Hình ảnh và giọng hát của chàng nam sinh ca sĩ thoáng vương trong tâm hồn Quán Anh như hình ảnh của một cơn mộng. Và, cho dù hình ảnh đó có đẹp tới đâu thì cũng chẳng có ai lại đi hy vọng sẽ được gặp lại một lần nữa. Chẳng có ai điên dại tới độ đi ôm giấc mộng thoáng qua mà sống suốt đời.
Miêu Quán Anh đã không thể nào hy vọng rằng trong cuộc đời của nàng, sẽ có một dịp tương ngộ lại chàng nam sinh ca sĩ đó. Nàng cũng chẳng thể nào kỳ vọng rằng cuộc đời sẽ dành cho nàng nhiều thuận tiện may mắn hơn, để những tình cảm vừa mới nhen nhúm mơ hồ trong tim nàng, nó sẽ có thể nảy nở rõ ràng hơn.
Thế nên, sự viếng thăm của cha con Trương Tú đã đến thật vừa đúng lúc. Nó cất đi cho Quán Anh sự thiếu vắng cô đơn. Nó đem đến cho Quán Anh một bông hoa mà nàng đang muốn có.
Sợi giây liên kết giữa hai gia đình, sau một thời gian bị mất liên lạc, nay trở nên thân thiết hơn bao giờ.
Ông Trương Hồng và Miêu Tôn gặp nhau thường như mỗi ngày, như để bù đắp lại mười mấy năm hai người xa cách nhau vì hoàn cảnh.
Trương Tú cũng thường theo cha đến nhà ông bà Miêu Tôn. Do đó chàng cũng thường gặp được Quán Anh. Qua vài tuần tiếp xúc, một tình bạn chân thành đã nảy nở giữa hai người.
Quả như lời ông Miêu Tôn đã nói, Trương Tú là một thanh niên có tương lai.
Chàng đẹp trai, tươi trẻ mà điềm đạm. Chàng học giỏi và nhất là chàng sẽ là người duy nhất được thừa hưởng gia tài sự nghiệp to lớn của cha, nếu như sau này ông Trương Hồng không còn hoạt động hoặc qua đời.
Nhưng trên hết tất cả danh vọng, tiền tài mà cuộc đời đã dành sẵn cho tương lai Trương Tú, Quán Anh nhận thấy, chàng cũng là một thanh niên đáng mến. Trương Tú có một bản lãnh riêng và trong những câu chuyện trao đổi, Quán Anh nhận thấy chàng là một con người có nhiều khoan dung độ lượng, hiểu biết và nhân từ.
Đó là một thanh niên lý tưởng, để cho những thiếu nữ chưa chồng vào tuổi Quán Anh phải mơ ước.
Ông Trương Hồng và Miêu Tôn, nhất là bà Miêu Tôn nhận thấy tình cảm giữa Trương Tú và Quán Anh nẩy nở tương đồng rất hài lòng. Và, cho dù chưa có một buổi lễ chính thức, bà Miêu Tôn đã coi Trương Tú như con rể trong gia đình.
Cả Trương Tú và Quán Anh đã biết lời giao kết của cha mẹ khi xưa. Đều biết được những sắp đặt dự trù, mong ước của cha mẹ, thế nên, họ trao đổi tâm tình, tìm hiểu lẫn nhau trong niềm tương kính. Cả hai như đã cùng nhìn thấy tương lai của nhau, thấy con đường mà họ sẽ đi. Cả hai cùng như cảm thấy hài lòng.
Một buổi tối ông Trương Hồng đề nghị:
- Tôi thấy hai cháu nó có vẻ tương đắc với nhau, tôi muốn tiến hành một lễ hỏi chính thức trước. Chờ ba năm nữa, cháu Trương Tú đỗ xong đại học, ra trường rồi sẽ làm đám cưới, anh chị nghĩ sao?
Ông Miêu Tôn cười:
- Anh tính thế nào cũng được. Tôi thấy tụi nó không phản đối là tôi mừng rồi. Cái mộng mười bảy năm trước, mong được làm ông sui của tôi với anh đã thành.
Ông Trương Hồng cũng cười đắc chí:
- Anh mừng nhưng chắc không mừng bằng tôi đâu. Tất cả hy vọng cuộc đời của tôi sau này đều kỳ vọng vào cháu Trương Tú. Tôi không may phải sống cảnh gà trống nuôi con, chỉ có mình nó để nối dõi tổ tiên, sự nghiệp sau này. Nó không bị anh chị và cháu Quán Anh chê bỏ là tôi thấy toại nguyện rồi.
Bà Miêu Tôn góp lời.
- Bác Trương cứ nói quá lời. Chứ, cháu Quán Anh nó được cậu Trương Tú để ý tới và bác không nỡ chê là may mắn cho phần nó rồi.
Ông Trương Hồng cười vang.
- Những lời chị nói khiến tôi cảm động. Nhưng thôi, bao giờ thì anh chị cho phép tôi đem đồ sính lễ lại đây?
- Tùy anh...
Bà Miêu Tôn ngắt lời chồng.
- Mình nên coi ngày đàng hoàng.
- Vâng, mình phải coi ngày cẩn thận. ở nhà có sẵn tấm lịch nào không hở chị?
Thế rồi, ngày đám hỏi được chọn lựa kỹ lưỡng. Những cánh thiệp hồng được gửi đi, đẹp như những cánh bướm, chính thức liên kết sợi giây cầm sắc giữa hai dòng họ Trương-Miêu.
|
|
|