một của ổng.
- Anh mầy o được chưa?
Đức Mỹ nhún vai, trề môi đáp:
- Nếu tao đoán không lầm thì chẳng kết quả gì. Như Phong và Sương Sương sống chung nhau từ bé. Anh ta đã tốt nghiệp đại học. Còn anh tao thì vừa ngốc lại vừa khùng. Bởi vậy, tao tin chắc tám mươi phần trăm Sương Sương lấy Như Phong.
Hiểu Đan lo lắng:
- Ngụy Như Phong à?
- Mầy nhớ khá đấy, người đã dạy mầy nhảy điệu valse ở nhà tao tối sinh nhật. Anh chàng cao lớn bô trai ấy, Sương Sương đã gọi là Giohn Kaivern.
Giohn Kaivern? Tquitenrẻ Hiểu Đan buồn rầu nhìn quyển tập rồi lại tiếp tục gạch lên đó những đường ngang dọc vô lối mỗi lúc một nhiều, biến thành một đống tơ vò không còn tìm ra mối. Thấy Hiểu Đan không trả lời, Đức Mỹ hỏi:
- ê, ê, hôm nay sao mầy như kẻ mất hồn vậy? Có nghe tao nói gì không?
Hiểu Đan chỉ ừ một tiếng rồi xé toạt tờ giấy, vo tròn vứt vào xọt rác như đang xé sự gút mắc của lòng mình. Nhìn Đức Mỹ nàng hỏi:
- Chuông reo rồi, tới giờ địa lý phải không?
Tan học, Hiểu Đan chia tay Đức Mỹ rồi đến trạm xe buýt đứng chờ. Mỗi vòng đi, nàng phải hai lần đổi xe, từ trạm đến ga xe lửa rồi đổi xe về nhà.
Vừa đi được vài bước, nghe tiếng xe gắn máy sau lưng, rồi chiếc xe chạy vòng chận ngang trước mặt nàng. Nàng giật mình ngẩng đầu lên, Như Phong ngồi trên xe mỉm cười, cúi đầu chào:
- Chào cô Đan, xin lỗi cô hôm qua thất hẹn vì có chuyện bất trắc xảy ra.
Hiểu Đan hoàn hồn, nàng liếc Như Phong, đúng chàng thanh niên này, Giohh Kaivern, Tquitener, chồng tương lai của Sương Sương. Chàng đến đây làm gì? “Hôm qua đã thất hẹn, vì có việc bất trắc xảy ra”. Cái giọng gì vậy? Làm như ai bảo đến nên bây giờ phải thanh minh. Đến hay không có quan hệ gì tới nàng. Nói vậy chớ cặp mắt sáng trông hấp dẫn làm sao ấy. Cái môi hơi mỏng khiến nàng càng thích hơn. Đẹp hả! Chưa chắc đẹp, có nét dễ cảm chút thôi. Má nàng bỗng nóng ran, thế là đã nghĩ bậy rồi. Nàng như vừa tỉnh giấc mơ thì thấy Như Phong đang chăm chú nhìn mình. Mắt nàng chớp nhanh, trong lòng nôn nao khó tả. Như Phong không chờ nàng kịp nói gì, liền bảo:
- Mời Đan lên xe.
Lần này chàng không gọi nàng bằng cô như trước mà lại gọi tên.
Nàng do dự, thế nghĩa là sao, đi đâu bây giờ? Nàng nhìn quanh thấy mấy người bạn cùng lớp đang tò mò nhìn mình. Như Phong giả vờ đùa:
- Đừng sợ, tôi chở xe vững lắm không thẩy Đan xuống đất đâu.
Nói xong, chàng liền đạp nổ máy kêu to khiến bao nhiêu con mắt đổ dồn về phía hai người. Thấy vậy Hiểu Đan bối rối không cần suy tính ngồi nhanh lên xe với mục đích rời khỏi cổng trường càng nhanh càng tốt. Như Phong kéo tay nàng nói:
- Ôm chặt nhé.
