Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Quỳnh Dao » Cánh Chim Bạt Gió Tác Giả: Quỳnh Dao    
    - Kỳ ơi! Sửa soạn lại đằng này với dì chút con!
    Tôi vẫn ngồi im ôm quyển sách biếng lười:
    - Đi đâu dì?
    - Tới đằng nhà bà Khương!
    Lại sòng bài! Tôi chán ngán:
    - Con chẳng muốn đi đâu cả! Dì đi đi. Đi một mình không được sao?
    - Đâu được! Bộ con không biết con là thần may mắn, mỗi lần có con là dì hên lắm! Ăn hết. Còn vắng con là y như là cháy túi!
    Tôi chua chát:
    - Thì ra con là bùa hộ mệnh của dì!
    - Chứ sao! Thôi sửa soạn lẹ lên con.
    - Trời mưa lạnh thế này con chẳng muốn đi đâu cả.
    - Coi! Sao con cứ hay cãi lời dì hoài vậy? Ở nhà thì có ấm áp gì đâu!
    Vâng! Ở nhà quả là chẳng có gì ấm áp. Lò sưởi lạnh tanh, số củi ít ỏi, chưa kịp mua thêm đã hết. Gian nhà như Bắc Băng Dương, tôi ngồi co ro mà nghe tim mình gõ nhịp. Dì Hoa mài cái kéo, chiều ý dì tôi đứng lên lấy cái áo khoác dày mặc thêm và chải sơ lại mái tóc ngắn, với lấy cuốn sách. Dì Hoa tỏ vẻ không hài lòng:
    - Coi đó, con ăn mặc sơ sài, chẳng trang điểm gì hết vậy?
    Tôi vuốt tóc:
    - Thôi dì! Con đâu có phải đi thi hoa hậu đâu?
    Dì Hoa ngắt lời:
    - Lúc nào cũng giọng nói đó, ai mà thương mày được!
    - Con đã biết điều đó, khỏi cần dì nhắc nhở!
    Cha đã bỏ ra ngoài quán nhậu bí tỉ, chúng tôi đóng cửa rồi bao xe đến nhà họ Khương. Trời thật lạnh làm da thịt tôi nổi cả gai ốc, mãi cho đến khi đặt chân vào nhà họ Khương mới cảm thấy ấm áp đôi chút. Dì Hoa cảm thấy vui sướng khi thấy người đàn bà gầy đét bước ra. Đó là bà Khương chủ sòng.
    - Kìa Hoa! Lâu quá mới thấy lại chơi đó nghe!
    Dì Hoa vừa cởi áo ngoài vừa nói:
    - Tôi kẹt quá! Vừa kiếm được địa là chạy lên đây ngay chứ bỏ bà chị làm sao chịu được!
    Bà Khương niềm nở:
    - Vô đi! Hôm nay có đủ tay hết, toàn là dân xộp không đó.
    Nhà bà Khương gồm có một phòng khách nhỏ bên ngoài, bên trong là chỗ chứa bạc được che bằng tấm bạt màu lục. Người ở đâu mà đông thế không biết! Đa số là người lạ mặt, những cặp mắt đàn ông nhìn tôi thật sỗ sàng:
    - Em út ở đâu ra vậy?
    Bà Khương vội xua tay:
    - Đây là người nhà đến chơi, đừng làm con người ta sợ, mấy ông nội! Bây giờ kép phé hay binh xập xám đây?
    Tôi bước tới chiếc ghế bành đặt ở gần lò sưởi cạnh cửa sổ ngồi xuống. Mọi người không ai chú ý đến tôi nữa, họ bắt đầu nhập cuộc, tiếng cãi cọ văng tục, tiếng chắc lưỡi thất vọng cùng những quân bài quật mạnh xuống nghe thật chán đời. Ngồi xuống ghế, chống tay vào cằm cúi xuống đọc cuốn sách mở rộng trên đùi. Mưa ngoài cửa sổ vẫn rơi đều, hơi ấm của lò sưởi làm tôi dễ chịu. Trước mặt tôi là chiếc bàn thấp, chiếc ghế đối diện vẫn còn trống. Trên bàn ngoài một chiếc gạt tàn thuốc thô kềnh chẳng có bình hoa hay ấm trà chi cả. Các con bạc vẫn mải mê hăng máu sát phạt trong nhà. Không ai quấy rầy tôi cả, sự tự do làm tôi dễ thở hơn.
    Đột nhiên trước mặt tôi xuất hiện một đôi giày mũi vuông, đồng thời với giọng nói nhã nhặn:
    - Xin lỗi cô cho tôi ngồi ở chiếc ghế trống này nhé!
    Bị phá tan sự cô tịch, tôi bực mình chẳng thèm ngó lên:
    - Ông cứ tự nhiên, ghế trống vả lại tôi không phải là chủ nhà!
    Hắn ngồi xuống ghế, lại một câu hỏi nữa:
    - Tôi hút thuốc có làm phiền gì cô không ạ?
    Tôi vẫn thờ ơ trả lời:
    - Không có chi!
    Hắn ngồi yên được một lúc lại lên tiếng:
    - Cô có vẻ chăm học quá!
    Tôi rủa thầm: Con người nhiều chuyện. Những gì trước mắt có ăn thua gì hắn không chớ?
    Một vật chi đụng vào chân tôi, thì ra con người quấy rầy này đã duỗi chân chạm phải mũi giày của tôi. Tôi khó chịu ngước lên, hắn vẫn làm như chẳng có chuyện gì xảy ra:
    - Trái đất tròn quá phải không? Rất hân hạnh gặp lại cô!
    Đôi mắt tôi mở to làm hắn thích thú nên cười tươi:
    - Chắc cô chẳng mong gặp lại tôi chút nào?
    Gã thanh niên đã gặp hôm nọ. Hôm nay hắn mặc chiếc áo chan-xall dài tay màu café, quần xám sậm. Anh chàng dù mặc quần áo giản dị vẫn mang phong cách thanh cao, bê bối một cách dễ thương. Tôi không khỏi có chút hảo cảm với hắn nhưng vẫn trả lời:
    - Ông đoán không sai ý nghĩ của tôi.
    Hắn cười:
    - Dù cô không mong nhưng chúng ta đã gặp lại rồi. Thật bất ngờ, đây là lần đầu tiên tôi theo người bạn đến chơi nên không biết cô lại là con nhà họ Khương.
    Tôi nhướng đôi mày cong vút:
    - Ai nói với ông tôi là con nhà họ Khương? Lúc nãy tôi đã bảo không phải chủ nhà.
    - Thế sao cô lại ngồi đây coi sách? Nơi đây là chỗ đánh bạc chứ có phải thư viện đâu mà mang sách tới đọc?
    Tôi vặn hỏi:
    - Đến đây không nhất thiết là phải đánh bạc, cũng như ông sao không vào đánh bài, ngồi đây làm gì?
    - Tôi chơi bài rất dở mà nói chuyện với cô lại thấy thú vị hơn.
    Tôi lườm hắn một cái:
    - Kể ra ngồi ở sòng bạc mà đọc sách cũng lố bịch thật, nhưng tôi chẳng biết làm gì, ngồi không mãi cũng buồn.
    - Thế sao cô không ở nhà mà đến đây làm gì?
    Tôi đáp gọn:
    - Để trốn lạnh.
    - Trốn lạnh?
    - Vâng! Vì nhà tôi lạnh lắm, không có lò sưởi ấm như thế này, tôi đành phải tìm đường trốn chứ!
    Hắn nhìn tôi đăm đăm:
    - Không ngờ tôi gặp được một cánh chim Thiên Di xinh đẹp giữa nơi này!
    Chim Thiên Di? Ý nghĩ của hắn ngộ nghĩnh thật. Gã con trai nói tiếp:
    - Nhưng hình như cô cũng chưa tìm thấy sự ấm áp phải không? Không khí nơi đây vẫn lạnh đối với cô, cô vẫn là một cánh chim lạc loài, không thích hợp với chốn phàm tục này chút nào hết?
    Tôi chớp mắt:
    - Ông nghĩ là ông có thể đọc ý nghĩ trong đầu tôi qua đôi mắt sao?
