Bên bờ hồ người ngọc rơi châu Ðoàn Dự vội nói:
- Vương Bang chúa! Bang chúa mau ngăn trở vị nhân huynh béo mập kia, đừng để y chặt đứt cây tùng.
Du Thản Chi lạnh lùng hỏi lại:
- Ta ngăn trở y làm chi? Ngăn trở y thì được cái lợi gì?
Ðoàn Dự đáp:
- Cây tùng mà đổ xuống thì mấy người kia đều chết hết.
Hư Trúc thấy tình thế cực kỳ nguy hiểm liền tung mình nhảy vọt ra để ngăn trở không cho gã béo mập chặt cây, đồng thời đem bọn Ðoàn Diên Khánh, Nam Hải Ngạc Thần xuống.
Nên nhớ rằng, ngày nọ Hư Trúc giải thế cờ bí hiểm, y đã nhờ Ðoàn Diên Khánh chỉ điểm cho. Vậy y học thành một nhân vật có bản lĩnh như ngày nay, cũng là mở đầu từ ngày đó. Tuy vụ kia là kỳ duyên của y, nhưng đối với Ðoàn Diên Khánh y vẫn nhớ ơn.
Không ngờ Du Thản Chi cắm cây trượng xuống đất rồi phóng chưởng đánh luôn.
Một luồng khí âm hàn theo chưởng phong xô ra.
Hư Trúc, không sợ phát chưởng âm hàn, nhưng biết rằng chưởng lực đối phương thâm hậu, không dám coi thường, phải ngưng thần phóng chưởng chống lại.
Du Thản Chi lại phóng phát chưởng thứ hai nhằm đánh vào cành tùng.
Ðoàn Dự vội la lên:
- Nhị ca! Ðừng ra đó nữa. Chúng ta nói chuyện tử tế hay hơn. Hà tất phải động thủ? Vương Bang chúa! Bang chúa có thù với ai? Sao lại hại người khác?
Du Thản Chi hỏi:
- Ðoàn công tử! Công tử bảo ta ngăn trở lão béo này thì chẳng có chi là khó. Nhưng công tử có đem lại mối lợi gì cho ta không?
Ðoàn Dự nói:
- Bang chúa... muốn gì... tại hạ cũng cho liền. Vậy Bang chúa muốn sao cứ nói ra, lẹ lên! Chỉ chậm một chút là lỡ việc.
Du Thản Chi đáp:
- Ta ngăn trở gã mập này rồi lập tức muốn cùng A Tử cô nương dời khỏi nơi đây. Công tử cùng bọn Tiêu Phong, Hư Trúc không một ai được ngăn trở. Các vị có ưng thuận như vậy không?
Ðoàn Dự vội đáp:
- A Tử muốn nhị ca tại hạ chữa mắt cho sáng lại. Nếu y đi theo Bang chúa thì làm thế nào chữa được mắt y?
Du Thản Chi đáp:
- Hư Trúc tiên sinh có thể chữa mắt cho nàng thì ta đây cũng có thể tìm cách chữa cho nàng được.
Ðoàn Dự ngập ngừng nói:
- Cái đó... cái đó...
Chàng thấy gã béo lùn vẫn tiếp tục chặt cây tùng thì nghĩ ngay đến việc cứu người là gấp, liền đáp:
- Tại hạ ưng chịu lời Bang chúa, Bang chúa...
Chàng hoảng hốt líu lưỡi không nói được nữa.
Du Thản Chi đã vung tay lên đánh vào gã lùn mập.
Gã này cười hích... hích... quẳng búa xuống, đứng thủ thế quát lên một tiếng rồi vung song chưởng lên chống lại chưởng lực của Du Thản Chi.
Chưởng phong rít lên veo véo, thanh thế cực kỳ mãnh liệt.
Phát chưởng của Du Thản Chi đánh ra trái lại không một tiếng động. Ðột nhiên gã béo lùn sắc mặt biến đổi. Gã đương tỏ vẻ kiêu ngạo khinh người, bỗng ra chiều kinh hãi, dường như thấy một sự rất kỳ dị mà gã không ngờ. Tiếp theo, khoé miệng gã ứa máu tươi. Người gã co rúm lại rồi như một quả banh, từ trên sườn núi lăn xuống vực thẳm.
