Một năm lặng lẽ trôi qua, lại đến mùa gió bấc mưa phùn, trong tủ kính đầy ắp các món quà giáng sinh. Trên lề đường, áo ấm bày la liệt, người qua lại tấp nập. Những ánh đèn điện đủ màu rực rỡ cả khu phố. Mưa bóng loáng mặt đường nhựa phản chiếu bóng người và ánh đèn. Đêm như được trang điểm và sống lại với một sức mãnh liệt.
Giữa không khí ồn ào như vậy, có một bóng người, có lẽ là người duy nhất, không bị ánh đèn lôi cuốn, khoác chiếc áo da, kéo trễ cà vạt xuống, lầm lũi đi trong mưa với giá vẽ trên tay. Vân Lâu đấy. Hoạt cảnh chung quanh chẳng có ý nghĩa nào đối với chàng. Chìm đắm trong suy tư chàng bước những bước chân vội vã. Băng qua lộ lớn, vượt qua hẻm nhỏ, tìm tới một vùng đất trú yên tĩnh, Vân Lâu dừng chân trước cửa một gian nhà nhỏ và lấy chìa khóa ra mở cửa. Đón chàng chỉ có một gian phòng lạnh và tối. Bật nút điện lên, đặt giá vẽ lên bàn, chàng ngồi xuống ghế mây một cách mệt mỏi rã rời và đưa mắt nhìn ra đám mưa mù ngoài song một cách vô thức. Vân Lâu đứng dậy đi đến bàn, cầm bình nước lên lắc nhẹ. Còn một tí nước chàng đổ ra ly, uống một ngụm và mân mê chiếc ly trong tay rồi thở phào. Chàng nhẹ bước đến cạnh bức tranh, kéo tấm vải phủ qua một bên, nhìn bức họa dở dang, chàng nâng ly, nói nhỏ:
- Mới đây mà đã một năm rồi, Hàn Ni à!
Thiếu nữ trong bức tranh sơn dầu im lặng nhìn chàng. Đây là bức họa mới nhất, bức họa thực ra không có gì xuất sắc. Suốt một năm dài gần như chưa một tác phẩm nào Vân Lâu ưng ý cả. Với bức họa mới nhất này, chàng vẽ một phần dựa vào ký ức một phần dựa vào sự tưởng tượng. Người thiếu nữ trong tranh mặc áo trắng, khuôn mặt dịu hiền ẩn qua lớp sương mù với nụ cười như mơ.
- Hàn Ni!
Nhìn vào khung vải, Vân Lâu gọi thầm, rồi quay người lại nhìn quanh, chàng lại gọi tiếp:
- Hàn Ni!
Gian phòng rộng khoảng tám chiếc chiếu, quanh bốn bức tường hầu như ngập đầu hình ảnh của Hàn Ni. Lớn có, nhỏ có, tranh sơn dầu có, tranh thủy mặc cũng có, bút than có... Không những chỉ là trên giường, ngay trên bàn, trên khung cửa sổ... đều có những nét phác họa. Riêng bức Hàn Ni ôm chú chó Khiết là không có, vì lúc dọn khỏi gia đình ông Dương chàng đã để bức họa đó lại làm quà kỷ niệm cho đô vợ chồng già đau khổ.
Dọn khỏi gia đình họ Dương, Vân Lâu còn nhớ lúc chàng cãi vã với vợ chồng ông Dương. Giọng bà Dương thật tha thiết:
- Tại sao? Tại sao cậu lại dọn đi. Không lẽ đến bây giờ cậu hãy còn giận tôi sao? Cậu phải hiểu lúc xưa tôi phản đối mối tình giữa cậu và Hàn Ni là một việc làm bất đắt dĩ mà.