    - Nhiều người có đôi mắt khó đọc, nhưng mắt cô sáng như pha lê, nhìn người đối diện dễ dàng nhận ra ngay. Cô đang cảm thấy lạnh và bất mãn, đúng không? Thái độ không thèm nhìn ai của cô đã chứng minh điều ấy. Tóm lại trông cô giống hệt một vị nữ hoàng mất ngôi phải lưu vong.
    Gã con trai lạ lùng! Tôi thoáng xao xuyến nhưng lại làm bộ thản nhiên:
    - Sức tưởng tượng của ông phong phú quá! Chắc ông là một nhà văn vĩ đại phải không?
    Mặc tôi nói móc, hắn vẫn cười:
    - Cô đoán thử tôi giống văn sĩ nào?
    - Tôi nghe nói các nhà văn thường có nếp sống thiếu vệ sinh, hy vọng ông không phải là văn sĩ?
    Hắn thở ra:
    - Rất may là tôi không nằm trong thành phần cô vừa lên án, nhưng cô nên biết các nhà văn lớn thường có nếp sống thật trật tự, chẳng có chi đâu mà bê bối cả. LeonTolstoi đâu có phải là vĩ nhân ở dơ!
    Tôi bậm môi, cúi xuống coi sách tiếp. Gã con trai cũng không gợi chuyện nữa. Tôi thấy hắn nhịp nhịp chân khẽ huýt sáo, hắn huýt sáo thật hay, những dòng chữ không lôi kéo tôi được nữa, tôi ngước lên: gã thanh niên đang ngồi ngả người và khoác tay lên thành ghế, điếu thuốc lập loè đỏ trên những ngón tay dài và xương xương có vẻ nghệ sĩ lạ, hắn đang mơ màng nhìn khói thuốc lá, khuôn mặt nghiêng nghiêng mang nét đẹp của tượng thần Hy Lạp. Đột nhiên tôi ý thức được rằng hắn rất đẹp trai, gương mặt dài dài thanh tú, vầng trán thông minh, sống mũi thẳng tắp, chân mày rậm với đôi mắt sáng. Hắn quay lại nhìn tôi cười nhẹ để lộ chiếc răng khểnh rất có duyên, thổi nhẹ một hơi thuốc lá, hai vòng khói nhỏ lồng vào nhau lảng vảng bay về phía tôi. Bất giác tôi đưa tay lên đón bắt, vòng khói chợt tan, gã thanh niên nhìn cử chỉ trẻ con của tôi bằng ánh mắt dịu dàng:
    - Không ai bắt giữ được khói thuốc đâu cô bé ạ!
    Hắn ném mẩu thuốc lá còn lại vào chiếc gạt tàn, tôi thắc mắc:
    - Sao ông không hút nữa?
    - Tôi không thích hút đến tàn điếu thuốc, vả lại tôi không được hút thuốc lá nhiều với lý do nghề nghiệp.
    - Ông mà cũng có nghề nghiệp nữa sao? Tôi tưởng ông là một người nhàn hạ chứ!
    - Tôi đã trưởng thàng từ lâu. Tất nhiên là phải tìm cho mình một nghề nghiệp, chắc cô còn đi học?
    - Vâng!
    - Cô học trường nào vậy?
    - Điều đó có liên quan gì đến ông đâu?
    Hắn nhìn tôi buồn buồn:
    - Cô khó khăn quá vậy? Cô quên rồi sao, tôi muốn làm bạn cô.
    Tôi ngấm ngầm chua xót trả lời:
    - Tôi không đáng làm bạn với ai hết vì tính tôi khó thương lắm!
    - Trái lại, tôi chưa gặp cô gái nào khả ái bằng cô!
    Đôi má ửng hồng. Khả ái? Tôi mà khả ái, ở điểm nào chứ!
    - Ông đừng nghĩ rằng tôi thích nghe ông nịnh, không ai biết tôi bằng tôi! Và những lời khen sai lầm đều gây khó chịu cho tôi hết!
    Nụ cười của hắn thoáng vẻ khôi hài:
    - Cô có vẻ thích dùng chữ người lớn!
    Tôi chợp ý mở mắt:
    - Ông tưởng tôi còn bé lắm sao?
    - Vì cô gọi tôi bằng ông, danh xưng đó làm cho tôi cảm thấy mình lớn hơn và còn cô thì thuộc dòng hậu bối.
    Tôi nguýt dài:
    - Ông có cần tôi gọi bằng tiền bối không?
    - Không dám! Chỉ cần cô lựa cách xưng hô cho thân mật!
    - Ông khôn dễ sợ!
    Sự vui vẻ của hắn làm cho tôi vui lây. Gấp quyển sách lại, tôi ngồi thẳng người lên đưa tay vuốt tóc rũ chấm mắt. Gã thanh niên nhìn tựa sách với một chút ngạc nhiên:
    - Cô đang đọc “Tội ác và hình phạt”, một cô gái nhỏ như cô mà cũng thích tư tưởng Dostoiexley?
    Tôi ngó hắn bằng tia mắt bén:
    - Chắc ông không cho tôi làm ra dáng trí thức?
    Hắn không chối cãi chỉ cười:
    - Tôi nghĩ cô rất thông minh!
    Tôi thành thật:
    - Thật ra trí thông minh của tôi dở tệ, tôi đang tìm hiểu những tư tưởng thâm thuý của nhà văn hào này mà tôi chưa hiểu nổi. Tôi đọc cho biết, loại sách này không phải sở thích của tôi!
    - Cô thích truyện dịch?
    - Tôi rất thích nhiều thứ, tôi hay đọc Erichremarque với những người Do Thái, đồng thời lại thích cả văn cổ như Hồng Lâu Mộng, tôi giống con mọt sách tham lam quá hở ông?
    - Không phải con mọt sách tham lam mà là chú Đại Thử có chiếc túi quá rộng!
    - Đại Thử?
    Đầu óc tên này kỳ cục thật, tôi cười, cầm que cời than trong lò. Những hòn than đỏ rực như hồng ngọc, ánh lửa nhảy nhót trong lò, ánh lửa lại bùng dậy rung rinh. Đưa tay sờ lên mặt, chắc đôi má tôi rạng rỡ hẳn lên. Ngước mắt lên bắt gặp ánh mắt chăm chú của hắn, tôi e thẹn cúi xuống. Hắn cười khỏa lấp:
    - Cô trông kìa, những hòn than đen xấu xí lại cho ra ngọn lửa hồng rực rỡ cực kỳ, có ai nghĩ đến xuất xứ của nó, phải không cô?
    Ngọn lửa hồng, hòn than đen? Con người ta sao không giống ngọn lửa? Gã con trai đứng khoanh tay nhìn ngọn lửa bừng bừng cháy. Cử chỉ ấy làm tăng thêm phần ngạo nghễ. Hắn đang nghĩ gì vậy? Nhìn vào mắt hắn, hàng mi dài làm mắt hắn đầy bóng tối. Hắn quay lại, tia mắt chúng tôi chạm nhau. Tôi lên tiếng:
    - Ông có đôi mắt khó đọc!
    Hắn mỉm cười tinh quái:
    - Cô muốn đoán ý nghĩ của tôi? Tôi đang nghe lửa nói đây?
    - Lửa nói? Thôi ông đừng xạo!
    - Thật mà! Cô không nghe sao? Nó đang hỏi cô tên gì đó!
    - Vậy à? Mưa sẽ trả lời cho ông rõ, ông lắng nghe đi!
    - Tôi chỉ nghe nó kêu tí tách.
    - Đó là tại ông không biết nghe lời của mưa.
    Hắn giơ tay lên:
    - Thôi được, tôi chịu thua! Bây giờ cô có thể cho tôi biết tên được không?
    Tôi ngần ngừ một chút rồi từ chối:
    - Tên tôi khó nghe lắm, ông không nên biết đến.
    Hắn vẫn bình thản:
    - Nếu cô không cho tôi biết thì tôi tạm gọi cô là cô bé má lúm đồng tiền. Cô đồng ý chứ?
    Tôi muốn nhảy nhỏm khi nghe danh hiệu kỳ quái đó. Như chú mèo con nhăn nhó, tôi nhìn hắn:
    - Tôi tên là Ty Thảo, tức là cỏ tiên ty!
    - Ty Thảo! Tên cô hay quá!
