Chiều bữa ấy, đồng hồ đã chỉ 5 giờ rồi mà Xuân vẫn còn nằm dựa trên chiếc ghế xích đu, mắt lờ đờ, trí tư lự. Tuy hồi trưa khi vợ chồng Quan về, cô Quế hẹn đúng 5 giờ cô với Quan sẽ đem xe xuống rước Xuân đi chơi, đi dài theo khoảng đường chợ gạo, An Lạc, Bình Điền đặng xem mấy đám lúa sớm đã chín và người ta đương bắt tay cắt đập, nhưng mà Xuân chưa chịu rửa mặt thay đồ, dường như không nhớ đến lời hẹn của bạn, hoặc không vui đi xem lúa, là hai việc thuở nay Xuân luôn luôn hăng hái.
Chừng nghe tiếng còi xe hơi bóp te te ngoài cửa. Xuân mới châu mày đứng dậy, song cũng không lật đật đi thay đồ, cứ bước lại cửa đứng ngó ra đường.
Cô Quế ngó thấy liền la lớn:
- Trời ơi, anh Xuân chưa thay đồ! Phải vô thúc ảnh mới được.
Vợ chồng Quan mở cửa xe leo xuống rồi nối gót bước vô nhà. Bây giờ Xuân mới chịu đi rửa mặt.
Quan la lớn:
- Riết đi toa. Đi sớm đặng coi lúa chín chơi. Họ nói năm nay lúa sa-mo trúng lắm. Mình đi sớm đặng 7 giờ về cho kịp mà dự tiệc của anh Triều.
Xuân nói:
- Ừ, ừ, chờ moa một chút, không trễ đâu mà sợ.
Nói xong Xuân liền lên lầu thay đồ.
Vợ chồng Quan biết Xuân đương ngụp lặn giữa lượn sóng khủng hoảng tinh thần nên không muốn thúc nữa, chỉ ngó nhau mà cười rồi đi xem mấy tấm ảnh treo chung quanh phòng khách. Phía trong có hai tấm hình rọi ra lớn và lồng trong khuôn kiếng chạm khéo. Đấy là hình ông và bà hội đồng, hai đấng sanh thành của Xuân, nay đã hoá ra người thiên cổ. Phía ngoài cũng có một tấm hình rọi ra lớn, mà là hình của một người pháp, tuổi trên năm mươi ấy là vị giáo sư đã tận tâm dạy dỗ Xuân nên Xuân luôn luôn mến yêu tôn kính.
Cô Quế xem cùng hết, rồi cô vịn vai Quan mà nói:
- Ba chữ quân sư phụ đã thâm nhiễu trong đầu óc người mình từ ngàn xưa. Anh Xuân tuy không nói tới quân vương song anh trọng quốc gia thì cũng vậy, bởi vì quân vương nếu cắt nghĩa rộng thì là quốc gia chớ gì. Còn trong nhà mà treo hình để suy niệm công ơn cha mẹ với thầy, thì rõ ràng anh biết trọng hai chữ sư và phụ. Người có tâm hồn như vậy mà không chịu lập gia đình, thiệt em không hiểu ý làm sao.
Quan đáp nho nhỏ:
- Anh Xuân bị chứng bịnh về tinh thần. Qua hiểu rồi, em đừng nói chi hết, qua sẽ lập thế trị bịnh cho ảnh. Qua sẽ trị được.
Cô Quế đối với chồng có một đức tin rất vững vàng, bởi vậy nghe chồng nói quả quyết thì cô mừng nên cô gật đầu mà cười và kêu lớn: "Anh Xuân! Riết đi chớ? Em nóng đi xem ruộng quá mà".
Xuân thay đồ rồi trở xuống từng dưới, nét mặt nghiêm trang, cứ theo vợ chồng Quan mà lên xe, không nói một tiếng chi hết.
Bầu trời xanh lét, mặt nước khô queo, cây cỏ hai bên đường khoe vẻ tươi cười, ngựa xe chạy trên lộ đua nhau rộn rực. Quan cầm bánh cho xe chạy, có Xuân ngồi một bên, lựa đường thẳng mà đi riết vô chợ gạo. Quan muốn gạy cho Xuân nói chuyện, nên day qua nói: "Trời mát đi chơi vui quá hả?" Xuân không đáp chỉ gật đầu mà thôi, làm cho Quan bịt đường gạy chuyện.
Xe qua khỏi Phú Lâm rồi thì mặt trời gần lặn, chói ánh sáng loè trên đồng ruộng phân nhiều màu, chỗ lúa mới đứng cái thì xanh rờn, chỗ lúa đương trổ bông thì xam xám, chỗ lúa gần chín thì vàng tươi.
Cô Quế ngồi phía sau kêu Xuân mà nói:
- Anh Xuân, cảnh nhà quê coi đẹp quá thấy không? Nếu em có một đám ruộng lúa gần chín kia và có một cái nhà ở đầu xóm giáp với đám ruộng đó thì em vui lắm vậy. Em sẽ dành với anh Quan mà đi thăm lúa mỗi ngày. Đến chừng gặt em cũng dành mà coi cho họ gặt. Em lấy làm tiếc cho cái mạng của em không được sanh ở nơi chốn thôn quê. Em làm đàn bà quê chắc em mạnh và vui lắm.
Mấy lời cảm ứng ấy làm Xuân động lòng nên cậu quay lại nói:
- Em sanh trưởng nơi chốn thị thành, mà sao em lại thích cảnh thú đồng ruộng?
- Em thích như vậy, có lẽ vì cảnh thú ấy phù hợp với tâm hồn của em.
