Ðoàn Dự qua Tây Hạ cầu hôn Khi Tiêu Phong từ Nam Kinh lên đường xuống Nam để đến núi Thiếu Thất thì mười tám tên võ sĩ Khất Ðan đã chứa rượu vào các bì để đem theo. Nhưng lúc này bọn võ sĩ không ở bên mình thành ra gần hai bữa nay ông không được uống rượu. Ông vừa nghe Ðoàn Dự nói lên đến cung Linh Thứu để uống thứ rượu ngon đã trăm năm của Thiên Sơn Ðồng Mỗ để lại, bất giác ông thèm nhỏ rãi, trên môi lộ một nụ cười.
A Tử đứng lên giục:
- Tỷ phu! Chúng ta đi thôi chứ.
Nàng biết rằng muốn chữa cặp mắt đui mù thì cần phải theo Hư Trúc đến Linh Thứu. Nhưng dù Tiêu Phong đừng ngăn trở để Hư Trúc chịu chữa thì thủ hạ y có bốn tên nha đầu lẻo mép chuyên làm khó dễ, lâu ngày tất không khỏi phát sinh lắm chuyện, làm sớm ngày nào hay ngày ấy.
Tiêu Phong trầm ngâm không trả lời thì nàng nghĩ bụng:
- Tỷ phu mình, tuy ngoài mặt thô hào mà trong lòng cực kỳ tinh tế. Lúc này chắc biết được chỗ dụng tâm của mình đây. Chi bằng mình nói huỵch toẹt ra, có thể y cũng ưng thuận.
Nghĩ vậy, nàng liền đứng lên nắm tay áo Tiêu Phong khẽ dựt mấy cái năn nỉ ông:
- Tỷ phu! Nếu tỷ phu không đưa tiểu muội lên cung Linh Thứu thì e rằng cặp mắt tiểu muội không còn hy vọng gì phục hồi được nữa và suốt đời không được thấy ánh mặt trời.
Tiêu Phong nghĩ bụng:
- Chữa mắt cho cô bé này được sáng tỏ lại quả nhiên là việc cần.
Rồi ông lẩm bẩm:
- Mình ở nước Ðại Liêu tuy địa vị cao quý nhưng không có lấy một người bạn thân nào để hàn huyên tâm sự. ở Trung Nguyên thì các bậc hào kiệt đều thù nghịch với mình. May mà kết giao được với hai người anh em, hào hiệp, khảng khái. Mình ở với họ vài ngày nữa cho thoả chí bình sinh.
Ông liền nói:
- Phải đó! Nhị đệ cùng tam đệ! Chúng ta cùng đi Tây Hạ một chuyến rồi lên cung Linh Thứu cùng nhị đệ uống rượu mấy ngày cho phỉ dạ.
Hôm sau, mọi người chuẩn bị lên đường.
Hư Trúc đến trước mộ phụ thân Huyền Từ và mẫu thân Diệp Nhị Nương khấu đầu cáo biệt.
Ðoàn người nhằm về phía Tây mà đi.
Vừa xuống chân núi thì quần nữ cung Linh Thứu đã thuê xe lừa để đưa Ðoàn Dự và Du Thản Chi nằm dưỡng bệnh được.
Du Thản Chi trong lòng rất đỗi buồn phiền. Nhưng dù sao gã cũng nhẫn nhục chịu đựng còn hơn là phải chia lìa A Tử. Mỗi ngày gã chỉ mong A Tử ngẫu nhiên mở rèm xe, nói với gã một vài câu là gã đã thoả lòng và khoan khoái được đến nửa ngày. Nhưng A Tử lại cưỡi ngựa, lúc nào cũng đi bên cạnh Tiêu Phong thì trong lòng gã khó chịu vô cùng. Dù sao gã không dám hé răng lợi tỏ ý bất bình.
Ðoàn người đi được hai ngày thì các bộ cung Linh Thúu đến hội họp dần dần. Thủ lĩnh bộ Loan Thiên báo cho Hư Trúc cùng Ðoàn Dự hay rằng họ đã gặp Trấn Nam vương và thương thế ông đã gần lành hẳn không có gì đáng ngại.
Trấn Nam vương rất yên lòng nhờ bộ Loan Thiên chuyển lời Ðoàn Dự liệu mà sớm về Ðại Lý để ông khỏi mong chờ.