    Thật ra đó chính là tên nhân vật trong một cuốn truyện tôi rất thích, hắn giới thiệu:
    - Còn tôi là Tử Phong.
    Tử Phong! Cái tên làm tôi nhớ đến những hạt phong, tuy thế tôi vẫn nói:
    - Họ Tử à! Tôi chưa hề gặp ai có cái tên quái dị như vậy cả.
    - Bây giờ cô được gặp rồi đó!
    Tôi đang định tìm câu trả đũa Tử Phong thì bà Khương ló đầu ra hiệu:
    - Dì cô đang cần gặp cô.
    Tôi không biết chuyện gì đây? Đứng lên tôi chào Phong rồi bước vào sau bức màn. Dì Hoa đang ngồi ở một góc, canh bạc tạm nghỉ giải lao. Bộ mặt dồi phấn của dì thật hớn hở, cạnh dì là một ông trạc tuổi ông Hứa nhưng cao lêu nghêu, có đôi mắt lồi như chú cá vàng và mái tóc nhuộm đen.
    Dì Hoa vẫy tôi lại giới thiệu:
    - Phương Kỳ là con gái tôi. Còn đây là ông Mã, một kỹ nghệ gia. Kỳ à! Ông Mã có ngỏ ý mời mình đi dùng cơm tối nay, thịnh tình của ông con không nên từ chối. Dì đã thay con nhận lời rồi!
    Tôi ngơ ngác:
    - Dì, sao dì nhận lời người ta? Con không đi đâu.
    - Con phải đi, dì đã lỡ hứa rồi!
    - Con không biết ông này là ai đâu mà bắt con nhận lời ông ta, con chẳng đi với ai hết, con về nhà đây!
    Ông Mã nắm lấy tay tôi, đôi mắt lồi trợn lên trắng dã:
    - Phương Kỳ! Cô phải đi chơi với tôi vì dì cô đã chấp thuận điều đó.
    Tôi bước tránh ra, hết nhìn dì Hoa đến nhìn người đàn ông lạ mặt:
    - Quyền quyết định là ở tôi, dì tôi không có dính dáng gì đến chuyện này!
    - Có chứ! Dì cô đã vay tôi hai chục ngàn đồng và bằng lòng cho cô đi với tôi. Thế nào? Bà bảo con gái bà ngoan lắm kia mà! Sao bây giờ lại dở chứng lên?
    Tôi không tin ở tai mình:
    - Như vậy là dì đã bán con cho người ta rồi sao dì?
    Dì Hoa cau có:
    - Phương Kỳ! Đi ăn tối thì có mất mát gì đâu mà bướng bỉnh vậy?
    Ông Mã to tiếng:
    - Nếu không thì phải trả tiền cho tôi ngay bây giờ. Hai chục ngàn đồng chứ bộ đồ bỏ à?
    Dì Hoa cười cầu tài:
    - Ông bớt giận, để chơi đến cuối ván tôi gỡ lại trả cho ông.
    Nỗi nhục nhã làm tôi nóng ran, thì ra mục đích mà dì mang tôi theo là để gỡ bạc cho dì, dì có thể hành động như vậy sao?
    - Tôi về đây! Từ giờ cho đến chết đừng hòng tôi đặt chân đến cái chỗ nhơ nhớp này một lần nữa.
    Tôi quay mình chạy ra phòng khách, dì Hoa định đuổi theo nhưng đã bị ông Mã nắm lại:
    - Trả tiền đây! Bộ định chạy cả làng sao?
    Tiền! Tiền! Tiền! Dì Hoa đã bán tôi như một cô gái giang hồ. Tôi bất kể trời đang mưa, chụp lấy áo khoác, xô cửa chạy ra ngoài trước sự ngạc nhiên của Phong.
    - Chuyện gì vậy? Ty Thảo, Ty Thảo...
    Tôi không muốn đứng lại cứ vậy bước nhanh về phía cuối đường. Mưa rơi lạnh đôi vai nhỏ, tôi nhận ra là mình đã khóc, khóc cho sự yếu đuối của mình trước mãnh lực đồng tiền!
    Dì Hoa và tôi nổ ra một trận chiến kịch liệt. Đây là lần đầu tiên tôi dám to tiếng với dì, có lẽ hành động của bà ta làm tiêu tan mọi sự uy kỵ kính nể của tôi. Bộ mặt trắng như bột của bà ta trông thật trơ trẽn và khả ố:
    - Phương Kỳ! Đẹp mặt thật! Mày đã bôi tro trát trầu vào thể diện của tao như vậy đó hả? Đừng tưởng có được nhan sắc rồi kiêu kỳ háo hảnh lên mặt làm cao. Kén cá chọn canh gì nữa? Chắc ông hoàng chắc!
    - Con không kén chọn gì cả, nhưng con ghê tởm hành động của dì và những lão già không nên nết.
    - À! Mày dám chửi cả tao nữa à? Mẹ mày chết rồi tao không dạy được mày nữa phải không?
    - Dì không được nói đụng đến mẹ tôi!
    - Tao cứ nói, ai dám cấm được tao? Mẹ mày là con mụ khùng điên nên mới đẻ ra mày, một đứa con gái ngang bướng láo xược.
    Tôi trừng mắt:
    - Nếu dì còn xúc phạm đến mẹ tôi, tôi sẽ mách cha.
    - Cha mày làm gì được tao? Phương Kỳ! Từ trước mày vẫn là một đứa trẻ dễ bảo sao bây giờ lại ngang bướng như thế? Phải rồi, chắc tại cái thằng ngồi cả buổi nói chuyện với mày ở nhà bà Khương chứ gì? Nó xúc xiểng xúi bậy gì mày chống lại tao?
    - Hắn không liên quan gì đến tôi cả. Dì đừng có đặt điều!
    - Mày mê muội nó rồi hả Kỳ? Thứ đó mà nó đồ điếm, sở khanh, du thủ du thực...
    Tôi nóng mặt:
    - Dì không có quyền chửi rủa một cách vô lý!
    - Tao sẽ bảo cha mày trị cho một trận về tội mê trai.
    - Tôi sẽ kể chuyện ở sòng bạc coi cha bênh tôi hay dì cho biết!
    Quả nhiên bà ta co vòi, trận chiến kết thúc. Dì Hoa vẫn còn sợ cha, đó quả là điều an ủi, vì bà ta không dám ra mặt đàn áp tôi quá. Nhưng tôi biết mình có kẻ thù, đôi mắt cú vọ luôn nhìn tôi cay cú như muốn bảo: “Phương Kỳ! Sẽ có ngày tao làm cho mày chết, còn ta đây!”
    Không biết bà dùng chiến thuật gì mà cha đứng hẳn về phía bà, ông kiểm soát tôi nghiêm ngặt. Giờ giấc được ấn định, ngoài giờ học ra tôi không được phép đi bất cứ đâu. Mỗi lần bước ra cửa là nghe một câu răn dạy:
    - Liệu hồn mà về đúng giờ, nếu đi chơi với bạn trai tao sẽ đánh đòn nứt đít.
    Tôi có cảm tưởng cha sống ở đời là để canh chừng tôi. Cha muốn tôi phải sống cô độc vĩnh viễn sao? Nhân vật “Tử Phong” thường là đề tài cho cha hạch hỏi, cha tưởng đâu tôi cặp bồ với hắn rồi và hắn sắp sửa dụ dỗ tôi bỏ nhà đi đến nơi. Ông hay quát tháo:
    - Nó ở đâu? Chỉ cho tao biết, tao cho nó một trận.
    Sau những lần bị cha la mắng, hình ảnh của Phong lại lẩn thẩn trong trí, tôi buồn bã tự nhủ:
    - Ta là con bé bất bình thường, không ai làm bạn với ta được cả!
    Hôm qua có một cơn bão nhỏ rơi xuống thành phố. Dì Hoa vẫn tiếp tục đi đến sòng bạc một mình, cha lại phiêu bạt hết quán này đến quán khác. Nhà không sửa lại, mưa bão làm ướt hết đồ đạc quần áo. Ôm bụng đói đi ra khỏi nhà, chưa bao giờ tôi thấy cần thiết đồng tiền như bây giờ. Biết vay tiền ở đâu ra?
