Sáng hôm sau, cậu Xuân thức dậy, nghe sốp-phơ đã sửa xe xong rồi, bây giờ máy có lửa đủ, hết sợ trục trặc nữa, thì cậu liền thay đồ sửa soạn đi Cà Mau.
Ông Từ Tệt thấy vậy mới hỏi:
- Cháu đi đâu mà sửa soạn thay đồ?
- Thưa, đi Cà Mau.
- Hồi hôm qua chú thím nói như vậy mà cháu không chịu đổi ý, cứ quyết bán đất hay sao, nên đi Cà Mau.
- Cháu tính nếu không bán đất, thì cháu không thể học nữa được.
- Cháu có cái trí muốn học cho cao thì tốt lắm. Thôi thì cháu cho thím cháu mướn đất đó, mỗi năm thím đóng cho cháu ba ngàn đồng bạc đặng cháu ăn học cũng được, cần gì phải bán.
- Cháu nghĩ làm như vậy không tiện.
- Sao mà không tiện? Vậy chớ họ mua bao nhiêu mà cháu ham lợi, nên bươn bả bán gấp vậy.
- Thưa, ông Cả Bình lên kiếm cháu mà trả giá 30 ngàn, cháu đòi 50 ngàn. Ồng trả thêm 5 ngàn nữa là 35 ngàn. Vì bán giá đó thấp hơn giá mua hồi trước thì bán làm sao được. Cháu tính xuống nói với ổng nếu thiệt bụng ổng muốn mua, thì ít nào 40 ngàn cháu mới bán.
- Thiệt cháu định bán và cháu dứt giá 40 ngàn hay sao?
- Dạ.
Ông Từ Tệt châu mày nghĩ một hồi lâu rồi thở dài mà nói:
- Chú không bằng lòng cho cháu bán đất. Sự nghiệp của anh Hội đồng bây giờ chỉ còn có sở đất đó mà thôi. Cháu bán rồi còn gì nữa đâu! Nếu cháu không nghe lời chú, cháu nhứt định bán, thôi thì chú mua. Cháu bán cho người ta giá nào thì chú mua giá đó. Thà là chú mua, chớ chú không đành để đất ấy về tay người khác.
Xuân chúm chím cười mà đáp:
- Như chú muốn mua, thì cháu phải bán cho chú, chớ có lẽ nào cháu bán cho thiên hạ.
- Không phải chú muốn mua. Chú nói nếu cháu quyết bán thì chú tranh mà mua, vì chú không chịu để lọt vào tay người khác. Còn như cháu để mà làm, thì chú sẽ giúp cho cháu đặng khai phá cho thành điền, chớ chú mua làm chi.
- Cháu nhứt định bán, bởi vì cháu tính đi học nhiều năm nữa, không thể để được.
- Cháu nói như vậy thì chú mua. Cháu định 40 ngàn thì chú mua 40 ngàn, chú không bớt.
- Còn 4 tuần lễ thì tới khai trường, cháu phải đi học. Vậy nếu chú mua thì chú làm giấy tờ cho gấp gấp, chớ để khai trường e bất tiện cho cháu.
- Được, cháu muốn làm giấy tờ gấp thì làm. Mình vô nói với với ông Lục sự Nô-te , ổng làm giấy tờ trong mấy bữa thì xong. Mà cháu có đem bằng khoán đất đi theo hay không?
- Thưa, có đủ hết, có bằng khoán, có bản đồ. Mà cháu cũng sao lục khai tử của ba cháu và có lập tờ tông chi sẵn sàng rành rẽ nữa.
- Được lắm. Cha chả, mà cháu còn nhỏ, không biết Nô-te họ có nài phải có trưởng tộc đứng hay không?
- Thưa, không. Cháu đúng 21 tuổi rồi, cần gì trưởng tộc. Cháu cũng có đem khai sanh của cháu theo trong va ly.
- Cháu sắp đặt thiệt sẵn sàng, rành rẽ. Thế thì cháu đã quyết bán đất đã lâu rồi hay sao chớ?
- Thưa không. Hôm ông Cả Bình lên nói rồi cháu mới lục giấy tờ đó.
- Anh Hội đồng ảnh chần chờ lắm. Còn cháu bây giờ lại mau mắn quá. Cháu không giống ảnh chỗ đó.
- Tánh ngày xưa khác hơn tánh ngày nay. Hạng thanh niên bây giờ thảy hết đều cương quyết, làm việc gì cũng vậy, hễ nhứt định là làm liền, không chịu dụ dự.
- Bởi vậy nên thường hay lầm.
- Thưa chú, mà nhiều khi khỏi mất cơ hội tốt.
Bà Tệt biểu gia dịch dọn đồ ăn lót lòng. Xuân được như ý muốn, mà khỏi đi Cà Mau mà bàn về sự bán đất với ông Cả Bình thì cậu vui vẻ ngồi ăn mà cứ giỡn với cô Quyên.
