Chúng tôi về Hà Nội được ba tuần. Nhịp sống bình thường lôi cuốn con người nhanh hơn họ tưởng tượng. Ngay khi tôi trở lại hợp tác, tay thợ in tráng phim hợp đồng thanh toán công xá chuồn ngay. Anh ta để lại một đống phim sai tiêu chuẩn chưa tráng, hoàn toàn là những cuốn phim quá thời hạn sử dụng hoặc chụp sai sáng. Lại một túi phim khác, ghi dòng chữ: Gấp rút, cho công nhân xuất khẩu lao động”. Và túi thứ ba là của những nhân vật đặc biệt quan trọng với sinh mệnh và sự phồn thịnh của hợp tác nhiếp ảnh nên cũng phải chú ý ưu tiên… Tôi vùi đầu vào việc. Từ hôm chia tay, Vũ Sơn cũng biến mất. Anh phải chuẩn bị cho chuyến đi trọng đại tháp tùng vị lãnh tụ nhà nước. Tôi trù tính một tháng nữa tới chơi nhà anh. Lúc đó, chắc anh đã trở về.
Qua ba tuần làm việc căng thẳng, sớm chủ nhật tôi cạo râu thay quần áo định bụng tới quán điểm tâm ăn rồi cùng anh bạn đồng nghiệp lớn tuổi đến nhà một cô bé ở Hàng Nón - kháu mà lại hiền như thỏ - anh đã nói với tôi như vậy. Vừa cạo râu xong, chợt có tiếng gõ cửa. Tưởng người bạn đồng nghiệp, tôi nói vọng ra:
- Cứ vào!
nhưng tiếng gõ cửa lặp lại, khẩn thiết hơn. Tôi bỏ chiếc bàn cạo máy xuống. Lây khăn lau cằm rồi đi ra mở cửa. Người khách lạ là Thúy Hạnh. Cô làm tôi sửng sốt vì sự thay đổi. Trước đây vài tháng, từ tấm áo lụa cổ tròn tới chiếc quần nhại kiểu Jin đều toát lên vẻ nhã nhặn, khiêm nhường. Giờ, cô bận chiếc quần Jin nhung bó chặt cặp đùi, tấm áo sợi in những vòng tròn sặc sỡ và dòng chữ thách thức: Hãy yêu tôi đi! bằng tiếng Anh. Thêm vào đó, mái tóc uốn loăn xoăn như chùm lông đuôi của một con chích chòe bị xén tỉa khiến gương mặt cô ngổ ngáo lạ kỳ. Cô nhìn tôi chằm chằm, rồi cười:
- Anh Nam không nhận ra em phải không?
Tôi vội đáp:
- Nhận ra chứ. Mời cô Hạnh vào chơi.
Tôi kéo ghế mời cô gái ngồi, pha nước mới, tìm chiếc đĩa bày ít bánh ngọt có sẵn. Xong xuôi, tôi ngồi đối diện với cô trong trạng thái nửa tò mò, nửa nôn nóng vì việc riêng lở dở. Hạnh không uống nước, cô vào chuyện luôn:
- Anh Thanh Dương có để địa chỉ của anh cho em.
Tôi gật đầu:
- Vâng, tôi đã ghi địa chỉ cho Dương từ buổi tối ở quán trọ, ngày chúng tôi gặp và quen nhau.
Hạnh gật đầu:
- Vâng, anh ấy cũng kể cho em biết. Và anh ấy nói rằng: Ở đất Hà Nội này, anh ấy chỉ tin anh đủ khoan dung để giúp đỡ… và cảm thông cho chuyện riêng của chúng em.
Tôi lặng im, không biết nói thế nào cho phải. Cô gái ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp:
- Anh biết rằng em không thể tìm gặp anh Dương ở tại nhà anh ấy. Nhưng chúng em cũng không thể gặp nhau. Anh hãy nhắn giùm anh Dương rằng tám giờ sáng mai, em chờ anh ấy ở cuối đường Bà Triệu…
Hạnh nói những lời đó với vẻ quả quyết, không chút mặc cảm tội lỗi, không chút ngượng ngùng. Mắt cô sáng long lanh, ánh lên thứ ánh sáng quyết liệt của những võ sĩ ra đấu trường, hoặc giành vòng nguyệt quế trở về, hoặc lãnh một cái chết tàn khốc. Hạnh rút từ chiếc túi xách tay một gói giấy báo to:
- Em nhờ anh trao cho anh Dương gói này. Đây là bộ đồng phục mùa thu để anh ấy dùng vào những lúc hội họp hoặc tới các giảng đường nói chuyện. Em sẽ đan cho anh ấy một chiếc áo len dài tay kiểu mới để anh ấy mặc trong những ngày không quá rét, khi nào xong em nhờ anh chuyển giúp.
Tôi cười:
- Tôi sẵn lòng chuyển giúp Hạnh, nhưng chỉ e vợ anh Dương nghi ngờ. Một gã thợ tráng phim quèn như tôi làm sao đủ tiền và đủ rộng lòng để tặng bạn cả bộ com- plê lẫn áo săng- đay?
Hạnh cũng cười:
- Có thế em mới nhờ anh. Thắng hay bại là ở tài thuyết phục của anh.
Tôi hỏi tiếp:
- Cả hai người định đi tới cùng hay sao?