- Vậy thì em ráng làm cho có dư tiền rồi biểu Quan mua một sở ruộng gần Sài Gòn để em lui tới thăm chơi.
- Đó là hy vọng của vợ chồng em, song chưa có tiền nên không dám nói ra.
- Em muốn như vậy không phải là quá đáng, với tánh cần kiệm của Quan và của em có lẽ sự muốn ấy sẽ thành sự thực.
Gần đến An Lạc cô Quế thấy một đám ruộng người ta đương gặt, cô la lớn: "Ngừng lại anh Quan, ngừng đặng em coi gặt chơi."
Quan liền ngừng xe dựa lề đường. Cô Quế rủ Quan và Xuân leo xuống coi chơi. Tuy trời đã gần tối rồi, song đám ruộng không còn lúa bao nhiêu nên năm sáu người còn gặt ráng, tính gặt cho hết rồi nghỉ.
Cô Quế đứng coi người ta gặt, cô vui vẻ tươi cười. Cái cảnh ấy không lạ gì với Xuân và Quan, nên hai cậu dắt đi chơi dài theo lộ.
Quang cảnh yên tĩnh ở thôn quê nó thường làm cho người ta thơ thới trong lòng rồi quên hết mùi lợi danh mà cũng quên hết cạnh tranh. Chắc là tại như vậy nên Xuân ngó mông trong cánh đồng mà thở dài mà nói với Quan:
- Nghĩ cho chí lý, con người lao tâm với sự hơn thua, cao thấp, hay dở thiệt là bậy quá. Cao làm gì, hay làm gì, chung cuộc rồi ai cũng phải chết, thế thì cái cao, cái hay đó có khác chi cái thấp, cái dở đâu.
- Ồ, toa thất chí lắm hay sao nên toa nói như vậy?
- Không, moa có thất chí chi đâu. Moa luận việc đời chớ.
- Làm người, nhứt là người Việt Nam ở vào thời đại nầy, chẳng nên để phưởng phất trong trí những ý tưởng toa vừa mới nói đó. Phải nuôi chí tiến thủ, phải tập tánh cạnh tranh mới được chớ. Bất luận ở địa vị nào, mình phải vui với đời sống của mình luôn luôn, dầu sang hay hèn, dầu giàu hay nghèo cũng vậy. Ở bực nào mình phải theo bực ấy, mình nhớ lấy nhân nghĩa đạo đức mà làm mục đích thì đủ rồi. Còn sự thành hay bại, có hay không, là những hình thức bề ngoài, không quan hệ gì lắm.
- Đó là thuyết của nho giáo.
- Ấy là đạo làm người quân tử.
Xuân suy nghĩ một hồi mới nói nữa:
- Moa khảo cứu vấn đề chấn hưng nông nghiệp tốn công phu nhiều lắm, nay việc ấy bất thành, moa bùi ngùi hoài, khó quên được. Vì vậy hồi nãy moa mới thổ lộ mấy lời làm cho toa nghi moa thất chí, nghĩ cũng phải.
- Moa khuyên toa đừng buồn, ở đời nầy tùy thời mà hành sự. Làm người quân tử hễ gặp hồi nên nói thì phải nói, gặp hồi nên nín thì phải nín, gặp hồi nên ra mặt đặng làm việc thì phải ra, gặp hồi nên ở ẩn để tu tâm dưỡng tánh thì phải ẩn. Nếu việc chấn hưng nông nghiệp không hợp thời thì tạm đình lại đó, có hại chi đâu mà buồn. Huống chi toa đã nhứt định đổi phương pháp, lo chấn hưng luân lý, soi sáng tâm hồn cho đồng bang trước rồi sẽ lo việc quốc gia lợi ích sau thì phải lắm, sao toa còn bồi hồi ái ngại làm chi vậy?
- Theo ý toa, thì bây giờ moa nên nín, nên ẩn dật hay sao?
- Phải, nên nín, nên ẩn dật mà chờ thời.
- Anh hùng phải tạo thời thế chớ.
- Thì lo chấn hưng luân lý, soi sáng tâm hồn cho quốc dân, để làm phú cường cho quốc gia, là tạo thời thế, chớ còn sao nữa.
Xuân gật đầu và chúm chím cười, rồi đứng ngó thẳng ra cánh đồng bát ngát, không cãi với Quan nữa mà cũng không cho Quan là phải.
Trời tối lần lần. Bây giờ mấy người liệu thế gặt không hết lúa kịp nên rủ nhau về để sáng mai sẽ gặt tiếp.
Cô Quế kêu Xuân với Quan mà nói:
- Tối rồi, thôi mình về, kẻo anh Triều ảnh chờ.
Xuân với Quan quay trở lại, rồi ba người lên xe quay về Sài Gòn.
Đúng 7 giờ xe quay trở về nhà hàng Đại Đồng. Triều thấy xe ngừng liền chạy ra tiếp rước.
Triều ồn ào bao trùm địa vị chủ và khách, vỗ vai Quan, ôm chặt Xuân, níu kéo hết vô nhà hàng, dành vấn đáp luôn một mình, không chừa chỗ cho anh em nói vô một lời nào được.
Vào nhà hàng, Xuân thấy ông bà Từ Tệt với cô Quyên thì chưng hửng, ngần ngại, lại có hơi thẹn thùng. Vợ chồng Quan cũng chưng hửng nhưng hội ý hân hoan, nên đi riết vô mà chào mừng. Xuân gắng gượng bước tới nói: "Cháu kính chào chú thím. Có em Quyên nữa kìa!...".
Ông bà Từ Tệt gật đầu cười. Cô Quyên đương chào mừng vợ chồng Quan mà nghe Xuân nói tới cô thì cô day qua ngó Xuân với cặp mắt vui vẻ, tiếp theo một nụ cười chân thành mà thanh nhã.