Quần nữ bộ Loan Thiên còn nói thêm:
- Bọn Trấn Nam vương đi về phía Ðông Bắc, Ðoàn Diên Khánh cùng Nam Hải Ngạc Thần lại rong ruổi rất mau về phía Nam. Thế thì hai phe không tài nào đụng đầu nhau được.
Ðoàn Dự cả mừng ngỏ lời cảm tạ quần nữ bộ Loan Thiên.
Chung Linh hỏi:
- Ðoàn công tử! Lệnh tôn bảo công tử mau trở về Ðại Lý mà sao ông lại đi về ngả Ðông Bắc?
Ðoàn Dự tủm tỉm cười, chưa kịp trả lời thì A Tử đã cười nói:
- Gia gia ta nhất định bị má má lôi đi không cho về nước Ðại Lý. Chung cô nương! Nếu cô nương muốn nắm trái tim của ca ca thì phải học lấy nghề của má má ta.
Chung Linh cũng biết rõ , Ðoàn Dự sở dĩ muốn qua Tây Hạ là cốt dễ hội kiến Vương cô nương! Nhưng mấy bữa nay, nàng đã được quanh quẩn bên mình Ðoàn Dự, tâm nguyện lấy làm mãn túc. Nàng không cần biết sau này khi Vương cô nương cùng Ðoàn Dự hội kiến sẽ ra sao. Nên dù A Tử cố ý nói móc nàng, nàng cũng không để ý.
Tiết trời mùa hạ cực kỳ viêm nhiệt, giữa giờ ngọ mặt trời càng nóng như lửa. Vì tiết trung thu hãy còn xa nên mọi người chỉ ra đi vào hồi sáng sớm hay lúc xế chiều.
Mỗi ngày đi chừng sáu bảy chục dặm lại nghỉ ngơi.
Dọc đường, thương thế Ðoàn Dự lành mạnh rất mau.
Hư Trúc tiếp chỗ chân gãy cho Du Thản Chi và xem chừng có nhiều hy vọng bình phục như cũ.
Du Thản Chi chẳng nói với ai nửa lời.
Hư Trúc chữa chân cho y mà trong lòng y vẫn có ý hằn học căm giận.
Một hôm, mọi người đi tới Hàm Dương.
Ðoàn Dự kể cho bọn Tiêu Phong nghe sự tích Lưu Bang cùng Hạng Võ tranh bá đồ vương ở khu này.
Tiêu Phong cùng Hư Trúc đều ít đọc sách, nghe Ðoàn Dự kể chuyện anh hào ngày trước đều cảm thấy hứng thú.
Thốt nhiên có tiếng vó ngựa dồn dập.
Từ phía sau hai người cưỡi ngựa đi nhanh đến.
Bọn Tiêu Phong lái ngựa ra bên đường để nhường lối cho khách đi trước.
A Tử đột nhiên đứng ra giữa đường cản lối. Khi hai người cưỡi ngựa đến sau lưng nàng, nàng liền giơ roi lên quất vào đầu ngựa đi sau.
Người cưỡi ngựa đằng sau cũng vung roi ngựa lên đón lấy ngọn roi của A Tử đánh tới, rồi y cất tiếng gọi:
- Ðoàn công tử! Tiêu đại hiệp! Hãy dừng bước đã!
Ðoàn Dự quay đầu nhìn lại. Té ra người đi trước là Bao Thiên Thạch và người đi sau là Chu Ðan Thần.
Lúc này, Ba Thiên Thạch cầm roi ngựa gạt ngọn roi của A Tử đánh Chu Ðan Thần ra.
Ðoạn y xuống ngựa đến trước Ðoàn Dự phục lậy, Ðoàn Dự tuy đối với y là chủ bộc, nhưng vẫn coi Ba, Chu hai người vào hàng trưởng bối, cũng vội vàng xuống ngựa đáp lễ hỏi:
- Gia gia ta vẫn bình yên chứ?
Bỗng một tiếng"véo"vang lên!
A Tử đã cầm roi ngựa quất xuống đầu Ba Thiên Thạch.
Ba Thiên Thạch vẫn chưa đứng dậy. Y né người đi một chút và vẫn quỳ mọp.
Ngọn roi của A Tử vụt vào chỗ không.
Ba Thiên Thạch liền lấy đầu gối kê lên ngọn roi.