Sau tiếng nói của Như Phong, chiếc xe vọt lên khiến nàng muốn rớt xuống đất. Vì chiếc xe chạy quá dằn nên nàng phải ôm eo ếch thật chặt. Thế là nàng đã ngồi sát người vào lưng Như Phong. Kỳ cục quá, mẹ mà biết được thì tính làm sao bây giờ. Đứa con gái thùy mị, đứng đắn của mẹ bắt đầu cặp trai đi ngoài đường. Qúa dĩ nhiên, chẳng lẽ chàng là con gái sao. Nàng có cảm giác mình đang làm một việc tày trời trái với lương tâm. Nhất là nhà trường cấm tuyệt nữ sinh giao thiệp với bạn trai. Rất có thể khi nãy mới ngồi lên xe, có giáo sư đã trông thấy rồi. Nếu quả thật như vậy thì ngày mai thế nào cũng bị bà Tổng giám thị gọi xuống ca cho một bài dài nghe không hết. Thế cũng chưa hết, bạn bè còn nói nhức tai hơn. Hiểu Đan nữ sinh gương mẫu nhất, hiền nhất, nhút nhát nhất... nói chuyện với trai ở cổng trường, rồi lên xe, toàn là hư hỏng. càng nghĩ nàng càng hoảng lên.
Xe bỗng dừng lại, nàng giật mình, thì ra chiếc xe đang đứng trước quán càfe gần ga xe lửa. Bên trong cửa kính có treo hai tấm màn bằng lụa trắng, trên kính có vẽ cây Linh Lan bên cạnh có ba chữ thật đẹp “Cà Phê Linh Lan”.
Trong khi nàng còn ngơ ngác, Như Phong nắm tay nàng bảo:
- Vào uống cà phê tí đã.
Nàng không còn tự chủ được nên theo chàng như một cái máy. Vào trong hơi lạnh làm nàng trở nên tỉnh táo. Tuy nhiên, mặc cảm tội lỗi luôn luôn đeo đuổi bên nàng. Đây là nơi gì? Cái quan niệm theo tinh thần nho học của nàng thì con gái nhà có giáo dục không bao giờ được phép đi với một người con trai vào nơi này. Hơn nữa với lớp áo học trò đang mặc, tay xách cặp, đi bên người thanh niên chưa mấy quen lại càng bậy hơn. Hơn nữa, cái khung cảnh kín đáo lạ lùng của quán cà phê đã đưa nàng về thực tại, quên mất sự lo âu. Vách tường có gắn nhiều kiểu đèn thật đẹp. Một hồ nước chiếm gần một phần ba căn phòng, có những cọng rong dài lơ lửng bên cạnh mấy con cá đỏ đang bơi trong nước.
Hai người ngồi vào bàn cạnh hồ nước, Hiểu Đan say mê xem cá và mấy bức tranh treo trên tường. Tiếng nhạc trầm và nhẹ tạo nên bầu không khí ấm cúng và thơ mộng lạ thường. Nhìn thấy vẻ vui tươi trên mặt Hiểu Đan, Như Phong mỉm cười hỏi:
- Quán này khá lắm Đan nhỉ. Theo tôi thì đây là nơi lý tưởng nhất Đài Bắc.
Hiểu Đan cười tỏ vẻ đồng tình. Sự im lặng chung quanh và ánh mắt đầy thiện cảm của người thanh niên ngồi đối diện đã đem lại sự yên tâm cho nàng. Hiểu Đan suy nghĩ “Đây là nơi lý tưởng nhất Đài Bắc”. Như vậy có nghĩa chàng đã đến cùng khắp các tiệm giải khát của Đài Bắc. Nàng liếc trộm Như Phong, con người này như có gì bí mật mà nàng không tài nào khám phá được. Chính vì lý do đó, chàng đã gây được nhiều thiện cảm nơi nàng.
Người bồi đã mang cà phê đến đặt lên bàn. Hai người lặng yên nhìn những giọt cà phê rơi trong lỵ Như Phong bưng tách sữa tươi rót vào ly nàng và bỏ đường. Nét mặt Hiểu Đan trông vui tươi hẳn lên. Bây giờ, nàng có cảm giác Như Phong không còn xa lạ với mình mà ngược lại như đã quen thân tự thuở nào. Một lúc lâu, Như Phong mới lên tiếng:
- Xin lỗi, năm nay Đan bao nhiêu tuổi?
Nàng thành thật đáp:
- Dạ, em mười tám.
- Đan cùng tuổi với em gái tôi.
Em gái chàng? Sương Sương chớ còn ai khác. Trong trí nàng hiện lên hình bóng một cô gái mặc robe đỏ. Lời của Đức Mỹ ở trường vừa rồi cũng vang vang bên tai nàng. Như Phong đang “o” Sương Sương thật sao? Nghĩ đến đó, hai má nàng bỗng đỏ lên. Hai chữ “đang o” dường như một câu trả lời xác định nghe thật khủng khiếp. Thấy nét mặt nàng có sự thay đổi, Như Phong liền hỏi:
- Đan nghĩ gì vậy?
