Mộ Dung Phục bị quăng xuống giếng Dưới ánh trăng, một bóng người lướt theo chưởng phong. Thân pháp lẹ làng ít người bì kịp.
Mộ Dung Phục không chờ cho người kia hạ xuống, phi thân nhảy về phía trước, vừa vung chưởng đánh ra, vừa quát hỏi:
- Ai? Sao lại dám trêu cợt công tử gia đây?
Người kia còn lơ lưng trên không, phóng chưởng ra gặp phải chưởng lực Mộ Dung Phục rồi lại lạng người đi ra xa hơn trượng mới hạ xuống.
Nguyên người đó chính là Ðại Luân Minh vương Cưu Ma Trí, quốc sử nước Thổ Phồn.
Cưu Ma Trí cười ha hả nói:
- Rõ ràng công tử đã bức bách nàng phải tự tận, sao còn giở giọng là nàng thoả mãn tâm nguyện? Công tử lấy một bàn tay mà che mắt khắp thiên hạ được ử?
Mộ Dung Phục nói:
- Ðây là việc riêng của ta, ai mượn lão can thiệp vào?
Cưu Ma Trí nói:
- Việc là việc thiên hạ thì người thiên hạ phải can thiệp. Ngươi làm việc thường luân, bại lý mà bảo hoà thượng ta đây ngơ đi được chăng? Huống chi ngươi định làm phò mã nước Tây Hạ, thì không phải là việc riêng nữa rồi.
Mộ Dung Phục hỏi:
- Chẳng lẽ lão làm hoà thượng mà cũng lăm le đi làm phò mã nữa chăng?
Cưu Ma Trí cười khanh khách đáp:
- Ðã làm hoà thượng lại muốn làm phò mã? Có lý nào thế được?
Mộ Dung Phục cười lạt nói:
- Ta biết nước Thổ Phồn vốn có lòng bất lương. Chắc lão lại muốn vị Vương tử nhà lão mà chường mặt ra chứ gì?
Cưu Ma Trí cười hỏi:
- Sao lại bảo bọn ta có lòng bất lương? Nếu những người muốn lấy công chĩa nước Tây Hạ toàn là người bất lương, thì các hạ có bất lương không?
Mộ Dung Phục nói móc:
- Tại hạ có lấy được công chĩa Tây Hạ thì cũng chỉ trông cậy vào tài năng của mình, chứ không ai sai thủ hạ đi làm mưa làm gió trên khắp dọc đường đến Linh Châu, khiến cho anh hùng phải châu mày, hào kiệt phải nghiến răng.
Cưu Ma Trí cười nói:
- Bọn ta đuổi bớt những kẻ không biết tự lượng cũng kéo đến kinh thành nước Tây Hạ, để khắp đường phố đầy rẫy những kẻ quăng côn. Như vậy là dọn đường cho các hạ, có chi là không phải?
Mộ Dung Phục nói:
- Như vậy thì hay lắm! Té ra Tiểu vương tử nước Thổ Phồn đem công phu một mình ra để tranh thắng với người phải không?
Cưu Ma Trí đáp:
- Ðúng thế! Mộ Dung Phục thấy đối phương ra chiều cương quyết không sợ hãi gì, bất giác sinh nghi hỏi:
- Tiểu vương tử quý quốc chắc là võ công cao cường, anh hùng vô địch nắm chắc phần thắng rồi chăng?
Cưu Ma Trí đáp:
- Tiểu vương tử điện hạ là đồ đệ ta, bản lãnh cũng khá, còn bảo là anh hùng vô địch thì chưa chắc. Nhưng có thể y nắm chắc được phần thắng.
Mộ Dung Phục càng lấy làm kỳ nghĩ thầm:
- Nếu mình hỏi thắng, chưa chắc lão đã chịu nói thực, chi bằng ta nói khích lão một câu.
