Đúng giờ đã thống nhất hôm trước, Chánh thanh tra Craddock và Trung sĩ Witherall bước vào văn phòng của Harold Crackenthorpe. Nằm trên tầng tư một tòa nhà đồ sộ giữa thành phố London, trụ sở doanh nghiệp này có vẻ ngoài phồn thịnh: đồ gỗ và cách trang trí siêu hiện đại và được lau chùi hết sức chu đáo.
Cô thư ký dáng lịch sự, vào báo cáo sếp, rồi ra dẫn hai vị khách vào phòng giấy giám đốc Harold trong bộ đồ may cắt rất đẹp, dáng tự tin, điềm tĩnh đứng đón khách.
“Không có vẻ ông ta đang bắt gặp bất cứ một khó khăn nhỏ nào”, Craddock thầm nghĩ.
Thái độ đón tiếp của chủ nhân rất niềm nở:
- Chào ông Chánh thanh tra! Tôi hy vọng hôm nay ông cho biết được những điều bí hiểm trong vụ án!
- Có lẽ ông sẽ phải thất vọng thôi, bởi tôi đến lại cốt để hỏi ông một số điều.
- Vẫn phải hỏi thêm kia à? Tôi đã trả lời ông tất cả những gì ông cần biết.
- Tôi công nhận các câu ông trả lời đều chính xác, tuy nhiên thủ tục tiến hành điều tra buộc chúng tôi phải làm rõ đến tận cùng.
- Vậy các ông cần biết về gì? - Harold hỏi. đã có vẻ bực bội.
- Thế này thôi: xin ông cho biết ông đã làm những gì buổi chiều và tối ngày 20/12, cụ thể là từ ba giờ chiều đến mười hai giờ đêm?
- Câu hỏi của ông rất lạ! Tôi chưa hiểu ông cần biết để làm gì?
Crackold khẽ nhún vai, đáp thẳng thừng:
- ... chỉ là tôi cần biết ông ở đâu và làm gì trong khoảng thời gian đó. Thứ sáu 20/12.
- Nhưng để làm gì?
- Chúng tôi cần tiến sát tới vụ án.
Thái độ lịch sự và lạnh lùng của viên thanh tra làm nhà doanh nghiệp lo lắng.
- Xin ông thanh tra nói rõ hơn được không? Nghe ông hỏi, tôi thấy sẽ phải hết sức thận trọng trong việc trả lời?
Câu trả lời làm Craddock khó chịu.
- Hoàn toàn không phải thế. Câu tôi hỏi không hề có nghĩa tôi coi ông là kẻ tình nghi. Bởi tôi đặt câu hỏi ấy cho tất cả những ai liên quan đến vụ án. Đây chỉ là thủ tục thông thường, xin ông hiểu cho.
Harold có vẻ hơi yên tâm:
- Thôi được! Thật ra tôi rất muốn giúp các ông trong phạm vi khả năng của tôi. Có điều câu trả lời của tôi khó nói ra đấy. Tuy nhiên doanh nghiệp chúng tôi làm việc nghiêm túc và cô thư ký Ellis, thư ký giám đốc, có thể cho ông biết chính xác.
Harold nhấc điện thoại, nói một câu. Liền sau đó, một phụ nữ trẻ xinh đẹp, trong bộ váy liền áo màu đen may cắt rất đẹp, bước vào, tay cầm cuốn sổ.
Sau nghi thức chào hỏi và giới thiệu, Harold ngồi vào ghế nệm.
- Cô Ellis, ông thanh tra cần biết giờ đến và giờ đi của tôi trong buổi chiều và tối...
- ... Thứ sáu 20/12, - Craddock nói cho rõ.
Harold nói tiếp:
- Tôi hy vọng, cô Ellis có ghi trong sổ về những thứ đó.
- Tất nhiên rồi thưa giám đốc.
Cô thư ký giám đốc chạy đi tìm sổ nhật ký biên, rồi lật các trang xem, quay về phía sếp nói:
- Sáng ngày 20, ông tiếp ông Goddie về cuộc họp Ban quản trị sắp tới. Sau đó ông ăn trưa với huân tước Forthville tại nhà hàng Berkeley.
- Tôi nhớ ra rồi!