Tại sao lại phải dọn đi. Chính Vân Lâu cũng không hiểu rõ. Có lẽ vì một chút phản kháng, có thể lắm, vì lúc Hàn Ni còn sống, bà Dương đã mấy lần xua đuổi chàng. Vì Hàn Ni, Vân Lâu đã ở lại, nhưng bây giờ, Hàn Ni đã đi rồi, chàng không còn lý do gì để ớ lại một nơi đầy kỷ niệm này nữa. Cũng có thể vì lòng tự ái. Kể từ lúc rời Hương Cảng trở sang Đài Bắc, tình gia đình kể như bị gián đoạn với lá thư từ con của cha chàng. Từ đây nguồn tài trợ đã bị cắt đứt, nếu Vân Lâu vẫn ở lại nhà họ Dương, thì có nghĩa là chàng sẽ sống bám vào gia đình này sao? Không, không, thể làm giống ký sinh trùng được. Phải thoát khỏi không khí khêu gợi sự nhớ thương này. Từng chiếc bàn, từng chiếc ghế, từ cành cây đến ngọn cỏ đều khiến Vân Lâu xúc động. Phải dọn đi, Vân Lâu tìm được ngôi nhà này, tuy nhỏ nhưng giản dị và đầy đủ tiện nghi.
Gần một năm nay sống ở đây, Vân Lâu thấy không đơn độc mà như có cả Hàn Ni nữa. Hàn Ni hiện diện trong tim, trong óc chàng. Vân Lâu đã có thói quen ngồi độc thoại trong gian phòng trống này. Ngay trong tiềm thức, Vân Lâu đã khước từ chuyện Hàn Ni đã chết. Hàn Ni vẫn còn sống, nàng sống ở chân trời góc bể nào, hoặc sống ở một thế giới khác cũng được, chắc chắn là thế, Vân Lâu tin như vậy.
Đời sống là những ngày chịu đựng khổ sở, Vân Lâu bán xe gắn máy, khước từ sự giúp đỡ của gia đình ông Dương, chàng xin vào làm việc tại một công ty quảng cáo. Công việc một mặt kiếm tiền, một mặt có thể tếp tục theo đuổi việc học. Đời sống tuy bận rộn nhưng trong những đêm vắng vẻ, Vân Lâu vẫn cảm thấy gian nhà lạnh lẽo vô cùng. Hàn Ni chỉ là một thứ “người đẹp trong tranh”. Chỉ cảm nhận chứ không thể đòi hỏi nhiều hơn. Mỗi lần chấp nhận như thế Vân Lâu muốn hét hoặc khóc to lên, nhưng rồi chàng cũng không làm gì được, chỉ biết nằm dài trên giường nhìn lên trần nhà hồi tưởng lại những chuỗi ngày êm đẹp.
”Làm sao anh có thể xa em?
Làm sao anh có thể rời em.”
Lời hát của Hàn Ni, Hàn Ni! Bây giờ em ở đâu? Vân Lâu tự hỏi, và đau khổ, và trả lời chàng chỉ có tiếng gió lung lay màn cửa.
Và như thế, một năm dài trôi qua. Mùa đông lại đến, Vân Lâu không tin rằng mới thế mà Hàn Ni chết đã tròn năm. Mỗi lần nhắm mắt, dáng Hàn Ni ngồi bên đàn vẫn hiện rõ trong trí nhớ. Dàng dấp thùy mị, dễ thương, lời nói say đắm nhiệt tình:
- Anh Lâu, nếu em còn sống ngày nào thì em còn là của anh ngày ấy và em có chết đi linh hồn em vẫn bên anh mãi mãi.
Nhưng bây giờ linh hồn của Hàn Ni ở đâu?
Nếu nàng xuất hiện, dù chỉ là hồn ma, Vân Lâu vẫn vui. Nhưng tàn nhẫn quá “Cách xa nhau đã bấy lâu rồi mà hồn sao chẳng trở về với nhau”.
- Hàn Ni, em tàn nhẫn lắm, tại sao em không giữ lời với anh?
Nhìn bức tranh trên tường, Vân Lâu hỏi. Ly nước trên tay đã cạn. Vân Lâu bước tới bàn, bật đèn lên làm việc. Đêm lạnh và vắng. Ngoài trời những hạt mưa tiếp tục rơi đều, đêm lạnh và buồn như than như khóc. Mặc, bây giờ phải làm việc.
