Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Quỳnh Dao » Cánh Chim Bạt Gió Tác Giả: Quỳnh Dao    
    Đời sống mỗi ngày mỗi thay đổi, bây giờ tôi đã có những mối lo âu mới. Khiết Anh ngày nào cũng chờ tôi ở cổng trường. Tôi không biết chàng có phải là tượng đá không, mà không biết nản thế này. Trốn chui trốn nhủi cũng không xong, tình cờ hôm nay vừa ra khỏi cổng là gặp ngay Liêu Đông bên chiếc Lambretta trắng. Hắn hớn hở gọi:
    - Phương Kỳ! Phương Kỳ!
    Liếc nhanh qua bên kia đường, Khiết Anh đã sầm mặt. Tôi chào hắn một cách thân mật hơn ngày thường:
    - Chào Liêu Đông! Nghe Uyển Uyển nói anh sắp về Hương Cảng rồi phải không?
    Hắn ta cười tươi tỉnh:
    - Vâng! Vì ông bà bô gọi về lo việc hãng, chứ thật ra tôi chẳng muốn rời Đài Loan chút nào.
    Tôi hỏi tuy đã biết thừa câu đáp của Liêu Đông:
    - Sao thế?
    - Vì Phương Kỳ chứ còn ai nữa, Phương Kỳ cứ làm bộ ngây thơ hoài.
    Tôi mĩm cười:
    - Vì tôi à? Anh làm tôi cảm động qua chừng.
    Liêu Đông xun xoe:
    - Phương Kỳ! Hôm nay tôi muốn mời Phương Kỳ đi đến Nam Cung quán dùng một bữa cơm thường được không? Vài hôm nữa tôi đã về Hương Cảng, chẳng lẽ người sắp đi xa không được Kỳ dành cho một buổi tiệc tiễn đưa sao?
    Tôi hững hờ:
    - Rất tiếc, tôi không thích nhà hàng cũng không quen ăn uống trong tinh thần tiễn đưa, anh để dịp khác vậy.
    - Dịp nào? Tôi sắp về rồi.
    - Lần sau anh qua Đài Bắc.
    Vừa nói tôi vừa bỏ đi, Liêu Đông đuổi theo sát gót:
    - Nếu Kỳ không đi ăn thì để tôi đưa Kỳ về nhà, một người đẹp như Kỳ mà phải chen chúc trên xe buýt thật đáng tiếc.
    Sự hợm hĩnh của hắn làm tự ái tôi chạm mạnh. Khinh khỉnh nhìn hắn, tôi nói:
    - Anh đưa tôi về? Anh có biết cha tôi là người ra sao? Anh có sợ lôi thôi không?
    Liêu Đông vội đáp:
    - Không sao. Tôi sẽ ngừng xe xa nhà, Kỳ đừng lo cho tôi.
    Lo cho hắn! Bất giác tôi muốn cười, có lẽ hắn cũng sợ lãnh thẹo trên bộ mặt bảnh trai. Đang định nói móc Liêu Đông vài câu, chợt tôi nhận ra Khiết Anh đang lầm lì đi tới đồng thời một đám thiếu nữ vừa cười vừa đi ra khỏi cổng, có cả tiếng cười của Ánh Tuyết nữa. Không suy nghĩ nữa tôi gật đầu với Liêu Đông.
    - Vậy anh cho tôi quá giang về nhà vậy nhé.
    Liêu Đông hí hửng như mở cờ trong bụng, hắn vội mở máy xe, tôi leo lên xe thận trọng giữ một khoảng cách với hắn. Xe rú ga inh ỏi rồi lao bắn đi như một chiếc thuyền để lại khói xăng khét lẹt. Liêu Đông hét lớn:
    - Kỳ ơi, ôm chặt coi chừng té!
    Đến chỗ gã tư hắn thắng gấp, may mà đề phòng sẵn nên tôi gượng lại kịp nếu không đã nhào tới ôm hắn rồi. Biết hắn lợi dụng thủ đoạn này tôi bực tức:
    - Anh còn lái xe kiểu này nữa tôi sẽ nhảy xuống đi bộ ngay.
    Liêu Đông chữa lỗi:
    - Phương Kỳ đừng giận, tại đèn đỏ chứ tôi nào dám vậy.
    Qua ngã tư Liêu Đông cho xe chạy trung bình, bộ máy nổ điếc tai của xe hắn át hẳn tiếng nói của hắn. Xe đang chạy bỗng nhiên lạng hẳn đi, tưởng Liêu Đông định giở trò tôi định mắng hắn nhưng chợt phát giác ra chiếc xe Scooter đâm vào, Liêu Đông lảo đảo tay lái chiếc xe nghiêng suýt nữa hất tôi xuống đường. Lộn ruột nhìn sang, Khiết Anh đang nhếch môi cười, chàng tiếp tục cho xe mình đàn áp chiếc Scooter yếu thế hơn. Liêu Đông chửi thề thật tục, hắn cố sức giữ thăng bằng, một tí nữa xe chúng tôi đâm vào cột đèn, Liêu Đông toát mồ hôi hột, tôi cũng muốn rụng tim. Liêu Đông hét lên:
    - Khiết Anh! Khiết Anh! Bộ điên rồi sao?
    Chiếc xe đua phóng đi với nụ cười ngạo mạn. Liêu Đông vẫn chưa hết sợ, hắn vẫn văng tục. Tự dưng tôi chán ngán chờ hắn ngừng xe là thót xuống. Buông một tiếng cảm ơn cụt ngủn rồi bỏ đi. Liêu Đông chạy theo:
    - Phương Kỳ ơi!
    Tôi dọa:
    - Cha tôi kìa, anh có thấy không?
    Quả nhiên hắn sợ mất vía cong đuôi lẩn mất, tôi nhìn theo thở dài rồi đẩy cửa bước vào nhà.
    Thời tiết đang lúc lạnh nhất, bệnh cảm sổ mũi vô duyên khiến tôi nghỉ học, ở nhà mấy hôm nằm vùi với bao ý nghĩ miên man, tôi lấy hình mẹ ra ngắm, đôi mắt mẹ lặng như tờ, nhìn đôi mắt đó tôi thì thầm tâm sự:
    - Mẹ ơi, con yêu Khiết Anh mất rồi, nhưng con phải tránh chàng, mẹ biểu con phải làm sao đây?
    Lẽ dĩ nhiên mẹ vẫn yên lặng nhưng nếu mẹ còn sống liệu mẹ có cho tôi một lời khuyên đúng hay không? Ngày xưa mẹ có yêu cha con không nhỉ? Tại sao cha phải giết mẹ? Vì người đàn bà mang tên Nhược Lan nào đó? Tôi thù cha kinh khủng, đàn ông quả thật tàn nhẫn.