A Tử hết sức giật lại mà ngọn roi không nhúc nhích. Nàng biết rằng, nếu dùng nội lực để tranh chấp thì quyết nhiên mình không kịp đối phương. Nàng liền buông tay ra cho ngọn roi hất về phía Ba Thiên Thạch.
Ba Thiên Thạch căm hận nàng đã khí tử Lăng Thiên Lý, nhưng y vẫn có ý dè dặt. Ngờ đâu A Tử tuy đui mắt mà hành động cực kỳ cơ biến. Ðầu ngọn roi của nàng hất lại rất mau.
Ba Thiên Thạch vừa nghe tiếng gió vội né đầu đi để tránh.
Tuy y tránh được ngọn roi không vụt vào đầu mà cũng vụt trúng vai đánh"chát"một tiếng.
Ðoàn Dự quát lên:
- Tử muội! Làm gì mà ngang ngược thế?
A Tử đáp:
- Tiểu muội có ngang ngược gì đâu? Y muốn lấy chiếc roi ngựa, nên tiểu muội hất lại cho y.
Ba Thiên Thạch là người nín nhịn trầm tĩnh cười hì hì nói:
- Ða tạ cô nương đã cho ngọn roi này.
Y không tiện nói gì về vụ này nữa, liền móc trong bọc ra một phong thư, hai tay đưa lên cho Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự đón lấy thấy ngoài phong bì đề ba chữ: "Dự nhi lãm". Thì ra chính là thư của phụ thân. Chàng liền hai tay nâng bức thư lên cao, xốc lại xiêm áo, kính cẩn mở coi. Té ra bức thư này Ðoàn Chính Thuần bảo chàng đi Tây Hạ.
Trong thư nói: "Nước Ðại Lý ta ở miền Nam Cương hẻo lánh. Nước nhỏ thế yếu, khó chống ngoại xâm. Nếu được cùng Tây Hạ kết nghĩa Chân Trần tức là thượng sách để giữ nước yên dân. Hài nhi phải lấy cơ nghiệp tổ tôn làm trọng, lấy xã tắc dân con làm quý, mà đem hết tâm lực vào việc mưu đồ này. Cuộc hôn nhân giữa hài nhi và Cao thị, phụ thân sẽ có cách đối xử."
Ðoàn Dự đọc thư xong, sắc mặt biến đổi, lúc ửng hồng, lúc trắng bệch.
Chàng lẩm bẩm:
- Cái này... cái này...
Ba Thiên Thạch lấy ra một phong thơ nói:
- Ðây là thủ bút của Vương gia đưa sang cho quốc vương nước Tây Hạ để cầu thân. Xin công tử khi tới Linh Châu thì đệ trình thư này lên quốc vương bệ hạ.
Chu Ðan Thần cũng cười hì hì nói:
- Công tử! Tại kính chúc công tử mã đáo thành công, lấy được nàng công chúa nguyệt thẹn hoa nhường đưa về Ðại Lý thì giang sơn nước nhà sẽ vững như bàn thạch.
Ðoàn Dự mặt bẽn lẽn hỏi:
- Tại sao gia gia biết ta đi Tây Hạ?
Ba Thiên Thạch đáp:
- Vương gia biết Mộ Dung công tử đến Tây Hạ cầu thân, ngài chắc rằng công tử... cũng đến đó để... tham dự cuộc náo nhiệt này... Vương gia còn dặn công tử nên lấy việc lớn quốc gia làm trọng và nên coi thường chuyện nhi nữ tư tình.
A Tử nói xen vào:
- Không trách người ta nói: "Biết lòng con chẳng ai bằng cha mẹ. Gia gia mới nghe nói Mộ Dung Phục đi Tây Hạ tất có Vương cô nương theo đi. Nên ngài biết cậu quý tử cũng mò mẫm đi theo. Hừ! Cha nào con nấy mà bảo lấy việc quốc gia làm trọng, coi rẻ tư tình nhi nữ ư? Thế sao gia gia bỏ nước ra đi bấy lâu vẫn không trở về?
Ba Thiên Thạch, Chu Ðan Thần cùng Ðoàn Dự thấy A Tử thốt ra những lời bất kính đối với phụ vương thì đều kinh hãi thất sắc.
Ta nên biết rằng A Tử nói vậy tuy là tình thực nhưng đạo làm thần tử có lý đâu dám bài bác đấng quân vương.