Xuân bợ ngợ trách Triều:
- Có chú thím lên chơi, vậy mà hồi sớm mơi moa hỏi, toa lại dấu moa chớ.
- Moa có dấu đâu, hồi sơm mơi toa hỏi giống gì? Toa hỏi tía má moa có mạnh hay không. Moa nói mạnh. Toa đâu có hỏi tía má moa lên Sài Gòn mà moa nói.
- Toa khó lòng quá!
- Moa dễ lắm, chớ có khó đâu. Có lẽ toa khó chớ không phải moa. Bao giờ moa cũng dễ luôn luôn.
Xuân rùn vai rồi nói với ông bà Tệt:
- Cháu ở bên tây về đã lâu rồi, mà cháu không xuống Bạc Liêu thăm chú thím được, thiệt cháu có lỗi với chú thím nhiều lắm, cháu thất lễ với chú thím là tại vì về Sài Gòn phải làm việc liền rồi lại còn lo công việc riêng của cháu nữa, nên cháu không đi được. Cháu cúi xin chú thím tha lỗi cho cháu.
Ông Từ Tệt hịch hặc đáp:
- Cháu về lâu rồi mà chú có hay đâu. Chú mới nghe thằng Triều nói mấy bữa nay đây. Thôi, mấy anh em ngồi uống chút rượu khai vị rồi còn dùng bữa.
Mấy anh em phân nhau mà ngồi hai bên. Bên nam thì ông Tệt ngồi giữa, ông biểu Xuân ngồi phía tay mặt và Quan ngồi phái tay trái của ông. Bên nữ thì bà Tệt ngồi giữa, cô Quế ngồi phía tay mặt còn cô Quyên ngồi phía tay trái của bà, thành ra Xuân với Quyên ngồi ngang nhau, rồi Triều nhắc nghế ngồi đầu, giữa Xuân với Quyên.
Triều kêu bồi biểu đem rượu khai vị. Bà Tệt vui vẻ nói:
- Mấy cháu tụ họp như vầy thiệt vui lắm. Thím mừng lắm. Năm trước mấy bà con mình ăn cơm tại đây, bây giờ cũng ăn tại đây nữa, mà cũng có đủ mặt hết, vậy ngộ lắm chớ.
Cô Quyên cứ ngó Xuân mà cười, mặt mày hớn hở, không lả lơi mà cũng không e lệ chút nào. Còn Xuân tuy thỉnh thoảng liếc cô một cái, song đủ thấy Quyên chẳng phải là "tiểu thơ mặt lọ" nữa, mà là một nữ nhi tề chỉnh, đàng hoàng, vì nước da đen lại dang nắng nên diện mạo không rực rỡ mỹ miều, song hình vóc đầy đặn với duyên dáng thiên nhiên giúp cho cô khỏi tiếng xú nữ.
Bà Tệt hỏi cô Quế:
- Cháu năm nay được mấy em rồi?
- Dạ, cháu được hai đứa.
- Giỏi đa!
- Thưa, cháu dở hơn anh Triều.
- Triều cưới vợ trước cháu Quan, tự nhiên phải có con trước nên hơn cháu một đứa, chớ có giỏi đâu.
- Cháu mong cho cô Quyên có chồng có con thì mới thiệt vui.
- Nói gì cái đó...!
Cô Quyên mắc cỡ liếc ngó Xuân rồi cúi mặt xuống bàn.
Ông Tệt day qua ngó Xuân vừa cười và hỏi:
- Nghe nói cháu qua Tây cháu chuyên học nghề làm ruộng phải không?
- Dạ, cháu học nghề nông.
- Được lắm, mình ở xứ làm ruộng, học nghề làm ruộng là phải hơn hết.
Cô Quế nói tiếp: "Thưa bác, anh Xuân có bằng kỹ sư nông phố, ảnh giỏi về nghề làm ruộng lắm bác, ảnh biết cách lựa giống lúa cho hợp đất, biết cách gieo mạ hợp thời, biết cách làm cho mùa màng khỏi thất, làm cho hột lúa nặng cân để bán cao giá. Ảnh giỏi lắm.
Ông Tệt gật đầu rồi hỏi tiếp Xuân:
- Bây giờ cháu làm Bác vật trong sở canh nông phải không?
- Dạ.
- Lương được bao nhiêu?
- Dạ, mỗi tháng được ba bốn trăm.
- Ít quá, có nghề thì ta ra làm ruộng chắc khá hơn nhiều.
- Dạ thưa, cháu không có ruộng.
- Cháu thấy không? Chớ chi hồi trước cháu không bán sở đất thì bây giờ cháu khoẻ lắm.
- Thưa, không bán thì lấy tiền đâu mà ăn học.
Cô Quyên nghe nói tới ruộng là việc cô ưa cô thạo, nên cô chen vô hỏi Xuân:
- Anh muốn làm ruộng mà vì anh không có đất nên anh cổ động địa chủ lập nông nghiệp liên đoàn phải không?
- Sao em biết qua lập nông nghiệp liên đoàn?
- Em xem nhựt báo.
- Té ra em hay qua về hay sao?
- Em hay, song em không dám đoán chắc. Trong báo anh ký tên: "Xuân, kỹ sư nông phố", em nghi là anh mà không biết có phải hay không. Anh lập liên đoàn xong chưa?
Xuân buồn thở ra mà nói:
- Qua cổ động mà vì địa chủ của mình nguội lạnh quá nên việc đó không có hiệu quả. Qua đã bỏ và chuyển công cuộc hoạt động sang việc khác rồi.