    Chui vào thư viện viết bài cho đến trưa, ăn một bát mì lót dạ, tôi bỏ giờ học chiều lội bộ đến nhà Bội Tần cầu viện. Nhà bạn tôi là một khu ốc khang trang. Bà giúp việc đưa tôi vào phòng khách, tiếng cười đùa trong phòng vọng ra; tôi ngại ngùng bỏ đôi giầy bùn lầy ở ngoài rồi bước vào.
    Đám bạn cùng lớp đang quây quần cười nói thật vui vẻ, gian phòng khách ấm cúng đầy người, bao giờ Ánh Tuyết cũng là người nổi bật, nàng đang ngả lưng vào cannap, chiếc gối lông chim lót dưới lưng, mắt lim dim nghe một bản nhạc jazz ban nhạc Hoa Thịnh Đốn trình bày phát ra từ chiếc máy Pick-up của bạn tôi. Sự hiện diện của tôi hình như chẳng ai chú ý, họ còn đang mải nghe Ba Hoa nói chuyện; hắn đang ngồi bệt trên thảm, dáng điệu giống hệt thầy đồ. Rồi hểnh lỗ mũi lên, hắn bắt đầu ề à kể:
    - Hôm ấy là một ngày mùa thu sương mù dày đặc, cách ba bước là hoàn toàn mù tịt chẳng thấy đường. Khổ cái là tôi lại lò mò ra đường với ý định lái xe lên cầu ngắm sương mù trên sông Thames. Để tránh tai nạn giao thông tôi cẩn thận bật đèn pha lên và hết sức thận trọng lái xe theo ánh đèn của xe trước cho chắc ăn. Mới được một đoạn bỗng nhiên xe trước ỳ ra không chịu chạy nữa. À! Tôi nghĩ có lẽ là một ngã tư, yên trí ngồi chờ mãi mà chiếc xe quái đó vẫn không chịu chạy. Bực mình tôi nhảy xuống đá vào xe kia cái rầm, miệng thì quát: “Ê! Đi đi chứ cha nội!” Đức Mẹ ơi! Người chủ xe tiến ra phía tôi, tôi mới biết là mình đã lọt hẳn vào ga-ra của một biệt thự kia. Chiếc xe đi vô nhà mà tôi cứ bò theo nó mới ra nông nỗi này đó chứ!
    Giữa tiếng cười có một giọng cười nhẹ:
    - Thật đúng là chó dắt dê về chuồng!
    Ba Hoa ôm lấy trái tim, mắt nhắm tịt lại, tay kia vươn ra diễn tả:
    - Sau đó ôi! Ôi! Hạnh phúc! Nhờ sương mù dày đặc mà tôi mới quen được một cô gái tuyệt đẹp như... Ánh Tuyết vậy! Nàng là con gái chủ nhân biệt thự. Thế là chúng tôi yêu nhau, nhưng tình yêu không kéo dài được lâu. Một bữa kia chúng tôi cùng đi dạo trên thành phố sương mù, tôi lỡ lời làm nàng nổi giận quày quả chạy đi, tôi mới rượt theo. Tới chỗ kia tôi thấy nàng đang đứng tựa vào thành cầu mà khóc thầm. Lòng tôi xiết bao cảm động rồi rón rén đến hôn nàng một cái để hòa giải.
    Đến đây Ba Hoa hắt hơi hai cái, cặp mắt ốc lồi đảo lia lịa, hắn thở ra một hơi dài thượt như người sắp sửa lìa trần.
    - Thiên địa ơi! Các bạn nghĩ coi, trong tay tôi là một bà già vừa xấu, miệng thì hô, răng trên thì chỉa ra kiểu kiến trúc mái tôn, mũi khoằm, mũi thở ra lại chua lè như dấm. Tôi sợ đến bay hồn bạt vía, rồi bỏ chạy thục mạng. Con quỷ dạ xoa ấy lại nhất quyết đuổi theo bắt tôi lại. Tôi chạy như bị ma rượt, về đến nhà tôi bị một cơn sốt rét, hai tuần lễ không dám thò đầu ra khỏi cửa. Sau đó tôi xuống tàu về nước ngay, nhất quyết không bao giờ lánh quánh đến cái xứ Luân Đôn đầy sương mù đó nữa!
    Nhìn gương mặt đau đớn đầy giả tạo của hắn, hàm ria bún phún trên mép nhúc nhích, không ai mỉm cười nổi. Có tiếng Bội Tần:
    - Nhưng bộ người yêu anh là phù thuỷ sao có phép biến hóa thế?
    - Đâu có, lỗi tại sương mù đó chứ! Tôi không thấy đường nên mới ôm đại cái bà già nào đó!
    Lại một tiếng cười. Chu Hà nhìn quanh với vẻ phẫn hận:
    - Đó là một câu chuyện buồn của một trái tim tan vỡ. Yêu cầu các bạn tôn trọng.
    Giữa tiếng cười, tôi đến bên Bội Tần, nó mừng rỡ:
    - Phương Kỳ! Mới đến hả? Mày từ nhà tới đó à?
    - Không! Tao ở trường ghé lại đây.
    - Mưa gió như vầy mà mày cũng đi học, mày siêng thật! Ngồi đây chơi uống trà cho ấm bụng, có kẹo mạch nha với bánh lưỡi mèo mẹ tao mới mang về.
    Cầm chiếc bánh mặn lên, tôi thật không biết mở lời với nó ra sao.
    - Phương Kỳ! Mày biết không, tụi tao đang bàn chuyện Giáng Sinh sắp tới. Mỗi người chúng ta đều có một thiệp mời, có thể mời một người bạn đến dự, tao và tụi nó đang tuyển lựa đây.
    Chu Uyển Uyển ngồi ở ghế xích đu lên tiếng:
    - Giữa Lập Thiên và Đào Thịnh Khang tụi bay nghĩ tao nên chọn ai? Cả hai đều mê tao như điếu đổ hết!
    Giáng Thu cười khúc khích:
    - Đào Thịnh Khang có vẻ beau hơn, nhưng đáng buồn là người hắn lúc nào cũng hôi mùi thuốc bắc.
    Cả bọn phá ra cười. Đào Thịnh Khang là con trai của ông chủ tiệm thuốc Vạn Sanh Đường. Uyển Uyển trề môi:
    - Dù sao cũng đỡ hơn cái tên Hồ Nghi Dương thiếu thước tấc của mày!
    Linh Hằng quay qua:
    - Tần! Mày thì sao?
    - Bí mật, nếu cho tụi mày biết trước còn gì là hứng thú?
    - Hay là anh chàng Giang Triết bên khoa mỹ thuật? Xem ra anh chàng có vẻ lâm mày quá xá. Bội Tần! Mày thật có phước.
    - Ăn nhằm gì? Tao làm sao bì bằng Ánh Tuyết Nữ Hoàng thời trang, mày chọn ai chưa?
    Ánh Tuyết uể oải đưa tay tắt máy:
    - Uông Khiết Anh!
    - Lại Uông Khiết Anh!
    Bội Tần lộ vẻ khó chịu, trong khi Ánh Tuyết lơ đãng nói:
    - Ngoài Khiết Anh ra tao chẳng thấy tên nào lọt mắt hết, tất cả đều chán ngấy!
    - Ánh Tuyết! Xem chừng dạo này mày với Khiết Anh khắng khít quá, mày quả thật là có tài chinh phục.
    Ánh Tuyết cười kiêu hãnh:
    - Có gì đâu mà tài? Không có trái núi nào không có người trèo lên đỉnh, tao rất thích trò leo núi, thế thôi!
    Linh Hằng nói:
    - Cứ cái đà này chắc có ngày tụi tao được uống rượu mừng.
    Ánh Tuyết nhún vai:
    - Chắc chắn ngày đó tao sẽ mời tụi bây mà! Còn hiện giờ tao đang đi hát cùng Khiết Anh. Anh ấy nói tao có năng khiếu và triển vọng, nếu trau dồi thêm có thể nhảy lên ngang hàng với nữ ca sĩ Bích Vu.
    Chợt thấy tôi, nàng kêu lên:
    - Ủa! Có cả Phương Kỳ đó à! Thế nào, Kỳ định lựa ai chưa? Trương Kiến Thụy, anh chàng đó cũng xứng đấy chứ?