Cắm cúi vào công việc không biết bao lâu, gió lạnh bên ngoài lùa vào, mưa càng lúc càng to hạt. Đột nhiên, Vân Lâu nghe như có ai gõ lên khung kính hai tiếng. Chàng ngẩng đầu lên, bóng người thiếu nữ khuất nhanh. Vân Lâu vội ra mở cửa.
Bên ngoài tối đen, chỉ có gió mưa lạnh, Vân Lâu lắc đầu, thở dài. Có lẽ vừa mới nghĩ đến Hàn Ni nên chàng đã tưởng tượng thế, chớ làm gì có chuyện hồn ma Hàn Ni trở về. Khép cửa lại, vừa định ngồi xuống, Vân Lâu lại nghe có tiếng gõ cửa, lần này thật to. Vân Lâu đứng dậy. Đúng rồi Hàn Ni! Không lẽ nàng trở lại thật sao? Không lẽ sự mơ ước của ta làm động lòng trời. Vân Lâu xông ra cửa, gọi to:
- Hàn Ni!
Cửa mở chàng đã nhìn thấy một thiếu nữ đầy sức sống với nụ cười trên môi đứng đấy. Tất cả sực căng thẳng trong đầu biến mất ngay. Không phải Hàn Ni, không phải bóng ma trở về, mà là... Thúy Vi! Một con người bằng xương bằng thịt!
Vân Lâu thất vọng kêu lên:
- À! Thì ra cô!
- Thế anh tưởng... Rồi nàng ngưng lại. Trêu anh ấy làm gì? Trên đời này không ngờ lại có một gã con trai si tình một cách ngu ngốc như thế.
- Mời cô vào nhà, đầu cô mưa ướt cả rồi, cô đi bộ à?
Thúy Vi lúc lắc đầu để những giọt nước trên tóc rơi xuống:
- Vâng!
Vân Lâu ngạc nhiên:
- Từ nhà đến thẳng đây à?
- Không, từ nhà dì Dương, hai ngày nay tôi ở đằng ấy.
Nhà ông Dương cách đây không xa lắm, chỉ cần băng qua con lộ Tân Sanh Nam là đến ngay. Vân Lâu liếc nhanh về phía Thúy Vi, người con gái thân đẫm nước trông đẹp một cách man dại. Đôi mắt sáng đen nháy, gò má hồng, mũi đỏ vì lạnh.
Vân Lâu kéo chiếc ghế mây duy nhất đến trước mặt Thúy Vi:
- Dì cô bảo cô đến à.
Thúy Vi ậm ừ:
- Dì hỏi anh bận rộn gì mà chẳng đến? Quên mọi người rồi phải không?
Vân Lâu chau mày:
- Hử?
- Anh nghĩ xem, dì Dương tôi đối với anh đâu có gì không phải đâu? Ngay cả việc phản đối mối tình giữa anh với Hàn Ni cũng đâu phải là một ác ý, đó chỉ là một sự bất đắt dĩ. Lúc anh bệnh, dì Dương cũng đã ngồi bên giường chăm sóc anh suốt ngày, con ruột như Hàn Ni cũng chỉ được đến thế là cùng. Vậy mà khi dọn khỏi nhà, mười hôm nửa tháng anh cũng không ghé. Anh làm thế có đúng không?
Lúc nghe tin Hàn Ni đã chết, chàng lang thang ngoài phố và đã bất tỉnh trong mưa, người ta đã phải mang chàng vào bệnh viện. Cơn sốt làm chàng mê man cả tuần. Bà Dương, Thúy Vi luôn cận kề bên giường, trong khi Vân Lâu không ngớt gọi tên Hàn Ni! Mỗi lúc thức tỉnh là chàng nghe có một bàn tay ấm lau nhẹ mồ hôi trên trán, đó là bàn tay của Thúy Vi. Rồi sau đó chàng trở về nhà ông bà Dương nằm dưỡng bệnh một thời gian. Phòng chàng lúc nào cũng ngập đầy tiếng cười dòn dã của Thúy Vị Quên ơn phụ nghĩa? Nói rằng chàng quên ơn phụ nghĩa bà Dương thì không đúng bằng quên ơn Thúy Vi. Nhìn Thúy Vi, người con gái bó người trong chiếc áo khoác đỏ ẩm ướt, đội mưa đến tìm. Đột nhiên, Vân Lâu nhớ đến câu nói của Hàn Ni trên bãi biển ngày xưa. Khi một chiếc bọt nước vỡ tan sẽ có ngay một chiếc khác thay thế. Phải chăng Hàn Ni đã đoán được thân phận mình như chiếc bọt biển sắp vỡ và ngõ ý nhờ Thúy Vi thay thế chăng?
