Không chỉ Nhạn, Dế và nhỏ Thơm biết bí mật của tôi . Anh Thoảng cũng biết. Anh vỗ vai tôi, nói:
- Chương tốt ghê!
Anh làm tôi ngơ ngác. Tôi trố mắt:
- Tốt gì kia anh?
- Chuyện dạy học đó!
Tôi ngạc nhiên:
- Anh cũng biết hả ?
Anh Thoảng cười: - Biết. Trước đây anh cũng định dạy cho chị em Út Thêm học, nhưng anh giỏi võ dốt văn, chữ nghĩa không bao lăm nên chưa biết làm cách nào . Nay có Chương giúp đỡ, chắc Út Thêm và thằng Dư biết đọc nhanh thôi!
Lời khen thành thật của anh Thoảng khiến tôi xấu hổ chín người . Tôi đâu có tốt như anh tưởng. Sở dĩ chiều nào tôi cũng mò xuống xóm Miễu dạy học bởi vì tôi mến Út Thêm. Tôi muốn gần gũi nó. Tôi muốn nhìn thấy đôi mắt long lanh và nụ cười răng khểnh của nó hằng ngày . Chính anh Thoảng mới là người tốt. Anh tự nguyện dạy võ cho tôi . Anh còn muốn dạy chữ cho chị em Út Thêm. Anh chưa bắt đầu bởi vì anh chưa biết cách đó thôi .
Kể từ hôm đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn về hành động của mình. Tôi cứ ngỡ khi hay ra việc làm của tôi, mọi người sẽ chòng ghẹo tôi ghê lắm. Nhưng không, chẳng ai trêu tôi đã đành, ai nấy đều đồng tình ủng hộ tôi . Điều đó khiến tôi vô cùng hân hoan và xúc động. Tôi nói với Út Thêm:
- Mọi người biết hết rồi!
- Biết gì kia ?
- Biết chuyện tôi đến đây dạy học ấy!
- Thì đâu có sao!
Vẻ mặt ngây thơ của Út Thêm khiến tôi phát bực. Nhưng tôi không dám xẳng giọng. Tôi chỉ thở dài:
- Thì đâu có sao! Tôi chỉ nói vậy thôi!
Cuộc đối thoại ngắn ngủi ấy làm tôi nghĩ ngợi miên man suốt cả tuần lễ sau đó. Tôi không hiểu tại sao Út Thêm vô tình lắm vậy . Tôi đã ngồi bên chân cầu nước chảy đợi nó đi chợ về ngang. Tôi đã lén lút bỏ "thư tình" vào chiếc giỏ nó cầm. Rồi ngày ngày tôi phải lội qua trảng cỏ mênh mông để đến nhà dạy nó học. Chẳng lẽ Út Thêm không hiểu gì sao ? Càng nghĩ ngợi, tôi càng ngao ngán. Thật chẳng bù với tụi con gái lớp tôi . Ngồi trong lớp, chỉ cần nhìn thấy cặp nào liếc nhau là tụi nó chọc tối mày tối mặt. Còn quan tâm lộ liễu kiểu như tôi, tụi nó biết tỏng tòng tong ngay "đối thủ" muốn gì rồi . Trong khi đó, Út Thêm khờ ơi là khờ. Tôi "ý đồ" như vậy mà nó chẳng hay biết gì hết. Chắc là nó nghĩ như anh Thoảng. Nó cho tôi là người tốt việc tốt. Và một khi đã làm thầy, hẳn tôi không nỡ lòng nào "thương" học trò. Ôi, làm gì có chuyện đó, Út ơi!
Suốt một thời gian dài, tôi cứ loay hoay trong những day dứt không đâu . Tuy vậy, những trăn trở đó không làm giảm nhiệt tình của người thầy trong tôi . Út Thêm và thằng Dư họch hành mỗi ngày một tiến bộ . Khoảng nửa tháng sau, hai chị em đã học xong vần ngược và bắt đầu tập đọc những đoạn văn ngắn tôi chép trong tập.
Dư đánh vần còn bập bẹ, nhưng mò mẫm một hồi nó cũng đọc xong những gì tôi viết. Út Thêm đọc trôi chảy hơn. Nó nhìn tôi, sung sướng:
- Anh Chương dạy giỏi quá! Út đọc được rồi!
Kết quả dạy và học của ba "thầy trò" tôi được mẹ Út Thêm đánh dấu bằng một bữa cháo gà căng bụng.