    Tôi chẳng có hứng thú gì nên thờ ơ đáp:
    - Mình chưa định gì cả.
    Ánh Tuyết quay qua chỗ đám con trai ngồi dưới thảm:
    - Các bạn ơi! Phương Kỳ chưa có friend này, có ai định ghi danh?
    Mấy tên còn lại cũng hò hét:
    - Tôi xin tình nguyện! Tôi xin xung phong.
    Tôi nhức cả đầu ngăn lại:
    - Tôi vốn không thích tham dự dạ vũ với ai cả!
    Ba Hoa hấp háy cặp mắt:
    - Phương Kỳ lúc nào cũng giống nàng Hằng Nga ngồi lạnh lẽo trên cung Quả Hàn, Kỳ định đợi chú Cuội chăng? Ha! Ha! Hay là người hỏa tinh?
    Tôi không muốn mất thì giờ vô bổ nên ra hiệu cho Bội Tần.
    - Bây giờ chúng ta bàn đến quá sớm! Còn hơn tuần lễ nữa mới Giáng Sinh kia mà!
    - Uyển Uyển nói vậy chứ tôi cứ mong ngày mai đây.
    Vào phòng ngủ của Bội Tần tôi nói nhỏ:
    - Bội Tần ạ! Nhà tao hiện giờ đang kẹt tiền, tao...
    Bội Tần ngắt lời tôi:
    - Thôi đừng nói nữa, tao hiểu mày mà! Tao còn một ngàn đồng đỡ nhé! Tối nay về tao truy anh Chương, ảnh còn thiếu nợ tao.
    Nó ghép tiền vào vở tôi, tôi cúi đầu:
    - Khi nào có tao sẽ trả lại mày ngay.
    - Ai khiến mày trả? Nếu tao không giúp mày được gì thì tao còn vỗ ngực xưng là bạn mày sao được? Đừng nghĩ gì cả. Để ra tết tao sẽ nhờ ông bác kiếm việc cho mày làm, chứ bây giờ đang mùa đông, nơi nào cũng sa thải người ra chứ không nhận thêm vào đâu.
    Tôi cảm động:
    - Bội Tần! Mày tốt với tao quá! Tao biết làm gì để cám ơn mày?
    Bội Tần cầm vở tôi:
    - Làm gì à? Mai mốt chúng ta kết thông gia với nhau nhé!
    Trở về nhà, trời chỉ còn là những hạt mưa lắc rắc. Con đường ướt át thưa thớt bóng người qua lại, gió thổi vạt áo quết vào chân, từng cơn gió tạt mạnh làm tôi muốn bay bổng lên. Bóng dáng mảnh khảnh của tôi lẫn vào sương mù thấp thoáng như những hơi thở buồn của đô thị. Áo màu hồng đã sờn không đủ ấm, tôi cố gắng rảo bước về nhà.
    Bỗng nhiên, chân tôi bị trẹo đi một cái. Nhìn xuống, một hòn sỏi đã mắc vào đế giày. Cúi xuống gỡ nó ra tôi chợt chú ý đến những tiếng kêu yếu ớt ở đâu đây: Chíp! Chíp!... Tiếng chim con kêu nghe thật đáng thương làm tôi chạnh lòng đưa mắt nhìn quanh. Tiếng kêu phát ra từ một bụi gai dưới gốc cây. Tôi cúi lom khom vạch gai tìm kiếm mặc cho gai đâm vào tay đau nhói. Bất chợt, tôi kẽ reo lên, tôi với lấy chiếc tổ bằng rơm bù xù nằm kẹt trong mớ gai hỗn loạn, có lẽ bão làm cho tổ chim rớt xuống đây. Trong tổ còn vỏn vẹn hai con chim nhỏ, may mà chúng rút vào trong tổ nên chưa bị chết cóng. Đây là loại chim thường thấy: màu lông xám như bầu trời, song tuy thế đôi mắt nâu linh hoạt trông rất dễ yêu. Nâng chúng trên tay tôi nhận ra hai con chim đều bị thương; một con bị đâm xước cổ, còn con kia bị sái cánh, chúng há mỏ kêu không ngớt. Chúng chúi đầu vào lòng bàn tay tôi như để tìm hơi ấm của đôi cánh mẹ. Bất giác tôi thương chúng chi lạ, đặt tay lên đầu chúng, tôi hỏi nhỏ:
    - Chim lạnh quá phải không? Tội quá! Mẹ của chim đâu rồi sao không thấy hở?
    Đột nhiên sau lưng tôi vang lên tiếng cười quen thuộc với chút diễu cợt:
    - Cô nghĩ là chúng biết trả lời cô sao?
    Tử Phong! Tôi quay vội lại. Phong đang đứng sững đó, áo không cài nút bay trong gió, hai tay thọc vào túi quần jean bạc phếch. Nụ cười đứng trên môi hắn, không hiểu sao tôi lại cứ gặp hắn trong hoàn cảnh bất ngờ và kỳ cục. Phong nhìn đôi chim nép trong tay tôi.
    - Hai chú nhỏ này có vẻ bị lạnh rồi đó! Cô nên sưởi ấm cho chúng.
    Không đợi tôi trả lời, hắn đón lấy đôi chim bỏ vào túi áo khoác thật cẩn thận để hở cho chúng dễ thở. Nhìn ngón tay bị gai đâm của tôi hắn chau mày:
    - Tay cô bị chảy máu rồi kìa. Buốt không?
    Phong cầm lấy tay tôi, tôi giựt lại đưa lên miệng thổi một hơi:
    - Không sao đâu, tôi quen rồi!
    Phong cười, lắc đầu. Cầm mấy cuốn vở trong tay tôi nhìn Phong, hắn cao hơn tôi gần cả cái đầu. Hơi cúi xuống Phong hỏi:
    - Trời xấu thế này cô chưa chịu về nhà còn lang thang đâu nữa?
    - Tôi về bây giờ, còn anh đi đâu đây?
    Phong đáp tỉnh như không:
    - Đi theo cô!
    Tôi liếc xéo:
    - Theo tôi làm gì?
    - Theo cô về nhà.
    Tôi kêu lên:
    - Không được đâu!
    - Tại sao?
    - Tôi không đồng ý!
    - Tôi biết, nhưng tôi vẫn thích đi theo cô.
    - Anh không nên đi theo tôi nữa, nếu không anh sẽ gặp phiền phức đó.
    Hắn vẫn cười khì, chẳng coi lời nói của tôi vào đâu. Tôi hét lên giữa phố:
    - Bộ anh thường theo gái kiểu này lắm hả?
    - Ít lắm. Chỉ vì gặp cô bé dễ thương như cô thôi.
    Hắn bình thản bám sát tôi, tôi chẳng biết làm sao cho hắn ngừng lại. Về đến nhà ư? Chẳng cần lôi thôi, cha tôi sẽ cho hắn knock-out ngay. Tôi không muốn chứng kiến những điều đó nên đứng dừng lại thách đố:
    - Tôi sẽ đứng ở đây cho tới khi nào anh bỏ ý định đi theo tôi.
    Tử Phong yên lặnh nhìn tôi:
    - Ty Thảo! Chuyện tôi đi theo cô làm cô khó chịu đến thế cơ à!
    Tôi nào khó chịu? Nhưng tôi vẫn phải nghênh nghênh:
    - Tôi không muốn có cái đuôi lẽo đẽo trên đường về.
    Nụ cười cố hữu trên môi Phong tắt ngấm, hắn có vẻ giận:
    - Cô hơi quá lời đấy!
    - Như vậy mới chấm dứt được sự dai dẳng của anh.
    Giọng Phong trầm xuống:
    - Tại sao lúc nào cô cũng tỏ vẻ cách biệt không vậy? Có phải chuyện xảy ra ở nhà họ Khương? Ty Thảo! Hôm đó có chuyện gì vậy?
    Tôi cắn môi:
    - Đó là chuyện riêng của tôi, anh tò mò làm gì? Tôi có bao giờ thắc mắc về anh đâu?
    - Sự thật cô không muốn biết gì về tôi sao?
    - Biết làm gì? Chúng ta là hai kẻ xa lạ kia mà!
    - Cô không thể coi tôi là bạn sao? Người bạn thuần túy, tôi không có ý gì đâu!