Vân Lâu nghĩ thầm, đột nhiên chàng thẫn thờ.
- Anh làm gì mà chết đứng ra thế?
Thúy Vi mỉm cười hỏi. Vân Lâu trở về thực tại cười ngượng ngập:
- Tôi đang nghĩ là Thúy Vi nói đúng, tôi phải ghé thăm ông bà Dương, nhưng đến đây tôi cảm thấy...
- Nhìn cảnh lụy tình hở?
Thúy Vi cười lớn, Vân Lâu chỉ biết cười trừ.
Thúy Vi đã cởi áo choàng ngoài ra, đi quanh một vòng rồi ngừng lại trước giá vẽ. Ngắm nghía một lúc lại bỏ đi về phía bàn làm việc xem bức họa đồ thiết kế của công ty. Đẩy họa đồ sang bên, dưới khung kính là bức chân dung Hàn Ni vẽ bằng bút chì. Bức họa không giống lắm, có lẽ nó chỉ là một bức vẽ lại theo trí nhớ của anh chàng. Bên dưới bức tranh có viết thêm câu thơ của Nạp Lan:
”Lệ đã nghẹn lời, tiếc thưở xưa tình buồn.
Định nhớ lại em yêu!
Nhưng sầu đầy bút ghi không thành nét.
Nói chi nhiều, tình xưa đã như cơn mộng.
Thời gian đầy gió khóc mưa than!”
Thúy Vi không hiểu nhiều về thơ văn, nhưng đọc những hàng chữ trên, nàng vẫn thấy xúc động. Ngẩng mắt lên nhìn Vân Lâu với tấm lòng chân thành, Thúy Vi nói:
- Đừng sống mãi với dĩ vãng nữa anh, chuyện đã qua rồi ta làm sao kéo trở lại được?
Thúy Vi thật dễ thương. Chàng nghĩ, nếu lúc xưa không gặp Hàn Ni, có lẽ... Nhưng bây giờ hình bóng của Hàn Ni đã in quá sâu vào đời sống và linh hồn chàng, chàng chỉ nhìn thấy mình qua bóng dáng của Hàn Ni. Vân Lâu nhìn Thúy Vi nói:
- Cô không hiểu tôi đâu, Thúy Vi ạ.
Thúy Vi nhìn thẳng vào mắt Vân Lâu:
- Tôi hiểu chứ, tôi hiểu là anh khó quên Hàn Ni được. Không phải chỉ có anh thôi, mà ngay cả tôi, nhiều lúc tôi cũng không tin Hàn Ni có thể chết dễ dàng như thế. Và tôi mãi có cảm giác Hàn Ni vẫn còn sống và lúc nào cũng hiện diện bên tôi. Mắt Thúy Vi chớp nhanh, nàng tiếp - Anh không hiểu chứ, Hàn Ni... tốt lắm.
Vân Lâu cười buồn, đưa tay lùa những sợi tóc ngắn lòa xòa trước trán của Thúy Vi:
- Cô tưởng tôi không biết điều đó sao? Thôi tóc cô ướt hết rồi, lau khô đi kẻo lạnh!
Thúy Vi thản nhiên:
- Không sao đâu, bây giờ tôi chỉ thấy cần một cốc nước lọc.
- Nước ấm à? Chờ tôi đun nhé!
- Thôi, để đó tôi làm cho!
Thúy Vi cười. Đàn ông thật lạ! Nàng lạ lùng không hiểu Vân Lâu sống bằng cách nào, lục lọi cả tiếng đồng hồ trong đống khung vải và sơn Thúy Vi mới tìm thấy ấm nước nấu điện. Thúy Vi đem rửa sạch, đổ đấy nước, rồi cắm điện vào. Nhìn quanh phòng, nàng vừa cười vừa hỏi:
- Phòng bẩn và bê bối thế này, anh làm sao sống được chứ?