- Khoảng ba giờ chiều ông về văn phòng, đọc cho cô thư ký vài thư từ. Tiếp đó ông giám đốc ra cửa hàng dự cuộc bán đấu giá một số bản thảo cổ. Sau đấy, trong ngày hôm đó, tôi không thấy giám đốc về văn phòng, nhưng tôi nhớ trước khi ra về, tôi có để lại một mảnh giấy nhắc giám đốc về bữa tiệc tối tại khách sạn Hotel Central.
- Cảm ơn cô Elliss, - Harold nói.
Cô thư ký giám đốc lặng lẽ cáo lui.
- Bây giờ thì tôi đã nhớ rõ mọi thứ, - Harold Crackenthorpe bình thản và trịnh trọng nói. - Quả hôm đấy tôi ra cửa hàng, nhưng cuộc bán đấu giá kéo dài quá lâu. Sau đó tôi ra phố Jermyn, vào một quán dùng bữa nhẹ, hình như quán Russel thì phải, nếu tôi không nhầm. Sau đấy, để giải toả, tôi vào rạp xem những tin tức cuối cùng, rồi về nhà, số 43 Công viên Cardigan, thay quần áo, đi dự bữa tiệc tại khách sạn Central bắt đầu lúc 19 giờ 45. Dự tiệc xong, tôi về ngủ. Vậy là ông thoả mãn chứ?
- Ông về nhà thay quần áo lúc mấy giờ ?
- Tôi không nhớ chính xác, có thể là sau 18 giờ.
- Bữa tiệc kết thúc lúc mấy giờ?
- Khoảng 23 giờ rưỡi.
- Hẳn gia nhân của ông mở cửa ... và bà Harold ...
- Tôi tự ý mở lấy vì có chìa khoá riêng. Còn vợ tôi thì đi nghỉ ở miền Nam nước Pháp từ đầu tháng 12.
- Có nghĩa không ai có thể xác nhận ông về đến nhà vào lúc mấy giờ?
Harold cau mày:
- Có thể mấy người làm nghe thấy. Nhưng thưa ông thanh tra...
- Tôi biết loại thẩm vấn như thế này làm cho người ta rất khó chịu, nhưng xin ông cố gắng một chút, chúng tôi sắp xong rồi. Vậy là ông có xe ô tô riêng?
- Vâng, một chiếc Humber.
- Và ông tự lái lấy?
- Tất nhiên! Nhưng tôi chỉ sử dụng xe đó vào kỳ nghỉ cuối tuần. Thời nay, không thể lái xe trong nội thành London được.
- Khi ông về dinh cơ Rutherford Hall, ông có đem theo ô tô chứ?
- Có, những khi tôi thấy cần ở lại đó một thời gian. Khi nào chỉ về trong một ngày, không ngủ lại tôi thường đi tàu hoả, đỡ tốn thời gian hơn. Khi đó cô em tôi, Emma, ra đón tôi ngoài ga.
- Tại London, ông để xe ở đâu?
Craddock mỉm cười:
- Theo công thức thông thường, tôi xin nói: thế là tạm đủ lúc này. Xin lỗi đã làm phiền ông thưa ông Harod Crackenthorpe.
Harold không có vẻ “tha lỗi” cho viên thanh tra.
Ra đến ngoài phố, Trung sĩ Witherall vốn bản tính đa nghi nói khẽ:
- Lão ta có thể khó chịu khi sếp thẩm vấn.
- Nếu cậu không phải kẻ gây án mà cậu lại bị nghi là gây án, cậu có khó chịu không? - thanh tra Cradock đáp. - Mà một người như Harold thì bực bội là chuyện càng dễ hiểu. Bây giờ ta cần biết xem có ai nhìn thấy ông ta trong cửa hiệu bán đấu giá hoặc trong quán giải khát Russel không? Về thủ tục thôi, chúng ta vẫn cứ phải làm, dù biết là vô ích. Suy cho cùng thì Harold rất có thể đáp chuyến tàu 16 giờ 33, đẩy người phụ nữ kia ra khỏi toa, rồi quay lại vẫn kịp dự tiệc khách sạn Central. Thêm nữa phải rất có thể anh ta dùng xe ô tô riêng để đem tử thi đi, đặt vào trong cỗ quan tài cổ, rồi bình thản quay về London
- Nhưng sếp có cho là đúng không?
- Đây chỉ là giả thiết. Lúc này cậu hãy nhớ Harold cũng cao lớn, cũng tóc đen, giống như nhận xét của bà Gillicuddy về hung thủ trên đoàn tàu bên cạnh, thêm nữa Harold lại biết rất rõ dinh cơ của Rutherford Hall. Cho nên chúng ta buộc phải xếp anh ta vào diện khả nghi. Bây giờ sang phần của Alfred.
