Rút mấy tấm danh thiếp từ trong ví ra, Giai Lập ném tất cả vào trong tủ hóa trang cùng với nhiều danh thiếp và thiệp mời khác. Lúc ngoảnh nhìn lại, ba chữ Lê Thiên Lập in ngay trên danh thiếp đập vào mắt nàng như khiêu khích. Không cần nhìn thêm, nàng đã nhớ: ngoài tên in theo thể chữ Tống, bên phải có dòng chữ nhỏ bộ x. Mặt trái in tên bằng tiếng Anh Tyrone với Thiên Lập có âm tương đồng. Cái tên Thiên Lập có vẻ quen quen, bởi vì Lập kia trùng với Lập này của nàng.
Nàng cũng có tên tiếng Anh là Shirley, do cha nàng đặt. Shirley đồng âm với Chiêli (cách phát âm tiếng Trung quốc: Chiêli tức là Giai Lập - ND) hay ngược lại? Tên nào được đặt trước nàng cũng không rõ.
Dù là Chiêli hay Shirley thì cả hai cái tên đó đều đẹp, còn bản thân nàng không thể coi là người đàn bà đẹp. Ngay mười năm về trước khi mới kết hôn với Đại Nhạc cũng vậy, nhưng ở nàng có khí chất độc đáo. Đặc biệt trong môi trường xã giao, do có biệt tài về điểm trang nàng tỏ ra là người đàn bà xuất chúng. Giai Lập là người có khiếu thẩm mỹ, không đuổi theo thời trang. Tài năng và kinh nghiệm đã giúp nàng có phép ảo diệu trong cách đối nhân xử thế, nàng nói năng giữ lễ, bao giờ cũng gây được thiện cảm với mọi người. Nổi bật nhất ở đôi mắt nàng, đó là cặp mắt có thần thái thâm trầm, luôn lộ vẻ vui tươi. Bất thần có lúc ánh mắt ảm đạm, nhưng chỉ một thoáng trở lại thần thái như cũ. Hoàn cảnh gia đình đã làm cho tài năng của nàng được phát triển nhiều mặt: về âm nhạc, nàng biết chơi piano, guitar, về thể thao nàng biết bơi lội, chơi quần vợt, cả đến khiêu vũ, lái ô tô nàng cũng tỏ ra xuất sắc. Nói đúng ra, sự thành đạt của ông chồng, một nửa là nhờ vào công bà vợ. Sự nghiệp Đại Nhạc phát triển thuận lợi được như ngày nay, chính nhờ sự hổ trợ không thể phủ nhận được của Giai Lập.
Sau cuộc rượu, cánh đàn ông liên hoan riêng với các vị khách ngoại quốc, cánh đàn bà cũng chẳng chịu ngồi không. Như chùm sao vây quanh trăng rằm các bà xúm quanh Vu phu nhân, kéo nhau đến biệt thự họ Vu xoa mạt chược. Chơi bài ở đây không mang tính chất cờ bạc, cốt lấy lòng bà Vu, mọi người dâng chút đỉnh cũng chỉ như "chim sẻ rỉa cánh" mà thôi. Giai Lập vốn không thích chơi những trò này, do chút tính thơ mộng thời trẻ còn rơi rớt lại trong tâm hồn nàng, cho nên ngồi trước canh bạc, nàng cảm thấy thật vô vị. Nhưng may được Vu phu nhân sủng ái kéo nàng vào cuộc, tất nhiên nàng cũng cảm thấy vinh dự. Khi gọi điện về nhà nàng nghe tiếng ồ ồ của thằng con mười lăm tuổi vang trong ống nói, giọng nói tuy đã thay đổi, nhưng vẫn mang chất trẻ con. Nàng không sao quên nổi hình ảnh thằng con lúc nhỏ, khi nàng ra nước ngoài, mặc cho bà ngoại hết sức dỗ dành, thằng bé vẫn gào khóc ầm ĩ để đòi đi theo, đến khi nàng về nước, thằng con lúng túng vân vê mấy ngón tay, ngây người ra như đứng trước mặt kẻ xa lạ. Con người hoàn toàn bất lực trước thời gian, mọi cảnh tượng hãy còn như nóng bỏng, vậy mà thoắt đã bao nhiêu năm trôi qua. Khi con gọi trong ống nói:
- Mẹ Ơi. - Cậu hỏi nàng đang ở đâu, lúc đó nàng mới tin rằng đúng là thằng con trai mình đang nhận điện thoại:
- Thiên Uy, mẹ không về ăn cơm, bố con cũng vậy. Các con ở nhà cho ngoan nhé.