A Tử lại nói tiếp:
- Ca ca! Trong thơ gia gia nói vậy? Có nhắc gì đến tiểu muội không?
Ðoàn Dự đáp:
- Gia gia không biết Tử muội cùng ở với ta.
A Tử nói:
- Hừ! Phải rồi! Người không biết. Nhưng người có dặn ca ca đi kiếm tiểu muội không? Người có bảo ca ca chiếu cố cho đứa em đui mù không?
Trong thơ, Ðoàn Chính Thuần không có đề cập đến chuyện này, nhưng Ðoàn Dự lại nghĩ rằng nếu nói thực tình thì cô em phải đau lòng. Chàng liền đưa mắt ra hiệu cho Ba Thiên Thạch và Chu Ðan Thần để bọn họ thừa nhận việc phụ thân có sai bảo họ đi tìm kiếm A Tử.
Nào ngờ Chu, Ba hai người giả vờ không hiểu.
Chu Ðan Thần nói:
- Trấn Nam vương sai bọn hạ đi tuỳ tùng công tử trong công việc qua Tây Hạ cầu thân sao cho có kết quả. nếu không thì trở về Ðại Lý, tuy chẳng bị Vương gia hỏi tội, nhưng chúng ta cũng phải một phen mất mặt khó mà nhìn thấy ai.
Câu nói của Chu Ðan Thần tỏ ý vâng lệnh Ðoàn Chính Thuần đi giám thị Ðoàn Dự và phải cố tranh thủ cho bằng được ngôi phò mã nước Tây Hạ.
Ðoàn Dự nhăn nhó cười đáp:
- Ta vốn không hiểu võ nghệ, huống chi lại bị thương chưa khỏi, đề khí không được, thì làm sao so bì được với anh hùng hảo hán trong thiên hạ?
Ba Thiên Thạch lại nói:
- Trấn Nam vương sai tiểu nhân đến bái kiến Tiêu đại hiệp cùng Hư Trúc tiên sinh, xin hai vị vì nghĩa chi lan giúp công tử một tay. Trấn Nam vương còn nói: Trong khoảng thời gian ngắn ngủi vừa qua trên núi Thiếu Thất, người chưa được cùng hai vị chuyện trò nên sai tiểu nhân kính dâng bạc lễ.
Ba Thiên Thạch nói xong, lấy ra một chiếc ngọc bích chạm sư tử hai tay dâng lên Tiêu Phong, còn Chu Ðan Thần thì lấy trong bọc ra một chiếc quạt ngà. Trên quạt có bút tích của Ðoàn Chính Thuần đề tặng Hư Trúc.
Hai người tạ ơn, nhận lễ rồi nói:
- Công việc của tam đệ, dĩ nhiên bọn tại hạ phải hết sức giúp đỡ, hà tất Ðoàn Bá Vương còn phải căn dặn. Bá Vương ban cho báu vật, bọn tại hạ đâu dám lãnh thọ.
A Tử nói:
- Các vị tính gia gia có tốt bụng không? Người bảo thế để hai vị đừng có tranh ngôi phò mã của ca ca. Hai vị mà nhận lời tức là mắc mưu gia gia đó.
Tiêu Phong thở dài nói:
- Tỷ tỷ cô nương chết rồi khi nào ta còn có ý nghĩ đi lấy người khác nữa?
A Tử nói:
- Tỷ phu ngoài miệng tuy nói vậy, nhưng ai biết được lòng dạ thế nào? Hư Trúc tiên sinh trung hậu thực thà, không giống tiểu ca ca, quen nết phong lưu đàng điếm. Ta vẫn để ý thấy tiên sinh không giăng mắc tình duyên với một cô nào. Bây giờ qua Tây Hạ lấy công chúa, có phải tuyệt diệu không?
Hư Trúc thẹn đỏ mặt lên, xua tay lia lịa nói:
- Không, không! Tại hạ quyết định không làm thế. Tại hạ sẽ cùng đại ca ráng giúp cho tam đệ trong cuộc cầu thân này.
Ba Thiên Thạch cùng Chu Ðan Thần đưa mắt ra hiệu cho nhau, rồi phục lạy nói:
- Ða tạ hai vị có lòng chiếu cố cho công tử của bọn tiểu nhân.