Alfred cư trú trong một toà nhà ở ngoại ô Hampstead của thủ đô London gần đây và điển hình cho loại công trình kém phẩm chất.
Alfred thuê một phòng trong toà nhà. Gian phòng nói trên nói lên đúng bản chất của người thuê: Đồ gỗ chỉ có một chiếc bàn loại thông thường, một đi-văng để ngủ, bên trên bừa bộn các thứ và vài chiếc ghế cọc cạch.
Tuy vẻ ngoài niềm nở nhưng anh ta có vẻ lo lắng.
Anh ta với nói Chánh thanh tra Craddock.
- Thấy ông đến thăm, tôi hơi ngạc nhiên đấy. Mời ông dùng một ly nhé?
Vừa nói anh ta vừa lục trong ống chai lọ. Viên thanh tra làm một cử chỉ ngăn anh ta lại.
- Việc quan trọng đến thế kia ạ? - Alfred đùa vui
Craddock nghiêm giọng nói
- Anh làm những gì chiều và tối ngày 20/12?
Hơi giật mình một chút, Alfred nhún vai:
- Làm sao tôi nhớ được? Đã ba tuần rồi còn gì!
- Vậy mà ông anh của anh, ông Harold trả lời được đầy đủ đấy.
Có gì lạ! - giọng nói của Alfred có vẻ ghen tị - anh ấy là người thành đạt trong gia đình chúng tôi đấy: năng nổ, khôn khéo, làm ăn chính xác đâu ra đấy từng phút, từng mục. Nếu anh ấy gây án thì anh ấy cũng ghi lại từng động tác, từng sự kiện chi tiết.
- Anh nói thế là để làm gì? Anh có định trả lời những câu tôi hỏi không?
-Tất nhiên là có, khốn nỗi óc tôi là óc bùn, tôi chẳng bao giờ nhớ thời gian và địa điểm. Nhưng nếu là dịp nghỉ Noel vừa rồi thì có lẽ tôi có thể làm vừa lòng ông được. Bởi một dịp lễ lớn như vậy, tôi có nhiều chuyện đáng nhớ. Tôi đã về Rutherford Hall. Thật ra, tôi vẫn chưa hiểu tại sao tôi lại về, bởi cha tôi rất không muốn các con ông về, sợ tốn tiền cho chúng tôi ăn. Nhưng cụ còn cằn nhằn hơn nếu chúng tôi không về. Tóm lại, tôi về Rutherford Hall chủ yếu chỉ để thăm bà chị tôi, Emma.
- Thế là anh đã về đó, cách đây ba tuần?
- Đúng thế!
- Bà cụ Crackenthorpe đã bị một trận khó ở?
- Chứ còn gì. Cụ đang quen ăn nhỏ nhẹ như chim sẻ, tiết kiệm mà! Đột nhiên bữa hôm ấy cụ ăn như con yêu tinh!
- Anh cho rằng cụ bị rối loạn tiêu hoá? Anh tin là như thế chứ?
- Tôi chưa hiểu ông nói thế để làm gì?
- Bởi tôi nghe nói hôm đó bác sĩ Quimper rất lo lắng?
Alfred bác lại ngay:
- Xin ông đừng bao giờ tin vào lão lăng băm ấy, một thằng cha chuyên quan trọng hoá những chuyện rất nhỏ.
- Lạ đấy tôi lại thấy ông ta là một bác sĩ nghiêm túc.
- Một thằng ngu xuẩn thì có! Cha tôi có bệnh tật gì đâu? Tim cụ rất bình thường. Vậy mà mỗi khi cha tôi hơi làm sao là thằng cho lăng lăm ấy làm ầm ĩ cả lên! Vớ vẩn!...
Alfred tuôn ra một tràng với viên bác sĩ những ấm ức tích tụ lại từ lâu. Chánh thanh tra Craddock lại đợi cho Alfred dịu xuống rồi anh ta chuyển sang để tài khác:
- Sao ông quan tâm nhiều đến thời gian của hôm thứ sáu đến thế?
- Vậy anh nhớ hôm đấy thứ mấy?
- Tôi tưởng... chính ông đã bảo hôm đấy thứ sáu?
- Tôi chưa nói gì. Nhưng thôi, anh nói tiếp đi.