Nàng căn dặn con hệt như lúc chúng còn thơ, chỉ thiếu câu: "Mẹ sẽ mua kẹo về cho các con". Nhưng thằng con nay không còn chỉ biết vâng dạ, dặn mẹ mua sôcôla hay bánh gatô, trái lại, cậu càu nhàu:
- Mẹ lại ăn cơm ở nhà người ta à?
Nàng vừa bực mình vừa áy náy. Trong cả một tuần lễ, nàng ăn cơm ở ngoài nhiều hơn ở nhà. Các con đi học suốt ngày, đến khi nàng thù tạc xong trở về, chúng đã đi ngủ. Ngày hôm sau, tinh mơ chúng đã vào trường.
- Mẹ Ơi, mấy giờ mẹ về? - Tuy thất vọng, Thiên Uy cố hỏi thêm với niềm hy vọng mới.
- Có việc gì đấy? - Nàng trù trừ, vả lại sớm hay muộn còn phải tùy mọi người, chính nàng cũng không làm chủ được.
- Con muốn mua mấy thứ, con...
- Con cứ kê k hai trên giấy đi, mẹ chả nhớ được đâu. - nàng cắt ngang lời con. Mọi người đang chờ, nàng không thể nghe nó kể con cà con kê được.
Khi nghe tiếng chào tạm biệt, nàng bỗng thấy thiếu một cái gì:
- Alô, Thiên Uy ơi, em con đâu?
- Ở trong buồng nó.
- Em con đang làm gì?
- Không biết ! - Cậu đặt ngay ống nghe xuống.
Giai Lập những tưởng gọi xong điện, mình sẽ yên lòng, không ngờ giờ đây nàng cảm thấy băn khoăn hơn. Nàng không để ý lời trách móc của con, nhưng nàng bị ám ảnh bởi giọng nói thù địch của Thiên Uy đối với em gái mình.
Thù địch ư? Nói vậy thì quá, nhưng quả thực thằng anh thiếu tình thương yêu đối với em gái mình. Những gia đình có một trai một gái, ai cũng cho là điều mỹ mãn. Hễ gặp Thiên Uy và Thiên Nhu - hai nụ hoa chớm nở, ai cũng phải hâm mộ người mẹ trẻ. Ngay cả Lê Thiên Lập cũng chả vừa mới ca ngợi nàng trong buổi tiệc rượu là gì? Thật ra chỉ có mình nàng mới hiểu hết sự xa cách giữa hai anh em chúng. Cứ như giọng nói trong điện thoại, khi nhắc đến em, thằng anh tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt làm sao. Giả dụ Thiên Nhu nhận điện nghe mẹ nhắc đến anh, rất có thể cũng có một thái độ y hệt như vậy.
Không hiểu gia đình nhà người ta thế nào, thường thường mỗi lần nhắc đến chuyện con cái, bạn bè đều ca thán về sự bất hòa giữa các con. Giai Lập không hiểu nổi vì lẽ gì, nàng vẫn tưởng rằng đã là anh em tất phải thương yêu nhau chứ, Giai Lập chỉ có một người anh, nhưng hơn nàng mười tuổi. Lúc nhỏ, hầu như nàng ít khi ở gần anh, sau này anh nàng đi học ở Mỹ, lấy vợ và ở lại bên đó luôn. Hai năm trước, lúc mẹ mất, anh nàng có về một lần, nhưng chỉ ít ngày anh đã đi ngay. Lúc nhỏ, nàng hằng ao ước có anh em để bầu bạn, cho nên Thiên Uy ra đời ít lâu thì nàng đẻ thêm Thiên Nhu, nàng vẫn tưởng rằng sẽ bù đắp được nỗi ân hận của mình lúc nhỏ. Nhưng, sự thật thì khác hẳn, Thiên Uy với Thiên Nhu chẳng những không thể bầu bạn cùng nhau, trái lại còn thù địch nhau nữa. Hễ có điều gì bất đồng, hai anh em tranh chấp đến cùng. Giai Lập thường nghiêng về Thiên Nhu, dù sao thằng anh cũng nên nhường nhịn con em. Còn mẹ nàng chỉ một mực bênh vực Thiên Uy, có lẽ đó là nguyên nhân gây ra mối bất hòa giữa hai anh em chúng.
Nàng từng lo buồn về anh em chúng, còn mẹ nàng chẳng lấy làm điều: "Trẻ thơ đứa nào mà chả thế, ngày trước anh con cũng hay trêu chọc con đó thôi. Khi nào lớn lên, tự khắc chúng sẽ biết thương nhau".
Nay bà ngoại đã mất, quan hệ hai đứa có khá ra, ít tranh chấp hơn, nhưng tình cảm giữa chúng càng thêm lạnh nhạt, chúng đối xử nhau như những người xa lạ. |
|
|