Vừa dứt lời thì tay chàng đặt lên tay Hiểu Đan. Nàng giật mình trước hành động đột ngột đó, rồi một giòng điện phát sinh chạy cùng khắp thân thể nàng. Nàng ngẩng đầu lên nhìn Như Phong bằng ánh mắt sợ sệt. Mới gặp nhau ba lần, sao chàng dám làm như vậy? Hiểu Đan muốn nói thật nhiều nhưng không thốt được lời nào. Như Phong từ từ rút tay về, thản nhiên cười:
- Đan sợ tôi lắm sao? Tôi hứa sẽ không làm gì trái ý muốn Đan đâu.
Nàng mỉm cười nhìn ly cà phê không đáp. Giọng nói dịu dàng ấy đã làm cho con tim thơ ngây của nàng mười tám năm trời ngủ yên bây giờ phải tỉnh giấc, bồi hồi. Nàng nói thật khẽ:
- Em hơi nhát.
- Chắc Đan được cha mẹ cưng lắm chớ gì?
Nàng cười thích thú:
- Dạ, nhất là mẹ em. Mẹ em lúc nào cũng lo lắng cho em, xem em như một cô gái còn bé bỏng. Mẹ muốn sắm cho em nhiều đồ, nhưng rất tiếc gia đình quá nghèo nên đành nghĩ ra cách biến đồ cũ thành đồ mới, như chiếc áo hôm đi dự tiệc sinh nhật Đức Mỹ.
Nàng bỗng im lặng và lấy làm hối tiếc vì những lời thổ lộ ngây thơ ấy. Thấy vậy Như Phong hỏi:
- Sao không nói tiếp?
Nàng lắc đầu cười:
- Không có gì thích thú để anh nghe.
- Sao?
Nàng không đáp nhìn ra cửa sổ hỏi:
- Anh ở đâu?
Chàng móc túi áo lấy quyển sổ và cây iết vừa nói vừa ghi địa chỉ:
- Ở đường Trung Sơn Bắc Lộ, số 15.
Xé mảnh giấy đưa Hiểu Đan, Như Phong tiếp:
- Mời cô lúc rảnh đến nhà chơi hay gọi điện thoại cũng được, nếu cần việc gì.
Cần việc gì? Chẳng có việc gì cần cả. Nàng nhìn Như Phong tiếp lấy mảnh giấy rồi cất vào túi. Như Phong hỏi:
- Còn Đan ở đâu? Có thể cho tôi xin địa chỉ được không?
Nàng cười cho biết địa chỉ nhưng lại dặn:
- Tốt nhất là anh đừng đến tìm em.
- Sao? Bộ cha mẹ Đan nghiêm khắc, không cho giao thiệp với bạn trai à?
- Em không biết rõ, nhưng tốt nhất anh đừng lại, cha mẹ khó tánh lắm.
- Thế à! Vậy, tôi sẽ đến trường đón Đan vào giờ tan học.
- Ô, đâu được. Mấy đứa bạn thấy thì chúng chọc quê chết. Giáo sư mà thấy thì lại càng nguy hơn.
Như Phong bực mình hỏi:
- Vậy liên lạc với Đan bằng cách nào, viết thư được không?
Nàng lại từ chối:
- Cũng không được. Thôi, để em gọi điện thoại đến anh tốt hơn.
Như Phong uống một hớp cà phê ngắm nàng hỏi:
- Sợ Đan không gọi điện thoại đến tôi. Vả lại, suốt ngày ngồi chờ nghe điện thoại thì còn gì đau khổ cho bằng.
Câu nói ấy như giòng nước mát tắm vào lòng nàng, nàng mỉm cười sung sướng:
- Em hứa sẽ gọi điện thoại đến anh.
Chàng nhíu mày:
- Tôi vẫn sợ không chắc. Thôi thế này, chiều thứ bảy Đan tan học mấy giờ?
- Ba giờ.
- Ba giờ rưỡi tôi chờ Đan ở đây.
Nàng thở ra:
- Đâu được về trễ mẹ trông.
Chàng chế diễu:
- Bộ việc gì cũng nhờ mẹ sao? Mười tám tuổi đầu phải biết tạo cho mình một cuộc sống riêng tư chứ.
- Anh cứ khinh người ta hoài, bộ em không có sao? Nó ở đây và ở đây.