Ông Tệt nói:
- Ruộng của mình thì mình làm, bày hùn hiệp khó lòng lắm. Tại cháu mắc lo việc đó nên cháu không đi thăm chú được phải không?
Xuân thấy có cớ cho mình chạy lỗi, nên lật đật đáp:
- Dạ thưa, cháu mắc việc đó.
- Cháu bậy lắm. Nếu tại vì mắc lo việc như vậy mà không thăm chú được thì chú càng phiền thêm nữa.
- Xin chú tha lỗi.
- Tha không được. Chớ chi cháu xuống thăm chú trước, cháu nói chuyện cho chú nghe thì chú bày cho cháu làm, hễ làm thì chắc lợi lắm, chớ có phải như vậy đâu.
Triều nãy giờ lặng thinh, cố ý để dọ thái độ của Xuân, bây giờ mới hỏi Xuân:
- Toa lo việc đó không thành mà lại hao tốn nhiều chớ?
- Tốn chừng vài ngàn.
- Uổng hết sức!
Ông Tệt nói:
- Làm gì phải tốn, đừng có nói uổng. Làm việc gì cũng phải tốn, phải tốn trước rồi mới có lợi sau chớ. Tuy việc đó cháu Xuân làm không thành song đó cũng là một bài học, bài học mắc một chút. Nầy cháu Xuân, chú có một việc nếu làm được thì lợi lắm, lợi cho người làm, mà cũng lợi cho nhà nước nữa. Để rảnh rồi chú sẽ nói rõ ý của chú cho cháu nghe.
Xuân không tin nên hỏi:
- Thưa, việc chú nói đó thuộc về nghề nông hay nghề nào?
- Nghề nông, chớ nghề khác chú có biết đâu mà nói. Phải người biết nghề làm ruộng giỏi mới làm được. Cháu học nông nghiệp, có bằng cấp kỹ sư, có tài năng bác vật chắc cháu làm được.
- Cháu muốn biết liền coi việc ấy là việc gì?
- Không nên, chú muốn cháu đi xuống Bạc Liêu ở chơi ít bữa rồi chú sẽ tỏ hết việc đó cho cháu hiểu.
- Cháu mắc làm việc, cháu đi không được.
- Xin phép, cháu xin phép nghỉ một tuần hoặc mươi bữa mà đi với chú.
Xuân dụ dự. Triều vui vẻ nói lớn:
- Ừ, được đa Xuân. Moa mời vợ chồng Quan đi nữa. Hai người xin phép một tuần lễ rồi đi với moa. Sáng mai xin phép đi, moa ở nhà moa chờ.
Cô Quế nói:
- Nếu anh Xuân chịu đi thì vợ chồng em đi. Em đem hai đứa nhỏ theo đặng đo với con anh Triều chơi.
Quan nói:
- Phần tôi chắc sẽ xin phép được.
Triều thôi thúc:
- Kìa Xuân, vợ chồng Quan chịu rồi kìa. Toa xuống dưới rồi đi Cà Mau xem sở đất của toa hồi trước. Nè sở đất đó mấy năm nay em Quyên lãnh lo khai phá, mùa nầy cấy lúa giáp hết, tốt lắm toa ơi, toa xuống toa coi.
Cô Quyên coi bộ tự đắc nên ngó ngay Xuân mà cười.
Ông Tệt tiếp luôn:
- Con Quyên không có học Bác vật canh nông gì hết, mà nó làm coi cũng được. Lúc nầy lúa đương nở, cháu Xuân xuống coi, như phải đào mương đắp đập gì thì chỉ dùm cho nó.
Cô Quế xen vào:
- Cháu ham ruộng lắm. Xin phép đặng đi chơi, anh Xuân; đi xuống coi ruộng cô Quyên chơi mà.
Cô Quyên nói:
- Nếu được anh Xuân, anh Quan, chị Quế xuống ruộng của em mà chơi thì em mừng lắm.
Hết thảy đều áp vô đốc Xuân, làm cho Xuân không thể nào cáo thối được, nên hứa sáng mai sẽ xin phép mà đi.
Ai nấy đều vui vẻ bàn luận cuộc hành trình. Triều hứa sẽ ở chờ Xuân với Quan xin phép đặng đi một lượt. Tính chừng đi thì cô Quế sẽ đi xe lớn của Triều, còn Quan, Xuân, Triều sẽ đi xe nhỏ của Quan đặng dọc đường nói chuyện chơi cho vui.
Ăn uống bàn luận đến mười giờ mới mãn tiệc.
- o O o -
Chiếc xe hơi của Triều chở ông Tệt và bà Tệt, cô Quyên, cô Quế hai đứa con Quan và chị vú. Xe sức mạnh tới 18 mã lực lại mới mua có mấy tháng nay nên máy còn mới, bánh còn tốt, chạy mau như giông, đã đi trước lâu rồi. Chiếc xe hơi nhỏ của Quan, Triều dành cầm tay bánh, bắt Xuân ngồi một bên để chủ xe ngồi phía sau, thủng thẳng chạy lần theo con đường Mỹ Tho lúc sớm mai mặt trời vừa mới mọc.
Hai bữa rày Triều không nhắc đến chuyện duyên nợ nữa, mà cô Quyên vẫn tự nhiên, cô không tỏ vẻ quyến luyến hay thân ái chút nào bởi vậy Xuân vững bụng an lòng, tưởng Triều bày chuyện nói chơi cho vui, nên không lo đến chuyện gia thất ràng buộc nữa.