Ăn uống xong rồi, Xuân mới lấy giấy tờ ra xe hơi mà đi với ông Từ Tệt vô toà cậy ông Lục sự Nô-te lập tờ bán đất. Thấy mối hậu, ông Lục sự Nô-te tiếp rất hậu, xem xét giấy tờ rồi chịu lãnh làm liền và hứa sẽ làm mau mau.
Chừng về nhà, ông Từ Tệt mời luôn Xuân ở dưới nầy đợi bữa nào giấy tờ làm xong thì ký tên liền cho khỏi trễ. Bà Tệt với cô Quyên cũng ân cần cầm ở lại, nói rằng nhà đã có sẵn người coi, nên không phải cần về làm chi. Xuân chịu ở, mới sai sốp-phơ đi xe đò về Bình Thuỷ lấy thêm áo quần và lấy luôn cái máy chụp hình đem xuống cho cậu.
Cô Quyên là con cưng nhứt trong nhà nên trừ ra đi học mới đi chơi bời với chị em trong trường, còn về nhà cô không có bậu bạn nào hết, vì Triều mắc học trên Sài Gòn, không ở nhà. Nay nghe Xuân chịu ở chơi, thì cô mừng quá cô cứ đeo theo một bên Xuân, cậy Xuân dạy cô học, rủ Xuân ra vườn chơi.
Trưa bữa sau anh sốp-phơ đem đồ xuống. Xuân lấy máy chụp hình ra mà chùi, tính chiều mát mẻ đi kiếm cảnh đẹp mà chụp lấy hình để dành chơi.
Cô Quyên đòi đi theo Xuân đặng coi chụp hình. Vợ chồng ông Tư Tệt cưng con, không muốn làm cho con buồn, lại nghĩ con vẫn còn khờ dại, còn Xuân như con cháu trong nhà, một thể với Triều, bởi vậy ông bà đều chịu cho đi, song căn dặn con phải mặc quần áo cho tử tế và lên xe ngồi tề chỉnh, chẳng nên liến xáo .
Đến xế mát, Xuân thay y phục, mặc bộ đồ Tây, Quyên mặc áo quần toàn lụa trắng cũng mới, tóc chải láng mướt, chưn mang giày thêu, hai trẻ vui vẻ dắt nhau lên xe hơi. Vì xe có hai chỗ ngồi nên Xuân biểu sốp-phơ ở nhà, cậu cầm tay bánh để Quyên ngồi một bên, mượn Quyên ôm dùm cái máy chụp hình, rồi mới mở máy cho xe chạy ra lộ. Quyên đắc ý, liếc mắt ngó Xuân, miệng chúm chím cười. Vợ chồng ông Từ Tệt đứng bên thềm ngó theo, tuy mặt tươi cười, song lòng có chút lo ngại.
Xuân không thông thạo đường sá tỉnh Bạc Liêu, nên cậu vào chợ rồi cậu bợ ngợ không biết phải đi đường nào mới có cảnh đẹp mà lấy hình. Cậu day qua hỏi Quyên thì cô ú ớ không biết đường nào mà chỉ. Cậu đi nhầu, té ra nhằm đường qua Hưng Hội.
Ra khỏi châu thành thì hai bên đường ruộng lúa cấy đã hơn một tháng, lúa nở bụi tốt tươi, lá phơi màu xanh lét, trải ngay trước mặt là một bức tranh thiên nhiên gồm đủ cảnh quảng đại và cảnh u nhàn.
Cô Quyên có tánh cũng liến xáo, song cô có lòng đa cảm, bởi vậy thấy cảnh đẹp cô chẳng khỏi động lòng. Tiếc vì cô không đủ lời để tả cảnh tả tình, bởi vậy cô chỉ nói với giọng rất thiệt thà rằng:
- Lúa coi xanh tốt quá, anh Xuân hả?
Xuân không hiểu ý cô, nên gật đầu mà thôi, không nói tiếng chi hết, làm cho cô thất vọng ngồi buồn hiu.
Xe chạy một hồi thì tới xóm Thổ , kêu là Sóc Đồn.
Xuân thấy dựa trên đường có một cảnh chùa Thổ, chùa tuy không tốt lắm song chung quanh có cây cao tàn lớn, làm cho cảnh xem rất huyền ảo, đáng lấy hình dành chơi. Cậu ngừng xe bên đường mà leo xuống.
Cô Quyên xách máy chụp hình cũng leo xuống, rồi hai trẻ song song dắt nhau đi trên lộ, lựa chỗ thuận tiện mà chụp hình.
Xuân muốn lấy cái chùa và lấy luôn cho được vài cây lớn vào trong hình nên đứng lại mà nhắm. Quyên trao cái máy cho cậu, rồi đứng khít một bên, tay vịn vai cậu, mắt dòm theo chỗ cậu nhắm. Xuân chụp cái chùa rồi day qua ngó Quyên và cười mà hỏi:
- Qua muốn em lại đứng trước lùm cây kia đặng qua chụp mà lấy hình của em. Em chịu không?
- É! Không dám đâu...
- Sao mà không dám?
