Nhóm bạn của anh Tâm và chị Duyên về đến nhà lôi trái cây ăn, xả tại phòng khách một đống vỏ rồi lại kéo nhau đi hết cả.
Sự nhốn nháo của căn phòng làm Oanh mệt bơ phờ. Ðang lui cui nấu cơm chiều thì tiếng anh Trí vọng bên tai Oanh:
- Ba mẹ đi Ðà Lạt, tụi nó nhân dịp đi chơi cho đã. Rồi lại về đây bày biện đủ thứ làm em dọn một mình, thật là vô tâm.
- Dạ.
Anh Trí ngạc nhiên khi thấy Oanh ướp thịt nạc lưng và chiên thơm phức rồi sắp cà chua và sà lách ra dĩa. Nồi canh chua thơm cá lóc ở bếp bên kia vừa sôi. Oanh cho tí ớt và rau thơm vào rồi nhắc xuống. Cô gắp cá kho vào dĩa nước mắm mặn rồi bê mâm cơm lên phòng ăn.
Hai chiếc xe chạy vào sân nhà trả số kịch kịch. Anh Tâm với một người bạn và chị Duyên bước vào nhà với vẻ mặt ngất ngư.
- Vui ơi là vui.
Ðang lo sắp chén đũa, Hoàng Oanh ngẩng lên ngạc nhiên khi thấy gương mặt thứ ba, hình như là bạn của anh Tâm thì phải.
Anh Trí thấy vậy vội kéo ghế mời.
- Hai đứa ăn cơm cho Hoàng Oanh dọn luôn. Hôm nay bà bếp bệnh nên xin nghỉ hai ngày. Phú ở lại ăn cơm luôn cho vui.
Vừa cầm đũa, anh Tâm và chị Duyên ăn hối hả, vừa khen ngo dễ sợ. Không muốn cười Hoàng Oanh cũng phải cười. Chữ “dễ sợ” đây muốn nói ăn cơm ngon quá! Anh Trí cũng khen.
- Nhỏ Oanh chế biến thức ăn nhanh, gọn mà hương vị tuyệt cú mèo.
Bỗng dưng chàng trai có dáng dấp lãng tử tên Phú hỏi Oanh:
- Cô Oanh đã quen với không khí Sài Gòn chưa?
- Chưa. – Hoàng Oanh trả lời cộc lốc.
Không phải do Hoàng Oanh luýnh quýnh vì có người lạ, mà vì cô chúa ghét những câu hỏi khách sáo. Từ Bình Dương xuống Sái Gòn chứ có bao xa!
- Lạ thật. – Phú nói tiếp. – Vừa gặp cô tôi có cảm tưởng rằng mình đã quen nhau lâu rồi. Mới tuần trước tôi đã nằm mơ thấy mình đi bộ dọc hết con đường Nguyễn Ðình Chiểu với một cô gái có nụ cười chết người và cách nói chuyện móc ngoéo dễ thương chi lạ.
Anh Tâm tiếp lời:
- Mày đừng nói là khi đi với nàng có ánh nắng êm soi cành lá lung linh bóng hàng me nhảy múa trên mặt đường thênh thang nhé.
- Ðúng vậy.
Anh Trí bật cười.
- Phú này, nói năng duyên dáng thật. Trong giấc mơ, linh hồn người ta trở về quá khứ hoặc dẫn tới tương lai. Linh hồn sẽ gặp trước những sự kiện mà sau này dẫn đến hiện tại, làm người ta cứ ngờ ngợ đó. Hoàng Oanh ăn lặng lẽ, cô dường như đứng bên ngoài câu chuyện. Có lẽ trong bàn ăn không ai biết cô sung sướng thiếu điều reo lên vì chuyện vui vẻ kia. Cô tin rằng trong giấc mơ sắp tới, cô sẽ gặp lại Vũ, vì anh là người mà cô nhớ nhất.
Khi mọi người đã buông đũa, Hoàng Oanh bê mâm cơm xuống. Cô lau bàn vừa định rửa chén thì chị Duyên la lên.