Y nghĩ vậy bẻn nói:
- Thế thì kỳ thiệt! Y nắm chắc phần thắng mà tại hạ cũng nắm chắc phần thắng. Như vậy không hiểu rồi ai sẽ thắng?
Cưu Ma Trí cười đáp:
- Công tử cũng lo rằng Tiểu vương tử bên ta nắm chắc phần thắng có đúng thế không? Vậy công tử hãy nói phương pháp tranh thắng của công tử, rồi giải thích về bên Tiểu vương tử. Sau đó chúng mình tham khảo thử xem phương pháp của ai cao minh?
Mộ Dung Phục chỉ ỷ mình võ công cao thâm, hình dong tuấn nhã, còn lấy gì để nắm chắc phần thắng thì y không biết nói sao, liền đáp:
- Bên lão chỉ trông cậy vào quỷ kế, không trọng chữ tín. Sau khi ta nói ra rồi, mà lão không chịu tiết lộ cơ mưu bên lão, chẳng hoá ta mắc lừa ử?
Cưu Ma Trí cười khanh khách nói:
- Công tử ơi! Ta cùng lệnh tôn là chỗ thâm giao. Hai bên rất kính trọng nhau. Như vậy có thể nói ra là vai trên công tử. Công tử nói với ta như vậy há chẳng quá lố ử?
Mộ Dung Phục khom lưng thi lễ nói:
- Minh vương trách tại hạ như thế là phải. Vậy xin Minh vương thứ lỗi cho.
Cưu Ma Trí cười nói:
- Công tử là người thông minh rất mực đã tự biết lỗi. Vậy ta nể mặt gia gia công tử mà giữ đạo công bằng. Ta có tiết lộ với công tử thì Tiểu vương nước Thổ Phồn cũng chẳng vì thế mà tai hại đến kết quả cuộc tranh đấu này. Bất cứ ai muốn tranh ngôi phò mã với Tiểu vương tử nước ta, chúng ta sẽ liệu bài đối phó, khiến cho không một ai có thể tranh chấp được, thì còn có lý nào mà Tiểu vương tử lại không thắng nữa? Ha ha!...
Mộ Dung Phục đột nhiên biến sắc hỏi:
- Minh vương nói như vậy thì tại hạ...
Cưu Ma Trí ngắt lời:
- Ta cùng lệnh tôn giao tình rất hậu dĩ nhiên là không muốn hại mạng công tử. Ta thành thực khuyên công tử mau rời khỏi nước Tây Hạ là thượng sách.
Mộ Dung Phục hỏi:
- Nếu tại hạ không bỏ đi thì sao?
Cưu Ma Trí tủm tỉm cười đáp:
- Tuy ta không hại mạng nhưng cũng khoét hai mắt, hoặc chặt một chân một tay công tử cho thành phế nhân. Công chúa nước Tây Hạ không khi nào lấy người tàn tật, dù người đó là bậc anh hùng hảo hán. Lão kéo dài bốn chữ anh hùng hảo hán ra chiều mai mỉa. Mộ Dung Phục trong lòng rất tức giận, nhưng lại sợ võ công lão ghê gớm, không dám ngang nhiên động thủ với lão. Y cúi đầu xuống để nghĩ cách đối phó. Dưới ánh trăng tỏ Mộ Dung Phục thấy bên mình có bóng vật gì động đậy. Y chú ý nhìn xem thì ra bóng tay phải Cưu Ma Trí, thì không khỏi giật mình kinh hãi. Y cho là đối phương đang ngưng tụ công lực và sắp hạ thủ. Y cũng ngấm ngầm vận động chân khí, chuẩn bị đề phòng.
Bỗng nghe Cưu Ma Trí nói:
- Công tử! Công tử bức bách lệnh biểu muội phải tự tử, thật là đáng tiếc. Công tử nên mau rời khỏi nước Tây Hạ thì ta sẽ bỏ việc công tử bức tử Vương cô nương đi cho, không truy cứu đến nữa.