- Tôi sợ lắm.
- Có qua đây mà sợ cái giống gì?
- Anh đứng với tôi thì tôi mới chụp.
- Qua mắc cầm máy mà chụp, làm sao mà đứng với em được. Em lại đứng đó đi. Qua đứng trước mặt em đây, chớ phải đi đâu mà sợ.
Cô Quyên đứng suy nghĩ rồi hỏi:
- Anh muốn chụp hình tôi lắm hả?
- Ừ. Chụp đặng lấy hình "Tiểu thơ mặt lọ" để dành chơi.
Cô Quyên châu mày xụ mặt, ngoe ngoảy bỏ đi lại phía xe đậu.
Xuân lật đật đi theo, vừa cười vừa hỏi:
- Qua nói chơi, mà em giận qua hay sao?
Quyên chừ bự không trả lời.
Xuân lấy tay gõ gò má Quyên mà nói:
- Thôi dừng giận nữa. Giận rồi cái mặt trông xấu quá.
Quyên cười mà nói:
- Anh phải năn nỉ tôi mới chịu.
Xuân nói:
- Hay hờn mát quá! ...Thôi để qua xin lỗi. Vì hôm qua chú kêu em là "Tiểu thơ mặt lọ" nên qua bắt chước mà nói chơi, chớ không phải có ý ngạo em, vậy xin em đừng giận qua nữa, lại đứng đặng qua chụp hình em để làm kỷ niệm.
Quyên cùng quằng đáp:
- Nói như vậy tôi không chịu.
Xuân lắc đầu chúm chím cười và nói:
- Trời ơi! Vậy chớ phải nói thế nào em mới vừa lòng? Thôi, để qua hun em một cái, cũng như anh Triều hun em vậy, đặng qua chuộc tội nói mích lòng em, em chịu không?
Quyên cười.
Xuân bèn kề mặt mà hun gò má Quyên, cũng như đứa em gái của mình, rồi lại dắt Quyên đứng trước lùm cây, mở máy nhắm mà chụp hình. Bóng trời chiều rọi mặt Quyên, coi cô rất vui vẻ thơ thái.
Chụp hình rồi Xuân khoá máy và nói:
- Hình của em chắc tốt lắm vì bóng, vừa không nắng nhiều, mà cũng không mát lắm.
- Chắc tốt hả? Phải anh đứng chụp chung với tôi chơi.
- Làm sao được. Có ai đâu mà mượn họ chụp.
- Thôi để về nhà, tôi với anh đứng rồi cậy tía tôi chụp được không?
- Sợ chú không biết rồi chụp hư chớ.
- Anh chỉ trước thì biết chớ gì. Coi bộ dễ mà. Để tôi biểu anh Hai tôi mua cho tôi một cái máy đặng tôi chụp chơi. Anh dạy tôi trước đi. Nghe không?
- Ừ! Để về nhà rồi qua chỉ cách chụp cho em biết.
Hai trẻ dắt nhau đi dài theo lộ mà chơi. Xa xa dưới ruộng, có mấy người đàn bà Thổ đi hái rau chóc, đội thúng rau trên đầu nước chảy xuống mặt ướt nhem.
Mặt trời chen lặn, Xuân rủ Quyên trở lại mà về, Quyên giục giặc, dường như quyến luyến cảnh đồng ruộng lúa xanh, vui khí trời mát mẻ khoẻ khoắn, ham nghe tiếng dế kêu chéo chét quanh mình, nên không nỡ bỏ mà về, cứ đứng ngóng trông.
Xuân thấy vậy mới hỏi:
- Em ưa ruộng lắm hay sao?
- Tôi ưa lắm.
- Ngoài đồng buồn xo mà ưa nỗi gì?
- Ngó ruộng chơi, vui lắm chớ. Anh không ưa hay sao?
- Qua ưa đi chơi trong chợ. Ngoài ruộng buồn lắm, qua chịu không được.
- Tôi ưa ruộng chớ không ưa chợ.
- Tại em có óc "Nhà quê".
Quyên cười rồi đi theo Xuân trở lại xe mà về. Trời đã chạng vạng tối.
Khi xe vô sân rọi đèn thì thấy vợ chồng Ông Từ Tệt đương đứng trên thềm nhà mà chờ. Xe vừa ngưng thì bà Tệt nói: "Đi đâu xa lắm hay sao nên về tối dữ vậy."
Cô Quyên lật đật leo xuống xe và vui vẻ nói:
- Đi ra ngoài chỗ nào đó không biết, ruộng lúa thiệt tốt lại có chùa Thổ ngộ lắm má à. Anh Xuân chụp hình chùa rồi có chụp hình con nữa. Mai con đi nữa.
Ông Từ Tệt nói:
- Có đi thì phải về sớm sớm; về trễ ở nhà lo sợ hết sức. Chắc là đi ra ngoài Sóc Đồn chớ gì, nên mới có chùa Thổ. Thôi, đi thay đồ rồi ăn cơm.
