Tôi ngồi ở bậc thềm, lòng buồn vớ vẩn. Bé Mai đến bên tôi, nhõng nhẽo:
- Anh Quàng, xếp tàu bay cho em đi.
Tôi mỉm cười, vỗ tay lên đầu em gái:
- Bé lại bàn lục cuốn tập cho anh.
Bé Mai là đứa em cùng cha khác mẹ với tôi. Tôi rất thương nó vì nó xinh xắn và ưa nũng nịu, lại thường sung sướng reo mừng mỗi khi tôi làm cho em một món đồ chơi nào đó. Những lần như thế, tiếng cười trẻ thơ, đôi mắt long lanh biết ơn của em khiến tôi ấm lòng.
Bé Mai là kẻ duy nhất mà tôi đã không sẵn sàng xù những chiếc lông nhím nhọn hoắt ra để đề phòng.
Mai đưa cuốn tập cho tôi. Vạch khoảng giữa cuốn tập, tôi chẳng ngại ngùng, giật ra một tờ giấy trắng tinh, lúi húi xếp một con tàu và một chiếc máy bay. Bé Mai xếp chân ngồi bên tôi, chăm chú nhìn và hỏi:
- Anh Quàng...
Em tôi chưa nói được những từ có âm H nên cái tên Hoàng của tôi trở thành Quàng, rất ngộ nghĩnh trên đôi môi nhỏ xinh xinh của em.
- Anh Quàng. Sao sáng nay anh không đi học?
Không muốn nói dối với em nhỏ, tôi giả bộ mãi xếp tàu, không nghe. Bé nói tiếp:
- Em thấy chị Kim Anh, anh Lú, anh Tú, anh Mít di học nè.
Tôi ngẩng phắt đầu lên:
- Em thấy thằng Mít đi học à?
- Có. Ảnh xách cặp đàng hoàng nè.
Cái thằng! Tôi rủa trong bụng. "Ðã bảo sáng nay đừng đi học, đã ừ è, giờ lại...Hèn nào mình chờ nó đến rủ đi chơi, nãy giờ chả thấy đâu."
Xếp thật nhanh hai món đồ chơi tôi đưa cho em. Bé Mai hí hửng thơm lên má tôi rất kêu rồi vòng tay trước ngực, em nhí nhảnh:
- Em cám ơn anh Quàng.
Em tôi lễ phép và lịch sự. Ðó là lề thói của gia đình tôi. Vốn là giáo viên, ba tôi không cho phép sự vô lễ. Nhưng với tôi, ông không còn khả năng dạy bảo nữa. Ngày mẹ tôi chưa mất, tôi cũng dễ uốn nắn như em tôi hiện nay. Sau này, vì những trận đòn của ông, vì hận ba và dì ghẻ là nguyên nhân cái chết của mẹ, tôi cố tình nói năng thô lỗ, cục cằn. Tôi muốn thấy ánh mắt ngao ngán, bất lực lấp loé trong mắt ba tôi. Những lúc đó tôi thấy thỏa lòng biết bao!
Tôi dịu dàng bảo bé Mai:
- Em ra sân chơi đi. Ðừng quấy rầy anh nữa nhé!
Ngồi lại một mình trên thềm, tôi tiếp tục nghĩ ngợi. Lẽ ra sáng nay tôi đi học. Tôi ít khi bỏ học. Không phải vì chăm chỉ, dĩ nhiên, mà vì ở trường có nhiều bạn để chúng tôi chọc phá, đùa nghịch. Nhất là ngôi trường đó ở kế bên nghĩa địa, mặc sức cho tôi cùng lũ bạn xuống chơi đùa bên mộ mẹ.
Nhưng sáng nay tôi không đi đến trường vì đã có chủ đích. Nguyên do là cô giáo thường hay kể chuyện cổ tích mỗi cuối buổi học. Bao giờ cô cũng như xếp các tiết học như thế nào để cuối cùng thừa ra năm phút.