Với bản năng của một người đàn bà, Thúy Vi tự động dọn dẹp gian phòng bừa bãi. Đống quần áo bẩn và chăn gối trên giường được xếp gọn lại, những mảnh giấy rời nhầu nát nằm la liệt trên nền gạch được thu dọn bằng cách cho vào sọt rác. Vân Lâu nhìn người con gái mãi bận rộn với công việc, bất chợt chàng nhớ đến Hàn Ni. Gần như bàn tay người đàn bà bao giờ cũng mang lại cho người đàn ông sự thoải mái yên ổn.
Thúy Vi vừa nhặt rác vừa nói:
- Mấy hôm nữa lại đến mùa giáng sinh rồi!
- Vâng!
- Anh còn nhớ năm rồi anh đã giúp tôi trang trí cho dạ hội mừng lễ giáng sinh tại nhà tôi không? Năm nay không biết có vui được vậy không? Dì Dương bảo, nếu chúng ta thích, dì sẽ cho chúng ta mượn gian phòng khách. Anh thấy thế nào? Cứ mời bạn bè anh đi, trai gái gì cũng được, tôi cũng có một số bạn, chúng ta mở một dạ hội tưng bừng chơi cho đã, chịu không? Vân Lâu yên lặng. Thúy Vi hỏi tới - Sao, anh Vân Lâu? Dì tôi bảo vì chuyện của Hàn Ni mà bây giờ ở nhà không còn nghe tiếng cười đùa của bọn chúng mình, dì muốn thay đổi không khí, nếu anh đồng ý, chúng ta sẽ đến đấy bàn thêm.
Vân Lâu nhìn thẳng vào mặt Thúy Vi:
- Mục đích của cô đến đây là chỉ có vậy thôi à?
- Anh nói sao?
Thúy Vi đang quét dọn, đột nhiên ngừng lại, nàng có vẻ tức giận:
- Vâng, mục đích tôi đến đây là vì thế, nhưng anh đừng tưởng dì Dương chỉ mong mỏi nghe tiếng cười nói của chúng mình không đâu. Thật ra, dì ấy đề nghị thế là vì anh vì muốn làm anh vui, muốn anh trở lại với tuổi trẻ của anh. Anh đừng hiểu lầm, người ta tốt với anh chứ chẳng phải muốn bày chuyện gì đâu. Hai vợ chồng dì Dương đối với anh thế nào chắc tôi không cần phải nói. Mặc dù Hàn Ni mất rồi, nhưng họ không muốn vì thế mà anh phải buồn mãi. Anh xem trên đời này còn ai tốt hơn thế nữa không? Anh dọn ra khỏi nhà người ta, anh cứ tưởng người ta coi anh ra gì cả. Làm vậy coi được không? Anh thấy thế có đúng không chứ?
Vân Lâu phân bua:
- Thúy Vi, cô đừng trách tôi quá đáng như vậy, cô làm sao hiểu được tôi. Tôi cũng mong mình vui vẻ như bao nhiêu người khác, nhưng tôi... tôi làm không được. Vân Lâu nhìn quanh rồi tiếp - Thà là tôi ở lại đây, ở đây không phải chỉ có một mình tôi mà còn có cả Hàn Ni nữa.
Thúy Vi ngạc nhiên, nàng không biết phải nói gì hơn, yên lặng một chút nàng mới lên tiếng:
- Anh đừng tự đánh lừa mình như vậy. Ở đây chỉ có những bức tranh của Hàn Ni mà thôi, anh không thể sống suốt đời như vậy với những bức tranh vô tri giác thế này!
Vân Lâu có vẻ giận:
- Ở đây không phải chỉ có tranh, mà còn cả Hàn Ni nữa. Hàn Ni còn sống, đừng bao giờ bảo là Hàn Ni đã chết. Nàng vẫn còn sống trong tim tôi. Trước khi cô đến đây tôi thấy Hàn Ni còn đứng cạnh cửa sổ cơ mà!