Sáng bữa sau, vừa thức dậy thì Quyên nài Xuân phải dạy cô chụp hình. Xuân cầm máy ra đứng trước sân rồi chỉ cho cô Quyên biết cách nhắm, biết cách chụp. Quyên lấy làm đắc ý, biểu Xuân chụp cái nhà lớn, chụp hai lẫm lúa, chụp cái xe hơi có cô đứng một bên.
Quyên kêu cha mẹ ra coi. Luôn dịp Xuân chụp ông Tệt, bà Tệt, rồi chụp luôn cô Quyên ngồi trên thềm nhà.
Quyên biểu Xuân cậy ông Tệt nhắm đặng ông cầm máy mà chụp cô với Xuân đứng chung. Ban đầu ông Tệt không chịu, mà bị con ép quá, nên rồi ông cũng phải làm theo ý con.
Chụp xong rồi Quyên muốn làm sao có hình cho mau đặng cô coi. Xuân phải vô chợ kiếm tiệm chụp hình mà mướn họ rửa.
Chiều lại, Quyên đòi đi chơi nữa. Hai trẻ mới ngồi xe hơi đi vô chợ lấy hình về. Tấm hình nào cũng tốt hết thảy, mà nhứt là hình Quyên đứng trước lùm cây và hình Quyên với Xuân đứng chung thì rõ ràng đẹp lắm. Vợ chồng ông Tệt lấy làm vui lòng, biểu tiệm rửa thêm nữa, mỗi thứ làm ra 5 tấm đặng để dành chơi.
Từ ấy Quyên càng dan díu với Xuân, tối ngày không chịu rời Xuân một giây phút nào hết. Cô mặc quần áo mới luôn luôn, gỡ đầu bới tóc vén khéo, chớ không bỏ tóc xoã xuống lưng như trước nữa. Hễ xế mát thì cô năn nỉ Xuân đem xe hơi đi chơi, Xuân không thể không làm theo ý muốn của cô được, nên bữa nào cũng phải cầm bánh xe chở cô đi chơi. Khi đi Phú Lộc, khi đi Hoà Bình, khi đi Sóc Đồn, khi đi Om Trà Cổ.
Có bữa ra đồng trống vắng vẻ, cô biểu ngừng xe lại, rồi cô leo xuống, hoặc ngồi dựa gốc cây, hoặc quì gối trên cỏ mà cậy Xuân chụp hình cô. Có bữa cô mang theo bánh trái, rồi ra đồng cỏ mở gói bánh ra để trên đám cỏ non xanh lè ăn chung với nhau, nói nói cười cười thiệt là hoan lạc.
Xuân đợi 10 ngày mới ký tên bán đất được. Ông Từ Tệt chồng bạc cho cậu đủ 40 ngàn, rồi cậu sửa soạn mà đi về.
Quyên hay tin Xuân tính về thì cô buồn hiu, ra vô dàu dàu. Cô thấy Xuân đứng có một mình cô mới hỏi:
- Anh về hay sao?
- Ừ! Qua về.
- Tôi muốn anh ở lại chơi.
- Sao được, qua phải sửa soạn đặng lên Sài Gòn mà học chớ.
- Tôi cũng sẽ lên Sài Gòn mà học nữa.
- Ừ! Em muốn thì nói với chú thím đem lên trển cho em học. Có anh Triều dìu dắt em cũng tiện.
- Chừng khai trường anh xuống đây rồi đi cùng một lượt với tôi và anh Hai tôi được không?
- Sợ không được, bởi vì qua có công việc nhiều lắm
Quyên châu mày ủ mặt, mà Xuân mắc lo sửa soạn hành lý nên không ngó thấy.
Lúc Xuân từ giã vợ chồng ông Tệt và cô Quyên rồi lên xe mà đi về, thì cô Quyên đứng trước cửa ngó theo, nước mắt chảy rưng rưng.
- o O o -
Mấy năm nay nhà nông trong xứ làm ruộng trúng mùa luôn luôn. Mà bán lúa cũng đặng cao giá nữa. Cuộc thương mại nhờ đó mà trở nên thịnh vượng, bởi vì mọi người đều làm dễ ra tiền rồi ai cũng mua đồ dùng trong nhà, ai cũng sắm áo quần loè loẹt. Bề ăn ở của bình dân thì rộng rãi, còn của phú gia thì xa xỉ, nhứt là ở mấy châu thành, sự ăn xài quá độ phát hiện rõ hơn hết.
Tại Sài Gòn, trong dãy phố trệt ở đường Lagrandière bây giờ là đường Gia Long, giáp với đường Verdun bây giờ là đường Lê Văn Duyệt, căn nào cũng chưng dọn hực hỡ. Nhưng mà có một căn dọn vén khéo, đồ đạc tốt đẹp hơn hết. Trên hai lan can phía trước có để hai cái chậu, mỗi chậu trồng một bụi cau, lá sum sê, cọng vàng tươi. Tại cửa giữa có treo một tấm màn màu trứng gà, rẽ vén hai bên đặng ra vào cho tiện. Hai cửa sổ có giăng hai tấm màn ren cũng màu trứng gà để ngăn cát bụi, chớ không ngăn ánh sáng mặt trời.