Alfred cau mày:
- Vậy ra ông quan tâm đến vụ... và ông cho lá thư chị Emma nhận được là của bà chị dâu chúng tôi thật hay sao?
- Anh đã gặp người phụ nữ đó lần nào chưa?
- Chưa.
- Sao bà ta không viết thư cho ông Harold ? Làm như thế tiện hơn chứ? Mà lại viết cho tiểu thư Emma!
- Dễ hiểu thôi. Anh Harold tôi rất nổi tiếng, báo chí rất hay nhắc đến họ tên anh ấy. Chị ta biết nói với anh Harold ít tác dụng. Hơn nữa Harold lại bủn xỉn. Trong khi chị Emma phúc hậu nhất là rất quý anh cả tôi, anh Edmund. Nói như vậy chưa có nghĩa là bà chị tôi vội vã tin ngay. Chị ấy đã nghĩ đến khả năng một kẻ mưu mô xoay tiền. Nhưng mặt khác chị ấy rất hy vọng, vội vã chuẩn bị mọi thứ đón tiếp người phụ nữ kia bởi cho rằng chị ta tin thật.
Chánh thanh tra Craddock nhận xét:
- Làm như thế là rất đúng. Ngày bà kia đến có được ấn định trước không?
- Có. Vào kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên sau lễ Noel.
- Vậy là dần dần anh đã nhớ lại được. Bây giờ ta quay lại vấn đề chính: chiều và tối ngày 20/12, anh ở đâu và làm gì?
Alfred lộ vẻ khó chịu:
- Khó trả lời ông quá. Quả thật tôi đã quên hoàn toàn.
- Anh thử cố gắng một chút xem!
- Đúng là tôi không nhớ nhưng có một điều chắc chắn: tôi không giết một người phụ nữ nào rồi giấu vào cỗ quan tài cổ trong bảo tàng của cha tôi!
Craddock làm bộ ngạc nhiên:
- Tôi có nói anh làm việc đó đâu? Tại sao anh tự nói ra như vậy?
- Thôi đi ông thanh tra, ông định điều tra một vụ án mạng, đúng như vậy không? Khi một thanh tra cảnh sát hỏi một người thứ ba rằng y làm những gì trong thời gian đó, có nghĩa ông ta định giăng bẫy chứ gì?
Mắt Alfred long lên, nhưng thanh tra Craddock có đủ kiên nhẫn để tránh "sẩy chân” những trường hợp như thế này.
- Tốt hơn hết là anh cho tôi biết những động cơ riêng tư khiến anh không muốn nhắc đến cái ngày thứ sáu ấy?
- Tôi ấy ư?... Vô ích, ông thanh tra, ông đừng hòng đưa tôi vào cái bẫy ấy. Tất nhiên chuyện tôi quên là điều có vẻ vô lý, nhưng biết làm sao được? Mà khoan đã! Tôi nhớ ra là trong tuần đó, tôi đi Leeds, ngủ đêm ở một khách sạn gần toà thị chính. Tên khách sạn là gì tôi quên mất rồi. Đêm hôm đó rất có thể là đêm thứ sáu.
Chúng tôi có thể kiểm tra lại, Craddock thản nhiên nói - rất tiếc là anh tỏ ra chưa hiểu chúng tôi. Mà chúng tôi hỏi anh chính là vì quyền lợi của anh.
Alfred làm một cử chỉ nhịn nhục:
- Tôi đành chịu vậy. Anh Cedric tôi có bằng chứng ngoại phạm, hôm đó anh ấy còn ở Ibiza! Harold ghi lại chi tiết công việc... tôi thì chẳng nhớ gì, không có bằng chứng ngoại phạm cụ thể thế nào... có chăng chỉ biết khẳng định là tôi không giết ai... Mà tôi bóp cổ một phụ nữ không quen biết để làm gì kia chứ? “Nếu tử thi trong cỗ quan tài kia đúng là của Martine, thì một thành viên trong gia đình Crakenthorpe giết chị được lợi gì? Trường hợp đấy là một phụ nữ đã kết hôn với anh Harold trong thời gian chiến tranh, bây giờ đột ngột xuất hiện thì chuyện lại khác. Tội lấy hai vợ, các ông biết chứ! Nhưng đây là vợ anh Edmund! “Tôi cam đoan nếu đó là vợ anh Edmund thì tất cả chúng tôi đều nói với cha chúng tôi chu cấp cho chị ấy một khoản để chị ấy có thể sinh sống! Không thể có chuyện căm ghét ấy! Thế nào? Bây giờ ông bằng lòng uống một ly chứ, ông thanh tra?... Nhất định không?.. Cũng được, tôi rất tiếc là không giúp thêm được gì cho ông.