Bữa đó, ăn xong tôi ra ngồi cạnh gốc phượng trước sân, vừa lơ đãng ngắm mây bay vừa nghĩ ngợi vẩn vơ . Tôi nhìn theo những đám mây mùa hè đang lững lờ trôi về hướng thành phố và buồn bã nghĩ đến ngày chia tay sắp tới . Còn không đầy một tháng nữa, mùa hè sẽ chấm dứt. Tôi sẽ phải về lại thành phố để tiếp tục đi học. Từ đây đến đó, tôi sẽ cố gắng dạy cho Út Thêm và thằng Dư tập viết. Hẳn hai chị em sẽ viết được, chuyện đó tôi không lo . Tôi chỉ lo chuyện khác. Chuyện của tôi .
Không biết Út Thêm có hiểu tâm sự của tôi không mà nó bước ra sân, đến sau lưng tôi, khẽ hỏi:
- Anh ngồi đây làm gì vậy ?
- Có làm gì đâu! Tôi ngồi chơi thôi!
- Út thấy anh có vẻ buồn buồn!
Vừa nói, Út Thêm vừa nhìn đăm đăm vào mặt tôi . Nếu đủ can đảm, tôi sẽ nói cho Út Thêm biết tại sao tôi buồn. Lúc này là lúc thuận lợi nhất để tôi có thể nói với Út Thêm vì sao tôi lần mò xuống xóm Miễu dạy học. Vì sao hôm trước thằng Dư cho tôi uống nước căng bao tử ở ngoài suối mà tôi vẫn coi nó như em. Nhưng tôi không đủ can đảm. Chỉ nghĩ đến những điều đó thôi, tôi đã nghe tim mình thót lại, huống hồ gì nói ra miệng. Tôi đành tìm cách khác. Tôi đi đường vòng:
- Út Thêm nè!
- Gì anh?
- Các chị của Út Thêm ấy mà!
- Các chị ấy sao ?
- Tôi liếm môi:
- Các chị lấy chồng hết rồi hả ?
Út Thêm mỉm cười:
- Anh biết rồi mà còn hỏi!
Tôi ngó lơ chỗ khác:
- Thế còn Út Thêm thì sao ?
- Sao là sao ?
Tôi ấp úng:
- Sao là... chừng nào Út Thêm đi theo các chị ấy ?
Út Thêm ngơ ngác:
- Út đi theo mấy chị làm gì?
Tôi khổ sở:
- Tức là... ý tôi muốn hỏi chừng nào Út Thêm đi ... lấy chồng ấy mà!
Nói xong, tôi bỗng cảm thấy lo lo . Tôi sợ Út Thêm bảo tôi hỏi gì vô duyên. Nhưng nó chẳng tỏ vẻ gì trách móc tôi cả. Nó chỉ ửng hồng đôi má. Và mỉm cười:
- Tết này .
Câu trả lời gọn lỏn của Út Thêm khiến tôi choáng váng. Tôi như không tin vào tai mình. Tôi hỏi nó chừng nào lấy chồng là để kiếm cớ bày tỏ nỗi lòng của tôi với nó, chứ nào phải để nghe nó trả lời là sắp lấy chồng thật. Út Thêm mới có mười sáu tuổi mà chồng con gì. Tôi hỏi lại, giọng hoang mang:
- Tết này Út Thêm lấy chồng thật hả ?
- Thật mà.
Tôi lắc đầu:
- Tôi không tin! Út Thêm mới mười sáu tuổi kia mà!
- Nhưng tết này, Út mười bảy tuổi .
Tôi khịt mũi:
- Mười bảy tuổi cũng vậy thôi! Chẳng ai lấy chồng khi mới mười bảy tuổi .
Mắt Út Thêm long lanh:
- Chị Hai của Út đó! Chị Hai lấy anh Hai lúc mười bảy tuổi . Còn chị Tư thì lấy chồng hồi mười tám tuổi .
Út Thêm đem chị Hai, chị Tư của nó ra làm bằng chứng khiến tôi hết ham cãi . tôi giận dỗi đứng dậy và lặng lẽ bỏ đi . Út Thêm co vẻ hoảng hốt trước thái độ bất thường của tôi . Nó gọi giật:
- Anh Chương!
Nhưng tôi cứ phớt lờ. Tôi băng qua trảng cỏ may, lầm lũi trở về nhà, tai còn văng vẳng tiếng gọi của Út Thêm mỗi lúc mỗi rớt lại phiá sau .
|
|
|