Chỉ trong nháy mắt nghe đánh "uỳnh" một tiếng, người gã đập vào những tảng đá lởm chởm dưới đáy hang.
Mọi người nghe tiếng hán tử béo lùn rớt xuống thì tưởng tượng ra thảm trạng gã bị vỡ tan, đầu óc, thân thể nát nhừ mà không khỏi rùng mình.
Hư Trúc tung người lao lên cành tùng, thấy cây cương trượng của Ðoàn Diên Khánh cắm sâu vào cành cây thì biết là nội lực lão ghê gớm, mới có thể đeo được cả bốn người sức nặng thế mà không tuột ra, nên y cực kỳ khâm phục. Y đưa tay trái ra nắm lấy cây cương trượng kéo lên.
Nam Hải Ngạc Thần lên tiếng oang oang khen ngợi:
- Tiểu hoà thượng! Ta đã biết tiểu hoà thượng là một người tốt! Bữa nay, nếu không được tiểu hoà thượng đến cứu mạng thì thật là nguy quá. Chúng ta bị treo ở đây đã ba ngày ba đêm rồi, không muốn nếm mùi cay đắng này mãi.
Vân Trung Hạc nói móc:
- Thôi đừng nói khoác nữa! Làm gì mà bị treo những ba ngày ba đêm .
Nam Hải Ngạc Thần tức giận nói:
- Ta mà không chống nổi, buông đầu ngươi ra thì còn chi là đời. Ngươi có muốn ta thử buông tay không?
Hai người này tuy gặp lúc nguy hiểm mà vẫn gây gổ với nhau.
Chỉ trong nháy mắt, Hư Trúc đã kéo được Ðoàn Diên Khánh lên, rồi tiếp tục kéo đến Nam Hải Ngạc Thần cùng Vân Trung Hạc. Sau cùng là Vương Ngọc Yến. Nhưng hai mắt nàng nhắm chặt, hơi thở yếu ớt dường như đã ngất đi từ lâu.
Ðoàn Dự thấy cứu được nàng thì rất lấy làm vui. Tiếp theo chàng nổi lòng thương xót. Hai cổ tay nàng đều có quầng đen vì bị ngón tay Vân Trung Hạc nắm chặt. Chàng nghĩ tới Vân Trung Hạc là con người hung tàn hiếu sắc. Hắn đã mấy lần toan phạm đến Mộc Uyển Thanh và Chung Linh mà lần nào cũng được Nam Hải Ngạc Thần cứu gỡ.
Bữa nay lại diễn ra tấn kịch này, chàng tức giận đến cực điểm, liền nói:
- Ðại ca! Nhị ca! Gã Vân Trung Hạc này thật là khả ố! Chúng ta giết quách gã đi thôi!
Nam Hải Ngạc Thần vội la lên:
- Không nên! Không nên! Ðoàn...sư phụ! Bữa nay hoàn toàn nhở ở lão tứ mới cứu được... sư nương... nếu không có y thì sư nương... đã bỏ mạng rồi.
Lão nói mấy câu này ấp a ấp úng, mọi người nghe không rõ.
Mộc Uyển Thanh thấy Ðoàn Dự vì Vương Ngọc Yến mà nóng nảy hoảng hốt đã rầu rầu nét mặt, tự thương thân mình. Bây giờ nàng thấy dung mạo Vương Ngọc Yến tuyệt thế vô song thì trong lòng có một cảm giác kỳ dị khôn tả.
Vương Ngọc Yến từ từ mở mắt ra, la lên một tiếng rồi hỏi:
- Ðây phải chăng là âm phủ? Ta... chết rồi ư?
Nam Hải Ngạc Thần nói:
- Cô này thật là hồ đồ! Nếu đây là âm phủ thì chẳng lẽ mọi người chúng ta đều chết cả rồi ư? Bây giờ cô chưa là vợ sư phụ ta. Ta nói mấy câu vô lễ, cô đừng cho là phạm thượng. Ta nghĩ rằng, ngày giờ thấm thoát chẳng được bao lâu. Theo chỗ ta biết thì sớm muộn gì cô cũng là sư nương ta. May còn cơ hội này, ta kêu cô mấy tiếng là cô nương tưởng cũng chẳng có chi là quá đáng! Ta xin hỏi: cô nương đang bình yên, sao lại đi tìm đất chết? Cô chết thì thoả nguyện vọng của cô, nhưng suýt nữa chết lây cả đến ta cùng tứ đệ Vân Trung Hạc. Vân Trung Hạc có chết cũng không sao, nhưng Ðoàn lão đại mà chết thì thật là đáng tiếc. Ðoàn lão đại chết hãy còn một việc nhỏ chớ Nhạc lão nhị mà chết theo mới là việc lớn hơn hết.