Mộ Dung Phục tức mình cãi:
- Ðó là nàng tự gieo mình xuống giếng để tuẫn thân, có liên quan gì đến tại hạ?
Miệng y nói vậy mà mắt y vẫn chăm chú nhìn cái bóng động đậy dưới đất. Y thấy bóng hai tay Cưu Ma Trí không ngớt rung rinh thì không khỏi nghi ngờ tự hỏi:
- Võ công lão cao cường như vậy, hà tất phải đề tụ chân khí lâu như vậy mà chưa động thủ. Chắc hẳn có duyên cớ gì khác đây.
Mộ Dung Phục nhìn rõ cả bóng ống quần, tà áo cũng đều khẽ rung động không ngớt, tựa hồ lão không tự chủ được mà đang phát run lên.
Ðầu óc Mộ Dung Phục rất cơ linh, y sực nhớ đến mấy hôm trước đây ở trong Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm, vị thần tăng vô danh kia đã nói là Cưu Ma Trí bị nội thương trầm trọng, vì luyện bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm. Sau đó, lão lại miễn cưỡng luyện môn "Dịch cân kinh". Nhà sư còn nói đại nạn sẽ đến với lão môt ngày gần đây. Theo lời nhà sư thì ai không có lòng dạ từ bi mà luyện tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, sẽ bị lệ khí chồng chất lên, không tránh được tai hoạ. Vị thần tăng đã đoán bệnh tật của gia gia y và của Tiêu Viễn Sơn rất rõ như người trông thấy. Thế thì lời bình luận về Cưu Ma Trí chắc cũng không sai. Mộ Dung Phục nhớ đến những chi tiết này, bất giác cả mừng, lẩm bẩm:
- Lão hoà thượng này vạ lớn đến nơi còn hăm doạ ta nói những gì khoét mắt, chặt chân, tay...
Tuy nhiên Mộ Dung Phục vẫn không quyết đoán được có đúng thế không, y liền nói:
- Hỡi ơi! Ruột gan điên đảo, đại nạn lâm đầu chỉ trong khoảnh khắc. Thế mới biết luyện võ mà bị bại cũng nguy hiểm vô cùng!
Cưu Ma Trí kêu to lên một tiếng, chẳng khác gì hổ gầm trâu rống, thanh âm cực kỳ khủng khiếp!
Lão giơ tay ra toan nắm lấy tay Mộ Dung Phục hỏi dồn:
- Ngươi nói ai vậy? Ngươi nói ai vậy?
Mộ Dung Phục né người đi tránh khỏi.
Cưu Ma Trí xoay mình lại. Mặt lão đỏ nhừ, dưới ánh trăng trông thấy rõ ênh ếnh nước chảy ra. Tuy bộ mặt lão rất hung mãnh mà không giấu nổi vẻ khủng khiếp.
Mộ Dung Phục thấy thần sắc Cưu Ma Trí như vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, nói ngay:
- Tại hạ có một lời nói phải, thành thực khuyên nhủ Minh vương, Minh vương mau rời khỏi nước Tây Hạ, quay về Thổ Phồn, đừng vận khí, đừng nóng giận, đừng động thủ, may ra mới về tới cố hương được. Nếu không thế thì tại hạ e rằng lời nói của vị thần tăng chùa Thiếu Lâm ứng nghiệm đến nơi rồi.
Cưu Ma Trí kêu gọi rối rít. Vẻ ung dung, bình tĩnh thường ngày, nay không còn nữa. Lão la lên:
- Mi biết gì? Mi biết cóc gì mà nói? ...
Mộ Dung Phục thấy bộ mặt Cưu Ma Trí rất khó coi, không còn ra vẻ thánh tăng nghiêm trang như mọi ngày, y không khỏi ngấm ngầm sợ hãi, vội lùi lại một bước.
Cưu Ma Trí quát hỏi giật giọng:
- Ngươi biết điều chi, sao không nói ra?