- Nhỏ này ẩu ghê. Mang bao tay vào. Mai mốt da tay nhăn nheo, đen đó.
Rồi chị Duyên kéo tay Oanh lại.
- Chị đưa em tuýp kem em có sài chưa?
Hòang Oanh le lưỡi:
- Em cứ quên hoài. Vả lại, nó rít quá chịu không được.
- Ðây đâu phải là lạm dụng mỹ phẩm đâu mà em sợ. Kem dưỡng da loại nhẹ thôi. Em sài thử hai tháng bảo đảm có người lết mòn cổng nhà ta.
Hoàng Oanh cố nín cười, và tự hỏi: “Có phải chị Duyên tập cho cô đua đòi không. Nhà chị thì mọi thứ quá thừa, bác Quý làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu, còn bác gái thì chuyên mua bán hột xoàn, họ còn một dãy phố cho thuê, tiền lời sống dư dả”.
Nghĩ tới đây Hoàng Oanh bỗng nghẹn ngào. Oanh chợt nhớ tới bát canh rau, dưa mắm của mẹ mà chạnh lòng. Bác sẵn lòng lo cho Oanh tới lúc học xong đại học, nhưng lúc này cũng chính là lúc mẹ cô đơn nhất. Bỗng dưng một ý nghĩ hình thành trong đầu Oanh, nếu mai này cô học thành tài nhất định đem mẹ lên thành phố tìm nhà trọ để tiện việc đi làm và cho mẹ bớt hiu quạnh, không phải lo buôn bán vất vả mà tới bữa cơm chỉ ăn có một mình.
Những ngày học kế tiếp như lên dây thần kinh Hoàng Oanh. Cô phải cố gắng lắm mới không chạy theo đám bạn mới rủ rê.
- Ði hát karaoke vi tính đi Oanh.
- Em không biết.
- Sao lại không biết. Giọng mi thanh như thế nhất định hát hay.
Kim Chi, cô bạn ngồi kế bên xen vào:
- Hát được một lần mi ghiền cho xem.
- Nhưng thì giờ đâu mà hát.
- Cúp cua
- Không được.
- Vậy thì hẹn nhau đi tối đi chơi.
- Một người bạn chợt nói:
- Tốt, tiền mỗi giờ tăng gấp đôi đó.
- Chơi luôn.
Hoàng Oanh nói mà không nhìn lũ bạn:
- Oanh không dám. Hai bác khó lắm.
Nhỏ Kim Chi la toáng lên:
- Trời! Cổ lỗ sĩ vừa thôi. Thời buổi bây giờ hát karaoke là giải trí lành mạnh. Luyện giọng cho vững nhịp, mạnh dạn. Tập làm quen với nếp sống thành phố đi bạn.
Hoàng Oanh cười cười nhưng hết giờ học là cô chuồn êm. Thật ra cô không phải là thánh, nhưng hình ảnh mẹ già dưới quê và lời hứa với Kim Hiên mà cô phải cố gắng, thật ra trong những giờ đau đầu với bộ môn khó nhất thì từ phòng anh Tâm tiếng nhạc vọng lại chập chùng, tiếng trống lời ca xoáy vào màng nhĩ của Oanh khiến cô thiếu điều bịt chặt lỗ tai cố thoát khỏi cơn cám dỗ.
Chỉ được một chút thôi thì chị Duyên chạy sang.
- Xem phim bộ không Oanh, uýnh kiếm ác liệt lắm.
Hoàng Oanh lắc đầu
- Em còn phải học bài.
- Không học gì cả, ờ mà giờ này kênh bảy có phim hình sự cảnh sát bắn bọn buôn lậu ác chiến lắm. Chị sợ em cứ chúi mũi vào sách, mai mốt vác cái kiếng cận thì uổng đời hoa.
Ðang lúc Hoàng Oanh sắp siêu lòng thì anh Trí xuất hiện.