Nên biết rằng, những bậc hào kiệt võ lâm đã nói câu gì là không bao giờ. Tiêu Phong cùng Hư Trúc đã nhận lời giúp đỡ rồi, Chu, Ba lại trịnh trọng nhắc thêm một lần nữa, thế là không sợ hai người trở giọng hối tiếc, mà còn khiến cho đoàn Dự khó lòng thoái thác. Ðoàn người đi về hướng Tây.
Khi gần tới Linh Châu, trên đường mỗi lúc một gặp thêm nhiều khách võ lâm.
Nên nhớ rằng, nước Tây Hạ tuy nhỏ không bằng Ðại Tống, Ðại Liêu nhưng cũng là một nước lớn miền Tây. Người võ lâm mà lấy được vị công chúa nước này thì thiệt là vinh hoa phú quý đến cùng cực. Trên đời còn có việc nào may hơn nữa. Có điều những nhân vật đã nổi tiếng trong võ lâm thì hầu hết đã có vợ con. Còn hạng thiếu niên tân tiến thì võ công chẳng mấy người rất mực cao thâm.
Trong bọn hào kiệt có cả những tay đại đạo ngoài sông biển, số đông là hào khách các bang hội, còn những người cô than thì chẳng có mấy.
Những người đến Linh Châu lại có cả những bậc anh hùng tuổi già dẫn con em cùng đồ đệ đi theo để cầu may. Số đông nghĩ rằng:
- Cuộc nhân duyên ở ngoài ngàn dặm đều do số phận tiên định. Chưa chắc võ công giỏi hơn người khác mà được sánh duyên cùng công chúa. Hễ công chúa ưng ý ai là người đó được làm phò mã.
Dọc đường gặp không biết bao nhiêu là thiếu niên anh hùng, áo xiêm rực rỡ, cả binh khí cũng rất tề chỉnh.
Một hôm, bọn Tiêu Phong đang buông tay khấu cho ngựa đi từ từ, bỗng nghe có tiếng vó ngựa dồn dập.
Một người cưỡi ngựa từ phía trước đi tới.
Người kỵ mã mặc quần áo rách tươm, trên cổ đeo một miếng vải trắng, ra vẻ cực kỳ hoảng hốt.
Bọn Tiêu Phong không để ý, chỉ cho là người này nếu không bị ngã thì bị đả thương, chẳng có chi là lạ. Ngờ đâu, lát sau lại có ba người cưỡi ngựa đi qua.
Những người này đều bị trọng thương, sắc mặt xám ngắt, ra vẻ bẽ bàng, cúi đầu xuống cho ngựa đi mau, không dám ngẩng nhìn mặt bọn Tiêu Phong.
Mai kiếm lẹ miệng lên tiếng:
- Phải chăng phía trước có cuộc ẩu đả? Không thì sao lại lắm người bị thương thế này?
Thị chưa dứt lời lại có hai người đi tới. Hai người này đi chân chứ không cưỡi ngựa, mặt đầm đìa những máu. Một người đầu trùm vải xanh, máu không ngớt thấm ra ngoài.
Trúc kiếm la lên hỏi:
- Úi chao! Ngươi có cần thuốc chữa thương không? Làm sao mà bị thương? Người này mặt mũi hung dữ, trợn mắt nhìn nàng rồi nhổ nước miếng đánh toẹt một cái cắm đầu đi ngay.
Cúc kiếm cả giận rút thanh trường kiếm đánh soạt một cái muốn chém theo người kia.
Hư Trúc lắc đầu nói:
- Mặc kệ người ta! Y bị thương nặng chẳng nên giận họ làm chi.
Mai kiếm nói:
- Trúc Muội vì lòng tốt hỏi y có cần thuốc trị thương không mà y lại tỏ vẻ vô lễ, để hắn đau chết đi là phải.
Giữa lúc ấy, bốn con ngựa chạy như bay tới nơi. Bên tả hai người, bên hữu hai người.
Bỗng nghe họ trỏ tay vào mặt mà mắng chửi nhau. Một người nói:
- Tại ngươi là con cóc, chê thịt thỏ mà muốn ăn thịt ngỗng trời. Sao không biết tự lượng bản lãnh được bao nhiêu mà đòi đến cung Linh Châu để làm phò mã?
Người bên kia mắng lại:
- Ngươi có bản lãnh gì, sao không qua được cửa quan? Bây giờ bị thua rồi lại sừng sộ với ta?