    Những tâm niệm làm tâm trí tôi bất an. Nhảy xuống đất tôi thay quần áo rồi đến trước gương, mái tóc cắt ngắn, mớ tóc đang bồng lên che kín vầng trán bướng bỉnh, những lọn cong cong cúp vào trong má, vểnh ra như chiếc đuôi vịt tạo cho khuôn mặt một vẻ vừa ngây thơ vừa ngơ ngác. Trời lạnh cho đôi má tôi hồng đôi môi đỏ thắm và ươn ướt. Không hiểu con trai mê tôi ở điểm nào? Mắt tôi hay mở to và nhìn thẳng dễ làm người đối diện lúng túng, môi hay mím trông rất mất cảm tình. Xác thực mà nói tôi quả không đẹp bằng Ánh Tuyết lại thua xa về phần trang điểm. Áo sơ-mi vải sọc, quần pát không rộng lắm, tôi lơ là bẻ cổ áo ra ngoài áo khoác, không cầm theo sách vở gì cả tôi ra đường đón xe lên trường.
    Thọc tay vào túi áo khoác vừa bước lên hành lang là gặp ngay nhóm bạn gái hay tán dóc. Hạ Linh Hằng kêu lên:
    - Ê! Phương Kỳ, sao nghỉ học mấy hôm nay vậy Kỳ?
    - Mình bị đau, thời tiết lạnh nhiều khi cũng khó chịu ghê.
    Linh Hằng nháy mắt với Yến Cúc và Nguyễn Lan rồi cười tủm tỉm:
    - Bồ đau làm một người cũng muốn đau theo luôn đó nghe.
    - Ai vậy?
    - Uông Khiết Anh chứ còn ai nữa. Anh chàng chờ bồ suốt ngày hôm kia, gặp tụi này là xông đến hỏi thăm. Anh chàng nhất định không tin bồ nghỉ học cứ cho là bồ trốn chàng, lại còn hỏi có phải bồ đi với Liêu Đông không? Phương Kỳ, không dè bồ lại được Uông Khiết Anh si mê như vậy. Thật bồ có diễm phúc quá!
    Nghe giọng nói ghen tị của Hằng, tôi bất giác cười chua xót: Diễm phúc! Diễm phúc hay bất hạnh? Tôi nhẹ nhàng nói:
    - Kể từ ngày mai chúng ta bắt đầu nghỉ lạnh hy vọng Uông Khiết Anh không đến gây phiền nhiễu nữa. À, Bội Tần đâu? Có ai thấy chỉ dùm mình với.
    - Ở dưới thư viện từ sáng tới giờ.
    Điều đó quả khác thường vì hồi nào đến giờ Bội Tần tối kỵ thư viện. Đẩy cửa kính mờ, bên trong vắng hoe. Bội Tần đang xoay lưng ra cửa cắm cúi đọc sách, tôi tới gần:
    - Bội Tần, hôm nay mày định tu hay sao vậy?
    Tần ngước lên rồi tiếp tục đọc sách:
    - Chẳng lẽ đây là cái chùa hay sao mà tao không được vào?
    - Nhưng mọi hôm mày đâu có thích tụng kinh như vầy?
    - Bỗng dưng tao nổi hứng được không?
    Nói rồi nó lại cắm cúi, Tần đang coi cuốn triết lý Mtetzhe. Loại sách khó nuốt này đâu thuộc sở thích của Tần. Mọi khi nó đọc qua loa và đùa rằng nó thuộc giống nhai lại, mọi chữ dồn vào bao tử để lâu ngày lôi ra nhấm nháp. Tôi nhìn xuống trên trang giấy bỗng xuất hiện một vết ướt tròn, Bội Tần đã đánh rơi một giọt nước mắt. Bội Tần khóc! Bội Tần mà khóc? Quả có chuyện lạ, tôi nghi ngờ:
    - Chuyện gì buồn vậy Bội Tần? Nói tao nghe coi!
    Tần gấp cuốn sách cái rầm, may mà thư viện không có ai, nó thét:
    - Tao ghét Hictelove, ghét thượng đế, ghét cả nhân loại!
    Tôi còn ngớ ngẩn trước thái độ của nó, Tần đã nói:
    - Kỳ ơi, tao thua cuộc rồi!
    Nói xong nó òa khóc lên. Tôi yên lặng ngồi xuống chờ Bội Tần qua cơn tức giận, không cần hỏi nó cũng tự động khai ra. Một lúc Tần hít một hơi dài cố nín khóc:
    - Phương Kỳ, từ trước đến giờ tao vẫn nghĩ là Uông Khiết Anh cũng có yêu tao chút đỉnh, vì chàng quá dễ thương đối với tất cả mọi người. Tao đã mang ánh mắt nụ cười của chàng về ôm mộng mấy tháng trời, nhưng hôm nay mộng đã vỡ tan rồi!
    Bội Tần gục mặt trên sách:
    - Người ta chỉ cho quyền đàn ông tỏ tình trước, tao chỉ biết ôm khối tình câm chờ Uông Khiết Anh lên tiếng. Ánh Tuyết thì không vậy, nó công nhận, tuyên bố là nó yêu Khiết Anh và hôm nay nó đã chiếm được chàng rồi!
    Tôi vịn tay vào mép bàn, run lên:
    - Mày nói vậy nghĩa là...
    - Đầu xuân này hai người sẽ đính hôn. Ánh Tuyết vừa cho biết tin đó.
    Thế là hết! Ba tiếng quỷ quái ấy ngân vang trong óc, tôi tái mặt ngồi xuống cứng như pho tượng gỗ. Bội Tần nắm lấy tay tôi:
    - Phương Kỳ, lúc trước tao có lỗi với mày, tao đã giận mày vì sợ mày giành mất Khiết Anh nhưng bây giờ tao biết mày hoàn toàn là đứa bạn tốt.
    Tôi cắn bờ môi:
    - Tần ơi, lúc nào tao cũng thương mày cả, đừng buồn nữa, người ta quên... mày nhớ làm gì?
    Bội Tần chùi nước mắt:
    - Phương Kỳ, tao sẽ không buồn nữa. Tụi mình đi chơi đi, chưa bao giờ tao thích đi chơi như bây giờ.
    Thế rồi tôi và nó rời trường lên trung tâm thành phố. Con đường xe cộ dập dìu mạch máu giao thông mãnh liệt dù đang mùa đông với những đường sá đồ sộ người ta đi lại tấp nập làm cho chúng tôi vơi buồn phần nào. Hai đứa thả bộ trên con đường, khăn quàng Bội Tần bay phất phới, tôi đút tay vào túi áo nhưng vẫn lạnh. Vào thăm khu hội chợ Lệ Thanh, ghé chơi trò thảy vịt có cánh biết bay, những chú vịt chạy lung tung loạn xạ. Thuê mấy chục cái vòng nhỏ ném ra đều hụt, Bội Tần cười lớn:
    - Phương Kỳ, mày thấy chưa? Tình yêu là chú vịt có cánh biết bay, chúng ta không tài nào ném trúng.
    Đói bụng quá ghé vào một xe mì bên đường quất một tô bò viên, ăn xong tôi thấy mắt Tần đỏ hoe.
    - Mày lại khóc nữa à?
    Tần chống chế:
    - Tại tao cho tương ớt nhiều quá đó.