Ðoàn Dự nói:
- Vương cô nương! Vụ này là thế nào đây? Cô nương phải một phen kinh hãi, khiến tại hạ áy náy vô cùng! Thôi cô nương hãy ngồi tựa vào gốc cây mà nghỉ một lúc.
Chàng nói bằng một giọng nhẹ nhàng để an ủi Vương Ngọc Yến.
Vương Ngọc Yến rú lên một tiếng rồi khóc ròng.
Hai tay ôm lấy đầu khẽ nói:
- Các vị đừng nghĩ đến ta nữa! Ta không thể sống được đâu!
Ðoàn Dự giật mình kinh hãi nghĩ thầm:
- Té ra nàng tìm cách tự tử thật! Nhưng không hiểu tại sao? Chẳng lẽ...
Chàng liếc mắt nhìn Vân Trung Hạc thấy vẻ mặt gã rất đỗi hung tàn bạo ngược, chàng ngấm ngầm la lên:
- Trời ơi! Phải chăng Vương cô nương đã bị gã này làm ô nhục mà toan tự tử?
Ðoàn Dự còn đang nghi ngờ thì Chung Linh chạy lại hỏi Nam Hải Ngạc Thần:
- Nhạc lão tam! Lão tam bình yên chứ?
Nam Hải Ngạc Thần vừa thấy Chung Linh cả mừng đáp:
- Tiểu cô nương! Cô nương vẫn mạnh giỏi chữ? Bây giờ ta là Nhạc lão nhị chứ không phải Nhạc lão tam nữa.
Chung Linh cũng nói:
- Lão nhị cũng đừng kêu ta bằng tiểu nọ, tiểu kia nữa, khó nghe lắm! Nhạc lão nhị! Vị cô nương kia tại sao lại toan tự tử? Phải chăng thằng cha cao lênh khênh này đã gây ra tai vạ?
Nàng vừa hỏi vừa trỏ tay vào Vân Trung Hạc.
Nam Hải Ngạc Thần vội xua tay đáp:
- Không phải! Không phải! Vụ này không hiểu tại sao hắn đột nhiên biến tính trở thành người tốt. Bọn ta còn ba người, tiếc mất Diệp Nhị Nương, trong lòng ai nấy đều đau buồn mới đi tản bộ lên đây thì thấy cô nương này đâm đầu nhảy xuống vực thẳm. Vân lão tứ đại phát từ tâm, nhảy xuống nắm theo được tay cô. Nhưng cô bé kia nhảy mạnh quá thành ra Vân lão tứ không nắm được tay cô kịp thời! Trời ơi! Hắn là một tên cùng hung cực ác, đột nhiên biến đổi tính nết, làm một việc thiện, mà không biết lượng sức mình.
Vân Trung Hạc tức mình ngắt lời:
- Mẹ kiếp! Có bao giờ Vân mỗ lại đại phát từ tâm làm việc hảo sự? Vân mỗ thấy cô nương đây chim sa cá lặn mà lại đâm đầu xuống vực thẳm để tự tử. Vân mỗ không tài nào bỏ qua được, tưởng nắm bắt nàng đem về làm một vị phu nhân.
Nam Hải Ngạc Thần tức giận quát lên như sấm, trỏ tay vào mặt Vân Trung Hạc mắng:
- Quân khốn kiếp kia! Nhạc lão nhị tưởng mi biến tính ra tay cứu người, mới nghĩ tình hữu nghị ra tay nắm lấy tóc mi định lôi lên. Nếu Nhạc lão nhị sớm biết lòng lang dạ thú thì để mi chết quách cho rồi đời.
Chung Linh cười nói:
- Nhạc lão nhị! Lão có ngoại hiệu là hung thần ác sát chuyên làm việc hung ác. Lão biến đổi tính nết tự bao giờ?
