Hiểu Đan tựa cửa sổ, hai tay chống cằm nhìn ra ngoài. ánh trăng lờ mờ ôm ngọn dừa xanh, lắc lư trong gió. Vầng trăng khuyết treo chênh chếch ngọn đồi như một dung nhan buồn tuyệt vọng. Tiếng gió xuyên qua cành phát ra lời nói thật khẽ như chỉ đủ cho một người, một người mình yêu nghe mà thôi. Lời ấy chính là của Như Phong:
- Hiểu Đan, em ở đâu?
- Bốn ngày rồi không gặp? Bốn ngày dài biết không em?
Vâng! Bốn ngày, bốn ngày như một đời người trôi qua, bây giờ chỉ còn trong cõi chết. Chỉ vì mẹ nàng khó khăn đành cắt đứt phút hẹn hò sau giờ tan học. Bây giờ đâu còn lần gặp gỡ ở Linh Lan.
Gió thu về khuya càng buốt. Khí lạnh đã ngấm vào lớp da mơn mởn của nàng. Cái lạnh ấy không bằng vực thẳm băng giá của lòng nàng đang mò mẫm về tiềm thức để tìm bóng dáng người yêu.
Nàng rời cửa sổ trở về ngồi vào bàn học, hai tay ôm đầu suy nghĩ. Một lát sau mới miễn cưỡng lấy quyển sách đại số, chậm rãi lật đến bài học mới giảng. Trên đầu trang sách có hai câu thơ nàng viết trong lúc giáo sư giảng bài:
“Đêm qua thao thức mơ màng
Thấy anh đứng đó bên đàng gọi em”
Bên cạnh hai câu thơ là chữ “who” của Đức Mỹ viết tự lúc nào. Nhìn chữ “who” nàng mỉm cười một mình. Đầu dây mối nhợ cuộc tình ấy là Đức Mỹ thế mà hắn chẳng biết ất giáp gì cả. Đã nhiều lần nàng định thổ lộ điều này cho Đức Mỹ nhưng vì quen cái tính nhút nhát nên lại thôi.
Bỗng có tiếng gõ cửa, rồi Phương Trúc bước vào, trên tay cầm một phong thợ Bà nói:
- Con có thơ, may chớ mẹ quên đưa.
Hiểu Đan nhìn thấy trên thơ có đề tên Như Phong thì tái xanh cả mặt. Hai tay run run nhận lấy bức thư trên tay mẹ nhưng bà lại giữ chặt nhìn thẳng vào mặt nàng hỏi:
- Thư của ai gởi cho con?
- Dạ, con không biết.
Câu trả lời ngây ngô ấy khiến bà càng nghi hơn nên nói:
- Vậy, để mẹ mở xem coi ai viết.
Mặt nàng không còn cắt ra máu, tròn xoe mắt xem mẹ mở thợ Tim nàng đập nhanh, đầu óc choáng váng. Nàng thầm rủa Như Phong sao lại viết thơ như vậy. Phương Trúc xé bao thơ, thì lại có một bao thơ khác bên trong. Bà nhìn Hiểu Đan nàng đứng chết lặng như người sắp ra pháp trường nên bà càng ngờ vực hơn. Bà xé đến bao thơ thứ hai, thêm một bao thơ nữa bên trong. Hiểu Đan vẫn trố mắt nhìn. Khi xé đến bao thơ thứ tư, bà biết đó là trò chơi của bọn trẻ con, nhưng bà vẫn kiên nhẫn cho đến bao thơ thứ bẩy. Bao thơ cuối cùng này chỉ nhỏ bằng con tem, thật đẹp, có hai hàng chữ thật nhỏ, Phương Trúc đưa sát vào đèn đọc:
“Cửa nào khóa nỗi tương tư
này anh chắp cánh phiêu du đi tìm”
Phương Trúc nhìn đăm đăm Hiểu Đan, nàng thấy việc bất ổn nên cắn môi, cúi đầu không nói. Bà xé bao thơ thứ bẩy, rút ra mảnh giấy xếp thật nhỏ, lật ra chỉ thấy vỏn vẹn mấy câu:
“Đan em,
Cổ nhân có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”. Chúng ta đã ba ngày không gặp, em tính hộ anh những mấy thu rồi?
Phong”
Phương Trúc sững đi một lúc lâu rồi đẩy một đống bao thơ đến trước mặt Hiểu Đan, sầm mặt hỏi:
- Phải nói cho mẹ rõ, sao có chuyện như vậy?
Hiểu Đan sợ sệt nhìn đống giấy, nín thở, mím môi muốn khóc, không nói được lời nào. Phương Trúc tức tối quát to:
- Nói mau lên, cắp sách đến trường để học cái trò chơi này phải không? Ai đã viết thư này? Con không trả lời thì đêm nay đừng hòng đi ngủ được với mẹ.