- Duyên về phòng đi. Thực ra Hoàng Oanh học còn yếu lắm. Anh là giảng viên của trường, nếu em có gì không hiểu thì cứ mạnh dạn hỏi anh.
Lời nói của anh Trí như một động lực thôi thúc Hoàng Oanh. Chắc có lẽ không ai biết Oanh đang cần những lời khuyên đó vô cùng. Học bài đến mỏi mệt, Oanh gục đầu trên bàn thiếp đi. Lạ thật! Người mà Hoàng Oanh thấy bây giờ không phải là Hoàng Vũ mà là anh chàng bẻm mép tên Phú kia. Thật ra cô không biết Phú có họ gì, nhà ở đâu. Cô chỉ rõ một chuyện, anh ta là bạn bè của anh Tâm, sinh viên năm cuối đại học Kinh Tế mà thôi. Cách ăn mặc của anh ta thì không sao đoán nổi anh ta thuộc thành phần nào. Ðôi khi rất sang trọng và nhiều khi lại mặc đồ lãng tử bụi bặm như dân chơi chính cống.
Tỉnh dậy trong tư thế ngồi úp mặt xuống bàn, Hoàng Oanh tựa má vào tay cố tìm một giấc ngủ thoải mái hơn nhưng không sao được. Ðồng hồ trên tường thong thả buông một tiếng, mọi người đang thả hồn vào giấc ngủ. Hoàng Oanh bật dậy men theo con đường lát gạch tàu đi về ngôi nhà ẩn khuất giữa tàn me xanh ngát.
Thời tiết nóng nực tới nỗi những khóm hoa già cỗi đi. Không hiểu sao Hoàng Oanh nhìn lướt qua những loài hoa quí khác và dừng lại ở khóm sa nháy. Ngắm màu hoa rực rỡ của nó, trong ánh sáng lờ mờ của trăng sao Hoàng Oanh cảm thấy cả tuổi thơ của mình sống lại.
Hình như có tiếng chó sủa, có cả tiếng huýt gió nhẹ của ai đó. Oanh nhận ra người mới vừa đi đến.
- Ồ! Anh Phú đấy ư? Nhà của anh ở đây à?
Phú gật đầu cười:
- Tôi thường đi học nhưng đây là năm cuối phải mong chóng xin việc làm nên cứ phải bỏ đi tối ngày.
Hoàng Oanh nhìn xung quanh, cảnh vật có vẻ yên vắng lạ lùng.
- Anh ở đây một mình ư?
- Gia đình tôi sống ở Ðà Lạt. Tôi vào đây tự lập.
Hoàng Oanh tròn mắt:
- Anh đừng nói là mảnh đất này và ngôi nhà này là anh mua nha.
- Gần như là vậy.
- Khó hiểu quá.
- Vào nhà đi. Sẽ hiểu nhanh chóng thôi. – Phú cười dễ dãi.
Bốn gốc cột của ngôi nhà được phủ màu đỏ đập vào mắt khiến Hoàng Oanh sờ tay cảm nhận được cái lởm chởm. Cô không hiểu người thợ hồ làm cách nào để tạo ra lối nhủ màu trông rất hay như vậy. Hai phần ba ngôi nhà quét vôi hồng, phần dưới cũng đỏ giống như mấy gốc cột trong ngôi nhà được xây rất công phu và toát lên vẻ uy nghiêm lạ lùng.
Bước vào phòng khách, Hoàng Oanh bỡ ngỡ với vô số quà biếu để trên chiếc bàn giữa, bàn salon, và bốn ngăn kệ rượu đủ loại trình bày rất đẹp mắt. Như thế Phú là một tay sưu tầm các loại rượu trên thế giới. Và đặc biệt có một chiếc xe cuộc dựng bên hông đó.
Thấy Hoàng Oanh nhìn chăm chú, Phú giải thích:
- Ðây là kỉ niệm của ông nội tôi. Hồi còn nhỏ tôi rất rét nội nhưng đến bây giờ thì tôi vô cùng tiếc nuối vì nội đã mất, nếu không tôi sẽ được học hỏi nhiều hơn nữa. À, mà quên, Hoàng Oanh đã quen cuộc sống ở đây chưa?