Mộ Dung Phục gắng gượng trấn tĩnh, thở dài nói:
- Minh vương, chân khí đã chạy vào đường rẽ, nguy hiểm vô cùng! Nếu Minh vương không về Thổ Phồn, lập tức phải lên chùa Thiếu Lâm cầu vị thần tăng đó cứu trị cho, may ra còn có hy vọng duy trì được.
Cưu Ma Trí vẻ mặt hung dữ, cười hỏi:
- Sao ngươi biết chân khí ta đi vào đường rẽ? Chắc là ngươi nói nhăng rồi.
Lão nói xong, vung tay trái ra chụp vào mặt Mộ Dung Phục.
Mộ Dung Phục thấy năm ngón tay lão run rẩy, nhưng trảo pháp rất kín đáo, rất lợi hại, chưa có chút gì tỏ ra thiếu nội lực.
Y ngấm ngầm kinh tụ hỏi:
- Hay là ta đoán lầm chăng?
Rồi y không dám chần chờ ngưng thần để tiếp chiến. Y phóng ra một chưởng, đoạn biến thế móc xương cổ tay lão.
Cưu Ma Trí quát lên:
- Ta nể mặt thân phụ ngươi, mà để cho trong vòng mười chiêu, quyết không hạ độc thủ. Ðó là ta nghĩ đến dòng giống của cố nhân, không nỡ để người bạn già phải tuyệt tự. Lão vung quyền đánh thẳng vào tay phải Mộ Dung Phục.
Mộ Dung Phục tuy giỏi môn "đẩu chuyển tinh di" mượn sức người để đánh người, nhưng Cưu Ma Trí ra chiêu thức cực kỳ tinh diệu.
Mỗi chiêu lão chỉ phóng ra nửa phần, rồi đột nhiên biến thế, nên Mộ Dung Phục không thể nào thi triển phép "Ðẩu chuyển tinh di" được. Y đành kiên thủ những yếu điểm, để chờ đối phương sơ hở.
Cưu Ma Trí phóng chiêu liên tiếp, Mộ Dung Phục chưa thấy ai ra chiêu dày đặc như lão bao giờ. Thoi quyền đánh ra nưa chừng đã biến thành chỉ. Chiêu trảo vừa phóng ra gần tới nơi lại biến thành chưởng.
Cưu Ma Trí đánh xong mười chiêu, rồi quát lên:
- Bây giờ đủ mười chiêu rồi, ngươi cam chịu mất mạng đi!...
Mộ Dung Phục hoa mắt lên thấy bốn mặt tám phương đều có hình ảnh Cưu Ma Trí. Mé tả phóng cước đá tới, mé hữu vung quyền đánh lại. Mặt trước phát chưởng đập vào, mặt sau vung chỉ đạo đâm tới. Các chiêu thức đồng thời thi triển như gió táp mưa sa. Mộ Dung Phục không còn biết đánh đỡ mặt nào, đành ngưng vận công lực mĩa tít song chưởng, chỉ thủ chớ không công.
Bỗng nghe Cưu Ma Trí miệng thở hồng hộc, mỗi lúc một thêm gấp rút.
Mộ Dung Phục tinh thần phấn khởi, nghĩ thầm:
- Lão đã thở hồng hộc lên như bò rống, tức là nội khí không thông rồi. Mình chỉ cầm chừng chống chọi một lúc nữa không để đánh ngã, rồi lão tự nhiên sẽ lăn quay ra mà chết.
Cưu Ma Trí tuy hơi thở cấp bách, nhưng chiêu số càng mau lẹ hơn trước.
Ðột nhiên lão quát to một tiếng!
Mộ Dung Phục thấy cổ sau bị xiết chặt, rồi người y bị nhấc bổng lên.