    Rạp xi-nê Thanh Long chiếu phim “Kiếm hiệp quyền cước”. Đám khán giả nối đuôi nhau sắp hàng, tôi và Tần chen lấn nhau vào quyền ưu tiên với mấy tên con trai chui vào rạp. Những màn đấm đá làm rung chuyển màn ảnh, Bội Tần vỗ tay như con điên, tôi phải giữ tay nó lại. Bội Tần trừng mắt hồi lâu rồi gục đầu vào vai tôi khóc thút thít.
    - Kỳ ơi! Mày không tưởng tượng tao thất vọng cỡ nào đâu?
    Vuốt tóc Tần như bà chị cả dỗ em, tôi bất giác nghĩ đến mình: Bản thân tôi có gì hơn nó, trái tim khắc khoải trong từng nhịp đập, mắt tôi mờ đi, hình ảnh trong tim không còn rõ nữa. Uông Khiết Anh! Uông Khiết Anh! Tôi đã nghĩ đến kết cuộc này từ lâu, nhưng sao tim vẫn đau, thật đau?
    Rời khỏi rạp, thành phố đã lên đèn sáng rực, gió thổi qua hàng cây trụi lá, cảm giác hoang vắng ngự trị trong lòng tôi, Bội Tần nhéo ngón tay tôi:
    - Phương Kỳ, tao nhất định chỉ yêu mình mày thôi!
    Ngang qua một sân trượt patin lộ thiên đang mở cửa, người ra vô đông đúc - mặc dầu trời đã tối Bội Tần lôi tôi:
    - Vào đây trượt băng đã Kỳ!
    Tôi phản đối:
    - Không được! Tao phải về, vả lại tao đâu có biết trượt băng?
    - Tao sẽ dạy mày, chìu tao một chút đi, tao chưa muốn về bây giờ.
    Đèn trong sân sáng lấp lánh, không khí tưng bừng vui nhộn, đủ các lứa tuổi già trẻ. Trò trượt băng đã thành trò chơi thịnh hành trong mùa đông. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào đây, Bội Tần đã thuê hai đôi giày có bánh xe xách ra. Trong lúc tôi còn bỡ ngỡ thì Bội Tần nhanh chóng mang giày vào chân lao đi, tôi la lên:
    - Ê! Chờ tao với chứ!
    Tiếng Bội Tần vọng lại:
    - Chờ chút tao quay lại ngay bây giờ!
    Còn một mình tôi tò mò nhìn quanh với cặp mắt hiếu kỳ, những cặp thanh niên nam nữ lướt bay qua, kể cũng vui. Tôi bước tới chiếc ghế đá gần đó, tháo giày ra gởi rồi bắt đầu xỏ chân vào patin, những chiếc bánh xe khua lách cách, tôi đang co chân chăm chú siết chặt sợi dây ghì ở cổ chân thì bỗng có một bàn tay đặt nặng lên vai. Ngước lên, tia nhìn chạm phải khuôn mặt buồn với mái tóc vuốt cao: Uông Khiết Anh!
    - Phương Kỳ! Sao em lại đến đây?
    Sự bất ngờ làm tôi chết sững, dáng điệu thật buồn cười: mắt tròn xoe, miệng mở hé, một chân đang co lại lơ lửng trong không khí, một giây sau tôi mới tỉnh, thả chân xuống đất. Khiết Anh cũng lộ vẻ xúc động không kém:
    - Phương Kỳ! Em đến đây làm gì? Với ai?
    Chàng còn quan tâm đến tôi chi nữa? Tấm tức nhìn về phía chàng để tìm Ánh Tuyết, có lẽ nàng đang theo dõi chúng tôi. Không muốn cho Ánh Tuyết hiểu lầm, tôi đưa tay gỡ bàn tay chàng trên vai. Thật mau, tay tôi bị chàng nắm gọn:
    - Em chưa chịu trả lời câu hỏi của anh mà!
    Tôi cố cựa quậy mấy ngón tay để thoát thân mà không được, bậm môi nhìn Khiết Anh, sao chàng cứ ỷ mạnh ăn hiếp tôi hoài vậy?
    - Bỏ tôi ra, đừng để người ta nhìn thấy!
    Khiết Anh ương ngạnh:
    - Bỏ ra cho em trốn mất à? Em đi với ai mà sợ người ta nhìn thấy? Với Liêu Đông phải không?
    Thực sự Liêu Đông đã về Hương Cảng rồi, nhưng tôi vẫn gật đầu:
    - Đúng vậy! Anh biết vậy thì đừng có nắm tay tôi nữa!
    - Đi chơi với Liêu Đông? Sao trước kia em bảo không được đi đâu hết? Anh năn nỉ mấy lần anh lạy lục mà em vẫn khăng khăng. Hắn mới cười có một cái mà em đã riu ríu lên xe hắn ngay! Hừ! Hôm đó nhìn bộ mặt xanh mét của em mà tôi tội nghiệp chứ không tôi cho cả hai vô bệnh viện!
    - Anh hung ác thật! Làm cho tôi sợ đứng tim.
    - Đáng lắm! Ai biểu em cứ trốn anh mãi, bộ nhìn mặt anh cô hồn lắm sao Phương Kỳ? Liêu Đông làm em thích hơn phải không?
    - Xét ra hắn cũng không dở trò du côn với tôi!
    - Sao? Em cho là tôi giở trò du côn?
    Khiết Anh nổi giận, đột nhiên chàng lôi tôi ra giữa sân, những chiếc bánh xe ma quỷ dưới chân trơn trượt. Tôi như mất hết điểm tựa chới với chúi vào người chàng. Nhìn xuống tôi thấy Khiết Anh cũng mang giày patin, ý nghĩ nãy giờ chàng đã vui đùa với Ánh Tuyết làm tim tôi nặng xuống. Như chú hề múa rối, tôi cố gắng giữ thăng bằng:
    - Buông tôi ra! Ái da! Anh định đưa tôi đi đâu đây? Tôi chưa biết trượt băng mà!
    - Anh dẫn em đi thực tập!
    - Tôi không muốn gọi anh bằng thầy!
    - Không cần em gọi bằng thầy. Chỉ cần em gọi Khiết Anh là đủ.
    - Buông ra!
    - Đừng la nữa cô bé! Nếu tôi buông ra cô sẽ té liền, tôi không muốn nhìn chiếc mũi xinh xinh này bị dập và sưng vù như trái cà chua chín.
    Quả vậy Khiết Anh đang kéo tôi đi vù vù, chàng điều khiển đôi giày thật khéo léo trong lúc tôi như chú mèo đi hia chỉ biết sợ té bám vào vai chàng. Đấy là điều tôi không muốn tí nào cả, tôi bực muốn phát khóc. Khiết Anh đã khôi phục nụ cười trên môi, chàng nheo mắt:
    - Đứng yên để tôi đưa Phương Kỳ đi nhé!
    Vùng vẫy như chú cá chép lúc này dễ dẫn tới cảnh hai đứa té bò càng lắm. Sân trượt ngả nghiêng trong mắt tôi, hình như Khiết Anh cố ý làm cho tôi chóng mặt bằng cách đảo qua đảo lại. Ôm cứng cánh tay chàng tôi luống cuốn muốn chảy nước mắt, không hiểu sao tôi ngu quá xỏ chân vào đôi giày mắc gió này làm gì? Đã vậy Khiết Anh còn trêu:
    - Coi kìa! Ai cũng vui hết chỉ có mình Phương Kỳ mặt mày bí xị chẳng giống ai hết!