- Chưa quen lắm, có hơn buồn vì thấy cuộc sống ở đây xô bồ quá. Ðôi lúc lại thấy mình lẻ loi như chim lạc bầy.
- Nhưng cuộc sống Sài Gòn này ai mặc ai, không quan tâm đến dư luận.
Rồi Phú trầm ngâm.
- Tôi lại thích Sài Gòn hơn. Tôi đã quen với cuộc sống nhộn nhịp này rồi. Sống buồn tẻ như quê tôi không chịu được.
Hoàng Oanh mỉm cười dịu dàng.
- Oanh phải về. Biết nhà anh Phú hôm nào rảnh rỗi Oanh sẽ đến chơi còn bây giờ khuya quá. Không ngờ gặp anh lúc nửa khuya thế này.
- Oanh nói chuyện cũng khéo quá chứ. Vậy lúc ở nhà bác Quý, anh thấy khó làm quen và định ở nhà “luyện công” thì Oanh vô tình đến.
- Thôi chào anh.
Cho tới bây giờ Hoàng Oanh mới nhớ đã gặp Phú một lần ở bệnh viện. Anh ta xưng là anh họ của Như Quỳnh. Có lẽ anh quen biết với gia đình của Như Quỳnh rồi nói như vậy không chừng. Tên Phú này bẻm mép dễ sợ và hình như cô có duyên gặp anh ta tới hai lần.
Sáng chủ nhật không có học thêm, anh Trí cũng hoan nghênh ngày chủ nhật nghỉ ngơi này. Dù vậy, Hoàng Oanh vẫn chỉnh tề trong chiếc quần jean màu xám, áo thun vàng ôm gọn thân hình tuyệt vời, cô bước lang thang trên đường phố.
Hôm qua chiều thứ bảy nhớ mẹ vô cùng. Nằm nghiêng trên gối mà nếm từng giọt nước mắt âm thầm đổ. Nếu mẹ mà đến đây một lần chắc đã không nhìn ra Hoàng Oanh quê mùa của mẹ nữa.
Khi vừa lên thành phố, chị Duyên đã ôm sang phòng cô vô số vật dụng gồm áo, quần, váy ngắn, áo đầm, áo thun, đồ trang điểm, nón, găng tay, vớ, giày… Rồi mỗi đợt các anh chị đến sắm sửa Oanh nên cô cũng có nhiều bộ. Trong phòng tắm có đủ loại sữa rửa mặt, kem chống nắng, xà bông, dầu thơm, dầu gội đầu… Và Hoàng Oanh đã được chị Duyên dẫn đi cắt tóc. Mái tóc dài và dày của cô đã gởi về cho mẹ làm đầu tóc mượn. Mái tóc sư tử phù hợp với gương mặt cô đến nỗi ai cũng không nhận ra Hoàng Oanh ngày nào nữa. Ðôi lúc chị Duyên còn phải xuýt xoa:
- Con nhỏ này còn đẹp hơn cả chị. Em có vòng eo lý tưởng quá. Nhìn em anh Trí la chị, con gái gì mà ăn như hạm, có nước ế…
Hoàng Oanh vội hỏi:
- Rồi chị nói sao?
- Còn khuya mới ế, đắt như tôm tươi. Hai ba ngày em phải chặt đuôi một lần.
- Mi nói năng kiểu gì mà man quá vậy. - Anh Trí nhăn mặt.
Cuộc sống thay đổi, thoạt đầu cũng gây cho Oanh cảm giác kì thú. Nhưng sau đó cô chỉ cảm thấy lẻ loi bởi không gian xung quanh êm vắng. Thật khó mà biết chuyện tương lai sẽ đến làm cho con người trôi dạt về đâu. Lúc còn ở quê, Oanh không dám mơ rằng mình thi đỗ vào đại học và càng không dám ao ước có ai đó hằng bảo bọc cho mình như những thành ý của bác Quý từ trước tới nay.