Tiếp theo huyệt"Tích Trung"ở sau lưng và huyệt "Thượng Khúc" ở trước bụng, cùng đau nhói lên. Y bị điểm huyệt rồi, chân tay mềm nhũn không nhúc nhích được nữa.
Cưu Ma Trí cười lạt mấy tiếng, nhưng vẫn ho rũ rượi.
Lão chúm môi huýt một hồi còi, rồi nói:
- Ta bảo mi cút đi, mi không chịu nghe. Bây giờ mi chẳng còn trách ta được nữa. Ta... ta... xử trí với mi thế nào đây?
Giữa lúc ấy, bốn tên võ sĩ Thổ Phồn chạy lại, khom lưng nói:
- Minh vương có pháp chỉ truyền dạy?
Cưu Ma Trí đáp:
- Ðem gã này chém đi!
Bốn tên võ sĩ dạ một tiếng.
Mộ Dung Phục người không nhúc nhích được, nhưng tai nghe rõ cả. Trong lòng y ngấm ngầm kêu trời. Y cảm thấy người mình bị Cưu Ma Trí đưa vào tay hai tên võ sĩ, biết tính mạng mình nguy đến nơi rồi.
Y bất giác kinh hãi vô cùng, lẩm bẩm than thầm:
- Vừa rồi ta cũng biểu muội hai tình cùng hợp, hai lòng cùng ưa. Giả tỷ ta không tham ngôi phò mã nước Tây Hạ, việc gì gặp phải tai nạn này? Ta chết rồi, còn nữa đâu mà hy vọng hưng phục Ðại Yên.
Mộ Dung Phục nghĩ vậy toan lên tiếng năn nỉ xin Cưu Ma Trí cho rời khỏi Linh Châu không tranh ngôi phò mã với Vương tử nước Thổ Phồn nữa. Nhưng y khó mở miệng nổi. Cưu Ma Trí lại không thẻm nhìn y, dù y có muốn đưa mắt ra hiệu xin tha cũng không thể được.
Bốn tên võ sĩ Thổ Phồn đón lấy Mộ Dung Phục, rồi một tên rút cương đao ra toan chặt vào cổ Mộ Dung Phục.
Cưu Ma Trí vội nói:
- Khoan đã! Ta cùng phụ thân gã này là chỗ quen biết. Vậy cho gã chết được toàn thi thể. Các ngươi quăng gã xuống giếng, rồi đi kiếm mấy tảng đá lớn đậy chặt lên miệng, để gã không ra được.
Mấy tên võ sĩ vâng lời, nhấc bổng Mộ Dung Phục lên quăng vào trong giếng khô. Chúng nhìn bốn mặt không thấy có tảng đá nào lớn, liền chạy ra phía sau thung lũng để tìm kiếm.
Cưu Ma Trí đứng trên bờ giếng vẫn ho sù sụ, đau đớn khôn tả.
Nguyên hôm trước lão dùng "Hoả Diệm Ðao" để ám toán Ðoàn Dự, rồi lập tức xuống núi trốn đi. Lão chưa xuống đến chân núi Thiếu Thất đã cảm thấy huyệt "Ðan Ðiền" nóng như lưa đốt. Lão ngấm ngầm vận nội lực đã thấy khó khăn, không khỏi ngấm ngầm kinh hãi rủa thầm:
- Thằng cha trọc kia bảo mình miễn cửỡng luyện bảy mươi hai môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, lệ khí chồng chất và gây ra mầm hoạ. Sau mình lại luyện môn "Dịch Cân Kinh", chân khí trong người đảo lộn và đại nạn sắp đến nơi. Chẳng lẽ... thằng trọc này nói không đúng ử? Lão liền tìm một chỗ sơn động chui vào ẩn mình ngồi yên một lúc, thấy luồng nhiệt khí từ từ hạ xuống, nhưng vẫn vận kình lực không được.
Cưu Ma Trí chờ cho đến chiều tối không thấy chùa Thiếu Lâm cho người đuổi theo, mới tìm đường nhỏ mà đi.