    - Làm sao tôi cười nổi! - Tôi như chú mèo bị xách tai - Buông tôi ra!
    - Tôi không buông, đã bao lần em trốn tôi rồi, lần này thì đừng hòng, nếu muốn ngã lăn dài trên sân thì em cứ việc chạy đi. Kể ra thì tôi cũng phải ghi ân chiếc giày của tôi chứ! Không có nó dễ gì tôi tóm được con chim xanh này!
    Nước mắt vòng quanh, môi tôi run lên:
    - Anh ác lắm!
    - Em còn ác hơn anh nhiều mà!
    Nhưng hình như nước mắt tôi làm chàng mềm lòng. Chàng dìu tôi lại một góc vắng, cho tôi ngồi xuống một băng đá thấp.
    - Nãy giờ trừng phạt em quá đỗi, bây giờ chúng ta nói chuyện nghiêm chỉnh.
    Việc làm đầu tiên của tôi là tháo đôi giày, chàng cười, nhìn thái độ giận dữ của tôi.
    - Nhẹ tay chút chứ Phương Kỳ.
    Tôi lầm bầm:
    - Tôi không biết làm sao anh cứ trêu chọc tôi hoài trong khi tôi có làm gì thất lễ với anh đâu!
    Khiết Anh đứng trước mặt tôi, chàng chầm chậm nhìn tôi, tôi lờ đi ngồi chống cằm chân bắt chéo chữ ngũ thật kên, Khiết Anh lắc đầu:
    - Em không biết tại sao ư?
    - Không!
    Chàng hắng giọng:
    - Tại vì anh yêu em, em nghe chưa Phương Kỳ?
    - Anh yêu tôi?
    Tôi nghẹt thở tim đập thình thịch, chàng vừa nói gì? Khiết Anh lập lại:
    - Phương Kỳ! Anh yêu em, anh yêu em vô cùng!
    Máu trong tim tan loãng, tâm hồn thì đang lên cao. Tôi không biết làm gì, chỉ biết đứng ngu si nhìn chàng, nhìn mãi. Khiết Anh nâng bàn tay nhỏ xinh của tôi lên luồn những ngón tay của chàng vào những ngón tay búp măng của tôi, giọng chàng êm ái cực kỳ quyến rũ:
    - Phương Kỳ! Anh đã xao xuyến ngay từ đầu khi nhìn thấy em, hôm em đứng trên con đường có những hạt phong bay đó. Nhìn em say đắm nghe tiếng hát của anh, thoạt đầu anh chỉ xúc động trước sự ái mộ nhiệt thành nhưng em là cô gái luôn luôn mang nét bí ẩn, em đã tạo cho anh những ấn tượng sâu đậm đến nỗi anh không thể không nhớ đến em, không tìm gặp em. Rồi khi nghe em ngây thơ kể giấc mộng có anh trong đó, anh đã sung sướng đến thế nào em biết không? Suốt buổi tối anh đã hát liên miên, hát bằng tất cả niềm vui trên đời này. Tóm lại anh đã yêu, 25 năm qua anh chưa hề có một cảm xúc nào tuyệt vời như vậy. Bây giờ anh bất chấp mọi sự nhạo báng săn đuổi em như một thằng khùng, nhưng em lại chạy trốn anh, em là nàng tiên có đôi cánh trắng, hôm nay anh đã dấu được đôi cánh của em rồi! Em không kịp về trời được nữa đâu! Em phải ở lại trần gian này và phải yêu anh!
    Tim tôi như hạt bụi hồng đang bay lên đồng thời nước mắt đã ngập mi. Ôi! Lời tình tự say đắm bên tai, khuôn mặt rất trẻ, Khiết Anh thành khẩn. Tôi có thể tin lời chàng được không? Bàn tay dịu dàng của Khiết Anh mơn trớn tay tôi.
    - Bài “Hành ngộ ca” anh hát chỉ để dành cho riêng em thôi! Vậy hãy nói yêu anh đi! Hãy thú nhận là yêu anh đi! Anh cũng biết em yêu anh mà, nói đi cưng!
    Hãy nói yêu chàng đi nhưng những chất xám, chất trắng trong óc rắn lại: Con người đang nói những lời giả dối này sắp đính hôn với một cô gái sang giàu. Hắn đang lừa mi đó!
    Chàng vẫn nồng nàn:
    - Em yêu anh mà phải không Phương Kỳ?
    Tôi buông ba tiếng cộc lốc:
    - Không bao giờ!
    Khiết Anh như bị ong chích, chàng giựt mình:
    - Em nói gì?
    Tôi cúi đầu nhưng rồi ngẩng lên, bản tính ngang bướng giúp tôi nói những lời lạnh lùng trong khi tim tôi đang nức nở:
    - Tôi không hề yêu anh bao giờ cả!
    Khiết Anh lớn tiếng:
    - Em nói láo! Tại sao em che dấu tình cảm, mắt em đã tố cáo điều đó, em vẫn chưa tin anh sao?
    Tôi cố gắng nở một nụ cười đanh thép:
    - Mắt anh có lẽ nhìn lầm tôi rồi Khiết Anh ạ! Sự thật tôi không yêu anh cũng không muốn làm bạn với anh nữa!
    - Trong tình yêu không bao giờ đùa cợt cả, vậy mà em cứ giỡn chơi, có phải tại Liêu Đông không? Hắn ép uổng gì em?
    - Hãy để Liêu Đông sống yên ổn ở Hương Cảng, tôi chẳng có dính dáng gì đến Liêu Đông cả. Thật ra tôi dùng Liêu Đông để chọc tức anh cũng như dùng Khiết Anh để chọc tức Tử Phong. Tôi không có giấc mộng nào và cũng chẳng yêu ai! Anh hiểu chưa?
    Khiết Anh bị chết đứng:
    - Đúng vậy thật sao Phương Kỳ?
    - Vậy đó, đó là sự thật về tôi, bây giờ tôi dứt anh, anh cũng không yêu tôi đâu. Cái anh nói là tình yêu đó chỉ làm cho tôi tự ái.
    - Tự ái! Tự ái!
    - Đúng vậy! Vì tôi không giống các cô gái khác luôn bên anh, nên anh sinh cái cảm giác đặc biệt về tôi. Anh bắt tôi phải thú nhận yêu anh nhưng khi thỏa mãn mặc cảm tự trọng anh sẽ chán nản ngay và tình yêu cũng chấm dứt.
    Khiết Anh lườm:
    - Sao em biết rõ quá vậy? Bộ em ở trong bụng anh sao?
    - Ở trường chúng tôi có học sơ về môn phân tâm để mai mốt đi dạy học.
    - Vậy thì mang cái công trình của em ra áp dụng cho học trò tiểu học đi. Anh không phải là con nít thường hay đánh nhau.