    Tôi gương tròn mắt:
    - Làm bạn với tôi có ích lợi gì đâu?
    - Sao lại không Ty Thảo, tôi biết cô là cánh chim đơn lẻ trong lúc tôi là một kẻ lang thang cô độc. Tôi không có gia đình đầm ấm như bao gia đình khác. Chúng ta có thể cảm thông nhau, tại sao lại không kết bạn?
    Đôi mắt hắn quá chân thành làm tôi ngẩn ngơ. Bao ý tưởng đối lập xung đột trong óc tôi, tôi nói:
    - Thật tình anh muốn làm bạn với tôi sao? Sợ anh thất vọng vì tính tình tôi thất thường, rất khó ưa, không ai chịu nổi tôi cả. Hơn nữa tôi còn quá nhiều điều phiền muộn vây quanh, nếu anh thật tâm muốn làm bạn tôi thì đừng tìm hiểu thêm gì về tôi, đừng tìm kiếm nhà tôi cũng đừng có vặn hỏi những gì tôi không thích trình bày rõ. Chúng ta hãy coi nhau như hai kẻ đồng hành trên một quãng đường vậy thôi, anh đồng ý chứ?
    Nét vui đã trở về trên khuôn mặt Tử Phong:
    - Kể ra cũng không được hài lòng lắm, nhưng nếu cô muốn vậy thì từ bây giờ chúng ta chính thức quen nhau nhé!
    - Vâng!
    Phong chìa tay trước mặt tôi:
    - Tôi có thể bắt tay cô bạn mới quen được không?
    Tôi đặt tay nhỏ nhắn mềm mại vào tay hắn, Phong xiết nhẹ như sợ tôi đau; tay hắn ấm và mạnh mẽ. Tôi rút tay về, nhìn chiếc túi áo đang nhúc nhích của hắn tôi kêu lên:
    - Đôi chim của tôi chúng ra sao rồi kìa?
    Phong sực nhớ luồn tay vào túi áo lôi hai chú chim ra. Được sưởi ấm nhờ hơi người chúng có vẻ dễ chịu nên nhấp nháy cặp mắt nhỏ tí xíu. Phong quan sát con chim non có chiếc cánh cong thỉnh thoảng lại kêu chíp chíp:
    - Cánh nó bị thương rồi!
    - Vâng! Đây là một đôi chim bạt gió.
    - Để tôi mang về săn sóc. Ty Thảo, cô thích nuôi chim không?
    - Thích chứ! Nhưng nhà tôi không có lồng, vả lại tôi chưa nuôi chim bao giờ.
    - Loại chim này dễ tính lắm! Cô chỉ cần bắt sâu cho nó ăn là được.
    - Sâu?
    Đó là giống vật tôi sợ nhất đời. Tôi thè lưỡi, Phong cười. Nhìn đôi chim trong tay hắn tôi nói:
    - Ngày mai tôi sẽ về ngang đường này, anh nhớ cho tôi biết về đôi chim mất mẹ này nhé!
    Đến đầu đường tôi ngập ngừng quay lại. Phong đứng yên dõi mắt theo bước chân tôi. Thế là tôi có một người bạn kỳ quái.
    Hôm sau tôi lại đứng chờ Phong ở gốc cây nơi tôi lượm được đôi chim non. Chúng tôi đi bộ một khúc đường nói chuyện tầm phào. Đến đầu con lộ Hòa Bình Đông thì Phong dừng lại. Hắn giữ đúng lời hứa trong bản hiệp ước của chúng tôi, không tỏ ý gì tìm tòi thêm. Nhưng bây giờ hai con chim nhỏ mồ côi cũng được chăm sóc cẩn thận đã bình phục hẳn hoàn toàn và chúng ăn dữ lắm. Có khi chúng tưởng ngón tay tôi là con sâu to nên mổ lia lịa định đớp luôn vào bụng đó chứ! Làm chim giản dị thật, chỉ biết ăn sâu chẳng cần quan tâm đến bao rắc rối khác. Trong xã hội đồng loại, không biết chúng có biết yêu không?
    Không biết tự bao giờ trong trái tim tôi có những sợi tơ nhỏ bỗng dưng dễ dàng rung lên cảm xúc. Tâm hồn đầy những tình ý phức tạp, vui buồn bất thường. Cha la rầy, dì Hoa nhiếc móc, tất cả đều không khiến tôi bận tâm nữa. Áo cũ mỏng manh, gió mùa đông cũng không làm tôi lạnh lẽo trên đường về. Bên tôi, Tử Phong vẫn chậm rãi bước đều. Gã con trai này cũng lắm lúc làm tôi ngạc nhiên, ngoài cái bề ngoài hay đùa cợt ra, hắn chẳng có vẻ gì là tên lông bông cả. Hắn từ đâu đến? Thành phần ra sao trong xã hội? Tôi rất thắc mắc rồi lại tự cười thầm. Mình vẫn vô tư, tình trạng mập mờ này sẽ kéo dài được trong bao lâu?
    Ở trường, không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho buổi dạ vũ sắp tới trong ngày Giáng Sinh, những kẻ lo đón dòm sát lại đều đang cố gắng bắt nhịp cầu với nhau, không ai muốn làm người lẻ loi trong đêm vui. Đám con trai xoay quanh đám con gái chúng tôi như những vệ tinh nhân tạo. Trương Kiến Thụy mấy lần cầu cạnh, tôi đều từ chối. Tôi không muốn làm một vật trang sức cho người khác, người tôi chờ đợi không phải là gã con trai dễ thay đổi này, nhưng người trong mộng bây giờ là ai? Bội Tần cũng lâm vào trạng thái quái gở, có lần tôi gặp nó ngồi ngoan ngoãn trước bàn đang đọc sách. Tuy thế tôi biết nó đang gởi hồn tận đâu đâu. Cái hình vẽ rắc rối trên trang giấy làm sao gợi cảm nó được. Bước đến bên bàn, tôi gọi tên Tần mấy lần nó mới giật mình ngẩng lên. Tôi tinh nghịch ngắm nó như khảo sát địa khai làm Tần phát nhột:
    - Tiểu quỷ! Dòm gì dữ vậy?
    - Mãi đến giờ mới chịu lên tiếng, tao tưởng mày ngủ gục luôn rồi chớ!
    Tần cười lõm lẽm:
    - Ngủ hồi nào? Đó là trạng thái thôi miên của ái tình, như mày thành một nhà thơ đi tìm thi hứng vậy! Tình yêu lạ lắm Kỳ ơi! Tao không muốn nghĩ đến nhưng chẳng tài nào quên được.
    - Uông Khiết Anh chứ gì?
    Bội Tần tư lự:
    - Tao đang tìm cách nào để thành người thắng cuộc. Phương Kỳ! Mày biết không, Ánh Tuyết đeo sát Khiết Anh như hình với bóng. Mày có nghe nó khoe không? Đi dự dạ hội tổng hợp! Trượt patin! Chơi bowling, nhảy nhót, tao sợ có ngày nó cướp trái tim chàng mất!
    - Mày đừng vội mất tự tin, chưa đến đích mà đã sợ thất bại. Mày nhớ chuyện thỏ và rùa chạy thi chứ?
    - Nhưng Ánh Tuyết là một chú thỏ khôn lanh và bao giờ cũng khoe Khiết Anh. Còn tao chỉ đơn thuần là một con rùa ngu ngốc.
    Đấy là chuyện giữa Uông Khiết Anh và Diệp Bội Tần. Đối với tôi Khiết Anh chỉ là người trong mộng. Mộng đã tan theo mây gió bây giờ chỉ còn sót lại chút man mác u hoài vì làm sao có được giấc mộng của mình?
    Hôm nay Phong lại chờ tôi với nụ cười tươi:
    - Ty Thảo! Tôi có quà cho cô đây!
    - Hy vọng không phải là một món quà đắt tiền.
    - Bình thường lắm, hạt dẻ rang nóng.
    Trời lạnh mà ăn hạt dẻ thì thật là tuyệt. Phong dốc chiếc túi giấy đổ hạt dẻ vào tay tôi. Chúng tôi đi chầm chậm bóc cho vỏ hạt dẻ lọt xuống đường. Phong lên tiếng:
    - Hôm qua chúng ta đang tranh luận dở dang về bi kịch phải không?