Ba cậu trẻ trai hăng hái, lại được xem cảnh tươi tốt bình minh, tự nhiên vui vẻ tràn trề, nói nói cười cười, nhắc chuyện đã qua, bàn chuyện sẽ tới.
Quá mười giờ ba cậu xuống tới Cần Thơ. Biết chiếc xe lớn đã đi riết về Bạc Liêu mà ăn cơm trưa, nên ba cậu không tính theo nữa, ghé vô nhà hàng kiếm đồ lót lòng rồi sẽ đi sau.
Tuy từ ngày ở bên Tây về. Xuân đã có xuống Bình Thủy mà thăm nhà cửa mồ mả, nhưng mà hôm nay tới Cần Thơ, Xuân vẫn nao nao nhớ cảnh cũ làng xưa, Xuân tỏ ý muốn về Bình Thuỷ thăm nhà, Quan với Triều thuận theo liền, nên ăn uống no rồi ba anh em mới lên Bình Thủy.
Ông dượng với bà cô ở coi nhà dùm cho Xuân, vì được hưởng huê lợi sở vườn, nên ân cần lo dọn dẹp trước sau đều sạch sẽ. Mồ mả cha mẹ ở phía sau cũng vậy, ông dượng có trồng bông chung quanh nên quang cảnh không đến nỗi âm u sầu não. Xuân dắt hai bạn đi xem từ trong nhà ra ngoài vườn, đi viếng mồ mả, ở chơi trót giờ rồi mới lên xe đi Bạc Liêu.
Hai giờ chiều xe tới nhà Triều, cả nhà đều ra cửa đón ba cậu. Triều kêu sốp-phơ dạy coi mang hành lý vô nhà và đem xe vô nhà rồi chùi rửa cho sạch sẽ.
Thằng bé Minh ôm mừng Quan, thằng bé Ngọc với con Nhân ôm mừng Triều, nói tiếng líu lo, tỏ ý mến yêu chân thật, vẽ ra rõ ràng một bức tranh "Phụ tử đoàn viên" hay muốn nói rộng ra là bức tranh "Gia đình sum họp" có nét tươi cười pha lẫn nét đậm đà mật thiết. Ông Tệt, bà Tệt đứng ngó bức tranh thiên nhiên ấy, trong lòng khuấy động, càng vững chắc trong cái hy vọng "Phụ truyền tử kế" mà cũng thoả mãn về những công phu "Sáng nghiệp khai cơ". Vợ Triều và vợ Quan cảm động nhiều hơn hết, cảm động mà sung sướng, cảm động mà tự hào về công lao của mình đã giúp gây dựng chút hạnh phúc ấy giữa bến mờ biển khổ.
Cô Quế liếc thấy Xuân với cô Quyên đứng ngoài vòng cái bức tranh hạnh phúc ấy thì cô nao lòng, nên cô vỗ vai cô Quyên mà an ủi: "Rồi đây cô cũng sẽ như chúng tôi". Cô Quyên ngó Xuân mà cười, cái cười đầy thân ái, đầy hy vọng, Xuân cúi mặt xuống không nói gì hết, mà như có hơi gió lạnh phất vào tâm can!
Cô Quyên tự nhiên hỏi Xuân: "Xe tới trễ, em chắc vì anh Xuân ghé Bình Thuỷ mà viếng mộ hai bác, phải vậy không anh Xuân?" Xuân gật đầu, cô Quyên đắc ý nói tiếp: "Em đoán trúng thấy không chị Quế?"
Triều tiến dẫn vợ con cho Xuân và Quan biết, rồi Triều bồng con Kim, Quan vác con Phượng vô nhà.
Một nhà vui vẻ giữa buổi chiều thu đầm ấm mà trong xanh. Bầu không khí thân yêu bao trùm các mặt cố giao hoà hiệp. Một lúc sau ai nấy đều rã ra, người xuống nhà xe, người ra ngoài sân, người ra sau vườn mà chơi. Cô Quyên thấy Xuân một mình thơ thẩn trước hàng ba, thì cô mở tủ lấy mấy tấm hình của Xuân chụp hồi trước đem ra cho Xuân xem và nói: "Đây, anh nhớ mấy tấm hình nầy không? Em lộng kiếng rồi cất trong tủ luôn, nên hình không phai, còn rõ như hồi mới chụp."
Xuân cầm xem, ngó hình và ngó cô Quyên, miệng chúm chím cười.
Cô Quyên cũng cười và hỏi:
- Tại sao anh cười? Có phải anh thấy hình em hồi trước khác với em bây giờ phải không?
- Khác xa lắm.
- Lớn rồi khác chớ sao. Mấy tấm hình anh giữ hồi trước, bây giờ anh còn hay không?
- Còn chớ, qua gắn trong quyển "album". Hôm qua, qua cậy Triều mời chú thím với em lại nhà chơi cho biết. Chú thím đi, sao em không đi? Chớ chi có em lại thì thì em đã được thấy mấy tấm hình đó.
- Hôm qua má và tía có biểu, song em không chịu lại nhà anh.
- Sao vậy?
- Anh phải đến nhà em mà thăm trước, rồi sau em sẽ thăm lại. Làm như vậy mới trúng lễ chớ.
- Bây giờ qua xuống thăm em rồi đây. Sau em có đi Sài Gòn, em chịu ghé thăm qua không?
- Đây chưa phải là nhà em, nhà em ở dưới Cà Mau kìa.
- Mai mốt qua sẽ đi với anh em xuống dưới, xuống coi tài làm ruộng của em ra sao.
Cô Quyên cười mà nói: "Gái nhà quê mà tài nỗi gì?".