Nam Hải Ngạc Thần vò đầu vò tai đáp:
- Không biến tính! Lão nhị không biến tính nhưng trong bốn tay đại ác thiếu mất một người thì sức mạnh không khỏi bớt đi một phần, nên ta mới nắm đầu lão tứ định lôi lên. Không ngờ chẳng lôi được hắn mà chính mình cũng bị té nhào. May nhờ Ðoàn lão đại bản lãnh phi thường, phóng đầu gậy xuống cho lão nhị nắm lấy. Nhưng ba người một đầu nặng có tới dưới bốn trăm cân. Một đầu lôi xuống, một đầu kéo lên. Rồi cả Ðoàn lão đại cũng bị kéo xuống. Lão đại liền phóng một cây trượng lên móc lấy cành tùng, đang tìm cách trèo lên. Không ngờ gặp thằng cha lùn mập người nước Thổ Phồn lại cầm búa đến chặt cây.
Chung Linh hỏi:
- Gã lùn mập đó người nước Thổ Phồn ư? Sao gã lại toan ám hại các vị?
Nam Hải Ngạc Thần miệng phun nước miếng ra đáp:
- Các việc đều do lão tứ chẳng ra gì. Hắn đến hoàng cung nước Tây Hạ để nhìn trộm công chúa. Không ngờ hắn thấy mặt công chúa liền miệng đánh trống đánh phách nói huyên thiên với mọi người, nào khen công chúa đẹp tựa thiên tiên, nào ca ngợi dáng điệu nàng như chim sa cá lặn. Vụ này đến tai vương tử nước Thổ Phồn. Bạn ta lại phải một phen chiến đấu, đánh chết mười mấy tên võ sĩ Thổ Phồn. Vì thế mà bọn đại ác chúng ta thành ra cừu thù với người Thổ Phồn.
Mọi người nghe lão nói vậy thì đã hơi hiểu manh mối, nhưng còn việc Vương Ngọc Yến định tự tử thì vẫn chưa hiểu tại sao.
Nam Hải Ngạc Thần lại nói:
- Vương cô nương! Sư phụ ta đã đến đây. Hai người biết nhau từ lâu rồi, thôi kết nghĩa phu thê quách đi đừng tự tử làm chi cho uổng!
Vương Ngọc Yến ngẩng đầu lên nghẹn ngào nói:
- Ngươi còn nói nhăng, nói càn khinh mạn ta... ta sẽ đập đầu vào đây mà chết đi cho rồi.
Ðoàn Dự vội nói:
- Không được! Cô nương làm thế không được!
Rồi chàng quay lại bảo Nam Hải Ngạc Thần:
- Nhạc lão tam! Ngươi không được...
Nam Hải Ngạc Thần chẹn họng:
- Nhạc lão nhị chứ!
Ðoàn Dự nói:
- ừ, thì Nhạc lão nhị! Ngươi không được nói nhăng nữa. Nhưng ngươi đã có công cứu người. Ta đây rất cảm kích.
Nam Hải Ngạc Thần giương cặp mắt ti hí lên nhìn Vương Ngọc Yến nói:
- Cô không chịu làm sư nương ta thì chẳng thiếu gì người muốn làm. Vị này là đại sư nương, vị kia là tiểu sư nương. Ta kêu bằng sư nương hết. Lão vừa nói vừa trỏ Mộc Uyển Thanh, rồi lại trỏ sang Chung Linh.
Mộc Uyển Thanh đỏ mặt lên, bĩu môi nói:
- Hừ! Lão này say rượu nói càn!
Mọi người chú ý nhìn Hư Trúc cứu người, bây giờ ngó lại mới phát giác Du Thản Chi cùng A Tử đi đâu mất rồi.
Ðoàn Dự hỏi Tiêu Phong:
- Ðại ca! Họ đi cả rồi ư?
Chàng biết Tiêu Phong là người rất tinh tế, cơ linh dị thường.
Du Thản Chi và A Tử bỏ đi tất không qua được mắt ông.
Tiêu Phong đáp:
- Họ đi cả rồi. Tam đệ đã chịu lời gã, nên ta không ngăn trở nữa.