    Lòng tôi thổn thức, sự giả tạo của tôi do đâu mà có? Ôi! Khiết Anh chàng sắp là của Ánh Tuyết còn đi tỏ tình với tôi làm gì? Tôi không muốn ai rủ lòng thương xót, có thể tôi là con nhỏ bất trị nhưng không ươn hèn. Khiết Anh đứng lặng hồi lâu rồi lặng lẽ ngồi xuống bên tôi có vẻ bình thản nhưng nét suy tư vẫn còn vương trên mặt chàng. Chàng khẽ đưa tay vuốt tóc tôi, tôi không còn sức phản kháng, gắng thêm một chút nước mắt tôi sẽ tan vỡ ngay. Khiết Anh trầm giọng:
    - Anh vẫn không tin lời em nói là sự thật.
    - Anh quá tự tin chính mình!
    - Không phải thế Phương Kỳ, có phải em thốt những lời cay đắng đó vì những nguyên nhân tại em chưa chứng minh hay hơn nữa.
    Chàng thật thông minh. Tôi nói:
    - Tin hay không là quyền của anh, còn bắt tôi nói yêu anh thì không bao giờ!
    Chàng nhìn xoáy tôi:
    - Anh chỉ tin khi tìm được chứng minh!
    - Chứng minh?
    - Vì anh đã có cách chứng minh.
    - Cách gì vậy?
    - Đo độ nóng chảy của nước đá!
    Dứt lời chàng ôm chầm lấy tôi trong đôi tay cứng cáp, tôi chẳng hề tránh được điều này, nằm gọn trong vòng tay chàng mất rồi. Cố sức gỡ nhanh, vòng tay chàng ôm chặt toàn thân. Tôi yếu như mèo, nâng mặt tôi lên, Khiết Anh cúi xuống đến nỗi chiếc mũi của chàng gần đụng vào mũi tôi, hơi thở phà vào mặt tôi, tôi đã biết chàng sắp làm gì, tôi kinh hoàng la lên:
    - Không được! Không được đâu!
    Nhưng đôi môi chàng quá gần, rồi một nụ hôn như chạm vào lưỡi. Ôi! Sự yếu ớt của tôi. Người tôi mất xét đoán hoàn toàn, lúc nóng, lúc lạnh, cảm giác Tây Băng Sơn hồng lên đã tan dần dưới sức nóng của ánh sáng mặt trời. Nụ hôn xong, đầu môi còn nguyên phản xạ, tôi nằm im trong tay chàng như con chim bồ câu hiền lành. Môi chàng đã lìa xa, nụ cười khinh bạt đã hiện lên:
    - Anh đã làm tan cái băng giá của em rồi phải không? Lần đầu tiên mới gặp được cô gái có làn môi ngọt như vậy.
    Máu nóng trong người tôi sôi sục, tôi vùng dậy dang thẳng tay lên rồi một cái tát tóe lửa bay ra, Khiết Anh lãnh đủ. Chàng sững sờ, theo phản ứng tự nhiên đưa tay lên xoa má. Tôi đứng lên như con thú rừng thức giấc:
    - Anh là đồ đểu!
    Khiết Anh nắm lấy tay tôi giựt mạnh khiến tôi suýt nữa ngã vào lòng chàng:
    - Em làm cái gì vậy? Phương Kỳ?
    Thuận tay tôi giáng cho Khiết Anh thêm một cái tát nữa, năm ngón tay in hằn trên má chàng, mặt Khiết Anh đỏ bừng lên, chàng nghiếng răng:
    - Phương Kỳ, em giỏi quá!
    Chàng xông tới, tôi thụt lại nhìn chàng uất nghẹn, chàng khinh tôi đến thế sao? Bờ môi vẫn còn nóng, tôi lấy tay chùi mạnh để xóa vết nụ hôn đầu.
    - Anh... anh làm bẩn tôi, anh khốn nạn lắm!
    Khiết Anh cười lạnh:
    - Làm bẩn? Té ra đây là một tảng băng trong suốt chưa hề bị nhiễm bụi phải không? Tôi đã ngu dại nên đi hôn một tảng băng, cách đối xử của cô chứng tỏ cô là con người không có trái tim, không có giác quan, đầy lòng tự phụ kiêu căng. Lần thứ nhất trong đời Uông Khiết Anh này mới bị đàn bà nhục mạ như thế này. Thôi! Xin trả cô về cho đỉnh núi cao, tôi là người thường, tôi đi tìm những cô gái khác không được thanh khiết như cô nhưng ít ra cũng có máu nóng!
    Chàng đã đi rồi, tôi ngồi xệp trên mặt đất, nước mắt lan tràn trên má: “Khiết Anh ơi! Em không được cứng rắn như băng trên đỉnh núi đâu! Em chỉ là một nắm tuyết mềm yếu rơi xuống đất, anh đã dẫm lên tuyết mà đi. Ai trong chúng ta kẻ đầy lòng tự phụ? Khiết Anh! Khiết Anh! Em thù anh hết sức!” Đưa tay sờ lên môi, chàng đã hôn tôi nơi này rồi sao? Kinh khủng quá! Nước mắt không rửa hết nhục, thế gian này hoàn toàn đều bẩn thỉu, cả anh nữa Khiết Anh, anh cũng là phường phàm phu tục tử.
    - Phương Kỳ ơi! Kỳ ơi!
    Bội Tần vừa chạy lại, đưa tay làm loa hú vang, thấy tôi nó ngạc nhiên:
    - Sao mày đến tận nơi đây? Báo hại tao kiếm mày muốn đứt hơi luôn. Tao đã định quay lại ngay, nhưng xui quá tông nhằm tên kia đến ngã nhào, tao có tránh đàng hoàng nhưng cái tên mắt mù như hải cẩu đó có thấy đường đâu. Đứng lại cãi lộn với hắn một chập đấy chứ! Ơ hay sao mày khóc vậy?
    Tôi cười gượng xách giày đứng lên:
    - Có gì đâu, cuộc phiêu lưu trên mấy bánh xe này làm tao ê ẩm nên khóc chơi vậy mà. Bội Tần, ước gì đời mình lăn đều như bánh xe trượt này hả mày?! Nếu không vấp té thì trượt băng thật là thích thú!
    Một tuần lễ trôi qua, tôi sống như một người đánh mất trái tim, luôn luôn cau có gắt gỏng; chẳng bao lâu mà người đã xuống sắc, nhìn vào gương tôi thật khó thương: khuôn mặt hậm hực như sẵn sàng gây sự với bất cứ ai. Tôi im lặng nhìn mình: mi thật là đứa con gái đầy mâu thuẫn, mi không đáng hưởng hạnh phúc.
    Bảy ngày giam thân trong nhà quả là chán ngán. Hôm nay dì Hoa bày đặt mời mấy người bạn lại nhà ăn tiệc đồng chí! Đồng chí thì có ăn nhằm gì mà phải tiệc tùng? Tôi rủa thầm đưa tay vét nhọ dính trên trán. Từ sáng tới giờ lúi húi trong bếp mặt mũi mới lọ lem thế này. Dì Hoa nấu món “Tạp pí lù” rắc rối lỉnh kỉnh. Tôi thầm so sánh đám bạn bè của Dì Hoa với món ăn hổ lốn này, chỉ có một điều là món “tạp pí lù” thì ăn được còn đám người kia thì nuốt không trôi, nhìn người nào cũng muốn ói cả.