Trong nhà, phía trước để một cái bàn nhỏ với 4 cái ghế, trên bàn có để một bình bông, còn mặt ghế thì có lót nệm gòn đặng khách ngồi cho êm; phía trong, đụng vách buồng, có để một cái đi văng, trên cũng trải nệm mỏng còn chung quanh thì đóng hộc mà để đồ. Hai bên vách cũng không bỏ trống, một bên thì để một cái tủ nhỏ, trên tủ có để một cái máy hát.
Phía trong buồng có giường sắt, giăng mùng, trải "drap" trắng muốt; có bàn viết, có tủ áo, có tủ sắt, lại dựa cửa sổ có lót một cái bàn để ăn cơm cho mát.
Căn nhà đẹp đẽ nầy là nhà của cậu Xuân mướn ở mấy tháng nay đặng mỗi ngày vô trường Chasseloup Laubat mà học cho gần.
Một bữa chủ nhật, lối 4 giờ chiều. Xuân mặc một bộ đồ mát bằng lụa trắng, cậu ra đứng dựa cửa sổ rồi kêu thằng Chí, là đứa nhỏ làm bồi, mà biểu nó nhắc cái ghế xích đu đem ra để trong hàng ba.
Cậu trở vô lấy một cuốn sách rồi nằm trên ghế mà đọc.
Mặt trời ngả bóng lần lần, trước cửa bây giờ mát rượi, còn ngoài đường thì người và xe đi lại nườm nượp.
Thằng Chí xách nửa thùng nước đem tưới hai bụi cau vàng. Nó mới trở vô thì chị chín Thiện là người ở đi chợ nấu ăn, chị ở trong lại bước ra khỏi thềm rồi đứng nói om xòm: "Bữa nay chị nghỉ may phải không chị Hai? Có cô Hai ở nhà hay không?"
Tưới cau rồi nói chuyện, những sự ấy làm cho Xuân lo ra không thể đọc sách được. Cậu mới xếp sách đứng dậy rồi bước ra đứng trước thềm. Lúc ấy dì Hai Oanh, là thợ may, tuổi trên bốn mươi, ở cách Xuân một căn phố, đương thủng thẳng đi lại. Mấy tháng nay Xuân ở gần ra vô thường gặp mặt dì Hai Oanh, nên vừa thấy dì là Xuân cúi đầu chào liền.
Dì Hai Oanh đáp lễ, vui vẻ hỏi Xuân:
- Chúa nhựt nghỉ học, cậu không đi chơi sao?
- Dạ, cháu mới đi hồi sớm mai rồi, buổi chiều ở nhà học bài. Mời dì vô nhà uống nước.
- Để cậu học chớ, có lẽ nào tôi dám làm rộn cậu.
- Thưa, không. Có bận rộn chi đâu. Cháu học bài rồi, nãy giờ ở không xem sách chơi.
Chị Thiện bải buôi tiếp lời:
- Vô nhà chơi chị Hai... vô uống nước. Tôi mới chế một bình trà còn nóng hổi.
Xuân coi bộ dì Hai Oanh chịu vô, thì cậu thối lui đứng nép một bên. Dì Hai Oanh đi trước, chị Thiện đi theo sau mà vô nhà. Xuân tiếp theo sau nữa, và kéo một cái ghế mời dì Hai Oanh ngồi. Chị thiện lo rót nước trà mà đãi khách.
Xuân lại ngồi trên đi văng rồi hỏi dì Hai Oanh:
- Dì may coi thế đắt mối dữ. Cháu thấy có người ta đến thường thường hoài.
- Không mấy khá cậu à. Tôi lãnh may của mấy cô quen thuở nay, chớ người lạ họ có biết tôi đâu mà đưa đồ cho tôi may.
- Dì có mướn người phụ với dì chớ?
- Tôi có mướn một người luông cho tôi may. Đồ có nhiều đâu mà phải mướn thợ phụ.
- Dì lập tiệm, lãnh bài sanh ý , treo bảng và rao trong báo, thì người ta mới biết mà đặt may đồ chớ.
Dì Hai Oanh ngó Xuân và chúm chím cười mà đáp:
- Lập tiệm phải có vốn bảy trăm hoặc một ngàn. Vì không có vốn, nên tôi không dám tính tới việc đó, tôi may ở nhà vậy thôi.
- Dì may ở nhà thì làm sao có lợi đủ trả tiền phố và tiền ăn xài?
- Tiện tặn thì cũng đủ. Tôi có con cháu đi thêu, nó phụ giúp với tôi.
Chị Thiện đứng vịn cái máy hát, chị tiếp mà cắt nghĩa:
- Chị Hai đây có một người cháu gái là cô Hai Quế thêu khéo lắm cậu. Cô đi thêu cho nhà hàng ngoài đường Catinat lãnh lương mỗi tháng tới 5,6 chục.