Ông nói vậy mà trong lòng không khỏi bâng khuâng vì không hiểu A Tử theo Du Thản Chi, rồi về sau số phận nàng sẽ ra sao.
Nam Hải Ngạc Thần bỗng la lên:
- Lão đại! Lão tứ! Chúng ta về thôi chứ?
Lão thấy Ðoàn Diên Khánh cùng Vân Trung Hạc nhằm đường Linh Châu trở gót, liền quay lại nói với Ðoàn Dự:
- Nhạc lão nhị cũng đi thôi!
Lão vừa nói vừa xoay mình lẹ bước đi theo bọn Ðoàn Diên Khánh.
Chung Linh nói với Vương Ngọc Yến:
- Vương cô nương! Chắc cô nương mệt lắm. Vậy chúng ta ngồi xe cùng đi.
Rồi nàng đỡ Vương Ngọc Yến lên ngồi vào chỗ A Tử trên xe lừa.
Ðoàn người nhằm đường Linh Châu thẳng tiến.
Vào lúc xế chiều, mọi người đến nội thành Linh Châu.
Thời bấy giờ, nước Tây Hạ đang mở mang bờ cõi. Có hai mươi hai châu. Khu vực Hà Nam có Linh Châu, Hồng Châu, Ngân Châu, Hạ Châu. Khu Hà Tây có Hưng Châu, Lương Châu, Túc Châu (nay là tỉnh Cam Túc). Nguyên một giải Ninh Hạ, Tuy Viễn đã có một đoàn quân thiết giáp năm mươi vạn người. Người Tây Hạ rất kiêu dũng mà lại thiện chiến.
Tống sử chép rằng: Người Tây Hạ dùng binh phần nhiều lập những trái núi giả, đặt quân mai phục để bao vây bên địch. Họ lại dùng đội thiết kỵ làm tiền quân. Ðội này cưỡi ngựa và mặc hai lần áo giáp. Gươm dao đâm không thủng. Quân thiết kỵ lại dùng dây lòi tói móc chặt vào yên ngựa nên người chết cũng không ngã ngựa. Lúc giao tranh, đội thiết kỵ xông vào trận trước làm cho mặt trận địch rối loạn rồi quân bộ mới tiến sau.
Tống sử còn ghi: Người Tây Hạ chịu đựng được nóng lạnh, đói khát... dù phải trốn chạy, họ không lấy làm xấu hổ. Thua luôn ba ngày, rồi họ quay lại không biết lúc nào.
Quốc vương nước Tây Hạ tuy họ Lý nhưng là người rợ Hồ. Ðường Thái Tôn ban cho Tây Hạ quốc vương được dùng họ Lý. Người Tây Hạ di chuyển để đánh nhau khắp bốn phương. Vì vậy mà cương giới nước này biến đổi hoài. Kinh đô cũng tùy thời mà dời đi, chứ không ở nguyên một chỗ. Linh Châu tuy là thủ đô nước Tây Hạ nhưng so với kinh đô ở Trung Nguyên thì hãy còn kém xa.
Tối hôm ấy bọn Tiêu Phong không sao tìm được quán trọ.
Nên biết rằng thành Linh Châu đã không phải là một nơi phồn hoa đô hội, lại gần đến ngày Trung thu, hảo hán bốn phương tới đây không biết bao nhiêu mà kể. Mấy đại khách sạn chật ních những người.
Bọn Tiêu Phong đành ra khỏi nội thành tìm kiếm hồi lâu, đến một toà miếu cũ làm chỗ nghỉ đêm. Ðàn ông tụ tập ở đông phòng, còn đàn bà con gái ngủ ở tây hiên.
Ðoàn Dự vừa lúc gặp Vương Ngọc Yến rồi thì trong lòng vừa hoan hỉ lại vừa lo âu. Ðêm hôm ấy, chàng trằn trọc không sao ngủ được.
Chàng tự hỏi:
- Tại sao Vương cô nương lại toan tự tử? Ta phải tìm cách khuyên giải nàng mới được. Nhưng ta không biết nguyên nhân tại sao thì biết khuyên giải thế nào?
Lúc đó, ánh trăng le lói vào trong cửa sổ. Một làn ánh sáng trong trẻo chiếu xuống mặt đất. Ðoàn Dự không sao ngủ được liền rón rén đứng dậy ra sân. Chàng thấy bên góc tường có hai cây ngô đồng. Mảnh trăng khuyết từ từ đi lên từ ngọn cây.