Cô trả lời, đầy vẻ xác quyết:
- Chúng em sẽ đi tới hôn nhân. Mặc dù sẽ co một khoảng thời gian khá dài để anh Dương thu xếp việc gia đình và trong khoảng thời gian ấy, người đau khổ hơn cả là em. Nhưng em sẽ chịu đựng, và em tin rằng em sẽ chịu được.
Tôi hỏi:
- Còn hai bác?
Hạnh đáp:
- Bố mẹ em gần như từ bỏ em. Nhưng em đã quyết. Giờ đây, giá ông bà em ở dưới mồ ngồi bật dậy ngăn cản, em cũng không đổi thay ý định.
Tôi nhìn cô ngại ngần buông câu hỏi chót:
- Liệu rằng… cô có tin rằng…
Hạnh mỉm cười, nụ cười của tuổi trẻ si cuồng, nhạo báng cả thần linh lẫn quỷ sứ. Và cô đáp lời tôi, giọng chậm rãi:
- Anh Dương yêu em… Em tin rằng không có một tình yêu nào mãnh liệt được hơn thế…
Mắt cô rực lên nguồn sáng của hạnh phúc. Và tôi biết, giờ đây, cô sẵn sàng nhảy vào lửa, sẵn sàng nuốt thủy tinh hay làm trò gì đó tương tự như thế để chứng tỏ rằng tình yêu của cô là mối tình siêu nhiên, vĩnh hằng.
Tối hôm ấy, tôi mang bộ quần áo tới nhà Thanh Dương. Thi sĩ đang bưng cám đổ vào máng cho đàn gà công nghiệp. Cả lũ gà béo ục ịch ở trong chuồng, thò mỏ qua kẻ hở mổ rào rào. Thanh Dương ra hiệu bảo tôi im lặng vì vợ anh đang ngồi rửa chén bát gần đó. Anh cao giọng khoe với tôi:
- Tôi mát tay nuôi gà lắm anh Nam ạ. Cả phố này, không gà nhà nào tăng cân và đẻ đều như nhà tôi.
Nói xong, anh rửa tay, lay tay. Rồi chúng tôi vào nhà. Đó là một căn hộ khép kín ở tầng dưới cùng của tòa nhà ba tầng. Nhà gồm hai gian, ngăn bởi tấm vải che khá dày. Vợ chồng Thanh Dương với hai đứa con ở gian ngoài, phía trong là mẹ vợ với hai cô em gái quá lứa chưa chồng. Mỗi gian rộng ước chừng hai chục thước vuông. Hai chiếc giường, một bộ bàn ghế bé tí xíu, một chiếc tủ đựng quần áo trên đặt máy thu hình, một chiếc tủ thấp vừa làm nơi đựng lặt vặt vừa là trạn thức ăn… Ngần ấy thứ đồ vật được dồn lại trong diện tích hạn hẹp đó. Hai đứa con trai của Thanh Dương trông sạch sẽ, bảnh bao đang bò lổm ngổm trên giường học bài. Chúng cất tiếng chào tôi khẽ khàng như nói thầm vậy. Thoạt tiên, tôi ngạc nhiên. Sau tôi nghe tiếng ho của bà cụ từ sau tấm màn vọng ra mới biết trong ngôi nhà này người ta buộc phải tuân thủ một kỷ luật nghiêm ngặt về thanh âm đến như thế. Thanh Dương pha trà mời tôi, nói năng cũng với giọng thì thào hệt như hai đứa con. Được vài câu trao đổi xã giao, vợ anh mang chồng bát mới rửa vào nhà. Chúng tôi chào nhau. Người đàn bà bảo chồng:
- Anh ra rửa nồi nấu cám gà rồi hãy vào nói chuyện.
Thi sĩ ngẩng lên nói:
- Đang dở tay sao em không rửa luôn đi?
Vợ anh đáp, giọng tỉnh khô:
- Việc ai người nấy làm.
Thanh Dương càu nhàu, nhưng anh cũng phải sẽ sàng xin lỗi tôi rồi ra ngoài sân. Lát sau, anh đem chiếc nồi đã được rửa sạch, treo vào trong góc bếp rồi trở lại tiếp tôi. Trong khoảng thời gian ấy, người đàn bà vớ tấm áo đang móc dở trên mắc xuống móc thoăn thoắt. Những ngón tay nhỏ và dài của chị như múa trên mặt vải. Hai cánh tay chị cũng thuôn thả. Duy chỉ gương mặt mỏng nhiều tàn nhang là gợi nên cảm giác cằn lụi, cay độc. Sau vài phút chuyện trò, tôi trao gói quần áo cho Dương, đưa mắt nháy anh ra ngoài. Tôi vừa cất tiếng chào vợ anh, Dương đã lẻn ra sân ngay, hệt như một tên tử tù được ra khỏi ngục thất. Khi chúng tôi ra tới đường, chắc chắn rằng mọi lời nói được đảm bảo an toàn, tôi hỏi:
- Chỉ vì yêu anh mà Hạnh ra Hà Nội sống hay sao?
Dương đáp:
- Vâng, cô ấy trở lại học y. Cô ấy cũng đem cả chiếc máy may sang đây để kiếm sống trong thời gian học đại học.
Tôi hỏi:
- Trong khoảng thời gian ấy anh sẽ thu xếp việc gia đình?
Thanh Dương thở dài và thay vì trả lời, anh cúi ưng thuận.
Tôi nói tiếp:
- Khi nào Hạnh ra trường các vị sẽ cưới nhau?
Thanh Dương liếc nhìn tôi, đôi mắt ẩm ướt sập xuống:
- Vân, đó là mong ước.
|
|
|