Hiểu Đan như một phạm nhân được hỏi cung:
- Dạ, thưa mẹ! Dạ, thưa mẹ!
Sự sợ hãi và e thẹn đã làm mặt nàng trắng bệch. Nàng dụi mắt, nước mắt từ từ chảy xuống má, Phương Trúc lại giục:
- Nói mau lên, cấm khóc. Con có quen với người viết thư này không?
Nàng chỉ gục gặc đầu.
- Bạn trai con phải không?
Nàng lại gật đầu tiếp.
Bà trợn mắt nhìn nàng, rồi ngồi xuống mép giường. Đúng là bạn trai của nó. Mới năm nào nó chỉ là con bé tí, suốt ngày nhảy cò cò, nhảy dây với mấy đứa trẻ bên nhà, có chuyện gì là bô bô gọi mẹ méc. Thế mà bây giờ nó đã lớn, đã biết tương tư, lớn bao giờ nhỉ. Bà cứ hỏi mãi câu ấy trong lòng. Với bà, nàng chỉ là một con bé miệng còn hôi sữa, không biết yêu là gì. Bà không ngờ cái gương mặt ngây thơ ấy lại là lớp sơn ngụy trang cho một tâm hồn trưởng thành. Nét mặt suy tư và xúc động của bà khiến Hiểu Đan càng hoảng lên, nàng hét một tiếng thật to rồi úp mặt vào lòng mẹ thút thít:
- Thưa mẹ, con biết con có lỗi lớn, mẹ hãy mắng chửi con thật nhiều đi, đừng giận con nữa, đừng trân trối nhìn con như vậy, mắng con, mắng con đi mẹ.
Phương Trúc thở phào một cái như vừa trút được gánh nặng, không phải gánh nặng mà là những ý tưởng hỗn loạn trong đầu bà. Bà định thần nhìn Hiểu Đan nhỏ nhẹ hỏi:
- Bạn con tên gì?
- Dạ, Ngụy Như Phong.
- Chúng con quen nhau trong trường hợp nào?
- Thưa mẹ, tại nhà Đức Mỹ.
- Nó còn học không?
- Dạ, đã ra trường.
- Làm việc ở đâu?
- Dạ, công ty dệt Thái An.
- Tốt nghiệp trường nào?
- Dạ, Đại học Đài Bắc, ban sinh ngữ.
Phương Trúc cầm xấp bao thư trong tay trầm ngâm. Hai câu thơ và vài câu văn cũng khá tế nhị và hài hước. Bà bỗng vui hẳn lên khi nghĩ rằng con mình cần phải lớn. Một khi đã lớn, tất phải biết yêu, đó là luật tạo hóa cơ mà. Như thế là con mình đã tìm được đối tượng, điều đáng mừng cho nó. Hơn nữa, thằng ấy cũng khá đâu phải bở.
Bà lại tiếp tục hỏi:
- Gia đình nó cũng ở Đài Loan hả con?
- Thưa không. Ảnh theo dượng đến Đài loan, gia đình ở lại Hoa Lục.
Bà lấy làm hài lòng, như thế là con gái bà khỏi phải hầu hạ mẹ chồng. Bà gật đầu hỏi:
- Nếu mẹ đoán không lầm thì các con quen nhau khoảng hơn ba tháng. Mới chừng đó mà đã không gặp nhau ba ngày thành ba thu rồi sao?
Hiểu Đan thẹn đỏ cả mặt. Nàng lặng lẽ cúi đầu, trong lòng nàng thầm mừng rỡ. Mẹ nàng tiếp:
- Những lần ở lại trường hay đến Đức Mỹ làm bài đều là làm bài với Như Phong chớ gì?
Nàng càng hổ thẹn:
- Mẹ!
Bà nâng cằm nàng lên, nhìn thẳng vào mặt nàng. Đôi mắt long lanh chứa đựng sự thẹn thùng càng làm cho bà thêm xúc động. Bà đưa tay sờ lên má con và hỏi:
- Đan, con yêu nó không?
Hiểu Đan chịu hết nổi nên van:
- Thưa mẹ, xin mẹ đừng hỏi con điều ấy.
Bà gục gặc đầu:
- Thôi được, con mời nó chủ nhật tuần sau đến nhà mình dùng cơm nhé.
Hiểu Đan sung sướng reo lên, bá vào cổ Phương Trúc, úp mặt vào ngực mẹ, dụi đầu qua lại như một đứa trẻ. Bà vỗ nhẹ lên lưng nàng, âu yếm hỏi:
- Thôi chớ, lớn rồi mà còn nhõng nhẽo với mẹ nữa sao?
Lòng bà cũng cảm thấy vui nhiều, mắt mờ lệ, bà thầm nói trong lòng:
- Mong con có một người chồng xứng đáng, đầy hạnh phúc.
|
|
|