    - Kỳ ơi! Kỳ!
    Tôi thở dài lấy chiếc khăn chạy xuống bếp, dì Hoa càu nhàu:
    - Đang nấu nướng mày bỏ đi đâu biệt dạng vậy?
    Tôi câm như hến ngồi xuống kéo rổ củ cải lại gọt tiếp, lưỡi dao lướt đi một cách cẩu thả, tôi chẳng hơi đâu chăm chú cho việc bếp núc nữa. Dì Hoa lại gần:
    - Thôi xong, chỉ còn đợi khách tới là dọn ra ăn nóng. Bây giờ mày lên sửa soạn trang điểm đi!
    Tôi quăng con dao xuống:
    - Để làm gì mới được chứ?
    - Để dự tiệc chứ làm gì. Chẳng lẽ để bộ dạng bơ phờ như thế này ngồi chung bàn với người ta?
    Nghĩ đến chuyện ở sòng bạc tôi nổi nóng:
    - Con không phải chiêu đãi viên!
    Bỏ lên lầu với tiếng thét của dì Hoa, tôi phóng lên thang, đụng phải cha dưới chân thang, ông ngăn lại:
    - Ra đây cha nói chuyện.
    Chuyện gì mà ông quan trọng thế? Mới bước theo cha ra ngoài phòng ngoài, tôi ngồi xuống nhìn nền nhà. Từ khi cha thú tội, tôi không bao giờ nhìn thẳng mặt ông. Cha lấy ra một xấp hàng lụa màu tím nhạt đẩy về phía tôi:
    - Kỳ này, cha mới ra phố mua cho con đấy, cất đi mà may áo. Cha biết con chẳng có nhiều quần áo đẹp.
    Tôi hững hờ đẩy trả lại:
    - Cảm ơn cha, con không đi đâu chơi chẳng may sắm cho hao tốn.
    Cha sạm mặt, bản tính nóng nảy làm ông nổi hung:
    - Tao cho mà mày dám chê à, đồ mất dạy!
    Tôi bước về cầu thang, đến chân cầu thang tôi quay lại:
    - Con không thích màu tím mà tại sao cha lại mua màu tím cho con? - Tôi cười khảy - Hình như hồi xưa mẹ con hay mặc áo màu tím phải không cha? Có lẽ vì vậy mà đời mẹ toàn gặp điều bất hạnh!
    Cha như bị chạm nọc, ông trợn mắt trừng trừng:
    - Sao tự dưng mày nhắc đến mẹ mày làm gì?
    - Con phải nhắc chứ! Vì mẹ là mẹ của con mà! Đáng tiếc là mẹ chết sớm quá, cha có biết tại sao mẹ chết không?
    Gân mặt cha co rút, ông nhìn tôi chằm chằm:
    - Mày hỏi điều đó vì lẽ gì?
    - Vì chỉ mình cha biết tại sao mẹ chết thôi.
    Cha bước tới giơ tay lên, tưởng ông đánh tôi, tôi vi thụt lùi, nhưng cha chỉ vuốt mặt:
    - Mẹ con chết là do bà ấy quá yếu đuối.
    Tôi khoanh tay chua chát:
    - Một con người yếu đuối không bao giờ có can đảm tự cắt mạch máu tay tự tử cả.
    - Phương Kỳ! - Giọng cha khàn đục như sương sớm - Con người can đảm không bao giờ tự tử cả vì tự tử là hèn nhát nhưng muốn tự tử lại cần rất nhiều can đảm, cái vòng lẩn quẩn ấy con đã biết rồi còn hỏi cha làm gì? Dẫu sao cái chết của mẹ con cũng làm cha rất đau lòng, từ giờ về sau con đừng nhắc đến mẹ con nữa nghe không?
    Tôi vẫn giữ giọng cay chua:
    - Như vậy là cha bắt con giết cả hình ảnh mẹ hay sao?
    - Kỳ! - Cha chỉ mặt tôi - Đừng tưởng tao thương rồi làm tới, tại sao hôm nay mày dở chứng điên cuồng láo xược như vậy hở?
    Tôi vừa leo lên thang gác vừa nói:
    - Tại vì con đang muốn nổi dậy đây!
    Ngồi ở chiếc bao lơn nhỏ hẹp, tôi chán nản nhắm mắt lại: vì ai mà tôi đi tới tình trạng bất thường này? Gặm nhấm ngón tay tôi gọi thầm: “Mẹ ơi! Con muốn chết theo mẹ quá!”
    Ở dưới nhà có tiếng ồn ào huyên náo, có lẽ khách đang lục đục kéo đến. Qua giọng nói tôi nhận ra một số người quen biết: lão già cố tri Hứa Kim, bà chủ nợ họ Phí chắc có dẫn theo thằng con trai cao lòng nhòng... Tôi cau mày đứng dậy vào phòng thay quần áo, chiếc áo dài tay đỏ sẫm làm nổi bật nước da trắng, jupe để lộ đôi chân thon với đôi vớ dài, không nhìn mình trong gương tôi nghệch ngoạn bước xuống. Những câu cười đùa thô tục ngổn ngang, dì Hoa cười toe toét hài lòng. Hứa Kim, gã con trai họ Phí, ông chủ Vương Á, mấy lão già tôi chẳng biết ở đâu chui lên, những cặp mắt đầy thèm thuồng nhìn tôi ngấu nghiến, tất cả đều đồng thanh:
    - Nãy giờ mới thấy Phương Kỳ, ngồi đây nè Phương Kỳ!
    Tôi ngạo mạn đi thẳng ra cửa, cha không bao giờ có mặt ở trong buổi chè chén thế này, có lẽ ông đã ra quán rượu độc ẩm rồi. Dì Hoa la lên:
    - Đi đâu vậy Kỳ? Sao không ở nhà dùng bữa?
    - Con ra tiệm ăn mì, con không chịu được cái món “tạp pí lù” này.
    Xô cửa ngang nhiên bước ra đường, ngọn gió thổi vào mặt lạnh ngắt. Đường xá vắng tanh, những dãy nhà đìu hiu nép mình co ro. Giờ này ai cũng ở yên trong ngôi nhà ấm cúng, chẳng có ai điên như tôi cả. Tôi không bao giờ tìm được một hơi ấm cho riêng mình, ở nhà lát nữa chắc tôi sẽ đánh nhau với đám người đó quá.
    Đón một chiếc xe vào khoảng xế chiều như thế này không phải là chuyện dễ. Tôi đi ngược lại con đường Khổng Phu Tử gió thổi ngược chiều rét mướt, da mặt se lại vì lạnh, chóp mũi nhỏ như muốn đóng thành băng. Cái lạnh mùa đông làm tôi thích thú, tôi là một tảng băng thì sợ cái gì cơ chứ! Chui vào một quán cơm bình dân bên đường, gọi một đĩa cơm chiên dương châu với một ly trà ngui ngắc. Dĩa cơm dở ẹt nhưng tôi thấy còn khá hơn là ngồi xì xụp húp nước lèo ở nhà; trả tiền xong tôi đứng ngẩn ngơ trên hè phố. Đi đâu bây giờ?