    - Bỏ đề tài đó đi vì tôi không muốn cãi lộn với anh.
    Phong cười nhẹ:
    - Không ngờ ngoài nhạc ra cô còn ham đọc sách. Chắc ở nhà cô có cả một tủ sách?
    Tôi thoáng buồn:
    - Tôi chỉ mượn ở thư viện. Đọc sách và nghe nhạc nó đều làm cho tôi bay vào không gian êm đềm hơn, tôi thấy thực tế có nhiều gai góc.
    - Cô thiếu thực tại, cô là một cô bé nhiều mơ mộng quá đấy!
    - Theo anh mơ mộng có tội không?
    - Tại sao lại có tội? Ít ra cũng làm cho ta quên đi phần nào phiền muộn.
    Tôi ngó hắn bâng khuâng:
    - Tử Phong, tôi muốn biết anh nghĩ gì về tôi? Có phải anh nghĩ tôi là một con bé có bộ óc mát dây?
    - Đối với tôi cô luôn luôn là một nguồn suối bí mật và đầy mâu thuẫn.
    - Mâu thuẫn?
    - Vâng! Cô thường xuyên làm đầu óc tôi quay như chong chóng.
    - Vì vậy tôi đã khuyên anh không nên quen với tôi.
    - Tôi không hối hận chút nào vì đã làm ngược lại lời khuyên của cô. Mong rằng ngày sau bao ngăn cách sẽ bị xóa bỏ, chúng ta sẽ trở thành hai người bạn hoàn toàn.
    Tôi buồn bã:
    - Anh đừng mong ngày ấy. Khi anh biết rõ về tôi anh sẽ chấm dứt ngay ý nghĩ làm bạn tôi.
    Phong cau mày:
    - Nghiêm trọng đến thế sao? Tôi không tin!
    Tôi lặng thinh, Phong búng tay cho mảnh hạt dẻ rơi xuống:
    - Thôi dẹp chuyện đó đi. Ty Thảo, tôi có thể mời cô đi chơi được không?
    - Tôi không được quyền đi chơi đâu hết.
    - Tại sao vậy?
    - Xin miễn cho tôi khỏi trả lời.
    Phong nhăn nhó:
    - Cô giống như một nàng công chúa bị lời nguyền rủa của mụ phù thủy, lạ lùng thật!
    - Anh mới là con người lạ lùng. Tại sao anh phải phí thời giờ với tôi như thế này? Nếu tôi chưa quên thì anh nói có nhiều bạn gái lắm mà!
    - Bạn gái của tôi không ít lắm nhưng cô lại là người bạn gái đặc biệt. Ty Thảo, hôm qua chúng ta bàn về tình yêu và văn chương, bây giờ tôi muốn biết cô đã yêu ai bao giờ chưa?
    Tôi không ngờ hắn lại hỏi tôi một câu kỳ quặc như thế. Tôi tròn xoe mắt nhìn hắn, Phong cũng nhìn trả bằng đôi mắt đen láy. Tôi nhận ra hắn có một sức hấp dẫn lạ thường, tôi không muốn mình bị hút nên cúi đầu:
    - Yêu ai à? Tôi đã từng yêu một người...
    - Tôi có thể biết mẫu người cô yêu không?
    - Thật ra tôi cũng chẳng biết mẫu người đó ra sao nữa.
    Phong lạ lùng:
    - Chẳng lẽ lại không có chân dung?
    - Đó chỉ là người trong mộng, một vị hoàng tử của một dạ hội hóa trang.
    Phong cau mày, nét mặt hắn thật lạ:
    - Hoàng tử của dạ hi hóa trang? Ty Thảo biết tên hắn chứ?
    Tôi lơ đễnh bỏ một hạt dẻ vào miệng:
    - Chàng tên là Uông Khiết Anh!
    - Uông Khiết Anh?
    Tử Phong giương to mắt, thần sắc hắn bất thường, hắn nhìn tôi đăm đăm:
    - Tên ca sĩ chuyên môn hát những bài du ca của Y Vũ? Cô có thể yêu một ca sĩ như Uông Khiết Anh?
    - Ca sĩ thì có sao đâu? Thời đại chúng ta đâu còn thích hợp với quan niệm xướng ca vô loài?
    - Hèn chi hôm nọ tôi thấy cô đứng nghe Uông Khiết Anh hát một cách say sưa.
    Tôi nhỏ giọng:
    - Ngay từ trung học tôi đã biết tiếng Uông Khiết Anh, anh ấy đàn giỏi hát hay, khắp trường âm nhạc ai cũng mến. Tôi thường theo dõi tiếng hát Uông Khiết Anh trên đài phát thanh hay dĩa hát.
    - Và từ yêu giọng hát cô tiến đến yêu người? Kể ra cái tên Uông Khiết Anh có diễm phúc thật!
    Giọng nói hậm hực của Phong làm tôi ngạc nhiên. Chàng ghen tức, mà ghen tức cái nỗi gì mới được. Trông mặt Phong đang giận cũng thấy hay hay. Hắn trầm lặng một chút rồi nói:
    - Ty Thảo, tôi khuyên cô không nên mộng tưởng đến Uông Khiết Anh. Giới ca sĩ không lạ lắm đối với tôi, hắn không đáng làm hoàng tử của cô đâu.
    Tôi cúi nhìn mũi giầy cũ của mình:
    - Anh vẫn bảo có quyền mơ mộng để quên phiền muộn mà. Tôi không bao giờ đi tìm giấc mộng của mình cả.
    Tử Phong thở dài:
    - Tôi sợ cô bị vỡ mộng mất.
    Đã đến đầu đường Hòa Bình Đông, con đường vào trong lối này đều có đoạn nối, Tử Phong dừng lại:
    - Có thể ngày mai tôi bận không chờ cô được, đừng buồn Ty Thảo nhé! Thôi chúc Ty Thảo về ngủ ngon.
    Còn một mình tôi cúi đầu đếm từng bước. Ngày mai không gặp Phong, tôi thấy trống trải lạ thường. Những bước trơ trải băng qua con phố, ngẩng đầu lên tôi phát giác mình đã đứng trước cửa nhà. Lách mình qua cửa mở hé, mắt chưa quen bóng tối trong nhà thì cha tôi đã lù lù xuất hiện bất thần sán cho tôi hai bạt tai cùng tiếng gầm chát chúa:
    - Mày đi đâu bây giờ mới về hả Kỳ? Mày đi với thằng nào? Khốn kiếp, chúng mày đi đâu? Muốn sống thì phải khai ra hết!
    Như người bị ném từ đỉnh núi xuống, tôi chới với:
    - Thưa cha, con có làm gì cha đánh con?
    - Mày còn chối cãi, thằng khốn nạn đó ở đâu? Tao phải giết nó, nó biết mày là con tao mà nó dám tự tình là nó tới số rồi. Nó làm gì mày chưa? Khai mau!
    Cặp mắt đỏ ngầu của cha chạy đi chạy lại, tôi ớn lạnh:
    - Con không làm gì để khai với cha hết.
    Dì Hoa nãy giờ ngồi yên bây giờ cười đanh ác:
    - Như tuồng ngu dốt. Thôi đi cô! Đúng là thời đại văn minh con cái coi cha mẹ không ra gì, qua mắt chối leo lẻo. Tan trường sớm ngày nào cũng cặp kè bạn trai ngoài đường. Cô tưởng tôi mù hay thông manh sao chứ?
    Bà ta vừa dứt lời là cha lại tát cho tôi thêm cái nữa. Đây là lần thứ nhất tôi bị cha đánh đau như vậy, không nhịn được tôi khóc. Vì thấy tôi khóc cha có vẻ nguôi giận xuống nhưng vẫn trỏ tay vào trán tôi đe dọa:
    - Lần này tao để tội đó cho mày, nếu tao nghe mày còn lén lút tao đập đến chết bỏ, nhớ chưa?