Cô kể chuyện "ngày xửa, ngày xưa..." rất hấp dẫn với những nhân vật cổ tích: Hoàng tử, công chúa với những bà hoàng hậu chết sớm, rồi dì ghẻ, rồi mụ phù thủy...Tụi bạn trong lớp và cả tôi nữa rất thích vì cô giáo biết dẫn chuyện, kể diễn cảm và nhất là bao giờ câu chuyện cũng kết thúc rất tốt đẹp. Hoàng tử, công chúa hiền lành thì được sống hạnh phúc mãi mãi. Những bà dì ghẻ, những mụ phù thủy ác độc bao giờ cũng chết rất bi thảm.
Những lúc cô thôi kể, tôi vỗ tay tán thưởng lớn nhất và trong trí tôi ẩn hiện hình ảnh bà dì ghẻ tôi bị tan thây dưới những lằn chớp của thần sấm sét.
Nhưng có điều bất lực. Chỉ có năm phút để kể chuyện nên cô giáo mới kể một phần câu chuyện, thình lình cô tuyên bố, miệng cười dí dỏm:
- Ðứt phim! Thôi, bãi rạp, ngày mai sẽ chiếu tiếp đoạn sau.
Cả lớp cùng xuýt xoa tiếc rẻ. Bao giờ cô cũng lựa cái đoạn gây cấn, hồi hộp nhất mà đứt phim. Tức chết đi được ! Có năn nỉ bao nhiêu cô cũng không chiều, cứ giữ vững lập trường: 5 phút là 5 phút.
Và bao giờ, trước khi ra về, cô cũng dặn dò:
- Ngày mai các em đi học đầy đủ nhé. Cô sẽ kể tiếp. Nếu có bất cứ em nào nghỉ học, cô cũng không kể nữa.
Có bữa, sau khi kể chuyện năm phút, cô giáo thêm vô câu dặn dò:
- Nếu trong buổi học, có em nào cô gọi trả bài mà dưới điểm năm, cô cũng không kể chuyện trong ngày đó.
Nghe vậy, mấy đứa lười học bài nhìn nhau le lưỡi. Sáng hôm sau, tới trường, bọn nó tụm vào nhau truy bài rất nhanh. Cuối buổi học, cô bắt đầu kể chuyện mới "Thằng bé tí hon". Cũng đến đoạn hồi hộp, cô cho đứt phim. Cả lớp lại ồ lên tiếc rẻ. Nhưng lần này tôi không tiếc mà tôi đã hiểu ý đồ của cô giáo qua những lần làm đứt phim như thế. Ðây là một cách để dụ dỗ học trò đi học chuyên cần, không nghỉ ngày nào chớ gì.
Lúc sắp hàng ra về, đứng sau lừng thằng Mít, một thằng trước kia rất ưa nghỉ học, tôi bảo:
- Ngày mai mày và tao nghỉ học.
Mít quay lui, ngớ mặt ra:
- Sao nghỉ?
- Tao bảo nghỉ là nghỉ?
Thằng Mít xụ mặt:
- Tao không dại chi nghỉ. Cô đang kể tới đoạn hay quá trời. Không đi, làm sao nghe tiếp được?
- Nhưng tao bảo nghỉ, hiểu chưa?
Thằng Mít thường hay sợ món "độc cước" của tôi, vậy mà nó vẫn cãi:
- Tao tiếc lắm.
- Mày kêu bọn nó kể lại cho nghe.
- Xí! Bọn nó kể dở òm, sai tùm lum.
Tôi cáu, vung chân ra dọa:
- Mày có ưa tao phóng một cước vào ống sậy của mày không?
- Nhưng, tại sao phải nghỉ học?
Tao vung chận một lần nữa, dọa nó:
- Không nhưng, không nhị gì hết. Có ừ không thì bảo?
Nó miễn cưỡng gật đầu.
Vậy mà sáng này nó lại đi học!
Tôi mím môi, đá đánh bốp vào ngạch cửa. Tôi đứng vụt lên. Tôi cóc cần thằng Mít nghỉ học theo tôi hay không. Một mình tôi nghỉ học cũng đủ làm cho kế hoạch của cô giáo bị thất bại.
Tôi kéo chân lệt xệt ra khỏi ngõ, trong óc đang nghĩ đến địa điểm nào đó để đi phá phách một trận chơi.
Tôi đi thẳng xuống vườn rau của chùa Bảo Quốc. Leo lên một mô đất cao, tôi chui qua một lỗ hổng quen thuộc rồi tới nằm dài lên trên cành nhãn lớn tháp lè tè.