    Bội Tần đã về nhà bà dì nghỉ lạnh. Không còn phương nam nào để loài chim di trú tìm nơi trú rét. Những bước chân lạc loài đưa tôi đi qua Lan Kiều, công viên đã đóng cửa. Đến Thành Dương, con đường có những tủ kính đồ sộ. Đứng trước một gian hàng bán đồ chơi con nít, tôi thơ thẩn ngắm những thứ bày bán, vét hết số tiền còn lại trong túi, tôi mua hai con búp bê bằng sành rẻ tiền, mặt mũi chúng rất ngộ nghĩnh, màu sắc son phấn lại loạn cả mắt chẳng ăn nhằm vào đâu với đâu, tuy thế trông cũng vui mắt đáo để. Mua xong, tôi ngước mắt nhìn đồng hồ, đã hơn 6 giờ chiều. Trời mỗi lúc một lạnh thêm, chiếc áo phong phanh không cản nổi gió đông, có lẽ quay về là hơn.
    Ôm chiếc bọc chứa búp bê không tình yêu tôi băng qua đường. Vừa ra giữa con lộ rộng, tôi vô ý dòm chừng bên kia đường, thình lình tiếng còi xe bên này rít lên inh ỏi sau lưng; tôi quay phắt lại: một chiếc xe lao từ xa như bay tới... xoảng!... tôi sợ đến bủn rủn cả người, chiếc bọc rời khỏi tay tôi rơi xuống lúc nào không hay, đồ chơi bắn tung tóe trên đường. Chiếc xe đâm sầm tới nhưng vừa kịp thắng rít lên rợn người dừng lại cách tôi độ chừng 2 - 3 tấc. Sự thật đã làm tôi đờ người nhưng lý trí cũng vừa hồi phục thì cảm giác đau thắt làm tôi xanh mặt: chiếc xe màu xanh mui trần.
    Khuôn mặt uy nghi của Uông Khiết Anh lạnh như gió bấc:
    - Lần sau cô đi đường nên cẩn thận hơn một chút.
    Khuôn mặt mỹ lệ của Vương Ánh Tuyết, nàng nhìn tôi như kẻ xa lạ, nàng ngả đầu vào vai chàng cười tình:
    - Khiết Anh, anh lái xe tài quá, chút nữa là cô bé này đi đời rồi! Thật tình không nên chơi trò tự tử tai hại đó đâu nhé!
    Tôi không biết gì ngoài chuyện họ đang khắng khít trên xe sang trọng, như kẻ mất hồn tôi lầm lũi cúi xuống lượm con búp bê xấu xí cầm lên tay, đồ chơi này dễ vỡ thật, chỉ còn một con duy nhất nguyên vẹn. Tôi chẳng còn biết đền ai khi chính tôi đánh vỡ tất cả. Khiết Anh liếc nhìn tôi rồi chẳng nói chẳng rằng chàng cho xe lao vút đi.
    Như cơn giông nhỏ tôi ào vào nhà, thèm được đập phá một cái gì nhưng đã có một cơn bão lớn đã chực chờ, xô vẹt đám người hàng xóm đang tò mò quanh cửa: cảnh vật đập vào trái tim rạn nức chẳng khác gì sức mạnh ngàn cân đập xuống, bàn tiệc ê chề vẫn chưa dọn đi. Mấy bộ mặt mâu thuẫn ngây như phỗng ngồi nhìn quang cảnh trước mặt: hai người cảnh sát kèm chặt bên cha như cái xác bị treo cổ ngoẹo đầu khập khưỡng. Tuy thế tôi biết ông vẫn còn tỉnh vì giọng nói nhừa nhựa vang lên:
    - Cút đi! Cút đi hết ngay nếu không tao đập chết mẹ hết tụi bây!
    Một người đàn bà mập ú ăn mặc diêm dúa đang nhảy đỏng đảnh sát mặt cha tôi:
    - Bắt lấy nó cho tôi! Chính hắn đấy! Các người có chịu trả tiền cho tôi không thì bảo, thứ quân ăn cướp!
    Dì Hoa chống tay vào cạnh sườn the thé đáp lại:
    - Mấy người muốn đem hắn đi đâu thì đem, tôi chẳng biết đó là đâu cả, tôi chẳng dính dáng gì đến chuyện mấy người!
    Đầu óc tôi muốn bể tung, tôi hét lên:
    - Lại chuyện gì nữa?
    Một người cảnh sát thản nhiên giải thích:
    - Cha cô ra quán rượu nhậu say rồi gây chuyện đánh người, ông đã bóp cổ bà này và giựt lấy sợi dây chuyền chạy mất. Bà đã dẫn chúng tôi đến đòi lại. Trong quán ai cũng làm chứng là cha cô hành hung lại còn cướp đoạt tài vật.
    Tôi rã rời, cha lại hành động như thế nữa sao? Bước tới cạnh cha, tôi lạc giọng:
    - Cha! Sợi dây chuyền đâu cha không trả cho người ta đi.
    Cha vung tay hất hai người cảnh sát ra:
    - Sợi dây chuyền nào? Tao vứt nó xuống sông rồi.
    Người đàn bà hét lên:
    - Láo khoét! Khôn hồn đem trả lại đi! Không thì tôi nhờ cảnh sát lôi ông về bót cho ông vào tù. Vậy là tôi biết điều lắm rồi đó! Đồ cướp cạn!
    Cha phanh ngực áo, mặt ông đỏ như tôm luộc chín:
    - Sợi dây chuyền đó không phải của bà, nó là của vợ tôi, tôi đã mang trả cho Hiển Vân rồi! Bà đừng hòng kiếm ra! Ha! Ha! Ha!...
    Người đàn bà cũng giậm chân bành bạch:
    - Được rồi! Được rồi! Nhờ mấy ông bắt thằng cha già này cho tôi, tôi chịu hết nổi rồi!
    Hai người cảnh sát rút chiếc xích đen xì, một người cười hề hề:
    - Nhớ nhà tù rồi hả Phương Nhất Gia? Loại rác rưởi này cần phải quét hết mới sạch xã hội.
    - Khoan đã! - Gã Hứa Kim xăm xăm bước tới, hắn mò mẫm túi áo veste tìm cái bóp căng phồng - Sợi dây đó đáng giá bao nhiêu? Tôi sẽ bồi hoàn cho bà, bà đừng có cớ bắt lôi thôi.
    Trước sự hào hiệp đó người đàn bà cũng ngạc nhiên, bà ta dịu xuống:
    - Nếu ông trả tôi thì thiệt tình tôi cũng mong dàn xếp ổn thỏa chứ bắt ông này chẳng có lợi lộc gì cho tôi cả.
    Cha lại múa máy tay chân cười sằng sặc:
    - Anh đã trả nợ xong rồi, em nhắm mắt yên chưa Hiển Vân?