Vừa nói nàng vừa đưa tay chỉ lên đầu và tim mình, và tiếp:
- Ngay cả mẹ cũng không biết nữa đó.
Chàng thích thú nhìn nàng.
- Ồ, trong đó có chứa gì vậy?
Nàng cười:
- Nhiều thứ kỳ lạ lắm, ai nói được. Nói ra sợ anh cười chết. Em rất thích mơ viễn vông. Nhiều lúc nằm trên giường, em tự vẽ ra trong trí hình bóng này của em thành một người khác. Rồi con người ấy gặp nhiều câu chuyện ly kỳ xảy ra. Đây là trò chơi mà em thích thú nhất. Người khác làm gì mà hiểu được tư tưởng em, dù tư tưởng em có bậy đi nữa. Vì lẽ đó mà lúc nào em cũng tưởng tượng mọi thứ trong đầu.
Chàng gật đầu:
- Nghe Đan kể hay lắm.
Đôi mắt đen lánh nhấp nháy dưới ánh đèn như hai hạt thủy tinh. Cái mũi cao và cái miệng nhỏ khiến chàng say mê nhìn không chán. Một người con gái thế nào nhỉ? Không phải con gái mà làm đóa hoa he hé nở. Mấy cánh hoa chưa thấy mặt trời vì còn bao bọc bởi các đài hoa. Dù là hoa chưa khoe sắc, nhưng nhìn dáng hoa cũng đủ ngây ngất tâm hồn.
Như Phong đang say đắm nhìn nàng. Chàng hết sức ngạc nhiên trước sự xúc động đó. Bởi vì, đã bao nhiêu người con gái đi qua đời chàng, toàn là những bông hoa biết nói, đầy sắc và hương mà không đem lại cho chàng sự rung động nào. Còn bây giờ, trước một bông hoa còn khép kín lại thấy lòng xao xuyến làm sao ấy. Phải chăng đó không phải là hoa mà là vì sao khác biệt đang treo lơ lửng giữa vòm trời. Hiểu Đan đột ngột la lớn:
- Chết rồi!
Như Phong giật mình.
- Sao vậy?
Nàng xách nhanh chiếc cặp.
- Tối rồi, em phải về kẻo mẹ trông chết.
Như Phong nhìn đồng hồ.
- Chờ tí, chưa đầy sáu giờ, ăn cơm rồi hãy về.
Hiểu Đan lắc đầu. Sự hoảng sợ hiện rõ trên đôi mắt ngây thơ ấy. Nhìn ra cửa kính, nàng nói nhanh:
- Không được, không được, sáu giờ rồi. Bậy quá, về kỳ này chắc không khỏi bị cha la.
Như Phong muốn kéo thời gian quay ngược lai, chẳng được nên đành nói:
- Thôi được, để tôi đưa Đan về.
Trả tiền xong, hai người rời khỏi quán Linh Lan. Bên ngoài, bóng tối phủ xuống vòm trời Đài Bắc. Phố xá đã lên đèn. Đường xá xe cộ nối đuôi nhau, chen lấn tạo thành một bản nhạc vô cùng hỗn loạn. Hiểu Đan ngồi lên xe, tay ôm lưng Phong thật chặt. Hành động bây giờ sao có vẻ quen thuộc. Vừa chỉ đường, nàng vừa giục Như Phong chạy cho nhanh. Ngược lại, chàng cứ cho xe chạy từ từ và muốn con đường dẫn về dài vô tận để được mãi cái vòng taỵ Và nhất là hơi nóng của nàng thở lên sau ót chàng. Rất tiếc, chỉ một lát sau đến nơi, Hiểu Đan xuống xe ở đầu hẻm, chỉ vào trong nói:
- Bên phải, từ cuối hẻm đếm ngược lại, căn thứ ba là nhà của em. Nhớ là anh không được đến tìm em đó nhé.
- Nhớ mà, nói mãi, còn thứ bảy thì sao?
- Không hứa chắc.
Như Phong đắm đuối nhìn nàng:
- Đến hay không là tùy Đan. Riêng tôi chiều thứ bảy nào cũng chờ Đan ở đó, bắt đầu từ ba giờ rưỡi.
Nàng lo ngại:
- Anh chờ đến mấy giờ?
- Đến khi nào quán Linh Lan đóng cửa.
Hiểu Đan cắn môi suy nghĩ, lộ vẻ lo lắng:
- Thôi được, sẽ gặp anh.