Dọc đường lão nghe tin Quốc vương nước Tây Hạ muốn chiêu phò mã. Lão là Quốc sử nước Thổ Phồn tham dự vào việc quân chính trong nước. Lão liền viết bản chương cho một tên thám tử Thổ Phồn đưa về khải tấu Quốc vương.
Quốc vương nước Thổ Phồn cũng có ý muốn giao kết với Tây Hạ, nên vừa tiếp được bản chương của Cưu Ma Trí, liền lập tức phái Tiểu vương tử dẫn một số cao thủ võ sĩ, cùng rất nhiều vàng bạc châu báu, ngựa tốt, đao quý, đang đêm lên đường đi Linh Châu ngay. Những ngựa tốt, đao quý để đem tiến cho Quốc vương Tây Hạ, đồ châu báu thì đưa vào tặng công chĩa. Ngoài ra còn tiền bạc và bảo vật khác, để đút lót cho các bà hậu phi cùng quan Thái giám nước Tây Hạ. Những tay cao thủ võ sĩ đón các ngả đường để đối phó với hào kiệt bốn phương kéo đến tranh ngôi phò mã. Từ mùng mười tháng tám, bọn võ sĩ Thổ Phồn đã đuổi về hàng mấy trăm chàng thiếu niên quý tộc toan đến Tây Hạ cầu hôn.
Bọn người đến Tây Hạ tuy nhiều, nhưng số đông chỉ vì tử tâm, chứ không phải là những tay hào kiệt, bản lãnh phi thường thì địch làm sao nổi mấy trăm tên võ sĩ Thổ Phồn tới đánh?
Cưu Ma Trí tới Linh Châu, rồi tìm một nơi tĩnh mịch để tĩnh dưỡng. Nhiệt khí trong người dần dần hạ thấp xuống, rồi bình phục lại. Nhưng hễ động lo nghĩ việc gì là chân tay lại run lẩy bẩy. Về sau, cả những lúc tâm thần bình tĩnh thư thái, mà ngón tay, ngón chân, môi miệng, bả vai cũng không ngớt rung động, chẳng được lúc nào yên tĩnh.
Cưu Ma Trí ở ngôi cao làm đến Quốc sử nước Thổ Phồn, lão không muốn để người ta thấy bộ dạng xấu xa của mình, liền ở riêng một nơi, ít người được thấy mặt.
Một hôm, lão được võ sĩ về báo là Mộ Dung Phục cũng đến Linh Châu.
Bọn thủ hạ của y lại đánh chết cùng bị thương mấy tên võ sĩ Thổ Phồn.
Lão biết rằng Mộ Dung Phục là một thiếu niên anh tuấn, văn võ song toàn, bọn võ sĩ tầm thường không thể nào đương nổi. Nếu không tìm cách đánh đuổi y đi, để tỷ thí với Tiểu vương tử thì khó lòng nắm được phần thắng.
Cưu Ma Trí nghĩ mãi không tìm được tay đối thủ với Mộ Dung Phục, nên lão phải chường mặt ra. Lão tính rằng bản lãnh của mình, Mộ Dung Phục đã nhìn thấy rồi, có khi không cần phải động thủ, cũng khiến cho y phải sợ hãi mà tự rút lui. Lão liền tìm đến nhà quân dịch.
Vì lão đến chậm một chút, nên Mộ Dung Phục đã bắt Ðoàn Dự đem đi.
Bốn mặt nhà quân dịch đã có bảy tám tên võ sĩ Thổ Phồn mai phục để giám sát.
Cưu Ma Trí liền hỏi rõ phương hướng rồi rượt theo. Lão rượt tới khu rừng bên cạnh giếng khô, thì Mộ Dung Phục đã liệng Ðoàn Dự xuống giếng rồi. Y đang đối thoại cùng Vương Ngọc Yến.