Ra khỏi toà nhà, trung sĩ Witherall thì thầm:
- Tôi biết bây giờ chúng ta phải làm thế nào rồi!
Chánh thanh tra Craddock ngước lên nhìn viên Trung sĩ.
Anh ta nói tiếp:
- Tôi nhớ ra rồi, tên thằng cha này đã được đưa lên báo, liên quan đến một vụ lừa đảo gây tai tiếng ầm ĩ, cách đây ít lâu. Nhưng lần ấy thằng cha vô can, do không đủ chứng cứ kết tội hắn. Hắn rất ranh ma. Sau đó ít lâu, thằng cha Alfred Crackenthorpe này lại dính vào một vụ buôn bán trái phép đồng hồ Thụy Sĩ và tiền vàng...
Viên Chánh thanh tra cười, bây giờ thì ông hiểu tại sao ông thấy khuôn mặt Alfred ông đã nhìn thấy ở đâu rồi. Anh ta luôn làm những vụ lừa đảo, nhưng làm rất khéo, nên cho đến nay cơ quan pháp luật vẫn chưa kết tội anh ta được.
Cuối cùng Craddock nói:
- Bây giờ thì tôi hiểu ra được một loạt điều.
- Sếp có tin y là thủ phạm vụ...?
- Tôi chưa thấy cậu ta có dáng dấp một kẻ giết người. Và những phát hiện của cậu vừa rồi cắt nghĩa tại sao y không dám trả lời câu tôi hỏi.
- Nhưng không có bằng chứng ngoại phạm, y rất có thể dính vào vụ Rutherford Hall!
- Chưa chắc, kiểu viện cớ “quên” nhiều khi để tránh lộ ra những hành vi phạm pháp khác của đương sự. Thí dụ y không muốn khai ra là trong thời gian đó y đang tiến hành một vụ buôn lậu chẳng hạn.
Về đến Cục Điều tra, Chánh thanh tra Craddock ngồi ngẫm nghĩ một mình trong phòng giấy. Đột nhiên cuốn sổ tay, hý hoáy chậm rãi viết:
Hung thủ: Một gã đàn ông cao lớn và tóc đen.
Nạn nhân: Có thể là Martine, vợ goá hoặc người yêu của Edmund Crackenthorpe. Có thể là Anna Stravinska, người phụ nữ mất tích đúng vào thời điểm xảy ra vụ án. Hình dạng và quần áo chị ta có phần tương tự của nạn nhân. Nhưng có vẻ chị ta không thể có quan hệ nào với Rutherford Hall.
Ngừng lại một chút, thở dài, viên Chánh thanh tra ghi thêm:
Khả năng thứ ba, có thể là vợ trước của Harold: tội hai vợ, hoặc nhân tình cũ của anh ta: một kiểu tống tiền.
Dừng lại suy nghĩ một lát, Craddock ghi tiếp: Nếu Alfred dính vào vụ này thì cũng là do để bịt nhân chứng: người phụ nữ kia đã tình cờ biết được một trong những hành vi phạm pháp của anh ta, bây giờ đòi tiền nếu không thì báo nhà chức trách.
Cedric: chưa phải đã đứng ngoài vụ án. Có thể nạn nhân là nhân tình của ông ta ở Paris hoặc quần đảo Baleares...
Đừng quên Anna Stravinska có thể đã mạo danh Cartine...
Ngừng lại, rồi ông ta đấm mạnh lên mặt bàn giấy, ghi lời kết luận:
Cho đến lúc này, vẫn là một phụ nữ vô danh bị giết bởi một hung thủ vô danh!
Viên Chánh thanh tra ôm đầu: chưa thể phá vụ án nếu chưa tìm thấy một động cơ có thể chấp nhận. Khốn nỗi bao nhiêu động cơ mình nghĩ đến đều chưa có lý. Hay là ... ông bố? Suy nghĩ này khiến Craddock lưu ý, bởi ông ta ghi tiếp vào sổ tay.
Hỏi bác sĩ Quimper về căn bệnh của Luther Crackenthorpe. Yêu cầu Cedric một bằng chứng ngoại phạm chính xác. Xin ý kiến bà Marple.
|
|
|