Hoàng Oanh đi men theo lề đường, nắng mai khẽ rung rinh trên vành nón, Hoàng Oanh đến nhà chị Tâm, nơi Như Quỳnh trọ học.
Hoàng Oanh vừa bấm chuông, lấp tức Như Quỳnh hiện ra với gương mặt rạng rỡ:
- Chà, hôm nay chắc có bão.
Nơi Như Quỳnh ở là mặt thụt của nhà. Nhìn dãy phòng im lìm cạnh bên, Hoàng Oanh hỏi nhỏ:
- Người nhà đi đâu hết rồi mi?
- Chị Tâm đi bán vải ở chợ Tân Bình, thấy chỉ bán không lẽ tao bỏ học đi phụ.
Nói đến đó Như Quỳnh rụt vai:
- Một sạp vải tới mấy người phụ lận. Cực lắm. Miệng chị Tâm lúc nào cũng dẻo dai. Ai không vừa ý gì thì đem đổi lại. Người nào tới cũng kêu nước, mời ngồi ghế, thế là người ta không ai đành bỏ đi.
Hoàng Oanh phản bác ngay:
- Lo học đi, đừng nghĩ tới chuyện buôn bán. Bỏ học trong thời gian này tới chừng thi lại thì khó đó.
Như Quỳnh thở ra:
- Tao học muốn điên đầu đây, nhưng sao bây giờ khó tập trung quá. Tao chỉ muốn đi chơi thôi. Tao cúp cua hoài với lý do bệnh. Nhưng mà mày không hay gì sao?
Hoàng Oanh nhăn mặt:
- Hay cái chi?
- Cuộc thi diễn viên điện ảnh sẽ được tổ chức vào tháng tới nè. Tao đi đăng kí rồi.
Hoàng Oanh ngẩn ngơ như người vừa trên hành tinh xuống.
- Nhưng mi định bỏ học thật à?
- Mi có muốn tham dự không? Tao đăng kí luôn cho. Bây giờ ngắm mi quan niệm ta thay đổi rồi. Mi không khác nào đối thủ nặng kí khiến ta phải gờm.
Hoàng Oanh ngơ ngác:
- Là sao?
- Cách ăn mặc, làn da, dáng đi, và nhất là đôi mắt sáng long lanh kia không thua gì cô người mẫu. Mi thật sự lột xác.
Như hiểu ra Hoàng Oanh phì cười:
- Chị Duyên mua quần áo cho tao và hay biếu xén các loại mỹ phẩm làm đẹp nhưng tao ít quan tâm tới lắm. Ðối với tao nó chưa thật sự cần thiết.
Hoàng Oanh vào trong phòng rửa mặt, tiện thể nhỏ Quỳnh rủ rê:
- Mình đi phố chơi Oanh nhé.
Ðang buồn, Hoàng Oanh nhận lời ngay.
- Ừ. Mình đi. Nhưng về sớm trước bữa ăn kẻo mọi người đợi tao đó.
Như Quỳnh nhìn Hoàng Oanh với vẻ thương hại:
- Tội nghiệp mi bị lệ thuộc dữ vậy. Thời buổi này tốp sinh viên từ quê lên như tụi mình phải đi học thêm dữ lắm. Mi tiền đâu mà học.
Hoàng Oanh muốn nói cho Như Quỳnh biết rằng cô có anh Trí dạy kèm nhưng anh Trí thuộc mẫu người nguyên tắc nên luôn có gắng để anh thôi thất vọng.
Như Quỳnh rực rỡ trong váy ngắn màu đỏ khoe đôi chân trắng muốt và chiếc áo thun lửng màu đen. Hai màu đỏ đen phối hợp làm tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ của cô bạn gái nhà giàu. Hoàng Oanh mỉm cười.
- Nếu nhà mi muốn vẻ đẹp của mình được nhân lên, thì phải học. Bởi vì khi người ta giới thiệu về tên tuổi một người nào đó, luôn phải gắn liền với trình độ học vấn.