Nói dứt lời, nàng chạy nhanh vào hẻm. Như Phong đứng đó nhìn thân hình mảnh khảnh ấy đến khi khuất vào nhà mới đi.
Vào đến nhà, trống ngực nàng đánh thình thịch. Nàng tin chắc thế nào cũng bị rầy nên chuẩn bị sẵn trong trí cách nói dối thế nào cho thật êm xuôi. Nào ngờ, căn nhà im phăng phắc, không thấy một ai. Nàng ngạc nhiên chạy vào phòng mẹ, thì thấy bà đang ngồi trước bàn phấn, nước mắt còn ràn rụa trên mị Trong phòng, đồ đạc ngổn ngang. Nền nhà đầy những mảnh vụn của cái đĩa đựng màu và những bức tranh vẽ dở xé rách. Màu vẽ nhuộm cùng khắp, từ nền đến cửa sổ kính. Hiểu Đan hoảng sợ, cặp sách trên tay rơi tỏm xuống đất. Nàng kêu to:
- Sao vậy mẹ?
Bà Phương Trúc như vừa tỉnh giấc, ngẩng đầu lên thấy vẻ mặt thất sắc của con, liền lau nước mắt, giọng mệt mỏi:
- Sao con về trễ vậy?
Hiểu Đan quên mất cách nói dối đã chuẩn bị khi nãy nên đứng yên không đáp. Phương Trúc không chờ nàng trả lời mà tiếp:
- Cha con vẽ không được, nổi giận nên mới ra nông nỗi này. Giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa lại đi con.
Nàng lo dọn dẹp và lo lắng hỏi mẹ:
- Cha đâu mẹ?
- Ra ngoài rồi.
- Đi đâu?
Bà thở dài:
- Mẹ cũng không biết.
Bà quỳ xuống tấm tatami hốt lại những tảng màu còn có thể dùng được bỏ vào đĩa. Chính những màu này đã làm cho gia đình bà kiệt quệ, ăn chay cả tháng trời. Thấy vậy, Hiểu Đan hỏi:
- Thưa mẹ, màu dơ rồi đâu dùng được mà hốt lại làm gì?
Nghe con hỏi bà mới thấy việc làm của mình vô dụng, nên nhìn Hiểu Đan rồi hai tay ôm mặt khóc òa.
Nàng hoảng hốt chạy lại ôm mẹ, kêu lên:
- Mẹ, mẹ đừng buồn nữa nghe mẹ!
Phương Trúc đứng dậy đến nằm vật xuống giường tiếp tục khóc. Hiểu Đan đến quỳ bên giường, không ngớt lay mình mẹ và van nài:
- Mẹ, đừng khóc nữa mẹ.
Hiểu Đan không hiểu đã xảy ra chuyện gì giữa cha mẹ nàng. Tuy nhiên, có một điều nàng hiểu rõ nhất là từ khi cha nàng bắt đầu cầm cây cọ đến nay, ông trở nên cộc cằn, khác hẳn lúc trước. Nàng hiểu nỗi oan ức của mẹ nên cũng chảy nước mắt theo, buồn bã nói:
- Mẹ Ơi, mẹ nín đi mẹ, đừng khóc nữa nghe mẹ.
Nàng úp mặt xuống cạnh mẹ khóc to lên. Phương Trúc nín khóc, thương nhìn con, đứa con gái bắt đầu lớn trong tủi buồn. Bà buồn rầu nói:
- Một phút lầm lỗi thì suốt đời không thể cứu vãn được. Cũng như con bây giờ, nếu không khéo làm việc lỗi lầm thì cả cuộc đời ân hận và gánh nỗi khổ đau.
Hiểu Đan ngơ ngác hỏi:
- Thưa mẹ, mẹ đang nói gì vậy?
Bà sực tỉnh:
- Ồ, không có gì cả. Hiểu Đan mẹ mệt quá, để mẹ nằm nghỉ một lát nhé. Con hãy dọn dẹp nhà cửa rồi xuống bếp làm thức ăn, xong ăn cơm đi đừng đợi nghe con.
Hiểu Đan cúi đầu vâng lời mẹ, Phương Trúc nhắm mắt lại, khóe mắt còn đọng giọt nước mắt long lanh. Nàng nhìn mái tóc mai điểm trắng của mẹ mà lòng đau đớn vô cùng. Mái tóc ấy chứng tỏ sự đau khổ, dày vò nhiều năm của bà vì cái tuổi ba mươi tám chưa đến nỗi bạc.
|
|
|