Trời vào tháng chạp nên rất lạnh, nhưng hôm nay không có mưa, chỉ âm u một màu buồn thảm. Buổi sáng ở đây tĩnh mịch quá. Có lẽ các thầy đang tọa thiền. Tôi chán ngán cái vẻ yên tĩnh này. Một mình, tôi mất cảm hứng phá phách. Tôi bỗng nhớ thằng Tý Cồ biết bao!
Thơ thẩn ra phía trước chùa, liếc mắt nhìn hai dãy nhà dành cho chư tăng, chẳng thấy ai. Tôi lắng nghe tiếng chuông mõ vẳng lại từ chính điện. Tôi yên trí đi dần tới.
Ở đây cũng vắng lặng: Có lẽ trời quá lạnh nên không ai muốn ra ngoài. Ðã lỡ tới đây nhằm quậy chơi, tôi cố tìm một trò gì đó khả dĩ làm tôi vui vui một chút.
Tôi chú ý tới cái bể cá rộng. Phía trên, hàng chục chậu bông lan treo lòng dỏng, đu đưa nhè nhẹ bên nhau và cùng soi bóng xuống hồ nước thả hoa súng đỏ và đầy cá vàng. Chạy tới bên, tôi thích thú ngắm bọn cá. Con nào cũng lớn bằng bụng tay tôi, bơi lờ đờ với cặp mắt trô trố. Tôi cúi người, cố chộp một con, nhưng hụt. Con cá bắn ra xa, tung toé nước lên mặt tôi. Tôi giật mình, ngẩng phắt đầu lên, ai dè đánh cốp vào chậu lan. Chậu hoa chẳng bị gì, nhưng đỉnh đầu tôi đau nhói. Ðể trừng phạt chậu lan, tôi bứt ngay một nhành bông đang rủ la đà xuống ngang tầm mắt tôi. Chà, cành hoa màu tím với những bông nở lớn, có màu vàng ở giữa, rất đẹp. Tôi ngắm nghía cành hoa và nghĩ đến mẹ. Bỗn một tràng tiếng người cất lên the thé làm tôi chột dạ:
- Nam mô a di đà phật! Ăn trộm, ăn trộm!
Tôi giấu ngay cành lan sau lưng. Liếc mắt vào chùa, chẳng thấy bóng ai đi ra, vững tâm, tôi thủng thỉnh tới bên con nhồng già đang đứng trên chiếc đũa sắt, trong chiếc lồng tre sơn đỏ. Hướng mặt về phía tôi, con nhồng lại ré cái giọng của mấy bà già ế chồng:
- Nam mô a di đà phật. Có trộm, thầy ơi!
Gài cành hoa sau lưng quần, tôi nhếch mắt nhìn con nhồng một lát rồi chắp hai tay lại, vái dài nó.
- Nam mô a di đà phật! Bạch thầy Nhồng "Thích ăn ớt" ạ!
Thấy tôi lịch sự, con nhồng thay đổi giọng điệu. Nó chúi đầu xuống như muốn lạy trả, rồi ré lên một hồi:
- Nam mô a di đà phật. Kính chào quí khách. Mời khách lễ Phật.
Thấy nó nói y như người, khoái quá, tôi nảy ra một trò chơi. Tôi đến sát hơn bên lồng chim. Nhỏ giọng nhưng rõ ràng, tôi dạy nó chửi:
- Bố tiên sư! Bố tiên sư!
Con nhồng không chịu nói theo tôi. Nó cứ réo:
- Nam mô a di đà phật. Kính chào quí khách. Mời khách lễ Phật...
Tôi bật cười nhưng vẫn cố nói dằn từng tiếng thật rõ ràng.
- Bố tiên sư! Bố tiên sư! Nói đi, nói đi, nghe rõ chưa, Bố tiên sư!
- Nam mô a di đà Phật...
Tôi bực, chửi to:
- Ðồ ngu, con khỉ mốc! Bố tiên sư mày!
Con nhồng mình đen, mỏ vàng xấu xí, bỗng bật lên:
- Bố tiên sư! Bố tiên sư!
Thích chí, tôi ngoác miệng ra, cười khanh khách. Con nhồng thật thông minh!
|
|
|