    Tôi chạy vào phòng úp mặt xuống gối khóc nức nở. Dì Hoa! Bà đã làm chó săn theo dõi tôi đó sao? Hôm nay cha đã đánh tôi trong khi tôi không có làm gì nên tội, tôi đã bị đối xử bất công mà có ai bênh vực? Nếu mẹ còn sống tôi đã không bị cha đánh, mẹ ơi, mẹ có biết không? Tôi đứng lên gạt lệ lục tìm hình mẹ. Tấm ảnh đã vàng úa, khuôn mặt mẹ mờ mờ như ở nơi u minh nào đó. Úp ảnh mẹ vào ngực, tôi tiếp tục khóc một mình.
    Sáng hôm sau tôi thức dậy khi sương mù đã tan, làm những công việc bình nhật xong tôi đến trước bàn, bàn học của tôi bị xáo trộn lung tung. Mấy cuốn sách vở mở toang, tấm ảnh mẹ ghép trong đó đã bị mất. Tôi hiểu ra rằng cha đã lục soát để tìm thư tình của tôi chăng? Lòng buồn khôn tả, tôi lầm lũi rời khỏi nhà.
    Hôm nay không có giờ học sáng nhưng tôi không muốn ở nhà chút nào. Cúi đầu đi như kẻ lạc lối, những bước chân bất định lại đưa tôi đến Lan Kiều. Đây là công viên tái thiết cách đây hai năm. Lan Kiều không phải chỗ xa lạ, trước kia nó là cô nhi viện mang tên: Nhi đồng lạc viện. Thuở nhỏ, khi còn là một con bé tóc uốn thành hai trái đào tròn, tôi vẫn thường được mẹ dẫn ra chơi. Trong lúc tôi lon ton đuổi bắt những chú bướm màu sặc sỡ thì mẹ ngồi ở ghế đá đan áo. Thoáng chốc bà lại suỵt khẽ vì tôi cứ tưởng cuộn len của bà là trái banh lông đá lên đá xuống. Mẹ rất cưng tôi, chẳng hề la mắng tôi bao giờ. Tôi còn nhớ rõ nét mặt hiền hậu cùng dáng điệu gầy gộc của mẹ ôm lấy tấm thân bé tí của tôi, che chở tôi mỗi khi cha làm dữ. Nếu mẹ không mất thì tôi đâu có khổ như vầy.
    Cảnh vật chung quanh chìm sâu trong nước mắt, những gian hàng hợp thành kiểu lều. Rập vòng quanh với những chú ngựa gỗ không bao giờ đuổi kịp nhau. Một ông già Noel có chùm râu màu trắng như bông quảng cáo cho chuyến đi du lịch đưa cầu bằng những tấm vé mỏng. Tôi chỉ còn nhớ mẹ đến khủng khiếp. Hồi bé tôi rất thích chơi đồ chơi nhưng nhà lại nghèo, mẹ chữa những chiếc vớ thủng, mạng lại để làm cho tôi một con chó thắt nơ ở cổ. Con chó xấu xí chơi một thời gian đã rách vì tôi vẫn thường móc ngón tay lôi vải nhồi bên trong qua lỗ hổng. Mẹ thấy vậy chẳng nói gì, lụi hụi khâu cho tôi một con búp bê có mái tóc màu đen bù xù, đôi mắt là hai hột nút áo, chiếc váy đỏ xoè rộng trông thật ngộ nghĩnh.
    Đêm cuối cùng trước khi mẹ chết, mẹ còn đặt nó vào tay tôi để tôi ôm nó ngủ. Mười mấy năm qua cái chết của mẹ không còn ngây ngất trong đầu tôi những câu hỏi lớn: “Tại sao mẹ lại tự tử? Tại sao mẹ bỏ tôi đột ngột?”
    Câu chuyện đã vùi sâu vào lớp bụi thời gian, liệu tôi có biết được sự thật không? Đưa chiếc khăn quàng bằng len đã bạc màu lên miệng cắn, tôi vừa đi vừa cúi xuống lặng lẽ. Bất thình lình tôi như đang đụng phải một bức tường bằng đá. Chớp mắt cho giọt lệ trên bờ mi cong rơi xuống, tôi ngẩng lên nhìn. Tia nhìn của tôi chạm vào khuôn mặt cứng cỏi của Phong, hắn nhìn tôi với ánh mắt là lạ và đặt tay lên vai tôi Phong hỏi:
    - Cô đi đâu vậy Ty Thảo? Sao lại khóc thế này? Ai đã bắt nạt cô đấy?
    Những câu hỏi của hắn làm cho nước mắt tôi chảy nhiều thêm. Sự có mặt của Phong trong lúc này mang lại cho tôi bao niềm an ủi. Không biết sao mỗi lần tôi cần hắn lại xuất hiện, Phong rút khăn tay đưa cho tôi:
    - Lau nước mắt đi Ty Thảo. Mắt cô đẹp lắm khóc nhiều sẽ bị dơ đấy!
    Nét mặt nghiêm nghị của Phong như một người anh khiến tôi thấy mình nhỏ bé và được che chở. Tôi ngoan ngoãn lau nước mắt tèm lem bằng chiếc khăn tay của Phong. Trao trả khăn cho Phong, tôi cắn môi im lặng. Phong nhét khăn vào ngực áo, không hiểu sao hắn lại trở nên cứng rắn như những pho tượng bằng đồng trong công viên.
    - Ty Thảo, tôi nghĩ đến lúc chúng ta nên chấm dứt trò đùa này là vừa.
    - Trò đùa?
    Tôi hoàn toàn ngơ ngác, đôi mắt to và sưng húp mở lớn. Phong nói tiếp:
    - Bức màn sương mù do cô tạo ra nên xóa bỏ đi, chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau hơn. Tôi biết cô không phải là Ty Thảo, không phải nhân vật trong cuốn “Dạ Lan Hương”, đúng không?
    Tôi lùi lại:
    - Anh đã biết?
    - Tôi vốn không ngu lắm! Bây giờ tôi muốn biết tên thật của cô là gì?
    Tôi nghẹn ở cổ họng:
    - Anh đã biết tên thật của tôi rồi, như vậy đã phạm giao ước giữa chúng ta rồi mà!
    Phong nhấn mạnh:
    - Giao ước ấy không còn cần thiết nữa vì tôi không thích duy trì tình bạn nữa.
    Ra thế! Tình bạn giữa tôi và Phong đã được phơi bày bởi thân thế tôi, và cái che đậy đuôi cáo của mi cũng được bỏ đi. Tôi chán chường:
    - Vâng! Anh nói đúng, kéo dài trò đùa này chỉ mất thì giờ quý báu phải không? Chúng ta nên chấm dứt là hơn, kể từ giờ chúng ta là hai kẻ xa lạ. Thôi chào anh nhé!
    Phong hấp tấp:
    - Cô đã lầm rồi!
    - Vâng, tôi đã lầm đem tất cả tâm tình ra bộc lộ một cách hồ đồ ngu xuẩn như vậy!
    Chán đời thật, tại sao tôi lại đặt tin tưởng vào nơi hắn? Tôi bắt đầu thấy cay cay nơi mũi, quay mình bỏ đi, Phong đuổi theo:
    - Ty Thảo! Cô đã hiểu lầm, ý tôi thật ra...
    Tôi mím môi kéo cổ áo khoác:
    - Tôi không muốn nghe anh nói nhiều. Tôi còn nhiều chuyện phải làm hơn là đứng đây đôi co với anh. Nếu anh là người biết tự trọng thì nên để tôi về thong thả. Xin chào!
    Như chú hải ly bị thương tôi lẩn nhanh vào bụi cây rậm, chạy thật nhanh trên những bậc thang đá rêu xanh. Tôi ngồi nép mình sau bức tượng nữ thần trắng xóa, chiếc bình cổ cong, vòi nước phun và muôn ngàn hạt lấp lánh như những giọt nước mắt thả xuống nước. Tôi cắn móng tay với hàng lệ rơi lã chã, bây giờ tôi đã hoàn toàn cô quạnh để tha hồ khóc.
    

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 21 (Kết Thúc)

Cánh Chim Bạt Gió
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
 
Những Truyện Quỳnh Dao Khác
» Đừng Quên Đêm Nay
» Song Ngoại
» Hậu Hoàn Châu Cát Cát
» Vội Vã
» Tình Buồn
» Cánh Nhạn Cô Đơn
» Mùa Thu Quen Nhau
» Mùa Thu Lá Bay