Cưu Ma Trí chờ tới lúc Vương Ngọc Yến đâm đầu xuống giếng mới xuất hiện. Lão không ngờ Mộ Dung Phục tuy rất kinh hãi lão mà không chịu nhượng bộ. Sau cuộc tranh đấu, tuy Mộ Dung Phục bị bắt nhưng Cưu Ma Trí cũng bị khí huyết nôn nao, dường như muốn phá huyết quản để tiết ra ngoài mà lại không ọc ra đằng miệng, nên lão khó chịu vô cùng.
Cưu Ma Trí giơ tay lên cào vào trước ngực loạn cả lên mà nội lực trong người vẫn không ngớt bành trướng, tưởng chừng như màng óc, da bụng đều bành trướng cả lên, sắp vỡ tung đến nơi. Thế mà người ngoài trông vào thân hình lão vẫn như ngày thường, không to lớn thêm một chút nào hết.
Cưu Ma Trí thấy người mình căng thẳng tựa hồ một trái banh, nội khí xông lên cuồn cuộn, lão sợ quá, lấy ngón tay chọc vào hai bên trái hai chân ba lỗ thủng khá sâu, tưởng để xì bớt hơi ra theo những lỗ này. Nhưng chỉ thấy máu tươi chảy ra như suối, mà nội khí vẫn không phun ra chút nào.
Cưu Ma Trí nhớ lại lời vị thần tăng đã nói trong Tàng kinh các, bây giờ lão biết rằng thần tăng nói đúng, vì mình tham muốn quá nhiều, luyện cả bảy mươi hai môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm cùng Dịch Cân Kinh, để cho gốc ngọn đảo điên và đại họa đến nơi rồi.
Cưu Ma Trí tuy trong lòng hoảng hốt, nhưng vì tu luyện lâu năm thần trí không đến nỗi bối rối. Ðột nhiên trong óc lão phụt ra một tia sáng.
Lão lẩm bẩm:
- Sao ta lại không luyện hết, mà chỉ luyện mấy thứ? Lão lại đưa cả bí lục bảy mươi hai môn tuyệt kỹ cho ta là có ý gì? Ta với lão mới là bèo nước gặp nhau, dù ý hợp tâm đầu đến mấy, cũng chưa có thể nói là giao tình thân mật được. Lúc này Cưu Ma Trí lâm nguy chợt nghĩ tới Mộ Dung Bác gặp mình ở Thiên Trúc đã đem hết bí lục bảy mươi hai môn tuyệt kỹ đưa tặng cho mình để tìm ra dụng ý của Mộ Dung Bác.
Cưu Ma Trí là người rất thông minh. Ngay từ buổi đầu tiên, lão đã đem lòng ngờ vực Mộ Dung Bác. Lão mở bí lục ra xem, thấy môn tuyệt kỹ nào cũng tinh diệu phi thường. Lão là người kiến thức rộng rãi xét đoán được chân giả ngay. Lão lại thử những trang giấy trong bí lục thì tuyệt không có chất độc chì gì hết, rồi không nghi ngờ gì nữa. Lúc này lão lâm vào tình trạng sống dở, chết dở mới nghĩ đến tâm địa độc ác của Mộ Dung Bác, liền lẩm bẩm:
- Té ra lão ẩn nấp trong chùa Thiếu Lâm được mấy chục năm đã từng được nghe các nhà sử chùa Thiếu Lâm bàn tới những môn tuyệt kỹ không thể luyện hết được. Thế rồi, lão gặp mình ở Thiên Trúc biết võ công thao lửợc hơn đời mới đem tuyệt kỹ bí lục cho mình, một là gây tai hoạ về sau, hai là để gây nên mối thù oán giữa mình và chùa Thiếu Lâm. Lão mong Thổ Phồn và Ðại Tống xảy cuộc can qua, để lão ở giữa thủ lợi, mưu đồ phục hưng nước Ðại Yên... |
|
|