    Đứng trước một quang cảnh như một tấn tuồng loạn óc đó tôi không còn chịu được, chạy vào phòng như kẻ cuồng tín. Mọi tình cảm đều đã tiêu tan, tôi không khóc nổi nữa, nước mắt đã kết thành những phiến băng giá buốt tim. Cha tôi, ông đã đánh mất hết phẩm giá, tôi nhục nhã vì có người cha như thế! Dì Hoa vô thẩy một tờ giấy trước mặt tôi nhăn nhó:
    - Giấy nhận nợ đây, cô ráng mà trả cho Hứa Kim, tôi chẳng ăn nhập gì vào đây cả.
    Trả nợ? Tôi lấy gì trả nợ cho lão già mắt híp đó? Như con tê giác loạn rừng tôi cầm tờ giấy xông ra tìm cha. Nhà đã vắng, chỉ còn mình cha ngồi gục mặt ở ghế đẩu với một tay bóp đầu. Ông đã có vẻ tỉnh hơn, tôi bước tới trước mặt cha cười gằn:
    - Con không ngờ có một người cha đáng kính như thế này!
    Cha ngóc đầu lên, đôi mắt màu xám đục ngầu:
    - Mày nói gì? Lập lại tao nghe coi!
    Tôi bất kể gì nữa, nói một hơi:
    - Cha là một người cha vô trách nhiệm với con, một người chồng bất lương, độc ác hơn thú trên rừng. Cha đã giết mẹ tôi một cách oan ức, mẹ tôi có tội tình gì đâu chứ? Sao hồi đó cha không giết tôi luôn cho xong? Thà chết phứt từ nhỏ để khỏi nhục như thế này!
    Mắt cha lóe lên tia chớp, ông cười bực:
    - Mày dám nói như thế với cha mày hả đồ mất dạy?
    - Thực sự có ai dạy bảo gì tôi đâu? Tôi không biết giết người, tôi chẳng biết đánh bài, có phải vì thế tôi là đứa mất dạy không? Không chịu noi gương giáo huấn của cha và dì...
    Chát! Ông vừa tát cho tôi một cái, cha hung tợn:
    - Chắc tao phải giết mày quá! Tao không thể chịu được một đứa con ngổ ngáo bất trị như mày.
    Tôi càng hét to thêm:
    - Cha có giỏi thì giết đi, cha là tay sát nhân chuyên nghiệp kia mà. Tôi không sợ đâu, xuống âm ti gặp mẹ tôi càng sung sướng hơn là phải sống trên cõi đời này với cha!
    Cha như đám cháy được chế thêm dầu:
    - Câm ngay! Không được nhắc đến mẹ mày trước mặt tao!
    - Chính cha mới không đáng nhắc đến mẹ!
    Lại lãnh thêm một cái tát bỏng rát, cha xòe rộng bàn tay gân guốc:
    - Con khốn nạn! Mày muốn chết tao cho mày chết!
    Cha lừ đừ tiến đến bên vách, giật lấy cái thắt lưng da có cái khóa đồng to tướng. Bộ mặt hung tợn của ông như người đồ tể. Bản năng tự vệ hoảng sợ trong lúc tôi thúc hối: chạy đi, chạy nhanh lên Kỳ, cha sắp đập mi chết! Nhưng một tiếng gọi khác đối nghịch lại: cứ để cho cha đánh, ta sẽ chết như mẹ, ta còn có ai trên đời này nữa mà yêu thương!
    Cha vung cao tay đánh xuống: Vút! Làn roi xé gió vụt vào vai tôi bật máu. Tôi quặn mình la lên một tiếng nhưng rồi lại trân mình đứng yên đỡ... Vút... Vút... Vút..., da thịt xé ra đau rát, máu từ từ rịn chảy thấm ướt chiếc áo màu đỏ của tôi, cha như con thú điên nhằm người tôi quất như mưa. Tôi đưa tay bịt kín mặt, run bần bật như chú thỏ lột da:
    - Trời ơi! Đau quá! Đau quá! Cha đánh chết con thật sao?
    Cha quăng dây nịt xuống chửi rủa:
    - Đồ mất nết! Đồ lăng loàn!
    Hình như đây là mấy câu quen thuộc của cha, tôi thỏng tay xuống nhìn cha. Giông tố vừa đi qua, tôi chẳng còn biết gì nữa cả.
    - Cha nói sao? Ai là đồ lăng loàn?
    Cha chỉ mặt tôi:
    - Mày! Thứ con gái hư hỏng, nay thằng này mai thằng khác, tao đã cấm rồi mà còn trốn nhà đi chơi với trai.
    Nửa người đau nhói buốt, tôi cười dài:
    - Cha tưởng tôi nhiều bồ lắm à! Cho cha hay không ai thèm lấy tôi đâu, tôi còn ra gì khi có một gia đình tồi tệ như thế này!
    Dì Hoa cười hiểm xen vào:
    - Cô nói sao? Gia đình này không xứng đáng với cô? Cho cô đi học riết rồi cô nhiễm cái tư tưởng thượng lưu trí thức. Cô lên mặt cầu cao khinh rẻ chúng tôi là hạng nhơ bẩn, thấp kém! Nhưng cô ơi! Nếu không nhờ thứ dơ bẩn này lấy tiền đâu cho cô ăn rồi đi học? Đã sống bám mà còn chưa biết thân! Đừng rẻ rúng đồng tiền khi còn chưa kiếm được xu nào, đồ phách lối rởm!
    Tôi tối mặt:
    - Vâng! Bà nói không sai, con người ai cũng phải sống bằng cơm áo. Cơm áo của tôi từ đâu mà ra? Từ những số tiền ăn cướp của cha, từ những món tiền kiếm trong sòng bạc, từ những lão già dại gái nhưng sự thật phơi bày trần trụi trước mắt ai cũng chẳng hơn gì ai. Đứa con gái vô dụng sống nhờ trong tội lỗi!
    Dì Hoa đay nghiến:
    - Cô có biết cho cô ăn học tốn kém thế nào không? Áo quần, sách vở này nọ, đã vậy không một tiếng cảm ơn lại còn bị chửi. Đúng là đồ vong ân bội nghĩa.
    Tôi ngắt lời:
    - Dì khỏi phải kể công, tôi sẽ kiếm tiền trả cho dì!
    - Ngữ này làm gì kiếm nổi tiền. Thứ vô tích sự!
    - Dì chờ đó, tôi sẽ mang tiền về cho dì xem!
    Cha gầm lên:
    - Mày đi đâu đó Kỳ?
    Băng mình chạy ra cửa, tôi không thèm trả lời, ước gì tôi được chết ngay lúc này.
    

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 21 (Kết Thúc)

Cánh Chim Bạt Gió
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
 
Những Truyện Quỳnh Dao Khác
» Đừng Quên Đêm Nay
» Song Ngoại
» Hậu Hoàn Châu Cát Cát
» Vội Vã
» Tình Buồn
» Cánh Nhạn Cô Đơn
» Mùa Thu Quen Nhau
» Mùa Thu Lá Bay