Xuân muốn thấu hiểu tận đáy lòng của Quyên để quyết định thái độ chọn Quyên khỏi lầm, mà ra mình là người chân chánh nên Xuân ngó ngay cặp mắt cô mà hỏi: "Triều nói với qua rằng em chờ qua. Thiệt có như vậy hay không?".
Cô Quyên day mặt ngó ra sân mà cười, chớ không trả lời. Xuân đã hiểu ý nên thở dài. Trả mấy tấm hình lại cho cô rồi nói: "Không nên".
Cô Quyên quay lại hỏi chậm rãi:
- Sao vậy?
- Tâm hồn của qua không có đủ điều kiện khả dĩ gây hạnh phúc cho đời em được.
- Em sợ anh hiểu lầm.
- Không lầm đâu. Qua biết qua hơn là em biết.
- Tự ý anh!
Cô Quyên nói ba chữ sau với giọng đau đớn, với sắc mặt u sầu làm cho Xuân là người đa cảm, lấy làm khó chịu hết sức. Cô ngó mấy tấm hình và nói:
- Mấy năm nay, chiều bữa nào đi xe hơi với chị hai, em thường đi những chỗ mình đã đi hồi trước. Ra mấy chỗ đó em vui quá.
- Em có trở lại chỗ chùa Thổ đó hay không?
- Anh còn nhớ chùa Thổ hay sao? Chỗ đó em đến chơi thường hơn hết. Bây giờ chùa cất lại đẹp lắm, mà cây cũng đã lớn hơn hồi trước, nên cảnh xem thú vị hơn nhiều. Sáng mai anh lấy xe đi ra đó mà coi, tuy khác hơn trước, mà em ngó vẫn nhớ cảnh hồi trước.
- Có lẽ qua sẽ rủ Triều với Quan đi.
- Anh nên đi lắm. Anh hai có máy chụp hình lớn. Như đi thì chắc anh đem theo máy đặng chụp hình hết anh em để kỷ niệm chơi. Kìa, anh hai em vô kìa, để em dặn trước ảnh.
Cô Quyên với Xuân bước xuống thềm đón rước Triều và Quan đương ở dưới nhà xe đi lên. Cô Quyên xúi Triều sáng mai mời hết anh em ra Sóc Đồn chụp hình, Triều chịu và nhứt định sáng mai dậy sớm đặng đúng sáu giờ rưỡi đi. Bữa cơm chiều vui vẻ, mà tối ấy cũng rất vui vẻ, các anh chị em hiệp nhau trò chuyện, tình hòa nhã chan chứa, niềm thân yêu mặn nồng. Ông bà Tệt ngồi ngó con cháu vầy đoàn thì hân hoan hết sức.
Ông Tệt định ngày mai ở Bạc Liêu chơi một bữa, sáng mốt cả nhà đi hết xuống Cà Mau rồi sẽ chỉ mối lợi lớn cho Xuân và Quan biết. Ông cứ giữ bí mật chuyện đó mà ông cũng chẳng hề nói tới nhân duyên của cô Quyên làm cho Xuân không hiểu rõ ý ông nên cậu chơi mà trong lòng ái ngại.
Bữa sau mới tảng sáng mà Triều đã thôi thúc dọn đồ ăn lót lòng cho mau, đặng đi chơi cho sớm, Triều lấy xe lớn đem ra bổn thân cầm tay bánh, bắt Xuân và Quan ngồi ở phía trước, chừa hết phía sau cho đàn phụ nữ với sắp nhi đồng. Bà Tệt thấy phía sau có ba chỗ ngồi với hai chiếc ghế mà phải chất chứa vợ Triều, vợ Quan, cô Quyên, với năm đứa nhỏ chật cứng thì bà không bằng lòng. Bà muốn lấy thêm cái xe lớn cũ nữa biểu sốp-phơ cầm bánh mà đi cho rộng. Mấy cô muốn đi chung cho vui nên xin đi một xe, sắp nhỏ để ngồi trong lòng mỗi người nên không chật gì lắm.
Mặt trời ló dạng. Ngoài đường người ta đi chợ dập dìu. Triều hỏi đi đâu thì cô Quyên khuyên đi Sóc Đồn đặng chụp hình lấy cảnh chùa Thổ. Sớm mai giọt sương đọng trên lá lúa, ánh nắng như chưa xoá tan, bởi vậy lúa gần đứng cái mà ngọn cứ là đà làm cho đám ruộng bằng thẳng ở trên, bằng thẳng mà phơi màu xanh lặc lìa, cái xanh thiên nhiên xem vừa vui lòng, vừa khoẻ mắt.
Cô Quyên lãnh ôm cả cháu Minh lẫn cháu Ngân trong lòng, ngó thấy giạng cây Sóc Đồn xa xa thì cô hân hoan kêu Xuân mà nói: "Anh Xuân, cái chùa Thổ chỗ lùm cây cao đó, thấy không?".
Xuân day lại đáp: "Qua không nhớ chỗ nào hết."
Mấy lời lạt lẽo ấy làm cho sự hân hoan của cô Quyên giảm đi hết phân nửa. Tuy vậy mà cô còn gượng mà nói thêm: "Em nhớ năm trước, lúc em và anh đi chơi đó, thì lúa cấy mới rồi. Bây giờ lúa đã gần trổ, nên quang cảnh tự nhiên xem khác. Em nhớ như chuyện mới vừa hôm qua."
Có lẽ Xuân ăn năn mấy lời vô tình hồi nãy, nên lật đật đáp:
- Phải, phải. Bây giờ qua nhớ rồi. Mình đi buổi chiều, qua chụp hình em, rồi mình đi dọc theo lộ mà chơi.
- Ừ, dưới ruộng có mấy chị Thổ hái rau chóc, đội thúng đi về.