Người đối diện lại mắng:
- Giả tỷ không có kẻ phóng ám tiễn hại người, thì làm gì ta đến nỗi bị thua? Bốn người này vừa phóng ngựa thật nhanh vừa nói nên không thể nghe rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao. Lát sau, bọn người đãđi tới trước mặt, nhưng thấy bọn Tiêu Phong nhiều người,không dám tranh đường, liền kéo ngựa sang hai bên. Nhưng họ vẫn giơ tay chỉ chỏ, mắng nhiếc nhau và còn nghe họ nói vọng lại. Thì ra, bốn người này đều đến Linh Châu nhằm ngôi phò mã nước Tây Hạ. Nhưng dường như có một cửa quan nào phải đi qua mà bốn người này không qua được, lại bị trọng thương ở chân nên phải cụp đuôi chạy về.
Ðoàn Dự nói:
- Ðại ca! Tiểu đệ xem ra...
Chàng chưa dứt lời thì trước mặt lại có mấy người chạy bộ đến nơi.
Mấy người này đều mặc đồ tơ lụa. Có người bị sứt đầu, có người bị thương ở tay chân.
Chung Linh không sao dằn được tính hiếu kỳ, tung ngựa ra hỏi:
- Úi chao! Người giữ cửa quan phía trước ghê gớm lắm phải không?
Một Ðại Hán trung niên hắng giọng, rồi đáp:
- Cô là một thiếu nữ, đi qua thì không bị họ ngăn trở đâu, nếu là trai thì quay về đi là hơn. Y nói câu này khiến cho bọn Tiêu Phong, Hư Trúc đều lấy làm kỳ, đồng thanh nói:
- Chúng ta thử đi xem!
Rồi mọi người giục ngựa chạy thật nhanh.
Ðoàn người đi được chừng bảy, tám dặm thì thấy đường núi gập ghềnh mà chỉ lọt một người một ngựa vòng vèo đi lên.
Bọn người qua mấy khúc quanh thì thấy một đám đầu người đen sì.
Bọn Tiêu Phong ruổi ngựa lại gần thấy chỗ trên cao con đường này có hai Ðại Hán sóng vai nhau mà đứng. Cả hai người đều cao đến hơn sáu thước, to lớn dị thường. Một Ðại Hán, tay cầm cây thiết chữ, một gã hai tay cầm cặp đồng chuỳ. Hai gã nét mặt hầm hầm nhìn mọi người đứng phía trước.
Bọn người tụ tập ở đây ít ra có đến bảy tám chục. Họ bàn tán nhốn nháo. Mỗi người nói một câu.
Có người nói:
- Chúng tôi lên Linh Châu. Xin hai vị mở đường cho.
Có người hỏi:
- Hai vị ở đây đòi tiền mãi lộ chăng? Không hiểu hai lạng một người hay một lạng một người. Xin hai vị cứ nói đi, rồi chúng ta thương lượng.
Có người nói:
- Nếu hai người không mở đường thì sẽ bị đại hoạ.
Lại có người nói:
- Coi hai vị tướng mạo đường đường, oai phong lẫm liệt. Sao không đến Linh Châu để xin ứng tuyển làm phò mã, mà để nàng công chúa nguyệt thẹn hoa nhường lọt vào tay kẻ khác, há chẳng đáng tiếc ư?
Tha hồ cho bọn người đứng ngoài muốn nói gì thì nói, hai Ðại Hán thuỷ chung vẫn không nói gì.
Ðột nhiên trong đám đông có tiếng quát:
- Các ngươi nói nhẹ không ưa, lại ưa nặng. Nào có mở đường không?
Hào quang lấp loáng. Người đó vung kiếm lên, đâm xéo tới, nhằm vào gã Ðại Hán bên tả.
Ðại Hán bên này thân hình to lớn, lại mang khí giới cực kỳ trầm trọng. Ngờ đâu, gã hành động mau lẹ vô cùng. Gã múa tít cặp chuỳ đánh lại, ép hai quả chuỳ giữ chặt lấy thanh trường kiếm. Mỗi quả chuỳ nặng tới bốn chục cân đập mạnh một cái, khiến cho thanh kiếm đứt làm hai đoạn.
Ðại Hán lại phi cước đá ra đúng vào bụng đối phương.
Người kia kêu to lên một tiếng, bị hất tung ra xa bảy, tám trượng, nằm sóng sượt dưới đất. Người này cố lổm ngổm bò dậy mà không được. |
|
|