- Anh điên rồi! Thúy Vi hét - Đó là tôi chứ chẳng phải Hàn Ni, tôi sợ anh không có ở nhà, nên đến cửa sổ nhìn vào trước, rồi còn gõ vào cửa xem có động tịnh bên trong không. Tại sao anh không chịu chấp nhận sự thật chứ? Tôi nghĩ tốt nhất anh đến bác sĩ chuyên về tâm lý khám bệnh xem sao!
Vân Lâu cắt ngang:
- Mặc tôi, cô đừng chen vào chuyện riêng của tôi. Tôi sống thế này sung sướng lắm rồi!
Thúy Vi không biết nói sao hơn. Nàng bước đến cạnh anh chàng tình si, vỗ về:
- Tại sao anh lại trốn lánh sự thật? Anh làm thế coi chừng đau thần kinh đấy. Hàn Ni chết rồi anh định chôn đời mình theo sao? Nghĩ kỹ đi, anh Lâu! Hãy chấp nhận đề nghị thân thiện của dì tôi đi. Chúng ta sẽ có một buổi lễ giáng sinh vui vẻ! Biết đâu chẳng gặp duyên kỳ ngộ?
Vân Lâu buồn cười:
- Duyên kỳ ngộ à? Ngoại trừ trường hợp Hàn Ni sống lại... à mà biết đâu Hàn Ni chưa chết? Dì cô đã đem dấu nàng đi và bây giờ định cho Hàn Ni tái xuất hiện trước mặt tôi để tạo một niềm vui bất ngờ chứ gì.
Thúy Vi kêu lên:
- Anh quả điên thật rồi!
- Vậy thì làm gì còn duyên kỳ ngộ chứ?
Vân Lâu thờ ơ khiến Thúy Vi thất vọng. Nhìn vẻ buồn trên mặt người con gái trước mặt, chàng không đành lòng, vội phân bua:
- Thúy Vi, không phải tôi mê muội không biết phải trái, nhưng chỉ vì... tôi không thể nào quên được Hàn Ni. Tôi đã dùng đủ mọi cách để quên nàng, từ uống rượu, chơi bời, nhưng vẫn không quên được, dạ hội lễ lộc này nọ đều trở thành vô nghĩa đối với tôi, khi Hàn Ni không còn nữa. Vân Lâu thở dài, mắt mơ buồn - Không cần ai khuyên, không cần ai thuyết phục tôi cả, vì như thế đều chỉ là chuyện vô nghĩa. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ quên, nhưng bây giờ thì không. Cô về nói lại hai bác là có thể tối mai tôi sẽ ghé thăm để hai bác ấy yên tâm và khỏi phải sắp đặt gì cả. Đời tôi bây giờ đã mất hết ý nghĩa.
Thúy Vi nhìn Vân Lâu, thái độ, lời nói và ánh mắt của anh chàng thật dễ khiến người xúc động. Thúy Vi thấy mắt mình chợt ướt. Gã con trai này si tình quá nặng. Hàn Ni! Hàn Ni chết đi có lẽ buồn lắm. Đột nhiên nàng nhớ đến bản nhạc Hàn Ni thường hát:
”Lưới trời bủa vây, em nguyền được chết bên anh
Đời sống mỏi mòn đau khổ vẫn không buồn phiền.”
Hàn Ni! Hàn Ni mất đi là Hàn Ni đã hết khổ, chỉ có kẻ còn lại là khổ đau thôi. Thúy Vi nhìn Vân Lâu cười:
- Anh Lâu, tôi hiểu anh, tôi đã từng nói với dì Dương, nhưng dù sao cũng mong rằng...
- Mong rằng thế nào?
- Mong rằng Hàn Ni sẽ vì ta mà sống lại...
Vân Lâu cười buồn. Đột nhiên chàng đứng dậy:
- Vi, nước đã sôi rồi!
Vâng, nước trong ấm đã sôi, bốc khói ra khỏi miệng ấm và reo nho nhỏ. Thúy Vi chạy nhanh đến. Nước đã cạn, nàng quay sang Vân Lâu, cả hai cùng cười.
|
|
|