- Phải. Em nói em ưa cảnh đồng ruộng, em ở chơi đến tối mà em cũng chưa muốn về.
- Anh nhớ đủ hết, vậy mà hồi nãy anh nói anh không nhớ chớ.
- Lâu quá ... tám, chín năm rồi.
Cô Quế cười và nói:
- Anh Xuân vô ý luôn luôn! Ảnh không chịu nhớ chuyện gì hết. Hay là ảnh làm bộ quên, đặng gạt cho người ta nhắc chuyện xưa cho ảnh nghe.
Quan day lại đáp với vợ:
- Em nói trúng lắm.
Xuân ngồi im, dường như không nghe lời châm chích của vợ chồng Quan.
Xe tới Sóc Đồn. Triều ngừng ngay trước chùa Thổ. Mấy anh em leo xuống đi chơi. Cô Quyên nhắc chụp hình. Bây giờ mặt trời đã lên cao, có ánh sáng vừa chụp hình lắm. Triều lấy máy ra. Quan bồng dùm bé Phượng cho vợ. Cô Quế nắm dắt bé Minh. Vợ Triều bồng bé Kim, cô Quyên dắt cháu Ngân và cậu Xuân dắt dùm cháu Ngọc.
Cô Quyên ngó quanh quất rồi chỉ một chùm cây lớn mà nói:
- Anh Xuân, năm xưa anh chụp hình em trước lùm cây nầy đây. Anh nhớ không? Cây bây giờ cao lớn hơn hồi đó. Vậy mình lại đứng đó mà chụp nữa, chụp chung hết, để kỷ niệm chơi.
Xuân gật đầu rồi dắt cháu Ngọc đi lại lùm cây. Cô Quyên dắt cháu Ngân đi theo; hai người đi sóng đôi nhau mỗi người có dắt tay một cháu nhỏ.
Vợ chồng Quan còn lụi đụi ở chỗ xe đậu với vợ chồng Triều, Quan thấy Xuân đi với Quyên thì kêu mà nói: "Anh Triều, coi kìa. Cặp đó coi phải quá. Hai vợ chồng dắt hai đứa con đi chơi. Vậy là một gia đình có đầy đủ hạnh phúc chớ còn đợi gì nữa. Nếu Xuân cứ đeo theo chủ nghĩa "Vô gia đình" thì thiệt là điên."
Triều vừa ráp máy chụp hình, vừa đáp:
- Đừng thèm nói. Moa thấy rồi. Con Quyên bây giờ không phải là con Quyên hồi trước đâu. Nó sẽ phá chủ nghĩa vô gia đình của Xuân cho mà coi.
Cô Quế nói:
- Em coi chủ nghĩa đó đã bắt đầu lung lay rồi.
Triều chúm chím cười mà tiếp:
- Qua chắc xuống Cà Mau là sập liền chớ không phải lung lay mà thôi đâu.
Quan nghe vậy ngạc nhiên nên hỏi Triều:
- Sao vậy? Cà Mau có cái chi bí mật hay sao?
- Xuống dưới rồi sẽ biết.
Triều ráp máy rồi kêu hết lại đứng trước lùm cây đặng lấy hình kẻo trời nắng. Vợ chồng Triều đứng giữa, cô Quế với Quan đứng bên tay mặt, cô Quyên với Xuân đứng bên tay trái, mỗi người có một đứa nhỏ, thành ra ba người đàn bà đứng giữa hai người đàn ông. Xuân đứng cặp với cô Quyên, duy Triều mắc chụp hình nên vô nhóm anh em không được.
Chụp hình xong rồi anh em dắt nhau vô chùa Thổ xem đến trời nắng mới trở về chợ.
Buổi chiều lại rủ nhau đi chơi lên phía Om Trà Nõ. Lúc xe đương chạy, cô Quyên kêu Xuân mà chỉ chỗ xưa hai anh em ăn bánh trên cỏ. Xuân gật đầu mà cười chớ không dám nói hay không nỡ nói quên nữa.
Ăn cơm tối rồi, Triều đi vô chợ mua đồ đặng sáng mai có đem theo xuống Cà Mau mà dùng. Nhóm phụ nữ cũng lo sửa soạn hành lý vì ông Tệt muốn đi sớm kẻo sắp nhỏ bị nắng.
Xuân thấy Quan đi bộ trước sân thì men ra đi với Quan.
Đêm nay nhằm đêm 12 âm lịch, nên mới tối mà trăng đã lên cao, rọi tỏ rõ ánh sáng từ trong sân ra ngoài đường cái. Xuân rủ Quan ra lộ hứng mát, Quan y theo lời nói của bạn, nghi Xuân muốn tỏ lòng của mình, nhưng không thèm gợi ý trước, thầm tính để coi Xuân nói thế nào rồi sẽ liệu mà công kích hoặc khuyến dụ.
Hai người thủng thẳng đi ra khỏi gốc rào của ông Từ Tệt, tới một khoảng trống, trên trăng tỏ rạng, dưới cảnh im lìm. Xuân thình lình than với bạn:
- Ở đời chẳng có chi bận lòng bằng mình vuớng một án lương tâm.
- Toa muốn nói cái gì? Moa không hiểu.
- Moa muốn nói việc cô Quyên.
- A! Việc Triều nói bữa hôm đó phải không?
- Việc đó.
- Triều là một người nhiều chuyện. Moa tưởng Triều muốn ghẹo toa đặng đùa chơi, chớ không có gì hết. Mấy bữa rày moa thấy cử chỉ của cô Quyên tự nhiên, mà ông bác bà bác cũng vậy, thế thì có chi đâu mà toa nói toà án lương tâm.