Như Quỳnh gật gù:
- Mi nói chí lý. Ðược ta sẽ cố gắng lên lớp. Còn nếu không ta sẽ nói với chị Tâm nhờ người thi dùm. Tuyệt đó!
Ý nghĩ làm Như Quỳnh nhảy cẫng lên.
- Hay, Tao thông minh nhất mà. – Rồi Như Quỳnh bật cười. – Không có ai ranh ma qua nổi tao đâu, kể cả mày và Hoàng Vũ.
Mỗi lần nhắc tới Vũ, Oanh muốn khóc. Vũ đã đi ba tháng rồi mà không hề gởi thư về cho cô, dù trước khi đi cô đã cho Vũ địa chỉ của bác Quý. Khung trời trước mắt Oanh là hai hàng cây chơi vơi ngập nắng gợi cho cô nhớ đến hôm chia tay. Oanh chợ nhớ đến lời mẹ nói, mơ mộng cho lắm rồi khổ đó con. Tuy rằng bây giờ Oanh đang trông đợi, nhưng nếu Vũ thay đổi thì cô cũng phải cố mà quên đi tình yêu đầu đời, có phải tình đầu luôn là mối tình bồng bột luôn vụt cánh bay xa không nhỉ? Mới xa nhau có ba tháng mà sao Oanh tuyệt vọng quá.
Hôm Vũ đi, Oanh có đưa ra phi trường không?
- Không. Vũ chỉ gặp nói lời chia tay và cùng Oanh lên thăm mộ Kim Hiên. Ngày giờ Vũ lên đường, Oanh không biết. Chỉ biết mang máng trong tuần đó thôi.
- Vậy đúng rồi. – Như Quỳnh phát nhẹ vai Oanh. – Lý ra mình không nói để Hoàng Oanh mãi hy vọng, đôi khi hy vọng làm cho con người ta phấn đấu và vươn lên. Nhưng thấy Oanh chờ đợi và chung thủy, mình nóng ruột. Theo Quỳnh biết thì gia đình Hoàng Vũ rất thân và hợp tác làm ăn với giám đốc công ty du lịch gì đó. Ông ta có đứa con gái út rất xinh và cùng đi du học với Hoàng Vũ.
- Nói đi! Mình sẵn sàng nghe bạn đây. – Hoàng Oanh thúc giục.
- Phải nói rằng thời gian qua Vũ rất thương Oanh, Kim Hiên đã yên giấc ngàn thu thì mình không nói làm gì. Nhưng trên bước đường tương lai, trước mắt là Vũ mang ơn gia đình cô gái kia. Họ rất đẹp đôi, mà sống bên nhau suốt thời gian dài, thì tình cảm nảy nở là tự nhiên. Mình chỉ nói sơ qua cho bạn đừng bỡ ngỡ, mọi thứ có thể xảy ra. Hôn nhân đôi khi là duyên số, mà cũng có thể là định mệnh. Xa mặt cách lòng là điều có thật trên đời. Có lẽ là Vũ sẽ luôn nhớ về những kỉ niệm đẹp ở tuổi học trò ngày mới lớn, và cũng biết đâu Vũ cũng nhận ra đó không phải là tình yêu.
Ði bên Quỳnh mà tim Hoàng Oanh vỡ vụn. Oanh cố gợi lại trong tư tưởng hình ảnh, những kỉ niệm ngày hai đứa mới học chung với nhau. Ấn tượng ban đầu của Vũ để lại trong mắt Oanh là đôi mắt sáng, chiếc mũi thẳng, gương mặt cương nghị để từ đó Oanh cứ mơ mộng về Vũ cho đến bây giờ. Xót xa thay, Oanh phải quên bóng hình và dáng dấp ấy, Hoàng Vũ đã thuộc về cô gái khác mà Oanh không có quyền giữ trong tim.