Xuân hỏi:
- Cô thêu thứ chi? Thêu lối Việt Nam hay lối Tây?
Chị Thiện làm lanh mà rồi bít lối, không trả lời được.
Dì Hai Oanh mới thế mà đáp với Xuân:
- Hồi con em tôi còn sanh tiền, có cho cháu tôi học trường Nữ học đường được hai năm, bởi vậy nó biết thêu theo lối Tây. Chừng em tôi khuất rồi, tôi đem cháu tôi về ở với tôi, thì tôi cho nó học thêm lối Việt mình nữa. Nhờ vậy nên nó biết thêu cả hai điệu. Nó thêu mặt giày, khăn tay, thêu màn, làm ren, thêu bông vào áo cho mấy ông, mấy bà, thêu thứ gì cũng được hết.
- Giỏi dữ há. Có nghề như vậy thì sự sống mới vững vàng, khỏi lo thiếu thốn.
- Phải, nó khỏi lo đói rách. Mấy tiệm may lớn họ giành nhau mà mướn nó.
- Nếu dì có tiệm may lớn, dì để cho cô lãnh phần thêu thì chắc tiệm phát đạt lắm.
- Nói gì cái đó.
Dì Hai Oanh dòm cùng trong nhà rồi nói tiếp:
- Cậu ở có một mình mà dọn nhà đẹp quá.
- Tại tánh tôi ưa sạch sẽ vén khéo.
- Cậu gốc ở tỉnh nào?
- Tôi là người Cần Thơ.
- Nghe nói Cần thơ là tỉnh giàu đệ nhứt... Ông cụ, bà cụ còn song toàn chớ.
- Thưa, ba má tôi đều khuất hết.
- Tội nghiệp dữ hôn! Mồ côi sớm quá.
- Tại cái mạng của tôi như vậy, biết làm sao bây giờ.
Dì Hai Oanh rờ bình bông trên bàn mà nói:
- Trên bàn nầy thì lẽ cậu phải để một tấm thêu tròn, hoặc hột soài, rồi để bình bông chính giữa coi mới đẹp.
Xuân đáp:
- Hôm trước có một người bạn học của tôi cũng nói như vậy. Để bữa nào rảnh rồi tôi sẽ kiếm để tôi mua.
Chị Thiện chen vô nói nữa:
- Cậu cậy cô Hai thêu cho.
Dì Hai Oanh tiếp lời:
- Con cháu tôi nó thêu thứ nầy hoài, thêu lẹ lắm, chừng ít bữa thì rồi.
Xuân dụ dự đáp:
- Cô Hai mắc đi thêu cho người ta, có thời giờ đâu mà thêu cho tôi.
- Không. Ai đặt đồ riêng thì nó thêu ban đêm ở nhà. Cậu muốn thêu cách nào, thêu bông gì thì vẽ kiểu cho cậu coi, như cậu chịu rồi nó thêu cho.
- Thiệt tôi dốt về khoa đó. Tôi không biết phải thêu bằng cách nào mà nói.
- Thứ trải bàn đây, tôi thấy có sẵn nhiều kiểu. Để nó đưa kiểu cho cậu lựa, cậu chịu kiểu nào nó thêu kiểu nấy cho cậu.
Chị Thiện nói:
- Chị Hai, để tôi lại tôi kêu cô Hai Quế đem kiểu cho cậu tôi coi.
Chị nói dứt lời thì đi liền. Xuân nói với dì Hai Oanh:
- Tôi làm nhọc lòng dì, mà lại mất công cho cô Hai nữa, tôi ái ngại quá.
- Không có nhọc lòng đâu. Dì cháu tôi là thợ may thợ thêu. Cậu đặt đồ cho chúng tôi thêu, ấy là cậu giúp cho chúng tôi chớ.
- Dì nói như vậy thì tôi mới dám.
Cô Hai Quế đi theo chị Thiện lại tới cửa. Cô bước lên thềm rồi dụ dự, chưa dám vô. Cô vừa được 20 tuổi, chơn mang guốc, mình mặc y phục tầm thường, áo lụa đen, quần lãnh đen, không dồi phấn thoa son, tay trái cô đeo cà rá nhận một hột ngọc màu đỏ bầm, chớ không có nữ trang nào khác, nhưng nhờ da trắng má bầu, nhờ gương mặt sáng rỡ, nhờ cặp mắt có đức, nhờ hình vóc dong dảy, nhờ tướng đi dịu dàng, nhứt là nhờ vẻ đẹp thiên nhiên, bởi vậy ai thấy cô cũng đều cho cô có quốc sắc.
Chị Thiện mời cô vào, mà dì Hai Oanh ở trong cũng kêu cô, bởi vậy cô chậm rãi bước vô nhà.
Xuân đứng dậy chào cô. Cô cúi đầu đáp lễ, mỗi cử động đều duyên dáng.
Dì Hai Oanh nói:
- Cậu đây muốn đặt cho con thêu một tấm trải trên bàn đặng để bình bông coi cho đẹp. Con có kiểu nào hay thì đem lại cho cậu coi.