Tiết đại thử vừa qua, nhưng một giải Cam, Lương đêm khuya, tiết trời đã lạnh, Ðoàn Dự quanh quẩn dưới gốc cây ngô đồng mấy lần. Chàng thấy miệng vết thương trước ngực ngâm ngẩm đau, thì biết rằng ban ngày đi nhiều quá làm động đến vết thương.
Bất giác chàng tự hỏi:
- Tại sao Vương cô nương lại muốn tự tử? Vụ này thiệt khó mà biết được. Chàng thơ thẩn bước ra cửa miếu. Dưới ánh trăng, chàng nhìn thấy từ đằng xa bên bờ hồ có bóng người thấp thoáng. Dường như là một nữ lang áo trắng mà bộ dạng lại hao hao giống Vương Ngọc Yến.
Ðoàn Dự giật mình kinh hãi la thầm:
- Nguy rồi... chắc nàng lại đi tìm cái chết...
Chàng liền thi triển khinh công chạy tới. Bằng phép Lăng Ba Vi Bộ, chàng đi rất nhanh mà không một tiếng động, chẳng khác người lướt trên mặt nước. Chỉ trong chớp mắt, chàng đã đến sau lưng bóng người áo trắng.
Làn nước biếc trong suốt như gương, phản chiếu dung mạo nữ lang áo trắng. Quả nhiên nàng chính là Vương Ngọc Yến.
Ðoàn Dự rụt rè chưa dám tiến lại, chàng nghĩ thầm:
- Khi ở núi Thiếu Thất, nàng căm hận ta. Lần này lại gặp nàng đây, mà vẫn chưa lộ vẻ gì, nhưng chắc nàng chưa nguôi giận. Sở dĩ nàng tự tử, biết đâu chẳng vì giận ta mà ra. Than ôi! Ðoàn Dự hỡi Ðoàn Dự! Ngươi đã đường đột giai nhân để cho nàng buồn thảm mà toan tự tử. Dù người muốn thác cũng không đủ chuộc tội.
Chàng nấp vào sau một gốc cây lớn, tự than tự oán, càng nghĩ càng thấy tội mình thâm trọng.
Bỗng thấy mặt nước hồ trong như ngọn biếc, tự nhiên lăn tăn sóng gợn. Mấy vũng nước trước nhỏ sau lan rộng ra.
Ðoàn Dự chú ý nhìn kỹ thấy mấy giọt như hạt châu rớt xuống mặt hồ. Nguyên đó là nước mắt Vương Ngọc Yến.
Ðoàn Dự càng nghĩ càng xót thương cho người ngọc. Chàng lắng tai nghe nàng thở dài mấy tiếng rồi nghẹn ngào lẩm bẩm:
- Ta chết quách cho rồi để khỏi phải chịu những nỗi khổ đau vô cùng, nó hành hạ, nó dày vò ta.
Ðoàn Dự không nhịn được nữa, chàng ở sau gốc cây chạy ra nói:
- Vương cô nương! Trăm điều ngang ngửa vì tại hạ! Xin cô nương để tại hạ gánh chịu hết. Nếu cô nương... mà nổi giận thì tại hạ xin quỳ xuống đây!
Chàng nói xong quả nhiên quỳ xuống thật.
Vương Ngọc Yến giật mình kinh hãi hỏi:
- Công tử! Công tử làm chi vậy? Công tử đứng lên đi. Nếu để người ngoài trông thấy thì còn ra thế nào?
Ðoàn Dự nói:
- Cô nương có ngỏ lời tha thứ thì tại hạ mới dám đứng dậy.
Vương Ngọc Yến gắt lên:
- Ta tha thứ công tử cái gì? Việc ta có can dự gì đến công tử?
Ðoàn Dự đáp:
- Tại hạ thấy cô nương thương tâm thì chắc rằng đang khi cô nương thoả mãn mọi điều, vì tại hạ đắc tội với Mộ Dung công tử để y buồn phiền rồi gây phiền não cho cô nương. Lần sau gặp y, dù có bị y đánh giết, tại hạ đành trốn chạy, quyết không trả đòn. |
|
|