- Toa lầm, Triều nói thiệt chớ không phải nói chơi.
- Hả? Triều nói thiệt? Cô Quyên chờ toa mấy năm nay không chịu lấy chồng?
- Ừ.
- Tại sao toa biết? Cô có nói với toa hay sao?
- Cô không có nói rõ; nhưng mà moa hỏi cô có như vậy hay không thì cô cười. Tuy cô không chịu thiệt, song cô cũng không cãi. Thế thì không phải Triều nói chơi đâu.
- À! nói vậy thì toa hơi khó xử một chút. Mà cô Quyên chờ toa đi Tây về, biết toa sẽ lên danh bởi vậy cô Quyên chờ đặng lên làm bà kỹ sư, bà bác vật hay là vì ái tình ràng buộc cô không thể gỡ được nên cô chờ toa, cần phải biết rõ điều ấy.
- Điều ấy là điều tâm lý. Phải gần gũi với cô Quyên, phải đàm luận với cô nhiều lần thì mới biết chắc được. Moa sợ mắc bẫy, moa không dám nói chuyện nhiều lần với cô.
- Toa thận trọng như vậy là phải lắm. Toa chẳng nên thân mật với cô. Sẵn có em Quế của moa ở đây, vậy để moa dặn em dọ ý cô dùm cho toa. Nếu cô Quyên muốn làm bà kỹ sư, bà bác vật, nên cô chờ toa, thì không quý báu gì hết... À, còn nếu cô Quyên chờ toa là vì hai chữ "Ái tình", ái tình trong sạch, thì quan hệ lắm chớ không phải chơi đâu.
- Để em Quế dọ thử coi.
- Ừ, để lát nữa vô nhà rồi moa sẽ dặn riêng. Mà dầu thương vì vinh dự hay vì ái tình, trước hết cần phải biết cô Quyên có thương toa không đã chớ.
- Nếu không thương moa thì chờ moa làm gì? Lại cô đi chơi với mình ngày nay cô cứ nhắc những chỗ ký tích hồi trước với moa hoài, cử chỉ ấy có lẽ đã chỉ cho moa thấy được nỗi lòng của cô chút ít.
- Phải, toa quan sát như vậy là đúng lắm. Cô Quyên thương toa nên chờ toa, việc ấy chắc chắn khỏi phải nghi ngờ gì. Bây giờ chỉ muốn biết rõ coi cô thương là vì ái tình hay là vì vinh dự. Mà chừng toa được biết khoản ấy rồi thì toa làm sao?
- Đó là cái án lương tâm mà moa vừa nói với toa hồi nãy đó.
- Dầu cô thương toa về phương diện nào cũng vậy hễ cô thương toa đến nỗi có công chờ toa bảy tám năm, mà bây giờ toa phụ rẫy tình cô thì toa ác quá.
- Phải rồi. Mà nếu cô vì vinh dự nên thương moa thì moa phụ cô moa không ăn năn cho lắm. Còn cô vì ái tình mà thương thì moa khó liệu quá.
- Khó thiệt, nhưng mà cũng dễ thiệt.
- Moa không hiểu ý toa muốn nói cái gì?
- Moa nói khó, là nếu cô Quyên lấy tình trong sạch mà thương toa thì khó cho toa phụ cô vì làm như vậy toa sẽ giày đạp một tấm tình chơn chánh, toa sẽ bẻ gẫy một cảnh đời chớn chở của một cô gái thân yêu.
- Còn moa nói dễ, là đường của toa đi đã mở sẵn trước mắt, toa cứ nhắm mắt mà bước tới; dễ quá, khỏi sợ lầm lạc, vấp ngã chi hết.
- Không phải vậy, toa không hiểu ý moa. Moa nói khó liệu là vì moa có tâm hồn xã hội chớ không có tâm hồn gia đình. Không thể nào moa có vợ được, bởi vậy moa không nỡ làm một người đàn bà vì moa mà cảnh đời phải lãnh đạm hư hỏng, toa hiểu chưa? Moa không phải là người sẵn ác tâm gieo tai hoạ cho đàn bà. Lương tâm của moa không an tâm là vì cái đó.
Bây giờ Quan đã thấy tâm hồn Xuân rồi, Xuân dầu chưa có tình với cô Quyên nhưng đã không nỡ phụ cô. Tâm hồn bất nhẫn đã không xa tâm hồn thân ái. Tuy biết như vậy nhưng Quan không nói ra. Cậu làm mặt vô can, nên nghiêm nghị nói: "Đường đời của toa, toa phải tự liệu lấy mà chọn lựa. Moa không dám nói vô hay bàn ra. Nhưng nhờ có chút kinh nghiệm nên moa dám nói quả quyết rằng ái tình nó đẹp đẽ, còn gia đình nó ngon ngọt làm sao, có đặt mình vào mới thưởng thức được màu đẹp đẽ, mùi ngon ngọt ấy.
Ái tình với gia đình nó làm cho lòng người hẹp hòi hoá ra rộng rãi, nó làm chí nhỏ bé hoá ra lớn lao, nó làm cho từ thấp thành cao, nó làm cho đời người có ý nghĩa, có mục đích. Moa tin chắc dầu xã hội, dầu quốc gia, nếu có nẩy nở rực rỡ được ấy là nhờ hai chữ ái tình và gia đình.
Xuân thở dài, Quan liếc mắt nhìn Xuân, tuy lúc ấy trăng bị mây án, nhưng cũng thấy Xuân tư lự. Quan chúm chím cười rồi rủ Xuân trở về, tính ngủ sớm đặng sáng mai đi sớm.
|
|
|