Làm sao Oanh có thể quên được Vũ khi mà giữa hai đứa có cả một khoảng thời gian kỷ niệm ở quê nhà. Oanh đau đớn nhớ lại chúng và tiếc nuối vô cùng. Ngày tháng nào đã qua vẫn luôn là những ngày tháng đẹp nhất, muôn đời khắc ghi.
Hình như Như Quỳnh dẫn Oanh đến phòng karaoke vi tính. Tiếng nhạc dồn dập thôi thúc Như Quỳnh tìm số cho bài hát và hát thật sôi nổi. Ðó là một cách trút giận khi thời tiết nắng mưa và lòng người thay đổi ư?
Hoàng Oanh nhắm nghiền đôi mắt, dù không muốn cô cũng bị lôi theo đà phát triển của xã hội. Hạnh phúc đối với Oanh lúc này chỉ là một chiếc bóng, như cơn gió thoảng qua đi để rồi không bao giờ có thể tìm lại được Vũ với bóng hình ngày xưa.
Như Quỳnh sờ tay vào trán Hoàng Oanh, lập tức Quỳnh vẫy taxi đưa Hoàng Oanh về. Con nhỏ này hôm nay sang lạ. Có lẽ chắc mới lãnh lương nhà nên nhất định quậy một bữa ra trò.
Vừa bước vào cổng Hoàng Oanh hắt hơi liên tiếp mấy cái. Mấy hôm nay trời nắng gắt rồi lại mưa lâm râm dễ bị nhức đầu sổ mũi. Oanh nghe nóng ran trong đầu, đăng đắng ở cổ. Không buồn đói bụng, và bây giờ vòng eo của Hoàng Oanh chỉ còn có năm mươi lăm.
Cả nhà im vắng. Trời nắng quá không ai muốn hỏi chuyện với nhau. Tâm hồn non dại của Oanh chỉ còn biết khép kín, cố phủi sạch những giấc mơ êm đềm. Bây giờ nhìn mặt trời Oanh cứ tưởng mặt trăng. Làm sao quên được ngay được điều mà mình hằng muốn nhớ.
Chị Duyên hé cửa gọi Hoàng Oanh:
- Sao không ăn cơm mà nằm vùi ra đấy. Nhỏ này điên thật rồi, trời nóng gần chết, quạt máy quạt muốn sút ốc, văng bù lon mà mi đắp chăn kín mít.
Rồi chị Duyên lại sờ trán Oanh, cử chỉ lo lắng hệt như Quỳnh lúc nãy.
- Con này bệnh rồi. Em thấy trong người thế nào?
- Em chỉ cảm một chút thôi.
- Cả nhà đang chờ cơm em đó. Ông Trí này kì thật, chủ nhật rảnh rỗi, cứ để em ở nhà, không học thì xem tivi, có đâu lại khuyến khích đi chơi, Sài Gòn này em chưa thấy quen cứ đi lang thang ngoài nắng nên bệnh rồi.
Tiếng chị Duyên oang oang khắp phòng. Ngoài cửa đã lố nhố hai ba người.
- Con nhỏ thật thà hết biết. – Tiếng anh Tâm. – Ðược rồi, nếu nhà này không ai rảnh thì Phú này, mỗi sáng chủ nhật nhớ dẫn cô em họ tao đi đây đó dùm để nó theo anh Hai tao riết có ngày điên nặng.
Tiếng bác gái vọng lên:
- Hoàng Oanh sao đó, để bác kêu chị bếp nấu cháo cho con ăn nhé.
Hoàng Oanh ôm chiếc gối vào lòng:
- Bây giờ cổ họng em đắng ngắt, không muốn ăn, thử chiều xem có đỡ không.
- Chị mua thuốc cho em. Cảm nắng rồi đó.
Hoàng Oanh không đáp, không những mệt mỏi vì phải cố học mà dường như là đã quá rã rời. Những suy nghĩ trong đầu, xót xa trong tim, Oanh gục đầu xuống giường mà Oanh không biết mình mắc bệnh gì nữa. |
|
|