Xuân mời cô Quế ngồi, mà cô cứ đứng ngó cái bàn, mặt tỉnh táo mà suy nghĩ một chút rồi mới nói: "Cái bàn nầy vuông. Theo ý con thì tấm thêu cũng cắt hình vuông theo chiều bàn coi mới được; song chính giữa phải có mặt trăng tròn đặng để cái bình bông. "
Dì Hai Oanh hỏi Xuân:
- Còn màu thì cậu muốn màu nào?
Xuân bỡ ngỡ nói:
- Tôi không biết màu nào đẹp.
Lúc ấy đứa tớ gái của dì Hai Oanh chạy lại cho dì hai hay rằng có bà lục sự ghé đặng may áo và biểu mời dì về nói chuyện. Dì Hai Oanh liền từ giã Xuân và chị Thiện và dặn cô Hai Quế ở đó bàn việc thêu với Xuân rồi dì lật đật ra về.
Cô Quế đứng ngó cùng trong nhà, Xuân kéo một cái ghế ra và mời cô ngồi nột lần nữa. Bây giờ cô ngồi. Xuân ngồi phía bên kia bàn, ngang mặt cô, chị Thiện đi vô trong, vì đã chiều rồi nên phải lo nấu cơm.
Cô Quế khiêm nhượng hỏi Xuân:
- Cậu muốn thêu hàng hay là thêu vải và muốn màu nào?
- Cha chả, tôi không thạo việc nầy rồi! Xin cô liệu dùm coi thứ nào tốt thì cô làm cho tôi.
- Theo ý em, tấm thêu màu cũng phải một màu với mấy tấm màn coi mới có vẻ thanh nhã.
- Cô nói phải lắm.
- Trải bàn chẳng cần phải dùng tơ lụa, làm bằng vải cũng được. Chẳng nên thêu rằn rực, thêu bốn phía bốn nhành mai, lan, cúc, trúc thì đủ đẹp.
- Tôi chịu, xin cô thêu đi.
- Để em về vẽ kiểu cho cậu xem trước.
- Khỏi, khỏi mà. Cô liệu dùm mà làm coi cho được thì thôi. Cô thêu chừng nào mới xong?
- Chừng năm ba bữa.
- Không gấp gì. Cô thêu một tuần rồi cũng được. Song cô thêu dùm cho khéo để làm kỷ niệm chơi.
Cô Quế chúm chím cười, mặt mày càng ửng đỏ như hoa hường mới ướm nở. Cô ngó Xuân mà hỏi:
- Cậu nói thêu cho khéo để làm kỷ niệm. Vậy chớ kỷ niệm việc chi? Nên cho em biết đặng em liệu coi như cần phải sửa cho hợp với việc làm kỷ niệm.
Nghe Xuân dùng hai chữ "Kỷ niệm" không biết cô Quế có nghi cậu không thông nghĩa nên dùng đùa, như là cậu thanh niên đời nay, hay là cô nghi cậu chú ý muốn ghẹo tình cô, như nhiều cậu trai đa tình lãng mạn, mà cô gạn hỏi như vậy làm cho Xuân bối rối, sắc mặt thẹn thùng một lát rồi mới nói:
- Tôi mới phác một ý riêng, tôi muốn kỷ niệm cái ý ấy. Tôi tưởng dầu tôi có tỏ cái ý riêng ấy cho cô hiểu, có lẽ chẳng hại gì mà cần phải dấu cô. Số là mấy năm nay, ở trong trường, tôi có kết bạn thâm giao với hai người bạn học một lớp.
Ba anh em tôi tính kiếm thêm một người nữa cho đủ bốn đặng làm bạn "mai, lan, cúc, trúc" để tiêu biểu một tánh chất tứ thời. Chúng tôi chưa gặp một người nào đồng tâm đồng chí đáng nhận làm người thứ tư.
Hôm nọ một anh bạn tôi có tỏ ý nếu kiếm bạn nam nhi không ra thì chúng tôi có lẽ sẽ chọn một cô gái làm người thứ tư cũng được. Người bạn tôi tỏ ý như vậy, tôi tưởng là muốn giễu cợt, chẵng dè hôm nay cô tính thêu "mai, lan, cúc, trúc", mà cô lại là gái nữa, ấy vậy họ biết chừng cô là người thứ tư trong đám bằng hữu, mà người bạn tôi đã đoán trước hôm nọ. Tôi muốn cô thêu để kỷ niệm cái ý ấy.
- Em lựa kiểu thêu, thiệt em không dè kiểu ấy lại thích hợp với việc riêng của cậu. Vậy em cũng thêu kiểu đó, khỏi cần phải sửa đổi, mà em lại ráng thêu cho đẹp, để biểu hiện cho xứng đáng cái tình cảm của cậu.
- Tôi rất cám ơn cô. Cô cần phải lấy tiền trước đặng mua hàng, mua chỉ thêu hay không?
- Thưa, không.
- Mấy năm nay ba anh em tôi kêu nhau như vầy: Tôi trơ trọi một mình, không có anh em, lại nhứt định không cưới vợ, bởi vậy mấy bạn tôi cho tôi là Mai. Anh Triều, người gốc Bạc Liêu, anh tha thướt, yếu đuối lắm, nên anh là lan. Anh Quan gốc Trà Vinh, anh lỏng khỏng ốm yếu mà tánh tình lại ghét cái dở, cái thấp, cái bậy, nên cho anh là quân tử Trúc.
Còn Cúc, thì chưa có ai. Cúc biểu hiện cho người ẩn dật mà thơm tho xinh đẹp. Cô là người ẩn núp trong hạng bình dân, mà cô lại có sắc đẹp, có danh thơm, nếu cô vui lòng làm biểu hiện cho Cúc thì chúng tôi hân hạnh lắm.
Cô Quế nghiêm nét mặt mà suy nghĩ một chút, rồi cô ngó ngay Xuân mà đáp:
- Em rất cảm ơn cậu. Em không dám.
- Sao mà cô không dám? Cô ngại sợ nam nữ làm bạn với nhau rồi mang tiếng phải không?
- Thưa, không. Nam nữ làm bạn với nhau rồi mang tiếng xấu, ấy là tại tánh tình thấp thỏi, rồi gây ra những chuyện không hay, nên mới mang tiếng xấu, chớ người đã quyết lập tánh tình cao thượng như: Mai, Lan,Trúc thì quí lắm. Em được làm bạn, em có ngại chi đâu. Em nói em không dám là vì em sợ em không xứng đáng ngang hàng với mấy cậu là bực giàu có sang trọng đó mà thôi.
- Lời cô nói đó là lời khiêm nhượng, chớ tôi chắc cô dư biết theo ý chí của người quân tử, thì nhân nghĩa, đạo đức mới quí chớ không phải là giàu sang mà quí đâu. Mà bọn anh em tôi không phải giàu sang gì cả, có người cũng nghèo khổ lắm chớ.
- Mấy cậu học giỏi còn phận em dốt nát quá, em phải đi thêu mướn mới có cơm mà ăn.
- Ối. Theo ý tôi, dầu cầm cây viết hay là cây kim cũng vậy, hễ nghiệp nghề mình được chí thiện, tận mỹ thì quí như nhau, chớ không phải người cầm viết mà sang hơn người cầm kim. Chúng tôi học chữ, ví như chúng tôi có tài viết văn hay; còn như cô đi thêu mướn mà cô có tài thêu khéo. Cái hay đối với cái khéo thì bằng nhau chớ có cao thấp chi đâu.
Cô Quế cười mà thôi, chớ cô không trả lời nữa. Cô đứng dậy dợm từ mà về, Xuân biết ý liền nói:
- Mời cô ngồi nói chuyện chơi một chút nữa.
- Em sợ làm mất thời giờ của cậu.
- Không, không ... Cô nói chuyện nghe có ích lắm. Chúa nhựt không đi học, tôi ở nhà tôi buồn hết sức. Nãy giờ có cô nói chuyện, tôi vui không biết chừng nào.
- Em mới đến nhà cậu lần đầu, mà em nói chuyện nhiều quá em sợ khiếm nhã. Vậy em xin từ cậu mà về, để khi khác có lẽ em sẽ ngồi lâu hơn.
- Cô sợ ngồi chơi lâu rồi dì Hai không vui hay sao?
- Thưa, không. Dì Hai em biết tánh tình của em, nên chẳng bao giờ hiềm nghi chỗ đó.
- Còn tấm thêu cô chắc bữa nào thêu rồi?
- Cậu cho em một tuần thì mãn tuần rồi em sẽ đem lại.
- Bữa nay chúa nhựt, té ra chúa nhựt tuần sau tôi sẽ có tấm thêu mà trải bàn.
- Thưa, phải.
Xuân đứng dậy mà suy nghĩ, rồi nói tiếp:
- Xin cô cho biết cô có chịu làm Cúc, theo như lời tôi nói hồi nãy đó hay không?
- Xin cậu để cho em suy nghĩ ít bữa rồi em sẽ trả lời.
- Được. Tôi muốn sáng chúa nhựt cô đem tấm thêu lại được hôn.
- Thưa, được.
- Tôi sẽ cho hai người bạn tôi hay, đặng hiệp với tôi mà tiếp rước tấm thêu đó. Cô Hai, tôi muốn mời cô sớm mai chúa nhựt cô ở lại chơi rồi ăn cơm trưa với ba anh em tôi, được không? Tôi sẽ lại nhà cô mà xin phép với dì Hai cho.
- Nếu vậy thì có lẽ được.
- Để mai mốt rồi tôi sẽ xin phép với dì Hai mà mời cô ăn cơm.
Cô Quế cười rồi từ mà đi về. Xuân đưa khách ra tới thềm rồi mà còn đứng ngó theo, và miệng chúm chím cười.
|
|
|